Hồi ký của một nhà báo chống lại một kẻ độc tài

Share this post on:

Giữ vững niềm tin dù bóng đêm tuyên truyền vây phủ trên đầu.

Trần Quỳnh Vi / Tạp chí Luật Khoa

16/5/2023

Ảnh bìa sách: Harper. Đồ họa: Luật Khoa. 

Nhà báo Maria Ressa không chỉ nổi tiếng ở châu Á mà còn trên toàn thế giới, đặc biệt là sau khi bà nhận giải Nobel Hòa bình cùng với nhà báo Dmitry Muratov người Nga vào năm 2021. Ressa là người sáng lập, điều hành tờ báo mạng Rappler tại Philippines. Vài năm trở lại đây, bà và tờ báo phải đối mặt với rất nhiều vấn đề pháp lý hình sự.

Ressa có thể chọn một cuộc sống hạnh phúc êm đềm và giàu có tại Mỹ, đó là nơi bà trưởng thành và theo học tại một ngôi trường danh tiếng – Đại học Princeton. Vậy vì lý do gì mà một người Philippines đã rời đất nước khi mới 10 tuổi lại quay về để phát triển báo chí nước nhà, và còn dùng cả cuộc đời để bảo vệ tự do báo chí và nền dân chủ ở nơi đó? Cuốn sách mới nhất của Ressa sẽ cho chúng ta câu trả lời.

Đọc cuốn “How to Stand Up To a Dictator, The Fight of Our Future (tạm dịch: Làm sao để chống lại một kẻ độc tài – Cuộc chiến cho tương lai chúng ta), độc giả sẽ biết được rằng Maria Ressa vẫn chọn ở lại Philippines để chiến đấu cho nền dân chủ nước này, dù đã có quốc tịch Mỹ.

Bà Ressa cùng tờ Rappler đã và đang vướng vào các vấn đề pháp lý không phải vì họ phạm tội hình sự như chính phủ cáo buộc, mà chỉ vì họ đang làm báo độc lập. Theo nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế như Human Rights Watch, Amnesty International, và The Committee to Protect Journalists (CPJ), chính phủ của Tổng thống Rodrigo Duterte đã dùng những tội danh như “trốn thuế” và “phỉ báng trên mạng” (cyber libel) để đàn áp tự do báo chí.

Cuốn sách này có thể được xem là một dạng hồi ký. Đó là hồi ký của một phóng viên về cuộc đời và sự nghiệp làm báo, cũng như những giá trị của chính mình mà bà quyết tâm theo đuổi.

Vì Ressa là một phóng viên, câu chuyện bà viết rất mạch lạc và dễ đọc. Người đọc được dẫn dắt để đi từ cuộc đời của một bé gái nhỏ người, đơn độc, mồ côi cha, đến từ Philippines rồi bắt đầu cuộc sống với cha dượng và mẹ tại tiểu bang New Jersey. Cô gái đó đã trưởng thành tại Mỹ, nhưng kể từ khi chứng kiến người dân Philippines lật đổ nhà độc tài Ferdinand Marcos vào năm 1986 trong cuộc Cách mạng Quyền lực Nhân dân (People Power) hay còn được gọi là Cách mạng EDSA tại thủ đô Manila, cô quyết tâm trở về quê mẹ để bắt đầu sống và làm báo ở đó.

Maria Ressa quyết định theo đuổi ngành báo chí, và bà trở thành một nhà báo tại Philippines sau khi hoàn thành khóa học từ học bổng Fulbright. Gia đình của bà tại Mỹ không thể tưởng tượng nổi trước quyết định này, họ cho rằng bà trở nên quá điên cuồng cho nền dân chủ non nớt tại Philippines. Ressa từ đó cho đến tận hôm nay vẫn luôn đề cao công việc và giá trị của những nhà báo, của báo chí tự do, để xây dựng cũng như bảo vệ nền dân chủ.

