Điểm tin thế giới ngày Thứ ba 27 tháng 4 năm 2021 – Võ Thái Hà tóm lược

Share this post on:

Ấn Độ: Gần 200.000 người chết trong lúc lây nhiễm Covid tiếp tục tăng mạnh

Reuters

Thiết bị y tế từ Anh đến New Delhi, Ấn Độ, ngày 27/4/2021.

Nguồn cung cấp y tế quan trọng đang đổ vào Ấn Độ hôm 27/4 giữa lúc bệnh viện thiếu dưỡng khí oxy và giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19, khiến tổng số người chết nay lên tới 200.000 người, theo Reuters.

Đối tác ANI của Reuters cho biết một chuyến hàng từ Anh, bao gồm 100 máy thở và 95 máy tạo oxy, đã đến Delhi, trong khi Pháp đang gửi các máy tạo oxy có thể cung cấp cho 250 bệnh nhân lượng khí oxy có thể dùng trong một năm, đại sứ quán nước này cho biết.

Chuyến tàu “Oxygen Express” đầu tiên đến thủ đô New Delhi, chở đầy 70 tấn oxy từ một bang phía đông, nhưng cuộc khủng hoảng vẫn chưa nguôi ngoai tại thành phố 20 triệu dân, tâm chấn của đợt lây nhiễm mới nhất.

Bác sĩ K. Preetham của một bệnh viện ở Ấn Độ nói với Reuters: “Vì sự khan hiếm oxy nên chúng tôi buộc phải cho hai bệnh nhân dùng chung một bình oxy.”

Tử vong vì Covid-19 ở Ấn Độ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ đang nỗ lực cung cấp 4.000 máy tạo oxy cho Ấn Độ giữa lúc dịch bệnh tắng mạnh tại nước này với nhiều biến thể virus dễ lây lan hơn và tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Ông Tarik Jasarevic, phát ngôn viên WHO, cho Reuters biết trong một email: “Nhiều người đổ xô đến bệnh viện, mặc dù việc theo dõi chăm sóc tại nhà … có thể được quản lý rất an toàn.”

Trong 24 giờ qua có đến 323.144 trường hợp mắc mới ở Ấn Độ, gần bằng con số lây nhiễm toàn cầu hôm 26/4 với 352.991 trường hợp hôm 26/4, và có thêm 2.771 trường hợp tử vong, nâng số tử vong đến 197.894.

Covid-19: Viện trợ của quốc tế bắt đầu đến Ấn Độ

Viện trợ y tế của Anh Quốc tới New Delhi, Ấn Độ, ngày 27/04/2021. via REUTERS – REUTERS TV

Hôm nay, 27/04/2021, viện trợ của quốc tế bắt đầu đến Ấn Độ để giúp nước này đối phó với làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 đang vượt ra khỏi sự kiểm soát.

Hôm qua, tại Ấn Độ lại có thêm 352.991 ca nhiễm và 2.812 ca tử vong trong một ngày. Rất nhiều nhân viên y tế và nhiều gia đình đang tuyệt vọng tìm khí ô-xy và giường bệnh trong các bệnh viện.  Ấn Độ kể từ nay không thể tự mình đối phó với sự bùng nổ các ca lây nhiễm và số người chết.

Anh Quốc là một trong rất nhiều nước đã thông báo viện trợ thiết bị y tế cho Ấn Độ. Hãng tin AFP trích dẫn thông báo của bộ Ngoại Giao Ấn Độ cho biết là các container đầu tiên chứa tổng cộng 100 máy trợ thở và 95 máy thở ô-xy từ Anh Quốc đã đến New Delhi vào sáng nay.

