Thời sự đó đây Thứ Ba 20/06/2023: *Tập, Blinken đồng ý ổn định quan hệ Mỹ-Trung *TQ sẽ không cung cấp vũ khí cho Nga *Estonia: Ukraina vẫn trong giai đoạn thăm dò *Tuần duyên TQ, mối đe dọa ở châu Á *Tàu ngầm thám hiểm tàu Titanic mất tích

Share this post on:

Võ Thái Hà tổng hợp

Tập, Blinken đồng ý ổn định quan hệ Mỹ-Trung trong cuộc hội đàm hiếm hoi ở Bắc Kinh 

20/6/2023 – Reuters 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 19 tháng 6 năm 2023.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 19 tháng 6 năm 2023. 

Trung Quốc và Mỹ ngày thứ Hai đồng ý cố gắng tìm cách ổn định sự cạnh tranh gay gắt của họ để tránh dẫn đến xung đột, nhưng không công bố bất cứ bước đột phá lớn nào trong chuyến thăm hiếm hoi tới Bắc Kinh của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tán dương “tiến bộ” sau khi bắt tay ông Blinken tại Đại lễ đường Nhân dân, một hội trường lớn thường dành để tiếp đón các nguyên thủ quốc gia.

Ông Blinken, bộ trưởng ngoại giao đầu tiên của Mỹ hội kiến nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ năm 2018, nói với các phóng viên rằng ông đã nêu ra các vấn đề gây tranh cãi như Đài Loan, hòn đảo dân chủ mà Bắc Kinh tuyên bố có chủ quyền.

Và dù ông nói rằng hai bên vẫn chưa tiến tới việc thiết lập liên lạc thường xuyên giữa quân đội với quân đội – một mối lo ngại lớn đối với thế giới rộng lớn hơn – ông dự kiến sẽ có thêm các quan chức cao cấp của Mỹ đến thăm Trung Quốc trong những tuần tới.

Trước đó đã có hi vọng rằng cuộc gặp gỡ kéo dài khoảng 30 phút của họ có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi cho hội nghị thượng đỉnh giữa ông Tập và Tổng thống Mỹ Joe Biden vào cuối năm.

Ông Biden và ông Tập gặp nhau lần gần đây nhất là bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia vào tháng 11. Hai nhà lãnh đạo đã cam kết liên lạc thường xuyên hơn, dù quan hệ kể từ đó đã xấu đi vì vấn đề Đài Loan, các cáo buộc gián điệp và những lo ngại khác.

“Hai bên cũng đã đạt được tiến bộ và đạt được thỏa thuận về một số vấn đề cụ thể. Điều này rất tốt,” ông Tập nói với ông Blinken trong cuộc hội kiến.

Ông Blinken đáp lại rằng hai nước “có nghĩa vụ và trách nhiệm” trong việc quản lý mối quan hệ của họ và Mỹ “cam kết thực hiện điều đó.”

Các cuộc gặp gỡ của ông tại Bắc Kinh, bao gồm hội đàm với nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương, là “thẳng thắn và mang tính xây dựng,” ông nói thêm.

Không rõ ngay lập tức tiến bộ nào mà ông Tập nói tới trong phát biểu của mình, dù ông nói với ông Blinken rằng Trung Quốc “hi vọng nhìn thấy mối quan hệ Trung-Mỹ vững chắc và ổn định” và tin rằng hai nước “có thể vượt qua nhiều khó khăn,” theo bản công bố của phía Trung Quốc về cuộc hội đàm.

Ông cũng kêu gọi Mỹ không “làm tổn hại các quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc,” một tín hiệu về các điểm nóng tiềm ẩn như Đài Loan.

Việc thiếu các kênh liên lạc thường xuyên và cởi mở giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã gây bất an trên toàn thế giới và việc Bắc Kinh ngần ngại tham gia các cuộc hội đàm liên quân đội thường xuyên với Washington đã khiến các nước láng giềng của Trung Quốc lo ngại.

Trước đó trong ngày thứ Hai, ông Blinken đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các kênh liên lạc mở để quản lý sự cạnh tranh của hai nước trong hơn ba giờ hội đàm với ông Vương, mà Bộ Ngoại giao Mỹ gọi là “có kết quả.”

Mô tả mối quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức thấp, ông Vương nói nguyên nhân sâu xa là nhận thức sai lầm của Mỹ về Trung Quốc.

