Phụ nữ Iran biểu tình tại World Cup 

Share this post on:

22/11/2022 – AP 

Cổ động viên Iran dâng cao quốc kỳ có dòng chữ "Phụ nữ" trên khán đài Sân vận động Quốc tế Khalifa ở Doha trong trận đấu vòng bảng đầu tiên tại World Cup, đang diễn ra ở Qatar, với đội tuyển Anh hôm 21/11.

Cổ động viên Iran dâng cao quốc kỳ có dòng chữ “Phụ nữ” trên khán đài Sân vận động Quốc tế Khalifa ở Doha trong trận đấu vòng bảng đầu tiên tại World Cup, đang diễn ra ở Qatar, với đội tuyển Anh hôm 21/11. 

Các cầu thủ Iran đã không hát quốc ca của họ và không ăn mừng bàn thắng của họ. Trên khán đài, nhiều cổ động viên Iran thể hiện sự đoàn kết với phong trào biểu tình đã gây náo loạn cả nước trong nhiều tháng qua.

Trận mở màn World Cup của Iran hôm 21/11 trước Anh không chỉ là về bóng đá, mà còn là những cuộc đấu tranh chính trị đang diễn ra khắp nước Cộng hòa Hồi giáo. Và đối với một số phụ nữ Iran bị cấm tham dự các trận đấu bóng đá nam ở trong nước, đây là cơ hội quý giá đầu tiên để được xem trực tiếp đội tuyển quốc gia của họ.

“Bạn có biết cảm giác đau đớn như thế nào khi là người hâm mộ bóng đá lớn nhất mà không bao giờ tham dự một trận đấu trong 34 năm qua không?” cô Afsani, một người nuôi ong 34 tuổi đến từ Tehran lần đầu tiên đến Qatar để xem đội tuyển nam thi đấu, cho biết. Cô nói rằng cô đã khóc khi bước vào Sân vận động Quốc tế Khalifa.

Giống như những người hâm mộ Iran khác, cô Afsani từ chối cho biết họ của mình vì sợ bị chính phủ trả đũa.

Iran đã thua 6-2 trước đội tuyển Anh vượt trội hơn, nhưng kết quả không phải là điều quan trọng nhất đối với cô Mayram, một cư dân Tehran 35 tuổi cũng đã lần đầu tiên trong đời được xem trực tiếp một trận đấu bóng đá. Cô thấy thất vọng vì các cầu thủ đã không thể hiện sự đoàn kết công khai hơn với các cuộc biểu tình trong nước.

“Có những cô gái bị giết chết trên đường phố,” cô Mayram nói. “Thật khó để nói nhưng đây không phải là một dịp vui. Nó thực sự rất đáng buồn.”

Iran đang tranh tài ở World Cup trong bối cảnh một cuộc đàn áp bạo lực đối với phong trào biểu tình lớn của phụ nữ dẫn đến cái chết của ít nhất 419 người, theo thống kê của các nhà Hoạt động Nhân quyền ở Iran, một nhóm theo dõi các cuộc biểu tình.

Tình trạng bất ổn được thúc đẩy bởi cái chết của cô gái 22 tuổi, Mahsa Amini, hôm 16/9 khi đang bị cảnh sát đạo đức của Iran giam giữ. Đầu tiên, tình trạng này chỉ tập trung vào khăn trùm đầu, được gọi là jihab, mà phụ nữ Iran bị buộc phải đội theo lệnh của nhà nước, nhưng sau đó đã biến thành một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với nước Cộng hòa Hồi giáo kể từ những năm hỗn loạn sau khi thành lập.

Nhiều người hâm mộ Iran ở Doha đã mặc áo phông và giương cao khẩu hiệu của cuộc nổi dậy – “Phụ nữ, Cuộc sống, Tự do”. Những người khác mặc áo có tên của những người biểu tình nữ bị lực lượng an ninh Iran giết hại trong những tuần gần đây.

Vào phút thứ 22 của trận đấu – tức số tuổi của Amini khi cô qua đời – một số người hâm mộ đã hô vang tên cô, mặc dù điệp khúc nhanh chóng tắt đi và được thay thế bằng “Iran”.

Những người hâm mộ khác mặc áo đen bảo thủ và khăn trùm đầu màu cờ Iran cổ vũ rất lớn cho đội tuyển quốc gia của họ. Nhiều người trong số họ từ chối bình luận về tình hình chính trị, nói rằng nó không liên quan đến họ.

Trước các trận đấu quốc tế, các cầu thủ Iran thường hát quốc ca với bàn tay phải đặt trên trái tim. Nhưng vào hôm 21/11, họ đứng im lặng, cánh tay khoác lên vai nhau, khiến đài truyền hình nhà nước của Iran phải cắt các đoạn cận cảnh khuôn mặt của các cầu thủ và chuyển sang một cảnh quay rộng trên sân. Trong suốt trận đấu, các cầu thủ đã không ăn mừng hai bàn thắng của họ, một điều đã trở nên phổ biến trong các trận đấu của giải Vô địch Quốc gia Iran kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu.

Câu hỏi về việc có nên cổ vũ cho đội tuyển quốc gia hay không đã chia rẽ người Iran. Nhiều người hiện coi sự ủng hộ dành cho đội tuyển Iran là sự phản bội đối với những phụ nữ và nam giới trẻ tuổi đã liều mạng trên đường phố.

“Phong trào phản đối đã làm lu mờ bóng đá,” Kamran, một giáo sư ngôn ngữ học sống ở tỉnh Mazandaran, miền bắc Iran, cho biết. “Tôi muốn Iran thua ba trận (vòng bảng) này.”

Những người khác khẳng định đội tuyển quốc gia, bao gồm các cầu thủ đã lên tiếng trên mạng xã hội để thể hiện tình đoàn kết với các cuộc biểu tình, là đại diện cho người dân đất nước chứ không phải các giáo sĩ Shiite cầm quyền. Tiền đạo ngôi sao của đội, Sardar Azmoun, đã lên tiếng trên mạng về các cuộc biểu tình. Tiền đạo này bị ngồi ghế dự bị trong suốt trận đấu hôm 21/11, trước sự thất vọng của những người hâm mộ, những người nói rằng họ đã mong thấy anh ấy thực hiện một cử chỉ phản đối trên sân. Hai cựu ngôi sao bóng đá Iran thậm chí đã bị bắt vì ủng hộ phong trào này.

Ali Jassim, một cổ động viên 14 tuổi của Iran, nói cậu chắc chắn rằng cuộc khủng hoảng chính trị đang ảnh hưởng đến thành tích của đội, khi đội tuyển Anh vượt lên dẫn trước 3-0 trong hiệp một.

“Tôi không biết làm thế nào họ có thể tập trung trong một sân vận động có rất nhiều người muốn họ thất bại,” Jassim nói.

Chính phủ Iran đã tìm cách khuyến khích người dân ủng hộ đội của họ chống lại kẻ thù truyền thống của Iran. Đội Iran sẽ đấu với đội Mỹ vào ngày 29/11 – một màn đấu gây tranh cãi mà trước đây đã diễn ra lần cuối tại World Cup 1998 ở Pháp.

Các nhà quan sát cho rằng các cầu thủ Iran có khả năng phải đối mặt với áp lực của chính phủ để không đứng về phía các cuộc biểu tình. Hiện tại, các vận động viên Iran đang chịu sự giám sát rất lớn.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã thúc giục chính phủ của ông chuẩn bị cho các vấn đề tiềm ẩn. Iran International, kênh tin tức tiếng Farsi do Ả Rập Xê-út tài trợ thường đưa tin về phe đối lập Iran, cho biết rằng chính quyền Qatar đã cấm các phóng viên của họ tham dự World Cup dưới áp lực của Iran.

Khi vận động viên leo núi người Iran Elnaz Rekabi thi đấu ở Hàn Quốc mà không đeo khăn trùm đầu bắt buộc theo lệnh của nhà nước, cô ấy đã trở thành một điểm sáng của phong trào phản đối.

“Cuối cùng thì, tôi muốn các cầu thủ đạt được ước mơ của họ,” Mariam, một người hâm mộ thể thao 27 tuổi và là sinh viên ngành quan hệ quốc tế đến Doha từ Tehran để xem trực tiếp trận đấu bóng đá nam đầu tiên trong đời của cô, nói. “Không phải lỗi của họ mà là xã hội của chúng tôi quá phân cực.”

Mariam cho biết một thành quả lớn đối với những người phụ nữ biểu tình ở trong nước sẽ là có được sự lựa chọn có đeo khăn trùm đầu hay không.

“Nhưng sau đó, phụ nữ sẽ chiến đấu cho quyền được có mặt ở các sân vận động,” cô nói.

https://www.voatiengviet.com/a/phong-trao-bieu-tinh-cua-phu-nu-iran-tai-world-cup/6844341.html