Chủ nghĩa đa phương, vòng vây Trung Cộng và chọn lựa của Việt Nam.Phần II:
Trong phần này, người viết tạm gác qua bên những vấn đề thuộc phạm vi tư tưởng, ý thức hệ
để tập trung vào lãnh vực địa lý chính trị (geopolitics).
Bao vây, cô lập để kiểm soát Việt Nam, một vùng độn sinh tử ở phía Nam, là một phần quan
trọng trong chiến lược Á Châu Thái Bình Dương trường kỳ của Trung Cộng (TC).
Chiến lược này không chỉ ra đời trong thời kỳ Tập Cận Bình mà có từ thời Mao qua Đặng và
nhiều thời kỳ lãnh đạo đảng CSTQ khác. Học bài học chiến tranh Triều Tiên, Mao không muốn
lôi kéo Mỹ vào một cuộc đối đầu trực diện lần nữa. Tuy nhiên, Mao đã chuẩn bị việc đưa quân
TC ồ ạt vào miền Bắc Việt Nam để đánh Mỹ nếu cần. Theo sử gia Qiang Zhai, tác giả của tác
phẩm sử học “China and the Vietnam Wars, 1950-1975”, Mao ra lịnh “chuẩn bị đề phòng chiến
tranh với Hoa Kỳ. Ông ta đã chuyển các ngành công nghiệp, trường đại học và viện nghiên cứu
ở vùng ven biển phía đông Trung Quốc đến vùng núi phía tây nam Trung Quốc. Mao ra lịnh
cho dân chúng xây dựng các hầm trú ẩn phòng không trên khắp Trung Quốc.” (Qiang Zhai,
China Contributed Substantially to Vietnam War Victory, Wilson Center, January 1, 2001)
Lê Duẩn cũng nghĩ tới việc ít nhất nửa triệu quân TC sẽ có mặt tại miền Bắc nếu Mỹ phát động
chiến tranh toàn diện. Lê Duẩn nói với Đặng Tiểu Bình tại Bắc Kinh ngày 13 tháng 4, 1966.:
“Hiện nay có hơn 100,000 quân Trung Quốc tại Việt Nam, nhưng chúng tôi nghĩ bất cứ khi nào
có một biến cố trầm trọng xảy ra, có thể cần tới 500,000. Sự giúp đỡ này là từ một nước hữu
nghị. Chúng tôi nghĩ rằng với tư cách một nước xã hội chủ nghĩa anh em, Trung Quốc có thể
làm điều đó.” Phiên họp này có sự hiện diện của Nguyễn Duy Trinh, Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao
VNDCCH. Phía Trung Cộng, ngoài họ Đặng, còn có Thủ tướng Chu Ân Lai và Phó Chủ tịch đảng
CSTQ Khang Sinh. ( Digital History, Document 12. Zhou Enlai, Deng Xiaoping, Kang Sheng, Le
Duan, Nguyen Duy Trinh, Beijing, 13 April 1966)
Giữ chặt sân sau Việt Nam trong gọng kìm là ưu tiên số một của TC, những khẩu hiệu “tinh
thần quốc tế vô sản”, “xã hội chủ nghĩa anh em” hay hiện nay như “16 chữ vàng”, “cùng chung
vận mệnh” chỉ là những khẩu hiệu tuyên truyền.
Sau cuộc Chiến Tranh Biên Giới với Việt Nam 1979 Đặng Tiểu Bình tiếp tục thúc đẩy bốn hiện
đại hóa nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng và khoa học công nghệ. Để phù hợp với dòng
phát triển của nhân loại trong quan hệ quốc tế, Trung Cộng (TC) buộc phải tham gia các thỏa
hiệp trong tinh thần của chủ nghĩa đa phương (multilateralism), ngoại trừ đối với Việt Nam.
Riêng với Việt Nam, TC tiếp tục bao vây, cô lập qua nhiều hình thức.
TC CÔ LẬP VIỆT NAM QUA NGÃ ASEAN
Trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông, ngày 4 tháng 11 năm 2002 TC cùng các nước ASEAN
ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Nam Trung Hoa (Declaration on Conduct of the
Parties in the South China Sea, viết tắt là DOC). Tuy nhiên đó chỉ là những thỏa thuận tổng
quát, chung chung để “khẳng định cam kết đối với mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến
chương Liên hợp quốc, Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, Hiệp ước thân thiện
và hợp tác ở Đông Nam Á, năm nguyên tắc tồn tại hòa bình và các nguyên tắc phổ cập khác
của pháp luật quốc tế.” (Declaration On The Conduct Of Parties In The South China Sea,
ASEAN, May 14, 2012 )
Những cam kết đó của TC chỉ là đầu môi chót lưỡi. Trong thực tế, TC tránh né các hội nghị
quốc tế nhằm giải quyết các xung đột, thay vào đó, họ áp dụng chính sách “chia để trị” đối với
từng thành viên ASEAN tùy thuộc vào nhiều yếu tố và họ đã chứng tỏ khá thành công.
Ba lý do chính cho việc từ chối tham gia các diễn đàn quốc tế về Biển Đông (1) TC không có đủ
bằng chứng cụ thể, khoa học và tính thuyết phục để thắng bằng công pháp quốc tế, (2) ASEAN
là một tổ chức hợp tác vì quyền lợi riêng của mỗi quốc gia thành viên hơn là vì quyền lợi
chung lâu dài mà cả khối cùng hướng tới, (3) trong số 11 quốc gia thuộc ASEAN chỉ có 5 nước
gồm Brunei, Nam Dương, Mã Lai, Philippines và Việt Nam trực tiếp liên quan đến tranh chấp
chủ quyền Biển Đông và sáu nước còn lại không liên quan trực tiếp.
Mặc dù vẫn có nhiều bất đồng giữa hai nước về chủ quyền trên Biển Đông, hiện nay chỉ còn
Việt Nam và Philippines là gần gũi nhau trong việc đối đầu với TC. Chín quốc gia hội viên còn
lại vì quan hệ kinh tế thương mại với TC nên chọn ủng hộ TC như trường hợp Campuchia, Lào.
Số còn lại hoặc có thái độ đứng ngoài cuộc tranh chấp hoặc tránh phê bình trực tiếp TC.
TC BAO VÂY VIỆT NAM TỪ HƯỚNG BẮC
TC biết chính xác các yếu điểm của lãnh đạo đảng CSVN nên áp dụng hàng loạt các chính sách
khi trừng phạt, khi vuốt ve, khi hợp tác, khi thỏa hiệp tùy thuộc vào các chính sách đối ngoại
toàn cầu của TC trong mỗi thời kỳ. Nhưng dù khác nhau về chiến thuật, mục tiêu chiến lược
của TC vẫn là bao vây để kiểm soát Việt Nam.
Trong tổng kết này, tạm lấy mốc thời gian từ “chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979” để xem
TC đã và đang bao vây Việt Nam cụ thể như thế nào.
- Cuộc chiến xâm lược Việt Nam của Đặng Tiểu Bình năm 1979 mang về cho TC một thảm bại
nhục nhã nhưng đồng thời đó cũng là thời điểm đánh dấu những thay đổi lớn trong sách lược
quốc phòng. Họ Đặng đẩy mạnh hiện đại hóa quốc phòng bằng cách trẻ trung hóa cấp chỉ huy
và nâng cấp kỹ thuật chiến tranh trong quân đội. Hơn một triệu lính và sĩ quan già các cấp bị
cho giải ngũ. Yếu tố phẩm chất được nhấn mạnh thay vì số lượng. Mặc dù thua to, họ Đặng
không từ bỏ tham vọng bao vây Việt Nam. - Những năm từ 1980 đến 1983, các trận pháo liên tục bắn vào lãnh thổ Việt Nam và các đụng
độ nhỏ tiếp tục diễn ra dọc biên giới Việt-Trung. Theo Miles Maochun Yu, từng là cố vấn chính
sách về Trung Quốc của Bộ Ngoại Giao Mỹ: “Chỉ trong năm 1985, Trung Quốc đã bắn một triệu
quả đạn vào vùng Vị Xuyên của Việt Nam, sau đó là một loạt trận pháo kích dài ngày khác
trong suốt hai năm sau đó, kèm theo các cuộc tấn công của Trung Quốc vào các vị trí của Việt
Nam với sự tham gia của ít nhất 15 sư đoàn quân TC. Chỉ trong vòng 5 năm từ 1985 đến 1989,
Trung Quốc đã bắn hơn hai triệu quả đạn pháo vào Việt Nam.” Hai triệu quả pháo là một con
số lớn khủng khiếp trên một diện tích chật hẹp của miền Bắc Việt Nam. Con số đó chắc không
ít hơn so với số lượng pháo TC bắn vào hai đảo Kim Môn và Mã Tổ trong đầu thập niên 1950. - Sau 5 năm đổi mới kỹ thuật chiến tranh, Đặng Tiểu Bình muốn thử nghiệm hiệu quả của
chính sách “hiện đại hóa quốc phòng” và lần nữa nơi thử nghiệm chẳng đâu khác hơn là Việt
Nam. Ngày 24 tháng 12, 1983, họ Đặng tiếp Norodom Sihanouk, lúc đó đang là chủ tịch của
Chính phủ Liên Hiệp Ba Thành Phần gồm Khmer Đỏ, Campuchia Dân Chủ và Mặt Trận Giải
Phóng Dân Tộc Khmer, tại Bắc Kinh. Trong buổi tiếp xúc này, Norodom Sihanouk yêu cầu
Đặng can thiệp bằng quân sự vì phía CSVN đang thắng thế trong nhiều mặt trận trên khắp
lãnh thổ Cambodia. (Xiaoming Zhang, Deng Xiaoping’s Long War: The Military Conflict
between China and Vietnam, University of North Carolina Press, 2015) - Đặng Tiểu Bình đồng ý giúp nhưng thay vì mở một cuộc chiến tranh biên giới khác, họ Đặng
nhắm hai căn cứ chiến lược Lão Sơn (Laoshan) và Núi Bạc (Zheyinshan). Sau nhiều trận đánh
suốt mùa hè 1984, Lão Sơn của Việt Nam đã bị TC chiếm ngày 16 tháng 7, 1984. Nhiều ngàn
thanh niên Việt Nam đã chết trên đỉnh núi Lão Sơn. Đặng Tiểu Bình xem đây là một chiến
thắng lớn. Viên tư lịnh sư đoàn tham dự mặt trận Lão Sơn được đặc cách lên chức Tư lịnh Binh
Đoàn 11 của quân đội TC. (Charlie Gao, China’s Loss That You Have Never Heard About, The
National Interest, August 18, 2021) - Theo Norodom Sihanouk, Đặng Tiểu Bình đã nói với ông ta rằng “Bắc Kinh sẽ không tiến
hành cuộc tấn công thứ hai vì họ muốn cho thế giới thấy rằng họ cam kết tuân thủ Hiến
chương Liên Hiệp Quốc và giải quyết xung đột một cách hòa bình. Tuy nhiên, Sihanouk nói
thêm, Đặng cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục đụng độ dọc biên giới để gây áp lực buộc Việt
Nam rút khỏi Campuchia.” Nguyên văn bản tiếng Anh đăng trên báo The Washington Post, 7
tháng 1, 1987” “Prince Norodom Sihanouk, the Cambodian resistance leader, has quoted
Chinese leader Deng Xiaoping as saying Beijing will not launch a second attack because it
wants to show the world it is committed to the United Nations Charter and to the peaceful
resolution of conflicts. But, Sihanouk added, Deng said China would continue clashes all
along the frontier to pressure the Vietnamese to withdraw from Cambodia.” (Vietnamese
Stand Guard On Tense Chinese Border, Sporadic Violence Marks 800-Mile Frontier, The
Washington Post, January 7, 1987)
TC BAO VÂY VIỆT NAM TỪ HƯỚNG ĐÔNG - Ngày 14 tháng 3, 1988, TC chiếm Gạc Ma. Cuộc thảm sát này hiện nay được được nhắc lại
trong các báo khá nhiều. Báo Lao Động ngày 13/03/2022 viết: “Ngày 14.3.1988, nhằm ngày 27
tháng giêng âm lịch, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm đảo đá chìm Gạc Ma, thuộc quần
đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong một cuộc chiến không cân sức để bảo vệ đảo đá Gạc Ma,
64 chiến sĩ thuộc lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu và anh dũng
hy sinh. Nhiều người trong số họ đã nằm lại mãi mãi nơi đáy biển sâu.” Cũng theo báo Lao
Động, mãi tới 11 năm sau “những bài báo viết về các anh, các cựu binh Gạc Ma mới bắt đầu
xuất hiện rải rác. (Lao Động, Chủ nhật, 13/03/2022). Chiếm Gạc Ma chỉ là đầu cầu cho chiến
lược bành trướng Biển Đông của Đặng Tiểu Bình. Vào thập niên 1990, đối tượng cạnh tranh
chiến lược của Đặng Tiểu Bình và các lãnh đạo TC sau ông ta là Mỹ, Nhật, Đức chứ không còn
là Việt Nam. - Cuối năm 1990, LX đang trên đà sụp đổ. Sáu trong số mười sáu nước “Cộng Hòa Xã Hội Chủ
Nghĩa” thuộc LX đã tuyên bố độc lập, nền kinh tế LX đang thời kỳ suy thoái, bức tường Bá Linh
đã bị đập đổ. Boris Yeltsin từ bỏ đảng CS và trở thành lãnh đạo của phong trào dân chủ Nga.
CSVN trở thành con thuyền không bến và chiếc phao duy nhất còn lại là TC. Hội nghị Thành
Đô trong hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990 đánh dấu cho ngày trở về của đảng CSVN dưới ảnh
hưởng TC. Sau hội nghị Thành Đô, ngày 8 tháng 5 năm 1992 Trung Cộng ký hợp đồng khai
thác dầu khí với công ty năng lượng Crestone của Mỹ, cho phép công ty này thăm dò khai thác
dầu khí trong thềm lục địa của Việt Nam, nằm ở phía Tây Nam của quần đảo Trường Sa. Trung
Cộng cũng hứa với công ty Creston sẽ bảo vệ bằng võ lực nếu Việt Nam can thiệp vào công
việc của họ. - Ngày 25 tháng 2, 1992, TC thông qua Luật Lãnh Hải và Vùng Tiếp Giáp (Law Of The People’s
Republic Of China On The Territorial Sea And The Contiguous Zone). Theo luật này, Biển
Đông, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa, thuộc về TC. Văn bản này viết: “Lãnh hải của Cộng
hòa Nhân dân Trung Hoa là vành đai biển tiếp giáp lãnh thổ đất liền và nội thủy của Cộng hòa
Nhân dân Trung Hoa. Lãnh thổ trên đất liền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bao gồm đất
liền và các đảo ven biển; Đài Loan và tất cả các đảo bao gồm quần đảo Điếu Ngư; quần đảo
Penghu; quần đảo Đông Sa; quần đảo Tây Sa; quần đảo Trung Sa và quần đảo Nam Sa; cũng
như tất cả các đảo khác thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.” Theo phân tích của Council On
Foreign Relations, một trung tâm nghiên cứu lớn tại Mỹ, ý đồ của TC không chỉ là kinh tế
nhưng chính là quân sự. TC muốn khóa Biển Đông khỏi sự hải hành quân sự của Mỹ. (The Law
on the Territorial Sea and the Contiguous Zone of the People’s Republic of China, adopted at
the 24th meeting of the Standing Committee of the National People’s Congress on 25
February 1992, National legislation – DOALOS/OLA – United Nations)
- Quan trọng nhất là việc TC quân sự hóa Biển Đông qua việc xây dựng hàng loạt “đảo nhân
tạo” và các căn cứ quân sự trên quần đảo Hoàng Sa từ 2013. Bảy đảo nhân tạo đó gồm:
Johnson Reef South (Đá Gạc Ma), Subi Reef (Đá Xu Bi), Gaven Reef (Đá Ga Ven), Hughes Reef
(Đá Tư Nghĩa), Fiery Cross Reef (Đá Chữ Thập), Cuarteron Reef (Đá Châu Viên) và Mischief Reef
(Đá Vành Khăn). Trong số bảy đảo nhân tạo, ba đảo quan trọng nhất được xây trên các bãi đá
Chữ Thập (Fiery Cross), Xu Bi (Subi) và Đá Vành Khăn (Mischief). Ba đảo nhân tạo này được
báo chí quốc tế gọi là “Big Three” (Ba đảo nhân tạo lớn). Tại hội nghị Shangri-La 2015 (The
IISS Shangri-La Dialogue) với cấp bộ trưởng quốc phòng của 50 quốc gia, Bộ trưởng Quốc
Phòng Mỹ Ash Carter chính thức yêu cầu TC ngưng xây dựng các căn cứ quân sự nổi qua hình
thức các đảo nhân tạo. Tuy nhiên, ngoại trừ các biện pháp cứng rắn của các quốc gia trực tiếp
trong vòng tranh chấp, không một lời yêu cầu nào hay văn bản nào có thể làm thay đổi tham
vọng của Tập Cận Bình. (China Island Tracker, Center for Strategic and International Studies
CSIS) - Ngày 14 tháng 2, 2016, TC đặt các giàn hỏa tiễn địa đối không (surface-to-air missiles) và
chiến đấu cơ J-11 trên đảo Phú Lâm (Hoàng Sa). Tờ The Wall Street Journal trích dẫn nguồn
tin quân sự cho biết đây là loại hỏa tiễn HQ-9 dài 6 mét, nặng hai tấn, tầm bắn từ trung bình
tới xa. (China Positions Missiles on Disputed South China Sea Island, The Wall Street Journal,
Feb. 17, 2016) - Ngày 18 tháng 5, 2018, các oanh tạc cơ H-6 của TC cất cánh từ đảo Phú Lâm và đáp xuống
một “đảo nhân tạo” của TC trên Biển Đông. Ấn bản điện tử của Nhân Dân Nhật Báo còn đăng
cả một video ngắn cho thấy oanh tạc cơ H-6K có tầm bay xa 1900 hải lý hạ cánh xuống một
trong những “đảo nhân tạo”. Với loại oanh tạc cơ này, tất cả các thành phố lớn, các quốc gia
vùng Đông Nam Á đều nằm trong tầm oanh tạc của H-6K đừng nói chi là Việt Nam chỉ cách
Hoàng Sa 121 hải lý. (China lands bomber on South China Sea island for first time, CNBC, May
18, 2018). - Ngày 18 tháng 4, 2020, TC công bố thành lập hai đơn vị hành chánh mới gồm Tây Sa bao gồm
Hoàng Sa và Nam Sa bao gồm Trường Sa của Việt Nam. Trụ sở của hai đơn vị hành chánh này
đặt tại đảo Phú Lâm, trực thuộc tỉnh Hải Nam của TC. Nhiều người nghĩ tình trạng Covid-19 sẽ
làm giảm chính sách bành trướng của Tập Cận Bình, nhưng không, họ Tập không những chậm
mà còn lợi dụng khó khăn của thế giới để đẩy mạnh hơn tham vọng xâm thực chủ quyền của
các nước chung quanh trong đó có Việt Nam.
- Đặc biệt tại Đá Vành Khăn (Mischief). Ngày 22 tháng 3, 2022, sau nhiều lần chối cãi, TC cuối
cùng thừa nhận họ có quyền võ trang các đảo nhân tạo vì đó là quyền của TC để xây dựng
“các cơ sở quốc phòng cần thiết trên lãnh thổ của mình là quyền của mọi quốc gia có chủ
quyền và phù hợp với luật pháp quốc tế”. Tư lệnh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của
Mỹ, Đô đốc John C. Aquilino cho biết TC đã trang bị cho các đảo hệ thống tên lửa chống hạm
và phòng không, thiết bị gây nhiễu và ‘laser’ cũng như phi cơ chiến đấu, hành động ngày càng
hung hãn đe dọa tất cả các quốc gia gần đó, gần nhất là Việt Nam. (AP, China says military
development of islands within its rights, March 22, 2022)
TC BAO VÂY VIỆT NAM TỪ HƯỚNG TÂY - Dùng Campuchia để bao vây sườn Tây Nam của Việt Nam. Ngoài “bẫy nợ”, TC còn giúp
Campuchia xây dựng căn cứ quân sự Ream Naval Base để bao vây Việt Nam từ biên giới phía
Tây Nam. Trung Cộng bác bỏ nhưng các không ảnh cho thấy các cơ sở được xây dựng trước
đây do hợp tác với Mỹ từ năm 2010 đã bị phá hủy và các cơ sở mới đang được xây. Theo nhiều
nguồn tin, năm 2017 một hiệp ước bí mật giữa Hun Sen và Tập đã được ký kết, qua đó, Trung
Cộng có quyền sử dụng căn cứ Ream Naval Base trong ba chục năm. Hun Sen từ chối yêu cầu
của Mỹ được vào xem tận mắt. Các chính quyền Mỹ trong thập niên này cố gắng thuyết phục
Campuchia duy trì vị trí “độc lập” nhưng đều thất bại. Lý do đơn giản là đi với Mỹ Hun Sen có
hại nhiều hơn có lợi. Trung Cộng không chỉ viện trợ kinh tế mà còn giúp duy trì chế độ Hun
Sen, một chế độ độc tài do CSVN dựng lên và bảo vệ bằng xương máu suốt mười năm đầu.
(Deal for Naval Outpost in Cambodia Furthers China’s Quest for Military Network, Wall Street
Journal, July 22, 2019) - Kể từ khi Thỏa hiệp Mậu dịch Công bằng Trung Quốc-ASEAN (The China-ASEAN Fair Trade
Agreement) được ký kết năm 2010, các công ty Trung Cộng đổ tiền như nước vào ASEAN và
hiện nay là thành viên thương mại lớn nhất trong vùng. Năm 2023, mậu dịch giữa TC và ASEAN
lên đến 468.8 tỷ dollar. Kết quả, các quốc gia như Thái, Miến, Brunei, Nam Dương, Singapore
đã nghiêng về phía Trung Cộng. - Ngăn chặn mọi khả năng liên kết giữa Việt Nam – Lào – Campuchia. Qua hình thức “bẫy nợ”,
TC siết vòng vây Lào và Campuchia quanh Việt Nam. Lào và Campuchia là hai nước có truyền
thống gắn bó nhưng hiện nay cả hai nước đều công nhận chủ quyền Biển Đông thuộc về TC.
Lý do, Campuchia, nợ 4.5 tỷ dollar, Lào nợ 5.3 tỷ dollar là hai trong số 20 nước hàng đầu trên
thế giới đang bị dính trong “bẫy nợ” của TC. Khác với các hình thức cho vay có tính cách viện
trợ (aid-Financed) của ngân hàng quốc tế hay các nước giàu có dành cho các nước nghèo để
phát triển kinh tế, chiến lược “Bẩy nợ” của TC gắn liền với chính sách cho vay với lãi suất cao
(debt-financed). (Marcus Lu, The Top 20 Countries in Debt to China, Visual Capitalist, April 29,
2024)
- Mới đây, Campuchia đột ngột rút khỏi Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam
(Cambodia–Laos–Vietnam Development Triangle Area). Một đề án quốc tế có lịch sử 25 năm
với nhiều tỷ dollar đầu tư bị gián đoạn mà không cần một phiên họp, một buổi thảo luận hay
tham khảo gì của ba bên. Không phải chỉ Việt-Campuchia-Lào có sự hợp tác kinh tế theo dạng
tam giác mà nhiều quốc gia có cùng biên giới cũng hợp tác tương tư như tam giác SIJORI giữa
Nam Dương-Mã Lai- Singapore hay tam giác TIA-GT giữa Timor Leste–Nam Dương–Australia
v.v… Hun Sen cho rằng “tam giác” đã hoàn thành nhiệm vụ và cũng đổ thừa một phần cho
quyết định rút nhằm tránh các thành phần chống Việt Nam lợi dụng để tuyên truyền. Người
mà Hun Sen ám chỉ là Sam Rainsy, cựu lãnh tụ đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc Cambodia
(CNRP). Sam Rainsy vẫn còn hoạt động chống lại Hun Sen nhưng không còn hiệu quả như hai
chục năm trước. Trước đây, dù ủng hộ TC một cách nhiệt tình, Sam Rainsy đã bị TC bỏ rơi sau
khi chiêu dụ được Hun Sen. Sau khi bị TC bỏ rơi, Sam Rainsy quay sang tố cáo TC âm mưu
quân sự hóa vùng biển Campuchia. Việc rút lui “không kèn không trống” rõ ràng cho thấy có
một lực tác động khác chứ không đơn giản là “hoàn thành nhiệm vụ” và việc chống đối cũng
không phải mới đây. Hiện chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy sự can thiệp của TC nhưng
một ngày nếu có cũng không làm ai ngạc nhiên. TC không muốn thấy tinh thần “ba nước
Đông Dương Việt Miên Lào” sống lại dưới bất cứ hình thức nào và sự tan vỡ của “tam giác” sẽ
là cơ hội tốt để TC thế chân.
Trên đây chỉ là vài sự kiện chính được các viện nghiên cứu, các hãng tin, các báo chí quốc tế
ghi lại.
Sáng hôm qua, 2 tháng 10, 2024, các ngư dân Quảng Ngãi đã bị các tàu TC đuổi bắt đánh đập
một cách tàn nhẫn và cướp đoạt hết ngư cụ, máy móc. Giống như những cái chết oan ức của 9
ngư dân Thanh Hóa trước đây, sự chịu đựng của ngư dân Việt Nam các tỉnh ven biển trong
suốt 47 năm qua không sách vở nào ghi hết như Nguyễn Trãi viết trong Bình Ngô Đại Cáo
“Trúc Nam Sơn không ghi hết tội, nước Đông Hải không rửa sạch mùi”.
Trần Trung Đạo
https://www.facebook.com/ChinhLuanTranTrungDao