Số ca nhiễm lập đỉnh mới, Indonesia chuẩn bị cho đợt bùng phát tồi tệ hơn
Ảnh minh họa: Youtube/ABC News.
Indonesia ngày 15/7 báo cáo thêm 56.757 ca nhiễm và 982 ca tử vong vì COVID-19. Đây là số liệu cao kỷ lục ở nước này ngày thứ tư liên tiếp. Nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên hơn 2,7 triệu người, trong đó đã có 70.192 trường hợp đã tử vong.
Hiện các cơ sở y tế ở Indonesia đã quá tải, nhu cầu về ôxy và thuốc men và oxy tăng vọt. Khi nhiều người đang tự cô lập mình ở nhà và tự mua thuốc, giá thuốc đã tăng vọt tại các hiệu thuốc và trực tuyến.
Bộ Y tế Indonesia sau đó đã chuyển sang giới hạn giá các loại thuốc như favipiravir, remdesivir và ivermectin.
Cơ quan thực phẩm và dược phẩm của Indonesia đã cho phép sử dụng ivermectin trong trường hợp khẩn cấp chống lại COVID-19, mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới, cũng như các cơ quan quản lý châu Âu và Hoa Kỳ không khuyến nghị sử dụng nó cho bệnh nhân nhiễm virus corona.
Trong ngày 15/7, Indonesia nhận được lô hàng gồm 1,16 triệu liều vaccine AstraZeneca. Đây là lô hàng thứ hai mà chính phủ Nhật Bản gửi đến người dân Indonesia. Trước đó, chính quyền Tokyo cũng gửi một triệu liều vaccine đến quốc gia Đông Nam Á.
Đến nay, Indonesia đã bảo đảm trữ lượng vaccine ngừa COVID-19 gồm hơn 140 triệu liều. Phần lớn trong đó là vaccine Sinovac do Trung Quốc sản xuất.
Cùng ngày, một Bộ trưởng Indonesia cho biết nước này đang chuẩn bị cho đợt bùng phát tồi tệ hơn.
Trong một cuộc họp báo được phát trực tuyến, Bộ trưởng cấp cao Luhut Pandjaitan cho biết các ca nhiễm hàng ngày vẫn có thể tăng cao vì biến thể Delta.
Ông Luhut nói: “Chúng ta đã ở trong tình huống xấu nhất của mình”, “Nếu chúng ta đang nói về 60.000 (ca mỗi ngày) hoặc nhiều hơn thế một chút, chúng ta không sao. Chúng ta không hy vọng là 100.000, nhưng ngay cả khi chúng ta đến đó, chúng ta đang chuẩn bị cho điều đó”.
Hiện chính phủ indonesia đã chuyển đổi một số tòa nhà thành cơ sở cách ly, đưa các bác sĩ và y tá mới tốt nghiệp để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 và nhập khẩu thuốc điều trị và oxy.
Biden cùng Merkel đoàn kết chống Nga và Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) và thủ tướng Đức Angela Merkel trong buổi họp báo chung ở Nhà Trắng, ngày 15/07/2021. AP – Susan Walsh
Tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Đức Angela Merkel, trong cuộc gặp hôm 15/07/2021 tại Nhà Trắng, đã cam đoan đoàn kết chống Nga và Trung Quốc. Tuy bất đồng về dự án ống dẫn khí Nord Stream 2, nhưng hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh Nga không nên sử dụng năng lượng làm vũ khí, và đôi bên đồng thuận bảo vệ các nguyên tắc dân chủ nếu Trung Quốc phá hoại.
Reuters dẫn lời tổng thống Biden trong cuộc họp báo chung, rằng Hoa Kỳ và Đức đoàn kết nhằm bảo vệ các đồng minh NATO chống lại sự tấn công của Nga. Hai nước cũng đấu tranh cho các nguyên tắc dân chủ và các quyền phổ cập, một khi thấy Trung Quốc hay nước nào khác muốn phá hoại một xã hội tự do, cởi mở.
Bà Merkel cầm quyền từ năm 2005, đã nhiều lần được tiếp đón ở Phòng Bầu dục, Joe Biden là tổng thống Mỹ thứ tư mà bà gặp gỡ.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường thuật :
« Bà thủ tướng biết Phòng Bầu dục còn rõ hơn tôi » – ông Joe Biden nói đùa, trước khi ca ngợi sự nghiệp kiệt xuất của Angela Merkel. Còn bà Merkel thì nói lên nỗi xúc động sau trận lụt gây tang tóc cho đất nước mình. Sau đó hai nhà lãnh đạo bày tỏ tình đoàn kết, nhấn mạnh đến các chủ đề muốn tăng cường hợp tác, nhất là trong việc phân phối vac-xin chống Covid và đấu tranh chống biến đổi khí hậu. Điểm bất đồng duy nhất mà ai cũng biết, là dự án ống dẫn khí Nord Stream 2.
Ông Biden tuyên bố : « Bạn bè tốt vẫn có thể có những bất đồng, nhưng thủ tướng Đức và tôi đã yêu cầu nhóm cộng tác nghiên cứu các biện pháp thực tiễn mà chúng tôi có thể cùng thực hiện, để an ninh năng lượng của Ukraina không bị yếu đi vì các hành động của Nga. Để xem… ».
Thủ tướng Đức nhìn nhận bất đồng với tổng thống Mỹ về ống dẫn khí. Nhưng Angela Merkel nói rằng bà an tâm, nêu ra khả năng châu Âu trừng phạt Nga nếu Matxcơva không tôn trọng các cam kết đối với Ukraina ».
Hoa Kỳ coi trọng vai trò của Đức, nền kinh tế hàng đầu châu Âu và đồng minh NATO, có thể là nhịp cầu kết nối quan hệ với Nga, Trung Đông, Bắc Phi. Hiện có 36.000 quân nhân Mỹ trú đóng trên lãnh thổ Đức.
Trung Quốc mở sàn giao dịch carbon
Cuối cùng thị trường carbon rất được mong chờ của Trung Quốc cũng sẽ bắt đầu giao dịch từ hôm nay. Sàn giao dịch khí thải này — lớn nhất thế giới — được công bố lần đầu vào năm 2017, song bỏ lỡ hạn ra mắt vào ngày 30 tháng 6.
Ban đầu thị trường sẽ bao gồm khoảng 2.225 nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, vốn chiếm từ một phần ba cho đến một nửa tổng lượng khí thải của cả nước. Nhưng nó sẽ không giúp ích nhiều cho mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060 của chính phủ Trung Quốc.
Trung Quốc ưu tiên sản xuất hơn là giảm lượng khí thải ngay lập tức. Các công ty được cấp hạn ngạch lớn để tiếp tục thải ra nhiều carbon; trong khi tiền phạt khá thấp. Giá carbon có thể chỉ khoảng một phần mười ở châu Âu. Chính phủ Trung Quốc nói họ muốn nhanh chóng mở rộng sàn giao dịch. Nhưng hiện tại nó sẽ không thể thay đổi vị thế nước gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới của họ.
Ả Rập Saudi tiếp tục hạn chế hành hương đến Mecca
1,9 tỷ người Hồi giáo trên thế giới phải thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng là viếng thăm thánh địa Mecca một lần trong đời. Điều đó có nghĩa gần 30 triệu người Hồi giáo mỗi năm nên đi hành hương. Nhưng năm nay, khi haj (hành hương về Mecca) bắt đầu vào 18 tháng 7 sẽ chỉ có 60.000 người làm vậy. Đó là vì Ả Rập Saudi tiếp tục cấm người nước ngoài và hạn chế khách đến vì đại dịch covid-19.
Du lịch khắp Trung Đông giảm 80%. Hàng triệu người đã mất việc làm. Nhưng điều đó không làm lu mờ tham vọng của thái tử Saudi Muhammad bin Salman. Gần đây ông đã công bố thành lập một hãng hàng không quốc gia mới, Flynas, trong khi đang chi hàng tỷ đô la cho các khu nghỉ dưỡng dọc theo bờ Biển Đỏ. Ông muốn dùng du lịch và ngành công nghiệp giải trí để đưa vương quốc bước sang trang mới. Ông tin rằng thế giới đóng cửa càng lâu, thì vương quốc càng có nhiều thời gian để bắt kịp.
Phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ công bố kế hoạch cơ sở hạ tầng
Tuần này Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, thông báo đảng của ông đã đồng ý về một kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 3,5 nghìn tỷ đô la. Tổng thống Joe Biden hy vọng đề xuất này, khi đặt kèm với một dự luật cơ sở hạ tầng lưỡng đảng riêng biệt đã thống nhất với phe Cộng hòa trị giá 1,2 nghìn tỷ đô la, sẽ giúp chuyển đổi nền kinh tế Mỹ.
Hai đề xuất sẽ được chuyển thành luật. Nhưng đàm phán rất khó khăn. Để thông qua dự luật lưỡng đảng, ông Biden vừa phải thuyết phục các thượng nghị sĩ cấp tiến, những người nói nó chi quá ít cho các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, vừa kêu gọi được ít nhất mười đảng viên Cộng hòa. Và để thông qua dự luật lớn hơn của các thượng nghị sĩ Dân chủ, ông còn phải xoa dịu phe trung dung trong đảng mình, những người phản đối đề xuất chi 6 nghìn tỷ đô la. Ông Schumer muốn đạt tiến bộ trước khi Quốc hội nghỉ họp vào tháng 8. Mùa thu này là cơ hội cuối cùng để đạt thỏa thuận trước khi mùa bầu cử giữa kỳ ở Mỹ khai mạc. Bởi vì khi ấy mọi chuyện sẽ trở nên rất phức tạp.
Đang có một làn sóng đầu tư vào fintech
Các công ty công nghệ tài chính từng là một phần tách biệt của cuộc bùng nổ công ty khởi nghiệp. Không còn nữa. Các nhà đầu tư giờ đây đang ném tiền vào lĩnh vực này. Các công ty fintech đã thu hút được con số kỷ lục 34 tỷ đô la vốn đầu tư mạo hiểm chỉ trong 3 tháng của quý 2. Làn sóng này phản ánh nhu cầu cao từ các nhà đầu tư khi xuất hiện các cuộc cách mạng kỹ thuật số trong lĩnh vực tài chính.
Làn sóng đầu tư cũng tập trung vào các công ty khởi nghiệp lớn nhất, khi nhiều hãng đang đạt mức định giá hàng tỷ đô la. Mới tuần trước Wise, một công ty chuyển tiền, đã lên sàn London với mức định giá gần 8,8 tỷ bảng Anh (12,2 tỷ USD). Các nhà đầu tư tổ chức, chẳng hạn như BlackRock, đang tìm cách đầu tư sớm vào các công ty khởi nghiệp có triển vọng trước khi ra công chúng nhằm hưởng lợi khi chúng tăng trưởng —dĩ nhiên là chấp nhận rủi ro. Một số công ty fintech có thể thất bại; còn số khác có thể phải vật lộn để duy trì đổi mới. Mặc dù định giá cao không phải lúc nào cũng hợp lý, nhưng rõ ràng fintech sẽ ngày càng chiếm phần lớn hơn trong ngành ngân hàng và thanh toán.
Covid-19: Việt Nam phê duyệt khẩn cấp vac-xin Johnson&Johnson
Ảnh minh họa: Việt Nam khẩn cấp phê duyệt vac-xin của hãng Johnson&Johnson trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh trong nước. AP – Matt Rourke
Hôm qua, 15/07/2021, Việt Nam đã phê duyệt khẩn cấp vac-xin ngừa Covid-19 của hãng Johnson&Johnson trong bối cảnh số ca nhiễm mới mỗi ngày liên tục phá kỷ lục.
Đây là loại vac-xin thứ 6 được Việt Nam phê duyệt « có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch ». Năm loại vac-xin đã được cấp phép sử dụng trước đó ở Việt Nam là Pfizer/BioNTech, AstraZeneca, Moderna, Sputnik-V của Nga và Sinopharm của Trung Quốc.
Việt Nam hiện đang nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng trong bối cảnh số ca nhiễm mới mỗi ngày trên toàn quốc đã vượt qua ngưỡng 3.000 ca, tạo thêm áp lực cho các nhân viên y tế. Riêng thành phố Hồ Chí Minh, hôm qua đã có thêm 2.691 ca nhiễm mới được ghi nhận.
