Chuyện Việt Nam Thứ ba 18/4/2023 và Thứ Tư 19/4/2023

Share this post on:

Quê Hương tổng hợp

Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên kể về hành trình sang Mỹ tỵ nạn


Mỹ Hằng

BBC News Tiếng Việt

18/4/2023

Nguồn hình ảnh, Pham Thanh Nghien

Chụp lại hình ảnh, 

Gia đình cựu tù chính trị Phạm Thanh Nghiên tại sân bay hôm 14/4/2023

‘Buồn nhưng hi vọng’ là hai cảm xúc đầu tiên mà nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên chia sẻ với BBC chỉ vài ngày sau khi đặt chân lên đất Mỹ. 

Bà Nghiên cùng chồng và con nhỏ rời Sài Gòn sang Mỹ hôm 14/4, đúng ngày Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đặt chân tới Hà Nội.

Từ Houston, Texas, nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên chia sẻ với BBC News Tiếng Việt:

“Từ xưa đến nay người ta chỉ nói đến sầu ly hương, không ai nói đến hỷ ly hương bao giờ. Ra đi là sự lựa chọn khó khăn nhất trong cuộc đời tôi.”

Con bài để trao đổi trong quan hệ Việt-Mỹ?

Trước câu hỏi có phải bà Nghiên sang Mỹ trót lọt lần này là do bà được chính quyền Việt Nam lựa chọn để ‘trao đổi’ quyền lợi với Mỹ dịp ông Blinken thăm Hà Nội, bà Nghiên nói:

“Thật ra tôi không biết chính xác tôi có phải là người được họ dùng để trao đổi trong câu truyện giữa Mỹ và Việt Nam lần này hay không.”

Nguồn hình ảnh, Pham Thanh Nghien

Chụp lại hình ảnh, 

Gia đình bà Phạm Thanh Nghiên cầu nguyện tại nhà thờ trước khi lên đường sang Mỹ

“Nhưng từ xưa tới nay, nhà nước cộng sản Việt Nam luôn có chiêu là dùng các công dân của mình, đặc biệt là các tù nhân lương tâm để trao đổi với Mỹ và phương Tây nhằm đạt được những lợi nhuận về kinh tế, thương mại, hoặc đạt được điều gì đó mà họ muốn.

“Không có gì cay đắng bằng việc nhân dân của một quốc gia luôn bị đem ra sử dụng như một con tin để trao đổi cho quyền lợi và mục đích của một nhóm thiểu số cầm quyền. 

“Họ chọn tôi hay chọn Phạm Đoan Trang hay ai đó cho một mục đích nào đó vào một thời điểm nào đó thì chắc chắn đều nằm trong tính toán của họ.”

Trước chuyến thăm của ông Blinken, giới nhân quyền quốc tế đã kêu gọi ông gây sức ép buộc chính phủ Việt Nam trả tự do cho một số nhà hoạt động nổi tiếng, trong đó có nhà báo Phạm Đoan Trang – người đang thụ án tù chín năm, và ông Nguyễn Lân Thắng – người mới bị kết án sáu năm tù giam. 

Nguồn hình ảnh, Pham Thanh Nghien

Chụp lại hình ảnh, 

Gia đình bà Phạm Thanh Nghiên tại nhà thờ ở Sài Gòn trước khi lên đường sang Mỹ

Tuy nhiên, thông tin công bố rộng rãi về các cuộc trao đổi giữa ông Blinken và các quan chức chính phủ hàng đầu Việt Nam không cho thấy ông đề cập tới vấn đề này. 

Sau chuyến thăm, không có tù nhân lương tâm nào được trả tự do.

Chuyến đi của gia đình bà Nghiên được giấu kín cho tới khi họ an toàn trên đất Mỹ. Tránh trường hợp như hồi tháng 9/2022, gia đình luật sư Võ Văn Đôn bị công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất hoãn xuất cảnh khi đang trên đường sang Mỹ định cư. 

Mặc dù đi theo bà có nhân viên IOM (Tổ chức Di cư Quốc tế) và viên chức chính trị của Tòa Lãnh sự quán Hoa Kỳ, nhưng nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất ít nhất ba lần thông báo có trục trặc về hệ thống nên bà Nghiên bị ách lại ít nhất gần ba tiếng. 

“Có quá nhiều căng thẳng ở sân bay nên không có chỗ cho cảm xúc. Chỉ đến khi bước chân lên máy bay tôi mới rơi nước mắt,’ bà Nghiên kể lại.

‘Cái ác ở Việt Nam quá mạnh’

Nguồn hình ảnh, Fb Nguyen Tin

Chụp lại hình ảnh, 

Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên và chồng (giữa) tại nơi từng là căn nhà bị đập bỏ tại Vườn rau Lộc Hưng năm 2019

Bà Phạm Thanh Nghiên bị kết án bốn năm tù giam và ba năm quản thúc tại gia với tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước XHCN’ năm 2010. 

Chồng bà, ông Huỳnh Anh Tú, cũng là một cựu tù chính trị. Ông Tú mãn án 14 năm tù hồi năm 2013.

Trong suốt những năm sau khi ra tù, gia đình bà Nghiên đã nhiều lần phải chuyển chỗ thuê nhà cho chủ nhà bị chính quyền gây khó dễ. 

Về hành trình đến Mỹ, bà Nghiên nói nếu muốn, bà đã đi từ lâu, nhất là sau khi căn nhà hai vợ chồng bà gom góp mãi mới xây được ở Vườn Rau Lộc Hưng rồi lại bị chính quyền đập bỏ năm 2019. 

Về việc có tiếp tục con đường đấu tranh dân chủ khi ở Mỹ hay không, bà Nghiên cho rằng đấu tranh là cách mỗi người Việt tự đứng lên phản ứng với cái ác, xấu đang tồn tại trên đất nước này. 

“Tiếc là cái ác trên đất nước này quá mạnh, nó mạnh đến độ, đủ để trấn áp mọi tiếng nói của lẽ phải và sự thật,” bà nói thêm. 

Con đường hội nhập trên đất Mỹ

Trong căn nhà đang ở nhờ của một người bạn ở Houston, bà Nghiên nói về những ngày sắp tới bà sẽ phải hội nhập như thế nào ở một độ tuổi không còn trẻ.

Bà dự định sẽ đi học tiếng Anh, học lái xe, tìm trường cho con gái năm tuổi, lo việc làm, và hoàn tất các thủ tục giấy tờ để định cư. 

“Tôi đến Mỹ với tất cả sự bỡ ngỡ ở một tuổi rất khó hội nhập. Nhưng không còn cách nào khác là phải gồng mình lên cố gắng, chừng nào mình còn sống.”

Bên cạnh đó, bà Nghiên cho biết bà vẫn duy trì công việc viết báo như vẫn làm hồi ở Việt Nam, đồng thời gia tăng việc cộng tác với một vài cơ quan nhân quyền quốc tế để hỗ trợ họ về mảng đàn áp nhân quyền, đặc biệt là về tù nhân lương tâm. 

Bà nói những ngày mới trên đất Mỹ vẫn khiến bà Nghiên chạnh lòng nhớ đến quê nhà, người thân, anh em cùng tranh đấu – những người mà bà nói – có lẽ chẳng bao giờ còn có cơ hội gặp lại.

“Hôm nay trên đất Mỹ, tôi nhớ về những biến cố cuộc đời mình đã trải qua, tôi nhớ nhà, những người đồng chí hướng, những người đang ở tù và sắp vào tù. Tôi nghĩ đến cuộc ra đi của tôi. Tôi nghĩ đến cuộc ra đi của tất cả những người mang tên Việt Nam. 

“Hành trang tôi mang đi có nhiều nỗi buồn, đó là đất nước Việt Nam khổ đau, tàn tạ, nơi những người anh em của tôi lần lượt vào tù và sẽ còn nhiều người nữa bị bắt. 

“Hành trang của tôi cũng là sự yêu thương, hướng về, mong rằng ngoài việc tôi có thể lo cho gia đình riêng, tôi muốn vẫn đóng góp phần nhỏ bé của mình vào sự đổi thay của đất nước. 

Nói về tương lai của phong trào dân chủ Việt Nam, bà Nghiên nói rằng nó ‘nằm ngoài khả năng phán đoán’ của bà, nhưng dù có nhiều người bị giam cầm, bà cho rằng tới nay phong trào đã có những hiệu quả nhất định.”

Chụp lại video, 

Covid-19: Bị triệu tập từ Sài Gòn ra Hà Nội sau chỉ trích cách chống dịch của chính quyền

“Cần phải thấy được phản ứng của xã hội trước một vấn đề, hoặc một chính sách sai lầm của nhà nước. Mặc dù nhà nước không công nhận đó là sức ép từ phía đối kháng nhưng họ vẫn phải có sự điều chỉnh. Đó là sự hiệu quả. 

“Ngoài ra, thời tôi đi tù không mấy ai biết. Nay thì ai cũng biết. Và sự đàn áp của nhà nước đối với phong trào phản biện là dấu hiệu của sự có hiệu quả của cuộc vận động cho dân quyền, nhân chủ. 

“Nhìn danh sách tù nhân lương tâm ngày càng dài ra thì có thể ta thấy buồn, nhưng nhìn vào mặt tích cực thì thấy như vậy là ngày càng có nhiều người lên tiếng hơn. Đấy chính là niềm hi vọng cho đất nước này.”

Bà Phạm Thanh Nghiên là trường hợp cựu tù chính trị mới nhất đi tỵ nạn ở nước ngoài. Trước bà có luật sư Nguyễn Văn Đài, Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió) tỵ nạn tại Đức, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tỵ nạn tại Mỹ, v…

Hiện vẫn còn hơn 160 tù nhân chính trị đang bị giam cầm trong các nhà tù tại Việt Nam.

https://www.bbc.com/vietnamese

Thủ tướng CSVN Phạm Minh Chính mời Thủ tướng Úc thăm Việt Nam 


VOA Tiếng Việt 

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (trái) bắt tay Thủ tướng Australia Anthony Albanese tại cuộc họp của ASEAN ở Phnom Penh, Campuchia, vào ngày 12/11/2022. 

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vừa gửi lời mời người đồng cấp Australia, Anthony Albanese, thăm chính thức Việt Nam trong buổi tiếp Bộ trưởng Thương mại và Du lịch Australia Don Farrell tại Hà Nội vào ngày 17/4, theo trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam.

Ông Phạm Minh Chính hoan nghênh kết quả của Cuộc họp Đối tác Kinh tế Việt Nam – Australia lần thứ ba, trong đó hai bên xem xét lại quá trình hợp tác kinh tế song phương và triển khai Chiến lược Tăng cường Hợp tác Kinh tế Australia – Việt Nam 2021, cũng như đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác.

Hợp tác thương mại và đầu tư hai chiều năm vào năm ngoái đạt 15,7 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Australia trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên thúc đẩy trao đổi thương mại theo hướng cân bằng hơn thông qua việc tăng cường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Australia. Ông đề nghị Australia tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các mặt hàng điện tử, giày dép, dệt may, nông sản của Việt Nam tiếp cận thị trường Australia nhằm giúp giải quyết việc làm cho người dân giữa bối cảnh thị trường toàn cầu đang bị thu hẹp.

Lãnh đạo Việt Nam cũng đề nghị có các cơ chế hợp tác mới và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như giáo dục, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, lao động, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao…

Đáp lại, Bộ trưởng Australia Don Farrell khẳng định Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa đối tác thương mại của Australia. Ông nói thêm rằng cộng đồng người Việt đông đảo tại Australia là nhân tố thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.

Bộ Ngoại giao Australia trước đó nói rằng chuyến thăm Việt Nam của ông Farrell là nhằm thể hiện cam kết của Chính phủ Úc trong việc tăng cường và đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế trong khu vực.

“Australia và Việt Nam là những đối tác và bạn bè mạnh mẽ, với năm nay là năm đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao của chúng ta. Chúng tôi chia sẻ tham vọng nâng mối quan hệ của chúng ta lên Đối tác Chiến lược Toàn diện”, Bộ Ngoại giao Úc nói trong thông cáo báo chí hôm 16/4.

Việt Nam và Australia đã nâng cấp quan hệ hai bên lên Đối tác chiến lược vào tháng 3/2018. Tại cuộc gặp của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với Toàn quyền David Hurley trong tháng này, hai bên đã nhất trí trao đổi để nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào thời điểm thích hợp.

Indonesia phát hiện nhiều tàu cá Việt Nam ở biển Bắc Natuna sau hiệp định về EEZ 


17/4/2023 

VOA Tiếng Việt 

Indonesia phá hủy tàu cá Việt Nam và Malaysia vì lý do đánh bắt trái phép ở Batam, quần đảo Riau, vào ngày 5/4/2016. 

Các tàu Việt Nam đã bị phát hiện tiến hành đánh bắt trái phép ở vùng biển Bắc Natuna bất chấp vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) đã được phân định với Indonesia, truyền thông Indonesia dẫn thông tin từ một viện nghiên cứu hàng hải của nước này cho biết hôm 17/4.

Indonesia và Việt Nam, hai quốc gia thành viên của ASEAN, sau 12 năm đàm phán đã đồng ý về ranh giới vùng đặc quyền kinh tế của hai bên vào tháng 12 năm 2022.

Tờ Jakarta Globe của Indonesia nói “lẽ ra hiệp định phải làm giảm sự hiện diện của tàu Việt Nam trong vùng biển tranh chấp nhưng một báo cáo gần đây do tổ chức tư vấn Sáng kiến Công lý Đại dương Indonesia (IOJI) công bố đã cho thấy điều ngược lại”.

Tờ báo dẫn báo cáo mới đây của IOJI cho thấy có 81 tàu cá Việt Nam hoạt động trong khu vực tranh chấp ở biển Bắc Natuna vào tháng Giêng. Số lượng tàu của Việt Nam tăng lên 155 vào tháng Hai. Cơ quan này cho biết trước khi có thỏa thuận có hơn 100 tàu đánh cá Việt Nam bị Indonesia phát hiện trong vùng biển tranh chấp mỗi tháng.

Cho tới nay, cả hai chính phủ hiện vẫn chưa công bố công khai tọa độ chính xác của các đường ranh giới vùng đặc quyền kinh tế.

Theo dự đoán của IOJI, các biên giới vùng đặc quyền kinh tế mới được thống nhất có thể sẽ nằm ở phía bắc của đường thềm lục địa Indonesia-Việt Nam dựa trên cách tiếp cận ba giai đoạn phổ quát về phân định biển.

“Các tàu cá Việt Nam này hoạt động sát biên giới thềm lục địa mà chúng tôi dự đoán là biên giới vùng đặc quyền kinh tế mới được thống nhất. Vì vậy, họ đã vi phạm chủ quyền của Indonesia vì đó là vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi. Và trớ trêu thay, điều này lại xảy ra sau thỏa thuận về vùng đặc quyền kinh tế”, Jakarta Globe dẫn lời cố vấn cấp cao của IOJI, Andreas Aditya Salim, nói trong một cuộc họp báo trực tuyến vào thứ Hai.

“Vì vậy, không có nhiều thay đổi kể từ khi hai nước phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế”, vẫn theo lời ông Andreas.

Dữ liệu của IOJI cũng cho thấy ít nhất 8 tàu Kiểm ngư Việt Nam bị phát hiện đi qua lại dọc ranh giới thềm lục địa Indonesia-Việt Nam trong khoảng thời gian từ ngày 1/12/2022 đến ngày 9/2/2023.

Tờ báo dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết hiện thỏa thuận EEZ giữa Indonesia và Việt Nam vẫn chưa có hiệu lực.

Nhà ngoại giao Indonesia Ahmad Almaududy Amri nói với báo chí nước này rằng “vẫn còn các quy trình ủy quyền trong các cơ quan kỹ thuật, ở cấp quốc hội, v.v…”

Việt Nam và Indonesia nhiều năm qua vướng vào tranh chấp về các yêu sách vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn ở vùng biển xung quanh quần đảo Natuna ở Biển Đông.

Các cơ quan công luật của hai nước đã xảy ra nhiều xung đột liên quan đến các hoạt động của ngư dân Việt Nam trong khu vực. Indonesia đã bắt giữ và phá hủy hàng chục tàu thuyền Việt Nam với cáo buộc xâm phạm lãnh hải và đánh bắt trái phép.

Giá vé vào nhà hát hình cái ‘đó” dành cho đám người nào?


Lê Thiệt /SGN
17/4/2023

Nhà hát Đó, Nha Trang (Khánh Hòa) – Ảnh: VietnamNet 

Giá vé cho show diễn đầu tiên mang tên “Life Puppets – Rối Mơ” tại nhà hát hiện đại nhất Việt Nam – Nhà hát Đó (1) – làm nhiều người choáng váng.

Vé được chia thành ba loại, giá thấp nhất (standard) là 840,000 đồng (hơn $35), sau đó là hạng VIP 900,000 đồng ($38), và cuối cùng là hạng VVIP 1,100,000 đồng ($47)

Bảng giá vé để xem chương trình Rối Mơ tại Đó Theatre (chưa áp dụng ưu đãi) 

Phần giới thiệu trên YouTube cho thấy đó là một chương trình được dành dựng công phu, rất nghệ thuật. Có thể vì lý do đó nên giá vé mới cao đến thế, dù chỉ kéo dài khoảng 45 phút.

Theo phần giới thiệu trên trang kkday, “Life Puppets – Rối Mơ” xoay quanh 12 con giáp, những nhân vật xuất hiện với đa hình thức, đa không gian, đa thời gian, nhằm tạo ấn tượng mạnh cả về cảm xúc và các giác quan, tạo nên một vở diễn rực rỡ “rất đời” nhưng cũng đậm văn hóa Á Đông huyền bí.

Giới thiệu chương trình “Life Puppets – Rối Mơ” tại Nhà hát Đó – Ảnh cắt từ video 

Mỗi buổi diễn chương trình Rối Mơ là một trải nghiệm độc bản, trực diễn và tất cả các yếu tố âm nhạc, con rối, hiệu ứng công nghệ,.. đều được điều khiển theo diễn biến trên sân khấu và cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ – không thu âm, không lập trình trước.

Ngay ngày đầu mở cửa 14 Tháng Tư, toàn bộ suất chiếu gồm 536 ghế đều kín. Điều này cho thấy sức hút của nhà hát và suất diễn đầu tiên “Life Puppets – Rối Mơ”.

Trong khi hơn 500 người (có tiền) được bước vào nhà hát đẹp nhất, tân tiến nhất ở TP. Nha Trang để thưởng thức một chương trình nghệ thuật đỉnh cao, thì hàng ngàn người khác chỉ dám “mơ về nơi xa lắm”* rồi bàn tán về giá vé “cao đụng nóc” này.

Cô Vũ Thanh Huyền nói, nếu phải kiếm tiền bằng mồ hôi, nước mắt thì người ta sẽ không dễ dàng bỏ ra gần triệu bạc để vào đấy 45 phút.

Facebooker Nguyen Dinh Trong viết: “Vào đó thêm tổn thọ, thà đề tiền triệu này cho mỗi người lang thang cơ nhỡ, mỗi người một bữa ăn 50 ngàn thì giúp được hơn 20 người, thêm phúc, thêm sức khỏe đấy!”

Chương trình Rối mơ (Life Puppets) là sự kết hết hợp giữa các loại hình Rối nước – Rối dây – Rối bóng – Rối hoạt hình – Múa đương đại – Ảnh: Hương Thảo/LĐTĐ 

Chưa hẳn giá vé tại Nhà hát “Đó” là mắc nhất, nhưng với mức lương của “giai cấp công nhân, giai cấp tiên phong của đảng” hiện nay, giá vé vào xem một chương trình nghệ thuật 45 phút như thế này như một nhát chổi quét họ ra khỏi khu vực nhà hát cho “sạch dầu mỡ, bớt mùi mồ hôi”. Chẳng ai có thể đến đó hưởng được giây phút thư giãn sau những ngày “cống hiến sức lực, trí tuệ” cho đảng và nhà nước, vì giá vé quá cao như thế.

Như thế, vô hình chung, nhà hát mang hình cái “lờ” hay cái “đó” trở thành nơi gặp gỡ của những kẻ lắm tiền. Diễn giải theo ý cô Thanh Huyền, thì ngay cả những người kiếm được nhiều tiền bằng cách làm ăn chân chính, cũng sẽ không dễ dàng bỏ ra cả triệu bạc cho một buổi thưởng thức nghệ thuật chỉ có 45 phút.

Còn nói theo ý của Nguyen Dinh trong, thì những kẻ vào đó như thế này:

Những kẻ lúc này bỏ ra hơn 1 triệu vào 45 phút chắc là tiền họ tự động có chứ không làm gì rồi nên họ mới tiêu kiểu đó thôi”.

Những “người tự động có tiền” chỉ có thể là những kẻ nằm trong đường dây tham nhũng, hối lộ mà thôi.

Tuy nhiên, người ta phải công nhận Nhà hát “Đó” là một công trình đẹp, dù hình dáng có hơi giống với công trình Cybertecture Egg ở Ấn Độ.

Nhà hát “Đó” được Tập đoàn KDI Holdings đầu tư xây dựng ở khu vực Bãi Tiên, phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng. Nhà hát này có diện tích 2,500m2, với sức chứa 536 chỗ ngồi.

Đây là một nhà hát hoàn toàn của tư nhân, được cho là “nhà hát hiện đại đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam với các tiêu chuẩn khắt khe về trình diện nghệ thuật đẳng cấp quốc tế”.

Một cảnh trong “Rối Mơ” – Ảnh cắt từ video 

Ngay trong ngày cắt băng khánh thành nhà hát, 1 Tháng Tư,ông Thủ tướng Nguyễn Minh Chính nói ông rất ấn tượng với show “Life Puppets – Rối Mơ”. Ông khen ngợi chủ đầu tư, đồng thời đề nghị họ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình hoạt động của Nhà hát Đó, xây dựng các chương trình nghệ thuật biểu diễn chất lượng cao, phát huy tốt hơn nữa những giá trị quý giá, phong phú của văn hóa địa phương, văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, ông lại quên nhắc chủ nhà hát nên “tạo điều kiện” để tầng lớp lao động có cơ hội vào nhà hát thưởng thức nghệ thuật nhằm nâng cao dân trí. Ông Nguyễn Thành Nhân, một cư dân ở Nha Trang chia sẻ:

“Đây là nhà hát tư nhân, họ có quyền quyết định bán vé bao nhiêu cho phù hợp với sự đầu tư của họ. Anh có tiền thì vào, tôi không có tiền thì ở nhà. Thế nhưng, ông thủ tướng phát biểu như thế thì không được”.

“Với mức vé cao như thế, thì dù có phát huy tốt giá trị quý giá, phong phú của văn hóa địa phương, văn hóa dân tộc, rồi chỉ diễn cho đám giàu xem thôi, thì có phải là cách làm văn hóa hay không?”

Quảng Ninh: Rác trôi giạt trên mặt biển vịnh Hạ Long, gom xong lại đầy


An Vui /SGN
17/4/2023

Phao xốp trôi cùng rác các loại từ các lồng bè nuôi trồng thủy sản phủ trắng nhiều khu vực núi đá thuộc vùng biển vịnh Hạ Long – Ảnh: TP.Hạ Long cung cấp. 

Vịnh Hạ Long, một thắng cảnh nổi tiếng ở Quảng Ninh đang bị hủy hoại vì rác.

ZingNews ngày 17 Tháng Tư 2023 đưa tin sau khi có văn bản của Trung tâm Di Sản Thế Giới (UNESCO) phản hồi về tình trạng rác trôi nổi trên mặt biển vịnh Hạ Long khiến du khách có trải nghiệm tồi tệ, nhà cầm quyền tỉnh Quảng Ninh buộc phải huy động lực lượng cùng dân gom rác trên biển.

Trong công văn mới nhất, Ủy ban tỉnh Quảng Ninh yêu cầu TP.Hạ Long phối hợp cùng với Ban quản lý vịnh Hạ Long tăng cường nhân lực và nguồn lực thực hiện gom vớt rác và các loại phao xốp trôi nổi trên biển, bảo đảm trước ngày 28 Tháng Tư 2023 phải làm sạch mặt biển, chuẩn bị phục vụ mùa du lịch Hè 2023.

Vài tháng gần đây, khu vực biển vịnh Bái Tử Long và vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh xuất hiện rác lềnh bềnh đầy trên mặt biển, xâm nhập vào vùng lõi của di sản vịnh Hạ Long.

Nhiều du khách và người dân phản ảnh rác bủa vây khắp các điểm tham quan ở vịnh Hạ Long.  Chia sẻ với ZingNews, ông N.V.T. (chủ tàu đưa đón khách tham quan vịnh Hạ Long), cho biết rác trôi nổi trên mặt biển vịnh Hạ Long bắt đầu từ cuối Tháng Ba 2023 và từ đầu Tháng Tư đến nay, rác dầy đặc trên mặt biển…. khiến du khách phàn nàn dữ dội. Nhân viên trên tàu phải mang vợt ra vớt rác để chở vào bờ, một phần làm đẹp lòng khách, phần khác sợ rác cuốn vào chân vịt gây hư hỏng tàu.

Khi kiểm tra mặt biển vịnh Hạ Long ngày 16 Tháng Tư 2023, nhìn thấy rất nhiều bè mảng hỏng, phao xốp… từ các bè nuôi trồng thủy sản trái phép trên biển vừa tháo dỡ, ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch Ủy ban tỉnh Quảng Ninh, thừa nhận với ZingNews:  quan chức địa phương chỉ quan tâm đến hoàn thành việc tháo dỡ, di dời số lượng lớn các bè nuôi trồng thủy hải sản trên biển trái phép nhưng lại không hướng dẫn, không kiểm tra, không giám sát, mặc cho người dân tự làm, dẫn đến việc rác từ các nhà bè vẫn trôi nổi trên biển. Từ đây, ông Huy yêu cầu tất cả các địa phương phải có trách nhiệm vớt rác ngay từ nguồn, ngăn rác phát tán ra môi trường, đồng thời giám sát chặt chẽ hoạt động tháo dỡ bè của người dân, không để rác từ bè trôi nổi trên biển, buộc họ phải thay phao xốp bằng vật liệu HDPE theo đúng chỉ thị của tỉnh và di chuyển bè nuôi thủy sản vào đúng vùng đã được quy hoạch.

Hàng tấn rác thải trên vịnh được thu gom mỗi ngày để trả lại cảnh quan tươi đẹp cho vịnh Hạ Long – Ảnh: TP Hạ Long cung cấp. 

Ngay sau lễ phát động, TP. Hạ Long đã huy động 8 tàu, gần 20 xuồng, đò với hơn 100 nhân viên để tiến hành vớt rác từ hòn Dầm Bắc đến khu vực hang Hồ Động Tiên, Núi Lượt, Chân Voi, Tùng Lâm. Sau khi vớt lên tàu, toàn bộ rác được đưa vào bờ để xử lý theo quy định.

Không phải mới bây giờ, liên tục từ năm 2017 đến 2022, truyền thông trong nước đã báo động về tình trạng rác trôi nổi trên mặt biển vịnh Hạ Long. Lao Động ngày 18 Tháng Bảy 2019 đã nêu con số: Mỗi ngày vịnh Hạ Long vớt 6 – 7 tấn rác, vớt xong lại đầy. Mỗi năm ban quản lý vịnh Hạ Long chi 10 tỷ đồng (trị giá $431,872 thời điểm đó) để vớt rác trên vịnh. Phóng sự của VOV ngày 27 Tháng Tư 2020 với tựa đề “Kỳ quan vịnh Hạ Long có thể bị hủy hoại vì rác” cho biết: Mỗi ngày có 5 – 6 tấn rác trên vịnh Hạ Long được vớt lên, nhưng cứ vớt xong lại đầy, đa số là rác nhựa (túi và chai lọ) và thùng xốp. Theo thống kê của Ban quản lý vịnh Hạ Long, lượng rác gom được trên vịnh Hạ Long và khu vực biển ven bờ năm 2018 là 815 tấn, 6 tháng đầu năm 2019 là 573 tấn. Số tiền phải chi để thu gom rác mỗi năm hơn 10 tỷ đồng (tức hơn $429,941 thời điểm đó).

Tờ báo này cũng cho biết: Nhiệm vụ gom rác chính ở các điểm tham quan vịnh là công ty Cây Xanh Công Viên Quảng Ninh, có đội tàu 20 chiếc với 50 nhân lực trải đều trên 20km2 (7.72 square miles) chỉ đáp ứng được một phần nhỏ, vì vùng lõi vịnh Hạ Long hơn 400km2 (154.4 square miles). Tàu to gom rác nổi, còn những con thuyền nan nhỏ chia cho mỗi công nhân một chiếc tự chèo, tìm gỡ từng cái túi nylon mắc trên vách đá….Những ngày sau cơn mưa, bão hoặc những ngày lễ lớn, du khách đông thì lượng rác vọt lên nhiều hơn ngày thường, khoảng trưa các tàu của công ty cùng cập bến cá Bạch Đằng nặng trĩu khoang nhưng không phải đầy cá mà đầy rác!

Rác trên mặt biển vịnh Hạ Long đến từ các nguồn: Rác từ du khách thải trực tiếp xuống biển; rác từ các khu vực dân cư, đô thị ven bờ; rác từ bãi biển; rác từ hàng ngàn tàu đánh cá thường xuyên hoạt động và neo đậu; rác từ các bè nuôi trồng thủy sản quanh vịnh Hạ Long; rác từ các tàu vận tải thường xuyên ra vào.

Gia đình du khách Camden đến từ New Zealand đang tham gia vớt rác trôi nổi trên vịnh Hạ Long – Ảnh: VOV. 

VOV cũng ghi nhận ý kiến của vài du khách ngoại quốc, như gia đình ông Camden – quốc tịch New Zealand. Nhìn thấy rác lềnh bềnh, thậm chí cô con gái nhỏ của ông Camden đã nhanh nhẹn lấy vợt vớt rác lên thuyền, Camden than phiền: “Ở New Zealand chúng tôi không thấy nhiều rác nổi thế này, lần đầu tiên chứng kiến nên tôi khá ngạc nhiên. Nơi đây rất đẹp, nếu các bạn dọn rác sạch sẽ hơn thì còn đẹp hơn nữa”. Còn ông Craig Lau, du khách đến từ Hong Kong, tỏ ra băn khoăn: “Vịnh Hạ Long rất tuyệt vời. Tuy nhiên, thật đáng buồn khi chúng tôi thấy rất nhiều rác nổi trên mặt nước. Những chiếc túi nhựa giữa khung cảnh xinh đẹp này làm trải nghiệm của tôi trở nên khá tệ. Mà rác nhựa gây nguy hại cho các sinh vật biển thì ai cũng biết rồi. Tôi nghĩ tất cả mọi người đều phải góp phần để không biến vịnh Hạ Long thành một nơi bị ô nhiễm bởi rác nhựa, một kỳ quan bị hủy hoại do chính con người”.

Nhìn hình ảnh gom rác trên mặt biển vịnh Hạ Long từ năm 2019 đến nay dường như không có gì thay đổi. Rác vẫn nhiều, người gom vẫn than vất vả, vừa gom xong rác lại đầy. Gần 5 năm trôi qua, tình hình xả rác xuống biển ở vịnh Hạ Long vẫn chưa cải thiện. Nếu không ngăn chặn được tận gốc việc xả rác xuống biển thì nhà cầm quyền Quảng Ninh có chi nhiều tiền hơn nữa để gom rác cũng chả giải quyết được vấn đề.

Ngành du lịch Việt Nam ở hầu hết mọi nơi đang “ăn vào vốn tự có” mà mẹ thiên nhiên ban tặng, nhưng lại không biết cách gìn giữ và bảo tồn cảnh quan thì sẽ tự hại chính mình thôi.


Chuyện Việt nam ngày Thứ tư 19 tháng 4 năm 2023

Quê Hương tổng hợp

CPJ kêu gọi trả tự do cho ông Đường Văn Thái 

19/4/2023

Nhà báo Đường Văn Thái bị bắt ở Việt Nam sau khi mất tích ở Thái Lan

Manila, ngày 18 tháng 4 năm 2023—Chính quyền Việt Nam cần trả tự do ngay lập tức cho nhà báo Dương Văn Thái và chấm dứt mọi sách nhiễu và giam giữ các thành viên báo chí sống lưu vong, Ủy ban Bảo vệ Ký giả cho biết hôm thứ Ba.

Vào ngày 13 tháng 4, Đường Văn Thái, một nhà báo độc lập chuyên bình luận chính trị trên YouTube và có khoảng 119.000 người theo dõi, đã mất tích ở Bangkok, Thái Lan.

Đường Văn Thái là người tị nạn sống ở Thái Lan từ năm 2020 và đã đến văn phòng của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn vài giờ trước khi mất tích.

Vào ngày 16 tháng 4, truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin Đường Văn Thái đã bị bắt khi đang tìm cách nhập cảnh vào Việt Nam và bị công an huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh tạm giữ.

“Chính quyền Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho nhà báo Đường Văn Thái và tiết lộ chi tiết chính xác về việc giam giữ ông,” Shawn Crispin, đại diện cấp cao của CPJ tại Đông Nam Á cho biết. “Việt Nam có hay nhắm vào các nhà báo sống lưu vong. Nhà chức trách Thái Lan nên điều tra kỹ lưỡng và minh bạch về hoàn cảnh ông Thái mất tích ở Bangkok, và đảm bảo rằng các nhà báo chí không trở thành mục tiêu vì làm công việc của họ.”

Truyền thông nhà nước Việt Nam cáo buộc Đường Văn Thái đã bị bắt khi đang tìm cách nhập cảnh trái phép vào Việt Nam vào ngày 14 tháng 4. CPJ đã gọi điện và gửi email cho Đường Văn Thái sau khi vụ bắt giữ của ông được công bố nhưng không nhận được bất kỳ hồi âm nào.

Trên kênh YouTube của mình, Đường Văn Thái gần đây đã phát bài chỉ trích chính sách công nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và bộ trưởng tài chính của Việt Nam.

Năm 2019, blogger Việt Nam Trương Duy Nhất bị bắt cóc tại Thái Lan; Trương Duy Nhất trở lại Việt Nam vài ngày sau đó và sau đó bị kết án 10 năm tù. Hai cộng sự của Trương Duy Nhất, nói chuyện với CPJ với điều kiện giấu tên vì sợ bị trả thù, cho biết họ nghi ngờ rằng anh đã bị đặc vụ Việt Nam hợp tác với chính quyền Thái Lan bắt cóc. Trương Duy Nhất đang xin quy chế tị nạn ở Thái Lan vào thời điểm mất tích.

CPJ đã gửi email cho Cảnh sát Nhập cư Thái Lan và Bộ Công an Việt Nam để xin bình luận về tình trạng của Đường Văn Thái nhưng không nhận được bất kỳ hồi âm nào.

Việt Nam là một trong những nơi giam giữ nhiều nhà báo nhất thế giới, với ít nhất 21 người hiện đang bị giam giữ, theo CPJ điều tra người bị giam  hàng năm vào ngày 1 tháng 12 năm 2022.

Nguồn: CPJ – Journalist Duong Van Thai arrested in Vietnam after disappearing in Thailand

Quỹ GIP của Mỹ hứa đầu tư 1 tỷ đôla vào Việt Nam 


18/4/2023 

Ông Jim Yong Kim, Phó Chủ tịch quỹ Đối tác cơ sở hạ tầng toàn cầu (GIP) và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, ngày 17/4/2023. 

Phát biểu tại Hà Nội ngày 17/4, ông Jim Yong Kim, Phó Chủ tịch quỹ Đối tác cơ sở hạ tầng toàn cầu (GIP) cho biết quỹ này có thể rót 1 tỷ đôla vào các dự án, đặc biệt là hạ tầng, tại Việt Nam.

GIP quan tâm đến việc rót vốn vào các lĩnh vực giao thông, năng lượng và công nghệ số, truyền thông Việt Nam dẫn lời ông Kim nói, tiết lộ rằng GIP sẵn sàng đầu tư 1 tỷ đô la vào Việt Nam. Ông Kim cho biết như vậy trong cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.

Ông Chính hoan nghênh những quan tâm của Quỹ GIP về đầu tư vào cơ sở hạ tầng chiến lược tại Việt Nam, nhất là hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường bộ cao tốc và đường sắt tốc độ cao, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện thỏa thuận giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050.

Ông Kim, cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), mong muốn Chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành thúc đẩy quan hệ đối tác với quỹ GIP để xây dựng một chiến lược đầu tư phù hợp với Việt Nam và xem xét những dự án hợp tác cụ thể, hỗ trợ Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm.

GIP từ chối yêu cầu bình luận của VOA.

GIP, một quỹ đầu tư tư nhân được thành lập vào năm 2006, có trụ sở tại New York, Hoa Kỳ, chuyên đầu tư vào cơ sở hạ tầng chất lượng cao thông qua hình thức liên doanh chiến lược với các công ty hàng đầu trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng, kỹ thuật số và xử lý nước, chất thải.

Việt Nam yêu cầu rà soát hợp tác với 6 doanh nghiệp xuyên biên giới của Mỹ, Trung Quốc 


18/4/2023 VOA Tiếng Việt 

Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam yêu cầu các cơ quan chức năng phải hoàn thành việc kiểm tra các nền tảng xuyên biên giới chưa có văn phòng tại Việt Nam chậm nhất là tháng 9/2023. 

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Việt Nam vừa yêu cầu các nhà mạng rà soát hoạt động hợp tác, cho thuê dịch vụ với 6 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền xuyên biên giới, bao gồm 3 công ty Mỹ Netflix, Apple, Amazon, và 3 công ty Trung Quốc là Tencent, IQIYI và Hồ Nam.

Yêu cầu được Bộ TTTT đưa ra theo Nghị định 71 sửa đổi, trong đó bổ sung một số quy định về quản lý, cung cấp và dịch vụ phát thanh, truyền hình có liên quan đến các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam. Một trong những quy định là buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải có “Giấy phép cung cấp dịch vụ”.

Bộ TTTT nói việc rà soát là nhằm “nhằm đảm bảo nội dung hợp tác không vi phạm những quy định cấm, cũng như không gián tiếp tạo điều kiện để các doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật Việt Nam”.

Theo Bộ này, Netflix đã xác nhận sẽ cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam. IQIYI, Tencent và Apple sẽ điều chỉnh hoạt động để chỉ phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam. Công ty Hồ Nam và Amazon cho biết sẽ không tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam.

Trong yêu cầu rà soát các hoạt động hợp tác với những doanh nghiệp trên, Bộ TTTT Việt Nam chỉ đạo các Sở Văn hóa Thông tin và Du lịch không chấp thuận quảng cáo, truyền thông quảng bá cho dịch vụ của các doanh nghiệp trên khi họ chưa thực hiện các quy định hoặc chưa có giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền.

Trong quyết định được công bố vào ngày 18/4, Bộ TTTT Việt Nam cũng yêu cầu các cơ quan phải “duy trì đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới về vấn đề xử lý tin xấu độc” và xem đây là “nhiệm vụ hàng đầu”.

Yêu cầu của Bộ là bắt buộc các nền tảng xuyên biên giới phải chặn, gỡ “thông tin xấu độc” trong vòng 24 giờ và giới hữu trách có thể khóa trang, khóa kênh nếu có vi phạm nghiêm trọng.

Bộ này cũng yêu cầu việc kiểm tra các nền tảng xuyên biên giới chưa có văn phòng tại Việt Nam phải được hoàn thành chậm nhất là tháng 9/2023.

Theo Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh truyền hình đến năm 2025, Bộ TTTT Việt Nam đặt mục tiêu tăng thuê bao truyền hình trả tiền từ 17 triệu lên 25 triệu người dùng, tăng doanh thu truyền hình trả tiền từ 9.000 tỷ đồng lên 15.000 tỷ đồng, tăng thuê bao truyền hình trả tiền OTT TV từ 3 triệu lên 12 triệu, tăng doanh thu truyền hình trả tiền OTT TV từ 300 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng.

Hà Nội: Covid-19 có xu hướng tăng, xuất hiện ổ dịch ở một số trường học


Bao giờ người bị biến chứng vì Covid-19 nhận được tiền bồi thường từ WHO?

Lê Thiệt /SGN

Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng để tăng tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 – Ảnh: Thanh Niên 

Trong buổi họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh tại Hà Nội, một số đại diện UBND quận, huyện cho biết, số ca mắc Covid-19 và một số bệnh truyền nhiễm khác như: thủy đậu, sốt xuất huyết, tay chân miệng… có xu hướng tăng. Trong đó, đã ghi nhận một số ổ dịch Covid-19, thủy đậu, tay chân miệng tại trường học.

Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị người dân khi đến các nơi công cộng cần tuân thủ nguyên tắc 2K: Mang khẩu trang, và khử khuẩn.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 1 Tháng Tư, ghi nhận số ca mắc Covid-19 trên địa bàn từ 2 – 5 ca/ngày. Tuy nhiên, từ ngày 1 Tháng Tư đến nay, số người mắc Covid-19 tăng dần. Tính đến ngày 16 Tháng Tư, toàn thành phố có 566 trường hợp mắc Covid-19 đang điều trị.

Về dịch sốt xuất huyết, có 212 trường hợp mắc, phân bố tại 27/30 quận, huyện, thị xã. Về bệnh tay chân miệng, toàn thành phố có 384 trường hợp mắc. Không có trường hợp tử vong đối với cả 3 loại bệnh này.

Tình hình Covid-19 tại Sài Gòn cũng có một vài biến chuyển đáng lo ngại, nhưng chỉ tăng nhẹ, và tập trung vào người cao tuổi.

Từ đầu năm đến nay, Sài Gòn có 190 ca mắc Covid-19. Song song đó là sự xuất hiện của biến thể phụ XBB.1.5. Thực trạng miễn dịch cộng đồng tại Sài Gòn đối với Covid-19 đang bắt đầu có xu hướng giảm từ 98,7% (vào tháng 9.2022), nay giảm xuống còn 96,7%.

Điều này cho thấy có khả năng Covid-19 sẽ tăng cao trong thời gian tới, nếu tỷ lệ này tiếp tục giảm.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố, một quỹ bồi thường quốc tế đã được thành lập nhằm chi trả cho các trường hợp (phần lớn nằm ở các quốc gia châu Phi và Đông Nam Á) gặp biến chứng nghiêm trọng do tiêm vaccine Covid-19 thông qua cơ chế COVAX.

Theo WHO, quỹ bồi thường này được áp dụng cho nhóm gồm 92 nước thu nhập trung bình và thấp đang tham gia cơ chế COVAX. Phần lớn các nước này nằm ở châu Phi và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Chưa rõ chính phủ Việt Nam sẽ tổ chức thực hiện chương trình này như thế nào. Tuy nhiên, theo WHO, đơn ghi danh có thể được thực hiện thông qua trang web www.covaxclaims.com bắt đầu từ ngày 31 Tháng Ba năm 2023, kết thúc nhận đơn vào ngày 30 Tháng Sáu năm 2027.

Trang web www.covaxclaims.com 

Nhiều người bị biến chứng do tiêm Covid-19 tại Việt Nam không tin họ sẽ nhận được tiền bồi thường của WHO nếu thông qua các tổ chức do nhà nước quản lý, vì tính không minh bạch của nhà nước ngay từ đầu xảy ra đại dịch.

Ông Nguyễn Đình Toan (65 tuổi, ngụ ở Sài Gòn) nói: “Tôi nghĩ những người bị biến chứng vì Covid-19 sẽ nhận được tiền bồi thường trên… tivi như tiền hỗ trợ Covid-19. Cho đến nay, còn rất nhiều người chưa được nhận đồng nào từ hai gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ và 90 ngàn tỷ nhà nước đã hứa từ năm 2021”.

Chưa hết, nhân dịp WHO công bố quỹ bồi thường quốc tế này, người dân lại thắc mắc Quỹ Vaccine phòng Covid-19 đã được nhà nước huy động lên tới hơn 8.800 tỷ đồng nhưng không dùng mua vaccine hiện nay nằm ở đâu? Mọi người chỉ biết Bộ Y tế (cơ quan quản lý quỹ) gởi ngân hàng kiếm lời, rồi im tiếng luôn từ đó tới nay.

Ai mới là “ngụy”?


Phú Nhuận ghi

 “Ngụy” là từ mà những người đến từ Hà Nội vẫn ưa dùng để gọi các viên chức cho đến dân chúng ở bên kia bờ Hiền Lương.

“Ngụy” ở đây là tính từ, có ý nghĩa là “sự giả tạo”, ví dụ như “ngụy tạo, ngụy biện, ngụy trang, ngụy quân tử, ngụy quyền”. Trong chính trị, từ này được dùng để chỉ một triều đại hoặc chính quyền do soán đoạt mà có, hoặc do quân xâm lược nước ngoài dựng lên để hợp thức hóa sự xâm lược, đô hộ một nước khác.

Về bản chất, chính quyền này không có thực quyền, chỉ là hữu danh vô thực, chính quyền này bị quân xâm lược nước ngoài khống chế, mang tính chất bất hợp pháp và không chính danh.

Trong lịch sử các nước Đông Á như Trung Quốc, Triều Tiên, và Việt Nam, từ “ngụy triều”, “ngụy quyền” được sử dụng nhiều trong các văn bản lịch sử bất chấp việc về pháp lý thì miền Nam Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào đến Cà Mau là quốc gia được quốc tế xác lập chủ quyền; nghĩa là không thỏa mãn cho yếu tố sử dụng tính từ “ngụy” trong cách gọi.

Trà dư tửu hậu trong tháng tư này về “ngụy”, một cựu tổng biên tập của một tờ báo thuộc Đảng bộ tỉnh Long An, kể câu chuyện mà chính ông là người trong cuộc liên quan đến “ngụy” trong cách hiểu chính trị từ “bên thắng cuộc”.

Xin biên ra đây như một tham khảo khi sử dụng tính từ “ngụy” để nói về một bên nào đó trong cuộc chiến tranh đã kết thúc sắp sửa kỷ niệm lần thứ 48.

… “Từ đất Quảng Bình vượt Trường Sơn qua Lào năm 1970, là lần “vượt biên” đầu đời của tui. Dù được tổ chức cấp quốc gia, thậm chí quốc tế, cuộc vượt biên này cũng phải ngụy trang.

Thông thường ngụy trang nhằm làm thay đổi vỏ bên ngoài, che đậy hình dáng thật, lẫn vào môi trường chung quanh để đối phương không nhận ra. Rõ nhất, là vòng lá ngụy trang đeo sau lưng. Quân hiệu gắn trên mũ vẫn giữ ngôi sao vàng, nhưng nền cờ sơn hai màu, đỏ và xanh dương. Mũ tai bèo dùng thay mũ nhựa. Đội lên là đội thơ Tố Hữu: “Cả năm châu chân lý đang nhìn theo/ Dáng anh đi và vành mũ tai bèo”.

Thêm những việc khác. Đổi tên gọi các tổ chức trong giấy tờ cá nhân (mẫu in sẵn). Đảng/ Đoàn thanh niên cộng sản đổi thành Đảng/ Đoàn thanh niên “Nhân dân Cách mạng miền Nam”.

Đổi phiên hiệu đơn vị, mỗi tiểu đoàn “đi B” mang một số hiệu gồm 4 chữ số. Như tiểu đoàn tui, Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 22, trở thành Đoàn 2246. Vào B2 thay đổi danh xưng cấp bậc, với hệ thống quân hàm nội bộ của Quân giải phóng (trong dấu “ngoặc kép” dưới đây):

– Binh nhì và Binh nhất, thành “Chiến sĩ”;

– Hạ sĩ và Trung sĩ, thành “A bậc phó”; Thượng sĩ và Chuẩn úy, thành “A bậc trưởng”;

– Thiếu úy, thành “C bậc phó”; Trung úy, thành “C bậc trưởng”;

– Thượng úy, thành “D bậc phó”; Đại úy, thành “D bậc trưởng”;

(A: tiểu đội; B: trung đội; C: đại đội; D: tiểu đoàn).

Nhờ vậy, nghiễm nhiên 100% lính miền Bắc biến thành Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, thành Lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam Việt Nam!

Nhắc thêm một cách nguỵ trang khác, của giới văn nghệ sĩ: dùng bút danh mới khi vào chiến trường. Ví dụ Bùi Đức Ái – Anh Đức; Nguyên Ngọc – Nguyễn Trung Thành; Xuân Sách – Lê Hoài Đăng … Nhạc sĩ Huy Thục – Lê Anh Chiến, Trần Hoàn – Hồ Thuận An… Thậm chí ngồi ở Hà Nội, Hoàng Vân thành Y Na trong Tây Nguyên; Phan Huỳnh Điểu – Huy Quang,… nhớ không xuể.

Công cuộc ngụy trang kéo dài cho đến năm 1975. Trưa 30/4, xe tăng và các quân đoàn chủ lực miền Bắc tiến vào Sài Gòn nhất loạt giương cờ nửa đỏ nửa xanh. Trên sóng đài phát thanh Sài Gòn, Trung tá Bùi Tùng của Quân đoàn 2 long trọng tuyên bố “đại diện cho lực lượng quân Giải phóng miền Nam” chấp nhận lời đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh.

Các hãng tin quốc tế và Sài Gòn cũ gọi thẳng “quân Bắc Việt”, báo chí phe ta kiên định danh xưng “quân Giải phóng miền Nam” cho đến khi hai miền thống nhất quốc kỳ.

“Mục đích biện minh cho phương tiện”. Xong việc, những ngụy trang, giả trang như thế không cần nữa. Chỉ còn một từ “ngụy” dành chỉ bên thua cuộc, kéo dài đến hôm nay chưa thôi – cho dù ông Võ Văn Kiệt chỉ đạo dứt khoát không gọi chính quyền, quân đội Việt Nam Cộng Hòa là ngụy khi biên soạn bộ “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến” – sách đã xuất bản từ năm 2012…”.

Chi phí điều trị người mắc COVID-19 ở Bệnh viện Chợ Rẫy là bao nhiêu?


Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19. (Ảnh: choray.vn) 

Từ tháng 8 đến tháng 10/2021 – giai đoạn COVID-19 căng thẳng nhất tại TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 1.576 bệnh nhân.

Tại Hội nghị khoa học thường niên 2023 của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) vào ngày 18/4, điều dưỡng Trần Thị Thúy, khoa Bệnh Nhiệt đới đã báo cáo nghiên cứu về chi phí điều trị bệnh nhân COVID-19 tại đây, do cô và các đồng nghiệp thực hiện.

Nhóm nghiên cứu cho biết từ tháng 8 đến tháng 10/2021 – giai đoạn COVID-19 căng thẳng nhất tại TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 1.576 bệnh nhân.

Trong số này, các thành viên nhóm nghiên cứu đã sàng lọc, chọn ra 139 bệnh nhân nặng và nguy kịch (tuổi trung bình ở nhóm này là 68 tuổi); 220 bệnh nhân mức trung bình (tuổi trung bình là 58). Khoảng 1/3 tổng số bệnh nhân nhập viện có bệnh nền đái tháo đường và tăng huyết áp.

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch cao gấp 5 lần so với bệnh nhân thuộc nhóm trung bình.

Chi phí trung bình để điều trị cho người bệnh COVID-19 là 55 triệu đồng/người. Tuy nhiên, con số này ở người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch là 140 triệu đồng/người.

Trong đó, tiền thuốc chiếm 2/3 tổng chi phí, chủ yếu là kháng sinh và kháng nấm. Ngoài ra, còn có chi phí cận lâm sàng, thủ thuật, vật tư y tế, dinh dưỡng và những dịch vụ khác.

Nhóm nghiên cứu nhận định chi phí điều trị người bệnh COVID-19 nặng tương đương bệnh nhân nằm tại Khoa Hồi sức tích cực.

“Dựa trên cơ sở này, chúng tôi ước tính, chi phí điều trị cho 43.000 bệnh nhân COVID-19 tử vong trên cả nước là hơn 6.000 tỷ đồng”, nhóm nghiên cứu cho biết.

Ngoài nghiên cứu trên, trước đây, tại TP.HCM từng có những trường hợp bệnh nhân COVID-19 nguy kịch, phải chạy ECMO (hồi sinh tim phổi), với chi phí điều trị lên đến hàng tỷ đồng.

Minh Long