Chuyện Việt Nam ngày Thứ tư 16 tháng 10 năm 2024

Share this post on:

Các dân biểu Mỹ giục bộ ngoại giao can thiệp, giúp Y Quynh Bdap định cư 

VOA Tiếng Việt 

16/10/2024

Ông Y Quynh Bdap, đồng sáng lập nhóm Người Thượng Vì Công lý (MSFJ), ngày 30/11/2023. Photo YouTube Dak Lak News.

Ông Y Quynh Bdap, đồng sáng lập nhóm Người Thượng Vì Công lý (MSFJ), ngày 30/11/2023. Photo YouTube Dak Lak News. 

Một nhóm gồm 10 dân biểu liên bang Hoa Kỳ vừa đề nghị bộ ngoại giao nước này khẩn trương can thiệp để Thái Lan không trục xuất nhà hoạt động Y Quynh Bdap về Việt Nam, đồng thời kêu gọi cho phép ông được định cư tại Mỹ.

“Chúng tôi viết thư để bày tỏ mối quan ngại về trường hợp của nhà hoạt động người Thượng Y Quynh Bdap”, người hiện đang phải đối mặt với việc bị dẫn độ từ Thái Lan về Việt Nam, nơi ông ấy có nguy cơ bị “đàn áp, tra tấn và đối xử bất công”, bức thư của các dân biểu ký ngày 10/10 gửi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken viết.

“Chúng tôi yêu cầu ông can thiệp vào vấn đề cấp bách này”, các dân biểu nhấn mạnh.

Bốn đồng chủ tịch Ủy ban Việt Nam ở Hạ viện Mỹ gồm Lou Correa, Zoe Lofgren, Michelle Steel, Chris Smith và 6 dân biểu khác hối thúc ông Blinken can thiệp nhanh chóng về trường hợp của ông Y Quynh Bdap, người vừa bị Tòa án Hình sự Bangkok ra phán quyết dẫn độ về Việt Nam hôm 30/9 theo yêu cầu của Hà Nội.

“Như ông đã biết, tòa án Việt Nam đã chứng tỏ lịch sử xét xử vội vàng, buộc tội các nhà hoạt động với những tội danh không có bằng chứng và đưa ra những bản án khắc nghiệt theo luật an ninh quốc gia mơ hồ”, các dân biểu viết.

“Ngoài ra, Bộ Công an Việt Nam và cơ quan quản lý trại giam còn khét tiếng là đã gây hại, đe dọa, thậm chí tra tấn các nhà hoạt động đang bị giam cầm, với mục đích ép buộc nhận tội”, vẫn lời của nhóm dân biểu Mỹ. 

“Nếu ông Y Quynh Bdap bị dẫn độ về Việt Nam, ông sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị tra tấn và sẽ không được hưởng thủ tục tố tụng đúng chuẩn cũng như không được xét xử công bằng. Vì lý do này, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và các cơ quan của Liên Hiệp Quốc đã lên án nỗ lực dẫn độ ông Y Quynh Bdap về Việt Nam”, bức thư viết.

Ông Y Quynh Bdap, 32 tuổi, người dân tộc Ê để ở Tây Nguyên của Việt Nam, sang Thái Lan tị nạn từ năm 2018 và đã được Cao ủy LHQ về người tị nạn công nhận là người tị nạn. Ông là đồng sáng lập nhóm Người Thượng vì Công lý (MSFJ) và là nhà hoạt động vì tự do tôn giáo, bảo vệ người bản địa và nhân quyền.

Trong khi ông đang chờ tái định cư ở nước thứ ba, ông bị chính quyền Thái Lan bắt giam hồi tháng 6 theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam, quốc gia đang truy nã ông sau khi xét xử vắng mặt và tuyên phạt ông 10 năm tù về tội “khủng bố”.

“Hơn nữa, việc dẫn độ ông Y Quynh Bdap sẽ vi phạm chính sách chống tra tấn của Thái Lan”, các dân biểu nhận định. “Do vấn đề cấp bách vào thời điểm này, chúng tôi kêu gọi ngài và Bộ Ngoại giao can thiệp và ngăn chặn việc dẫn độ ông Y Quynh Bdap từ Thái Lan về Việt Nam và xem xét cho phép ông Y Quynh Bdap tái định cư tại Hoa Kỳ”.

VOA đã liên lạc với các bộ ngoại giao của Hoa Kỳ, Thái Lan và Việt Nam, đề nghị họ bình luận về bức thư của nhóm các nhà lập pháp nêu trên, nhưng chưa được phản hồi.

Hồi tháng 7, 4 dân biểu Mỹ kêu gọi chính phủ Thái Lan phóng thích ông Bdap và cho phép ông được định cư ở nước thứ ba.

