Mỹ: Hawaii Bắt Đầu Mở Cuộc Điều Tra “Thảm Họa Thiên Nhiên Thiệt Hại Tài Sản, Nhân Mạng Lớn Nhất Trong Lịch Sử Tiểu Bang”
(Hình: Cháy rừng thiêu rụi nhiều khu dân cư trên đảo Maui, Hawaii, Hoa Kỳ, ngày 11/8/2023.)
-Ít nhất có trên 80 người chết trên đảo Maui ở quần đảo Hawaii trong vụ cháy được coi như là “ngày tận thế!”. Ngày 11/8/2023, chưởng lý Hawaii Anne Lopez mở điều tra về quy trình giải quyết trận hỏa hoạn sau khi còi báo động không được kích hoạt, người dân không nhận được thông tin cảnh báo.
Số người chết trong vụ hỏa hoạn cao hơn cả con số 61 người chết trong trận sóng thần năm 1960 ở đảo Hawaii. Trên đài CNN, thống đốc Hawaii Josh Green cho biết “chắc chắn số nạn nhân sẽ còn cao hơn”. Đặc phái viên viên đài France 24 Wassim Cornet tường trình từ Lahaina:
“Không hề quá khi nói đến cảnh ngày tận thế: Vài trăm, hàng ngàn ngôi nhà và cửa hàng không còn gì cả. Những hình ảnh như vậy lặp đi lặp lại hết phố này sang phố khác, suốt vài cây số. Mỗi người kể lại câu chuyện của họ: họ thoát khỏi ngọn lửa như thế nào, họ chạy trốn hôm đó như nào với độc bộ quần áo trên người và không mang theo gì khác.
Có rất nhiều cảnh thương đau. Nhiều gia đình bới trong ngôi nhà đổ nát xem có thể tìm được đồ vật hoặc chút kỷ vật chưa bị cháy. Rồi chờ đợi, lo ngại vì không có điện và điện thoại. Rất nhiều người không có tin tức của người thân hoặc hàng xóm và không biết họ thoát được thảm họa không. Hiện giờ lại thêm một mối lo khác bởi vì rất nhiều ngôi nhà không bị cháy đã bị ăn trộm trong những giờ qua. Cho nên chính quyền phải ban hành lệnh giới nghiêm: Từ giờ cấm di chuyển ở thành phố Lahaina từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau.
Một cuộc điều tra về giải quyết khủng hoảng đã được mở. Chúng ta biết là Hoa Kỳ đi đầu về hệ thống báo động cho dân. Tất cả các điện thoại di động phát ra một kiểu âm thanh chói tai, ví dụ khi xảy ra một vụ bắt cóc hoặc một cơn lốc xoáy trong khu vực hoặc như trong trường hợp này là hỏa hoạn. Nhưng không có bất kỳ cảnh báo nào, hay lệnh di tản được đưa ra hôm 8/8 lúc xảy ra hỏa hoạn. Vì thế rất nhiều người dân chỉ trích chính quyền đã phản ứng chậm trễ và họ đã bị bỏ rơi!
Về phía chính quyền, họ giải thích là lúc đó lính cứu hỏa đang bận dập một vụ cháy lớn hơn. Và dù sao thì lửa cũng đã phá hủy các trạm ăng-ten truyền thông nên không gửi được thông tin báo động”.
Thiệt Hại Nhân Mạng Kỷ Lục! Số Chết Trong Vụ Cháy Rừng ở Maui Tăng Lên Gần Con Số Trăm! Đã Tới 93 Người và Còn Tiếp Tục Tăng Cao!
(Hình: Bức ảnh do Sở Tài nguyên và Đất đai Hawaii cung cấp cho thấy các khu vực bị cháy ở Lahaina trên đảo Maui, Hawaii, ngày 11/8/2023, sau một trận cháy rừng.)
-Hôm 12/8/2023, số người chết trong vụ cháy rừng ở Maui đã tăng lên ít nhất 93 nạn nhân, khiến nó trở thành vụ cháy rừng gây chết chóc nhất ở Hoa Kỳ trong hơn một thế kỷ, và con số này có thể sẽ tăng lên trong những ngày tới khi các đội tìm kiếm cùng với chó nghiệp vụ tiếp tục tìm kiếm các đống đổ nát ở Lahaina.
Quy mô thiệt hại trở nên rõ ràng hơn, 4 ngày sau khi một ngọn lửa lan nhanh thiêu rụi thị trấn nghỉ mát lịch sử, phá hủy các tòa nhà và xe hơi.
Theo Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA), chi phí để xây dựng lại Lahaina ước tính khoảng 5,5 tỉ Mỹ kim. Hơn 2.200 công trình bị hư hại hoặc bị phá hủy và hơn 850 hectare bị đốt cháy.
Thống đốc Hawaii, ông Josh Green đã cảnh báo trong một cuộc họp báo vào chiều 12/8 rằng số người chết sẽ tiếp tục tăng lên khi nhiều nạn nhân được phát giác.
Cảnh sát trưởng địa hạt Maui John Pelletier cho biết rằng những chú khuyển được huấn luyện để phát giác thi thể chỉ mới tìm 3% diện tích tìm kiếm.
Các viên chức tuyên bố sẽ xem xét lại các hệ thống thông báo khẩn cấp của tiểu bang sau khi một số cư dân đặt câu hỏi về việc cảnh báo họ trước khi ngọn lửa bao trùm ngôi nhà của họ. Một số buộc phải bỏ chạy xuống Thái Bình Dương để trốn thoát ngọn lửa.
Còi báo động đặt xung quanh đảo – nhằm cảnh báo về các thảm họa thiên nhiên sắp xảy ra – không bao giờ vang lên, đồng thời tình trạng mất điện và sóng điện thoại di động trên diện rộng đã cản trở các hình thức cảnh báo khác.
Tổng Chưởng lý của tiểu bang, Anne Lopez, cho biết rằng bà đang tiến hành đánh giá việc ra quyết định trước và trong khi xảy ra vụ cháy, trong khi ông Green nói với CNN rằng ông đã cho phép việc xem xét lại phản ứng khẩn cấp.
Các viên chức đã cho rằng một loạt các yếu tố – bao gồm trục trặc mạng lưới thông tin liên lạc, gió giật lên đến 130 cây số một giờ từ một cơn bão ngoài khơi và một đám cháy rừng riêng biệt cách đó hàng chục dặm – đã khiến cho việc phối hợp trong thời gian thực với cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp, vốn thường đưa ra các cảnh báo và lệnh di tản, trở nên gần như không thể.
Trả lời những câu hỏi: Cháy rừng ở Hawaii bắt đầu như thế nào và đã hủy diệt những gì?
-Cháy rừng trên đảo Maui và Đảo Lớn của Hawaii đã giết chết gần hàng trăm người, buộc hàng ngàn cư dân và khách du lịch phải sơ tán, đồng thời tàn phá thành phố nghỉ mát lịch sử Lahaina. Dưới đây là một số câu hỏi và câu trả lời chính về thảm họa.
Cháy rừng bắt đầu xảy ra khi nào?
Thảm họa bắt đầu vào tối thứ Ba khi ba ngọn lửa bùng phát ở Maui, cắt đứt phía tây của hòn đảo và bùng phát ở Đảo Lớn ở Hawaii. Sau đó ngọn lửa lan nhanh, đặc biệt tại Maui, và trở thành con quái vật tàn phá mọi thứ trên đường đi.
(Hình: Phần lớn thành phố du lịch Lahaina ở phía tây đảo Maui, Hawaii, đã bị phá hủy khi cháy rừng lan nhanh)
Trước tốc độ ập đến nhanh khủng khiếp của cơn bão lửa, một số người đã phải nhảy xuống biển để tìm đường sống và được lực lượng bảo vệ bờ biển giải cứu. Ít nhất vài chục người bị thương, bỏng và ngạt khói, hàng nghìn người phải sơ tán khỏi Mauri ngay trong ngày thứ Ba.
Các đội cứu hộ sau đó tiếp tục nỗ lực sơ tán người dân và du khách, tìm kiếm những người sống sót trong tuyệt vọng khi đám cháy gây ra sự tàn phá trên diện rộng, đặc biệt là tại thành phố du lịch Lahaina, nơi gần như đã bị phá hủy hoàn toàn.
Lahaina, một thành phố nghỉ mát ven biển với khoảng 13.000 người ở phía tây bắc Maui, từng là trung tâm săn bắt cá voi và là thủ đô của Vương quốc Hawaii xưa. hiện thu hút 2 triệu khách du lịch mỗi năm. Nhưng giờ, theo báo Honolulu Star-Advertiser cho biết, khoảng 271 công trình tại Lahaina đã bị phá hủy hoặc hư hại.
Hỏa hoạn cũng đã thiêu rụi xung quanh Kihei, một thành phố ven biển ở Nam Maui, và phá hủy một phần của Kula, một khu dân cư ở trung tâm miền núi của hòn đảo, cũng như cháy xém nhiều phần của Đảo Lớn.
Thống đốc Hawaii, Josh Green, mô tả đám cháy là “có thể là thảm họa thiên nhiên tàn phá lớn nhất!” trong lịch sử tiểu bang. Ông nói: “Những gì chúng ta đã chứng kiến thật là thảm khốc. Toàn bộ mức độ tàn phá của Lahaina sẽ khiến bạn bị sốc. Cứ như bị thả bom!”.
Đến thứ Năm, ít nhất 53 người được xác nhận đã chết trong trận cháy rừng kinh hoàng nhất lịch sử nước Mỹ kể từ vụ cháy Camp ở California khiến 85 người thiệt mạng vào năm 2018. Các quan chức Hawii cảnh báo rằng số người chết có thể sẽ tiếp tục tăng, dự kiến sẽ vượt qua trận sóng thần năm 1960 khiến 61 người thiệt mạng.
Lửa đã bùng lên ra sao?
Nguyên nhân chính xác của vụ hỏa hoạn vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, Cơ quan khí tượng Mỹ đã đưa ra cảnh báo cho Quần đảo Hawaii về gió lớn và thời tiết khô hạn – điều kiện chín muồi cho cháy rừng. Theo Cục Lâm nghiệp Mỹ, gần 85% các vụ cháy rừng ở nước này là do con người gây ra. Nguyên nhân tự nhiên bao gồm sét và hoạt động núi lửa. Quần đảo Hawaii có sáu ngọn núi lửa đang hoạt động, trong đó có một ngọn ở Maui.
Không rõ núi lửa có tạo ra đám cháy nào trong số những đám cháy dẫn tới trận hỏa hoạn kinh hoàng hay không. Nhưng theo báo New York Times, tình trạng hạn hán ngày càng tồi tệ trong những tuần gần đây có lẽ cũng góp phần gây ra đám cháy. Gần 16% diện tích Maui bị hạn hán nghiêm trọng vào thứ Ba, tăng từ khoảng 5% vào tuần trước, theo Cơ quan Giám sát Hạn hán Hoa Kỳ.
Từ một đám cháy nhỏ, quan chức cho biết gió từ cơn bão Dora, xuất hiện cách quần đảo Hawaii ở Thái Bình Dương hàng trăm dặm về phía tây nam, đã thổi bùng ngọn lửa trên khắp tiểu bang này. Ngoài Dora, một hệ thống áp suất thấp ở phía tây gần Nhật Bản cũng góp phần tạo ra gió lớn kéo dài.
Thảm thực vật khô của Hawaii cũng là một yếu tố góp phần gây ra hỏa hoạn. Sự lan rộng của các loại cỏ không phải bản địa dễ bắt lửa như cỏ Guinea ở các khu vực đất nông nghiệp và rừng trước đây đã làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của đám cháy.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Thống kê của báo New York Times cho hay, diện tích bị cháy hàng năm do cháy rừng ở Hawaii đã tăng gấp bốn lần trong những thập kỷ gần đây. Các nhà khí hậu học giải thích, lượng mưa giảm và nhiệt độ tăng khiến các hòn đảo dễ bị cháy hơn.
Các loại cỏ xâm lấn rất dễ bắt lửa đã lấn át thảm thực vật bản địa ở một số khu vực và biến đổi khí hậu đã làm trầm trọng thêm tình trạng khô và nóng ở bang này, cho phép cháy rừng lan nhanh hơn.
(Hình: Những chiếc xe cháy đen chỉ còn trơ khung thép nằm la liệt tại Lahaina, đảo Maui, Hawaii)
Hiện tại tiểu bang này đã thoát khỏi tình trạng nguy hiểm ngay lập tức, khi cơn bão Dora đang di chuyển ra xa hơn. Cơ quan khí hậu quốc gia Mỹ cho biết gió sẽ chậm lại vào thứ Năm và duy trì như vậy vào đầu tuần tới.
Trong khi các quan chức tập trung vào các hoạt động cứu giúp khẩn cấp và bảo vệ tài sản, một cuộc điều tra về nguyên nhân chính xác của thảm họa sẽ sớm bắt đầu. Nhưng lúc này, Adam Weintraub, phát ngôn viên của Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp Hawaii, cho biết: “Hiện chúng tôi vẫn đang trong tình trạng chú ý bảo toàn mạng sống”.
Pháp Chia Buồn Về Vụ Hỏa Hoạn ở Hawaii, Đảo Maui Cần Hơn 5 Tỉ Để Tái Thiết!
(Hình AP: Cảnh tan hoang ở một khu phố tại Lahaina, trên đảo Maui, quần đảo Hawaii, Hoa Kỳ, ngày 11/8/2023.)
-Thành phố biển nổi tiếng Lahaina, trên đảo Manui, quần đảo Hawaii (Hoa Kỳ), gần như bị xóa khỏi bản đồ sau “cơn bão lửa”. Ngày 12/8/2023, Pháp gửi lời “chia buồn với gia đình các nạn nhân và người thân, đồng thời bày tỏ tình liên đới với thống đốc Josh Green và người dân trên đảo Maui, ở tiểu bang Hawaii, bị hỏa hoạn tàn phá”.
Số người chết đã lên đến 93 người và “sẽ tiếp tục tăng”, theo thống đốc Hawaii Josh Green. Cơ quan Liên bang Mỹ Phòng chống thiên tai (Fema) thống kê khoảng 2.207 tòa nhà, chủ yếu là nhà riêng, đã bị lửa thiêu rụi hoặc bị hư hỏng. Kinh phí tái thiết được thẩm định lên tới hơn 5 tỉ.
Trả lời Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) ngày 13/8, bà Cindy Mac Millan, phát ngôn viên của Trung tâm Thông tin của tiểu bang Hawaii – một tổ chức công – cho biết tất cả các cơ quan công quyền được huy động trong những ngày gần đây để hỗ trợ khắc phục hậu quả “cơn bão lửa”:
“Phương tiện và nhân lực đã được điều từ các đảo khác trong quần đảo Hawaii đến Manui. Lực lượng Vệ binh Quốc gia cũng đã được khởi động và đang khai triển thiết bị và nhân sự. Ngoài ra, chính quyền tiểu bang đã điều động vài trăm người và nguồn lực trong tiểu bang. Việc này cho thấy cả nước hỗ trợ Hawaii.
Những chỉ trích và chất vấn của người dân về việc không có còi báo động di tản, các cơ quan vắng mặt, là hoàn toàn chính đáng. Chúng tôi biết có nhiều vụ cháy trên đảo, chúng tôi biết lực lượng lính cứu hỏa phải hoạt động ở nhiều khu vực. Và chúng tôi biết là cuộc điều tra của chưởng lý sẽ đánh giá toàn bộ tình hình và xác định chính xác xem chuyện gì đã xảy ra.
Thống đốc Hawaii hiểu rất rõ nỗi tức giận của người dân và ông chia sẻ những lo lắng đó. Chính vì thế mà ông ấy đã yêu cầu chưởng lý mở cuộc điều tra gấp này”.
Chuyến nghỉ mát mùa Hè kinh hoàng ở Maui của một gia đình gốc Việt! không thể nào quên!
-Không thể tưởng tượng được! Một gia đình phải ngụp lặn dưới biển hàng giờ đồng hồ để tránh lửa trước khi được cứu, sẽ là ký ức kinh hoàng của một chuyến nghỉ hè không thể nào quên được, đài BBC đã thuật lại câu chuyện nhà họ Đặng ở tiểu bang Kansas.
Hôm Thứ Ba, 8 Tháng Tám, Tee Đặng đang ngồi trong chiếc xe mướn với 3 con tuổi 5, 13, và 20, cùng chồng trên đường Front Street ở Lahaina thì thấy lửa càng lúc càng tiến gần về phía họ.
(Hình: Tất cả chỉ còn lại là đống tro tàn.)
Vài chiếc xe xung quanh họ bắt lửa. Đó là lúc họ quyết định phải gom thức ăn, nước uống, và điện thoại chạy về phía biển.
Những người quanh đó cũng đang chạy nhanh về cùng hướng biển, kể cả một người phụ nữ cao niên được giúp xuống nước.
Ban đầu, gia đình họ Đặng ở mé gần bờ. Càng về chiều, thủy triều dâng lên, sóng đánh mạnh đẩy bà Tee vào bức tường đá lởm chởm của hải cảng, làm chân bà bị cứa khá nặng.
Thế rồi hàng dài những chiếc xe trên đường Front Street – “ít nhất 50 chiếc,” bà Tee kể – bắt đầu nổ. Cả nhà phải ra xa bờ để tránh những miểng vụn văng tứ tung khắp nơi.
Gia đình họ Đặng ngâm mình trong nước biển gần 4 giờ đồng hồ, bà Tee cho biết.
Mới xế bóng mà bầu trời phía sau đã đen kịt vì khói lửa rừng.
Gia đình gần như tuyệt vọng! Có lúc, một người con của họ ngất đi dưới nước!
Một nhân viên cứu hỏa cứu cả nhà lên bờ, chỉ đường cho họ ra khỏi những con đường đang bừng cháy.
Người lính cứu hỏa nói với nhóm 15 người mà ông dẫn đường: “Tôi không biết chúng ta có thoát chết hay không. Xin cứ làm theo những gì tôi bảo. Nếu tôi kêu nhảy, thì nhảy. Nếu tôi kêu chạy, thì chạy,” bà Tee nhớ lại.
Cả nhà họ Đặng đều bị phỏng!
Sau khi đến được nơi tạm trú là trường học Maui Prep School, gia đình lại phải dời chỗ thêm 2 lần nữa, kể cả một lần vì nơi tạm trú bị hỏa hoạn đe dọa.
Cuối cùng, gia đình họ Đặng cũng tới được phi trường Maui.
Cùng với hàng chục ngàn du khách khác, cả nhà rời khỏi đảo bằng máy bay, về lại nhà ở Kansas. Hú hồn!
Hậu Quả Chính Sách Mở Cửa của TT Joe Biden! Hoa Kỳ: Thành Phố New York Tràn Ngập, Bị Quá Tải Vì Di Dân!
(Hình: Người nhập cư mới đến thành phố New York, Mỹ, chờ trước khách sạn Roosevelt, được chuyển thành trung tâm tiếp đón di dân, ngày 1/8/2023.)
-Tại Mỹ, thành phố New York đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng di dân lớn chưa từng có: Gần 100 ngàn di dân và người xin tị nạn đến ồ ạt đến New York trong những tháng gần đây.
Những người này do các Thống đốc tiểu bang bảo thủ gởi đến New York bằng xe buýt và máy bay. Tình hình căng thẳng đến mức cách nay vài hôm, Thị trưởng New York, ông Eric Adams phải cầu cứu chính quyền liên bang. Theo Eric Adam, cuộc khủng hoảng này có nguy cơ làm cho thành phố bị khánh kiệt. Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) gởi về bài phóng sự:
“Chỉ cách quảng trường Times Square vài con phố, khách sạn Roosevelt đã trở thành biểu tượng cho cuộc khủng hoảng di dân tại New York. Khách sạn huyền thoại này, bị đóng cửa từ đại dịch Covid-19, đã được thành phố chuyển thành trung tâm tiếp nhận người xin tị nạn.
Maïté, một phụ nữ Ecuador xin tị nạn, nói: “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trong tình trạng này. Họ mất đến một tháng để giúp tôi tìm một phòng trọ. Tôi phải ngủ ngoài đường. Thật là xấu hổ khi phải ngủ ngoài đường”.
Maité sống trong khách sạn này từ 2 tuần nay. Cô và chồng cô không phải là những người duy nhất phải ngủ ngoài đường trước khi có được một chỗ ở tạm. Cách nay vài hôm, dòng người chờ trước khách sạn Roosevelt kéo dài đến vài dãy nhà.
Những cảnh này gây sốc cho người dân thành phố New York và nhiều di dân khác như Charon, một thiếu nữ người Colombia 16 tuổi. Cô nói: “Thật đau buồn khi phải nhìn thấy những người đã trải những khổ ải như thế và giờ phải ngủ trên vỉa hè. Điều đó làm tôi đau lòng. Họ xứng đáng có được điều kiện tốt hơn sau những gì đã phải trải qua”.
Từ nhiều tháng nay, thành phố New York bị quá tải trước dòng người di dân ồ ạt đổ về. Chi phí chăm lo cho họ có thể sẽ tiêu tốn của thành phố hơn 12 tỉ Mỹ kim trong vòng 3 năm. Đây là khoản kinh phí quá nặng, theo lời thị trưởng Eric Adams.
Ông nói: “Lòng thương cảm của chúng tôi là vô tận. Nhưng nguồn lực của chúng tôi thì không. Chúng tôi đã chạm đến giới hạn của mình”. Eric Adams lần nữa cầu cứu chính phủ liên bang. Nhưng cho đến hiện tại, những lời kêu gọi đó vẫn chưa được hồi đáp”.
Nga Tuyên Bố Trả Đũa ‘Vụ Tấn Công Khủng Bố’ của Ukraine Nhắm Vào Cầu Crimea
(HìnhREUTERS.)
-Ngày thứ Bảy (12/8/2023), Bộ Ngoại giao Nga lên án điều mà họ gọi là “vụ tấn công khủng bố” của Ukraine nhắm vào Cầu Crimea, nói rằng hành động này gây nguy hiểm cho tính mạng của những thường dân vô tội và tuyên bố sẽ trả đũa.
“Không thể có lời biện minh nào cho những hành động man rợ như vậy và chúng sẽ bị đáp trả”, phát ngôn viên của bộ Maria Zakharova nói trong một phát biểu trên ứng dụng nhắn tin Telegram.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga nói các lực lượng của họ đã cản phá một cuộc tấn công bằng phi đạn của Ukraine nhắm vào cây cầu dài 19 cây số nối Crimea với Nga qua eo biển Kerch.
Bộ cho biết các lực lượng Nga cũng đã bắn hạ một số drone của Ukraine nhắm vào bán đảo.
Pháo Kích của Nga Giết Chết 6 Người ở Kherson của Ukraine
(Hình: Nhân viên khẩn cấp dập tắt đám cháy do pháo kích của Nga tại Kherson, Ukraine. Hình ảnh do Cơ quan Khẩn cấp Nhà nước của Ukraine đăng trên Twitter vào ngày 3/8/2023.)
-Hôm 13/8/2023, giới hữu trách Ukraine cho biết các lực lượng Nga đã nã pháo vào hai ngôi làng ở khu vực Kherson, miền Nam Ukraine hôm 13/8, giết chết 6 thường dân, trong đó có 1 trẻ sơ sinh.
Bộ trưởng Nội vụ Ihor Klymenko cho biết rằng một cặp vợ chồng cùng người con 23 ngày tuổi và một người đàn ông khác đã thiệt mạng tại làng Shyroka Balka. Người con trai 12 tuổi của họ bị thương nặng.
Hai người thiệt mạng và một người bị thương ở làng Stanislav lân cận, nơi mà ông Klymenko cho biết đã bị trúng 12 loạt pháo kích.
“Những kẻ khủng bố sẽ không bao giờ sẵn lòng ngừng giết thường dân”, ông Klymenko viết trong một bài đăng trên Telegram cùng với hai bức ảnh về những ngôi nhà bị hư hại. “Những kẻ khủng bố phải bị ngăn chặn. Bằng vũ lực. Chúng không thấu hiểu điều gì khác”.
Quân đội Ukraine đã giành lại phần phía Tây của vùng Kherson từ sự chiếm đóng của Nga vào tháng 11 năm 2022 nhưng lực lượng Ðiện Cẩm Linh vẫn tiếp tục thường xuyên pháo kích vào khu vực này từ bên kia sông Dnipro.
Trong một diễn biến khác, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng phòng không của Nga đã bắn hạ ít nhất 3 máy bay không người lái của Ukraine ở khu vực phía Tây nước Nga hôm 13/8.
Bộ Quốc phòng cho biết, hai máy bay không người lái đã bị bắn hạ ở khu vực Belgorod và một chiếc khác ở khu vực Kursk.
Các cuộc không kích bằng máy bay không người lái vào sâu bên trong nước Nga đã gia tăng kể từ khi một máy bay không người lái bị phá hủy ở Ðiện Cẩm Linh vào đầu tháng 5.
Các khu vực dân sự của thủ đô đã bị tấn công vào cuối tháng 5 và một khu kinh doanh ở Mạc Tư Khoa đã bị tấn công 2 lần trong 3 ngày vào đầu tháng này.
Bộ Quốc Phòng Anh: Ðiện Cẩm Linh Có Thể Không Còn Cấp Tiền Cho Tập Đoàn Wagner
(Hình: Ông Yevgeny Prigozhin, thủ lĩnh tập đoàn Wagner, thu hình tuyên bố của ông tại Rostov-on-Don, Nga, ngày thứ Bảy, 24/6/2023.)
-Hôm 13/8/2023, Bộ Quốc phòng Anh nói rằng có khả năng thực tế là Nga không còn cấp tiền cho các hoạt động của Tập đoàn lính đánh thuê Wagner.
Bộ Quốc phòng cho biết trong một bản tin hàng ngày rằng nhà nước Nga đã có hành động chống lại một số lợi ích kinh doanh khác của chủ sở hữu Wagner, Yevgeny Prigozhin, sau khi ông này lãnh đạo một cuộc binh biến bất thành chống lại các tướng lĩnh hàng đầu của quân đội Nga hồi tháng Sáu.
“Nếu nhà nước Nga không còn trả tiền cho Wagner nữa, thì người trả lương hợp lý thứ hai là chính quyền Belarus”, Bộ Quốc phòng Anh nhận định.
Bộ này nói rằng điều này sẽ làm cạn kiệt các nguồn lực của Belarus.
Bộ cũng cho biết rằng Tập đoàn Wagner đang tiến tới thu hẹp quy mô và cơ cấu lại để tiết kiệm chi phí lương cho nhân viên trong khi vấp phải áp lực tài chánh.
Ukraine: Toàn Bộ Lãnh Đạo Tuyển Quân Cấp Vùng Bị Cách Chức Vì Tham Nhũng
(Ảnh: Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky, ngày 8/8/2023 tại Kyiv.)
-Tổng thống Ukraine không dung thứ nạn tham nhũng trong bối cảnh chiến tranh. Ngày 11/8/2023, ông Volodymyr Zelensky thông báo cách chức toàn bộ các viên chức cấp ùng phụ trách tuyển quân để nhổ tận gốc hệ thống tham nhũng giúp một số lính nghĩa vụ trốn nhập ngũ. Tình trạng này “phổ biến ở nhiều vùng Donetsk, Poltava, Vinnytsia, Odessa, Kyiv”.
Trên mạng Telegram, Tổng thống Zelensky cho biết có 112 cuộc điều tra hình sự đã được khởi động sau đợt thanh tra của các cơ quan chống tham nhũng Ukraine, Cục An ninh (SBU) và Viện Kiểm sát. Ông đưa ra giải pháp triệt để là “cách chức hết ủy viên quân sự” để loại bỏ tình trạng “làm giầu phi pháp, hợp pháp hóa tài sản bất chính, lợi ích bất hợp pháp, chuyên chở bất hợp pháp lính nghĩa vụ sang bên kia biên giới”.
Thay thế những viên chức bị cách chức là những cựu chiến binh từ cuộc chiến do Nga phát động, vì theo Tổng thống Ukraine, đó là “những người biết rằng trong thời chiến, thái độ vô liêm sỉ và tham nhũng là hành động phản bội”. Phải giao việc tuyển quân cho “những người lính từng chiến đấu trên chiến trường hoặc không thể xuống chiến hào vì họ mất sức hoặc một bộ phận cơ thể”.
Ông Zelensky cho biết sẽ trừng phạt những viên chức tham nhũng và kêu gọi những người khác “ra mặt trận” nếu họ muốn “giữ quân hàm và chứng minh phẩm giá”. Đây là vụ tham nhũng lớn thứ 4 được triệt phá từ đầu năm 2023.
Cuối tháng Bảy, một cựu ủy viên quân sự, chịu trách nhiệm tuyển quân, đã bị bắt vì bị tình nghi mua một căn biệt thự trị giá 4 triệu Euro ở Tây Ban Nha, vào lúc Nga đang xâm chiếm Ukraine. Chủ tịch Tòa án Tối cao cũng bị bắt vào tháng Năm trong vụ tham nhũng 2,5 triệu Euro. Vụ tham nhũng liên quan đến đồ quân nhu vào tháng Một buộc hàng loạt Bộ trưởng, lãnh đạo cấp vùng và viên chức Tư pháp từ chức.
Thông tấn xã AFP nhắc lại, tham nhũng là vấn nạn của Ukraine, một trong những nước nghèo nhất Âu Châu ngay cả trước khi có chiến tranh.
Lần Đầu Tiên Ukraine Mở Cửa Một Số Bãi Biển ở Odessa
(Ảnh: Một cặp vợ chồng Ukraine bên bờ Hắc Hải, Odessa, Ukraine, ngày 23/7/2023.)
-Lần đầu tiên kể từ khi Nga tiến hành cuộc chiến xâm lược, một số bãi biển ở Odessa, thành phố bên bờ Hắc Hải của Ukraine, chính thức mở cửa cho người dân đến bơi lội. Tuy nhiên, chính quyền thành phố Odessa hôm 12/8/2023 cũng nhắc rõ hoạt động tắm biển vẫn bị cấm khi có báo động không kích.
Trên mạng xã hội Telegram, Thống đốc vùng Odessa, ông Oleh Kiper cho biết quyết định mở lại một số bãi biển được chính quyền dân sự và quân sự thành phố cùng đưa ra. Giờ mở cửa sẽ từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối.
Để bảo đảm an toàn cho người dân, một tấm lưới chống mìn sẽ được đặt giữa hai cầu tàu, tránh cho người bơi lội chạm phải mìn ở những vùng nước nông. Theo lời một nhân viên cấp cứu, người dân có thể thấy rõ mìn từ bờ biển trong điều kiện thời tiết tốt. Trong trường hợp đó, lực lượng khẩn cấp sẽ có mặt và giải quyết chúng.
Quyết định mở lại một số bãi biển cho hoạt động bơi lội và tắm nắng dù trong hoàn cảnh chiến tranh đã được người dân hoan nghênh.
Thông tấn xã Reuters nhắc lại, Odessa – cảng biển và căn cứ Hải quân lớn nhất của Ukraine – đã liên tục bị tấn công bằng phi đạn, drone và vùng biển này bị rải hàng trăm thủy lôi từ khi Nga mở cuộc chiến xâm lược Ukraine tháng 2/2022.
Không chỉ riêng Odessa bị rải mìn, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 12/8 cảnh báo “174 ngàn cây số vuông lãnh thổ Ukraine trong tình trạng nguy hiểm vì mìn và vật liệu chưa nổ”. Cũng theo nguyên thủ Ukraine, mỗi ngày, các chuyên gia rà soát được hàng trăm vật thể gây nổ. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế và nước đối tác hỗ trợ thêm thiết bị để tăng tốc rà phá bom mìn trên lãnh thổ.
Liên Hiệp Âu Châu: Gần 240 Ngàn Đạn Pháo Đã Được Cấp Cho Ukraine
(Ảnh: Binh sĩ Ukraine tập huấn sử dụng hệ thống pháo rốc-kết Carl Gustaf M4 của Thụy Điển ngày 7/4/2022.)
-Ngày 11/8/2023, một phát ngôn viên của Liên Hiệp Âu Châu (EU) khẳng định rằng khối 27 nước đã cung cấp cho Kyiv 223 800 quả đạn pháo. Số viện trợ này nằm trong khuôn khổ phần đầu của bản kế hoạch hỗ trợ quân sự trị giá hai tỉ Euro được Liên Hiệp Âu Châu thông qua hồi tháng 3/2023.
Theo báo Le Monde, lời khẳng định này được đưa ra vào lúc các lực lượng Ukraine phàn nàn tình trạng khan hiếm đạn dược vào lúc cuộc phản công của Ukraine bắt đầu từ tháng Sáu nhằm đánh bật quân Nga ra khỏi nhiều vùng chiếm đóng đang gặp khó khăn.
Cuối tháng 5/2023, người đứng đầu ngành ngoại giao Âu Châu Josep Borrell đã thông báo rằng 200 ngàn quả đạn pháo đã được giao vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, theo nhật báo Pháp, Liên Hiệp Âu Châu dường như khó đạt được mục tiêu của bản kế hoạch là giao một triệu đạn pháo cho mùa Xuân tới. Hồi tháng Hai, nhiều nước Âu Châu đã bày tỏ ngờ vực về khả năng của Âu Châu đạt được kế hoạch đề ra.
Tính đến hôm 12/8, Liên Hiệp Âu Châu và các nước thành viên khẳng định đã chi ra khoảng 20 tỉ Euro để cung cấp vũ khí cho Ukraine. Còn theo Ngũ Giác Đài, đến ngày 25/7, Hoa Kỳ đã chi viện hơn 43,7 tỉ Mỹ kim cho Ukraine trong khuôn khổ viện trợ an ninh.
Tòa Bạch Ốc, ngoài việc hôm thứ Năm 10/8 đề nghị Quốc hội thông qua khoản viện trợ bổ sung 13 tỉ cho Ukraine, hôm 11/8 cũng cho biết để ngỏ khả năng đào tạo phi công Ukraine sử dụng chiến đấu cơ F-16, theo như tuyên bố của phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc John Kirby.
Về phần Đức, theo thông tin từ tạp chí Der Spiegel, được báo Le Monde dẫn lại, chính phủ Thủ tướng Olaf Scholz đang xem xét các điều kiện để có thể cung cấp cho Ukraine các loại phi đạn liên lục địa loại Taurus trích ra từ trong kho dự trữ của quân đội Đức.
Với chiều dài 5 mét và bay ở độ cao thấp, phi đạn Taurus đặc biệt có độ chính xác cao, tầm bắn là 500 cây số và khó bắn chặn nhờ vào hệ thống phòng không. Quân đội Đức hiện có đến hơn 600 chiếc trong kho dự trữ. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Đức đã yêu cầu nhà sản xuất giảm tầm bắn của Taurius để chúng không thể đi đến lãnh thổ Nga.
Trước việc Thủ tướng Đức e ngại rằng việc cung cấp loại phi đạn này cho Ukraine chỉ dẫn đến leo thang xung đột, Ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba, hôm qua, trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) đã cam kết rằng quân đội Ukraine sẽ không sử dụng loại phi đạn này để đánh vào lãnh thổ Nga.
Niger: Hàng Ngàn Người Dân Biểu Tình Gần Một Căn Cứ Quân Sự Pháp ở Niamey
(Hình: Một cuộc biểu tình “bài Pháp” tại Niamey, Niger, ngày 30/7/2023.)
-Cuộc họp của Tham mưu trưởng Cộng Đồng Kinh Tế Tây Phi (CEDEAO) về việc khai triển “lực lượng dự phòng” để tái lập trật tự hiến định ở Niger, không diễn ra ngày 12/8/2023 như dự kiến vì “các lý do kỹ thuật”. Hiện vẫn chưa có thông tin về ngày họp mới.
Trong khi đó, hàng ngàn người dân Niger đã biểu tình gần một căn cứ quân sự của Pháp ở thủ đô Niamey ngày 11/8, để ủng hộ tập đoàn quân sự đảo chính. Hưởng ứng lời kêu gọi của nhiều tổ chức dân sự ủng hộ Hội Đồng Cứu Quốc, đông đảo người biểu tình đã tập trung ở Đại Đền Niamey cầu nguyện ngày thứ Sáu Thánh.
Sau đó, theo thông tấn xã AFP, họ tập trung ở khu vực bùng binh Esquadrille, dẫn đến nhiều căn cứ quân sự Niger và ngoại quốc, trong đó có Pháp cách vài cây số. Người biểu tình hô “đả đảo Pháp”, yêu cầu 1.500 quân nhân Pháp rút khỏi Niger, phản đối CEDEAO. Nhiều hình ảnh cho thấy người biểu tình cầm cờ Nga. Cuộc biểu tình kết thúc vào cuối buổi chiều, không có biến cố hay ẩu đả.
Trong khi các nước CEDEAO không loại trừ khả năng can thiệp quân sự, Nga phản đối lựa chọn này vì có thể gây “bất ổn lớn” cho Niger, cũng như cho “toàn bộ vùng Sahara và Sahel”, theo thông cáo ngày 11/8 của Bộ Ngoại giao Nga.
Về phía Trung Quốc, nhà đầu tư lớn thứ hai (sau Pháp) và nhà cung cấp tài sản lớn nhất của Niger lại tỏ ra rất thận trọng từ cuộc đảo chính. Lợi ích của nước này không ngừng tăng ở Niger từ 15 năm qua. Nếu các biện pháp trừng phạt kéo dài, nhiều dự án của Trung Quốc sẽ bị tác động đáng kể, đặc biệt trong các lĩnh vực dầu lửa, khai thác mỏ, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Theo Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI), các biện pháp trừng phạt kinh tế của CEDEAO, Liên Hiệp Âu Châu (EU) và Ngân hàng Thế giới (WB) sau vụ đảo chính đã buộc tập đoàn Trung Quốc Gezhouba ngừng dự án đập thủy điện Kandadji trong vùng “Ba Biên giới” và có thể “sa thải hàng loạt” công nhân địa phương.
Tập đoàn Petrochina hiện chưa thông báo về dự án đường ống dẫn dầu dài 2.000 cây số nối Niger và Benin, dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2023. Tương tự, một số tập đoàn Trung Quốc khai thác dầu mỏ và khoáng sản chưa thông báo về một số thỏa thuận với Niger.
Khủng Hoảng Niger: CEDEAO Cố Tìm Giải Pháp Ngoại Giao Dù Vẫn Duy Trì Phương Án Quân Sự
(Ảnh: Nhiều người dân Niger phản đối Cộng Đồng Kinh Tế Tây Phi (CEDEAO), ngày 3/8/2023, tại Niamey, thủ đô của Niger.)
-Vào hôm 13/8/2023, khối CEDEAO (ECOWAS) vẫn tiếp tục tìm kiếm các biện pháp ngoại giao để đối phó với cuộc đảo chính mới đây ở Niger, trong khi vẫn duy trì mối đe dọa can thiệp quân sự để lật đổ tập đoàn quân sự mới lên cầm quyền tại Niamey.
Theo hãng tin Anh Reuters, vào hôm 12/8, khối CEDEAO cho biết họ muốn gửi một ủy ban nghị viện đến Niger để tiếp xúc với giới lãnh đạo cuộc đảo chính, những người đã cầm tù Tổng thống Niger Mohamed Bazoum và giải tán chính phủ dân cử, trong cuộc đảo chính lần thứ bảy ở khu vực Tây và Trung Phi trong vỏn vẹn ba năm.
Dù chưa đưa ra quyết định dứt khoát, nhưng Nghị Viện khối CEDAO vào hôm qua đã lập ra một ủy ban và có kế hoạch gặp Tổng thống Nigeria Bola Tinubu, người giữ chức Chủ tịch luân phiên khối CEDEAO để được bật đèn xanh đi Niger.
Cho đến nay, các lãnh đạo cuộc đảo chính tại Niger, đứng đầu là tướng Abdourahamane Tiani, đã bác bỏ các nỗ lực ngoại giao trước đó của CEDEAO, Hoa Kỳ và các nước khác, làm dấy lên mối lo ngại về chiến tranh bùng lên tại vùng Sahel nghèo khó ở Tây Phi, nơi đang phải đối phó với một cuộc nổi dậy của lực lượng Hồi Giáo cực đoan.
Với nỗ lực ngoại giao thiếu kết quả, CEDEAO đã kích hoạt một lực lượng quân sự dự phòng mà theo họ, chỉ được khai triển như một kế sách tối hậu nếu tất cả các cuộc đàm phán thất bại.
Về số phận của Tổng thống Niger Mohamed Bazoum, bị cầm giữ trong dinh thự của ông ở Niamey kể từ sau một cuộc đảo chính, vào hôm 12/8, ông đã được Bác sĩ riêng đến thăm.
Theo một Cố vấn của ông, thì tình trạng sức khỏe của ông Bazoum vẫn ổn. Vị Bác sĩ đã đến khám và mang thức ăn cho ông Bazoum cùng gia đình của ông, bao gồm người vợ và một người con trai cũng bị cầm giữ cùng với ông.
Trong những ngày qua, nhiều quốc gia và tổ chức đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình sức khỏe hiện tại của vị Tổng thống dân cử.
Liệu Pháp Có Rút Quân Khỏi Niger?
(Hình: Lính Pháp đến căn cứ quân sự ở Niamey, Niger, ngày 9/6/2021.)
-Cuộc đảo chính của quân đội, lật đổ Tổng thống dân sự tại Niger hồi cuối tháng Bảy vẫn là chủ đề được công luận quốc tế quan tâm, nhất là căng thăng giữa Pháp và thuộc địa cũ.
Hôm 9/8/2023, quân đội Niger đã tố cáo Pháp xâm phạm không phận nước này, “giải phóng những kẻ khủng bố” nhưng Pháp đã nhanh chóng bác bỏ. Theo báo Le Monde, tuy Niger thông báo đóng cửa không phận, nhưng chuyến bay của Pháp nằm trong thỏa thuận về hợp tác kỹ thuật với lực lượng Niger, chứ không có bất cứ ý định tấn công nào.
Trong không khí bài Pháp ngày càng gia tăng tại quốc gia Phi Châu này, Pháp đã tổ chức di tản công dân, nhưng 1.500 lính Pháp vẫn hiện diện ở Niger thethỏa thuận với chính phủ của Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum, để hỗ trợ nước này chống khủng bố.
Từ nhiều năm qua, Niger cũng như các nước láng giềng trong khu vực, phải chiến đấu chống lại các phong trào khủng bố hoạt động ở Sahel và thường có liên kết với các tổ chức khủng bố như Al-Qaed hoặc Nhà nước Hồi giáo. Trong cuộc đảo chính ở Mali và Burkina Faso, lực lượng Pháp được khai triển ở các nước này đã phải rút đi không lâu sau đó, vì quân đội đảo chính phản đối sự hiện diện của lính Pháp.
Liệu Pháp có phải sớm rút quân khỏi Niger hay không? Chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Viện Nghiên cứu Montaigne, trả lời RFI Pháp ngữ cho rằng:
“Câu trả lời có hay không, phụ thuộc vào các đàm phán hiện nay nhằm thiết lập lại trật tự hiến định ở Niamey, nhất là các đàm phán với Cộng đồng Kinh Tế Tây Phi (Cédéao). Nếu như cuộc đảo chính không được hợp pháp hóa, thì có khả năng lực lượng Pháp vẫn tiếp tục hợp tác với quân đội Niger. Tuy nhiên, nếu như phe quân đội đảo chính vẫn tiếp tục nắm quyền, thì có khả năng cao là binh lính Pháp sẽ phải sớm rời khỏi Niger”.
6 Người Chết ở Eo Biển Manche Trong Vụ Lật Thuyền Chở Di Dân Tới Anh
(Hình: Di dân trái phép bị phát giác trên Eo biển Manche.)
-Chính quyền Pháp cho biết 6 người thiệt mạng sau khi một chiếc thuyền chở di dân qua Eo biển Manche từ Pháp đến Anh bị lật vào sáng sớm hôm 12/8/2023 và 2 người khác có thể mất tích.
Các tàu cấp cứu của Pháp và Vương quốc Anh đã cứu được gần 60 di dân và đưa họ đến bờ biển của Pháp hoặc Anh, đồng thời các hoạt động tìm kiếm và cấp cứu đang diễn ra.
Thị trưởng địa phương Franck Dhersin nói rằng một chiến dịch cấp cứu lớn đã được khai triển vào khoảng 6 giờ sáng khi hàng chục thuyền chở di dân cố gắng vượt biển cùng một lúc.
Eo biển giữa Pháp và Anh là một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới và có dòng hải lưu rất mạnh, khiến việc vượt biển bằng thuyền nhỏ trở nên nguy hiểm.
Những kẻ buôn người thường chở quá tải những chiếc thuyền ọp ẹp, khiến chúng gần như không nổi được và có nguy cơ bị sóng đánh chìm khi cố gắng đến bờ biển của Anh.
Anne Thorel, một tình nguyện viên có mặt trên một trong những chiếc thuyền cấp cứu, đã mô tả việc các di dân cuống cuồng dùng giày đổ nước ra khỏi con thuyền đang chìm.
“Có quá nhiều người trên thuyền (di dân)”, bà nói với thông tấn xã Reuters qua điện thoại khi quay trở lại bờ biển.
Lực lượng bảo vệ bờ biển của Anh cho biết đã khai triển một xuồng cứu sinh từ Dover đến hỗ trợ cấp cứu ở Eo biển Manche, cùng với đội cấp cứu bờ biển và nhân viên cứu thương.
Một tàu của Lực lượng Biên phòng Vương quốc Anh và hai xuồng cứu sinh đã giúp giải cứu tất cả những người trên một chiếc thuyền nhỏ khác ở Eo biển Manche trong một sự việc khác hôm 12/8, lực lượng bảo vệ bờ biển Anh cho biết thêm.
Báo Yomiuri: Hoa Kỳ và Nhật Bản Sắp Phát Triển Phi Đạn Đánh Chặn Siêu Thanh
(Hình: Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.)
-Báo Yomiuri của Nhật Bản đưa tin hôm 13/8/2023 cho hay Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ nhất trí trong tuần này để cùng nhau phát triển một phi đạn đánh chặn để chống lại các đầu đạn siêu thanh do Trung Quốc, Nga và Bắc Hàn phát triển.
Thỏa thuận về các phi đạn đánh chặn nhằm vào các vũ khí được thiết kế để tránh các hệ thống phòng thủ phi đạn-đạn đạo hiện có được kỳ vọng sẽ đạt được khi Tổng thống Joe Biden gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Hoa Kỳ vào 18/8, bài báo cho biết, mà không đưa ra bất kỳ nguồn tin nào.
Thông tấn xã Reuters cho biết không thể liên lạc được với các viên chức tại Bộ Ngoại giao Nhật Bản vì ngoài giờ làm việc.
Không giống như các đầu đạn đạn đạo thông thường, vốn bay theo quỹ đạo có thể dự đoán được khi chúng bay từ không gian đến mục tiêu, các đầu đạn siêu thanh có thể thay đổi hướng đi, khiến chúng khó bị nhắm mục tiêu hơn.
Tờ Yomiuri đưa tin rằng ông Biden và ông Kishida sẽ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh ba bên với Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol tại nơi nghỉ dưỡng của Tổng thống ở Trại David, Maryland.
Hồi tháng 1, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã đồng ý xem xét phát triển phi đạn đánh chặn tại cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin với những người đồng cấp Nhật Bản, Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi và Bộ trưởng Quốc phòng Yasukazu Hamada.
Một thỏa thuận sẽ là sự hợp tác thứ hai như vậy trong kỹ thuật phòng thủ phi đạn.
Hoa Thịnh Ðốn và Tokyo từng đã phát triển một phi đạn tầm xa hơn được thiết kế để tấn công các đầu đạn trong không gian. Nhật Bản đang khai triển phi đạn này trên các chiến hạm ở vùng biển giữa Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên để đề phòng các cuộc tấn công bằng phi đạn của Bắc Hàn.
Trung Quốc Dịu Giọng, Đề Nghị Phi Luật Tân Hợp Tác Hóa Giải Căng Thẳng Biển Đông
(Hình: Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.)
-Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi Phi Luật Tân hợp tác với Trung Quốc để tìm kiếm một biện pháp hữu hiệu nhằm xoa dịu căng thẳng ở Biển Đông, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã cho biết hôm thứ Bảy (12/8/2023).
Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai nước về vị trí của một chiến hạm mắc cạn đóng vai trò như một tiền đồn quân sự ở Biển Đông.
Phát biểu này được ông Vương đưa ra trong chuyến thăm Tân Gia Ba và Mã Lai Á diễn ra vào ngày thứ Năm và thứ Sáu, Tân Hoa Xã nói.
Trung Quốc đã nhiều lần tỏ ý sẵn sàng giải quyết những khác biệt với Phi Luật Tân thông qua đối thoại song phương, hi vọng rằng phía Phi Luật Tân sẽ tuân thủ sự đồng thuận đã đạt được trong quá khứ, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Vương nói.
Phi Luật Tân cố ý cho chiến hạm Sierra Madre thời Ðệ nhị Thế chiến mắc cạn vào năm 1999 như một phần trong tuyên bố chủ quyền của nước này đối với Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), nằm trong Vùng đặc quyền Kinh tế (EEZ) của nước này, và luân phiên điều một số binh sĩ ra canh gác trên tàu.
Phi Luật Tân giành thắng lợi trong một vụ kiện tại tòa án trọng tài quốc tế vào năm 2016 chống lại yêu sách của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông. Tòa án phán quyết tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý, kể cả tại Bãi Cỏ Mây.
Trung Quốc, vốn không công nhận phán quyết, đã xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Tuyên bố chủ quyền của nước này chồng lấn với các Vùng đặc quyền Kinh tế của Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai Á, Brunei và Nam Dương.
Mỹ và Trung Quốc Đồng Ý Tăng Gấp Đôi Số Chuyến Bay Hàng Tuần Giữa Hai Nước
(Hình REUTERS.)
-Hôm thứ Sáu (11/8/2023), trong một dấu hiệu hợp tác hiếm hoi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, chính quyền Biden cho biết Mỹ và Trung Quốc sẽ chấp thuận tăng gấp đôi số chuyến bay chở khách hiện được phép cho các hãng hàng không bay giữa hai nước.
Bộ Giao thông-Vận tải Hoa Kỳ (USDOT) cho biết họ sẽ tăng số chuyến bay chở khách của Trung Quốc được cho phép bay đến Mỹ lên 18 chuyến khứ hồi hàng tuần vào ngày 1 tháng 9 và tăng lên 24 chuyến mỗi tuần bắt đầu từ ngày 29 tháng 10. Số chuyến bay ở thời điểm hiện tại là 12.
Bộ nói chính phủ Trung Quốc sẽ đồng ý cho tăng cùng số chuyến bay đối với các hãng hàng không của Mỹ.
Thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Ðốn đạt được sau khi Trung Quốc hôm thứ Năm dỡ bỏ các hạn chế trong thời kì đại dịch đối với các tour du lịch theo nhóm đối với nhiều quốc gia hơn, bao gồm các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, Nam Hàn và Úc Ðại Lợi.
USDOT cho biết đợt chuyến bay đầu tiên đã được chấp thuận bắt đầu từ ngày 1 tháng 9 “để đáp ứng sự gia tăng nhu cầu được dự đoán vào đầu năm học”.
Sau chuyến thăm vào tháng 6 của Ngoại trưởng Antony Blinken tới Trung Quốc, sự giao tiếp thường xuyên của USDOT và Bộ Ngoại giao với các viên chức Trung Quốc “đã tạo ra bước tiến quan trọng này”, USDOT nói thêm.
“Mục tiêu cao nhất của chúng tôi là cải thiện môi trường mà trong đó các hãng hàng không của cả hai bên có thể thực hiện đầy đủ các quyền song phương của mình để duy trì sự cân bằng cạnh tranh và cơ hội công bằng, bình đẳng giữa các hãng hàng không Mỹ và Trung Quốc”, USDOT nói trong quyết định chấp thuận hôm thứ Sáu.
Con số 24 chuyến bay hàng tuần vẫn là một phần nhỏ trong số hơn 150 chuyến bay khứ hồi được mỗi bên cho phép trước khi các hạn chế được áp dụng vào đầu năm 2020 do đại dịch COVID.
Trung Quốc Tức Tối: Phó Tổng Thống Đài Loan Ghé New York Trên Đường Tới Paraguay
(Hình: Ông William Lai tới khách sạn ở New York.)
-Hôm 12/8/2023, Phó Tổng thống Đài Loan William Lai đã đến New York trong chặng dừng chân nhạy cảm ở Hoa Kỳ, mà Trung Quốc đã lên án và các viên chức Đài Loan lo ngại có thể gây ra thêm hoạt động quân sự của Trung Quốc xung quanh hòn đảo hoạt động một cách dân chủ.
Ông Lai, ứng cử viên hàng đầu để trở thành Tổng thống Đài Loan trong cuộc bầu cử vào tháng 1, chỉ ghé qua Hoa Kỳ trên đường đến và đi từ Paraguay để dự lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống của nước này vào tuần tới.
Trên nền tảng mạng xã hội X, trước đây gọi là Twitter, ông Lai cho biết ông đã đến New York, nơi ông nói là “biểu tượng của tự do, dân chủ và cơ hội”.
“Mong được gặp bạn bè và tham dự các chương trình quá cảnh ở #NewYork”.
Chuyến bay của China Airlines chở ông Lai từ Đài Bắc đã hạ cánh xuống Phi trường John F. Kennedy của New York vào khoảng 8:15 tối giờ địa phương, theo ứng dụng theo dõi chuyến bay Flightradar24.
Cả Đài Loan và Hoa Kỳ đều không đưa ra chi tiết chính xác về lịch trình của ông tại Hoa Kỳ, mà cả hai bên đều không muốn làm rầm rộ, theo các viên chức được thông báo về chuyến đi.
Bà Laura Rosenberger, Chủ tịch của Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT), một tổ chức phi lợi nhuận do chính phủ Hoa Kỳ điều hành nhằm thực hiện các mối quan hệ không chính thức với Đài Loan, cho biết trên X rằng bà sẽ gặp ông Lai ở San Francisco.
Đài Bắc và Hoa Thịnh Ðốn gọi việc các viên chức Đài Loan dừng chân tại Hoa Kỳ là thường lệ và không có lý do gì để Trung Quốc thực hiện các hành động “khiêu khích”, nhưng Bắc Kinh đã phản ứng giận dữ trước điều mà họ coi là dấu hiệu tiếp theo cho thấy sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan mà Bắc Kinh tuyên bố là thuộc về mình.
Theo KQ LeVan Hai