Theo báo Nhật Bản Nikkei Asia, thành phố Hồ Chí Minh đang bên bờ vực của « sụp đổ y tế ». Chính quyền của thành phố đang chuẩn bị xây thêm 5 bệnh viện dã chiến với tổng cộng 50.000 giường, trong khi 19 bệnh viện dã chiến hiện có đang thiếu nhân viên y tế và trang thiết bị.
Hôm qua, thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo cho các bộ, ngành, địa phương triển khai « một số biện pháp cấp bách » để hỗ trợ cho thành phố Sài Gòn và một số tỉnh, thành phố phía Nam để chống dịch.
Theo Nikkei Asia, thành phố Hồ Chí Minh vẫn là đầu tầu kinh tế của Việt Nam, trong năm 2020 đóng góp đến 22,3% GDP của quốc gia và đóng góp đến 27,5% ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2011-2019.
Tác hại đến sản xuất
Do tình hình dịch bệnh ngày càng trầm trọng, hôm qua, hãng sản xuất giày của Hàn Quốc Changshin đã phải đóng cửa ba nhà máy của họ gần thành phố Hồ Chí Minh. Đây là nhà cung cấp lớn thứ hai của hãng Nike phải tạm dừng sản xuất tại Việt Nam. Hôm thứ tư, hãng Pou Chen của Đài Loan sản xuất giày cho Nike Adidas cũng đã phải đóng cửa các nhà máy ở Sài Gòn cho đến ngày 23/07.
Vì sao đang có đợt mưa gây lụt lội làm chết hơn 100 người ở các nước Tây Âu?
Nguồn hình ảnh, EPA
Chụp lại hình ảnh,
Toàn bộ làng Schuld, vùng Tây Đức bị lụt tàn phá – ảnh chụp hôm 15/07
Mưa to gây lũ lụt khiến hơn 100 người thiệt mạng ở các nước Tây Âu, với Đức bị thiệt hại nhiều nhất.
Chỉ riêng tiểu bang Rhineland-Palatinate của Đức có ít nhất 50 người chết vì mưa lũ gây sập đường xá, đổ nhà…và rất nhiều người Đức vẫn bị cho là mất tích, tính đến 15/07/2021.
Chừng 1.300 cư dân khu Ahrweiler của bang Rhineland-Palatinate vẫn thuộc nhóm “mất tích”.
Bang Bắc Rhine-Westphalia ghi nhận 43 ca tử vong nữa, theo giới chức Đức.
Tổng số trường hợp tử vong tại Đức, tính đến sáng 16/07 là 93.
Còn tại Vương quốc Bỉ, đài BTBF đưa tin 14 người dân chết vì lụt.
Tình hình tại Hà Lan, Luxembourg và Thụy Sĩ cũng rất đáng lo ngại.
Ở Hà Lan, hôm 15/07, chính quyền khuyến cáo dân từ các thị trấn và làng mạc dọc sông Meuse, tỉnh Limburg tạm thời sơ tán cho đến hết chiều thứ Sáu 16/07 vì nước sông dâng cao.
Một số hồ nước của Thụy Sĩ có nguy cơ vỡ đập chắn vì nước dâng.
Mưa lớn cũng ngăn cản hoạt động du lịch ở vùng núi và hồ của Áo, theo Euronews.
Trái Đất nóng lên gây ra thời tiết cực đoan
Theo phân tích của phóng viên môi trường cho đài BBC, ông Roger Harrabin vì “Bắc Bán cầu từ một thời gian qua chịu tác động luân phiên của các đợt nóng, hạn, và mưa lớn.
“Các nhà khoa học đã lên tiếng phê phán giới chức các nước không chuẩn bị tốt để bảo vệ công dân của nước họ trước tình trạng thời tiết biến đổi cực đoan, ở phía Bắc châu Âu và Hoa Kỳ.”
Các vùng này được giới khoa học cho là sẽ còn tiếp tục bị cơn nắng nóng hoặc mưa lũ gia tăng, vì biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Thời gian qua, Mỹ và Canada ghi nhận đợt nóng kỷ lục, gây chết người.
Hannah Cloke, Giáo sư thủy văn ĐH Reading, Anh Quốc nói: “Các ca tử vong, sự tàn phá khắp châu Âu là hệ quả của lũ lụt đã có thể tránh được.
Lụt lội tại Bỉ gây chết người và tàn phá tài sản
“Các cơ quan dự báo đã nêu ra báo động ngày đầu tuần nhưng người ta vẫn coi nhẹ, và việc phòng chống (lũ lụt) hoàn toàn không đủ.”
Dự kiến vào tháng 11/2021, Hội nghị thượng đỉnh LHQ về Biến đổi Khí hậu (COP- 26), sẽ họp ở Glasgow, LH Vương quốc Anh để tái cam kết về các mục tiêu cắt giảm CO2 và ngăn Trái Đất nóng lên.
Tuy thế, có những ý kiến cảnh báo rằng có thể nhiều mục tiêu con người đặt ra đã muộn hơn so với thay đổi của bầu khí quyển, gây biến đổi bất thường về thời tiết.
Singapore quan tâm các ca nhiễm Covid-19 ở quán karaoke, liên quan người Việt
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Bức ảnh cũ chụp ngày 27 tháng 8 năm 2008 này cho thấy các dãy quán rượu và quán bar dọc theo một con phố ở Tanjong Pagar, Singapore.
Singapore vào hôm thứ Sáu 16/7 cho hay có thêm 53 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó 32 trường hợp thuộc nhóm các phòng hát karaoke.
Hiện có tổng cộng 120 trường hợp được cho là liên quan các quán karaoke tại hòn đảo.
Các phòng hát karaoke đã trở thành ổ virus mới nhất của Singapore.
Tổng cộng 54 trường hợp hiện đã được truy tìm từ ít nhất ba quán karaoke. Cả ba đã tạm thời bị đóng cửa.
Trường hợp đầu tiên được báo cáo trong cụm karaoke có liên quan đến một người có giấy tờ thăm ngắn hạn Singapore từ Việt Nam. Nhà chức trách phát hiện cô này thường lui tới nhiều quán karaoke.
Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh (ICA) và Bộ nhân lực (MOM) cho biết ca nhiễm đầu tiên được báo cáo trong cụm karaoke, là một người Việt Nam có thẻ du lịch ngắn hạn, vào Singapore vào tháng 2 qua đường quan hệ gia đình.
“Theo kiểm tra của ICA, công dân Việt Nam này nhập cảnh vào Singapore vào tháng 2 năm 2021 qua con đường quan hệ gia đình, được bảo trợ bởi một công dân Singapore là bạn trai của cô ấy,” ICA và MOM cho biết trong một tuyên bố chung.
Bộ Y tế Singapore (MOH) cho biết họ cũng đang điều tra một nhóm nữ tiếp viên Việt Nam thường xuyên lui tới các phòng hát như vậy.
Giới chức đã kêu gọi bất cứ ai tiếp xúc với các nữ tiếp viên hoặc những người đã đến các phòng hát karaoke bị ảnh hưởng – Supreme KTV, Empress KTV và Club Dolce – hãy đến để được kiểm tra miễn phí. Họ đã đảm bảo sẽ được ẩn danh.
Dịch vụ tiếp viên trong quán karaoke và quán bar đã bị cấm hơn một năm.
“Chúng tôi biết về những trường hợp như vậy xảy ra ở Hàn Quốc, ở Hong Kong, cuộc sống về đêm – mọi người đến rất gần nhau, một số có nữ tiếp viên, và dẫn đến các cụm lớn. Vì vậy, chúng tôi chưa bao giờ cho phép các hoạt động như vậy trong hơn một năm qua”, Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung nói.
“Vì vậy, điều này xảy ra bây giờ đã gây rắc rối, đáng thất vọng.”
Các cơ sở giải trí về đêm của Singapore – bao gồm cả hộp đêm và cửa hàng karaoke – đã đóng cửa kể từ tháng 3 năm 2020 như một phần của các biện pháp nghiêm ngặt. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã được phép chuyển hướng sang các cửa hàng thực phẩm và đồ uống.
Đây không phải là lần đầu tiên các cơ sở giải trí về đêm có liên quan đến sự bùng phát của Covid-19.
Tại Đài Loan, một số lượng lớn đã được phát hiện có liên quan đến các “quán trà” – địa điểm vui chơi giải trí dành cho người lớn trên đảo.
Ở Hàn Quốc cũng vậy, có một sự gia tăng các trường hợp nhiễm virus liên quan đến hộp đêm.