15/7/2021
Ban Tu Thư/TVVN
Tổng thống Joe Biden và các lãnh đạo G7 tại Conwall, Anh quốc hồi tháng 6/2021. Nguồn: EPA
Tình hình địa chính trị thế giới trở nên nóng bỏng trong thời gian gần đây với hàng loạt sự kiện quan trọng, được đánh dấu với chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Joe Biden tới châu Âu tham dự hội nghị thượng đỉnh nhóm bẩy cường quốc G7 ( 12.06 tại Cornwall, Anh), thượng đỉnh NATO (14.06 tại Brussel,Bỉ), thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) (15.06 tại Brussel,Bỉ), và cuối cùng là cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào ngày 16.06 tại Geneve, Thụy sĩ.
Dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm và đánh giá cao kết quả của các cuộc họp thượng đỉnh. Các nhà bình luận quốc tế nhận định chuyến đi đầu tiên của Biden đến châu Âu, không chỉ nhằm thuyết phục G7, các đồng minh NATO và Liên minh châu Âu rằng Mỹ quay trở lại, mà còn để vận động các đồng minh hỗ trợ cho những chủ trương trong tân chiến lược an ninh-đội ngoại của Mỹ.
Những định hướng mới cuả chính quyền Biden.
Nhìn bề ngoài, Tổng thống Joe Biden đang theo đuổi các mục tiêu tương tự như người tiền nhiệm. Trong khi “Nước Mỹ trên hết” của Trump chỉ đơn thuần là khẩu hiệu của một chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa dân tộc mang nặng sắc thái ích kỷ, thì trên thực tế Biden đang thực hiện một sứ mệnh. Biden nhìn nước Mỹ đang ở trong cuộc cạnh tranh có hệ thống với các chế độ độc đoán như Trung Quốc và Nga, để giành chiến thắng trong thế kỷ 21.
Những chế độ độc đoán mang hy vọng siêu cường Mỹ sẽ sa lầy ở những cuộc xung đột bất tận như ở Afghanistan. Nhưng nay Biden đã nhận ra những thách thức trong năm 2021 không thể đối đầu với tầm nhìn chiến lược sau vụ tấn công khủng bố năm 2001. Chính quyền bảo thủ George W. Bush mơ mộng xây dựng quốc gia ở những vùng xa xôi trên thế giới nên đã phung phí hàng nghìn tỷ đô la cho việc lật đổ Saddam Hussein và chương trình dân chủ hoá Trung Đông, trong khi tại Mỹ lại thiếu các nguồn tài trợ cho đầu tư vào y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng. Việc Mỹ rời khỏi Afghanistan cho thấy Biden quyết tâm định hướng lại đường lối can dự quân sự ở nước ngoài.
Nga và Trung Quốc tìm mọi cách can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ đã cho thấy đội ngũ tuyên truyền của hai chế độ này từ lâu đã nhận ra nhược điểm của siêu cường Mỹ nằm ở các mâu thuẫn nội bộ cần được khai thác triệt để. Vì thế Biden xem phục hồi kinh tế , ngăn chận đại dịch, chống biến đổi khí hậu , giảm bất bình đẳng xã hội và giải phóng xã hội thoát khỏi tai họa phân biệt chủng tộc là những việc ưu tiên cần cấp bách giải quyết. Chính quyền Biden tung ra những những gói trợ giúp trị giá nhiều nghìn tỷ đô la để phụ cấp cho người dân, người thất nghiệp và các doanh nghiệp gặp khó khăn vì Covid-19 cũng như tăng đầu tư vào hạ tầng cơ sở . Tất cả đều thể hiện chủ trương của chính sách ngoại giao phục vụ giới trung lưu nhằm tăng cường nền dân chủ trong nước. Đối với Biden, một nước Mỹ mạnh trên sân nhà là điều kiện tiên quyết cho một nước Mỹ mạnh trên thế giới.
Ba thách thức và Ba phản ứng cho an ninh đối ngoại của Mỹ
Chiến lược an ninh-đối ngoaị mới còn được goị là Học thuyết Biden – bắt nguồn từ thực tại là ưu thế của các cường quốc dân chủ bị đe dọa. Theo Biden cộng đồng các quốc gia dân chủ đang đối mặt với ba thách thức liên quan lẫn nhau.
Thách thức thứ nhất xuất phát từ các cường quốc độc tài – Nga và đặc biệt là Trung Quốc. Các quốc gia này đang tranh giành quyền lực của Mỹ trên khắp thế giới và đe dọa các quốc gia dân chủ từ Đông Âu đến Đài Loan. Thách thức mà họ đặt ra mang tính ý thức hệ và địa chính trị. Nga và Trung Quốc chủ trương làm suy yếu, phân hoá hệ thống quốc tế hiện tại. Trong khi Nga đang sử dụng các cuộc tấn công mạng và thông tin sai lệch để tạo bất ổn ở các quốc gia dân chủ và biến công dân của các quốc gia này chống đối nhau thì Trung Quốc sử dụng sức mạnh thị trường của mình để trừng phạt những quốc gia dám lên tiếng chỉ trích họ. Điều đáng sợ nhất là Bắc Kinh ngày càng đầu tư nhiều vào lãnh vực công nghệ, như viễn thông 5G và trí tuệ nhân tạo, nhằm mở rộng ảnh hưởng.
