Tôn giáo tháng 10/2023: HRW nói Việt Nam hình sự hóa quyền tự do tôn giáo

Share this post on:

Các tổ chức tôn giáo độc lập bị cho là đi ngược với lợi ích quốc gia.

Hồ Đan / Tạp chí Luật Khoa

15/11/2023

Ảnh trái: Tín đồ Tin Lành độc lập ở Gia Lai bị kết án tám năm tù giam. Nguồn: Báo Gia Lai Online./ Ảnh phải: Một buổi làm việc của Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát, một cơ chế của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Nguồn: Universal Rights. 

Kiểm tra việc quản lý tiền công đức trên toàn quốc

Bộ Tài chính gửi công văn đến UBND các tỉnh, thành phố về việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử, văn hóa trên toàn quốc. [1]

Theo Bộ Tài chính, nhà nước không quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích nhưng mọi hoạt động thu, chi phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích và minh bạch.

Chủ tịch UBND cấp huyện là người chỉ đạo việc kiểm tra, và chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ gửi báo cáo kết quả cho Bộ Tài chính.

Trước đó, vào giữa tháng 7/2023, Bộ Tài chính đã công bố báo cáo số 119/BC-BTC kết quả thực hiện thí điểm kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử – văn hóa, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022 và bốn tháng đầu năm 2023. [2]

Việc kiểm tra căn cứ theo Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội do Bộ Tài chính ban hành ngày 19/1/2023.

https://www.luatkhoa.com/content/images/2023/11/1.jpg

Tín đồ công đức tại một cơ sở tín ngưỡng tôn giáo. Ảnh: VOV.

Việc quản lý tiền công đức theo thông tư này tác động lớn đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo hội có ít nhất 28 ngôi chùa được công nhận hoặc nằm trong di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 500 ngôi chùa khác được công nhận là di tích cấp quốc gia. [3]

Thông tư này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến mối quan hệ khăng khít giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chính quyền. Nhiều ngôi chùa có doanh thu lớn của giáo hội được chính quyền tạo điều kiện về giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng và kinh doanh du lịch. Sự tiếp tay này của chính quyền nhằm gia tăng sức ảnh hưởng của một đạo Phật đã bị kiểm soát toàn diện trước các tôn giáo lớn và độc lập hơn như Công giáo, Tin Lành.

Tây Ninh: Chính quyền ngăn chặn tín đồ phát tán tài liệu Pháp Luân Công

Báo Tây Ninh cho biết chính quyền tỉnh Tây Ninh đã ngăn chặn việc phát tán tài liệu Pháp Luân Công tại hai huyện Tân Châu và Tân Biên. [4]

Cụ thể, vào ngày 18/8/2023 và 8/9/2023, một người đàn ông 52 tuổi đã phát tán tài liệu của bộ môn này cho người dân tại hai khu vực đông người. Chính quyền đã thu giữ 21 cuốn tài liệu.

Đến ngày 24/9/2023, chính quyền tiếp tục phát hiện thêm một tín đồ khác đang hướng dẫn 12 người dân tập luyện Pháp Luân Công, thu giữ 11 cuốn tài liệu.

Báo Tây Ninh cũng dẫn thông tin sai lệch từ một vụ án giết người vào năm 2019 và cho rằng việc tập luyện Pháp Luân Công là nguy hiểm đến sức khỏe. Sự thật là vụ án mạng này không liên quan đến việc tu tập Pháp Luân Công mà là do các hung thủ trong vụ án thực hành một pháp môn do họ sáng tạo ra. [5]

Long An: Chính quyền ngăn chặn nhóm tín đồ Hội thánh Đức Chúa Trời tụ tập sinh hoạt 

Ngày 7/10/2023, chính quyền huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An phát hiện bảy người đang sinh hoạt theo Hội thánh Đức Chúa Trời tại một nhà trọ ở xã Phước Lâm. [6]

Sau đó, chính quyền đã tiến hành lập biên bản vụ việc, tạm giữ đồ vật, phương tiện của nhóm này.

https://www.luatkhoa.com/content/images/2023/11/1-1.jpg

Nhóm tín đồ tổ chức tuyên truyền phổ biến Hội thánh Đức Chúa Trời tại xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc. Ảnh: Báo Long An.

Giữa tháng 7/2023, chính quyền cũng đã ngăn chặn một nhóm sinh hoạt Hội thánh Đức Chúa Trời khác tại xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước.

Vào giữa tháng Chín vừa qua, Bộ Nội vụ có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố cả nước nhằm kiên quyết ngăn chặn các nhóm Hội thánh Đức Chúa Trời. [7]

Đắk Lắk: Bốn tín đồ Tin Lành độc lập bị bắt vì mời chủ tịch nước cùng sinh hoạt tôn giáo

Theo RFA cho biết vào ngày 31/10/2023 chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã bắt giữ lần lượt bốn tín đồ Tin Lành độc lập. [8]

Những người bị bắt giữ bao gồm: ông Y Phuc Niê, ông Y Nuer Buon Dap, ông Y Thinh Niê, ông Y Cung Niê. Công an sau đó phóng thích ông Y Phuc Nie nhưng lại bắt giữ vợ ông Y Cung Nie là bà H Tuyên Eban. Tất cả đều bị giam giữ ở trụ sở của Công an huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk.

Những người này được công an mời làm việc liên quan đến một thư mời chính quyền và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng tham gia sinh hoạt tôn giáo vào tháng 5/2023.

Những người bị bắt giữ được biết là đã mời chính quyền địa phương đến tham gia, giám sát các buổi sinh hoạt của họ nhằm chứng minh rằng họ không lợi dụng tôn giáo để chống phá chính quyền.

Theo RFA, những người bị bắt ít nhiều có liên quan đến tổ chức Người Thượng vì Công lý. Đây tổ chức mà chính quyền Việt Nam cho rằng đang chống phá nhà nước vì đã viết nhiều báo cáo tố cáo chính quyền vi phạm quyền tự do tôn giáo gửi đến Liên Hiệp Quốc.

Sơn La: Chính quyền xóa bỏ hoàn toàn Bà Cô Dợ

Giữa tháng 10/2023, chính quyền tỉnh Sơn La cho biết đã xóa bỏ hoàn toàn tổ chức Bà Cô Dợ trên toàn tỉnh. [9]

Cũng theo bài viết, chính quyền cho rằng đạo Bà Cô Dợ đã lợi dụng hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động tư tưởng ly khai, tự trị, kêu gọi thành lập nhà nước riêng.

Bà Cô Dợ còn có tên gọi là Hội thánh Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta, do Vừ Thị Dợ lập ra từ cuối năm 2016, chủ yếu truyền đạo qua Internet. Cũng giống như các tổ chức tôn giáo không được chính quyền công nhận khác, Bà Cô Dợ bị coi là một tà đạo.

Các hoạt động mà chính quyền cho là vận động, tuyên truyền người dân từ bỏ các tà đạo thường là hoạt động có tính chất sách nhiễu, ép buộc, đe dọa, cô lập họ khởi đời sống.

https://www.luatkhoa.com/content/images/2023/11/1-2.jpg

Chính quyền tuyên truyền, vận động người dân không tin, không nghe theo các tổ chức tôn giáo không được công nhận. Ảnh: VOV.

Gia Lai: Một tín đồ Tin Lành độc lập bị kết án tám năm tù giam

Vào ngày 28/9/2023, Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt tám năm tù giam đối với ông Rlan Thih, 42 tuổi, về tội phá hoại chính sách đoàn kết và quản chế ba năm tại địa phương, theo Điều 116 của Bộ luật Hình sự. [10]

Ông Rlan Thih bị cho đã tham gia nhóm họp “Sang pơpu ană cữ” mà chính quyền cho là “biến tướng của Tin Lành Đêga”, cùng lôi kéo, xúi giục một số người tham gia với mục đích gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, chống lại chính quyền. Ông bị bắt vào cuối năm 2022.

Ông còn bị cho là từng tham gia biểu tình bạo loạn tại Gia Lai vào những năm 2001, 2004, và vẫn ngoan cố, không từ bỏ hành vi chống phá chính quyền.

Thời gian gần đây, nhiều tín đồ theo Tin Lành độc lập bị bắt và khởi tố tại miền trung và Tây Nguyên. 

Điển hình vào tháng 5/2023, chính quyền tỉnh Phú Yên đã bắt giữ và khởi tố ông Nay Y Blang về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. [11] Vào tháng 4/2023, chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã bắt ông Y Krếch Byă để điều tra về hành vi “Phá hoại chính sách đại đoàn kết”. [12] Cả hai ông đều là tín đồ theo Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên.

https://www.luatkhoa.com/content/images/2023/11/1-3.jpg

Ông Rlan Thih tại phiên tòa. Ảnh: Báo Gia Lai Online.

Đọc thêm phóng sự về các nhóm Tin Lành độc lập ở Tây Nguyên: Khi Tây Nguyên không còn là nhà

HRW: Việt Nam hình sự hóa quyền tự do tôn giáo

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch – HRW) cho biết nhà cầm quyền Việt Nam đang quản lý chặt các nhóm tôn giáo và hình sự hóa quyền tự do tôn giáo. [13]

Nhận định này được nêu trong báo cáo của HRW cho Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review – UPR) sắp tới đây của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc. Đây là kỳ kiểm điểm tình hình nhân quyền với sự góp mặt của nhiều thành phần bao gồm đại diện các nước, các tổ chức nhân quyền, xã hội dân sự, v.v.

Báo cáo của HRW nêu một số vấn đề điểm nổi bật liên quan đến đàn áp tự do tôn giáo tại Việt Nam như sau:

Chính quyền Việt Nam hạn chế quyền tự do và thực hành tôn giáo thông qua luật pháp, yêu cầu đăng ký, quấy rối và giám sát. Các nhóm tôn giáo phải được sự chấp thuận và đăng ký với chính quyền cũng như hoạt động dưới sự quản lý của các cơ quan do chính quyền. Các tổ chức tôn giáo độc lập lại thường xuyên bị cấm, bị cho là đi ngược lại lợi ích quốc gia, trật tự công cộng hoặc đoàn kết dân tộc. 

Chính quyền cho rằng Tin Lành Đêga, Hà Mòn, Pháp Luân Công và một số nhóm tôn giáo khác là tà đạo và sách nhiễu những người thực hành các tín ngưỡng đó.

Công an theo dõi và đôi khi đàn áp thô bạo các nhóm tôn giáo hoạt động bên ngoài các tổ chức do chính phủ kiểm soát. Các nhóm tôn giáo độc lập không được công nhận phải đối mặt với sự giám sát, quấy rối và đe dọa liên tục, và những tín đồ theo họ phải chịu sự chỉ trích công khai, buộc phải từ bỏ đức tin, giam giữ tùy tiện, thẩm vấn ngược đãi, tra tấn và bỏ tù.

HRW cũng dẫn một số trường hợp về đàn án quyền tự do tại Việt Nam trong những năm gần đây:

Tháng 8/2021, công an huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đã kiểm điểm công khai 21 tín đồ theo Tin Lành Đêga.

Vào tháng 1/2022, chính quyền tỉnh Lào Cai cho biết đã thuyết phục được nhiều gia đình tự nguyện ký cam kết từ bỏ tà đạo và chuyển sang các tôn giáo được chính quyền công nhận.

Vào tháng 9/2023, công an tỉnh Phú Yên cho biết họ đã dùng nhiều phương pháp khác nhau để loại bỏ Tin Lành đấng Christ Tây Nguyên. 

Cũng trong tháng 9/2923, Bộ Nội vụ đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố, yêu cầu đấu tranh tiêu diệt tổ chức Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ.

Từ năm 2019 đến năm 2022, các tòa án đã kết án và kết án tù ít nhất năm người vì liên kết với các nhóm tôn giáo độc lập nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền.

HRW khuyến nghị chính quyền Việt Nam nên cải cách Luật Tín ngưỡng, tôn giáo nhằm cho phép các tổ chức tôn giáo độc lập cũng có thể hoạt động tự do. Bên cạnh đó, Việt Nam cần dừng lại những hành động đàn áp, cưỡng ép cải đạo, truy tố, bỏ tù những người đơn thuần thực hành quyền tự do tôn giáo một cách ôn hòa, đồng thời xóa bỏ các cáo buộc và phóng thích những tù nhân tôn giáo.

https://www.luatkhoa.com/2023/11