Vẽ ra hậu quả việc Putin dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine – Ts. Phạm Đình Bá

Share this post on:

28/9/2022

Ở Gia Nã Đại nơi tôi ở, mô hình nhân quả thường được dùng để giải thích những quyết định có phần quan trọng. Mô hình nầy thường giống như một nhánh cây với những nơi phân nhánh biểu tượng quyết định và các cành biểu hiệu hệ quả của quyết định, bao gồm cả hệ quả của các sự kiện ngẫu nhiên (hình 1). Mô hình là một công cụ hỗ trợ việc phân tích các quyết định và giúp người xem hình dung kết quả một cách có hệ thống.  

Lấy ví dụ Tổng thống Nga Putin không muốn sử dụng vũ khí hạt nhân, cũng như hắn không muốn tiếp tục rút lui trong cuộc chiến ở Ukraine. [1] Nhưng hắn vẫn đánh – bởi vì hắn không thể tự nhận thua cuộc. Điều đó cũng có nghĩa là hắn có thể sẽ dùng bom hạt nhân, vì hắn một lần nữa đe dọa trong tuần này. Hoa Kỳ và Âu châu – và Tập Cận Bình ở Trung Quốc – cần phải quyết định họ sẽ phản ứng như thế nào.

Đối với Putin, leo thang hạt nhân sẽ không phải là cách để giành lấy chiến thắng từ hàm của thất bại, mà là giành lấy sự sống còn – chính trị hoặc thậm chí là sinh mạng – khỏi bờ vực của sự hủy diệt. Không giống như các nhà lãnh đạo dân chủ, hắn không thể về hưu sau tất cả những thiệt hại mà hắn đã gây ra. Là một sử gia lang băm về các Sa hoàng, hắn biết rằng kết cục của mình có thể là cái chết.

Đây là lý do tại sao hắn có thể mạo hiểm để “leo thang để giảm leo thang”. Chiến thuật nầy có nghĩa là dùng vũ khí hạt nhân để tránh thất bại trong một cuộc chiến tranh thông thường (phi hạt nhân). Hắn có thể sẽ cho nổ một hoặc nhiều vũ khí hạt nhân “chiến thuật” (trái ngược với “chiến lược”). Đây là những vụ nổ năng suất thấp, đủ lớn để loại bỏ một vị trí hoặc trung tâm hậu cần của quân đội Ukraine – nhưng quá “nhỏ” để xóa sổ toàn bộ một vùng rộng lớn.

Bằng cách thả một quả bom hạn chế như vậy, Putin sẽ cho thấy hắn sẵn sàng làm như vậy nữa. Động lực của hắn là buộc Ukraine phải đầu hàng và phương Tây không nhúng tay nữa vào cuộc xung đột – nhưng chỉ dùng vũ khí hạt nhân hạn chế để Hoa Kỳ không có đủ lý do để trả đũa. Nếu như vậy, Putin có thể tuyên bố chiến thắng với dân Nga và tiếp tục nắm quyền.

Không cần phải nói, một hành động tuyệt vọng như vậy sẽ đánh dấu bước ngoặt đen tối nhất trong lịch sử nhân loại kể từ khi Hoa Kỳ thả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki ở Nhật để góp phần kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Nó sẽ không chỉ giết chết và gây thương tích cho một số lượng lớn người vô tội – Putin đã làm điều đó – mà còn gây ra nỗi kinh hoàng kéo dài trên toàn thế giới.

Vậy Tổng thống Joe Biden của Hoa Kỳ nên làm gì? Rõ ràng là Biden phải răn đe Putin, đồng thời chuẩn bị phản ứng nếu Putin leo thang. Nhưng đây là hai khía cạnh của cùng một quyết định: Phản ứng ngụ ý cũng có tác dụng răn đe.

