Quê Hương tổng hợp
Microsoft bắt được những trang chủ của nhóm đặt tại VN bị cho bán hàng triệu tài khoản giả mạo
16/12/2023
Phần mềm “robot mạng” của Storm-1152 đã đánh bại các công cụ bảo mật của Microsoft như CAPTCHA.
AFP
Microsoft bắt được những trang chủ của một nhóm đặt trụ sở tại Việt Nam bị cho đã bán hàng triệu tài khoản giả cho bọn tội phạm mạng. Bọn này dùng các tài khoản đó để tấn công bằng mã độc tống tiền ransomware, ăn cắp thông tin cá nhân và những trò lừa đảo khác trên khắp thế giới.
AFP loan tin ngày 15/12 dẫn xác nhận của Microsoft tin vừa nêu. Đó là nhóm có tên Storm-1152. Nhóm này phát triển ra những công cụ tinh vi nhằm đánh bại những chức năng an toàn của Microsoft tạo nên vô số tài khoản thư điện tử Outlook và Hotmail.
Theo thông cáo của Microsoft đưa ra hôm thứ tư 13/12 thủ lĩnh của nhóm được cho biết là ba cá nhân đặt cơ sở ở Việt Nam: (tên viết không có dấu) Duong Dinh Tu, Linh Van Nguyen, và Tai Van Nguyen. Không rõ ngoài ba người này còn có thêm ai khác nữa không.
AFP đã gửi câu hỏi đến ba người theo địa chỉ thư điện tử mà Microsoft đăng trong đơn gửi cho một tòa án Liên bang ở Hoa Kỳ vào tuần trước; cũng như liên lạc giới chức Việt Nam để hỏi về tin vừa nêu. AFP không nói rõ có nhận được phản hồi nào chưa.
Storm-1152 lần đầu tiên bị phát hiện vào năm 2021. Arkose Labs, một công ty an ninh mạng làm việc với Microsoft chống lại nhóm này, đã truy được dấu vết của Storm-1152 từ Việt Nam.
Storm-1152 phát triển phần mềm tự động hay “robot mạng” (ứng dụng phần mềm tự động chạy các tác vụ lặp đi lặp lại trên mạng) nhằm tạo ra những tài khoản giả mạo. Phần mềm này của Storm-1152 đã đánh bại các công cụ bảo mật của Microsoft như CAPTCHA.
Storm-1152 bị cho đã kiếm được hàng triệu USD từ hoạt động của nhóm này.
Tòa án Liên bang Mỹ đã cho phép Microsoft dùng quyền kiểm soát đối với các trang chủ của nhóm Storm-1152 theo đơn của tập đoàn công nghệ khổng lồ này.
Trên các trang chủ đó nay hiện dòng chữ “tên miền này đã bị nắm giữ bởi Microsoft”.
Đài Bắc lên án tuyên bố chung Hà Nội- Bắc Kinh nói Đài Loan là ‘một phần của Trung Quốc”
RFA
17/12/2023
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (phải) gặp nhau hôm 12/12/2023
AP
Bộ Ngoại giao Đài Loan (MOFA) vào ngày 14/12 lên án tuyên bố chung Việt- Trung công bố nhân chuyến thăm của ông Tập Cận Bình- Tổng bí thư, chủ tịch Trung Quốc, đến Việt Nam trong hai ngày 12 và 13/12 cho rằng Đài Loan là “một phần không thể tách rời của Trung Quốc”.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Chính phủ Đài Bắc nêu rõ tuyên bố chung mà hai tổng bí thư hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc đưa ra đã “sai lệch nghiêm trọng so với thực tế”.
Bộ Ngoại giao Đài Loan lên án “chính phủ toàn trị của đảng cộng sản Trung Quốc’ về việc tiếp tục ‘lan truyền những trình bày sai lệch trong cộng đồng quốc tế nhằm làm giảm chủ quyền của Đài Loan”. Đồng thời Bộ này lặp lại “Trung hoa Dân quốc (Đài Loan) là một quốc gia độc lập; cả hai phía (Trung Hoa Dân Quốc) và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không hề phụ thuộc lẫn nhau.”
