30/6/2022
Gần như lúc nào hàng rào biên giới Mexico-Mỹ cũng có người nhập cư tập trung tìm kiếm phương cách và cơ hội vào Mỹ (ảnh chụp tại Yuma, Arizona ngày 21 Tháng Năm 2022 – ảnh: Mario Tama/Getty Images)
Tin cập nhật ngày 30 Tháng Sáu 2022 cho biết, số nạn nhân tử vong trong vụ đưa lậu người vào Mỹ vừa được phát hiện tại San Antonio lên đến 53. Sự việc một lần nữa lại bùng lên sự quan tâm dư luận về nạn buôn người, đặc biệt từ Mexico vào Mỹ. Hoạt động này trong thực tế chưa bao giờ chấm dứt! Phóng sự dưới đây của tờ báo địa phương Arizona The Desert Sun cho thấy rõ hơn điều đó…
Chiếc xe tải đưa người lậu vào Mỹ với 53 nạn nhân tử vong được phát hiện tại San Antonio, Texas ngày 27Tháng Sáu 2022 (ảnh: Jordan Vonderhaar/Getty Images)
Vụ 53 nạn nhân bị tử vong trong xe tải trên đường nhập cư lậu vào Mỹ là sự việc nghiêm trọng nhất của vấn nạn buôn người vào Mỹ trong nhiều thập niên (ảnh: Tayfun Coskun/Anadolu Agency via Getty Images)
Đưa người vào Mỹ bằng cách nào?
Trong gần hai giờ, Alexis (tên nhân vật đã được thay đổi), trùm buôn lậu người, mô tả cách đưa hàng ngàn người di cư vào Mỹ trong 20 năm qua. Giọng của hắn bình tĩnh, ngoại trừ khi nói về những rủi ro. Lực lượng Tuần tra Biên giới (Border Patrol) Mỹ ngày càng gây khó khăn cho hoạt động đưa người qua biên giới; trong khi bọn băng đảng ma túy thu phí “quá cảnh” nặng hơn qua khu vực của chúng; còn cảnh sát Mexico vốn nổi tiếng hối lộ cũng vòi vĩnh nhiều hơn. Nhưng Alexis vẫn sống khỏe.
Thành phố Mexicali là đô thị nhộn nhịp với hơn 900,000 dân thuộc bang Baja California của Mexico, ngay phía bên kia hàng rào ngăn cách là thị trấn Calexico nhỏ bé thuộc tiểu bang California của Hoa Kỳ. Thay vì đưa người di cư đi qua những vùng sa mạc hẻo lánh, nơi ít được các đội tuần tra biên giới canh gác nghiêm ngặt nhưng nguy hiểm hơn rất nhiều, Alexis hướng dẫn người di cư vượt qua hàng rào biên giới ngay tại trung tâm thành phố. Chiến thuật của những kẻ buôn lậu người như Alexis là đánh lạc hướng và chờ đợi cho đến khi nhân viên tuần tra biên giới rời khỏi một khu vực nào đó, rồi đưa những người di cư vượt qua hàng rào bằng dây, thang, hoặc chui qua một lỗ mở trên hàng rào.
Khi đã sang lãnh thổ Mỹ, người di cư sẽ hòa nhập vào dân cư địa phương ở Calexico, nơi gần như toàn bộ dân số là Mỹ Latin. Alexis cho biết cách đây không lâu hắn và một nhóm buôn người làm việc cùng nhau đã đưa bốn người vượt biên trót lọt trong một đêm. Bốn người này đến từ Guadalajara, thành phố lớn thứ hai của Mexico và Tepic, thủ phủ của bang ven biển Nayarit. Nhóm di cư vượt qua bức tường cạnh bãi đậu xe và nằm im trên mặt đất, nơi có những chiếc xe hơi che chắn, chờ đến khi nhân viên tuần tra bị phân tâm hoặc nhìn về hướng ngược lại bằng ống nhòm, mới vọt nhanh và hoà nhập vào đám đông. Họ lăn ra xa hàng rào và đứng dậy như vừa bước ra từ một chiếc xe đang đậu. Nếu tuần tra và máy ghi hình không phát hiện lúc leo qua hàng rào, người di cư lậu có thể bước đi bình thường. Thậm chí bình thản đi bộ ngay gần một nhân viên tuần tra và biến mất…
Tay trùm buôn người kể gì?
