Thời sự Thứ Ba 01/8/2023: *Mỹ thử nghiệm điều trị COVID kéo dài *Myanmar hoãn bầu cử đã hứa *Mỹ giúp Australia phát triển dàn rocket *Campuchia thay đổi lãnh đạo *Liên minh Mỹ-Úc mạnh hơn bao giờ hết

Share this post on:

Võ Thái Hà tổng hợp


Mỹ tiến hành nghiên cứu để thử nghiệm điều trị COVID kéo dài 

01/8/2023 – AP 

Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) Francis S. Collins cầm một mô hình virus corona khi điều trần trước Thượng viện ngày 2/7/2020.
Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) Francis S. Collins cầm một mô hình virus corona khi điều trần trước Thượng viện ngày 2/7/2020. 

Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) đang bắt đầu một số cuộc nghiên cứu để thử nghiệm các phương pháp điều trị khả thi đối với COVID kéo dài, một bước được hồi hộp chờ đợi trong nỗ lực của Hoa Kỳ chống lại COVID kéo dài, một tình trạng bí ẩn đang ảnh hưởng đến hàng triệu người.

Loan báo ngày 31/7 từ dự án RECOVER trị giá 1,15 tỷ đô la của NIH được đưa ra trong bối cảnh thất vọng từ những bệnh nhân đã phải vật lộn hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm với các vấn đề sức khỏe đôi khi gây tàn tật mà chưa có phương pháp điều trị mà chỉ có một số nghiên cứu để thử nghiệm những phương pháp tiềm năng.

Tiến sĩ Ziyad Al-Aly của Đại học Washington ở St. Louis, người không tham gia vào dự án của NIH, nói: “Đã chậm một hoặc hai năm rồi và phạm vi cũng nhỏ hơn so với hy vọng nhưng vẫn là một bước đi đúng hướng”. Ông nói thêm, có được câu trả lời là rất quan trọng, bởi vì “có rất nhiều người ngoài kia đang lợi dụng sự dễ tổn thương của bệnh nhân” bằng các liệu pháp chưa được chứng minh.

Các nhà khoa học vẫn chưa biết nguyên nhân gây ra COVID kéo dài, thuật ngữ chung cho khoảng 200 triệu chứng khác nhau sau khi bị COVID. Ước tính có khoảng 10% đến 30% số người đã trải qua một số dạng COVID kéo dài sau khi hồi phục từ COVID, nguy cơ này đã giảm phần nào kể từ đầu đại dịch.

“Nếu tôi có 10 người, tôi sẽ nhận được 10 câu trả lời về việc COVID thực sự kéo dài bao lâu,” Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ Xavier Becerra nói.

Đó là lý do tại sao cho đến nay, sáng kiến RECOVER đã theo dõi 24.000 bệnh nhân trong các cuộc nghiên cứu quan sát để giúp xác định các triệu chứng nặng và phổ biến nhất –- những phát hiện đang định hình các thử nghiệm điều trị đa hướng. Hai cuộc nghiên cứu đầu tiên sẽ xem xét việc sử dụng thuốc kháng virus Paxlovid của Pfizer trong tối đa 25 ngày có thể làm dịu COVID kéo dài hay không, vì có giả thuyết cho rằng một số virus corona sống hoặc tàn dư của nó có thể ẩn náu trong cơ thể và gây ra rối loạn. Thông thường Paxlovid được sử dụng khi mới bị nhiễm bệnh và chỉ dùng trong năm ngày. Hai cuộc nghiên cứu đầu tiên cũng sẽ xem xét các phương pháp điều trị chứng thiếu minh mẫn, thiếu tập trung và các vấn đề về nhận thức khác.

Hai nghiên cứu bổ sung sẽ mở ra trong những tháng tới. Một sẽ thử nghiệm các phương pháp điều trị các vấn đề về giấc ngủ. Nghiên cứu còn lại sẽ nhắm vào các vấn đề với hệ thống thần kinh tự chủ – điều khiển các chức năng vô thức như thở và nhịp tim – bao gồm cả chứng rối loạn có tên là POTS.

Một nghiên cứu gây tranh cãi hơn về tình trạng không thể vận động thể dục và mệt mỏi cũng đã được lên kế hoạch. NIH tìm kiếm ý kiến đóng góp từ một số nhóm bệnh nhân lo lắng rằng việc tập thể dục có thể gây hại nhiều hơn là có lợi đối với một số người mắc COVID kéo dài.