Tối qua, bộ Ngoại Giao Pháp thông báo là từ đây đến cuối tuần sẽ gởi sang Ấn Độ 8 đơn vị sản xuất khí ô-xy y tế, các container khí ô-xy hóa lỏng, cũng như các thiết bị y tế chuyên dụng, trong đó có các máy trợ thở.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã hứa trợ giúp khẩn cấp cho Ấn Độ. Theo các nguồn tin ngoại giao tại New Delhi được AFP trích dẫn, Berlin sẽ gởi các thiết bị y tế “ngay khi có thể được” và sẽ tặng cho Ấn Độ một nhà máy sản xuất khí ô-xy của quân đội Đức. Nhà máy này sẽ do một máy bay của không quân Đức chở đến, vì đây là một thiết bị nặng và rất nguy hiểm.

Sau cuộc điện đàm hôm qua giữa tổng thống Joe Biden với thủ tướng Narendra Modi, Hoa Kỳ cũng đã hứa trợ giúp khẩn cấp cho Ấn Độ, đặc biệt là các thành phần để sản xuất vac-xin, trang bị bảo hộ, bộ xét nghiệm nhanh và máy trợ thở. Washington cũng đang nghiên cứu khả năng cung cấp khí ô-xy cho New Delhi.

Hai ca nhiễm biến thể virus Ấn Độ ở vùng Venise, Ý

Trong khi đó, chủ tịch vùng Venise hôm qua thông báo đã ghi nhận hai ca nhiễm biến thể virus Ấn Độ ở vùng này. Trước đà lây lan Covid-19 ở Ấn Độ, ngay từ Chủ nhật vừa qua, chính phủ Ý đã ra lệnh cấm nhập cảnh đối với tất cả những người đến từ nước này hoặc trước đó đã ở nước này trong 14 ngày.

Úc tạm ngừng các chuyến bay từ Ấn Độ

Theo hãng tin AFP, hôm nay, chính phủ Úc vừa thông báo quyết định tạm ngưng các chuyến bay từ Ấn Độ cho đến ngày 15/05. Quyết định được đưa ra sau khi thành phố Perth ở bang Tây Úc hôm qua bãi bỏ lệnh phong tỏa 3 ngày. Lệnh phong tỏa này được ban hành sau vụ một người từ Ấn Độ về đã lây virus Covid-19 sang những người khác trong khách sạn nơi mà họ bị cách ly. Chính quyền bang Tây Úc đã yêu cầu chính phủ liên bang tạm ngưng các chuyến bay từ Ấn Độ.

Các cộng sự của Tiến sĩ Fauci từng ‘giao lưu’ với Viện virus Vũ Hán

TS Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ (ảnh: Chụp màn hình NBC News).

Ngoài việc tài trợ cho các nhóm nghiên cứu cộng tác với Viện Virus Vũ Hán (WIV), tiến sĩ Anthony Fauci cũng đã chấp thuận cho các nhà nghiên cứu của Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Mỹ tham dự một hội nghị do phòng thí nghiệm Vũ Hán tài trợ, nơi được nhiều người tin rằng đã tạo ra COVID-19, theo The National Pulse ngày 26/4.

Thông tin về Hội nghị Nhiễm Virus và Phản ứng Miễn dịch (CVIIR) năm 2016, do tạp chí khoa học Nature tổ chức, đã bị gỡ khỏi trang web của tạp chí này, nhưng tờ The National Pulse đã tìm thấy các phiên bản lưu trữ.

Hai nhà nghiên cứu làm việc cho Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (NIAID) của Tiến sĩ Fauci đã tham dự hội thảo được đề cập. Người thứ nhất có tên là Kanta Subbarao giữ chức vụ Trưởng Bộ phận Virus Đường hô hấp Mới nổi của NIAID, người thứ hai là Nancy Sullivan giữ chức Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Bảo vệ sinh học (Biodefense) tại Trung tâm Nghiên cứu vaccine của NIAID. Hiện Sullivan vẫn phục vụ dưới quyền của Fauci trong khi Subbarao đã rời cơ quan để trở thành Giám đốc Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu và Tham khảo về Bệnh Cúm của Tổ chức Y tế Thế giới.

Trong số những người tham gia CVIIR có một số nhà nghiên cứu từ các cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bao gồm Giám đốc đương nhiệm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, và Tổng Giám đốc WIV.

