11/9/2023 – VOA Tiếng Việt
Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức họp báo tại Hà Nội, ngày 10 tháng 9 năm 2023.
Các cơ quan truyền thông do nhà nước kiểm soát của Việt Nam cắt cụt phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden về vấn đề nhân quyền của nước này trong những phiên bản được gọi là “toàn văn phát biểu” của ông sau cuộc hội đàm với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng về việc nâng cấp quan hệ hôm 10 tháng 9.
Khảo sát những video thời sự có phần dịch lồng tiếng, được phát sóng trên các đài truyền hình nhà nước, cùng bài đăng trên một số website báo mạng khác cho thấy phát biểu vốn đã ngắn ngủi của tổng thống Mỹ, được đưa ra sau cuộc họp với nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, đã bị cắt bỏ chỉ chừa lại một vế.
Phát biểu của ông Biden về nhân quyền, theo bản ghi do Nhà Trắng công bố và theo video thu trực tiếp tại hiện trường, nói:
“Tôi cũng đã nêu lên tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền là ưu tiên hàng đầu của cả chính quyền của tôi và người dân Mỹ. Và chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại thẳng thắn về vấn đề đó.”
Trong khi đó, phiên bản được sử dụng trên truyền thông nhà nước Việt Nam chỉ nói: “Tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền con người.”
Nhân quyền là một trong những vấn đề gai góc nhất trong quan hệ giữa hai nước và Việt Nam luôn tỏ ra nhạy cảm về những chỉ trích mà họ cho là thiếu khách quan.
Các tổ chức theo dõi nhân quyền nhận định nhà chức trách Việt Nam trong những năm qua đã tăng cường trấn áp xã hội dân sự, nhắm mục tiêu không chỉ vào những người bất đồng chính kiến mà còn mở rộng sang những người vận động vì môi trường.
Nhiều cá nhân và tổ chức trước đó đã hối thúc ông Biden mạnh mẽ lên tiếng về thành tích nhân quyền của Hà Nội khi ông hội đàm với các nhà lãnh đạo nước này. Một số nhà lập pháp Mỹ nói với VOA sẽ là một sai lầm nếu nâng cấp quan hệ mà không có sự cải thiện về nhân quyền.
Việt Nam luôn bác bỏ những cáo buộc vi phạm nhân quyền, nói rằng họ chỉ bắt giữ những người vi phạm pháp luật Việt Nam. Các quan chức Mỹ thì nói rằng họ có nêu lên những quan ngại với phía Việt Nam nhưng làm điều đó một cách kín đáo và tế nhị.
Trong cuộc họp báo vào cuối ngày 10 tháng 9, ông Biden khẳng định ông không đặt “bất cứ thứ gì” lên trước nhân quyền.
Thông cáo của Nhà Trắng về việc Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện đề cập tới nhiều vấn đề, trong đó có tầm quan trọng của nhân quyền.
Thông cáo nói rằng Tổng thống Biden “nhấn mạnh tính phổ quát của nhân quyền và tầm quan trọng của sự hợp tác song phương nhằm thúc đẩy nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, bao gồm quyền tự do ngôn luận, lập hội, hội họp ôn hòa, tôn giáo hay tín ngưỡng, trong và ngoài nước.”
Báo chí Việt Nam lược bỏ lời Tổng thống Biden về nhân quyền?
BBC News
11/9/2023
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Tổng thống Joe Biden tổ chức họp báo tại Hà Nội vào ngày 10 tháng 9 năm 2023, trong ngày đầu tiên của chuyến thăm Việt Nam. Biden tới Việt Nam để tăng cường hợp tác giữa hai nước, trước tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực
Các trang như Tuổi Trẻ, Pháp Luật TP HCM, Lao Động và một số tờ báo khác đã kiểm duyệt lời của Tổng thống Joe Biden khi ông nhắc đến vấn đề nhân quyền.
Cụ thể, các tờ báo nói trên đã đăng “toàn văn phát biểu” của người đứng đầu Nhà Trắng, sau cuộc khi hội kiến với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm 10/9.
Nhưng khi đối chiếu các phiên bản trên cơ quan truyền thông Việt Nam với phiên bản do Nhà Trắng đăng tải thì có sự chênh lệch.
