Chất bán dẫn trong chính trị quốc tế

Share this post on:

Tin tổng hợp – Trung Hiếu 

23/9/2023

Chất bán dẫn: Dầu mỏ của nền kinh tế mới và tham vọng của Việt Nam

Chuyên gia: Ngành bán dẫn trở thành một vấn đề chính trị quốc tế

Chuyên gia: Việt Nam có tìm được chỗ đứng trong ngành bán dẫn?

RFA
22/11/2022

” Ngày 9/8/2022, Hoa Kỳ thông qua ( bấm vào để xem fact sheet: CHIPS and Science Act Will Lower Costs, Create Jobs, Strengthen Supply Chains, and Counter China )

Đạo luật CHIPS, chi 52,7 tỷ đô la cho “nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phát triển lực lượng lao động chất bán dẫn”, nhằm giảm sự phụ thuộc vào chip điện tử sản xuất bên ngoài Mỹ. Nhưng theo một phân tích của Goldman Sachs, công bố ngày 26/10/2022, thì “Đạo luật CHIPS không có khả năng làm giảm sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào Châu Á.”

Chất bán dẫn: Dầu mỏ của nền kinh tế mới và tham vọng của Việt Nam

Tại Hà Nội 16 năm trước, Chủ tịch Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) Morris Chang và phu nhân chụp ảnh cùng Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết và phu nhân. 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters 

Theo ước tính vào đầu năm 2022 của Awi Federgruen, Trưởng khoa quản trị tại Trường Cao học Kinh doanh, Đại học Columbia, việc thiếu hụt chip điện tử toàn cầu mấy năm qua đã ảnh hưởng trực tiếp không dưới 169 ngành công nghiệp khác nhau. Ví dụ, năm ngoái, do thiếu hụt chip điện tử, ngành sản xuất xe hơi phải giảm sản lượng, sản xuất ít hơn gần bốn triệu chiếc xe so với năm trước đó. 

Có thể nói, chip điện tử đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong nền kinh tế dựa trên công nghệ cao. 

Chất bán dẫn trong chính trị quốc tế

Theo một báo cáo của Boston Consulting Group, khoảng 75% công suất sản xuất chất bán dẫn, cũng như nhiều nhà cung cấp vật liệu quan trọng cho việc sản xuất chip – chẳng hạn như tấm silicon, chất cản quang, và các hóa chất đặc biệt khác – tập trung ở Trung Quốc và Đông Bắc Á. 

Hơn nữa, tất cả năng lực sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất trên thế giới — ở mức dưới 10 nanomet — hiện nằm ở Hàn Quốc (8%) và Đài Loan (92%). Đối với Hoa Kỳ, đây là khu vực có nhiều bất ổn địa chính trị. Nếu những bất ổn này gây gián đoạn quá trình sản xuất và cung cấp chip điện tử, nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiệm trọng. 

Ngày 9/8/2022, Hoa Kỳ thông qua Đạo luật CHIPS, chi 52,7 tỷ đô la cho “nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phát triển lực lượng lao động chất bán dẫn”, nhằm giảm sự phụ thuộc vào chip điện tử sản xuất bên ngoài Mỹ. Nhưng theo một phân tích của Goldman Sachs, công bố ngày 26/10/2022, thì “Đạo luật CHIPS không có khả năng làm giảm sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào Châu Á.”

Ngoài ra, để tránh rủi ro khi quá trình sản xuất những sản phẩm quan trọng, trong đó có chip điện tử, phụ thuộc vào Trung Quốc, Hoa Kỳ đã công bố chính sách “friend-shoring” (chuyển sản xuất đến những nước thân thiện với mình), như Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã nói tại Atlantic Council hôm 13/4/2022. 

Chip điện tử: Đài Loan – Trung Quốc phụ thuộc lẫn nhau 

TSMC (Công ty TNHH Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan) cho biết doanh thu tháng tám khoảng bảy tỷ USD, chiếm hơn một nửa sản lượng chip toàn cầu. Với vị thế này, TSMC trở thành “lá chắn” cho Đài Loan trước đe dọa về an ninh của Trung Quốc: cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều cần đến họ. 

Theo báo cáo thường niên của TSMC, doanh thu tại Trung Quốc năm 2021 chiếm khoảng 10% tổng doanh thu của công ty này. TSMC là công ty Đài Loan sản xuất chip lớn nhất thế giới. Xét từ phía Trung Quốc, trong sáu tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 79.4 tỷ USD chip điện tử, trong đó Đài Loan chiếm 37.7%. Như vậy Trung Quốc phụ thuộc vào Đài Loan 37.7% lượng chíp nhập khẩu, trong đó đa phần là của TSMC. 

Ngược lại, Đài Loan cũng phụ thuộc vào Trung Quốc, tuy không phải ở lĩnh vực công nghệ cao. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan, Trung Quốc chiếm 42% còn Mỹ chiếm 15%. Do đó giả sử Trung Quốc cấm vận hoàn toàn hàng hóa của Đài Loan thì kinh tế Đài Loan sẽ gặp khó khăn lớn. 

000_96P8KX.jpg

Nhà máy của TSMC ở Đài Chung, Đài Loan. AFP 

Việt Nam muốn sản xuất chip? 

Trong bối cảnh đó, người ta thấy ở Việt Nam xuất hiện ước mơ sản xuất chip điện tử. Viettel tuyên bố đã thiết kế thành công chip trong thiết bị sử dụng cho trạm viễn thông 5G. Trong một diễn biến khác, ông Đỗ Cao Bảo, một lãnh đạo của Công ty FPT tuyên bố FPT đã “thiết kế và đặt cấu trúc” cho chip điện tử, “sau đó được chuyển tới nhà máy đặt tại Hàn Quốc để sản xuất và đóng gói”. Một thành viên khác của FPT tuyên bố việc này “khẳng định trí tuệ của người Việt và hiện thực hóa giấc mơ sản xuất chip bán dẫn của người Việt.”

Gần đây, “Viettel vừa đề xuất Thủ tướng để sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu”. Trước đề xuất của Viettel, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Viettelnghiên cứu, sản xuất chip để phục vụ đắc lực, hiệu quả chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.” Theo ông Phạm Minh Chính, “Viettel phải là một trong những tập đoàn đóng vai trò dẫn dắt quá trình này.”

Trao đổi với RFA, một nhà nghiên cứu không muốn nêu tên nói: “Chỉ đạo của ông Phạm Minh Chính không có gì xa lạ với những người quan sát các kế hoạch phát triển của Việt Nam. Ở Việt Nam, khắp nơi muốn trở thành thung lũng Silicon. Năm 2017 ông Nguyễn Thiện Nhân tuyên bố xây dựng Sài Gòn thành “Silicon Valley”. Năm 2018, Chính phủ Việt Nam có ý định làm một “Silicon Valley” ở Bình Định còn Vingroup tuyên bố xây dựng “Silicon Valley” VinTech City ở Đông Anh, Hà Nội. Năm 2019, Chính phủ Việt Nam ra quyết định xây dựng khu Hòa Lạc thành “Silicon Valley.” Cuối tháng 8/2022, tin cho hay “TGĐ Vingroup “tiết lộ”: Việt Nam sắp có Thung lũng Silicon ở Khánh Hoà”, còn trước đó một tháng, Đà Nẵng cũng công bố kế hoạch sẽ trở thành Silicon Valley.” 

Thế nhưng, theo nhà nghiên cứu, quá trình sản xuất chip trên thế giới đã trở nên chuyên môn hóa cao độ, trong đó mỗi nước thực hiện một vai trò khác nhau tùy theo lợi thế so sánh của họ. Hoa Kỳ hiện vẫn dẫn đầu trong các hoạt động có tính trí tuệ cao nhất: tự động hóa thiết kế điện tử (EDA), sở hữu trí tuệ cốt lõi (IP), thiết kế chip và thiết bị sản xuất tiên tiến. Hoa Kỳ có vị thế này vì họ có những trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu, các tài năng kỹ thuật và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo được tự do nghiên cứu, một nền kinh tế tôn trọng định hướng thị trường. Đông Bắc Á đi đầu trong sản xuất tấm wafer. Đây là công đoạn đòi hỏi đầu tư vốn lớn, cần được chính phủ hỗ trợ, ưu đãi, cần lực lượng lao động có tay nghề cao, được đào tạo tốt. Ở khu vực này, Trung Quốc dẫn đầu trong công đoạn lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm. Công đoạn này đòi hỏi tương đối ít kỹ năng nhưng cần vốn đầu tư lớn và chậm thu hồi vốn. Dẫu sao, Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh mẽ để mở rộng năng lực của mình trong toàn bộ chuỗi giá trị.

Trong bối cảnh quá trình sản xuất chip điện tử được chuyên môn hóa cao độ như vậy, ước muốn tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất chip điện tử toàn cầu là một tham vọng lớn. Ở phần tiếp theo, RFA phỏng vấn nhà nghiên cứu Hải Đăng ở Hà Nội về vấn đề này

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/semiconductors-the-oil-new-economy-and-vietnam-ambitions-11212022214513.html

Chuyên gia: Ngành bán dẫn trở thành một vấn đề chính trị quốc tế

RFA
21/11/2022

Do đó, rất khó để Mỹ có thể mang mảng sản xuất chip về lại quê nhà, cho dù có ban hành nhiều chính sách đãi ngộ tốt cho doanh nghiệp. Có thể vì yếu tố chính trị và để không làm mất lòng Mỹ (rồi hứng chịu lệnh trừng phạt), cả TSMC và Samsung đều đã xúc tiến các dự án xây dựng xưởng sản xuất tại Mỹ, nhưng khi những cơ sở này đi vào hoạt động thì đầu não tại Đài Loan và Hàn Quốc đã vận hành các quy trình tiên tiến hơn rồi.  “

Chuyên gia: Ngành bán dẫn trở thành một vấn đề chính trị quốc tế

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và Chủ tịch Morris Chang, người sáng lập Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) chào nhau trong một cuộc họp báo ở Đài Bắc, tháng 10/ 2022. 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters 

Tiếp theo phần trước, RFA phỏng vấn nhà nghiên cứu Hải Đăng ở Hà Nội về tính chất “địa chính trị” của ngành bán dẫn và chip điện tử cũng như ước mơ sản xuất chip của Việt Nam.  

1. Tầm quan trọng của chất bán dẫn trong kinh tế, chính trị thế giới 

RFA: Nhật Bản gọi Chất bán dẫn (semiconductors) là “sangyo no kome” (gạo của ngành công nghiệp). Xin ông cho biết vai trò của chất bán dẫn trong nền công nghiệp đương đại?

Hải Đăng: Trước hết, chúng ta nên nắm được một số khái niệm cơ bản. Chất bán dẫn (semiconductor) là vật chất có độ dẫn điện nằm ở mức trung gian giữa chất dẫn điệnchất cách điện. Tùy vào điều kiện, chất bán dẫn có thể cho hoặc không cho dòng điện đi qua, vì vậy mới có tên là “bán dẫn” và rất phù hợp cho mục đích chế tạo transistor để điều khiển dòng điện trong chip điện tử. Trong khi đó, tất cả các ứng dụng và thiết bị điện tử từ dân sự (điện thoại, máy tính, điều hòa, lò vi sóng, xe hơi, …) cho đến an ninh quốc phòng và hàng không vũ trụ đều cần đến chip. Vì thế, cách nói của người Nhật “Chất bán dẫn là gạo của ngành công nghiệp” quả thật rất chính xác, nhất là đối với nền công nghiệp hiện đại.  

RFA: Nhiều nhà quan sát đã ví Công ty TNHH Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) như một “lá chắn” cho Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc có ý định tấn công Đài Loan. Với vai trò của mình trong nền công nghiệp đương đại, ngành bán dẫn ảnh hưởng mạnh mẽ đến địa chính trị thế giới. Xin ông cho biết sự ảnh hưởng này đang diễn ra như thế nào, và nó có thể tiếp tục diễn ra như thế nào trong tương lai?

Hải Đăng: Vâng, việc ví TSMC giống như một “lá chắn”, chính xác hơn là “lá chắn Silicon” cho Đài Loan trước sự đe dọa của Trung Quốc là hoàn toàn có cơ sở. Bởi chỉ mình TSMC hiện đang chiếm tới hơn 52% thị phần sản xuất chip của thế giới, bỏ xa các đối thủ đứng sau là Samsung (gần 17%),… 

Đặc biệt, TSMC thậm chí còn kiểm soát tới 70% sản lượng chip smartphone của thế giới, và gần 90% sản lượng chip tiên tiến (sản xuất theo tiến trình nhỏ hơn 5nm). Một số khách hàng VIP, tiêu biểu như Apple, chỉ tin tưởng vào năng lực cung cấp của TSMC (và tất nhiên TSMC cũng giành phần lớn năng lực của họ để chiều lòng Apple). Chưa kể một số con chip chuyên biệt có trên những hệ thống vũ khí và hàng không vũ trụ của Mỹ, chẳng hạn chip FPGA trên tiêm kích F-35 do hãng Xilinx thiết kế cũng được giao cho TSMC chế tạo. Điều đó cho thấy TSMC quan trọng đến nhường nào. 

Có thể nói, ngành công nghiệp bán dẫn đang đứng ở vị trí trung tâm trong cuộc cạnh tranh địa chính trị chiến lược toàn cầu giữa Mỹ/hệ thống đồng minh Phương Tây và Trung Quốc. Tất nhiên, TSMC chính là “điểm nóng” trong cuộc cạnh tranh ấy. Mỹ không thể để TSMC cùng công nghệ sản xuất chip tiên tiến rơi vào tay Trung Quốc, còn Trung Quốc thì cực kỳ thèm muốn TSMC lẫn ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan. Mấy năm trước, Huawei làm mưa làm gió trên thị trường smartphone và đạt được bước tiến đáng kể trong lĩnh vực thiết kế chip (thông qua công ty HSilicon) nhờ vào mối quan hệ tốt đẹp với TSMC; tuy nhiên TSMC đã ngừng bán chip cho Huawei do sức ép từ chính quyền Trump và nay là Biden.    

Cả Đài Loan lẫn TSMC đều hiểu rất rõ và cùng tìm cách củng cố địa vị của họ. Họ đã mất 30 năm với rất nhiều nỗ lực, tích lũy được vô số kinh nghiệm và tri thức (know-how) để được như ngày hôm nay. Lợi thế đó không dễ mà mất đi.     

Xin tham khảo thêm cuốn Chip War: The Fight for the World’s Most Critical Technology của giáo sư chính trị Chris Miller từ trường Fletcher Đại học Tuffts.   

Các wafer kích cỡ 12 inch tại nhà máy của TSMC ở Đài Loan hôm 9/1/2007 (hình minh họa). Reuters 

2. Những chuyển động mới của nước Mỹ 

RFA: Liên quan đến Đạo luật Chip mới đây, theo ông, liệu Mỹ có thể tự phục hồi ngành công nghiệp chip mà không cần đầu tư vào một số nước châu Á hay không?

Hải Đăng: Ở đây, chúng ta cần làm rõ một điểm là ngành công nghiệp chip của Hoa Kỳ vẫn luôn dẫn đầu thế giới bởi họ nắm trong tay các công nghệ nguồn, bản quyền phát minh sáng chế, … Ngoài ra, vai trò của Nhật và châu Âu cũng hết sức quan trọng. 

TSMC hay Samsung không thể sản xuất những con chip tiên tiến nhất nếu thiếu vật liệu, hóa chất, máy móc thiết bị, phần mềm thiết kế, … do các đối tác Mỹ, Nhật, châu Âu cung cấp. Chẳng hạn, hãng ASML của Hòa Lan hiện đang độc quyền cung cấp thiết bị quang khắc hiện đại nhất thế giới (trị giá hơn 150 triệu USD) mà cả TSMC, Samsung và Intel phải tranh nhau đặt hàng trước. Nhưng cỗ máy này sử dụng hơn 50% công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ hoặc do Mỹ nắm bản quyền. Không nhiều người biết đến các hãng Mỹ như Lam Research, Applied Materials, Synopsys, … song đó mới là những ông trùm giấu mặt của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.   

Trước đây, các hãng chip của Mỹ đều vận hành xưởng sản xuất (fab) riêng bên cạnh mảng thiết kế (tiêu biểu là Intel), nhưng mô hình này ngày càng trở nên kém hiệu quả về mặt chi phí. Khi kích thước transistor ngày càng thu nhỏ (theo định luật Moore) thì chi phí đầu tư, xây dựng và vận hành một fab bán dẫn trên tiến trình mới lại càng đắt đỏ (hiện đã lên tới hàng chục tỷ USD, vượt quá năng lực của hầu hết mọi tay chơi). Vì thế, sang thập niên 1990, các hãng chip Mỹ phải di dời hoạt động sản xuất ra nước ngoài để chỉ tập trung nguồn lực vào mảng thiết kế và thương mại hóa sản phẩm. 

Đích đến của các công ty Mỹ này chủ yếu là Đông Á, nơi có chiến lược đầu tư bài bản, mạnh mẽ cho ngành công nghiệp điện tử. Và đó chính là cơ hội cho một số xưởng sản xuất ở Đài Loan và Hàn Quốc nắm lấy, nhất là TSMC (được thành lập năm 1987) của TS. Morris Chang (Trương Trung Mưu) – người từng làm tới phó chủ tịch tập đoàn Texas Instrument, đại gia bán dẫn của thế giới trong thập niên 1960 – 1990. 

Mô hình sản xuất chip không cần xây fab (fabless) này ngày càng cho thấy tính tối ưu và phù hợp với xu hướng chuyên môn hóa. TSMC thành công nhất vì họ có thể sản xuất những con chip tốt nhất với sản lượng, chi phí và chất lượng tối ưu, ngay cả Samsung và Intel cũng không bì được. Ngoài ra, TSMC cũng được tất cả các khách hàng tin tưởng bởi công ty chỉ tập trung làm thuê, không tự tạo sản phẩm riêng để cạnh tranh với chính khách hàng của mình (khác với Samsung và những nhà sản xuất đầy tham vọng của Trung Quốc).   

Do đó, rất khó để Mỹ có thể mang mảng sản xuất chip về lại quê nhà, cho dù có ban hành nhiều chính sách đãi ngộ tốt cho doanh nghiệp. Có thể vì yếu tố chính trị và để không làm mất lòng Mỹ (rồi hứng chịu lệnh trừng phạt), cả TSMC và Samsung đều đã xúc tiến các dự án xây dựng xưởng sản xuất tại Mỹ, nhưng khi những cơ sở này đi vào hoạt động thì đầu não tại Đài Loan và Hàn Quốc đã vận hành các quy trình tiên tiến hơn rồi.  

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/expert-semiconductor-industry-becomes-an-international-political-issue-11212022215551.html

Chuyên gia: Việt Nam có tìm được chỗ đứng trong ngành bán dẫn?

RFA

21/11/2022

Tuy nhiên, cái thiếu và yếu nhất của Việt Nam chính là “nền tảng”. Khi chưa có nền tảng vững vàng thì đừng mong đi xa hay bứt phá. Thử lấy một ví dụ đơn giản: các fab bán dẫn tiêu thụ rất nhiều điện năng, còn Việt Nam thì hiện vẫn thiếu năng lượng,… Hay ngành sản xuất chip cũng đòi hỏi sự phát triển tương ứng của ngành công nghiệp hóa chất, vật liệu, … Những thứ này Việt Nam đã đảm bảo đáp ứng được chưa? “

Chuyên gia: Việt Nam có tìm được chỗ đứng trong ngành bán dẫn?

Một sinh viên đang nhìn kính hiển vi trong phòng nghiên cứu ở một trường đại học tại Hà Nội. 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters 

Tiếp theo bài phỏng vấn trước về ngành bán dẫn trong bối cảnh chính trị toàn cầu, ở phần này, nhà nghiên cứu Hải Đăng giải thích về khả năng Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nó. 

RFA: Xin ông vui lòng giải thích sự ra đời của thuật ngữ “friend-shoring”: Nó có nghĩa là gì? Tại sao Mỹ cần làm như vậy? Theo ông chiến lược “friend-shoring” này có tiềm năng thành công hay không?

Hải Đăng: Theo như tôi hiểu thì friend-shoring (sản xuất tại các quốc gia thân thiện) là thuật ngữ được dùng để chỉ xu hướng chuyển dịch của lĩnh vực sản xuất chế tạo trong khoảng một thập niên gần đây do Mỹ khởi xướng. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chiến lược này, nhưng trước tiên là để tối ưu hóa chi phí nhờ tận dụng ưu đãi thuế, nhân công giá rẻ, các quy định về môi trường còn chưa quá nghiêm ngặt, … trong khi những lợi thế này ở Trung Quốc (vốn là công xưởng của thế giới) đang dần mất đi (dân số già hóa, chi phí nhân công leo thang). 

Ngoài ra, Mỹ cần chủ trương xây dựng các dây chuyền cung ứng mới đặt bên ngoài Trung Quốc để tránh những thiệt hại do chính sách đối đầu thương mại giữa hai nước – từ thuế đến công nghệ. 

Thứ nữa, việc tránh hoặc giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc cũng là để tránh các rủi ro không thể kiểm soát, chẳng hạn những lần nhiều nhà máy phải đóng cửa do chính sách zero Covid cực đoan mà chính phủ Trung Quốc thời gian qua đã áp đặt. 

Rất khó để dự đoán chiến lược này liệu có thành công hay không bởi vai trò công xưởng của Trung Quốc không thể chỉ trong một thời gian ngắn mà thay thế được, cho dù thị trường gia công của Ấn Độ và Đông Nam Á cũng hết sức hấp dẫn. 

Tuy nhiên, cá nhân tôi tin rằng Mỹ vẫn chiếm lợi thế nhờ sức mạnh khoa học công nghệ vượt trội, sự thống trị của đồng USD, mạng lưới đồng minh rộng khắp cùng vai trò định hướng, dẫn dắt “cuộc chơi” toàn cầu.   

RFA: Mỹ đang nỗ lực xây dựng “Liên minh chip 4” gồm Mỹ và ba nước công nghiệp phát triển ở châu Á: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Theo ông, Việt Nam có phải là một “quốc gia thân thiện” để Hoa Kỳ “friend-shoring” hay không? Liệu Mỹ có thể tin tưởng Việt Nam đến mức sẽ chuyển sang đó những công đoạn quan trọng nhất của ngành sản xuất chip?

Hải Đăng: Tôi tin Việt Nam là một “quốc gia thân thiện” và có vị trí địa chiến lược quan trọng trong mắt Mỹ để có thể và sẽ đóng một vai trò nhất định trong chiến lược friend-shoring. 

Trên thực tế, Việt Nam hiện đã là một trong những đối tác thương mại quan trọng (đứng đầu ASEAN về xuất khẩu vào Mỹ và trong top năm thế giới về thặng dư thương mại với Mỹ), mặc dù phần lớn miếng bánh đều nằm trong tay khối FDI và vẫn đang ở vị thế tương đối thấp trong chuỗi giá trị. 

Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, việc leo lên nấc thang cao tới đâu là tùy thuộc vào bản lĩnh của Việt Nam chứ không thể trông chờ vào sự “ưu ái” của Mỹ. Lấy ví dụ, trong thập niên 1970 – 1980, mặc dù cùng là đồng minh thân thiết của Mỹ và với xuất phát điểm không khác nhau bao nhiêu nhưng Hàn Quốc và Đài Loan lại phát triển vượt bậc so với Philippines, Thái Lan, … Singapore và Mã Lai cũng đầu tư rất mạnh cho ngành công nghiệp bán dẫn, vi mạch,… song vẫn không thể cạnh tranh với Đài Loan và Hàn Quốc.          

Do đó, Việt Nam sẽ phải quyết tâm và nỗ lực rất nhiều nếu muốn có ngày được ngồi “chung chiếu” với Liên minh chip 4 kia.  

RFA: Ông đánh giá thế nào về năng lực giáo dục, công nghệ và thể chế ở Việt Nam? Nhìn từ phía Mỹ, với đặc điểm chính trị, kinh tế, kỹ thuật và giáo dục của Việt Nam, các công ty sản xuất chip của Mỹ nên chuyển sang đó những công đoạn nào?

Hải Đăng: Về điểm này thì tôi khá bi quan bởi nền giáo dục Việt Nam đương đại, nhất là ở bậc đại học, đang rất lạc hậu và lạc nhịp so với thế giới (thiếu thốn đủ đường từ cơ sở vật chất cho đến nguồn lực lẫn hệ sinh thái thúc đẩy tự do sáng tạo và hiện thực hóa các ý tưởng, …), bên cạnh sự kìm kẹp của thể chế (về mặt ý thức hệ, tư duy kinh tế lệch lạc cùng chính sách quản lý yếu kém) khiến ngành công nghệ khó cất cánh.

Các lãnh đạo, doanh nghiệp và cả người dân Việt Nam không phải là không có ước mơ về một quốc gia  công nghệ mạnh, và sự thực là họ đang rất nỗ lực để chứng tỏ điều đó, ít nhất là về mặt truyền thông (thể hiện qua vô số phát ngôn, tuyên bố, diễn đàn, hội thảo, … nghe rất sướng tai).

Tuy nhiên, cái thiếu và yếu nhất của Việt Nam chính là “nền tảng”. Khi chưa có nền tảng vững vàng thì đừng mong đi xa hay bứt phá. Thử lấy một ví dụ đơn giản: các fab bán dẫn tiêu thụ rất nhiều điện năng, còn Việt Nam thì hiện vẫn thiếu năng lượng,… Hay ngành sản xuất chip cũng đòi hỏi sự phát triển tương ứng của ngành công nghiệp hóa chất, vật liệu, … Những thứ này Việt Nam đã đảm bảo đáp ứng được chưa? 

Cùng hồi tưởng lại thì ngay từ thập niên 1970 – 1980, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã từng ấp ủ ý định xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn cho Việt Nam khi đặt mua một dây chuyền sản xuất của hãng Thomson-CFS (tiền thân của tập đoàn Thales Group, Pháp), nhưng do cơ sở hạ tầng, công nghiệp phụ trợ và vấn đề hậu cần lúc đó còn nhiều yếu kém, những nỗ lực của ông đã không thể mang lại kết quả như mong muốn. 

Sau này, GS. Đặng Lương Mô (Việt kiều Nhật hồi hương, hiện sống tại Sài Gòn, nguyên Viện trưởng Viện Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ trước 1975, giáo sư Đại học Hosei và chuyên gia bán dẫn của tập đoàn Toshiba) cũng đã làm việc không ngừng nghỉ với nhiều đề xuất và dự án tâm huyết nhằm giúp ngành bán dẫn vi mạch nước nhà cất cánh, nhưng thành quả hãy còn hết sức khiêm tốn. 

Hay kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất dẫn trên tiến trình 130nm/180nm trị giá 350 triệu USD tại Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) của Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) cũng bị ngừng lại vô thời hạn do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, … Đó quả là những chuyện đáng tiếc. 

Nếu các công ty chip của Mỹ có chuyển giao một số công đoạn sang Việt Nam thì tôi cho đó vẫn sẽ chỉ là những thứ ở vị trí thấp hơn trong chuỗi giá trị như đóng gói, kiểm thử,… 

Có một mảng nữa mà các kỹ sư Việt Nam có thể làm tương đối tốt là thiết kế, nhưng sự cạnh tranh là không nhỏ và cũng không dễ để chiếm lĩnh thị phần. 

Thứ nữa, Việt Nam không nên lạc quan và kỳ vọng thái quá về việc các cường quốc bán dẫn (Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc) mang những công nghệ tiên tiến nhất sang Việt Nam vì đó là bí mật, lợi thế cạnh tranh quốc gia … Chẳng hạn, Đài Loan có hẳn đạo luật cấm TSMC và các hãng công nghệ mang những công nghệ tiên tiến nhất sang Trung Quốc.  

Theo nhận định của GS Đặng Lương Mô, trong cuốn “Hồi ký tuổi 80” thì với một số thành tựu nhất định của Trung tâm Thiết kế Vi mạch ICDREC do ông hậu thuẫn thành lập thì sự phát triển của lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam nhìn chung đã có kết quả tốt. Hay chí ít là Việt Nam cũng đã có năng lực nghiên cứu, thiết kế chip (tức có một nửa), chỉ còn thiếu công nghệ chế tạo. Mặc dù Việt Nam là nước có dân số lớn với nhu cầu không nhỏ về chip vi mạch, nhất là trên các sản phẩm dân dụng, nhưng nguồn cung hiện tại hầu như đã ổn định và rất khó chen chân vào, vì thế cần thận trọng khi đặt vấn đề xây dựng nhà máy sản xuất đại trà. 

Ngày nay, để nắm bắt công nghệ chế tạo chip, người ta không còn nhất thiết phải xây dựng nhà máy (bởi ngay đến Apple hay Qualcomm đều không tự sản xuất con chip di động của mình, mà thuê TSMC làm việc đó). Vì thế Giáo sư Đặng Lương Mô gợi ý, Việt Nam nên lưu ý một hướng đi mới đang được nhiều đối tác và liên minh bán dẫn tại Nhật Bản theo đuổi, đó là công nghệ xưởng cực tiểu (minimal fab) – sử dụng phương pháp luận hoàn toàn ngược với xu hướng hiện nay, hứa hẹn mang lại năng lực sản xuất mà không cần xây dựng nhà máy hàng tỷ USD, cho phép các cơ sở nghiên cứu, trường đại học, công ty vừa và nhỏ,… hay thậm chí cá nhân cũng có thể tham gia cuộc chơi bán dẫn.         

RFA trân trọng cảm ơn nhà nghiên cứu Hải Đăng đã chia sẻ với chúng tôi bài phỏng vấn này. 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/expert-can-vietnam-find-a-place-in-the-semiconductor-industry-11212022220443.html