Matthew Kroenig một nhà nghiên cứu chiến thuật ở Mỹ đã tóm tắt một số phương án (hình 1). [2] Một câu trả lời cho một cuộc tấn công hạt nhân hạn chế của Nga là tăng gấp đôi, gấp ba hoặc gấp bốn lần tất cả các biện pháp mà phương Tây đã thực hiện để chống lại Putin, cắt đứt hoàn toàn Nga khỏi thế giới phương Tây. Phương Tây cũng sẽ gửi nhiều vũ khí hơn đến Ukraine và nhiều lực lượng hơn, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, đến mặt trận phía đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO (phương án 1, hình 1).

Một phản ứng có chủ ý hạn chế như vậy sẽ nhằm ngăn chặn một vòng xoáy leo thang trước khi nó bắt đầu. Vấn đề là Putin có thể không thấy phản ứng này đủ đáng sợ để răn đe hắn. Hắn đã là một kẻ gây hấn và dân Nga đang đau đầu vì các lệnh trừng phạt. Nếu hắn sợ hãi về sự kết thúc của triều đại hoặc cuộc đời của hắn – và đó, hãy nhớ rằng, đó là viễn cảnh mà chúng ta đang dự tính – hắn vẫn sẽ tiếp tục.

Hình 1. Mô hình của những phương án khi Putin phát động tấn công hạt nhân chiến thuật ở Ukraine [2]

Một vấn đề khác là một phản ứng hạn chế sẽ không phù hợp với gánh nặng thiệt hại của Ukraine. Bạn bè của Kyiv sẽ mất lòng. Các nhà độc tài như Kim Jong Un của Triều Tiên sẽ kết luận rằng chúng có thể đi theo con đường mạo hiểm của Putin và vẫn tồn tại.

Vì vậy, phản ứng của Biden phải mạnh hơn. Biden có hai lựa chọn quân sự (phương án 2 và 3, hình 1). Một là đáp trả bằng hiện vật, bằng cách cũng triển khai một vũ khí hạt nhân chiến thuật năng suất thấp để trình diễn – chẳng hạn như ở Bắc Băng Dương, hoặc Siberia xa xôi (phương án 3, hình 1). Đám mây hình nấm của nó có nghĩa là một dấu hiệu “Dừng lại!” đối với Putin. Nó cũng sẽ trấn an người dân Ukraine và thế giới rằng Hoa Kỳ sẽ đáp trả leo thang ăn miếng trả miếng – rằng họ sẽ thực thi điều cấm kỵ hạt nhân nếu Putin bắt đầu.

Vấn đề là phương án số 3 này sẽ biến cuộc đối đầu ở Ukraine thành “đồng quy vu tận” – Biden và Putin cùng liều mạng với một loạt vụ nổ nguyên tử chiến thuật leo thang thành chiến lược, cả hai bên cùng hủy diệt. Và Nga, nước gần bằng với Mỹ về vũ khí hạt nhân chiến lược, có số đầu đạn chiến thuật nhiều gấp 10 lần. Các kịch bản trở nên không thể tính toán được, đặc biệt là khi tính toán sai lầm hay thông tin giữa hai phe có nhầm lẫn. Sẽ có nguy cơ xảy ra tấn thế (hình 1).

Do đó, lựa chọn quân sự tốt hơn là một cuộc tấn công thông thường của Hoa Kỳ vào các lực lượng Nga (phương án 2, hình 1). Mục tiêu có thể là căn cứ chính xác phát động cuộc tấn công hạt nhân. Hoặc đó có thể là quân đội Nga ở Ukraine.

Phương án 2 này sẽ báo hiệu cho Ukraine và thế giới rằng bất kỳ hành vi vi phạm điều cấm kỵ về xử dụng vũ khí hạt nhân nào từ Putin cũng sẽ bị trừng phạt. Và thông điệp gửi tới Putin là hắn không thể leo thang để giảm leo thang, bởi vì Hoa Kỳ và phương Tây sẽ trực tiếp bước vào cuộc chiến ở Ukraine để đánh bại hắn.