Rút điện thoại ra, mở Google Maps, chụm ngón tay lại và phóng to quang cảnh đường phố của Công viên Chapultepec, hắn kể lại một vụ đưa người lậu vào Mỹ một ngày trước đó. Đó là từ 5 đến 7 giờ chiều. “Nhìn qua các thanh chắn ở hàng rào biên giới, bạn có thể thấy bãi đậu xe ở phía Calexico” – Alexis vừa nói vừa chỉ vào bãi đậu xe trên điện thoại – “Đội Tuần tra Biên giới luôn ở đó. Còn đây là công viên. Phía kia là nơi đội tuần tra đậu xe. Chúng tôi đưa họ qua hàng rào và bảo họ lăn trên mặt đất cho đến khi tới được dãy xe hơi. Sau đó, họ canh nhân viên tuần tra, trước khi lồm cồm dậy rồi thong thả bước đi như thể mình là cư dân địa phương”.
Alexis tiếp tục lướt các hình ảnh trên bản đồ Google cho đến khi một tòa nhà lớn xuất hiện. “Bạn thấy nhà kho ở góc đường không? Trước đây nó để không nhưng nay là chỗ chúng tôi cho người di cư ẩn náu. Cách dễ nhất để giấu ai đó là phải có nhà. Hãy nhìn ngôi nhà xanh đằng kia. Ngôi nhà đó có sàn. Chúng tôi cho người khoét lỗ trên sàn và giấu những người di cư. Chúng tôi sẽ không đưa trực tiếp họ đến ngôi nhà mà họ tự đến rồi trốn dưới đó. Đó là cách mà chúng tôi giúp mọi người vượt biên qua Mỹ. Nhờ nhảy rào vô số lần trong nhiều năm qua nên tôi biết rất rõ Calexico và toàn bộ khu vực này, biết tất cả ngôi nhà và đường phố giống như bàn tay mình…”.
Như rất nhiều thứ đặc thù trong thế giới buôn lậu, nơi sự thật và danh tính thực là những thứ luật pháp không thể vói tới nên phần lớn những gì Alexis nói là rất khó xác minh. Thuật lại, Alexis cho biết mình đã tự vượt biên trái phép vào năm 1994 sau khi lớn lên trong nghèo đói ở bang Veracruz trên bờ Vịnh Mexico. Hắn kiếm được một công việc ở San Diego, California với thu nhập $240 một tuần, nhưng bị Tuần tra Biên giới trục xuất sáu tháng sau và cuối cùng tạm trú tại Mexicali.
Ban đầu, Alexis sống vất vưởng bằng nhiều nghề và chỉ kiếm được trung bình 30 peso mỗi ngày, khoảng $1.70. Sau đó, Alexis làm “nghề” rửa kính chắn gió cho những chiếc xe đang chờ sang Calexico. Sự cạnh tranh giữa các nhóm rửa kính rất khốc liệt. Một lần, lúc Alexis đang làm việc, có một kẻ buôn người tiếp cận và hỏi hắn có muốn làm mồi nhử (decoy) không. “Tôi hỏi hắn trả bao nhiêu và hắn nói $50 cho một lần đánh lạc hướng tuần tra. Đó là cách tôi bắt đầu. Sau đó hắn đưa người muốn vượt biên cho tôi. Công việc khá thuận lợi. Lúc này, tiền bạc đã rủng rỉnh. Khi thèm một chiếc bánh mì kẹp thịt, tôi có thể mua dễ dàng!”.