Thách thức thứ hai đến từ các vấn đề xuyên quốc gia có ảnh hưởng đến sự cạnh tranh giữa các cường quốc. COVID-19 không chỉ đơn giản là một đại dịch của thế kỷ; mà còn là một thách thức đối với quan điểm cho rằng các nền dân chủ có thể ứng phó một cách hiệu quả. Tham nhũng là một tệ nạn mà Nga và Trung cộng và các nước độc tài khác khai thác để bành trướng và làm suy yếu các đối thủ của họ.
Thách thức thứ ba là sự sụp đổ của nền dân chủ từ bên trong. Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã chứng kiến hậu qủa của việc bầu một vị Tổng thống thiếu phẩm chất lãnh đạo và những cuộc baọ động nhằm lật ngược kết quả của một cuộc bầu cử dân chủ. Trong toàn thế giới tự do, tâm trạng chống dân chủ và bất mãn với các định chế nhà nước đã đạt đến cao điểm chưa từng thấy kể từ Thế chiến thứ hai. Xu hướng này đang tác động tai hại đến sự ổn định và đoàn kết ở các quốc gia dân chủ.
Trước ba thách thức này,học thuyết Biden đề ra ba cách phản ứng:
Thứ nhất, Hoa Kỳ phải tăng cường sự liên kết và khả năng đề kháng của cộng đồng dân chủ chống lại các những đối thủ độc tài và làm sự đoàn kết dân chủ đó thực sự mang tính toàn cầu.
Thứ hai, Hoa Kỳ phải dẫn đầu các nền dân chủ trên thế giới trong việc giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia mà không quốc gia nào có thể tự mình giải quyết được.
Thứ ba Hoa Kỳ phải xây dựng một “vị thế sức mạnh” cho sự cạnh tranh toàn cầu bằng cách tái đầu tư vào các tiềm năng cạnh tranh của chính mình và minh chứng rằng thể chế dân chủ có nhiều ưu điểm mang lại lợi ích cho người dân. Một nước Mỹ mạnh là điều kiện tiên quyết cho một nước Mỹ mạnh trên thế giới.
Hình thành một Liên minh chống Nga-Trung
Chính quyền Biden từ bỏ lập trường theo chủ nghĩa cô lập và đường lối giao dịch áp đặt của người tiền nhiệm để khôi phục uy tín quốc tế đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ và củng cố các liên minh hiện có. Biden đánh giá cao mối quan hệ với NATO và EU và khẳng định Mỹ và Âu châu có chung trách nhiệm giải quyết những vấn nạn xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu và đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền.
Tổng thống Joe Biden đã đồng ý chấm dứt cuộc chiến thương mại với Liên minh Âu châu EU và những tranh cãi trong liên minh quân sự NATO.
Mỹ ủng hộ những nỗ lưc cải cách NATO như là khuôn khổ tổ chức cho phòng thủ tập thể của khu vực Đại Tây Dương, chống lại mọi mối đe dọa, từ mọi hướng. NATO xác nhận liên minh đang phải đối mặt với “sự cạnh tranh có hệ thống từ các quyền lực quyết đoán và độc đoán” cũng như những thách thức an ninh ngày càng tăng. NATO nêu tên Nga và Trung Quốc trong số những nguyên nhân chính khiến họ lo ngại.
NATO nhận xét các mục tiêu và hành vi của Trung quốc là “những thách thức mang tính hệ thống đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” và cáo buộc Bắc Kinh tham gia vào “các chính sách cưỡng chế”, ngấm ngầm nâng cấp lực lượng vũ trang và sử dụng thông tin sai lệch để đạt được mục tiêu. Đối với Nga, NATO tiếp tục đối đầu với lý do Moscow có nhiều hành vi không phù hợp với luật pháp quốc tế và khẳng định không quay lại quan hệ trước năm 2014 với Nga cho đến khi nước này thể hiện sự tuân thủ luật pháp quốc tế và các nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế của mình.