Đài Bắc kêu gọi Hà Nội “không theo những trình bày ác ý của Trung Quốc nhằm hạ giảm chủ quyền của Đài Loan và làm thương tổn tình cảm người dân đảo quốc”.
Bộ Ngoại giao Đài Loan nhắc lại Việt Nam là “một đối tác hợp tác quan trọng và là một phần trong Tân Chính sách Hướng Nam của Chính phủ Đài Bắc.
Theo Bộ Ngoại giao Đài Loan, số những cư dân và du học sinh đông đảo nhất mới tại đảo quốc này là công dân Việt Nam.
EVN vẫn báo lỗ lớn dù hai lần tăng giá điện trong năm: giải pháp nào để cắt lỗ?
RFA
17/12/2023
Thợ điện đang lắp đồng hồ đo điện ở Hà Nội (minh hoạ)
AFP PHOTO
Trong báo cáo gửi Bộ Công Thương được truyền thông nhà nước loan tin hôm 14/12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN cho biết năm 2023 chịu lỗ 17.000 tỷ đồng.
Theo EVN, khoản lỗ do phải mua điện giá cao, dù tập đoàn này đã nỗ lực tiết giảm chi phí và tăng giá điện bán lẻ bình quân hai lần.
Giải thích vì sao hai lần tăng giá điện, 3% vào ngày 4/5, và lần thứ hai tăng thêm 4,5% vào ngày 9/11 mà vẫn lỗ… EVN cho biết chỉ có thể giúp tăng doanh thu khoảng 3.200 tỷ đồng, chưa đủ bù đắp chi phí sản xuất- kinh doanh.
Chuyện này là do tỷ lệ nhiệt điện than quá nhiều, EVN lỗ là do nhiệt điện than, EVN nên giảm nhiệt điện than, đưa điện khác lên thì giá thành sẽ giảm.
-Tiến sĩ Ngô Đức Lâm
Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, khi trao đổi với RFA hôm 15/12/2023, nhận định:
“Vừa rồi tăng giá điện thì EVN giải thích do đầu vào của nhiệt điện than, tức giá nhiên liệu than tăng cho nên giá đầu ra phải tăng, mà tăng thì dân phải đóng thêm tiền. Chuyện này là do tỷ lệ nhiệt điện than quá nhiều, EVN lỗ là do nhiệt điện than, EVN nên giảm nhiệt điện than, đưa điện khác lên thì giá thành sẽ giảm. Nhiệt điện than trong quy hoạch nhiều quá do trước kia nghĩ rằng giá than rẻ nhất so với nhiệt điện khí, so với năng lượng tái tạo, mặt trời, gió… Cần phải tính toán lại có nên sử dụng nhiệt điện than nhiều như thế nữa hay không? Nếu như những điện khác đưa lên được, không dùng nhiệt điện than nhiều nữa thì giá sẽ xuống thôi.”
Cũng trong báo cáo, EVN thừa nhận năm 2023 không cân bằng được kết quả sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, EVN còn cho biết các khoản chênh lệch tỷ giá hơn 14.000 tỷ đồng của các năm trước chưa được đưa vào giá điện. Theo EVN, giá nhiên liệu đầu vào dù có giảm so với năm trước nhưng vẫn ở mức cao.
Ảnh minh hoạ. Reuters.
Trước đó vào tháng 9 năm 2023, trong Dự thảo mới do Bộ Công Thương gửi Bộ Tư pháp được truyền thông Nhà nước đăng tải cho thấy, giá bán lẻ điện được tính thêm các khoản lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN. Và việc tăng giá bán lẻ điện nhằm để bù vào khoản lỗ được EVN đưa ra là do giá than, khí và các chi phí đầu vào tăng.
Một người dân sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, nhận xét với RFA về việc tăng giá điện để bù lỗ:
“Nó hết sức nghịch lý, riêng cá nhân tôi là người sử dụng điện cũng thấy rất nghịch lý. Tại sao Việt Nam đầu tư các nơi lời thì họ ăn chia với nhau, còn lỗ thì bắt dân chịu, rất là phi lý. Nhưng bây giờ họ có áp giá điện như thế nào thì người dân cũng phải chịu, chứ không có cách gì khác, chẳng lẽ bây giờ không xài điện nữa, đâu có được, đó là nhu cầu thiết yếu nhất trong cuộc sống hiện nay.”
Thống kê về sản lượng điện được tải lên lưới điện của toàn hệ thống năm 2022 của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam công bố vào tháng 1 năm 2023 cho thấy: Nhiệt điện than chiếm 39,09%; Nhiệt điện khí đốt 11,01%; Nhiệt điện dầu 0,02%; Thuỷ điện chiếm 35,41%; Nhập khẩu điện 1,26%; Điện gió 3,30%; Điện mặt trời 9,51%; Sinh khối 0,14% và nguồn khác là 0,26%.
Tôi thì cho rằng phải xem lại bài toán quy hoạch, chứ không thể để giá cứ cao là dân phải đóng nhiều tiền điện. Ví dụ càng ngày nó càng cao, thì giá điện cứ tăng lên mãi à?
-Tiến sĩ Ngô Đức Lâm
Theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, Quy hoạch điện 8 của Việt Nam đã được đưa ra dựa trên cơ sở nhiệt điện than rẻ. Nhưng thực tế than cho nhiệt điện hiện nay không rẻ nữa. Ông Lâm giải thích thêm:
“Do phải mua than nguyên liệu từ nước ngoài giá cao gấp hai, gấp ba, gấp bốn lần so với trước cho nên bị lỗ. Theo tôi phải tính toán lại, liệu có chấp nhận mãi như thế không? Tôi thì cho rằng phải xem lại bài toán quy hoạch, chứ không thể để giá cứ cao là dân phải đóng nhiều tiền điện. Ví dụ càng ngày nó càng cao, thì giá điện cứ tăng lên mãi à? Trong khi đó giá thành của năng lượng tái tạo thì nó cứ giảm đi, chứ không mắc, vì công nghệ năng lượng tái tạo ngày một tiến bộ hơn, chiều hướng giảm giá chứ không tăng giá. Không nên sử dụng điện than tới 40% như hiện nay.”
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, hôm 15/12/2023 nói với RFA:
“Giá điện ở Việt Nam nếu tính đúng theo giá thị trường, thì chắc chắn thu nhập của người dân có sử dụng điện không chịu nổi, đó là một thực tế. Thế nhưng làm gì để khắc phục trường hợp này, khi mà cơ quan kinh doanh luôn luôn báo lỗ. Mà trong báo lỗ ấy tính toán thực của nó như thế nào, điều này cần phải xem xét lại hạch toán của EVN. Nhiều người khác cho rằng, đây là một cơ chế phải tìm cách xóa bỏ. Cũng có nhiều người đề nghị hạ tầng thì một công ty kinh doanh, còn kinh doanh điện thì rất nhiều công ty, chứ không phải chỉ mỗi EVN… Cái này cũng đã có thảo luận rất nhiều lần, nhưng mà cuối cùng các thảo luận cũng chỉ dẫn đến một EVN là cung cấp điện.”
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, Việt Nam nên theo hướng như các nước khác làm, để khắc phục tình trạng hiện nay. Tức thu nhập của người dân còn thấp so với giá điện, thì phải có sự bù lỗ của nhà nước. Theo ông Võ, cần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, với tinh thần để giá điện sản xuất ra nếu tính đúng giá thị trường, thì thu nhập của dân phải chịu nổi.
Nguyễn Văn Tuấn – “Cộng đồng chia sẻ tương lai” là gì ?
Nhiều khi chúng ta phải tìm đến tiếng Anh để hiểu tiếng Việt (và tiếng Hoa).
17/12/2023
Mấy hôm nay, chúng ta hay nghe mệnh để “Cộng đồng chia sẻ tương lai”, mà không rõ nó có nghĩa gì. Tôi lờ mờ dịch sang tiếng Anh kiểu ‘’Community of Shared Future’. Hỏi bác sĩ Google thì quả thật tôi dịch cũng khá gần, và vậy là có dịp tìm hiểu.
Mệnh đề này có tên (tiếng Anh) là ‘Community of common destiny for mankind’ (có nghĩa là cộng đồng vận mệnh chung cho nhân loại). Thế nhưng mấy người bên China dịch là ‘một cộng đồng chia sẻ tương lai cho nhân loại’ hoặc ‘cộng đồng nhân loại chia sẻ tương lai.’ Ngày nay, các quan chức China không nói đến ‘vận mệnh’ (destiny) nữa, mà thay vào đó là ‘tương lai’ (future).
Còn Việt Nam thì dịch là ‘Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc’. Nhưng trong thực tế, họ (China) nghĩ tới thế giới, chớ chẳng riêng gì Việt Nam đâu.
Nguồn gốc của nó là một khẩu hiệu chánh trị do Hồ Cẩm Đào chế ra. Nhưng vài năm gần đây thì cái khẩu hiệu này được Tập Cận Bình nói thường xuyên và nâng lên thành một học thuyết. Từ một khẩu hiệu thành một học thuyết. Thiệt tình!
Vậy cái ‘học thuyết’ chia sẻ tương lai này là gì? Chẳng ai rõ. Có thể ngay cả ông Tập cũng không rõ. Có thể người chế ra khẩu hiệu này (Hồ Cẩm Đào) cũng không biết mình muốn nói gì. Thành ra, giới học giả và nhà báo tha hồ diễn giải. Ký giả người Anh Bill Hayton diễn giải rằng học thuyết ‘chia sẻ tương lai’ là một sự tấn công vào các tổ chức và liên minh đa phương quốc tế nhằm quản lý thế giới từ 1945.
Cụ thể hơn, cái ‘Cộng đồng chia sẻ tương lai’ của China là một tuyên ngôn rằng China sẽ thay đổi trật tự quốc tế hiện tại. Trật tự thế giới hiện nay được xây dựng dựa trên các quốc gia tự do và chủ quyền tuân theo luật pháp quốc tế chung. China muốn thay đổi trật tự này bằng tập hợp các quốc gia phụ thuộc kinh tế vào China, và theo thời gian các quốc gia này phải chấp nhận các yêu sách chánh trị của China.
Có lẽ chính vì vậy mà phương Tây, đặc biệt là Mỹ, không chấp nhận cái khái niệm ‘chia sẻ tương lai’ của Tập. Người thì nói cái khái niệm đó trống rỗng, kẻ thì xem là một loại chủ nghĩa bá quyền mới. Nhưng dù sao thì chánh khách China cũng thuộc loại tầm cỡ, có khả năng đưa ra một tầm nhìn xa và làm cho phương Tây phải chú ý.
Cái note này không muốn bàn về ý nghĩa của khái niệm / học thuyết / viễn kiến ‘Chia sẻ tương lai’, mà chỉ nhân câu chuyện để nói rằng muốn hiểu tiếng Việt thì chúng ta phải học tiếng Anh. Nếu chỉ đọc báo tiếng Việt thì chưa chắc chúng ta biết ‘Chia sẻ tương lai’ là cái gì, nhưng tiếng Anh là phương tiện mở cánh cửa tri thức để chúng ta có một cách hiểu khác và phong phú hơn. Vậy mà có người xúi con em chúng ta học tiếng Hoa!
NGUYỄN VĂN TUẤN 17.12.2023 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Hà Nội có ít nhất 9.600 công trình xây không phép, sai phép
Một công trình vi phạm trật tự xây dựng trên phố Đội Cấn (phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội). (Ảnh: hanoionline.vn)
Một số quận, huyện có nhiều công trình sai phép được liệt kê như huyện Đông Anh, quận Hai Bà Trưng, quận Nam Từ Liêm, quận Cầu Giấy, quận Thanh Xuân, quận Ba Đình…
Sở Xây dựng Hà Nội vừa báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát việc cấp giấy phép xây dựng, tình hình trật tự xây dựng đối với các loại hình công trình nhà ở, gồm: chung cư, nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini), cơ sở kinh doanh dịch vụ thuê trọ (nhà trọ) và nhà ở hộ gia đình kết hợp kinh doanh, sản xuất có nguy cơ cháy nổ cao
Theo Sở Xây dựng, tình trạng xây dựng sai phép, sai quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng vẫn còn xảy ra ở một số quận, huyện, thị xã. Một số công trình sai phạm điển hình như chung cư mini 9 tầng ở ngõ 29/70 phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân) hoặc vụ “chung cư cao cấp” My House ở xã Tân Xã (huyện Thạch Thất).
Đến ngày 30/11, có 30 quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 69.448 công trình, trong đó có 36.154 nhà ở hộ gia đình kết hợp kinh doanh, sản xuất có nguy cơ cháy nổ cao; 30.298 nhà trọ; 385 chung cư mini và 2.611 chung cư.
Toàn thành phố có 20.915 công trình xây dựng đúng giấy phép, 2.294 công trình xây sai giấy phép, 7.326 công trình không phép, 3.045 công trình miễn phép… 165 công trình bị xử lý với số tiền phạt là hơn 3 tỷ đồng. Các địa phương đang kiểm tra, rà soát 33.580 công trình khác…
Báo cáo cho biết một số địa phương có nhiều sai phạm như huyện Đông Anh có 5.795 công trình không phép; quận Hai Bà Trưng có 855 công trình không phép, 15 công trình sai phép, đang rà soát 756 công trình; quận Nam Từ Liêm có 559 công trình xây dựng sai phép, đang rà soát 588 công trình; quận Cầu Giấy có 433 công trình xây dựng sai phép; quận Thanh Xuân có 353 công trình xây dựng sai phép, đang rà soát 3.241 công trình; quận Ba Đình có 268 công trình xây dựng sai phép, 1.681 công trình đang rà soát…
“Để xảy ra thực trạng nêu trên một phần do sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các địa phương còn thiếu sự quyết liệt; năng lực, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao…”, Sở Xây dựng đánh giá.
Sở này cũng đề nghị phê bình nghiêm khắc UBND các quận, huyện: Hà Đông, Thanh Oai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Phú Xuyên, Hoài Đức, Long Biên vì đã chậm báo cáo… Đồng thời, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trước đó, nửa đêm ngày 12/9, một vụ cháy thương tâm đã xảy ra tại chung cư mini 9 tầng ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội), khiến 56 người tử vong, 37 người bị thương.
Sau vụ cháy này, giới chức Hà Nội cũng như các tỉnh thành mới ráo riết siết chặt việc kiểm tra phòng cháy chữa cháy tại các chung cư…
Minh Long
Bệnh ngáo thành tích
Nguyễn Thông
17/12/2023
Ở xứ này, những trò giả dối, lừa mị đã thấm vào máu vào não đám cầm quyền, không chỉ bây giờ mà gần thế kỷ rồi. Tồn tại được chừng ấy thời gian, kể cũng ghê. Dân nước Nam ta, trước khi lề thói cộng sản xâm nhập vào, đâu đến nỗi vậy.
Ông bạn tôi bảo giả dối lừa mị xứ ta thời cộng sản đã ăn thua gì, so với Liên Xô, Tàu, Cuba, Triều Tiên vẫn xách dép cho chúng nó. Chỉ riêng cái chuyện sống ngập trong nghèo đói, thích đánh nhau nhưng vẫn nhét vào tai dân CNXH là thiên đường, tương lai nhân loại, là yêu hòa bình thì đủ biết bụng dạ nhau.
Tôi không hung hăng như họ nhưng rất ghét những trò giả dối, lừa đảo, hình thức. Khi đánh nhau mà gian dối đã đi một nhẽ, bởi phải chấp nhận “binh bất yếm trá” (việc binh cho phép lừa dối), chứ đã hòa bình, làm kinh tế mà cũng gian dối thì không thể chấp nhận. Tự lừa mình, cứ thoải mái. Dối ai, lại đi dối dân.
Đó là tôi muốn nói tới cụm từ, một dạng thuật ngữ, phổ biến trong các văn bản tổng kết, báo cáo kinh tế, báo chí, và mồm quan lớn ở xứ này: “Tăng trưởng âm”. Ai chưa tin, cứ mở báo mậu dịch quốc doanh ra đọc, hoặc tra Gu gồ, lại chả cho hàng vạn kết quả.
Họ dùng riết, bắt nghe riết đọc riết thành quen. Có khi nó lại thành ngôn ngữ thời thượng. Tôi nói thật, đám nhà báo không biết dùng tiếng Việt đã đành, chứ cả thủ tướng lẫn quan chức cấp cao, trong đó có các giáo sư tiến sĩ, các lãnh đạo tổng cục thống kê, bộ trưởng này nọ cũng gật gù “tăng trưởng âm” thì chối lắm.
Cắt nghĩa sơ về từ ngữ. Tăng nghĩa là thêm, thêm lên; trưởng là phát triển, lớn lên. Tăng trưởng là phát triển, lớn mạnh lên, ngày càng nhiều càng mạnh so với trước. Ngược với tăng trưởng là giảm, suy thoái. Đàn lợn tăng trưởng tức là đàn lợn ngày càng đông càng nhiều, mỗi ngày một nhiều. Kinh tế tăng trưởng tức là kinh tế ngày càng phát triển.
Nói ngắn gọn, đã tăng trưởng thì chỉ có đi lên, phát triển, cao hơn, nhiều hơn, thêm lên. Báo chí rất nhố nhăng khi còn chế ra cụm từ “tăng trưởng dương”. Đã tăng trưởng thì khỏi cần dương bởi bản thân nó đã là dương rồi. Nói/viết “tăng trưởng dương” là dốt, rỗi hơi, không biết dùng tiếng Việt.
Đã không cần dương thì lại càng không cần âm. Chế ra “tăng trưởng âm” là rất nhố nhăng, vớ vẩn.
Theo cách hiểu giản dị nhất, âm – dương là cặp phạm trù, âm đối lập với dương, sự đối lập cũng như các cặp tốt – xấu, trắng – đen, cao – thấp… vậy. Nếu dương chỉ sự đi lên, phát triển, thì âm nói về sự thụt lùi, suy thoái, đi xuống. Làm quái gì có thứ “tăng trưởng thụt lùi”. Chỉ những cái đầu ưa hình thức, quen giả dối, lừa mị, ngáo thành tích, tự lừa mình và lừa người thì mới sáng tạo ra “tăng trưởng âm”.
Cả một bộ máy lãnh đạo, cầm quyền, kể từ người cao nhất trở xuống, cứ nói mãi, nghe mãi “tăng trưởng âm” thấy quen tai, lại thỏa mãn được thói tự sướng nên không hề nhận ra sự vô lý, vớ vẩn.
Ông hàng xóm nhà tôi bảo kém cỏi, thụt lùi, đi xuống, suy thoái, xuống dốc… thì cứ nói ra là thụt lùi, suy thoái đi, lại còn vẽ vời, màu mỡ riêu cua dương mới chả âm.
Bệnh hình thức ở xứ này với bộ máy cai trị đương quyền đâu phải chỉ sự sính cờ đèn kèn trống, băng rôn khẩu hiệu, hoa hoét tre trúc lòe loẹt, mà còn rất rõ trong ngôn ngữ, từ ngữ mà họ sử dụng.
Đừng có ai gân cổ giải thích với tôi rằng khi nói “tăng trưởng âm” thì vẫn có nghĩa là tăng trưởng, nó chỉ kém, chỉ thụt lùi so với trước, một mốc thời gian nào đó thôi. Vớ vẩn, đã thụt lùi thì xuống dốc, là lùi, là suy thoái (suy yếu và lùi) thì tăng với trưởng nỗi gì.
Cũng đừng giải thích kiểu Tây học, bảo rằng trong tiếng Anh có thuật ngữ “Negative Growth”, nhưng xin nhớ negative nghĩa là tiêu cực, growth là sự phát triển. Thuật ngữ này chỉ sự phát triển bị chậm lại, có vấn đề xấu, suy thoái, chứ hoàn toàn không âm iếc chi cả. Nó rất hợp lý về từ ngữ chứ không chỏi nhau kiểu “tăng trưởng âm”.
Nhiều năm qua, tôi chờ đợi mãi sự lên tiếng của các nhà ngôn ngữ học khả kính, những giáo sư tiến sĩ, những đấng bậc về ngôn ngữ, nhưng hình như họ còn bận chuyện quốc gia đại sự, kiếm tiền, kiếm danh, hoặc họ sợ đụng chạm (nỗi sợ cố hữu của trí thức An Nam), chả thấy họ nói năng gì, nên đành phải biên mấy dòng này.
Xuyên Việt Oil đứng đầu danh sách nợ thuế đợt 2 năm 2023, trên 1.500 tỷ đồng
RFA
16/12/2023
Xuyên Việt Oil nợ thuế hơn 1.528 tỉ đồng
VietnamFinance
Có 198 doanh nghiệp nợ thuế đợt 2 năm 2023 với tổng số tiền nợ thuế trên tám ngàn tỷ đồng. Xuyên Việt Oil đứng đầu danh sách, nợ hơn 1.528 tỷ đồng.
Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vừa công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế đợt 2 năm 2023 và được truyền thông loan trong ngày 16/12.
Trong danh sách nợ thuế đợt này có đến 198 doanh nghiệp, với tổng số tiền nợ thuế là 8.080 tỉ đồng. Trong đó, Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil đứng đầu danh sách nợ thuế tại Cục Thuế TP.HCM, với số nợ hơn 1.528 tỉ đồng (tức chiếm đến gần 19% tổng số nợ). Xếp thứ hai là Công ty cổ phần đầu tư Golden Hill với số tiền nợ thuế là 1.289 tỉ đồng.
Bảy doanh nghiệp tiếp theo có mức nợ thuế từ 200 tỷ đồng đến dưới 700 tỷ đồng, gồm Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà nợ 607,9 tỉ đồng; Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng thương mại sản xuất Nhựt Thành nợ 207,8 tỉ đồng,…
Công ty Xuyên Việt Oil được thành lập từ năm 2005, có địa chỉ trụ sở chính 465-467 Hai Bà Trưng, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM, là một đầu mối xuất nhập khẩu lớn ở khu vực phía Nam, với doanh số bán ra cả tỉ lít xăng dầu mỗi năm.
Gần đây Xuyên Việt Oil có phát sinh một số hợp đồng tín dụng với các ngân hàng như BIDV (2.000 tỉ), VietinBank (thế chấp xe Rolls – Royce) và SHB (thế chấp cổ phần vay 220 tỉ)…
Hôm 14/12, ông Lê Đức Thọ -cựu Bí thư tỉnh uỷ Bến Tre đã bị khởi tố, bắt tạm giam trong quá trình Cơ quan an ninh điều tra thụ lý, điều tra vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.
Trước đó, vào trung tuần tháng 8, Ủy Ban Kiêm tra Trung ương đảng Khóa họp 13 tại kỳ họp thứ 31 ra kết luận ông Lê Đức Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của tổ chức trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; không trung thực trong giải trình nguồn gốc và biến động tài sản…