“Chúng ta phải có thái độ có trách nhiệm đối với con người, lịch sử và thế giới, và đảo ngược vòng xoáy đi xuống của quan hệ Mỹ-Trung,” ông Vương nói trong cuộc gặp với ông Blinken, theo một phát biểu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Chuyến đi của ông Blinken, bị hoãn lại vào tháng 2 sau khi một khí cầu do thám của Trung Quốc bay qua không phận của Mỹ, đã được theo dõi sát khắp thế giới vì nếu quan hệ hai nước xấu đi hơn nữa thì có thể gây ra những tác động toàn cầu đối với thị trường tài chính, các tập tục và tuyến đường thương mại, cũng như chuỗi cung ứng.

Giọng điệu của Bắc Kinh về Đài Loan đặc biệt sắc bén trong suốt chuyến thăm của ông Blinken. Ông Vương nói “Trung Quốc không có chỗ cho sự thỏa hiệp hoặc nhượng bộ,” theo bản công bố của Trung Quốc.

Mỹ từ lâu đã theo đuổi chính sách “mơ hồ chiến lược” về việc liệu họ có đáp trả quân sự trước một cuộc tấn công nhắm vào Đài Loan hay không, điều mà Bắc Kinh đã từ chối loại trừ khả năng.

Khi được hỏi vào năm ngoái, Tổng thống Biden nói Washington sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc xâm lược, dù các phụ tá của ông sau đó cho biết bình luận của ông không phản ánh sự khác biệt về chính sách đối với chính sách “một Trung Hoa” lâu nay.

Các quan chức Mỹ đã nhấn mạnh rằng Mỹ không ủng hộ Đài Loan độc lập.

Các quan chức Mỹ đã hạ giảm triển vọng về một bước đột phá lớn trong các cuộc hội đàm, nhưng họ và các nhà phân tích dự liệu chuyến thăm của ông Blinken sẽ mở đường cho các cuộc gặp gỡ song phương nữa trong những tháng tới, bao gồm các chuyến đi khả dĩ của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo.


Trung Quốc bảo đảm với Mỹ rằng họ sẽ không cung cấp vũ khí sát thương cho Nga

Tạ Linh 

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/06/anh-man-hinh-2023-06-20-luc-063137-copy-700x366.jpg

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken. (Ảnh: thesquiz). 

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken ngày 19 tháng 6 cho biết, Trung Quốc đã cam kết rằng họ không và sẽ không cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, nhưng Hoa Kỳ vẫn lo ngại rằng các công ty Trung Quốc có thể làm như vậy.

Ông Blinken nói rằng Mỹ đánh giá cao sự đảm bảo đó từ phía chính quyền Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông cho biết điều mà Mỹ thực sự lo ngại là các công ty Trung Quốc có thể đang cung cấp công nghệ mà Nga có thể sử dụng để thúc đẩy cuộc xâm lược của mình ở Ukraina. Ông nói rằng Mỹ đã yêu cầu chính phủ Trung Quốc hết sức thận trọng với điều đó.

Cam kết trên được đưa ra trong bố cảnh ông Blinken đang có chuyến thăm hai ngày tới Bắc Kinh. Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói với CNN rằng cam kết của Trung Quốc không phải là điều mới mẻ đối với ông ấy. 

Ông nói: “Đây là điều mà Trung Quốc đã nói trong những tuần gần đây và đã nhiều lần nói không chỉ với chúng tôi mà còn với nhiều quốc gia khác đã nêu lên mối quan ngại này”.


Tình báo Estonia: Ukraina vẫn trong giai đoạn thăm dò điểm yếu của đối phương

Trọng Thành /RFI

Bộ Quốc Phòng Ukraina hôm nay, 19/06/2023, thông báo, các lực lượng Ukraina đã giải phóng thêm được ngôi làng thứ 8, làng Piatykhatky, tỉnh Zaporijja. Thông tin về ngôi làng thứ 8 được một nguồn tin phía Nga xác nhận, theo Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW), có trụ sở tại Washington. 

Một binh sĩ Ukraina tại làng Blahodatne, gần mặt trận trong vùng Donetsk, miền đông Ukraine, ngày 17/06/2023. REUTERS – RFE/RL/SERHII NUZHNENKO 

Cách nay một tuần, ngày 12/06, bộ Quốc Phòng Ukraina đã thông báo chiếm được 7 ngôi làng chiếm. Hiện tại cuộc phản công của quân đội Ukraina đã bước sang tuần lễ thứ ba, tuy nhiên, theo giới quan sát, nếu như Kiev khẳng định gặt hái một số thắng lợi nhỏ, thì không thể phủ nhận quân đội Ukraina đã vấp phải sự kháng cự dữ dội của quân Nga. Theo tướng Pháp Jérôme Pellistrandi, giám đốc tạp chí Revue Défense Nationale, ‘‘quân đội Nga đã rút được kinh nghiệm từ các khó khăn và các thất bại của họ’’.  