Nhóm G7 bao gổm Mỹ, Canada, Anh, Đức, Ý, Pháp và Nhật Bản, đã đạt được sự đồng thuận cho cách tiếp cận chung đối với Trung Quốc về thương mại và nhân quyền. Các nhà lãnh đạo của G7 – phê bình Trung Quốc về tình trạng nhân quyền ở khu vực Tân Cương và yêu cầu một cuộc điều tra đầy đủ về nguồn gốc của virus Corona ở Trung Quốc. Nhóm G7 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan, Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nhóm G7 ủng hộ đề nghị của Biden xây dựng một kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng cạnh tranh với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Kế hoạch này được gọi là sáng kiến Xây dựng lại Thế giới Tốt đẹp hơn (Build Back Better World –B3W)
Dự kiến xây dựng một „NATO Á châu“ chống Trung cộng
Kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc, người Mỹ đã là cường quốc thống trị trong khu vực Thái Bình Dương và không có ý định từ bỏ quyền nắm giữ của họ. Trong tuyên bố về chính sách đối ngoại, Tổng thống Joe Biden mô tả “Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất” và cho biết Mỹ sẽ “đối đầu những thách thức đặt ra đối với sự thịnh vượng, an ninh và các giá trị dân chủ từ đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất”. Mỹ sẽ duy trì và tăng cường các hành động để đối đầu với Trung Quốc về nhân quyền, sở hữu trí tuệ, thương mại và công nghệ.
Hoa Kỳ đã tập hợp một liên minh gồm Australia, Nhật Bản và Ấn Độ với tên gọi là Quad hay “Bộ tứ an ninh”, để điều phối các hành động chung. Mỹ đã triển khai nhiều quân hơn ở các khu vực Đông Á và Thái Bình Dương so với châu Âu và Trung Đông trong hai thập kỷ qua.
Biden từng tuyên bố rằng quân đội Mỹ sẽ tăng cường hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để ‘ngăn chặn xung đột’, thay vì bắt đầu một cuộc xung đột mới.
Á châu chiếm nửa số lượng quân đội Mỹ ở nước ngoài. Mỹ có 5 căn cứ quân sự lớn ở Philippines, 40 căn cứ ở Nhật Bản và Hàn Quốc, và Hạm đội 7 của họ – đóng tại Yokosuka, Nhật Bản – là lực lượng hải quân lớn nhất của Washington.
Là một khu vực trọng điểm của cuộc cạnh tranh quyền lực lớn và là nơi có nhiều đối tác quân sự của Mỹ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN có thể sẽ nhận một vai trò thiết yếu trong cấu trúc Ấn Độ – Thái Bình Dương. Vi vậy đang có ý kiến cho rằng chính quyền Biden dự định xây dựng một “NATO Á châu” bao gồm các đồng minh và các cường quốc cùng chí hướng mà mục đích cuối cùng là ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc .
Sự bất đồng về cách tiếp cận chống Nga-Trung
Tổng thống Joe Biden xây dựng kế hoạch dài hạn để đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại. Phần lớn những gì Joe Biden đã đặt ra trong chiến lược an ninh-đối ngoại là đánh dấu sự thay đổi so với người tiền nhiệm Donald Trump cả về phong cách và nội dung.
Biden nhận thức đúng rằng chìa khóa thành công cuối cùng trong cuộc cạnh tranh giữa dân chủ và độc tài là Mỹ phải liên kết với các quốc gia dân chủ . Nhưng phần lớn các quốc gia đồng minh của Mỹ không mong muốn liên kết, hợp tác nhằm ‘cứng rắn’ chống lại Trung Quốc hay Nga.
Nhiều quốc gia Âu châu cho chủ trương cô lập Nga là sai lầm và nguy hiểm cho an ninh Âu châu. Âu châu muốn duy trì quan hệ chặt chẽ với Moscow, coi đây là một đối tác năng lượng quan trọng – Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ chính của mình trên lĩnh vực kinh tế, công nghệ và an ninh. Âu Châu có thể coi Trung Quốc là một mối đe dọa an ninh quốc gia, nhưng hy vọng sẽ hợp tác kinh tế trong các lĩnh vực cùng quan tâm với Bắc Kinh.,
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố “G-7 không phải là một câu lạc bộ thù địch với Trung Quốc” và Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận rằng Trung Quốc là đối thủ nhưng cũng là „đối tác của chúng tôi về nhiều mặt“.
Những lo ngại này không có gì đáng ngạc nhiên. Thương mại giữa châu Âu và Trung Quốc đang gia tăng và nhiều quốc gia chủ chốt ở châu Á Thái Bình Dương coi Trung Quốc là đối tác thương mại, đầu tư, sản xuất và công nghệ lớn của họ. Họ không có ý định bị kẹt giữa cái búa của Hoa Kỳ và cái đe của Trung Quốc.
Hơn nữa sẽ không thể đạt được tiến bộ trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu nghiêm trọng nhất, bao gồm biến đổi khí hậu, đại dịch, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và khủng bố, nếu không có sự hợp tác của các cường quốc. Việc mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga, và bảo vệ trật tự chính trị trong nước của họ, được thúc đẩy bởi khát vọng dân tộc chủ nghĩa hơn là khuynh hướng ý thức hệ.