WIV có mối quan hệ chặt chẽ với ĐCSTQ. WIV đã ký kết thỏa thuận “Hợp tác toàn diện” với các chính quyền cấp thành phố ở Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu của WIV cũng đã nhận được giải thưởng từ Liên đoàn Thanh niên Cộng sản và Quốc vụ viện của Trung Quốc.

WIV cũng đã truyền hình Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Một thông cáo báo chí của WIV thuật lại như sau:

“Trong quá trình xem truyền hình trực tiếp, hội trường diễn ra hội nghị giữ trật tự một cách hoàn hảo. Mọi người đang chăm chú lắng nghe báo cáo công việc của Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào và chăm chú ghi chép. Bầu không khí sôi động hẳn lên và cả khán phòng vang lên những tràng pháo tay”.

Tiến sĩ Fauci là Giám đốc của NIAID từ năm 1984 và hiện vẫn là chuyên gia y tế của chính phủ Mỹ được trả lương cao nhất, mặc dù vị tiến sĩ nổi tiếng này có rất nhiều tiên lượng sai về dịch Covid và những lời nói dối trắng trợn.

CVIIR diễn ra sau các báo cáo tiết lộ rằng Viện Y tế Quốc gia Mỹ của Fauci đã dùng hàng triệu đô la tiền đóng thuế của người Mỹ để tài trợ cho nghiên cứu được thực hiện bởi EcoHealth Alliance, một đối tác Mỹ của WIV.

NIAID đã tài trợ sáu khoản riêng biệt với tổng trị giá gần 3.750.000 đô la, tập trung “Tìm hiểu về nguy cơ xuất hiện tình trạng khẩn cấp của Coronavirus Dơi” ở Trung Quốc.

Myanmar: xuất hiện giao tranh; chính quyền quân đội ‘xem xét’ kế hoạch ASEAN

Reuters

Lực lượng KNU diễn hành vào tháng 1/2019.

Giao tranh nổ ra ở miền đông Myanmar gần biên giới Thái Lan vào sáng sớm ngày 27/4 khi nhóm nổi dậy người dân tộc thiểu số Karen tấn công một tiền đồn của quân đội. Cuộc đụng độ này được xem là dữ dội nhất kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2 đã đẩy Myanmar rơi vào khủng hoảng, theo Reuters.

Quân đội Myanmar đánh trả nhóm nổi dậy bằng các cuộc không kích, một nhân viên cứu trợ trong khu vực cho Reuters biết.

Cuộc đụng độ diễn ra khi chính quyền quân đội Myanmar, dường như có tác động bởi nỗ lực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm chấm dứt tình trạng hỗn loạn tại đây, nói rằng họ sẽ “tích cực” xem xét các đề xuất của khối này được đưa ra tại cuộc họp hồi cuối tuần ở Indonesia.

Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á vào cuối tuần cho biết họ đã đạt được đồng thuận với chính quyền quân đội Myanmar về các bước nhằm chấm dứt bạo lực và thúc đẩy đối thoại giữa các bên ở Myanmar.

Liên minh Quốc gia Karen (KNU), lực lượng nổi dậy lâu đời nhất của Myanmar, cho biết họ đã chiếm được căn cứ quân đội ở bờ Tây sông Salween, giáp giới với Thái Lan.

Những người dân làng bên bờ sông phía Thái Lan cho biết có tiếng súng lớn bắt đầu trước khi mặt trời mọc. Video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy có lửa và khói bốc lên trên sườn đồi.

Lực lượng KNU đã chiếm tiền đồn này vào khoảng từ 5 giờ sáng đến 6 giờ sáng giờ địa phương, ông Saw Taw Nee, người đứng đầu bộ phận đối ngoại của nhóm, nói với Reuters.

Ông cho biết doanh trại này trước đây đã bị chiếm đóng và bị thiêu rụi và nhóm vẫn đang kiểm tra số người chết và thương vong. Người phát ngôn cho biết cũng đã xảy ra giao tranh ở những nơi khác, nhưng không cho biết chi tiết.

Quân đội Myanmar chưa đưa ra bình luận ngay.