Phương án 2 nầy cũng có điều bất lợi rất rõ ràng. Nó dẫn đến một cuộc đụng độ trực tiếp giữa Nga và NATO, và do đó có nguy cơ xảy ra Thế chiến thứ 3, với tận thế cuối cùng vẫn là một kịch bản (hình 1). Putin có thể kết luận rằng Mỹ chưa sẵn sàng trả đũa bằng vũ khí hạt nhân và thậm chí hắn có thể còn tung ra nhiều cuộc tấn công hạt nhân hơn nữa.

Điều này đặt ra một câu hỏi khác mà Biden phải trả lời: Sau khi quyết định cách ứng phó với các mức độ leo thang hạt nhân khác nhau, Biden nên thông báo điều đó như thế nào – với Putin, các đồng minh, kẻ thù và công chúng?

Nếu Biden muốn tối đa hóa giá trị răn đe trong giao tiếp của mình, Biden sẽ rõ ràng, cụ thể và công khai – Nếu Putin làm X, chúng ta sẽ làm Y. Vấn đề ở đây là Biden sẽ mất tất cả sự linh hoạt khi Putin làm điều gì đó không y chang là X nhưng hơi khác với X một ít.

Lựa chọn tốt hơn – mà Biden dường như đã chọn – là cố tình mập mờ trước công chúng. Điều bất lợi là điều này khiến ngay cả người Ukraine cũng phải đoán. Điều thuận lợi là Putin phải cân nhắc đến phương án nặng nề nhất mà Biden sẽ làm. 

Có một phương án khác nữa (số 5, hình 1). Quay trở lại tiền đề của chúng ta: Putin không muốn dùng vũ khí hạt nhân, nhưng sẽ làm vậy nếu hắn lo sợ rằng sự tồn vong của chính mình bị đe dọa. Mỹ có thể lên kế hoạch thay đổi chế độ – nghĩa là sẽ chủ động để lật đổ Putin và tùy tùng của hắn – trong trường hợp Putin leo thang hạt nhân. Trong trường hợp này, cách tốt nhất là thông báo điều đó không mơ hồ mà cụ thể, không công khai nhưng riêng tư – với Putin.

Nếu có bất kỳ tia hy vọng nào trong thời điểm đen tối này, nó đã lóe lên ở Uzbekistan vào tuần trước, khi Putin gặp các nhà lãnh đạo của Ấn Độ và Trung Quốc, Narendra Modi và Tập Cận Bình. Cả hai quốc gia đều là cường quốc hạt nhân. Ấn Độ không liên kết, Trung Quốc về danh nghĩa đứng sau Putin. Nhưng cả hai đều bày tỏ với Putin “mối quan tâm” của họ về cuộc chiến của hắn.

Bất kể những đối nghịch giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn, bất kể các cuộc xung đột khác đang diễn ra, bóng ma chiến tranh hạt nhân phải và có thể đoàn kết thế giới chống lại mối đe dọa hủy diệt toàn cầu. Một cách kín đáo, Biden, Tập và tất cả các nhà lãnh đạo thế giới khác có thể gạt sự khác biệt của họ sang một bên và gửi cho Putin thông điệp này: Bạn dùng vũ khí hạt nhân, và chúng tôi sẽ đảm bảo bạn sẽ bị lật đổ.

Nguồn:

1. Rajesh Khanna. Andreas Kluth: A decision tree for Biden if Putin goes nuclear. September 23, 2022; Available from: https://recentlyheard.com/2022/09/23/andreas-kluth-a-decision-tree-for-biden-if-putin-goes-nuclear/.

2. Matthew Kroenig. How to deter Russian nuclear use in Ukraine—and respond if deterrence fails. 21/09/2022; Available from: https://www.atlanticcouncil.org/content-series/memo-to-the-president/memo-to-the-president-how-to-deter-russian-nuclear-use-in-ukraine-and-respond-if-deterrence-fails/.