Nguyễn Thanh Hải Thứ ba, 22/2/2022
Việc Nga công nhận hai vùng đất ly khai từ Ukraine chỉ là rạn nứt mới nhất trong quan hệ Moscow – Kiev. Sau khi tách khỏi Liên Xô, quan hệ hai nước chưa bao giờ ngừng sóng gió.Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/2 (giờ địa phương) đã chính thức công nhận hai nước cộng hòa “tự xưng” ở vùng Donbas, miền Đông Ukraine – động thái leo thang căng thẳng mới nhất sau khi Nga điều động hơn 100.000 binh lính áp sát biên giới nước láng giềng từ tháng 4/2021 đến nay.
Nga và Ukraine, hai quốc gia từng gắn bó khăng khít dưới mái nhà chung Liên bang Xô Viết, đang tiến đến “miệng hố” của một cuộc chiến mà quy mô của nó có thể đe dọa đến an ninh của cả lục địa già.
Mỗi bên đều có lý lẽ riêng. Ukraine và phương Tây cho rằng Nga vẫn còn nuôi hy vọng “đế quốc”, không muốn các nước trong không gian hậu Xô viết thoát khỏi quỹ đạo của mình. Ngược lại, Điện Kremlin xem quá trình “Đông tiến” của NATO là một mối đe dọa nghiêm trọng về mặt an ninh, và quyết không để Ukraine – nước án ngữ ngay cửa ngõ của Nga – gia nhập liên minh quân sự này.
Sự đổ vỡ trong quan hệ giữa hai nước “anh em” không phải đến nay mới xuất hiện, nó chỉ là sự nối tiếp của chuỗi dài các khủng hoảng xảy ra từ sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.
1991: Ukraine độc lập khỏi Liên XôKiev tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô vào tháng 8/1991. Ngày 1/12 năm đó, người Ukraine tham gia một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này, với kết quả hơn 90% cử tri chọn độc lập.
Là nơi tập trung nhiều lĩnh vực quan trọng, từ sản xuất nông nghiệp đến công nghiệp quốc phòng, việc nước cộng hòa đông dân thứ hai rời đi đánh dấu một bước ngoặt lớn đối với sự tồn tại của Liên Xô.
Vào những ngày đầu tháng 12/1991, Nga vẫn là một phần của Liên Xô. Tuy nhiên, tổng thống Nga khi đó – Boris Yeltsin – tin rằng tương lai đất nước ông không thuộc về liên bang vẫn đang do Mikhail Gorbachev lãnh đạo. Do vậy, chỉ một ngày sau cuộc trưng cầu dân ý ở Ukraine, Nga đã công nhận sự độc lập của quốc gia này.
Đáng chú ý, Nga công nhận lãnh thổ của Ukraine bao gồm cả Crimea, một bán đảo đa sắc tộc và đa ngôn ngữ ở Biển Đen. Crimea được chuyển giao từ Nga cho Ukraine như một “món quà” của nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev vào năm 1954.
Ông Yeltsin tin rằng các bước tiến này sẽ đẩy nhanh sự sụp đổ của khối và cả sự từ chức của đối thủ chính trị Gorbachev. Cả hai điều này đều diễn ra trong vài tuần sau đó.
Tuy nhiên, câu hỏi về Crimea, nơi có ý nghĩa biểu tượng đối với người Nga lẫn người Ukraine, không chấm dứt như ông Yeltsin kỳ vọng. Gần như ngay lập tức, tranh cãi đã nổ ra về tương lai của Hạm đội Biển Đen có căn cứ chính đóng tại thành phố cảng Sevastopol trên bán đảo Crimea.
Phải đến năm 1997, hai bên mới cơ bản giải quyết được vấn đề này khi đồng ý chia đôi hạm đội. Nga được thuê căn cứ ở Sevastopol trong 20 năm với điều kiện đồn trú không quá 25 nghìn binh sĩ và không đưa vũ khí hạt nhân đến đây. Tháng 4/2010, thời hạn thuê được gia hạn thêm 25 năm kể từ sau năm 2017. Tuy nhiên, đến năm 2014, Crimea đã không còn do Kiev kiểm soát.
Người dân vẫy cờ Ukraine khi tụ tập bên ngoài tòa nhà quốc hội ở Kiev vào ngày 4/9/1991 trong một cuộc biểu tình ủng hộ độc lập. Ảnh: Dusan Vranic/AP.
1994: Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhânThời điểm Liên Xô tan rã, nhiều vũ khí hạt nhân đang nằm rải rác khắp các nước cộng hòa vừa mới giành được độc lập. Kiev nắm giữ phần lớn kho vũ khí của Liên Xô bên ngoài nước Nga, bao gồm 1.900 vũ khí hạt nhân chiến lược được thiết kế để tấn công Mỹ.
“Khi Ukraine độc lập… không chỉ một quốc gia hạt nhân, mà là một cường quốc hạt nhân lớn thứ ba thế giới được sinh ra”, Mary Elise Sarotte, giáo sư lịch sử tại Đại học Johns Hopkins, nói.
Các nỗ lực ngoại giao đã dẫn đến sự ký kết “Hiệp định Budapest” năm 1994, trong đó Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân và gửi đầu đạn cho Nga để tiêu hủy.
Đổi lại, Mỹ, Anh và Nga cam kết “tôn trọng độc lập, chủ quyền và đường biên giới hiện có của Ukraine”, cũng như “kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị” của quốc gia này.
Nếu đối chiếu với hành động Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, có thể thấy Moscow đã vi phạm cam kết trên với Ukraine.
Các nhà lãnh đạo ký kết Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, từ trái sang phải: Tổng thống Nga Boris Yeltsin, Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma và Thủ tướng Anh John Major. Ảnh: Macy Nighswander/AP.
2004: Cách mạng CamMùa thu năm 2004, hàng trăm nghìn người Ukraine đã xuống đường để phản đối kết quả bầu cử tổng thống mà họ tin rằng có gian lận theo hướng thiên vị ứng viên do Moscow hậu thuẫn.
Ứng viên thân phương Tây Viktor Yushchenko, lấy màu cam làm biểu tượng của chiến dịch tranh cử, thu hút sự chú ý khi cam kết đẩy lùi tệ nạn tham nhũng cố hữu và đưa Ukraine gia nhập NATO. Tuy nhiên, quá trình vận động không suôn sẻ. Yushchenko bị đầu độc khiến sức khỏe ông suy giảm và gương mặt biến dạng vĩnh viễn.
Mặc dù các cuộc thăm dò lối ra (khảo sát cử tri ngay khi họ vừa bỏ phiếu) cho thấy chiến thắng nghiêng về ông Yushchenko, kết quả sau cùng khiến nhiều người bất ngờ khi ông Viktor Yanukovych, cựu thống đốc vùng Donetsk và là ứng viên được ông Putin ưa thích, đắc cử tổng thống.
Cáo buộc cuộc bầu cử có gian lận, các cuộc biểu tình lớn đã nổ ra ở Kiev và nhiều thành phố của Ukraine. Tòa án Tối cao tuyên bố hủy bỏ kết quả và phán quyết tổ chức bầu cử lại vào ngày 26/12/2004. Trong cuộc bầu cử lần 2 này, ông Yushchenko đã giành chiến thắng.
Sự kiện này cho thấy người Ukraine bắt đầu nhìn về phương Tây. Điện Kremlin cho rằng “Cách mạng Cam” là một phần trong âm mưu của các cơ quan tình báo nước ngoài, và là cuộc diễn tập cho sự thay đổi chế độ ở chính nước Nga.
Nửa triệu người Ukraine đã tổ chức các cuộc biểu tình vào năm 2004 (còn gọi là Cách mạng Cam) để phản đối kết quả bầu cử mà nhiều người tin rằng có gian lận. Ảnh: Ivan Sekretarev/AP.
2008: Ukraine nỗ lực gia nhập NATONăm 2008, Ukraine theo đuổi việc tham gia Kế hoạch hành động thành viên (MAP) – chương trình giúp các quốc gia chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể gia nhập NATO. Mỹ ủng hộ ý tưởng trên. Tuy nhiên, lo ngại phản ứng của Moscow, không phải thành viên NATO nào cũng ủng hộ.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 4/2008 ở Bucharest, Romania, liên minh quân sự này tuyên bố rằng Ukraine và Gruzia sẽ trở thành thành viên của khối. Đây là động thái thỏa hiệp hiệp sau khi NATO không cấp quyền tham gia MAP cho Ukraine. Dù không nêu rõ mốc thời gian kết nạp, động thái trên cũng đủ “chọc giận” ông Putin, đặc biệt là khi Ba Lan đã gia nhập NATO vào năm 1999, theo sau đó là các nước Baltic, Bulgaria và Romania vào năm 2004.
Tháng 8/2008, Nga tấn công Georgia để chống lại việc Georgia thu hồi hai vùng lãnh thổ ly khai. Cuộc xung đột này khiến triển vọng gia nhập NATO của Georgia càng chông gai hơn. Đây cũng là lời nhắc nhở tới Ukraine.
Putin coi sự mở rộng của NATO là nỗ lực nhằm kiềm chế Moscow. Tổng thống Nga đe dọa sẽ nhắm vũ khí hạt nhân vào Ukraine nếu nước này gia nhập NATO. Đối với ông Putin, khi thảo luận với Tổng thống Mỹ George W. Bush tại thượng đỉnh NATO 2008, Ukraine “thậm chí không phải là một quốc gia” và phần lớn lãnh thổ Ukraine là một phần của Nga.
Năm 2010, khi cử tri đã thất vọng với thành tích của dàn lãnh đạo cầm quyền sau “Cách mạng Cam”, ông Yanukovych đắc cử tổng thống. Tân tổng thống nhanh chóng từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO của Ukraine.
Quá trình mở rộng của NATO từ năm 1997. Đồ họa: BBC.
2013-2014: Euromaidan – Biểu tình ủng hộ Liên minh châu Âu
Bất chấp mối quan hệ chặt chẽ giữa chính phủ mới với Moscow, nhiều người Ukraine vẫn tiếp tục nhìn thấy tương lai của họ ở châu Âu.
Vào năm 2013, Ukraine có cơ hội tham gia chương trình Đối tác phía đông của EU – được lập ra để đưa Ukraine, trong số những nước khác, đến gần hơn với khối. Theo một cuộc thăm dò ý kiến, chương trình nhận được sự ủng hộ rộng rãi ở miền Tây Ukraine, tuy nhiên, ở miền Đông, nhiều người nghiêng về việc tham gia liên minh thuế quan với Nga.
Vào thời điểm đó, Moscow đang thúc đẩy liên minh trên và lo ngại trước việc Ukraine chuẩn bị ký thỏa thuận với EU.
Yanukovych đã hủy bỏ thỏa thuận với EU vào phút chót để đổi lấy gói hỗ trợ tài chính trị giá 15 tỷ USD từ Nga.
Hành động trên của ông Yanukovych đã châm ngòi cho phong trào Euromaidan thu hút hàng trăm nghìn người biểu tình tập trung tại Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev. Phong trào biểu tình đã lật đổ Yanukovych. Ông chạy sang Nga vào ngày 21/2/2014.
Người biểu tình tập trung tại Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev tháng 3/2014 sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych từ chối ký hiệp định liên kết với EU. Ảnh: Sergei Chuzavkov/AP.
Chưa đầy một tuần sau, một nhóm người có vũ trang trong trang phục màu lục không có phù hiệu đã chiếm giữ nghị viện Crimea. Sau khi biệt lập bán đảo này với phần còn lại của Ukraine, nhóm trên đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Crimea vào Nga, và theo tuyên bố 97% cử tri đi bầu đồng ý. Tuy nhiên, cuộc trưng cầu không được cộng đồng quốc tế công nhận. Đến tháng 4/2014, Điện Kremlin mới thừa nhận nhóm người trên là binh sĩ Nga.
Trong cùng năm, những người ly khai do Nga hậu thuẫn ở vùng Donbas, miền đông Ukraine, nơi nổi tiếng với kỹ nghệ luyện thép và trữ lượng than lớn, bắt đầu đòi độc lập theo kịch bản vừa xảy ra ở Crimea. Sau khi tổ chức trưng cầu dân ý vào tháng 5/2014, hai nhà nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR) tuyên bố chính thức thành lập dù không được bất kỳ quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc nào công nhận.
Họ tuyên bố lãnh thổ bao gồm tất cả khu vực Donetsk và Luhansk, nhưng chỉ kiểm soát khoảng một phần ba khu vực – khoảng gần 17.000 km2 theo một số ước tính – dọc theo biên giới với Nga.
Xung đột bùng nổ giữa Ukraine và lực lượng ly khai cho đến nay đã lấy đi mạng sống của khoảng 14.000 người.
Vùng do lực lượng ly khai thân Nga kiểm soát. Đồ họa: Washington Post.
2021-2022: Đàm phán về Donbas sụp đổ
Thông qua một loạt các cuộc đàm phán giữa “Bộ tứ Normandy” gồm Pháp, Đức, Nga, Ukraine, hai thỏa thuận đã được ký kết vào năm 2014 và 2015 tại thủ đô Minsk của Belarus. Chúng được kỳ vọng giải quyết hòa bình xung đột ở miền Đông Ukraine, nhưng đến nay vẫn đạt rất ít tiến bộ.
Ngoài lệnh ngừng bắn và rút vũ khí hạng nặng, các điều khoản khác gần như không thể thi hành do các bên có cách diễn giải khác nhau. Đáng chú ý, Nga cho rằng mình không phải là một bên trong cuộc xung đột mà chỉ tham gia với tư cách hòa giải. Tuy nhiên, Ukraine không đồng ý đàm phán trực tiếp với lực lượng ly khai.
Năm 2019, Volodymyr Zelensky, một diễn viên hài, được bầu làm tổng thống với nhiều kỳ vọng từ người dân Ukraine. Tuy nhiên, quan hệ giữa Moscow và Kiev từ đó đến nay vẫn ngày càng căng thẳng.
Tháng 4/2021, tình báo phương Tây phát hiện Nga dồn hơn 100.000 quân áp sát biên giới Ukraine.
Ảnh chụp từ vệ tinh ngày 22/11/2021 cho thấy các đơn vị quân đội Nga đang đóng tại vùng Smolensk gần biên giới với Ukraine. Ảnh: Maxar Technologies.
Nga đưa ra một loạt các yêu sách an ninh, bao gồm yêu cầu NATO rút lực lượng khỏi các quốc gia thuộc Hiệp ước Warsaw trước đây (gia nhập kể từ năm 1997) và không kết nạp Ukraine làm thành viên. Tuy nhiên, phương Tây bác bỏ các yêu sách trên.
Bộ tứ Normandy, trong nỗ lực gần nhất tìm giải pháp cho xung đột miền Đông Ukraine hồi đầu tháng 2, vẫn không đạt được kết quả.
Ngày 21/2 (giờ địa phương), Tổng thống Nga Putin công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng và ký các sắc lệnh đưa quân vào miền Đông Ukraine vì mục đích “gìn giữ hòa bình”. Các nhà lãnh đạo phương Tây lập tức phản đối và đang cân nhắc áp đặt các đòn trừng phạt.
Động thái mới nhất của ông Putin đã đặt hồi kết cho thỏa thuận hòa bình Minsk, đưa căng thẳng trong khu vực leo lên một nấc thang mới có nguy cơ đe dọa đến an ninh của toàn châu Âu.