Người dân Thái Lan có liên hệ với các binh sĩ cho biết rằng căn cứ quân đội ở biên giới Thái Lan phần lớn đã bị lực lượng KNU bao vây và lương thực ở đó đã cạn kiệt trong những tuần gần đây.

Tesla đối mặt nhiều đối thủ cạnh tranh

Trước khi tham gia chương trình “Saturday Night Live” vào ngày 8 tháng 5, Elon Musk có một số câu hỏi nghiêm túc cần trả lời khi hãng xe điện của ông báo cáo thu nhập quý đầu năm vào hôm nay. Trong đó sẽ có nhiều phần về các mối đe dọa cạnh tranh. Trước tiên là Trung Quốc, nguồn tăng trưởng lớn của Tesla. Tesla đang không còn được các quan chức chào đón cuồng nhiệt nữa, thay vào đó các công ty nước này đang trở thành các tâm điểm mới. Và cũng không sáng suốt nếu tranh cãi với chính quyền. Tiếp đến là châu Âu, nơi các nhà sản xuất ô tô lâu đời đang đẩy mạnh sản xuất xe điện. Câu hỏi chính là khi nào Tesla có thể bắt đầu sản xuất ô tô tại nhà máy mới gần Berlin và họ có thể dẫn trước các đối thủ như Volkswagen của Đức trong bao lâu.

Đối với công nghệ tự lái, điều khiến một số nhà đầu cơ rất phấn khởi về công ty, ông Musk cũng sẽ bị chất vấn về vụ tai nạn nguy hiểm của chiếc Tesla Model S ở Texas khiến hai người thiệt mạng.

Ủy ban Nghiệp vụ Thị trường Mở Mỹ họp kỳ tháng 4

Khi kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày bắt đầu từ hôm nay, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ thông báo giữ lãi suất ở mức thấp chưa từng có là 0-0,25%. Hiện đã có những dấu hiệu rõ ràng về một cuộc bùng nổ kinh tế sau đại dịch. Nhưng Mỹ vẫn cần tất cả sự hỗ trợ có thể; trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp còn cao.

Vì vậy cuộc họp này sẽ chẳng có gì đáng nói. Tuy thế các nhà đầu tư sẽ theo dõi hai điều. Thứ nhất là liệu một nền kinh tế đang mạnh lên có khiến Fed đề cập đến việc giảm mua tài sản hay không. Điều này có vẻ khó xảy ra. Hầu hết các nhà đầu tư đều dự đoán các “tuyên bố hạ nhiệt” như vậy phải đến nửa cuối năm nay mới xuất hiện một cách nghiêm túc. Thứ hai là về chính sách tiền tệ mới của Fed. Các nhà quản lý ngân hàng trung ương nói giờ họ có thể chấp nhận lạm phát cao hơn mục tiêu trước đây nhằm hỗ trợ việc làm. Nhưng sự khoan dung này sẽ kéo dài được bao lâu? Cuộc họp hôm nay là một cơ hội tốt để mang đến một số thông tin cần thiết.

Đại diện hai phe đảo Síp gặp Tổng Thư ký LHQ

Hôm nay, các lãnh đạo chính phủ Síp và khu vực ly khai của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc hòn đảo sẽ gặp tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres tại Geneva để thảo luận về việc thống nhất. Vòng đàm phán gần đây nhất giữa chính phủ Síp thân Hy Lạp được quốc tế công nhận và phe ly khai thân Thổ Nhĩ Kỳ đã sụp đổ cách đây 4 năm. Giờ đây họ đang được yêu cầu quyết định xem có nên tiến hành đàm phán hay không.

Khó tìm ra điểm chung giữa hai bên. Phe Síp thân Hy Lạp vẫn cam kết thực hiện giải pháp một nhà nước, trong đó hai cộng đồng sẽ chia sẻ một chính phủ liên bang nhưng vẫn giữ quyền kiểm soát các vấn đề nội bộ của mình. Lãnh đạo mới được bầu của vùng Síp thân Thổ Nhĩ Kỳ, Ersin Tatar, và tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết đã quá trễ để thống nhất. Họ muốn chia tách hòn đảo này vĩnh viễn. Gần năm thập kỷ các cuộc đàm phán, bắt đầu từ khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm phía bắc hòn đảo, đã không đi đến đâu. Hy vọng về một cuộc thống nhất có thể sớm tiêu tan.