Khi Alexis mới vào nghề, hầu hết hàng rào biên giới được xây bằng những tấm kim loại. Rào chắn bằng tôn có nếp rất dễ cắt và trèo qua dễ dàng. Lực lượng tuần tra biên giới cũng mỏng. Alexis kể: “Khi đó, tôi có thể đánh lạc hướng tuần tra bằng cách nhảy qua rào để họ đuổi theo và bỏ trống địa bàn cho những người vượt biên. Nhưng nay không còn dễ như thế”. Camera được lắp khắp nơi trên các cột dọc biên giới và người ta cũng lắp đặt hệ thống cảm biến chuyển động dưới lòng đất. Tất nhiên, hàng rào cũng kiên cố hơn.
Ngày càng khó hơn nhưng buôn người vẫn hoạt động không ngừng nghỉ
Đạo luật Hàng rào an toàn (Secure Fence Act) năm 2006 đã bổ sung thêm hàng trăm dặm hàng rào mới được xây bằng các dầm thép đổ bê tông thẳng đứng và được thiết kế để khó trèo qua. Các thanh kim loại dọc hàng rào mới cho phép các nhân viên tuần tra Mỹ nhìn thấy hoạt động đưa lậu người ở phía Mexico. Nhưng “vỏ quýt dầy có móng tay nhọn”. Việc có thể nhìn xuyên qua hàng rào có nghĩa chúng có thể biết chính xác các nhân viên tuần tra đang ở đâu. Bọn buôn lậu trả tiền cho kẻ cảnh giới ở cả hai bên biên giới, thậm chí gọi điện cho cả nhân viên tuần tra để gây xao nhãng. Alexis đã giúp hàng ngàn người di cư từ khắp nơi trên thế giới vào Mỹ. Khách hàng của hắn chủ yếu đến từ các bang nghèo ở miền Nam Mexico: Chiapas, Oaxaca, Veracruz; và một số từ các bang Jalisco, Yucatan, Tabasco; hoặc từ các quốc gia Trung Mỹ.
Những chuyến nhập cư bất tận vào ào ạt vào Mỹ (cảnh dân nhập cư lậu từ Mexico lọt vào Yuma, Arizona) – ảnh: Mario Tama/Getty Images
Có bốn con đường nhập cư hợp pháp vào Mỹ: Gia đình đoàn tụ, visa việc làm, nhân đạo và xổ số. Nhưng số người có thể nhập cảnh vào Mỹ theo các kênh này ngày càng bị hạn chế. Hiện tại, phí nhập cảnh chui từ Mexicali qua biên giới và đến Los Angeles là khoảng $5,000 đến $6,500. Phần của Alexis khoảng $2,500. Số tiền còn lại được chia cho những người tham gia khác nhưng “miếng” lớn nhất, từ $2,800 đến $3,000, thuộc về người lái xe đưa người vượt biên đến Los Angeles, vì ông ta chịu rủi ro lớn nhất nếu bị tuần tra biên giới bắt.
Alexis trả thêm $100 đến $300 cho người làm mồi nhử, cảnh giới, lái xe và điều hành những ngôi nhà an toàn ở Calexico. Ngoài ra còn tiền hối lộ cho cảnh sát Mexico. “Họ lấy $200 cho mỗi người di cư. Nếu tôi không trả tiền và bị bắt, chắc chắn 100% tôi sẽ ngồi tù – Alexis nói – Ngay cả khi vượt biên thất bại, tiền vẫn phải trả”. Sẽ tốn nhiều chi phí hơn nếu sử dụng nhiều mồi nhử hơn và dùng nhiều người hơn, nhiều công cụ hỗ trợ hơn. Do đó, phí biến động từ $7,000; $12,000; hoặc $13,000 cho một người nhập cư lậu – cũng còn “rẻ” chán so với băng đảng người Hoa, với phí có thể lên đến $50,000/người.