Các thử nghiệm hiện đang thu nhận 300 đến 900 người lớn tham gia nhưng có tiềm năng phát triển quy mô lớn hơn. Không giống như các thí nghiệm điển hình thử nghiệm một phương pháp điều trị tại một thời điểm, các “nghiên cứu nền tảng” linh hoạt hơn này sẽ cho phép NIH bổ sung các liệu pháp tiềm năng trên cơ sở luân phiên.

Tiến sĩ Amy Patterson của NIH giải thích: “Chúng ta có thể xoay trục nhanh chóng.” Một phương pháp điều trị thất bại có thể bị loại bỏ mà không cần kết thúc toàn bộ quá trình thử nghiệm và “nếu có điều gì đó hứa hẹn xuất hiện, chúng tôi có thể làm ngay.”

Tính linh hoạt có thể là chìa khóa, theo Tiến sĩ Anthony Komaroff, một nhà nghiên cứu của Harvard, người không tham gia chương trình NIH nhưng từ lâu đã nghiên cứu về một chứng rối loạn bí ẩn tương tự được gọi là hội chứng mệt mỏi mãn tính hoặc ME/CFS. Ví dụ, ông nói, nghiên cứu thuốc Paxlovid “rất có lý”, nhưng nếu liều dùng trong 25 ngày chỉ cho thấy dấu hiệu có tác dụng, thì các nhà nghiên cứu có thể kéo dài thử nghiệm sang một liệu trình dài hơn thay vì bắt đầu lại từ đầu.

Ông Komaroff cũng nói rằng ông hiểu sự thất vọng của mọi người khi chờ đợi những thử nghiệm điều trị này, nhưng tin rằng NIH đã chờ đợi một cách thích hợp “cho đến khi một số manh mối về sinh học cơ bản xuất hiện”. Ông nói thêm rằng: “Mình phải có những mục tiêu.”

https://www.voatiengviet.com/a/my-tien-hanh-nghien-cuu-de-thu-nghiem-dieu-tri-covid-keo-dai/7205793.html


Myanmar chính thức hoãn cuộc bầu cử đã hứa sau cuộc đảo chính 2021 

01/8/2023 

Reuters 

Lãnh đạo Hội đồng Quân nhân Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing.

Lãnh đạo Hội đồng Quân nhân Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing. 

Chính quyền quân sự cầm quyền Myanmar chính thức hoãn cuộc bầu cử mà họ hứa sẽ diễn ra vào tháng 8 năm nay sau cuộc đảo chính năm 2021, truyền hình nhà nước đưa tin tối ngày 31/7.

Lãnh đạo Hội đồng Quân nhân, Tướng Min Aung Hlaing, trong cuộc họp hôm 31/7 với Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia (NDSC) do quân đội hậu thuẫn, đã gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm sáu tháng.

Quân đội đã cam kết tổ chức bầu cử trước tháng 8 năm 2023 sau khi lật đổ chính phủ dân cử do Khôi nguyên giải Nobel Aung San Suu Kyi đứng đầu, nhưng quân đội viện dẫn bạo lực đang diễn ra là lý do để hoãn cuộc bỏ phiếu.

“Trong khi tổ chức một cuộc bầu cử, để có một cuộc bầu cử tự do và công bằng, cũng như để có thể bỏ phiếu mà không sợ hãi, vẫn cần có các biện pháp an ninh cần thiết và do đó, thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp cần phải được kéo dài,” tuyên bố của chính quyền trên truyền hình nhà nước nói.

Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ sau cuộc đảo chính, với phong trào kháng chiến chống lại quân đội trên nhiều mặt trận sau cuộc đàn áp đẫm máu nhắm vào những người chống đối khiến các biện pháp trừng phạt của phương Tây được tái áp đặt.

Quân đội lên nắm quyền sau khi cáo buộc gian lận trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 năm 2020 mà đảng của bà Suu Kyi giành chiến thắng. Các nhóm giám sát bầu cử không tìm thấy bằng chứng gian lận hàng loạt.

Việc lật đổ chính phủ dân cử của bà Suu Kyi đã làm chệch hướng một thập niên cải cách, giao dịch quốc tế và tăng trưởng kinh tế, đồng thời để lại dấu vết của những cuộc đời bị đảo lộn sau đó.


Liệu Úc có tăng lãi suất?

