RFI Pháp – Đăng ngày: 21/12/2021 – 12:58
Trọng Nghĩa
Nhóm G7 và khối Liên Hiệp Châu Âu ngày hôm qua, 20/12/2021 đã lên tiếng tố cáo tình trạng nền dân chủ bị “xói mòn” tại Hồng Kông, nơi mà cuộc bầu cử lần đầu tiên được dành riêng cho các ứng cử viên được chính quyền đánh giá là “yêu nước”, và được lãnh đạo vùng lãnh thổ này ca ngợi là một thành công. QUẢNG CÁO
Trong cuộc bầu cử Hội Đồng Lập Pháp – tên gọi của Nghị Viện – Hồng Kông hôm Chủ Nhật 19/12 vừa qua, chỉ có gần 30% cử tri, tức là 1,3 triệu trong số 4,5 triệu cử tri Hồng Kông, là đã đến phòng phiếu để bầu ra người đại diện cho mình.
Theo hãng tin Pháp AFP, đây là tỷ lệ cử tri đi bầu thấp nhất kể từ khi Anh trao trả Hồng Kông lại cho Trung Quốc vào năm 1997 và thậm chí kể từ cuộc bầu cử trực tiếp đầu tiên các thành viên của Hội Đồng Lập Pháp năm 1991.
Điểm đáng nói là cuộc bầu cử lần này đã tuân theo luật mới do Bắc Kinh áp đặt, không chỉ giảm đáng kể số ghế đại biểu được chọn theo hình thức phổ thông đầu phiếu, mà lại còn dành quyền ứng cử riêng cho “những người yêu nước”.
Trong một tuyên bố chung, bộ Ngoại Giao các nước G7 (Pháp, Đức, Canada, Hoa Kỳ, Ý, Nhật Bản và Vương quốc Anh) đã bày tỏ nỗi “quan ngại sâu sắc trước sự xói mòn các yếu tố dân chủ trong hệ thống bầu cử”. Nhóm G7 cũng “kiên quyết” nhắc lại lời kêu gọi Trung Quốc “tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản ở Hồng Kông.”
Về phần mình, trong một tuyên bố, lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu Josep Borrell đã cho rằng cuộc bầu cử lần này tại Hồng Kông là “một bước mới trong việc loại bỏ nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ thống”. Ông kêu gọi để cho Hồng Kông được hưởng một “mức tự chủ cao”, trong sự tôn trọng “nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, các nguyên tắc dân chủ và pháp quyền”.
Trái ngược với các lời tố cáo kể trên, trưởng đặc khu Hồng Kông bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga khẳng định rằng “Hồng Kông đang đi trở lại đúng theo hướng một quốc gia, hai hệ thống’”.
Theo bà, Hồng Kông “không thể sao chép và cắt dán hệ thống hoặc cái gọi là quy tắc dân chủ của các nước phương Tây”, và tại vùng lãnh thổ này, các phần tử “chống Trung Quốc” đã bị loại trừ và sự bình ổn chính trị đã được tái lập.
Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã đổ lỗi cho đại dịch là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cử trị không đi bầu. Ông cũng tố cáo “các phần tử chống Trung Quốc đang quyết tâm phá hủy Hồng Kông và sự can thiệp của các thế lực bên ngoài.”