Tướng Jérôme Pellistrandi nhấn mạnh, ‘‘toàn bộ thách thức đối với Ukraina, là duy trì được cuộc phản công về dài hạn, có đủ lực lượng dự bị để tiếp sức cho các đơn vị trên tuyến đầu. Và dĩ nhiên phải có đủ đạn được để liên tục oanh kích đối phương. Đây là một trong các lý do khiến ủy viên Ủy Ban Châu Âu Thierry Breton yêu cầu tăng tốc cung cấp đạn pháo hạng nặng cho Ukraina’’.

Về phần mình, chỉ huy Tình báo Quân sự Estonia, đại tá Margo Grosberg, hôm 16/06/2023, cũng khẳng định lực lượng hai bên đang ở thế ngang ngửa, và quân đội Ukraina vẫn chỉ đang trong giai đoạn thăm dò điểm yếu của đối phương, giai đoạn chính của cuộc phản công còn chưa bắt đầu.

Thông tín viên Marielle Vitureau tường trình từ Vilnius:

‘‘Quân đội Ukraina vẫn tiếp tục các chuẩn bị cho cuộc phản công được trông đợi’’, theo đại tá Margo Grosberg, được truyền thông nhà nước Estonia dẫn lời. Theo viên sĩ quan cao cấp này, nếu như đối với người dân bình thường, giai đoạn chính của cuộc phản công dường như có vẻ bị trễ, thì từ quan điểm quân sự, mọi thứ hoàn toàn là hợp lý. 

Tương quan lực lượng giữa quân đội hai bên hiện tại là một chọi một, và phía Nga đã có thời gian để tăng cường các tuyến phòng ngự. Như vậy, quân đội Ukraina phải hành động một cách bài bản hơn, thận trọng hơn và kín đáo hơn để không vấp phải quá nhiều nguy cơ. 

‘‘Các nguồn lực về con người và kỹ thuật là vô cùng quý giá’’. Quân đội Ukraina đã mất gần 10% phương tiện đã được các nước phương Tây cung cấp, theo chỉ huy tình báo Estonia. Trong các cuộc tấn công, các phương tiện này giúp bảo vệ tốt hơn các binh sĩ. Tuy nhiên, phản công đồng nghĩa với các tổn thất không tránh khỏi này. Theo viên chỉ huy tình báo quân sự Estonia, việc tìm kiếm các điểm yếu của đối phương dọc theo một phần lớn chiến tuyến sẽ còn được tiếp tục trong suốt tuần tới.

Để tạo bước đột phá, các lực lượng phản công Ukraina trước tiên phải vượt qua được hàng loạt chướng ngại vật, như ‘‘các tuyến răng rồng’’, tức các khối bê tông chống xe tăng, nhiều công sự và các bãi mìn dày đặc. Theo báo Mỹ Wall Street Journal, ngày 17/06, cuộc phản công của Ukraina dường như đã phải ngưng lại trong những ngày gần đây ‘‘để các chỉ huy sơ kết tình hình sau hai tuần lễ phản công, và xem xét khả năng chọc thủng phòng tuyến đối phương mà không phải gánh chịu các tổn thất lớn’’. 


Ukraine: Cuộc phản công khó khăn hơn, ác liệt hơn – Bình Phương /SGN

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/GettyImages-1485528151.jpg

Quân Ukraine đã được huấn luyện kỹ để chuẩn bị cho cuộc tổng phản công giành lại lãnh thổ bị Nga chiếm đóng. Ảnh Scott Peterson/Getty Images 

Các trận chiến giữa quân Nga và quân Ukraine đang diễn ra ác liệt ở phía nam và phía đông Ukraine khi quân Ukraine tổ chức tổng phản công đẩy quân Nga ra khỏi các vùng tạm chiếm trong khi các lực lượng Nga cố giữ vững vị trí. Ngay các nhà lãnh đạo cấp cao của Ukraine cũng thừa nhận cuộc tổng phản công đang gặp phải sức kháng cự mạnh hơn dự tính.

Trong một bài phỏng vấn đài NBC News phát sóng hôm thứ Năm 15 tháng Sáu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky các lực lượng của ông đang tiến lên nhưng gặp phải sự đáp trả dữ dội của Nga.

“Những người anh hùng của chúng tôi, quân đội của chúng tôi ở tiền tuyến đang phải đối mặt với sự kháng cự. Và các bạn hiểu tại sao, bởi vì đối với Nga, thất bại trong chiến dịch này, tôi có thể nói, thực sự có nghĩa là thua cuộc chiến,” ông Zelensky nói. 

Theo báo The Wall Street Journal, cuộc tổng phản công được chờ đợi từ lâu của Ukraine đã chính thức bắt đầu vài hôm nay khi quân đội Kyiv cố chọc thủng lớp phòng thủ đầu tiên trong số nhiều lớp phòng thủ của Nga tại các vùng lãnh thổ mà Nga chiếm được trong cuộc xâm lược toàn diện nổ ra đầu năm ngoái.

Tin mới nhất là theo chuẩn tướng Ukraine Oleksii Hromov, đến thứ Năm 15 tháng Sáu, quân đội Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát 38 dặm vuông (98.5 km vuông) lãnh thổ kể từ khi bắt đầu phản công.

Hôm qua thứ Tư, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar cho biết quân Nga đã sử dụng hỏa tiễn dẫn đường chống xe tăng và máy bay không người lái (UAV) mang đạn bay lơ lửng trên không để tấn công các mục tiêu Ukraine; các bãi mìn do quân Nga gài trên khắp chiến tuyến cũng gây không ít trở ngại cho cuộc tiến quân của Ukraine.

“Về căn bản, một cuộc chiến khốc liệt đang diễn ra. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức và người Nga cũng nỗ lực hết sức để ngăn chặn cuộc tấn công”, bà Malyar nói. Ngoài ra, bà Malyar cho biết quân Nga không chỉ phòng ngự mà cũng tổ chức các cuộc tấn công của riêng họ vào các điểm khác dọc theo chiến tuyến.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/GettyImages-1253151067.jpg

Sau khi đuổi được quân Nga ra khỏi một số khu vực, người Ukraine chỉ lấy lại được các thôn làng đổ nát, bị hủy diệt. Ảnh một ngôi làng quân Ukraine vừa chiếm lại ở tỉnh Zaporizhzhia. Ảnh Andriy Andriyenko/SOPA Images/LightRocket via Getty Images 

Cuộc tổng phản công, dự kiến sẽ kéo dài nhiều tháng, là một giai đoạn quan trọng của cuộc chiến, trong đó Ukraine sử dụng vũ khí hạng nặng do phương Tây cung cấp, bao gồm cả xe tăng và xe thiết giáp để giành lại khoảng 20% diện tích đất nước hiện đang bị quân Nga chiếm đóng. 

Cuộc tổng phản công là phép thử quan trọng đối với chính phủ Ukraine, thành công trên chiến trường có thể giúp Kyiv nhận được nhiều viện trợ quân sự hơn từ Mỹ, châu Âu và các đồng minh khác.

Tại Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, tướng Mark Milley, cho biết cuộc phản công của Ukraine đang ở giai đoạn đầu và còn quá sớm để đánh giá thành công của nó.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã gặp người đồng cấp Ukraine trong một cuộc họp tại trụ sở của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels hôm thứ Năm 15 tháng Sáu, nơi các thành viên thảo luận về gia tăng hỗ trợ quân sự cho Kyiv dù Ukraine chưa phải là thành viên của liên minh.

“Cuộc chiến của Ukraine là một cuộc đua đường dài (marathon) chứ không phải đua tốc độ (sprint), vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine những năng lực khẩn cấp mà họ cần để vừa đáp ứng yêu cầu của thời điểm này, cũng như giữ an toàn trong thời gian dài trước sự xâm lược của Nga,” ông Austin nói. “Như chúng tôi đã dự đoán, đây sẽ là một cuộc chiến cam go, những yếu tố nào được duy trì tốt nhất sẽ có lợi thế cuối cùng,” ông Austin nói thêm sau đó trong một cuộc họp báo.

Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh hôm thứ Năm đã công bố việc Anh, Mỹ, Đan Mạch và Hà Lan đã chuyển giao cho Ukraine hàng trăm hỏa tiễn phòng không tầm ngắn và tầm trung cùng các hệ thống liên quan để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine “và bảo đảm thành công của cuộc phản công trong những tháng tới”.

Các quan chức Ukraine cho biết các lực lượng của họ đã giành được những thành tựu nhỏ trong vài ngày gần đây, chiếm lại các ngôi làng ở khu vực Donetsk và Zaporizhzhia phía đông Ukraine nhưng rõ ràng rằng cuộc phản công gặp nhiều khó khăn hơn dự kiến, do phải đối mặt với các lực lượng Nga đã có nhiều tháng củng cố phòng thủ, đào hầm sâu, rải mìn để chuẩn bị đối phó. Tình trạng lũ lụt ở miền Nam Ukraine sau khi đập nước lớn Kakhovka trong vùng Nga chiếm đóng bị phá sập trong tuần trước cũng cản trở bước tiến của quân Ukraine.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/GettyImages-1258605072.jpg

Trận lũ lụt “nhân tạo” do quân Nga phá hủy đập nước Kakhovka gây ngập khắp miền Nam Ukraine cũng đang cản trở đà tiến của quân đội Ukraine. Ảnh chụp hôm 10/06/2023 gần thành phố Kherson, của Narciso Contreras/Anadolu Agency via Getty Images 

Ngoài ra, để ngăn chặn cuộc phản công, các lực lượng Nga đã thực hiện hàng loạt các vụ tấn công bằng hỏa tiễn và UAV vào các thành phố Ukraine ở xa phía sau chiến tuyến. Nga đã leo thang bắn phá các tòa nhà dân sự và cơ sở hạ tầng trong những tuần gần đây.

Theo người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự khu vực, các cuộc không kích của Nga vào đêm thứ Tư và sáng thứ Năm đã đánh trúng hai khu công nghiệp ở thành phố Kryviy Rih của Ukraine – quê hương của Tổng thống Zelensky – gây hỏa hoạn và làm bị thương một người đàn ông 38 tuổi. Một cuộc tấn công khác vào đầu tuần này giết chết 12 người.

Lực lượng không quân Ukraine cho biết họ đã bắn hạ một trong bốn tên lửa hành trình và tất cả 20 máy bay không người lái Shahed do Iran sản xuất do Nga phóng vào nước này trong đêm qua.

Tại Zaporizhzhia ở đông nam Ukraine, pháo kích của Nga đã dẫn đến 23 trường hợp phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự chỉ trong một đêm, theo thống đốc địa phương. Tiếng nổ cũng có thể được nghe thấy ở Kharkiv ở đông bắc Ukraine và Kherson ở đông nam.

Theo cơ quan quản lý khu vực do Nga lập ra, UAV của Ukraine đã mở cuộc tấn công bên trong bán đảo Crimea do Nga chiếm đóng, một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Ukraine nhằm gây áp lực lên các lực lượng của Nga. Các quan chức được Nga hậu thuẫn cho biết tất cả 9 máy bay không người lái đã bị bắn hạ.

Trong một sự kiện liên quan, ông Rafael Grossi, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã đến thăm nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở đông nam Ukraine hôm thứ Năm để đánh giá tình hình. Đây là chuyến đi thứ ba của người đứng đầu cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế do lo ngại về an ninh ở nhà máy điện nguyên tử lớn nhất châu Âu.

Việc đập Kakhovka bị phá hủy tuần trước đã làm dấy lên lo ngại về sự an toàn của nhà máy vì vỡ đập đã làm cạn kiệt một phần hồ cung cấp nước dùng để làm mát các lò phản ứng hạt nhân. 


Tuần duyên Trung Quốc – mối đe dọa ở châu Á

Chạy đua vũ trang trong lực lượng tuần duyên châu Á

Bình Phương /SGN

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/GettyImages-1258653249.jpg

Tàu tuần duyên lớp 056, cải biên từ khu trục hạm, của Trung Quốc tại cảng Sơn Đông hôm 20/02/2023. Trung Quốc hiện có 22 tàu tuần lớp 056 và có đội tàu tuần duyên lên tới 150 chiếc với tổng tải trọng 200,000 tấn, chiếc lớn nhất có độ giãn nước 12,000 tấn, lớn nhất thế giới. Ảnh Costfoto/NurPhoto via Getty Images 

Không giống các nước khác, Trung Quốc xây dựng đội tàu tuần duyên giống như các chiến hạm với tham vọng thống trị vùng biển châu Á, làm các nước láng giềng phải chạy đua nâng cấp đội tàu của mình.

Một phóng sự của báo The New York Times ghi nhận Trung Quốc tìm cách thống trị các hải lộ chiến lược của châu Á bằng việc triển khai các đội tàu tuần duyên trang bị đại bác 76mm, có thể mang thêm hỏa tiễn chống hạm và nhiều chiếc thậm chí còn lớn hơn tàu khu trục Mỹ. Nhưng đó không phải là chiến hạm hải quân mà chỉ là tàu tuần duyên, tàu cảnh sát biển, còn gọi là hải cảnh, thân tàu sơn trắng với dòng chữ cỡ lớn China Coast Guard ở hai bên sườn,

Chỉ trong một thập niên, Trung Quốc đã lập ra đội tàu tuần duyên lớn nhất thế giới. Được vũ trang mạnh, hung hăng hơn trong các vùng biển quốc tế và không quan tâm tới những nhiệm vụ thông thường là ngăn chặn hoạt động buôn lậu, thực hiện tìm kiếm cứu nạn, đội tàu của Trung Quốc đã làm đảo lộn truyền thống 200 năm của lực lượng tuần duyên toàn cầu. Khai thác vùng xám giữa công việc thực thi pháp luật và hải quân, Trung Quốc nhắm mục tiêu vào các đối thủ bằng những con tàu có thể dễ dàng đâm chìm tàu mà đa số các lực lượng tuần duyên sử dụng nhiều thập niên qua. 

Hành động đó của Trung Quốc đã kích thích một cuộc chạy đua vũ trang. Lo ngại bị Trung Quốc bao vây, nhiều nước đang nỗ lực triển khai các đội tàu tuần tra lớn hơn, trang bị vũ khí mạnh hơn của chính họ. 

Vùng biển chung quanh đảo Đài Loan là một chiến trường tiềm năng. Do sự đối đầu giữa các lực lượng tuần duyên gia tăng trong khắp khu vực, các quan chức và phân tích gia lo ngại một tai nạn hoặc một sự va chạm trong vùng biển mà tuần duyên Trung Quốc lượn lờ có thể kích hoạt một xung đột lớn hơn, thậm chí một cuộc chiến tranh giữa các cường quốc. 

Bắt đầu từ ngày 8 Tháng Tư vừa qua, tàu tuần duyên Trung Quốc tụ tập đông gần đảo Đài Loan, lần đầu tiên ngăn chặn và xét hỏi tàu bè Đài Loan trong thời gian Trung Quốc tập trận gần hòn đảo để phản đối cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy. Giờ đây Đài Loan đang phát triển những kế hoạch chọc thủng mọi cuộc phong tỏa trong tương lai bằng việc củng cố đội tàu tuần duyên của chính mình. 

Từ 30 Tháng Ba đến 2 Tháng Tư, một đội tàu tuần duyên Trung Quốc chạy vòng quanh quần đảo Senkaku của Nhật Bản trong 80 giờ 36 phút, lần lượn lờ lâu nhất của Trung Quốc. Ngay sau đó Nhật công bố kế hoạch nâng cấp đội tàu tuần duyên.

Ngày 24 Tháng Ba, một trong những tàu hải cảnh lớn nhất của Trung Quốc chạy cắt ngang mũi một tàu tuần nhỏ hơn của Philippines gần một bãi cạn tranh chấp ở Biển Đông, buộc tàu Philippines phải cài số lùi để tránh va chạm. Vài ngày sau đó, Hoa Kỳ công bố sẽ tặng cho Philippines sáu tàu tuần duyên mới nâng cấp.

Tháng Năm và Tháng Sáu, tàu tuần duyên Trung Quốc xâm nhập sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và của đảo quốc Palau ở Nam Thái Bình Dương. Những vụ xâm nhập như vậy – theo một chiến thuật gia tăng căng thẳng – đã tạo ra chuyển biến lớn trong việc các quốc gia tuyên bố chủ quyền phải làm thế nào để bảo vệ lợi ích của họ trong vùng biển quốc tế. Lực lượng tuần duyên có thời chỉ là những đôi mắt canh chừng, những bàn tay hỗ trợ, nay đã hành động giống như lực lượng hải quân, bị lôi kéo vào tranh chấp địa chính trị châu Á và được sử dụng như những thế lực quân sự trên những hải lộ thiết yếu cho giao thương và giàu tài nguyên thiên nhiên.

Từ những hải cảng ở miền Nam Trung Quốc cho tới các căn cứ của Hoa Kỳ trên đảo Guam, các con tàu tuần duyên thân trắng đang ngày càng dài hơn và nặng nề hơn, hoặc nhỏ hơn và nhanh hơn. Súng ống của chúng cũng ngày càng lớn hơn, hoặc chúng được chế tạo để có thể lắp đặt ngay lập tức các hệ thống vũ khí phức tạp. Và lực lượng tuần duyên phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn với quốc phòng, trở thành lực lượng tiên phong trong các cuộc tranh chấp rộng lớn hơn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về sức mạnh kinh tế và quân sự.

John Bradford, một chỉ huy Hải quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu và là thành viên cấp cao của Chương trình An ninh Hàng hải tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết: “Bây giờ không như cách đây mười năm. Nhiều quốc gia trong khu vực đã bắt đầu sử dụng lực lượng tuần duyên để khẳng định chủ quyền.” “Ý tưởng là tuần duyên có hiệu quả hơn, ít có khả năng leo thang hơn vì chúng được trang bị vũ khí nhẹ. Nhưng tàu tuần duyên gắn hỏa tiễn thì khác gì tàu hải quân, ngoại trừ màu sơn trên thân tàu?”

Cuộc cạnh tranh vũ trang trong lực lượng tuần duyên ở châu Á đã bắt đầu với nỗ lực của Trung Quốc để trở thành cái mà nước này gọi là “cường quốc hàng hải”.

Cụm từ đó, được coi là ưu tiên của quốc gia, xuất hiện trong các tài liệu của chính phủ Trung Quốc từ năm 2000, bao gồm sức mạnh hải quân, năng lực đánh cá, bảo vệ môi trường và thúc đẩy các yêu sách chủ quyền lãnh thổ. Vai trò của lực lượng tuần duyên đã được củng cố vào năm 2013 dưới thời Tập Cận Bình. Trong năm đầu tiên làm lãnh đạo Trung Quốc, ông ta đã thành lập lực lượng cảnh sát biển bằng cách hợp nhất năm cơ quan với mục đích tạo ra một trụ cột giúp nước này trẻ hóa thành một cường quốc thế giới, giúp Bắc Kinh kiểm soát các tuyến đường thủy quan trọng (cùng nguồn tài nguyên đánh bắt và khai thác khoáng sản) mà không gây ra phản ứng quân sự từ các quốc gia đang bối rối trước khả năng của một hạm đội không hoàn toàn là quân đội của Bắc Kinh.

Ngay sau đó đã có hàng chục cuộc đối đầu trên biển cho thấy lực lượng tuần duyên Trung Quốc – thường làm việc với lực lượng dân quân đánh cá và các loại tàu khác – có thể tuần tra, tấn công và đe dọa các đối thủ mà gần như không bị trừng phạt.

Vào năm 2013, đã xảy ra một số cuộc đối đầu căng thẳng ở Biển Đông giữa các tàu cảnh sát biển Trung Quốc và quân đội Philippines đang chiếm đóng một con tàu thời Thế chiến II có tên là Sierra Madre.

Năm 2014, cũng tại vùng biển ngoài khơi Việt Nam, một tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã đâm một tàu cảnh sát biển Việt Nam sau khi Việt Nam cố ngăn chặn Trung Quốc xây dựng giàn khoan dầu trong vùng biển tranh chấp.

Năm 2016, tuần duyên Trung Quốc đã đâm một tàu đánh cá và bị chính quyền Indonesia bắt giữ.

Gần đây, Trung Quốc đã mở rộng cả nhiệm vụ và khả năng chiến đấu của hạm đội tuần duyên. Một đạo luật năm 2021 trao cho lực lượng này – vốn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội – quyền sử dụng vũ lực sát thương đối với các tàu nước ngoài ở vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, bao gồm cả Biển Đông, nơi họ đã xây dựng các căn cứ quân sự tiền tiêu trên các đảo nhân tạo.

Các chuyên gia khu vực cho rằng các đạo luật này vi phạm luật pháp quốc tế khi cho phép lực lượng tuần duyên tham gia các hành vi hiếu chiến mà không tuyên chiến vượt ra ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia.

Trung Quốc hiện có khoảng 150 tàu tuần duyên lớn, ít nhất 1,000 tấn, so với khoảng 70 chiếc của Nhật Bản, 60 chiếc của Hoa Kỳ, còn hầu hết các nước châu Á chỉ có vài chiếc; Philippines có 25 tàu tuần tra ở Biển Đông còn tuần duyên Đài Loan chỉ có 23 tàu.

Nhiều tàu tuần duyên của Trung Quốc trước đây là tàu hộ tống hải quân, có khả năng hoạt động lâu dài trên biển, có bãi đáp trực thăng, vòi rồng mạnh mẽ và súng cùng cỡ nòng như xe tăng M1 Abrams. Hỏa tiễn hành trình chống hạm mà nhiều tàu tuần duyên Trung Quốc từng mang theo có thể nhanh chóng được lắp trở lại.

Hạm đội tàu chiến mới cải trang thành tàu thực thi pháp luật này là cái mà nhiều quốc gia ở châu Á buộc phải đối mặt gần như hàng ngày khi Trung Quốc tiến sâu hơn vào lãnh thổ tranh chấp trong thời gian dài hơn. Và không chỉ ở Biển Đông.

Ngày 11 Tháng Năm tại biển Hoa Đông, hai tàu tuần duyên Trung Quốc đã vi phạm lãnh hải 12 hải lý xung quanh quần đảo Senkaku lần thứ 13 trong năm nay. Theo dữ liệu theo dõi của Nhật Bản, vào năm 2022, các đội luân phiên gồm các tàu tuần duyên 1,500 tấn của Trung Quốc đã dành 336 ngày đi vòng quanh các đảo tranh chấp, tăng từ 171 ngày năm 2017.