Cụ thể, phát biểu của ông Biden nhắc đến vấn đề nhân quyền, nguyên văn trên website của Nhà Trắng là:
“Tôi cũng đã nêu tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền là ưu tiên hàng đầu của cả chính quyền của tôi và của người dân Mỹ. Và chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại thẳng thắn về lĩnh vực này.” (nguyên văn tiếng Anh: “I also raised the importance of respect for human rights as a priority for both my administration and the American people. And we’ll continue to — our candid dialogue on that regard.”)
Toàn bộ phát biểu – bản tiếng Anh – của hai nhà lãnh đạo được đăng trong mục: “Remarks by President Biden and General Secretary Nguyễn Phú Trọng of the Communist Party of Vietnam in Joint Press Statements” tại đây.
Trong khi đó, phiên bản mà trang Tuổi Trẻ, Pháp Luật TP HCM hay Lao Động đăng, đã lược bỏ bớt nội dung, chỉ còn ngắn gọn là: “Tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền con người.” Các trang báo này có thể khiến người đọc hiểu thiếu nội dung câu của tổng thống Mỹ khi ông nói là ông đã “nêu vấn đề nhân quyền với lãnh đạo VN và rằng hai bên sẽ tiếp tục đối thoại về nhân quyền chứ không chỉ nêu ra chung chung.
Nguồn hình ảnh, Chụp màn hình
Từ Boston, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) khu vực châu Á nói với BBC ngày 11/9:
“Bằng cách kiểm duyệt bất kỳ đề cập nào về nhân quyền khỏi các phương tiện truyền thông quốc gia đưa tin về bài phát biểu của Biden, chính phủ Việt Nam và Đảng Cộng sản cầm quyền đã bộc lộ bản chất thực sự của mình là một chế độ độc tài đàn áp nhân quyền.
“Hà Nội quyết tâm gạt nhân quyền sang một bên trong mối quan hệ đối tác song phương mới được nâng cấp và thật không may, có vẻ như chính phủ Hoa Kỳ đã sẵn sàng cho phép họ làm vậy,” ông Robertson nhận định.
Trước khi phái đoàn cao cấp của Hoa Kỳ tới Hà Nội, nhà nước Việt Nam thả tự do sang Đức một nhà hoạt động tôn giáo, ông Nguyễn Bắc Truyển, và vợ.
Điều được các báo vùng Nam Á chú ý là khi nói chuyện với nhà báo ở Hà Nội, TT Biden kể lại rằng ông đã nêu vấn đề nhân quyền và tự do báo chí với Thủ tướng Modi của Ấn Độ khi dự hội nghị G20 ở Dehli.
Trong lịch trình dự kiến của Tổng thống Biden mà BBC tiếp xúc, ông Biden sẽ gặp đủ “tứ trụ” Việt Nam, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam-Mỹ. Trước khi rời sân bay Nội Bài, ông còn được cho là sẽ gặp gỡ cán bộ và gia đình Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Như vậy, trong chuyến công du này, những hình ảnh và phát biểu công khai cho thấy người đứng đầu Nhà Trắng có vẻ không gặp gỡ nhóm các tổ chức xã hội dân sự hay các nhà hoạt động, vốn là một thông lệ thường thấy của các quan chức cấp cao Mỹ khi đến Việt Nam.
Ông Robertson nói với BBC, trừ phi Quốc hội Hoa Kỳ nhanh chóng tìm được tiếng nói của mình, mọi hy vọng của người Việt Nam về việc Hoa Kỳ đẩy mạnh nhân quyền ở Việt Nam sẽ không còn nữa.
Từ khóa Trung Quốc ‘chiếm sóng’
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp gỡ với các CEO tại Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội ngày 11/9/2023
Với việc Hoa Kỳ nâng tầm quan hệ ngoại giao với cựu thù Việt Nam lên cấp cao nhất nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, từ khóa về “Trung Quốc” dường như chiếm sóng khác các tựa đề của báo chí nước ngoài.
Việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên mức cao nhất – sánh ngang với Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Ấn Độ, khiến cho nhiều nhà quan sát cho rằng, Mỹ đang cố gắng ngăn chặn sức ảnh hưởng trên trường quốc tế của Trung Quốc.
Tổng thống Joe Biden nói với các phóng viên ở Hà Nội hôm 10/9 tại họp báo rằng, hành động của Mỹ không phải nhằm kiềm chế hay cô lập Trung Quốc mà nhằm duy trì sự ổn định theo luật lệ quốc tế.
Trả lời câu hỏi của BBC hôm Chủ nhật, ông Biden nói với các phóng viên tại Hà Nội: “Tôi nghĩ chúng ta đã tư duy bằng nếp nghĩ của Chiến tranh Lạnh. Vấn đề không phải là như vậy mà là việc tạo ra sự tăng trưởng và ổn định kinh tế”.
Ông nói: “Tôi muốn thấy Trung Quốc thành công về mặt kinh tế, nhưng tôi muốn thấy họ thành công dựa trên luật lệ”.
Những dấu hiệu về mối quan hệ được cải thiện đã gây khó chịu cho Bắc Kinh, nước gọi đó là bằng chứng rõ ràng hơn về “tâm lý chiến tranh lạnh” của Mỹ.
Trang Wall Street Journal chạy tựa đề nói tới mục tiêu của ông Bden là tìm kiếm một quan hệ Mỹ-Việt mạnh hơn nhằm chống lại Trung Quốc (Biden Seeks Stronger Vietnam Ties in Bid to Counter China).
The New York Times đăng tít “Biden xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn với Việt Nam khi tham vọng của Trung Quốc ngày càng gia tăng”.
Còn tựa đề “Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ với Việt Nam khi Biden chỉ trích Trung Quốc vì ‘thay đổi quy tắc'” là tựa đề trên trang Nikkei Asia.
Khi Hoa Kỳ và Việt Nam thông báo “xác lập quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện”, trang Financial Times ở Anh đã có bình luận, trích lời ông Peter Mumford, nhà phân tích tình hình Đông Nam Á thuộc Eurasia Group, nói rằng việc Hoa Kỳ-Việt Nâm đạt quan hệ mới này “vừa nhờ Hoa Kỳ kiên trì, vừa do Trung Quốc tính toán sai”.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu là khách mời (visiting fellow) thuộc Viện ISEAS Singapore nhận xét với BBC hôm 01/09 rằng, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam từ thời Tổng thống Donald Trump tới thời Tổng thống Joe Biden, ưu tiên hàng đầu không phải là hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, mà là việc liệu Việt Nam có vai trò như thế nào trong các chiến lược nêu trên.
“Chúng ta thấy rõ điều đó ở việc Tổng thống Joe Biden thiết lập Hội nghị dân chủ toàn cầu và đưa ra những diễn ngôn về dân chủ. Tuy nhiên, khi nói tới Việt Nam, ông luôn nhấn mạnh mục tiêu về hợp tác kinh tế, quân sự, an ninh quốc phòng, còn nhân quyền không được đặt là yếu tố ưu tiên,” ông Nguyễn Khắc Giang nhận định.
Tiến sĩ Giang dẫn chứng thêm, những chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo cấp cao khác của Mỹ như Ngoại trưởng Antony Blinken cũng không nhắc nhiều đến nhân quyền. Vì lẽ đó, với việc ông Biden chỉ đến Việt Nam trong vòng một ngày, khả năng có những cuộc gặp với giới xã hội dân sự hay có những hành động, tuyên bố lớn về nhân quyền “sẽ là thấp”.
Thêm nữa, mục đích của ông Biden đến Việt Nam là để nâng cấp quan hệ đôi bên trong nỗ lực kiềm tỏa sự trỗi dậy của Trung Quốc, nên việc gặp gỡ những nhà hoạt động nhân quyền sẽ đưa ra tín hiệu không tích cực đối với Việt Nam. Vì thế, ông Biden có thể sẽ tránh điều đó, theo TS Giang.
Trước chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden, Trung Quốc liên tiếp kêu gọi Việt Nam “củng cố niềm tin chính trị”. Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu đã gặp TBT Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm 5/9.
Nhân quyền Việt Nam bị lu mờ
Một số người cho rằng hồ sơ nhân quyền của Việt Nam sẽ được coi là điểm quan ngại và bất đồng giữa hai nước, với việc Washington chỉ trích Hà Nội không khoan nhượng đối với những người bất đồng chính kiến và thường xuyên bỏ tù cũng như sách nhiễu những người dám lên tiếng.
Tuy nhiên, vấn đề nhân quyền có vẻ bị Việt Nam “ngó lơ” như cách nước này thường làm trước đó, dù chính quyền Mỹ hay các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng kêu gọi.
Trong tuyên bố của Nhà Trắng về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam cũng nói rằng, Tổng thống Biden nhấn mạnh tính phổ quát của nhân quyền và tầm quan trọng của sự hợp tác song phương “nhằm thúc đẩy nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, bao gồm quyền tự do ngôn luận, lập hội, hội họp ôn hòa, tôn giáo hay tín ngưỡng, trong và ngoài nước.”
Thông cáo này của Nhà Trắng không được báo chí trong nước đăng tải hay trích dẫn, từ khóa “nhân quyền” cũng khá ít ỏi so với các vấn đề như hợp tác thương mại, đầu tư kinh tế; công nghệ khoa học hay giáo dục.
Trước đó, ông David Hutt, nhà báo từng làm việc tại Á châu, chuyên viết trong mục ‘Đông Nam Á’ của trang The Diplomat, nhận định với BBC rằng chính quyền của Đảng Cộng sản sẽ theo dõi và canh giữ chặt chẽ các nhà hoạt động nổi tiếng trong khoảng thời gian người đứng đầu Nhà Trắng ở Hà Nội.
“Sau đó, tổng thống Hoa Kỳ thường nói những lời hoa mỹ về việc tôn trọng nhân quyền. Rồi chính phủ và truyền thông Việt Nam phớt lờ những bình luận đó. Mỹ giả vờ ủng hộ dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam còn Hà Nội thì phớt lờ điều này – hiện đã là một trò chơi đã được thiết lập khá tốt,” ông Hutt nhận định.
Cây viết David Hutt nhận xét với BBC rằng, Washington muốn có sự phát triển ổn định trong quan hệ với Việt Nam, chỉ thay đổi hiện trạng một chút.
“Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện chính là củ cà rốt mà [Hà Nội] đã treo lơ lửng trước mặt Washington trong nhiều năm, và là một trong những lý do khiến Hoa Kỳ vì lợi ích cá nhân mà không chỉ trích hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam như họ đáng ra phải làm,” ông nói.
“Tuy nhiên, việc Việt Nam trở thành “đối tác chiến lược toàn diện” với Hoa Kỳ sẽ khiến Washington không còn động cơ phải lấy lòng Hà Nội nữa,” ông Hutt kết luận.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Tổng thống Mỹ đã được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chào mừng bằng tiệc chiêu đãi cấp Nhà nước ngày 11/9
Hôm 01/09, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi Tổng thống Biden nêu lên những quan ngại về nhân quyền một cách công khai cũng như riêng tư với chính phủ Việt Nam.
Phil Robertson, phó giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết: “Tổng thống Biden nên nói rõ với các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng mối quan hệ chặt chẽ hơn phụ thuộc vào những cải thiện cụ thể và có thể kiểm chứng được trong hồ sơ nhân quyền của Việt Nam”. “Hoa Kỳ không nên gạt bỏ những quan ngại về nhân quyền khi tìm cách mở rộng quan hệ đối tác ngoại giao và kinh tế với Hà Nội.”
Vài ngày trước chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Việt Nam, một ủy ban của chính phủ Hoa Kỳ đã cáo buộc Hà Nội vi phạm các cam kết đảm bảo quyền tự do tôn giáo.
Trong một báo cáo hôm 5/9, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) cho biết kể từ khi Washington đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “các quốc gia đặc biệt quan tâm” (CPC) về tự do tôn giáo vào năm 2006, chính quyền Hà Nội đã tạo ra “nhiều không gian hơn trong một số lĩnh vực” để thể hiện niềm tin.
Thế nhưng, “cuộc đàn áp xã hội dân sự gần đây, áp lực gia tăng đối với các cộng đồng tôn giáo độc lập, các báo cáo đáng báo động về việc cưỡng ép từ bỏ đức tin và các vi phạm tự do tôn giáo ngày càng gia tăng khác đã tạo nên một sự đảo ngược rõ ràng quỹ đạo vốn từng tích cực”, dẫn báo cáo.
Việt Nam đang giam giữ ít nhất 159 tù nhân chính trị – những người bị cầm tù vì thực hiện các quyền dân sự và chính trị cơ bản một cách ôn hòa. Ít nhất 22 người khác đang bị giam giữ để chờ cảnh sát điều tra và xét xử cuối cùng trước tòa án cầm quyền do Đảng Cộng sản kiểm soát, theo HRW.