Bắc Kinh ‘nhảy dựng’ vì ông Biden tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G7
Trang Channel News cho hay, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã xung đột trong cuộc đàm phán hiếm hoi vào ngày 11/6 khi Tổng thống Joe Biden ra mắt quốc tế tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bảy (G7), với việc chính quyền của ông thúc ép Bắc Kinh về COVID-19, Đài Loan và nhân quyền.
Ngoại trưởng Antony Blinken, cùng với ông Biden tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Anh, đã nói chuyện qua điện thoại với quan chức cấp cao của Trung Quốc Dương Khiết Trì – cuộc hội đàm đầu tiên của họ kể từ cuộc gặp gỡ trực tiếp nóng bỏng ở Alaska vào tháng 3.
Trong khi ông Biden sử dụng chuyến công du nước ngoài đầu tiên để tiết lộ một kế hoạch mua và phân phối 500 triệu liều vắc-xin COVID-19 trên khắp thế giới, ông Blinken đã gia tăng áp lực của Mỹ đối với Trung Quốc về nguồn gốc của đại dịch đã giết chết hơn 3,7 triệu người.
Trong một tuyên bố phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: Ông Blinken “nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác và minh bạch về nguồn gốc của virus”, bao gồm việc cho phép các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trở lại Trung Quốc.
Trước đó, ông Biden đã yêu cầu tình báo Mỹ vào cuối tháng 8 báo cáo lại liệu COVID-19, được phát hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019 ở thành phố Vũ Hán, xuất phát từ nguồn động vật hay một tai nạn trong phòng thí nghiệm.
Đáp lại, truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời ông Dương Khiết Trì, chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Trung Quốc, cáo buộc Washington thực hiện chủ nghĩa đa phương giả tạo, dựa vào các nhóm nhỏ.
Ông Dương nói: “Chủ nghĩa đa phương thực sự duy nhất được hình thành dựa trên các nguyên tắc của hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế”.
Dương Khiết Trì cũng cáo buộc Hoa Kỳ đạo đức giả về nhân quyền khi ông Blinken nhấn mạnh việc Washington lên án Bắc Kinh diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Ông Dương nói: “Hoa Kỳ nên giải quyết các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong nước của mình, và không sử dụng cái gọi là các vấn đề nhân quyền như một cái cớ để tùy tiện can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác”.
G7: Nỗ lực thể hiện vị thế của Hàn Quốc có thể bị hồ sơ Trung Quốc che lấp
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị đối tác về tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu (P4G) ở Seoul, ngày 30/05/2021. AFP – HANDOUT
Hôm nay, 11/06/2021, hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 mở ra tại nước Anh với sự hiện diện của tổng thống Mỹ Joe Biden là tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế. Các cuộc thảo luận tập trung nhằm ngăn chặn Trung Quốc có thể làm lu mờ các hồ sơ khác.
Nguyên thủ của một quốc gia phát triển của châu Á, ông Moon Jae In tới dự G7 với tư cách khách mời, mang theo tham vọng chứng tỏ Hàn Quốc cũng là một tác nhân quan trọng trên các vấn đề quốc tế lớn như biến đổi khí hậu hay trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo giới quan sát, các nỗ lực ngoại giao của Seoul lần này có thể sẽ bị khỏa lấp bởi các cuộc thảo luận chiến lược địa chính trị của phương Tây nhằm ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc, một hồ sơ được cho là khá tế nhị cho sự tham gia của Hàn Quốc.
Từ khoảng một năm trở lại đây, Hàn Quốc vẫn nuôi hy vọng muốn có được quy chế chính thức là thành viên G7 mở rộng. Trước khi lên đường tới dự hội nghị, tổng thống Moon tuyên bố trong một cuộc họp chính phủ trong tuần này : « Việc tôi tham dự thượng đỉnh sẽ có tác dụng xúc tác để cải thiện ngoại giao của chúng ta …trách nhiệm và vai trò của chúng ta trong cộng đồng quốc tế đã được nâng cao ».
Các nước dân chủ giàu có nhân cuộc họp thượng đỉnh lần này đang muốn chứng tỏ với thế giới là họ có thể phối hợp hành động để đối phó với các cuộc khủng hoảng lớn, sẵn sàng cung cấp hàng trăm triệu liều vac-xin ngừa Covid-19 cho các nước nghèo, đồng thời cam kết mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Mặc dù bị dịch Covid-19 bùng phát nhiều lần, Hàn Quốc vẫn được đánh giá là quốc gia thành công trong chống dịch, không phải phong tỏa dân cư làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Dưới thời của tổng thống Moon Jae In, Hàn Quốc cam kết từ nay đến năm 2050 sẽ đạt mức không phát thải, bằng cách đầu tư mạnh vào công nghệ xanh.
Tuy nhiên, hồ sơ trọng tâm được thảo luận ở thượng đỉnh G7 là về tự do mậu dịch và tạo lập một mặt trận thống nhất chống lại đà bành trướng ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Jean-Sylvestre Mongrenier, thuộc Viện Thomas More, nhận định trong một bài viết trên Le Figaro : « Hội nghị thượng đỉnh lần này phải là dịp để xác định lại chiến lược địa chính trị của phương Tây để đối phó với mối đe dọa Trung Quốc ».
Một nước khách mời khác là Úc đã đặt vấn đề G7 ủng hộ cải cách Tổ Chức Thương Mại Thế giới theo hướng chống lại các hành vi « lấn lướt kinh tế » trong quan hệ thương mại quốc tế, một ám chỉ nhắm vào Trung Quốc trong những căng thẳng gần đây giữa Bắc Kinh và Canberra. Có lẽ những đề xuất theo hướng như của Úc thích hợp với chương trình nghị sự và mục tiêu của thượng đỉnh G7 lần này.
Trong khi đó, Seoul luôn tỏ ra thận trọng khi tiếp cận các vấn đề liên quan tới Bắc Kinh. Trung Quốc vẫn luôn là đối tác thương mại lớn của Hàn Quốc. Quan hệ kinh tế giữa hai nước vẫn diễn ra ổn định, ngoại trừ hồi năm 2017 có bị khuấy động chút ít sau vụ Seoul cho lắp đặt hệ thống lá chắn chống tên lửa của Mỹ trên đất Hàn Quốc.
Trong lần gặp tổng thống Mỹ Joe Biden tháng trước, ông Moon Jae-In đã khiến nhiều nhà quan sát bất ngờ khi tuyên bố rằng Hàn Quốc sẽ chung tay với Hoa Kỳ vì « hòa bình và ổn định trong eo biển Đài Loan ». Ngay lập tức Bắc Kinh cảnh cáo rằng Seoul không nên can dự vào chuyện này.
Nhiều nhà phân tích nhận thấy có nhiều lý do để các lãnh đạo Hàn Quốc tránh các tuyên bố mạnh mẽ thể hiện lập trường chống Trung Quốc, chia sẻ quan điểm với các đồng minh phương Tây. Trước hết phải cân nhắc lợi hại về kinh tế, thứ nữa là vì Seoul vẫn coi Bắc Kinh như là nhân tố có khả năng kiềm chế mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên.
Thế nhưng về mặt đối nội, giới quan sát gần đây nhận thấy, chính quyền Moon đang bị áp lực khá lớn bởi tâm lý chống Trung Quốc ngày càng trở nên phổ biến ở Hàn Quốc. « Trong kỳ bầu cử trong chưa đầy một năm tới, đảng cầm quyền phải chứng tỏ cho cử tri thấy họ có lập trường đủ kiên quyết để chống Trung Quốc », theo nhận định của Anthony Rinna, lãnh đạo nhóm nghiên cứu bán đảo Triều Tiên và các mối quan hệ với láng giềng Trung Quốc Sino-NK.
Ở hội nghị G7 lần này, có thể những nỗ lực mà tổng thống Moon Jae In muốn thể hiện về sự đóng góp và vai trò quốc tế của Hàn Quốc sẽ trở nên lạc lõng, hay ít ra không hợp thời, cũng chỉ vì cái bóng Trung Quốc phủ kín bàn hội nghị.
Ông Biden chuyển quỹ xây tường thành về lại cho quân đội, dọn các địa điểm thi công
Reuters
Bức tường biên giới tại San Diego, California trông sang Tijuana, Mexico.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ đưa hơn 2 tỉ đô la phân bổ xây tường biên giới Mỹ-Mexico dười thời người tiền nhiệm Donald Trump về lại cho quân đội và dùng số tiền còn lại cho công tác dọn sạch các địa điểm thi công xây tường, văn phòng ngân sách Tòa Bạch Ốc tuyên bố ngày 11/6.
Như vậy, chính quyền sẽ đưa tiền về lại cho 66 dự án quân sự trải dài ở 11 tiểu bang, 3 lãnh thổ Mỹ và 16 quốc gia, Tòa Bạch Ốc cho hay.
Các dự án này bao gồm 79 triệu đô la tân trang một trường quân sự của Mỹ tại Đức và 9 triệu đô la cho một trường bắn tại Indiana.
Trong 4 năm tại chức, ông Trump đã đảm bảo được 15 tỉ đô la cho dự án xây tường biên giới, trong đó có 10 tỉ đô la từ việc chuyển hướng các nguồn quỹ của quân đội.
Chính quyền ông Biden ngày 11/6 tuyên bố sẽ dùng quyền hạn pháp lý để ngưng xây dựng thêm tường biên giới và kêu gọi Quốc hội chuyển các nguồn lực hiện hữu cho việc tăng cường an ninh biên giới bằng công nghệ.
Thống đốc Greg Abbott của bang Texas, một đảng viên Cộng hoà, hôm 10/6 loan báo tiểu bang này sẽ xây tường biên giới riêng của mình, nhưng chưa rõ liệu ông có nguồn lực và quyền hành pháp lý để thực hiện hay không.
Ông Abbott và các đảng viên Cộng hòa khác gần đây chỉ trích ông Biden vì đã rút lại những hạn chế dưới thời ông Trump trong lúc số di dân tràn tới biên giới hàng tháng lên tới mức cao nhất trong hai thập niên.
New York Times: FDA yêu cầu J&J hủy 60 triệu liều vaccine
Reuters
Trụ sở Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ở Silver Spring, Maryland.
Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) yêu cầu công ty Johnson & Johnson hủy 60 triệu liều vaccine COVID sản xuất tại một nhà máy đã xảy ra sự cố ở Baltimore, tờ New York Times loan tin ngày 11/6, dẫn các nguồn thạo tin.
Vẫn theo nguồn tin này, 10 triệu liều khác của J&J sẽ được phép phân phối kèm theo khuyến cáo là không bảo đảm rằng nhà sản xuất hợp đồng với J&J là Emergent BioSolutions đã theo đúng những quy trình thích hợp.
Trong một thông cáo báo chí, FDA nói họ đã đồng ý rằng hai lô vaccine được cho phép sử dụng, nhưng nhiều lô khác không thích hợp để sử dụng và rằng các lô khác đang được đánh giá.
FDA cho biết thêm họ chưa sẵn sàng cho phép nhà máy của Emergent sản xuất vaccine J&J.
FDA không tiết lộ có bao nhiêu liều vaccine trong từng lô vừa kể.
Nga ghi nhận số ca nhiễm COVID hàng ngày tăng vọt
Reuters
Mọi người sắp hàng chờ được tiêm vaccine Sputnik V tại một thương xá ở Moscow, Nga, ngày 18/1/2021.
Nga ngày 11/6 báo cáo trong 24 giờ qua có thêm 12.505 ca nhiễm COVID, số lây nhiễm hàng ngày cao nhất kể từ tháng Hai năm nay, nâng tổng số người nhiễm trên toàn quốc lên thành 5.180.454 kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Thủ đô Moscow sẽ chứng kiến cao điểm lây nhiễm vào tháng 6 hay tháng 7, thông tấn xã Nga trích lời Đô trưởng Sergei Sobyanin khuyến cáo trên đài truyền hình nhà nước.
Lực lượng đặc nhiệm chống COVID của chính phủ cho hay có thêm 396 người thiệt mạng, nâng số tử vong vì COVID trong nước lên thành 125.674 người.
Tuy nhiên, cơ quan thống kê liên bang Nga lại đưa ra một con số khác, nói rằng Nga đã ghi nhận khoảng 270.000 ca tử vong liên hệ đến COVID-19 từ tháng 4 năm ngoái tới tháng 4 năm nay.
Covid: Cơ quan Dược phẩm châu Âu kêu gọi vac-xin cho toàn thế giới
Bên ngoài trụ sở Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA – European Medicines Agency), tại Amsterdam, Hà Lan. Ảnh chụp ngày 18/12/2020. REUTERS – PIROSCHKA VAN DE WOUW
Hôm qua, 11/06/2021, giám đốc Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) Emer Cooke đã kêu gọi phải làm sao cho “toàn thế giới” tiếp cận được vac-xin ngừa Covid-19, trong lúc nhóm G7 hứa sẽ cung cấp 1 tỷ liều vac-xin cho các nước nghèo nhất.
Theo hãng tin AFP, các tổ chức phi chính phủ tuy hoan nghênh 1 tỷ liều vac-xin mà bảy cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới hứa hẹn, nhưng cho rằng số lượng này vẫn không đủ để giúp ngăn chận đại dịch trên cấp độ toàn cầu. Trả lời AFP, bà Emer Cooke, giám đốc EMA, cũng bảo đảm là cơ quan này vẫn tin tưởng vào hiệu quả của các vac-xin ngừa Covid-19 đối với các biến chủng virus đang lây lan rất nhanh ở nhiều nước.
Ngoài các vac-xin đã được phê duyệt (AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson), EMA hiện cũng đang đánh giá các dữ liệu của các loại vac-xin khác, kể cả vac-xin của Trung Quốc và Nga, đã được tiêm ở nhiều nước trên thế giới.
Các quan chức Nga trong tuần này đã tỏ vẻ lạc quan về khả năng EMA sẽ cấp phép cho vac-xin Spoutnik V và đã cảnh báo châu Âu là đừng “chính trị hóa” việc này. Đáp lại lời chỉ trích đó, bà Emer Cooke khẳng định là EMA thẩm định mỗi vac-xin dựa trên cơ sở khoa học và đây là một tiến trình hoàn toàn “độc lập, không bị ảnh hưởng chính trị.”
Trong khi đó, hôm qua, Canada thông báo sẽ không phân phối lô 300.000 liều vac-xin Johnson&Jonhson mà nước này đã nhận được vào đầu năm, do có “những quan ngại” về chất lượng vac-xin, liên quan đến khâu sản xuất lô vac-xin này tại một hãng của Mỹ.
Trước hội đàm Geneva, Nga tập trận phô trương sức mạnh với Mỹ tại Thái Bình Dương?
Nguồn hình ảnh, US Navy
Chụp lại hình ảnh,
Tàu chiến Nga tiến vào gần một khu trục hạm Hoa Kỳ ở Trung Đông đầu năm 2020-hình chỉ có tính minh họa
Trước hội nghị thượng đỉnh Geneva với tổng thống Mỹ, lãnh đạo Nga cho Hạm đội Thái Bình Dương “tập trận lớn nhất từ thời Liên Xô” để phô trương sức mạnh tại châu Á.
Tuần này, Hải quân Nga bắt đầu cuộc tập trận hải quân – không quân phối hợp “lớn nhất từ thời Liên Xô” ở Thái Bình Dương, vài hôm trước khi Tổng thống Vladimir Putin gặp mặt Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Geneva ngày 16/06/2021.
Cuộc gặp Biden – Putin sẽ diễn ra “với đầy mâu thuẫn, căng thẳng”, theo bình luận của Anthony Zurcher, phóng viên Bắc Mỹ của BBC News.
Việc Nga tập trận không làm “nhẹ đi” tình trạng đối đầu giữa hai quốc gia.
Trang web của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga điểm ra con số 20 tàu chiến, tàu ngầm, và 20 phi cơ quân sự các loại tham gia tập trận “xa bờ”.
Ngoài tuần dương hạm mang tên lửa Varyag, tàu chống ngầm mang tên Đô đốc Panteleyev và tàu chiến Nguyên soái Shaposhnikov, Nga cho phi cơ chống ngầm Tu-142MZ và các tiêm kích MiG-31BM tham gia cuộc tập trận do đô đốc Sergei Avakyants chỉ huy.
Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh đây là cuộc trận trận “rất xa bờ và nhằm chứng tỏ khả năng liên lạc, phối hợp tấn công trên không, trên bộ và dưới mặt nước”.
Bản tin của trang web này tuy thế không nói cụ thể vị trí của cuộc tập trận mà chỉ nêu là “các hoạt động chống kẻ thù giả tưởng” xảy ra ở vùng giữa Thái Bình Dương (Central Pacific).
Theo định nghĩa của các trang hàng hải quốc tế thì vùng Trung tâm Thái Bình Dương nằm ở phía Bắc của đại dương này, giữa quần đảo Line và quần đảo Marshall, không xa Hawaii của Hoa Kỳ.
Nga cũng ‘xoay trục về châu Á’?
Theo thinktank Geopolitical Futures (10/06/2021) cuộc tập trận là dấu hiệu Nga “xoay sang phía Đông” (Eastward turn) nhằm củng cố vị trí ở tuyến hàng hải phía Bắc bán cầu, và thể hiện khả năng bảo vệ các đảo xa.
Cuộc gặp Biden – Putin sẽ diễn ra “với đầy mâu thuẫn, căng thẳng”, theo một số bình luận
Đây cũng cơ hội để Nga tái cấu trúc, nâng cao khả năng tác chiến của Hạm đội Thái Bình Dương hiện có 83 tàu chiến, tàu ngầm, thinktank của Hoa Kỳ đánh giá.
Theo các báo quốc tế, thông điệp của Nga nêu ra là Hoa Kỳ xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương thì phải tính đến vị trí cường quốc quân sự của Nga tại đó.
Hiện chưa rõ quan điểm của Nga về Trung Quốc nhưng điều dễ thấy là cho tới gần đây chỉ hai quốc gia này tập trận hải quân quy mô lớn với nhau, cả trên bộ và trên không.
Vào thời gian các lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật và Canada họp Thượng đỉnh G7 ở Cornwall, Anh (11-13/06/2021), hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của Anh cùng các đại diện Nato trên khoang đã ở vùng biển Ý, trên đường sang châu Á-Thái Bình Dương.
Chuyến hải hành thăm nhiều nước đồng minh và đối tác được cho là “sẽ làm Trung Quốc tức giận”, theo với lịch trình diễn tập hải quân với Ấn Độ và Nhật Bản.
Theo bình luận của phóng viên ngoai giao BBC News, Jonathan Beale thì Anh cử hàng không mẫu hạm mới hạ thủy sang Đông Nam và Đông Bắc Á để đối phó với sự trỗi dậy của TQ.
Tuy thế, Anh chỉ có thể thể hiện “chiến lược nghiêng trọng tâm” về châu Á (a tilt to Asia), chứ không có sức mạnh để “xoay trục” về khu vực này như Hoa Kỳ, theo bình luận này.
Cùng thời gian, Nga ý thức được các vấn đề xoay quanh quan hệ không mặn mà giữa hai đồng minh của Mỹ trong vùng là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Với căng thẳng trong quan hệ hai bên Hàn-Nhật không giảm do vấn đề di sản lịch sử – sự chiếm đóng tàn bạo của quân phiệt Nhật ở bán đảo Triều Tiên nửa đầu thế kỷ 20, Nga vừa ngỏ ý muốn bàn thảo với Nhật Bản về việc đàm phán ký kết hoà ước về lãnh thổ sau Thế Chiến 2.
Dự kiến tổng thống Joe Biden sẽ có cuộc gặp bên lề G7 tại Anh với lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản để “hòa giải” hai đồng minh chủ chốt về quân sự ở Đông Bắc Á.
Tuy nhiên, các bình luận trên báo chí quốc tế nói đây sẽ là điều không dễ dàng vì tâm lý bài Nhật và chống Trung Quốc ở Hàn Quốc “đang tăng lên”.
Một bà mẹ người Mỹ gây chú ý khi mạnh mẽ chỉ trích cách giáo dục cánh tả
Bà Tatiana Ibrahim (ảnh: Từ video của Actively Unwoke)
Lifesite News đưa tin hôm 10/6, một phụ huynh có tên Tatiana Ibrahim ở New York đã gây xôn xao dư luận trong bài phát biểu mười một phút trước hội đồng nhà trường của Học khu Trung tâm Carmel, cáo buộc nhà trường “phản bội con cái chúng tôi” khi cho tuyên truyền các luận điệu thiên tả.
Bà Ibrahim bắt đầu bài phát biểu của mình bằng việc tuyên bố rằng bà đã bỏ phiếu chống lại kế hoạch ngân sách gần đây vì hội đồng nhà trường là “những tên trộm” và “những kẻ nói dối”.
Bà nói: “Hãy ngừng dạy con cái chúng tôi ghét cảnh sát, hãy ngừng dạy con cái chúng tôi rằng nếu chúng không đồng ý với cộng đồng LGBT (cộng đồng đồng tính, chuyển giới) thì chúng là kỳ thị đồng tính”.
Bà Ibrahim cũng chỉ trích cách định hướng học sinh rằng là sai trái khi công kích phong trào Black Lives Matter, và là mê tín khi tin vào Chúa.
Bà nói với Hội đồng trường rằng “Quý vị đang lạm dụng tình cảm và lạm dụng tinh thần con cái của chúng tôi. Quý vị đang làm chúng mất tinh thần bằng cách dạy chúng các giá trị cộng sản”.
Khi Ibrahim tiếp tục, một số thành viên hội đồng trường cắt ngang và phàn nàn rằng “đây không phải là một cuộc thảo luận hòa bình” và nói rằng bà Ibrahim không nên thảo luận về những bất bình của mình trước công chúng mà thay vào đó nên tham gia một cuộc họp riêng với ban giám hiệu nhà trường.