Để ứng phó, Việt Nam đã đặt mua sáu tàu tuần duyên cỡ lớn của Nhật Bản sẽ được giao vào năm 2025.

Hàn Quốc năm ngoái tuyên bố sẽ đóng mới chín tàu tuần tra 3,000 tấn cho các vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Tây nước này, nơi ranh giới trên biển với Trung Quốc không rõ ràng.

Nhật Bản đã thông qua một đạo luật vào Tháng Mười Hai sẽ tăng ngân sách cho lực lượng bảo vệ bờ biển lên gần $1 tỷ mỗi năm – tăng 40% – và đưa hạm đội tuần duyên vào lực lượng phòng vệ quốc gia.

Hoa Kỳ và Úc cũng đã trở nên tích cực hơn ở Thái Bình Dương, tặng cho các nước nhỏ các tàu tuần tra, các trung tâm giám sát hàng hải mới và, đối với người Mỹ, một thế hệ tàu tuần duyên mới lớn hơn. Mỹ cũng đã ký kết các thỏa thuận tuần tra biển với một số quốc gia — gần đây có thêm đảo quốc Papua New Guinea.

Hoa Kỳ hiện cũng đang hợp tác chặt chẽ hơn với Nhật Bản và Philippines ở Biển Đông, tiến hành các cuộc tập trận huấn luyện bảo vệ bờ biển chung ở Philippines vào năm ngoái và một lần nữa vào Tháng Sáu năm nay, khiến Bắc Kinh rất tức giận.

Không nơi nào thể hiện sự năng động đó rõ ràng hơn ở eo biển Đài Loan và các nhà máy đóng tàu ở miền Nam Đài Loan. Trên đảo quốc, lực lượng tuần duyên Đài Loan đang mở rộng nhanh hơn nhiều so với hải quân của họ trong khi đối mặt với những thách thức gần như hàng ngày từ Trung Quốc. Người phát ngôn của văn phòng Đài Loan giám sát quan hệ với Bắc Kinh cho biết: “Nếu bị can thiệp, chúng tôi sẽ đánh trả”.


Tàu ngầm thám hiểm xác tàu Titanic mất tích, nỗ lực tìm kiếm đang diễn ra 

20/6/2023 – Reuters 

Xác tàu Titanic nằm dưới đáy Đại Tây Dương

Xác tàu Titanic nằm dưới đáy Đại Tây Dương 

Một chiếc tàu ngầm trong chuyến thám hiểm du lịch khám phá xác tàu Titanic đã mất tích ngoài khơi bờ biển phía đông nam Canada, theo công ty tư nhân điều hành con tàu.

OceanGate Expeditions cho biết trong một thông cáo ngắn vào ngày thứ Hai rằng họ đang “huy động tất cả các phương án” để giải cứu những người trên tàu.

Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận. Các bản tin trên phương tiện truyền thông cho biết Lực lượng Tuần duyên đã khởi động các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ.

Hiện chưa rõ có bao nhiêu người mất tích.

Gia đình của tỉ phú người Anh Hamish Harding cho biết ông đã ở trên tàu. Bản thân ông đã đăng trên Facebook một ngày trước đó rằng ông sẽ lên tàu ngầm và đến nay chưa thấy bài đăng nào nữa.

Trong một thông cáo, OceanGate nói: “Chúng tôi vô cùng biết ơn sự hỗ trợ đáng kể mà chúng tôi đã nhận được từ một số cơ quan chính phủ và các công ty biển sâu trong nỗ lực thiết lập lại liên lạc với tàu lặn.”

Công ty hiện đang khai thác chuyến thám hiểm Titanic thứ năm vào năm 2023, theo website của công ty, vốn đã được lên lịch bắt đầu vào tuần trước và kết thúc vào ngày thứ Năm.

Chuyến thám hiểm, có chi phí 250.000 đôla một người, khởi hành ở St. John’s, Newfoundland, trước khi đi khoảng 640 km qua Đại Tây Dương đến địa điểm xác tàu, theo website của OceanGate.

Để tham quan xác tàu, hành khách leo vào bên trong tàu lặn Titan dành cho năm người. Mất khoảng hai giờ để xuống tới xác tàu Titanic.

Con tàu chở khách của Anh nổi tiếng bị chìm vào năm 1912 trong chuyến hải hành đầu tiên sau khi va phải một tảng băng trôi, khiến hơn 1.500 người thiệt mạng.


XEM THÊM: