BỆNH VIỆN BÌNH DÂN, những ngày khói lửa tháng 4-1975 – Bs Đặng Phú Ân

Share this post on:

Posted on April 8, 2021 by Lê Thy

Lê Thy đánh máy từ báo QUỐC GIA (Montreal-Canada) số 153-Quốc Hận 2021

Tháng 4 Montréal là tháng tuyết bắt đầu tan. Những thảm cỏ đã bắt đầu lú dạng, chim chóc đã bắt đầu ra khỏi tổ tung bay trên mảng trời xanh trong. Người dân bản xứ ở đây như đang sửa soạn và sẵn sàng chào đón một mùa xuân nắng ấm và tươi vui. Nhưng người Việt tỵ nạn chúng ta thì sao?

Cứ tới tháng 4, tôi tin chắc quý vị cũng như tôi, lòng buồn buồn và trĩu nặng, với một tâm tư ray rứt. Ray rứt vì Việt Nam quê hương chúng ta 44 năm về trước (1975) đang cận kề với ngày mất nước, mất một quê hương yêu dấu.

Tôi rất bồi hồi và thổn thức như mới ngày hôm qua, với những kỷ niệm của một Bệnh viện BD 44 năm trước đây vào những ngày tháng 4, đang ở trong tình trạng dầu sôi, lửa bỏng. Tất cả mọi người đang dồn sức cứu chữa những nạn nhân của một cuộc chiến tranh tàn khốc. Tôi còn nhớ, trên khu nhà mổ lầu I BỆNH VIỆN BÌNH DÂN, có một phòng để các bác sĩ giải phẩu tạm nghỉ giữa các cas mổ. Phòng này nằm đối diện với phòng mổ A của giải phẫu Tiết Niệu và phòng mổ B của giải phẫu Ung Thư (Phòng C, D, E, F thì xa hơn. Phòng C dành cho mổ khẩn cấp, phòng D dành cho giải phẫu Tim và mạch máu, phòng E cho giải phẫu tổng quát bụng ngực và phòng F cho giải phẫu Chỉnh Trực). Phòng nghỉ này có một cửa sổ rất rộng nhìn thẳng ra cây phượng vĩ duy nhất của bệnh viện, ngay giữa sân, truớc cửa Khoa Chỉnh Trực. Ngay từ những tháng đầu năm 1975, có lẽ Trời buồn theo lòng người: mưa nhiều hơn, có những cơn gió khá mạnh, sấm sét, đã làm cây phượng này gãy chẻ làm đôi. Giáo sư Nguyễn Khắc Minh đã nói với tôi: Có lẽ đây cũng là điềm của BỆNH VIỆN BÌNH DÂN trước tình hình đất nước. Cây phượng vĩ này, trước đây có rất nhiều cành đầy hoa đỏ, nhiều khi là là vào cửa sổ rộng của phòng đợi này. Những cành cao hơn có thể lên tới cửa sổ phòng ăn lầu Nội trú ở tầng 2.

Những ngày tháng 4 là những ngày dồn dập tin tức phát ra từ một máy truyền hình nhỏ để ở cuối phòng tạm nghỉ này. Anh cm chúng tôi đều theo dõi sát thời sự :

21-4-1975: Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức và đọc diễn văn bàn giao chức vụ Tổng thống cho cụ Trần Văn Hương. Tổng thống Trần Văn Hương nhậm chức vào trưa ngày 21 tháng 4 năm 1975.

24-4-1975: Việt cộng bắt đầu pháo kích vào Saigon. Một vài nơi lửa cháy ở ngoại ô, vùng phụ cận Saigon. BỆNH VIỆN BÌNH DÂN bắt đầu nhận ào ào những nạn nhân với thương tích do đạn pháo kích. Có những đêm, nhiều xe cứu thương tải vào bệnh viện cùng một lúc rất nhiều nạn nhân. Bệnh viện đã phải tăng cường các phiên trực. Các bác sĩ trưởng trực: Võ Thành Phụng, Đặng Phú Ân, Nguyễn Chấn Hùng, Nguyễn Văn Quang, Lê Quang Dũng, Phan Văn Tường, Văn Tần, Văn Kỳ Nam….nhiều khi đã thức trắng đêm cùng với các bác sĩ Nội trú để đáp ứng kịp thời. Các Thầy Phạm Biểu Tâm, Ngô Gia Hy, Trần Ngọc Ninh, Hoàng Tiến Bảo luôn luôn sẵn sàng rửa tay vào mổ hoặc điều khiển các cuộc giải phẫu khi cần. Giáo sư Nguyễn Khắc Minh, Bác sĩ Trần Quang Dự, cô Lê Thị Thuần và nhiều chuyên viên gây mê khác có thể nói là đã ra sức luân phiên để đáp ứng các trường hợp cấp cứu trong những cas mổ nặng cần hồi sức.