Trung Cộng ‘xát muối’ vào vết thương của Ấn Độ trong đại dịch?

Tình hình dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán ở Ấn Độ đang ngày một căng thẳng, nhiều quốc gia đã hứa sẽ giúp Ấn Độ trong thời kỳ rất khó khăn này, Bắc Kinh cũng đi theo các quốc gia khác và tuyên bố “giúp đỡ Ấn Độ”, nhưng đã bị một chuyên gia Mỹ làm bẽ bàng. Các phương tiện truyền thông Ấn Độ thậm chí còn đưa tin rằng ĐCSTQ thực sự đã cắt nguồn cung cấp y tế được chuyển đến Ấn Độ và nhân cơ hội tăng giá vật tư y tế, điều này tương đương với việc xát thêm muối vào vết thương của Ấn Độ.

Trong 5 ngày liên tiếp vừa qua, số ca mắc mới viêm phổi Vũ Hán hay COVID-19 ở Ấn độ mỗi ngày đã vượt quá 300.000 ca. Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu đã khẩn trương giúp đỡ. Chính phủ ông Biden đã hứa cung cấp ngay nguyên liệu, thiết bị y tế và thiết bị bảo hộ cần thiết cho việc sản xuất vắc xin của Ấn Độ.

Vào ngày 26/4, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh cũng cho biết, “Chúng tôi rất lo lắng về tình hình dịch bệnh nghiêm trọng ở Ấn Độ. Nếu Ấn Độ cho chúng tôi biết bất kỳ nhu cầu cụ thể nào, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ”.

Đáp lại điều này, nhà bình luận Hoa Kỳ và chuyên gia về Trung Quốc Gordon G. Chang đã đáp lại bà Hoa trên Twitter:  “Cảm ơn Trung Quốc, bạn có thể giúp Ấn Độ và phần còn lại của thế giới miễn là các vị cho biết Covid-19 đã bắt đầu như thế nào”, sau đó ông viết thêm hashtag “coronavirus” và “Phòng thí nghiệm Vũ Hán”.

Đại dịch đã cướp đi sinh mạng của 3 triệu người trên toàn thế giới, nhưng cho đến nay ĐCSTQ vẫn chưa cung cấp dữ liệu gốc về loại virus này. Thượng nghị sĩ Mỹ thậm chí còn đề xuất một dự luật mới yêu cầu Tổng thống Biden giải mã thông tin tình báo của phòng thí nghiệm virus Vũ Hán ở Trung Quốc.

Ngoài ra, theo “Times of India” đưa tin vào ngày 26/4, hãng hàng không nhà nước của ĐCSTQ – Sichuan Airlines đã thông báo các chuyến bay cung cấp vật tư y tế đến Ấn Độ đã bị đình chỉ trong 15 ngày, điều này khiến các thương nhân và đại lý rất ngạc nhiên, bởi vì họ đã đẩy gấp rút mua máy oxy và các thiết bị y tế khác từ Trung Quốc, định vận chuyển chúng đến Ấn Độ, nơi đang cần gấp những vật liệu này để cứu sống rất nhiều mạng người.

Ngoài ra, các thương nhân cũng phàn nàn rằng các nhà sản xuất Trung Quốc đã tăng giá các nguyên vật liệu liên quan từ 35% đến 40%, và cước vận chuyển cũng tăng lên hơn 20%.

Bắc Kinh chính thức tuyên bố rằng đây là “chính sách chống dịch bệnh do các hãng hàng không xác định” và họ “vô tội vạ giống như Hà Lan và Vương quốc Anh, những quốc gia hạn chế các chuyến bay đến Ấn Độ”.

Hiện tại, hơn một chục quốc gia đã đình chỉ các chuyến bay đến Ấn Độ , nhưng phóng viên của Epoch Times đã xác minh rằng mặc dù Hà Lan và các quốc gia khác đã đình chỉ các chuyến bay đến Ấn Độ, nhưng lệnh cấm không bao gồm các chuyến bay chở hàng hoặc chở nhân viên y tế. Thậm chí các quốc gia như Vương quốc Anh đang tích cực điều động thêm các chuyến bay để vận chuyển thiết bị y tế hỗ trợ Ấn Độ.

Người Campuchia cầu xin thực phẩm khi lệnh cấm cửa được thực hiện nghiêm ngặt

Ảnh: Youtube/DKN.TV.

Các nhà chứng trách Campuchia trong tuần này đã chỉ định 3 khu vực báo động đỏ về tình hình lây nhiễm dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán ở Phnom Penh và một ở thành phố ven biển Sihanoukville. Cư dân ở các nơi này bị cấm rời khỏi nhà trừ trường hợp khẩn cấp, trang Nikkei Asia cho hay.

Bộ Thương mại nước này đã tiếp nhận việc cung cấp và phân phối tất cả các sản phẩm thực phẩm cho các khu vực. Các khu vực ở Phnom Penh là nơi sinh sống của khoảng 50.000 gia đình, trong khi ở Sihanoukville có gần 5.000 hộ gia đình trong ranh giới, theo số liệu điều tra dân số.

Tuy nhiên, theo Nikkei, hoạt động hậu cần dường như vượt quá khả năng của chính phủ. Cho đến nay, hơn 45.000 người đã tham gia một nhóm Telegram của chính phủ để yêu cầu viện trợ lương thực khẩn cấp.

Theo hãng truyền thông địa phương “Tiếng nói dân chủ”, các tổ chức phi chính phủ đang tranh giành nguồn cung đến các khu vực, trong khi những người dân bị cắt điện đã thiết lập các chợ đen bí mật để mua và bán rau tươi. Khi những người dân bị cô lập khẩn cầu thực phẩm tươi sống, việc đóng cửa và lệnh cấm đi lại giữa các tỉnh đã đóng cửa 17 thị trường lớn và cắt đứt chuỗi cung ứng, thì các loại rau của nông dân lại đang bị hư hỏng trên cánh đồng của họ.

Cảnh sát đã trấn áp những thương nhân tiếp tục hoạt động trong các khu vực cấm, tịch thu sản phẩm và để chúng thối rữa trong đồn cảnh sát.

Các chuyên gia của Liên hợp quốc đã thúc giục chính phủ Campuchia loại bỏ các hình phạt “hoàn toàn không tương xứng”, và đại diện của nước này bác bỏ ở Liên hợp quốc. Tuy nhiên, mọi thứ đã đi quá xa sau khi xuất hiện cảnh quay cảnh cảnh sát dùng gậy mây và dùi cui để đe dọa và đánh đập người dân trên đường phố.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Campuchia Sar Kheng, người giám sát cảnh sát, đã đưa ra một tuyên bố yêu cầu các sĩ quan “tránh sử dụng bất kỳ hình thức bạo lực nào” khi thực hiện nhiệm vụ của họ.

Trên Facebook, Bộ trưởng Thông tin đã lên án việc sử dụng bạo lực của các nhà chức trách, gọi đó là hành động “sai trái”.

Ngay cả tờ báo Khmer Times thường cứng rắn ủng hộ chính phủ cũng chỉ trích đóng cửa trong một bài xã luận, nói rằng sự kém cỏi, thiếu nhất quán và lập kế hoạch kém đã dẫn đến một “kịch bản ác mộng”. Tờ báo viết: “Các nhân viên an ninh về cơ bản không thể phân biệt được mục đích của việc đóng cửa và việc điều hành một nhà tù”.

Số ca nhiễm COVID-19 ở Thái Lan tăng mạnh

Khoảng 2.048 trường hợp mắc bệnh mới đã được công bố vào ngày 26/4, đồng thời ​​Thái Lan cũng ghi nhận số người tử vong do COVID-19 cao nhất trong 1 ngày với 11 trường hợp vào hôm 25/4.

Số ca nhiễm COVID-19 ở Thái tăng một cách đột biến, tổng số ca nhiễm bệnh là 57,500 vào hôm 26/4, tăng so với chỉ 29,000 ca vào đầu tháng 4/2021.

Sự gia tăng này khiến cho chính phủ  Thái Lan phải áp đặt các biện pháp hạn chế mới (có hiệu lực vào hôm 26/4) nhằm cố gắng ngăn chặn một đợt bùng phát dịch bệnh.

Tại Bangkok, nơi mà dịch bệnh mới nhất bùng phát bắt nguồn từ một khu giải trí về đêm, cũng như 46 tỉnh thành khác. Đeo khẩu trang hiện đang là quy định bắt buộc ở những nơi công cộng, nếu không sẽ bị phạt 20,000 baht (khoảng 815 Úc kim).

Chính quyền ở Bangkok đã đóng cửa một loạt các địa điểm bao gồm rạp chiếu phim, công viên, phòng tập thể dục, hồ bơi, spa.

Một bệnh viện ở Bangkok (ảnh Reuteurs)

Các hạn chế mới được đưa ra 1 tuần sau khi chính quyền yêu cầu đóng cửa các quán bar và câu lạc bộ đêm, và cấm các nhà hàng phục vụ rượu.

Trước đợt bùng phát gần đây nhất, Thái Lan đã có thể giảm thiểu tình trạng lây nhiễm nhờ việc hạn chế đi lại và thực hiện cách ly một cách nhanh chóng đối với các trường hợp đã mắc bệnh. Tuy nhiên, Thái Lan đã chậm chân trong việc tiêm chủng, khiến quốc gia này bị tụt hậu so với các nước khác trong khu vực.

Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết trên Facebook rằng chính phủ đang cố gắng cung cấp thêm liều vắc-xin và tăng cường chương trình tiêm chủng cho 300,000 người mỗi ngày.

Nước láng giềng Campuchia cũng đang phải đối mặt với một làn sóng đại dịch mới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các chủ nhà máy trong lĩnh vực may mặc bảo vệ người lao động.

Li Ailan (đại diện WHO tại Campuchia) cho biết: “Các đợt bùng phát hiện nay tại các nhà máy và khu chợ là một lời nhắc nhở đau đớn về tầm quan trọng của việc đầu tư cho các biện pháp giảm thiểu trước khi bùng phát các ca nhiễm bệnh, để giúp ngăn chặn sự lây lan của virus”.

Li kêu gọi các chủ nhà máy thực hiện việc kiểm tra nhiệt độ nhiều hơn và sắp xếp lại các phân xưởng để tạo điều kiện cho việc giãn cách xã hội.

Phnom Penh đã bị phong tỏa trong 12 ngày nay, vào tuần trước, chính quyền đã yêu cầu đóng cửa tất cả các khu chợ ẩm ướt trong thành phố trong 14 ngày.

Hôm 25/4 vừa qua, Thủ tướng Hun Sen đã ra lệnh thực thi các biện pháp phong tỏa một cách cứng rắn hơn.

Campuchia đã báo cáo có tổng cộng 9,975 trường hợp mắc COVID-19, và 74 ca tử vong (tính cả 10 trường hợp được phát hiện vào hôm 24/4) – con số kỷ lục trong 1 ngày của nước này.

Nước láng giềng Lào, nơi dường như đã thoát khỏi áp lực đến từ đại dịch năm 2020, cũng đang chứng kiến bùng phát số ca nhiễm bệnh, từ 58 trường hợp lên 323 ca trong vòng chưa đầy 1 tuần.

Thủ đô của nước này là Vientiane đã bị phong tỏa trong thời gian ngắn vào tuần trước, trong đó chính quyền cấm người dân rời khỏi nhà, ngoại trừ đi mua sắm và đến bệnh viện.