Cuốn sách này được xuất bản vào tháng 11/2022, khi Ressa vẫn đang đối mặt với những cáo buộc về tội trốn thuế và phỉ báng trên mạng. Nếu bị buộc tội, bà có thể phải đối diện với mức án hơn 100 năm tù, nhưng bà vẫn không sờn lòng hay sợ hãi. Nhiều người vẫn thường nhắc đến câu nói “Hold the Line” của bà (tạm dịch: Hãy giữ vững niềm tin). Niềm tin đó là một niềm tin vào giá trị của nghề báo và của các nhà báo, một ngành nghề được Hiến pháp Mỹ và Hiến pháp Philippines bảo vệ. Công việc viết báo cũng được đưa vào các quyền con người ở Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.

Ressa viết rất rõ trong sách, bà không hoảng sợ và đầu hàng khi bị chính quyền Duterte cáo buộc các tội hình sự, vì bà tin vào hệ thống tư pháp tại Philippines. Lòng can đảm của Ressa đã và đang truyền cảm hứng cho rất nhiều nhà báo ở khắp nơi trên thế giới. Bà đã không chọn trở về Mỹ, quê hương thứ hai của mình, để được bảo vệ và chở che. Bà vẫn tiếp tục sống tại Manila, Philippines và tiếp tục công việc của mình tại tờ báo Rappler.

Cuốn sách của Ressa không chỉ tự thuật về nghề báo của cá nhân bà hay là về Rappler. Câu chuyện mà bà kể còn nói về những vấn đề mà nền báo chí thế giới cần phải tiếp tục chiến đấu nếu muốn dùng ngòi viết của mình chống lại độc tài và xây dựng những quốc gia dân chủ. Những điều bà viết có thể sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà báo tự do sống tại những nơi có nền chính trị độc tài, toàn trị.

Khi các công ty công nghệ như Meta – chủ sở hữu của Facebook – sẵn sàng vì lợi nhuận mà đánh đổi quyền tự do báo chí ở một số nơi, hợp tác với các chính quyền độc tài. Hay, các thông tin giả được lan truyền một cách mạnh mẽ trên mạng xã hội và những tin tức trung thực từ các tờ báo tự do thì bị xử lý nhanh chóng nhằm đè bẹp chúng trong dòng thác thông tin ở những nơi đó. Thế thì nhà báo phải nên làm thế nào? Bà Ressa lấy bản thân bà trong cuộc đối đầu với chính phủ Duterte để khuyến khích những nhà báo khác “hãy giữ vững niềm tin”, hãy tiếp tục dùng những dữ liệu trung thực để viết bài và mang tin tức đến cho công chúng.

Vào tháng 1/2023, một số tội danh của Ressa đã được một tòa án phúc thẩm tại Philippines bác bỏ. Đó là một chiến thắng cho người cầm bút như bà Ressa. Tuy nhiên, vẫn còn đó những cáo buộc về tội phỉ báng trên mạng.

Rất nhiều các tổ chức nhân quyền quốc tế yêu cầu tòa án Philippines bác bỏ những cáo buộc này, vì họ cho rằng đây là cáo buộc mang tính chính trị để đàn áp quyền tự do báo chí. Nền báo chí tại Philippines đã xuống dốc khá nhiều trong những năm qua khi số người viết bị đàn áp, bị cầm tù, và cả bị giết không minh bạch tăng cao. Bất chấp thực tế như vậy, Ressa vẫn tiếp tục làm báo tại đảo quốc này và tiếp tục cổ xúy người cầm bút “giữ vững niềm tin”.

Con đường của những nhà báo chọn đi chung với Ressa có thể sẽ không bằng phẳng và có lắm hiểm nguy, nhưng đó là con đường chống lại độc tài và là cách mà chúng ta chiến đấu cho tương lai của chính mình. Cuốn sách của bà là một ngọn đuốc nhỏ cho những nhà báo tự do khi họ cầm bút hay gõ phím ở những nơi mà bóng đêm tuyên truyền của chính quyền độc tài vẫn đang bao phủ.

Bạn có thể mua quyển “How to Stand Up to a Dictator: The Fight for Our Future” tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.

https://www.luatkhoa.com/2023/05