Một hiện tượng đặc biệt là một vài Bác sĩ chạy từ vùng Việt cộng lấn chiếm của miền Trung đã vào BỆNH VIỆN BÌNH DÂN xin làm tình nguyện để tăng cường. Bác sĩ Tạ Thúc Phú, từ Đà Nẵng về (cháu Thầy Nguyễn Đình Cát) tăng cường Khu Quang tuyến. Bác sĩ Trần Thế Nghiệp vẫn còn ở lại phụ trách Khu Quang Tuyến BỆNH VIỆN BÌNH DÂN, Bs Nguyễn Văn Hiệp tăng cường Khu Tiết Niệu, Bs Trần Tấn Phát, Bs Nguyễn Dương Tịnh, Bs Nguyễn Thế Lạc tăng cường Khu Chỉnh Trực, Bs Nghiêm Thị Thuần tăng cường Khoa Mắt…

28-4-1975: Tổng thống Trần Văn Hương trao quyền cho tướng Dương Văn Minh.

Tới ngàỵ 29-4-1975: tuy Thầy Giám đốc BỆNH VIỆN BÌNH DÂN đã vắng mặt, nhưng các Thầy Phạm Biểu Tâm, Trần Ngọc Ninh, Ngô Gia Hy, Hoàng Tiến Bảo, Nguyễn Đình Cát, Nguyễn Văn Út, Nguyễn Khắc Minh, Phan Ngọc Dương vẫn đi làm như thường lệ. Anh em chúng tôi thấy cũng rất an tâm.

Buổi trưa 29-4-1975, trong lúc rửa tay sửa soạn vô mổ, Thầy Phạm Biểu Tâm đã lập lại một bản tin mới nhất: “Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin đã có nhã ý mời Cụ Trần Văn Hương đi cùng chuyến bay ra nước ngoài, nhưng Cụ đã từ chối và nói: ‘“Tôi tình nguyện ở lại để chia xẻ với họ phần nào niềm đau đớn tủi nhục, nỗi thống khổ của người dân mất nước …. “

Bản tin này như một tiếng gọi mãnh lực đối với chúng tôi và chúng tôi đã noi theo quý Thầy, những tấm gương sáng, lăn lộn chống trả với tử thần cho bao nạn nhân chiến tranh trong những ngày tàn cuộc chiến. Đó là bổn phận rất nhỏ bé của những người ở hậu phương, để đền đáp những hy sinh bao la vô bờ bến của các anh cm chiến sĩ ngoài chiến trường, tranh thủ từng tấc đất với Việt cộng.

Tối 29-4-1975, phần lớn anh em chúng tôi đã ở lại tại BỆNH VIỆN BÌNH DÂN. Ngoài đường Phan Thanh Giản, quần áo, giầy lính bỏ ngổn ngang của những binh sĩ VNCH từ những vùng bị triệt thoái trở về Saigon. Ngay cả súng ống cũng bỏ bừa bải. Thầy Hoàng Tiến Bảo đã ra lệnh lượm lặt tất cả các khẩu súng bỏ rơi trước bệnh viện và nói với ông Lâu (Điều Dưỡng trưởng) cho vào một căn phòng phía sau BỆNH VIỆN BÌNH DÂN và phải khoá thật kỹ, nếu không, quân nổi loạn sẽ sử dụng súng ống, đạn dược này bắn ngược lại đồng bào và chúng ta.

Các đoàn cứu thương, cánh tay đeo băng đỏ, xuất hiện khá nhiều và đã vào BỆNH VIỆN BÌNH DÂN xin bông, băng để cứu thương. Nhưng Thầy Hoàng Tiến Bảo đã ra lệnh hạn chế vì sợ rằng BỆNH VIỆN BÌNH DÂN không đủ dụng cụ cứu thương, giải phẫu. Đêm đó, Thầy Hoàng Tiến Bảo đã ngủ lại tại phòng Thầy Nguyễn Khắc Minh, anh em chúng tôi đã lên lầu 2 ngủ chung với các bác sĩ Nội trú. Đó cũng là những phòng quen thuộc đối với chúng tôi thời Nội trú và từ khi được bổ nhiệm làm Giảng Nghiệm viên, rồi Giảng Nghiệm trưởng thì các phòng này đã được giao lại cho các Tân Nội trú BỆNH VIỆN BÌNH DÂN.

Anh Được vẫn nấu cơm cho các Nội trú, nay đã được lệnh của Ban Giám Đốc nấu thêm phần ăn cho các bác sĩ trực hay các bác sĩ ở lại bệnh viện. Phải đến lúc lâm nguy mới biết rõ ý chí và tấm lòng của các em Sinh viên Y khoa. Nhiều Sinh viên Y khoa năm cuối, tuy không là Nội trú, nhưng cũng tình nguyện ở ké trên lầu Nội trú để có dịp học hỏi và phụ giúp các bác sĩ đàn anh, các Thầy trong những lúc nguy biến.

Sinh viên ở thường trực, xin đơn cử sinh viên Vũ Minh Thủy, ăn ở, giặt quần áo ở lầu Nội Trú là một trong những điển hình. Cas nào mổ, cần tay phụ, có thể gọi Thủy. Thủy sẵn sàng thức ngày đêm với các đàn anh, các Thầy. Rất tiếc Bác sĩ Vũ Minh Thủy sau này có tỵ nạn tại Montreal, Canada, hành nghề tại đây và đã mất sớm vì bạo bệnh. Thương tiếc cho một sinh viên, một thầy thuốc đã đóng góp cho việc cứu chữa nạn nhân chiến cuộc 1975.

Ngày 30 tháng tư, từ tờ mờ 6 giờ sáng, mặt trời vừa lên, chúng tôi đã trải qua một đêm dài trong các phòng giải phẫu.

Tại phòng số 10, Khu Chỉnh Trực dưới nhà, chúng tôi, các bác sĩ truởng trực Võ Thành Phụng, Nguyễn Chấn Hùng, Văn Tần và tôi, đã tìm gặp và xin Thầy Hoàng Tiến Bảo chính thức thay thế Thầy Giám Đốc BỆNH VIỆN BÌNH DÂN (vắng mặt) để điều hành chúng tôi, và để đáp ứng công việc khẩn cấp của bệnh viện. Thầy Bảo băn khoăn không dám nhận, nhưng vì được sự hậu thuẫn của các Thầy Phạm Biểu Tâm, Trần Ngọc Ninh, Ngô Gia Hy, Nguyễn Đình Cát và Nguyễn Khắc Minh, Thầy Hoàng Tiến Bảo đành nhận lời.

Khoáng 7 giờ 30, Thầy Hoàng Tiến Bảo đã điện thoại về cho bà Thầy và căn dặn hãy mang con cái tới khu tạm trú tại bệnh viện St Paul, có nhà lầu cao để tránh pháo kích. Chừng khoảng nửa giờ sau, Thầy Bảo nói với chúng tôi, gia đình Thầy đã tới được bệnh viện St Paul. Thầy Bảo hỏi tôi: “Còn gia đình Ân thì sao?”. Tôi trả lời: ‘Thưa Thầy, Kim Nhi vợ em hôm nay cũng trực tại Bệnh viện Nhi Đồng, cháu Cường mới sanh được 2 tháng, được gởi tại nhà Ông Bà Nội cháu”. Nhà tôi ở đường Phan Đình Phùng, cũng gần BỆNH VIỆN BÌNH DÂN và Bệnh viện Nhi Đồng, nên không có gì lo ngại lắm. Riêng bạn thân của tôi, Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, tuy nhà ở đường Trần Bình Trọng, nhưng hai cụ thân sinh của Hùng ở mạn Phú Lâm, xa trung tâm thành phố, cũng sợ pháo kích. Bác sĩ Hùng rất bình tâm ở lại bệnh viện dồn mọi nổ lực chăm sóc cho nạn nhân chiến tranh. Nội trú Nguyễn Đức Tuệ của Bác sĩ Hùng nhà cũng ở đường Cao Thắng không xa BỆNH VIỆN BÌNH DÂN… Ê kíp chúng tôi tương đối ổn định về công việc gia đình, không có gì lo lắng lắm…

Hôm nay, 30-4-1975 là ngày trực của tôi, trước hết, tôi phải ghé qua Khu Ngoại Chẩn để xem có những trường hợp cần giải quyết không?. Tới đây, tôi thấy đồng bào, người già, người trẻ, kẻ thì kêu la cầu cứu vì người nhà là những nạn nhân bị thương tích trầm trọng đang nằm trên các băng ca la liệt ở dưới đất, kẻ thì hốt hoảng, không thấy người nhà, chắc đã bị lạc đi đâu?

Những Sinh viên Ngoại trú được tăng cường tại Khu Ngoại Chẩn, sinh viên lớp lớn Y khoa 5, Y khoa 6, được cắt đặt làm Truởng và Phó phòng khám, dưới quyền điều khiển của Bác sĩ Bùi Văn Đức. Thầy Hoàng Tiến Bảo đã tín nhiệm Bác sĩ Đức ở đây vì anh đã từng làm Trưởng đoàn cấp cứu của Hướng Đạo. Các bác sĩ và sinh viên ở Ngoại Chẩn sẽ quyết định các cas cần giữ lại hay chuyển đi các bệnh viện khác (như Chợ Rẫy, Nguyễn Văn Học) hay cho về. Những cas nào cần giải phẫu cấp kỳ sẽ cho chuyển vào phòng 8 nằm chờ đợi bác sĩ giải phẫu đi thăm và quyết định những xét nghiệm chẩn đoán trước khi quyết định đưa lên bàn mổ.

Bác sĩ Trần Thế Nghiệp, Trưởng Khoa Quang Tuyến, và anh Hưng, kỹ thuật viên, đi tới đi lui phòng 8 để nhận các cas cần làm quang tuyến. Ông Nguyễn Ngọc Anh (thân sinh Bác sĩ Quỳnh Giao, nhạc phụ Bác sĩ Nguyễn Đức Tuệ), ông Bình, cô Thơ phòng Thí Nghiệm ra vào liên tục để lấy máu.

Tại Khu Ngoại Chẩn, đã có một sơ đồ lựa chọn ưu tiên cho các trường hợp khẩn cấp:

Ưu tiên 1: cho các thương tích bộ máy hô hấp; Ưu tiên 2: thương tích mạch máu; Ưu tiên 3: thương tích sọ não; Ưu tiên 4: dành cho thương tích bộ máy tiêu hoá; Ưu tiên 5: bộ phận tiết niệu; Ưu tiên 6: cho thương tích bộ phận sinh dục; Ưu tiên 7 mới đến gẫy xương, trật khớp (ngoại trừ gẫy xương hở và tình trạng tim mạch xấu).

Từ Phòng Ngoại Chẩn, tôi phải đi qua phòng Thầy Phạm Biểu Tâm với cô Tuyết, thơ ký riêng của ông Thầy. Cô Tuyết nói: Thầy Tâm đã có mặt ở đây từ 6 giờ 30 sáng và tôi thấy Thầy cũng sửa soạn để lên phòng mổ, và trên đường Thầy bị bà Quỳ – Y tá trưởng Phòng 4 & 5 Giải Phẫu tổng quát, níu kéo tìm cách trình gấp những hồ sơ khẩn cấp. Hôm nay nhận trực, tôi phải tới phòng 8 sau khi đi qua phòng Thầy Tâm và phòng mổ khẩn cấp dưới nhà. Phòng mổ này được mở liên tục 24/24 giờ. Những trường hợp cấp cứu nặng, di chuyển lên lầu I khu nhà mổ, khó khăn, anh em chúng tôi phải mổ ngay tại phòng mổ dưới đất này… Nhìn vào, tôi thấy Bác sĩ Võ Thành Phụng, và có lẽ cả Bác sĩ Bùi Đắc Lộc đang mổ một trường hợp đạn bắn vào bả vai của một người đàn ông.

Và bây giờ tôi đã tới phòng 8, nơi đây tôi phải đi thăm bệnh cùng với các Nội trú trực. Phải nói và phải ghi nhận tinh thần làm việc rất hăng say và kỷ luật của các Nội trú Nguyễn Đức Tuệ, Nội trú Phan Thanh Hải (Ung thư), Nội trú Phan Thượng Hải, Nội trú Lê Quang Nghĩa, Nội trú Uỷ nhiệm Châu Kim Sơn (Giải Phẫu Tổng Quát). Các bác sĩ cựu Nội trú Bùi Đắc Lộc (Chỉnh Trực), Lê Thanh Các, Lê Tấn Thành (Niệu Khoa). Nếu không có các Nội trú, các bác sĩ này, quý Thầy và các Bác sĩ trưởng trực rất khó làm việc vì thiếu tay chân! Tới phòng 8, mới mở cửa vào, tôi thấy hôm nay không còn một giường trống. Cuối phòng, tôi thấy có một cảnh sát đứng ngay cạnh một bà bệnh nhân trạc 40 tuổi, nước da hơi xạm, chân bị xích vào cuối giường. Tôi hỏi bà Thìn – Y lá Trướng của phòng 8: “Tại sao lại có cảnh sát theo dõi, bà ta là Việt cộng hay sao?” Bà Thìn cười và trả lời: “Không, đây là trường hợp một bà trong lúc hỗn loạn đường phố, đã vào hôi của ở một tiệm nữ trang, và bà ta đã lấy được một chiếc nhẫn kim cương khá lớn và nuốt vào bụng. Đêm qua Bác sĩ Võ Thành Phụng cho rọi kiếng thì quả đúng vậy. Thầy Tâm dặn đừng mổ. Nhẫn kim cương đó sẽ đi cầu ra.” Mọi người mặc dầu đang bận rộn vì các trường hợp chấn thương nặng do pháo kích, cũng phải phì cười! Và quả vậy tới gần trưa 30-4-1975 thì bà ta đã đi cầu trong một cái bô và lúc đó cảnh sát cũng đã biến luôn, chắc phải bỏ về với gia đình trong cảnh hoảng loạn, trong kế hoạch vượt biển với gia đình. Chị Thìn và cô y tá trẻ đã giữ chiếc nhẫn kim cương đó lại để đưa cho Điều dưỡng trưởng.

Tôi đang đi thăm bệnh thì từ ngoài đẩy băng ca vào phòng 8. Một bệnh nhân đang trong cơn “choc” mất máu. Giáo sư Nguyễn Khắc Minh, Bác sĩ Trần Quang Dự đã được thông báo và sau khi xem tim mạch, thì đây là một trường hợp bị đạn bắn từ sau lưng bên trái, trổ ra phía đàng trước bụng với hội chứng nội xuất huyết nặng, nghi ngờ vết thương thận và lá lách. Bệnh nhân đã được cho truyền máu ngay và cần được giải phẫu cấp kỳ tại phòng mổ A trên lầu (vì phòng dưới đất, Bác sĩ Phụng đang mổ).

Tôi đã phải dừng thăm khám bệnh ở phòng 8 vài phút (lúc đó cũng có một cas, một bà bệnh nhân ói ra máu mạnh bắn cả lên tường. Đó là một bệnh nhân mà tôi đã biết rõ bệnh sử: bà ta bị urê huyết cao và tôi đã từng cho lọc máu bằng thận nhân tạo). Tôi có gọi ông Nghi (Y tá Niệu khoa, phụ trách Phòng Thận Nhân tạo), để ông ta mời Bác sĩ Dương Quang Trí đang đi thăm bệnh ở Khu Niệu Khoa, thay tôi chẩn bệnh và cho chạy lọc máu ngay hôm nay..

Chạy vội lên phòng mổ A, lầu I. Tới nơi Bác sĩ Lê Tấn Thành (Nội trú Niệu Khoa cũ của chúng tôi) đã có mặt để phụ tôi. Bệnh nhân đã sẵn sàng chờ trên bàn mổ. Có chị Lê Thị Thuần gây mê túc trực, dưới sự điều khiển của Giáo sư Nguyễn Khắc Minh.

Thầy Ngô Gia Hy đang bận rộn bên phòng mổ C cấp cứu cùng Thầy Hoàng Tiến Bảo với trường hợp của một thanh niên ngã từ trên lầu cao được chuyển từ Khánh Hội qua với chấn thương cột sống và chấn thương xương chậu. Có lẽ bị dập thận hay kể cả dập bọng đái luôn.

Phòng mổ E: Bác sĩ Lê Quang Dũng và Bác sĩ Văn Kỳ Nam đang loay hoay trên bàn mổ. Tôi không rõ là cas gì.

Phòng mổ F: Thầy Trần Ngọc Ninh đang phụ giúp Bác sĩ Văn Tần, mổ một truờng hợp đạn pháo kích gẫy nát xương đùi và phải ghép nối mạch máu của ống chân.

Thầy Trần Ngọc Ninh cũng rất bận, chạy qua chạy lại như con thoi giữa BV Bình Dân và BV Nhi Đồng (giải phẫu tiểu nhi) vì chỉ còn Bs Trần Xuân Ninh rất cực bên đó.

Trở lại cas ở phòng mổ A, tôi đã mổ vào bụng bằng đường giữa và định bệnh khi đó là vết thương thận trái với xuất huyết sau phúc mạc (hémorragie rétropéritonéale) và vết thương ở lá lách. Rất may, vết thương thận chỉ bị ở đỉnh trên trái của thận, tôi đã dùng kỷ thuật cắt thận một phần (nephrectomie partielle) vì chỉ một phần thận đó đã bị nát, còn lá lách bắt buộc phải cắt toàn phần. Trong khi tôi đang sửa soạn kẹp cuống mạch máu đi vào lá lách, thì anh Khánh (chuyên viên dụng cụ, chúng tôi cứ gọi là anh Khánh tai bèo vì tai của anh hơi tỏa rộng), hốt hoảng nói với chúng tôi: “Thôi hỏng rồi, Bác sĩ Ân ơi…” . Tôi vội hỏi: “Hỏng gì?”. Tôi nghĩ là thiếu dụng cụ để kẹp mạch máu…nhưng anh Khánh nói tiếp: “Dương Văn Minh đã đầu hàng vô điều kiện!!!”. Đúng vào khoảng giữa trưa 30-4-1975. Tôi, chị Lê Thị Thuần, và ê kíp mổ đã bàng hoàng, nhưng vẫn phải đứng tại chỗ để cắt cho xong cái lá lách của bệnh nhân. Tình hình đất nước đen tối, nhưng trên bàn mổ, cô Thuần nói: “Huyết áp đã ổn định, tình trạng bệnh nhân sáng sủa hơn…”

Đó là một kỷ niệm trong đời thầy thuốc không bao giờ tôi quên được.

Ra khỏi phòng mổ A, bên cạnh là phòng mổ B, Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng đang rửa tay để sửa soạn vào mổ trường hợp một bà bị chấn thương ngực, đây là vùng giải phẫu mà bác sĩ Hùng rất quen thuộc khi mổ ung thư vú, ung thư phổi… Tôi và Hùng chỉ lặng lẽ nhìn nhau, trước thời cuộc đen tối.

Tôi lên phòng ăn của lầu Nội trú nghỉ tạm. Đài Truyền hình, đài Phát thanh để nhạc giải phóng liên lục, không còn giọng nói của các xướng ngôn viên quen thuộc ngọt ngào ngày xưa… Bây giờ …là giọng của nữ xướng ngôn viên chua như dấm, lâu lâu có một vài tuyên bố của những tên đón gió trở cờ, của những tên Việt Cộng nằm vùng như Huỳnh Tấn Mẫm, Dương Văn Đầy….kêu gọi, xen vào đó là tiếng nhạc được nhai đi nhai lại :“Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết chiến đấu, cùng quyết chiến đấu…” Nếu tôi không lầm, sau này được biết đây là bản nhạc của Huỳnh Minh Tiễng.

Nghỉ ít phút trước khi xuống lầu I mổ tiếp, tôi tạm thả tâm tư về những năm tháng về trước, hồi còn Nội trú. Cũng phòng này đây, những tiếng nhạc đau xót cho sự hy sinh của trai thời chiến. Trong bài Kỷ vật cho em, với giọng ca Thái Thanh ray rứt: Em hỏi anh, em hỏi anh: bao giờ trở lại… Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về….Anh trở về có thể bằng chiến thắng Plemei hay Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giã… Anh trở về có khi là hòm gỗ cài hoa…

Ôi biết bao hy sinh thật đáng ngưỡng mộ và khâm phục của các anh chiến binh VNCH. Cùng phòng này đây, cũng có những tiếng nhạc êm dịu, tình tứ: “Trả lại em yêu, khung trời Đại học, con đường Duy Tân cây dài bóng mát…”

Bây giờ đây, nhiều người thân, nhiều bạn bè đã ra đi, ra đi thật xa. Thực tế chỉ còn những tiếng nhạc của đoàn quân xâm lăng miền Nam.

1-5-1975: 6 giờ sáng, ông Lâu đã thông báo với chúng tôi: “Hôm nay họ tới”. Ông nói họ là chúng tôi hiểu là ai. Vừa nói xong thì 6 giờ 30, 3 nguời mặc quần áo kaki mầu xanh lá cây rộng thùng thình, đầu đội nón tai bèo vành rộng, chân đi dép râu, tiến vào cổng. Người đi giữa đeo súng lục, hai người hai bên đeo AK 47 trên vai. Vào tới bên trong, tới gần Khu Ngoại Chẩn, ông Lâu mới giới thiệu với 3 người này: “Đây là Giáo sư Hoàng Tiến Bảo, Giám đốc BỆNH VIỆN BÌNH DÂN”.

3 người này nói: “Chào các anh!” và sau đó ông Lâu đã hướng dẫn 3 người đó vào phòng của Thầy Đào Đức Hoành ngày xưa. Nơi đây, trước kia chúng tôi thường hay lên lên họp với Thầy Hoành và bác sĩ Thường trú để chia bảng trực. Sau đó, ông Lâu đã hướng dẫn đi thăm một số khoa cấp tốc và Ủy Ban Quân Quản ngõ ý gặp toàn thể các bác sĩ và nhân viên.

7 giờ 30 sáng, ông Lâu đã cho thông báo trên loa phóng thanh : “Bác sĩ Trưởng Khối Chuyên Môn Hoàng Tiến Bảo và Ủy Ban Quân Quản (tên gọi mới của nhóm 3 người của quân MTGPMN), kính mời toàn thể các bác sĩ, dược sĩ, y tá và nhân viên tới họp tại Giảng đường A.”

Anh em chúng tôi đã thu xếp các cas mổ để dành thời giờ cùng xuống Giảng đường A.

Khi đi trên hành lang tới Giảng Đường A, Thầy Trần Ngọc Ninh có ghé tai Thầy Nguyễn Khắc Minh nói nhỏ về câu Kiều:

“Cũng liều nhắm mắt đưa chân
Để xem Việt Cộng xoay VẦN đến đâu! “

Khi tới Giảng đường A, chúng tôi rất an tâm và hãnh diện vì đã thấy sự hiện diện của các Thầy Phạm Biểu Tâm, Trần Ngọc Ninh, Ngô Gia Hy, Nguyễn Văn Út, Phan Ngọc Dương, Nguyễn Đình Cát, Nguyễn Khắc Minh… Các Thầy có một dáng điệu rất chững chạc và có thể nói là hiên ngang của những kẻ sĩ, những thầy thuốc lúc nào cũng ở sát cánh cứu chữa những đồng bào ruột thịt của mình. Hoàn toàn không có tư cách của những “hàng thần lơ láo phận mình ra sao !” Bởi vì chủ trương của các Thầy của BỆNH VIỆN BÌNH DÂN là sẵn sàng cứu chữa những bệnh nhân không phân biệt chiến tuyến. Đó là sứ mệnh cao cả nhất của một người thầy thuốc.

7 giờ 45 sáng 1-5-1975 : trong Giảng đường A, Uỷ Ban Quân Quản và ông Lâu đã đặt sẵn một cái bàn ở giữa và sát tấm bảng lớn trên tường với 4 cái ghế: 3 cho Ủy Ban Quản Quản và 1 cho Bác sĩ Trưởng Khối Chuyên Môn. Thầy Bảo và Ba Trần Y (trưởng ban quân quản) ngồi giữa. Ba Liên và Năm Lực (hay là Mười Quý, tôi không nhớ rõ) ngồi hai bên.

Thầy Bảo đã rất tế nhị và rất khiêm nhường đã mời Thầy Phạm Biểu Tâm ngồi ở giữa với Uỷ Ban Quân Quản nhưng Thầy Tâm đã từ chối và mời Thầy Hoàng Tiến Bảo với tư cách Giám Đốc BỆNH VIỆN BÌNH DÂN (tên mới là Trưởng Khối Chuyên Môn) ngồi và … Thầy Phạm Biểu Tâm ngồi đầu dãy ghế bên hông sát cửa vào Giảng Đường gồm 7 chiếc ghế dành cho các Giáo sư (các Thầy Phạm Biểu Tâm, Trần Ngọc Ninh, Ngô Gia Hy, Nguyễn Văn Út, Phan Ngọc Dương, Nguyễn Đình Cát, Nguyễn Khắc Minh…).

Những hàng ghế đầu của dãy ghế ngang: Ông Lâu đã cho mời các Bác sĩ trưởng trực, Võ Thành Phụng. Nguyễn Chấn Hùng, Đặng Phú Ân, Văn Tần, Văn Kỳ Nam. Sau đó là bác sĩ các Khoa Giải Phẫu Tổng Quát, Chỉnh Trực, Ung Thư, Da Liểu, TMH, Nha Khoa và các Nội trú, Y tá, và nhân viên, y công….

Mọi người nhìn nhau như thầm nói: “tôi luôn ở đây với các anh các chị. Nhưng trong trí mọi người, người nào cũng hoang mang và bề bộn việc nhà, việc nước, về tương lai gia đình, vợ chồng, con cái mình sẽ ra sao đây”. Số phận của những người thân đã ra đi có tới bờ tới bến không? Hay chết trên biển cả. Những người thân ở vùng đã bị xâm chiếm sẽ ra sao? Kẻ xâm lăng sẽ đối xử với mình như thế nào?

Lẽ dĩ nhiên, cũng có nhiều dự án đào thoát, dự án vượt biên mà không ai nói với ai cả.

Nhưng trước mắt với những nạn nhân, tử thần đã kề sát, sự hy sinh của chúng ta đã đem lại phần nào an ủi và yên lòng.

Phải công nhận một điểm ở đây: Các Thầy chúng tôi ở BỆNH VIỆN BÌNH DÂN đã là tấm gương sáng cho chúng tôi, bằng y đức và niềm kiêu hãnh, chí hào hùng của quý Thầy (như đã từng chứng tỏ qua bao giai đoạn từ khi Việt Minh cướp chính quyền, từ miền Bắc di cư vào miền Nam), Tết Mậu Thân 1968, mùa hè đỏ lửa 1972…

Sau những giờ phút căng thẳng, những tuyên bố láo khoét của Ba Trần Y….Ủy Ban Quân Quản: “Đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào”, nào là “chúng tôi đã dùng nước dừa tươi thay serum truyền cho bệnh nhân v.v.”, thì cuối buổi họp, một phụ nữ chắc do dấy động của quân giải phóng đã la hét: “Đêm qua. các bác sĩ mổ cho em tôi và đến khuya thì em tôi đã chết”, thì Thầy Hoàng Tiến Bảo đã rất nhã nhặn nói: “Sáng nay lúc 4 giờ sáng, tôi xuống nhà xác, đã có 34 xác nằm ở đấy. Đó là 34 thất bại của chúng tôi” …”Chúng tôi chịu trách nhiệm về những thất bại ấy, và giờ này, tôi muốn bào chữa cách nào, thì trách nhiệm ấy, chúng tôi hoàn toàn phải gánh”.

Thầy Phạm Biểu Tâm nói rất thâm thuý và có ý chửi xéo, “tôi nghĩ đó cũng là thành công của các anh”. Nói xong, chúng tôi thấy Thầy đỏ mặt và miệng hơi chúm chím với đôi gò má hóp từ mấy tuần qua. Trên đây là khúc phim quay lại phần nào của những ngày mà tôi khắc ghi qua lời của Thầy Hoàng Tiến Bảo “Ngày dài nhất trong đời bác sĩ”.

Giờ đây 44 năm đã trôi qua, không nhẹ nhàng như chúng ta tưởng. 44 năm bi thảm với những cảnh gia đình tan nát, sinh ly tử biệt. Chết trong nhiều cảnh thương tâm, chết ngay trên chiến trường sôi động, chết vì bị Cộng quân pháo kích, chết trong rừng sâu, trong tủi nhục tù đày, hay chết trên biển cả, chết chìm sâu dưới lòng đại dương. Rồi tới đất tạm dung, gặp nhiều cảnh đời đảo nghịch, gặp khó khăn trong việc hội nhập, bắt đầu xây dựng lại từ hai bàn tay trắng khi đã luống tuổi trong một xã hội xa lạ…

Nhưng rất may, các người trẻ của chúng ta, những thế hệ tiếp nối đã và đang tạo dựng được nhiều thành quả xuất sắc trong nhiều ngành nghề tại các xứ tạm dung để đền đáp công sức khó nhọc của thế hệ cha ông; đem con cháu ra đi tìm một đời sống tự do nơi xứ người.

Tôi muốn dành một phần nhỏ cuối bài BVBD trong những ngày khói lửa 1975 để đặc biệt ghi khắc những kỷ niệm thật trân quý về một vị Thầy: Thầy Hoàng Tiến Bảo.

Thầy Bảo đã ngày đêm hướng dẫn chúng tôi tại BVBD, đã lèo lái con thuyền BVBD với chức Trưởng Khối Chuyên Môn trong những ngày bấp bênh nhất trước làn sóng đỏ của Việt Cộng. Thầy Hoàng Tiến Bảo, bề ngoài mang dáng dấp của một ông thầy nghiêm khắc khô khan, của một tu sĩ một Đại Chủng Viện (mà Thầy đã tu học). Nhưng những ai đã có dịp tiếp xúc hay làm việc với Thầy đều khẳng định một điều : Thầy là người rất cởi mở, hoà nhã, đem lại không khí làm việc rất vui vẻ, phối hợp hài hòa những giây phút thật trào phúng, dí dỏm với những giây phút nghiêm trang trong việc tổ chức, kế hoạch rất chu đáo.

Nhờ vậy mà anh em chúng tôi đã sống và làm việc hăng say để phục vụ bệnh nhân, không biết mệt trong những ngày gay cấn nhất của thời cuộc. Không những thế, Thầy Hoàng Tiến Bảo và những Thầy khác đã làm cho “quân giải phóng” phải kính nể, không một ai của họ dám đụng vào các công tác chuyên môn của BVBD.

Sau 8 năm tận tâm phục vụ đồng bào, những nạn nhân chiến tranh Việt Nam dưới chế độ cộng sản, Thầy đã tới được Hoa Kỳ năm 1983 với nhiều nếp nhăn hằn in trên khuôn mặt, với bộ tóc bạc khá nhiều. Thầy đã qua đời vì bạo bệnh ở Hoa Kỳ. Thầy để lại biết bao thương tiếc cho gia đình, cho bạn bè, cho môn đệ, cho gia đình các nạn nhân chiến cuộc.Tất cả đều thương tiếc Thầy, nhất là trong những ngày với khí thiêng của Tháng Tư mỗi năm. Cầu nguyện cho Thầy được bình an trong tình thương bao la của Thiên Chúa.

Sau cùng, chúng tôi xin đặc biệt tri ân tất cả quý Thầy, quý anh chị em đồng nghiệp, toàn thể quý vị điều dưỡng và huynh trưởng nhân viên BVBD kính quý, đã hỗ trợ tinh thần chúng tôi trong những ngày cam go nhất của đất nước, những ngày Saigon đang trong cơn hấp hối.

Montreal, những ngày Tháng Tư đen 2019
Bs Đặng Phú Ân

Lê Thy đánh máy từ báo QUỐC GIA (Montreal-Canada) số 153-Quốc Hận 2021