Có nhiều lý do để ngân hàng trung ương Úc giữ nguyên lãi suất trong tháng thứ hai liên tiếp khi họp vào thứ Ba. Lạm phát đang giảm dần xuống còn 6% trong tháng 6 so với mức đỉnh 7,8% của tháng 12, trong khi nền kinh tế chậm lại vì chi tiêu tiêu dùng giảm. Người Úc đang bắt đầu cảm thấy áp lực. Cho tới nay thế chấp có lãi suất cố định đã bảo vệ nhiều người khỏi tác động của lãi suất tăng, nhưng gần 900.000 khoản vay mua nhà sẽ hết hạn trong năm nay, khiến những người vay thế chấp phải trả nợ cao hơn.

Những điều kiện như vậy khiến người ta cho rằng chu kỳ thắt chặt của Ngân hàng Dự trữ Úc đã kết thúc. Nhưng nhiều nhà kinh tế tin sẽ có thêm một lần tăng nữa. Họ dự đoán lãi suất sẽ được nâng lên 4,35% (từ 4,1%). Mặc dù có hạ nhiệt gần đây, lạm phát vẫn cao hơn gấp đôi so với mục tiêu 2-3%. Cũng như ở Mỹ và châu Âu, nơi các ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất vào tuần trước, ngân hàng trung ương của Úc có thể sẽ muốn làm tới cùng với lạm phát.

Nạn lao động trẻ em tăng ở Mỹ

Nếu đến một bể bơi hay cửa hàng kem của Mỹ, bạn sẽ dễ dàng thấy một thiếu niên ở quầy cứu hộ hoặc thùng kem. Những công việc mùa hè như vậy là hoàn toàn hợp pháp. Từ 14 tuổi, thanh thiếu niên có quyền làm một số công việc miễn là không quá khung giờ quy định. Những việc khác, chẳng hạn như liên quan đến máy xay thịt hay phục vụ rượu, đều bị cấm.

Nhưng các nhà tuyển dụng đôi khi cũng ngó lơ quy định. Trong mười tháng qua, bộ lao động Mỹ đã phát hiện gần 4.500 thanh thiếu niên làm việc bất hợp pháp, tăng 44% so với năm trước. Một số tiểu bang thậm chí còn đang nới lỏng quy định.

Vào thứ Ba, Arkansas sẽ bỏ yêu cầu người dưới 16 tuổi phải xác minh tuổi với cơ quan cấp bang trước khi được tuyển dụng. Thống đốc Cộng hòa của bang, Sarah Huckabee Sanders, gọi tiêu chuẩn này là “nặng nề và lỗi thời”. Các nhà lập pháp ở Minnesota thậm chí muốn cho phép thanh thiếu niên 16 tuổi làm việc tại các công trường xây dựng. Hồi tháng Hai, một công ty dọn dẹp các nhà máy đóng gói thịt ở hai bang này đã bị phạt vì sử dụng trái phép hơn 100 trẻ em. Một số trẻ thậm chí bị bỏng hóa chất.


Pháp bỏ giới hạn tăng giá năng lượng

Người tiêu dùng Pháp được bảo vệ khá tốt khỏi giá năng lượng cao đã hoành hành khắp châu Âu, nhờ chính phủ giới hạn mức tăng giá của hóa đơn năng lượng hộ gia đình. Quyết định này cũng giúp kìm hãm lạm phát chung, vốn trong tháng 7 đã giảm xuống còn 5%, tỷ lệ năm thấp nhất trong 16 tháng và dưới mức trung bình của khu vực đồng euro. Nhưng từ thứ Ba, các hộ gia đình Pháp sẽ không còn đặc quyền đó khi chính phủ bỏ trợ giá.

Giới hạn giá năng lượng đã tiêu tốn của nhà nước hàng tỷ euro. Vì vậy, chính phủ đã rút dần các khoản trợ cấp có từ năm 2021, bao gồm cả hạn chế tăng giá nhiên liệu động cơ. Động thái mới nhất sẽ cho phép hóa đơn tiền điện tăng thêm 10%.

Mỗi khi mức trần được nâng lên, và các hộ gia đình đối mặt hóa đơn lớn hơn, lại có thêm lo lắng về khả năng xảy ra bất ổn xã hội. Các chính trị gia nhận thức sâu sắc rằng chính việc tăng thuế carbon đối với nhiên liệu đã châm ngòi cho phong trào biểu tình gilets jaunes (áo khoác vàng) hồi năm 2018.


Mỹ giúp Australia phát triển các dàn rocket điều hướng vào năm 2025 

29/7/2023 

Reuters 

Bộ trưởng Quốc phóng Mỹ Lloyd Austin trong họp báo ở Brisbane, 29/7/2023. (Photo: Pat Hoelscher / AFP)

Bộ trưởng Quốc phóng Mỹ Lloyd Austin trong họp báo ở Brisbane, 29/7/2023. (Photo: Pat Hoelscher / AFP) 

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết hôm thứ Bảy 29/7 rằng Hoa Kỳ sẽ giúp Úc sản xuất các hệ thống dàn phóng rocket điều hướng vào năm 2025, sau khi các quan chức hàng đầu của hai quốc gia cam kết làm việc với Trung Quốc nhưng cũng sẽ chống lại nếu cần.

Ông Austin và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có mặt ở bang Queensland để tham gia hội nghị bộ trưởng thường niên Mỹ-Australia (AUSMIN) cùng với các quan chức đồng cấp của Australia.

“Chúng tôi đang làm việc về một số sáng kiến cùng có lợi với ngành công nghiệp quốc phòng của Úc, và những sáng kiến này bao gồm cam kết giúp Úc sản xuất các hệ thống dàn phóng rocket điều hướng vào năm 2025”, ông Austin nói trong một cuộc họp báo.

Ông cho hay Hoa Kỳ cũng đang đẩy nhanh việc Úc có thể tiếp cận các loại vũ khí ưu tiên thông qua quy trình mua sắm được tinh giản.

Chính phủ Công đảng của Úc đã và đang củng cố quan hệ quân sự với Hoa Kỳ, một đồng minh lâu đời, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng lấn lướt hơn và đang tăng cường quân sự trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles bày tỏ hy vọng rằng việc sản xuất các dàn rocket có thể bắt đầu ở Úc sau hai năm nữa, trong khuôn khổ cơ sở công nghiệp chung giữa hai nước.

Ông Marles cho biết “nhịp độ các chuyến thăm của các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ tới vùng biển của chúng tôi sẽ tăng lên” trong khuôn khổ cam kết song phương.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken cho hay “điều quan trọng nhất” trong các cuộc họp cấp cao hôm 29/7 với Australia là cam kết chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và an toàn.

Ông nói: “Hai nước chúng tôi đang bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, là điều đã bảo đảm hòa bình và an ninh trong nhiều thập kỷ”.

“Chúng tôi đang làm điều đó một phần bằng cách làm việc với Trung Quốc, nhưng nếu cần cũng vẫn chống lại những nỗ lực của nước này gây gián đoạn sự tự do hàng hải ở các vùng biển phía nam và phía đông Trung Quốc, hoặc làm xáo trộn hiện trạng vốn duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan lâu nay, hoặc việc họ gây sức ép với các nước bằng cách cưỡng ép về kinh tế”, vẫn lời ông Blinken.

Nói về cuộc chiến ở Ukraine, ngoại trưởng Mỹ cho hay Trung Quốc đã nhiều lần đảm bảo với Mỹ rằng họ không cung cấp “trợ giúp là hàng sát thương” cho Nga để sử dụng ở Ukraine.


Quan chức Mỹ phấn khởi vì mối quan hệ chặt chẽ hơn sau chuyến đi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương 

01/8/2023 – Jeff Seldin 

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến thăm quân đội huấn luyện tại Doanh trại Lavarack ở Townsville, Australia.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến thăm quân đội huấn luyện tại Doanh trại Lavarack ở Townsville, Australia. 

Các quan chức Hoa Kỳ vừa rời Úc với cảm giác được khuyến khích sau chuyến đi kéo dài gần một tuần, trong đó có cả chuyến đi tới Papua New Guinea.

Đây là chuyến đi thứ chín của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm mục đích cải thiện mối quan hệ ngày càng tăng cường với Papua New Guinea bằng cách gia tăng khả năng phòng thủ của chính phủ và đảm bảo các kế hoạch hợp tác quốc phòng đầy tham vọng hơn với Australia.

Phát biểu bên lề nhiều cuộc họp với các quan chức quốc phòng Australia, các quan chức Mỹ cho biết công việc, đặc biệt là các cuộc thảo luận ở Brisbane, cho các cuộc Tham vấn cấp Bộ trưởng Australia-Hoa Kỳ thường niên lần thứ 33, đã được đền đáp.

“Liên minh Mỹ-Úc mạnh hơn bao giờ hết”, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói, và lược qua thông báo hôm thứ Bảy về các sáng kiến quốc phòng mới với chính phủ Úc.

Những sáng kiến đó bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng cho một loạt căn cứ không quân trên khắp miền bắc Australia, tăng cường triển khai lực lượng và khả năng của Hoa Kỳ tới Australia trên cơ sở luân phiên, và các kế hoạch để Australia bắt đầu sản xuất tên lửa dẫn đường chính xác và đạn dược, những loại đang có nhu cầu cao ở Ukraine.

Tuy nhiên, ngoài những kế hoạch trên, các quan chức Mỹ và Úc cũng nhấn mạnh đến sự gần gũi của liên minh. Các giới chức Hoa Kỳ nhiều lần gọi đây là mối quan hệ “không thể phá vỡ”, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Úc Penny Wong gọi Hoa Kỳ là “đồng minh quan trọng của Úc”.

Hoa Kỳ “là đối tác toàn cầu thân thiết nhất của chúng tôi, đối tác chiến lược thân cận nhất của chúng tôi”, bà Wong nói sau cuộc tham vấn AUSMIN hôm thứ Bảy, đồng thời cho biết thêm mối quan hệ hiện nay là “về việc vận hành liên minh của chúng ta để đảm bảo hòa bình, ổn định” ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Thăm binh sĩ

Để nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles hôm Chủ nhật đã bay trên chiếc máy bay phản lực của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ – một chiếc Boeing 747 được quân sự hóa – từ Brisbane đến Townsville, Úc, để thăm các binh sĩ tham gia Cuộc tập trận Talisman Sabre.

Cuộc tập trận song phương là cuộc tập trận chung lớn nhất giữa Hoa Kỳ và Úc, trong năm nay có sự tham gia của 30.000 binh sĩ, bao gồm cả những người đến từ 11 quốc gia khác. Một số quốc gia khác bao gồm Papua New Guinea, Fiji và Tonga, lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận.

Một trong những kịch bản của cuộc tập trận là khả năng Trung Quốc xâm lược Đài Loan.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công khai ra lệnh cho các lực lượng vũ trang của mình sẵn sàng thống nhất Đài Loan với Trung Quốc bằng vũ lực vào năm 2027.

Các quan chức tình báo Hoa Kỳ nói không rõ liệu Tập Cận Bình có ra lệnh cho một cuộc xâm lược như vậy hay không — thông tin tình báo mới nhất tiếp tục cho thấy ông ta không muốn sử dụng vũ lực — nhưng các quan chức quân sự và quốc phòng Hoa Kỳ từng nói rằng bất kể Bắc Kinh dự tính thế nào, thì Hoa Kỳ và các đồng minh của họ vẫn phải sẵn sàng.

Tương tự, có những lo ngại về tư thế quân sự ngày càng hung hăng hơn của Trung Quốc, trên không và trên biển, khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Các quan chức quân sự Úc cho biết một số khả năng cần thiết, chẳng hạn như khả năng giao tiếp hiệu quả giữa các quân đội và nền tảng, nỗ lực vượt qua màn sương mù của thông tin sai lệch và bóp méo… là khía cạnh chính của cuộc tập trận hiện tại.

“Tầm nhìn khu vực chung”

Một số nhà phân tích cũng cho rằng những diễn biến trong vài ngày qua và hàng loạt thỏa thuận mới sẽ thúc đẩy khả năng của các đối tác quan trọng của Mỹ trong việc đẩy lùi Trung Quốc nếu cần thiết.

Bryan Clark, một thành viên cao cấp tại Viện Hudson có trụ sở tại Washington, nói: “Hiện nay, các nhà lãnh đạo Úc không có cách nào để đe dọa hoặc trả đũa bằng quân sự đối với Trung Quốc nếu Bắc Kinh thực hiện các hành động gây hấn với Úc”.

nói với VOA qua email: “Ví dụ, Trung Quốc có khả năng tiến hành các hoạt động ‘vùng xám’ chống lại Úc khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc cố gắng mở rộng phạm vi và ảnh hưởng quân sự của họ trên khắp Tây Thái Bình Dương. Nếu Australia không thể đe dọa đánh trả, Trung Quốc có thể leo thang quy mô và cường độ quấy rối hoặc bắt đầu xâm phạm lãnh thổ Australia, như Trung Quốc đã làm với Nhật Bản, Philippines và Đài Loan”.

Nhưng sau chuyến thăm gần đây nhất này, các quan chức Hoa Kỳ tham gia vào các cuộc đàm phán với các đối tác Thái Bình Dương của Mỹ cảm thấy phấn khởi bởi những gì họ nhìn thấy.

“Có một tầm nhìn khu vực chung về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, một quan chức quốc phòng cấp cao thứ hai nói với các phóng viên với điều kiện giấu tên.

“Đó không chỉ là Hoa Kỳ”, quan chức này nói. “Bạn nghe từ các quốc gia trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, dù lớn hay nhỏ, rằng có một số nguyên tắc, quy tắc nhất định mà họ tin là quan trọng và có giá trị và [điều đó] củng cố sự ổn định trong khu vực”.

https://www.voatiengviet.com/a/7205313.html


Chính quyền Campuchia thay đổi lãnh đạo nhưng khó thoát khỏi sự kiểm soát của Trung Quốc

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/08/Hun-Manet-700x480.jpg

Ông Hun Manet, chụp ảnh trước buổi gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại phủ thủ tướng ở Tokyo vào ngày 16/2/2022. (Ảnh: FRANCK ROBICHON/POOL/AFP via Getty Images) 

Thủ tướng Campuchia Hun Sen, người đã nắm toàn quyền trong 38 năm, một lần nữa giành chiến thắng gần như trọn vẹn trong cuộc bầu cử lập pháp. Sau đó ông tuyên bố từ chức, để con trai cả Hun Manet lên nắm quyền, đồng thời gửi thư cho Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường hứa hẹn rằng chính phủ mới sẽ tiếp tục đường lối “dựa trên tình hữu nghị truyền thống, tin tưởng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi” với Trung Quốc.

Theo phóng viên của tờ Le Monde (Pháp) thường trú tại Bangkok đưa tin, biểu hiện này không thể rõ ràng hơn: Viện trợ và phát triển của Trung Quốc ở Campuchia, đầu tư cơ sở hạ tầng, giao lưu và trao đổi, cho đến hợp tác mật thiết về an ninh và quân sự đã tạo điều kiện thuận lợi cho ông Hun Sen và tập đoàn của ông đánh cắp được Cơ chế dân chủ đa nguyên do Liên Hợp Quốc thành lập ở Campuchia năm 1993, khiến cho vương quốc 17 triệu dân này thành “khách hàng quốc gia” của Trung Quốc. Bài báo viết rằng trong khi Mỹ liên tục mở rộng hợp tác với các quốc gia mà Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc rất vui khi thấy Campuchia, một thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trở thành đồng minh tốt nhất của mình.

Vào tháng 6 năm nay, Campuchia đã bỏ phiếu phản đối đề xuất của Indonesia về việc tổ chức cuộc tập trận chung đầu tiên giữa các thành viên ASEAN ở vùng biển gần nước này. Đối với Trung Quốc, Campuchia là một con bài thương lượng địa chính trị hiếm hoi khi đối mặt với một Việt Nam nhạy cảm đa nghi và một Thái Lan khó nắm bắt. Các công ty Trung Quốc có mặt khắp nơi trong thành phố Sihanoukville, một thành phố cảng ở phía nam Campuchia và là thủ phủ của tỉnh Sihanoukville, nơi đang trở thành “Thâm Quyến” của Campuchia. Trung Quốc tham gia tái thiết cảng nước sâu ở Ream.

Bài báo dẫn lời các nhà quan sát chỉ ra rằng Trung Quốc có thể đang tham khảo mô hình căn cứ hải quân của Mỹ ở Philippines. Trung Quốc mặc dù không chung biên giới với Campuchia, nhưng lại được người Campuchia chào đón do không tin tưởng Việt Nam.

Trung Quốc là nước nhập siêu lớn nhất của Campuchia, với mức thâm hụt 13 tỷ USD, thậm chí cao hơn một chút so với mức xuất siêu của Campuchia với Mỹ. Nhưng bài báo cho rằng sau khi ông Hun Manet, người có nền tảng giáo dục phương Tây, nhậm chức thủ tướng vào tháng 8, sẽ khó thoát khỏi sự kiểm soát của Trung Quốc.

Theo RFA


XEM THÊM: