Chủ nghĩa đa phương, vòng vây Trung Cộng và chọn lựa của Việt Nam.

Share this post on:

” Chủ nghĩa đa phương nằm trên giường chờ chết”.

Trần Trung Đạo

04/10/2024

Với tỉ số vượt trội gồm 141 nước kết án Nga và chỉ có 5 nước ủng hộ Nga trong Quyết Nghị LHQ ngày 2 tháng 3, 2022 là một kết quả rất ngạc nhiên và người ngạc nhiên nhất không ai khác hơn là Vladimir Putin. (United Nations General Assembly Resolution ES-11/1, adopted on 2 March 2022)

Trước đó, ngày 27 tháng 2, Hội Đồng Bảo An LHQ họp để biểu quyết quyết nghị tố cáo Nga vi phạm Điều 2, phân đoạn 4 của Hiến Chương LHQ vì đã dùng võ lực xâm phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, quốc gia hội viên. Quyết nghị này bị Nga phủ quyết, nhưng ngoài Trung Cộng (TC), Ấn, United Arab Emirates bỏ phiếu trắng, không một quốc gia nào trong số 15 hội viện của Hội Đồng Bảo An ủng hộ Nga. (United Nations Security Council Resolution 2623)

Cộng Hòa Kenya là thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An LHQ. Buổi chiều tối trước giờ biểu quyết, đại sứ Martin Kimani đã đọc một diễn văn để bày tỏ lập trường của quốc gia ông. Dưới đây là vài đoạn trích từ diễn văn hùng hồn, đầy thôi thúc của Đại Sứ Martin Kimani: 

“Kenya và hầu hết các quốc gia châu Phi ra đời bởi sự sụp đổ của đế chế. Biên giới của chúng tôi không phải do chúng tôi vẽ mà được vẽ tại các đô thị mẫu quốc thuộc địa xa xôi của London, Paris và Lisbon, không liên quan gì đến các quốc gia thời cổ đại đã bị họ tách rời nhau.” (Kenya, and almost every African country, was birthed by the ending of empire. Our borders were not of our own drawing. They were drawn in the distant colonial metropoles of London, Paris, and Lisbon with no regard for the ancient nations that they cleaved apart.)

“Chúng tôi bác bỏ chủ nghĩa phục hồi lãnh thổ và chủ nghĩa bành trướng trên bất kỳ cơ sở nào, bao gồm các yếu tố chủng tộc, dân tộc, tôn giáo hoặc văn hóa.” (We rejected irredentism and expansionism on any basis, including racial, ethnic, religious or cultural factors.)

“Chúng tôi cũng lên án mạnh mẽ xu hướng trong vài thập niên gần đây của các cường quốc, bao gồm cả các thành viên của Hội Đồng Bảo An, vi phạm luật pháp quốc tế mà không được quan tâm đúng mức.” (We further strongly condemn the trend — in the last few decades — of powerful states, including members of this Security Council, breaching International Law with little regard.)

“Đêm nay, chủ nghĩa đa phương nằm trên giường chờ chết. Ngày nay cũng như trong quá khứ gần đây, chủ nghĩa đa phương đã bị các cường quốc tấn công.” (Multilateralism lies on its deathbed tonight. It has been assaulted, as it has been by other powerful states in the recent past.) (Statement By Amb. Martin Kimani, during The Security Council Urgent, Meeting On The Situation In Ukraine, 21 February 2022). 

Lý do người viết trích dẫn khá dài vì diễn văn của Đại sứ Martin Kimani mang một tâm trạng rất Việt Nam, một dân tộc bị thực dân đô hộ suốt chiều dài thế kỷ. Thực dân Pháp rời Việt Nam 1954 và thực dân Anh rời Kenya 1963. 

Một người Việt Nam yêu nước nào đọc diễn văn của đại sứ Martin Kimani cũng đều cảm thấy gần gũi, xúc động và cảm thông. Số phận những nước nhược tiểu từng bị thực dân bóc lột ở đâu cũng giống nhau. 

Giống như dân tộc Kenya, dân tộc Việt Nam bị đô hộ, bị tàn sát chứ không hề ký vào các Hòa Ước Nhâm Tuất 1862 (nhượng Nam Kỳ cho Pháp), Hòa Ước Giáp Thân (Patenotre) 1884, Hiệp định Geneva 1954 hay Hiệp định Paris 1973. Tất cả đều là tác phẩm của các thực dân và đế quốc để phân chia quyền lợi và quyền lực bằng máu xương người Việt. 

Một lý do khác, Đại sứ Martin Kimani nhấn mạnh đến sự quan trọng sống còn của chủ nghĩa đa phương trong quan hệ quốc tế ngày nay.

SỰ QUAN TRỌNG CỦA CHỦ NGHĨA ĐA PHƯƠNG 

Diễn văn của đại sứ Martin Kimani cũng cho thấy khuôn mặt mới của thế giới đang định hình và một xu hướng mới đang mở ra cho các quan hệ đối ngoại. Kết quả hai cuộc biểu quyết ở LHQ cũng cho thấy sự cần thiết phải đẩy mạnh chủ nghĩa đa phương (multilateralism ) để giải quyết các vấn đề chung của các quốc gia trong phạm vi một khu vực hay thế giới.

Chủ nghĩa đa phương (multilateralism) liên kết của các quốc gia qua hình thức của những tổ chức, những trung tâm, những cơ quan quốc tế, những nhóm liên kết của ba nước hay nhiều hơn. Khác với phương thức đơn phương (unilateralism) hay song phương (bilateralism), phương thức đa phương là cơ hội cho các quốc gia nhỏ có tiếng nói, có quyền hạn và trách nhiệm đối với cộng đồng nhân loại. LHQ hay WTO là những tổ chức đa phương. (James Scott, the Editors of Encyclopaedia Britannica on Multilateralism, Politics, Law & Government International Relations )

Đánh giá cao tầm quan trọng của Chủ Nghĩa Đa Phương, Liên Hiệp Quốc chọn ngày 24 tháng 4 mỗi năm như là Ngày Quốc Tế Chủ Nghĩa Đa Phương Và Ngoại Giao Vì Hòa Bình (the International Day of Multilateralism and Diplomacy for Peace”. LHQ định nghĩa “Chủ nghĩa đa phương ngược với chủ nghĩa song phương và chủ nghĩa đơn phương. Nói đúng ra, chủ nghĩa đa phương biểu hiện một hình thức hợp tác giữa ít nhất ba quốc gia.” 

Tháng Chín năm nay, 2024, lãnh đạo các quốc gia hội viên LHQ họp nhau tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Vì Tương Lai “để tái khẳng định sự cống hiến của họ cho hòa bình, phát triển bền vững và bảo vệ nhân quyền, tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương và ngoại giao là điều quan trọng hơn bao giờ hết.” (The Virtues of Multilateralism and Diplomacy, UN)

TRUNG CỘNG VÀ CHỦ NGHĨA ĐA PHƯƠNG 

Trung Cộng, hội viên LHQ, thành viên của Hội Đồng Bảo An, hội viên WTO và ký kết nhiều công ước quốc tế chưa bao giờ thực hiện chủ nghĩa đa phương dựa đúng tinh thần của công pháp quốc tế. 

Alexander E. Gale , một nhà phân tích địa lý chính trị Anh bình luận một cách chính xác mưu đồ của TC: “Trung Quốc là một cường quốc xét lại, coi các thể chế đa phương hiện có là phương tiện để tăng cường ảnh hưởng. Trung Quốc tìm cách thay đổi các chuẩn mực quản trị toàn cầu để phù hợp hơn với mô hình độc tài lấy Trung Quốc làm trung tâm. Trung Quốc nhìn chung hài lòng với cấu trúc đa phương của hệ thống quốc tế nhưng mong muốn có thẩm quyền lớn hơn để định hình các chuẩn mực quốc tế và phù hợp với kỳ vọng của Bắc Kinh rằng sự phân bổ quyền lực toàn cầu sẽ ngày càng chuyển dịch từ Mỹ sang Trung Quốc và từ phương Tây sang châu Á”. (China’s Multilateral Influence-Building Strategy: Threats to an Open and Stable International Order. Parliament.UK). 

Council on Foreign Relations, một ‘think tank’ uy tín thế giới về chính sách đối ngoại đặt tại New York cho rằng TC chỉ áp dụng chủ nghĩa đa phương khi nào có lợi cho chính sách ngắn hay dài hạn của đảng CSTQ như việc ủng hộ World Bank, Paris Agreement về khí hậu nhưng tránh né hay chống đối các diễn đàn, các hội nghị quốc tế về nhân quyền. TC còn hợp tác với Nga và các nước độc tài để dựng nên các diễn đàn đa phương riêng phù hợp với mục tiêu riêng của họ. (China’s Approach to Global Governance, Council on Foreign Relations)

Với tư cách một cường quốc, TC không thể tự cô lập khỏi các diễn đàn đa phương quốc tế, tuy nhiên chiến lược đối ngoại chính trong nhiều năm nay của TC vẫn là song phương và trong nhiều trường hợp chỉ là đơn phương. 

Đặc biệt đối với các nước nhỏ, sức yếu, thế cô, bị cai trị bởi các chế độ độc tài TC dùng tiền để giữ thế mạnh và quyết định kết quả của đàm phán. Ví dụ như trường hợp TC trong đàm phán với Brunei. Brunei coi Trung Quốc là một trong những nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất và là một lực lượng quan trọng trong nỗ lực tạo ra một nền kinh tế đa dạng hơn, với trữ lượng dầu thô dự kiến sẽ cạn kiệt hoàn toàn trong vài thập niên tới. (Reuters, China’s Xi offers more investment in South China Sea claimant Brunei, 11 17, 2023) 

Với các quốc gia tranh chấp khác cũng sức yếu thế cô nhưng không thể một sớm một chiều chiếm đoạt TC dùng phương pháp bao vây và trước hết bao vây Việt Nam.

Trần Trung Đạo

https://www.facebook.com/ChinhLuanTranTrungDao