Sau phán quyết của tòa án ở Bangkok, nhiều tổ chức nhân quyền lên tiếng bênh vực cho nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam, nhưng bị chính quyền Hà Nội lên án là hành động “cổ xúy, tán dương đối tượng khủng bố”, cho rằng việc kêu gọi trả tự do cho ông Bdap là “hành vi tiếp tay cho tội phạm”.

Chính quyền Việt Nam xác định ông Bdap tham gia “chỉ đạo từ xa” nhóm người nổ súng vào trụ sở chính quyền ở hai xã thuộc tỉnh Đắk Lắk hồi tháng 6/2023 khiến 9 người tử vong.

Chính phủ Thái Lan thừa nhận việc bắt giữ ông Bdap hôm 11/6 là theo yêu cầu của chính quyền Việt Nam.

Trang Bangkok Post dẫn lời thẩm phán phát biểu tại phiên tòa hôm 30/9: “Dù tòa đã ra phán quyết nhưng việc có dẫn độ hay không là do Chính phủ quyết định trong thời gian 90 ngày”.

Mặc dù tòa án Thái Lan đã chấp thuận yêu cầu dẫn độ của Việt Nam đối với ông Bdap, nhưng ông sẽ có 30 ngày để kháng cáo trước khi bị dẫn độ.

https://www.voatiengviet.com/a/cac-dan-bieu-my-giuc-bo-ngoai-giao-can-thiep-giup-y-quynh-bdap-dinh-cu/7823619.html

Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ‘giải phóng thủ đô’: Người ngán ngẩm, kẻ hào hứng 

Nguyễn Lại 

16/10/2024

Ảnh tư liệu - Khu vực Hồ Hoàn Kiếm vốn nhỏ hẹp nhưng hầu hết các hoạt động lễ hội đều được tổ chức tại đây.

Ảnh tư liệu – Khu vực Hồ Hoàn Kiếm vốn nhỏ hẹp nhưng hầu hết các hoạt động lễ hội đều được tổ chức tại đây. 

Washington DC —  

Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ‘giải phóng thủ đô’ 10/10/1954 – 10/10/2024 ở trung tâm Hà Nội mang lại cảm xúc lẫn lộn cho cư dân thủ đô. Có người bồi hồi vì quá khứ được tái hiện, đường phố được trang hoàng đầy màu sắc hoài niệm. Có người chỉ trích về cách thức tổ chức gây tắc đường, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt đời sống. 

Bà Nguyễn Ngọc Dung, một giáo viên về hưu sinh sống tại quận Hoàn Kiếm, cho biết những ngày gần đây bà thường xuyên đi bộ ra Hồ Gươm nhiều hơn vì những hình ảnh thủ đô cách đây 70 năm đã tạo ra một không khí khác biệt so với ngày thường. 

“Thì cũng xúc động, vì họ tái hiện được cái hình ảnh ngày xưa, các mô hình ngày xưa từng có ở Hà Nội như tàu điện chẳng hạn nhìn cũng đẹp. Hơn thế thì nhạc lại là nhạc xưa nghe nó cũng hào hùng lắm,” bà Dung cho VOA biết. 

Tuy vậy, bà Dung nói đúng ngày tổ chức diễn hành tái hiện hình ảnh đoàn quân giải phóng tiến vào trung tâm Hà Nội thì bà đã không thể tới tham dự. 

“Người ta cấm đường từ vòng ngoài, người dân bình thường có được vào đâu.” 

Bà Phạm Lan Hương, một viên chức về hưu ở khu phố cổ Hà Nội, cho biết bà không quan tâm mấy tới chương trình diễn hành vì biết không thể vào xem nếu không có vé mời. Dù vậy, bà vẫn cảm thấy thích thú khi hình ảnh của Hà Nội cách đây vài thập niên được tái hiện ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm và đây chính là địa điểm chụp ảnh ưa thích của bà trong những ngày qua. Đối với bà thì chuyện đông đúc, tắc đường trong những dịp như thế này ở khu phố cổ là đương nhiên, vì không chỉ người dân thủ đô mà còn có nhiều gia đình ở các tỉnh, thành lân cận tìm về để được hưởng trọn niềm vui trong dịp lễ kỷ niệm đặc biệt này. 

“Kỷ niệm 10/10 thì trong 3 ngày người ta diễn hành, quay phim hoành tráng lắm. Vì thế người ta cấm những cái đường xung quanh đấy, nên tắc mất 2 ngày. Nhưng cũng không đến mức độ lắm, chỉ tắc vào những giờ nhất định thôi.”

Anh Nguyễn Hoàng Nam, một nhân viên làm việc trong lĩnh vực môi giới bất động sản sinh sống ở khu phố cổ sát bờ Hồ Hoàn Kiếm, than thở trong suốt hơn 2 tuần kể từ ngày các mô hình cột cờ Hà Nội, cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, tàu điện… được dựng lên là anh khổ sở trong việc đi lại khi có quá nhiều người kéo tới đây tham quan, chụp ảnh.

“Ôi mấy hôm đấy đường tắc kinh lắm, đường tắc khủng khiếp lắm”, anh Nam than thở và cho biết những con đường xung quanh Hồ Hoàn kiếm luôn trong tình trạng quá tải, tắc nghẽn kéo dài khiến anh và gia đình thực sự mệt mỏi. Hôm diễn ra chương trình diễn hành, anh cũng như những người dân bình thường khác đã không thể vào xem như mong muốn. 

“Người ta cấm đường từ vòng ngoài. Hơn chục nghìn con người đổ về khu vực đấy để diễn hành cho các lãnh đạo xem thôi, chứ mình có được vào xem đâu,” anh Nam cho VOA biết và kết luận rằng sau hơn hai tuần kỷ niệm ngày ‘giải phóng thủ đô’ anh và gia đình chỉ nhận lại sự phiền phức và mỏi mệt chứ thực ra chẳng được vui thú chút nào.

Anh Nguyễn Thành Hưng, một công chức làm việc ngay khu vực phố cổ, cho biết suốt hơn hai tuần kể từ khi các mô hình được dựng lên thì việc đi làm của anh bị ảnh hưởng không nhỏ. Theo anh, người dân Hà Nội quá thiếu chỗ vui chơi, nên khi có các sự kiện như thế này thường ùn ùn đổ về khu vực Hồ Hoàn Kiếm dẫn tới tình trạng quá tải khủng khiếp. Mặc dù cũng muốn cho con tới chụp ảnh, vui chơi nhưng cuối cùng anh cũng phải chịu thua. 

“Mặc dù đông, nhưng nó thực tế chỉ là một đám đông thôi, chứ không có hoạt động gì cả. Vì thế tôi đành cho con vào Trang Tien plaza, cho nó vào đấy đi lên đi xuống thang cuốn theo ý thích trẻ con rồi về thôi.” 

Anh Hưng nói hiện tại Hà Nội không có đủ không gian để tổ chức những sự kiện lớn quy tụ hàng chục hay hàng trăm nghìn người. Vì vậy, theo lời anh, việc tổ chức những sự kiện kéo dài tới hơn hai tuần như dịp vừa qua thực sự là một thảm hoạ cho những người lao động sinh sống xung quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm. 

“Khu vực này thì bé tí, đường phố thì ngày càng chật chội. Bởi vì cái loại ô tô giá rẻ nó tràn ngập nên đi đường toàn ô tô, thậm chí là xe máy không có chỗ mà đi hay không có chỗ mà để nữa,” anh Hưng cho biết thêm. 

Nhiều người sinh sống quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm cho biết, đầu tuần này, thành phố Hà Nội đã tiến hành tháo dỡ các mô hình cũng như các loại cờ và hình ảnh trang hoàng trên đường phố kỷ niệm ‘70 năm ngày giải phóng thủ đô’ để trả lại nhịp sống thường nhật cho khu vực này. 

Ngày ‘giải phóng thủ đô’ năm nay kỷ niệm bảy thập niên ngày diễn ra sự kiện 10/10/1954 khi Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến vào hai cửa ô Hà Nội, tiếp nhận bàn giao chính quyền, đánh dấu kết thúc Chiến tranh Đông Dương và thi hành Hiệp định Geneve 1954.

https://www.voatiengviet.com/a/7823636.html

Nguyễn Thông – Tiếp quản hay giải phóng?

10/10/2024

Hôm nay, ngày 10 tháng 10 (ngày chứ không phải mùng), cái ngày được nhà nước hiện thời và giới truyền thông của họ gọi là “ngày giải phóng thủ đô”. Ngày 10.10 xưa cũ ấy đã cách nay 70 năm, 10.10.1954, bộ đội vào tiếp quản thủ đô, sau cuộc kháng chiến 9 năm chống quân đội và bộ máy cai trị của Pháp.

Tôi là người kiệm nhời nhưng bướng bỉnh, những gì không đáng nói thì không lên tiếng, nhưng với cái nhố nhăng, sai trái thì không chịu được. Nói ra không phải để hả lòng mình, mà trước hết vì sự thật, vì sự tử tế của con người.

Thời lứa tôi đi học, ở trường cũng như trên báo chí truyền thông (hồi ấy đâu có nhiều, chỉ vài tờ báo do đảng và nhà nước quản lý, nhất là báo Nhân Dân và đài phát thanh, chưa có tivi-đài truyền hình), cứ nói tới sự kiện này, ngày 10.10.1954, chỉ có cách gọi duy nhất “ngày tiếp quản thủ đô”, “ngày tiếp quản Hà Nội”. Cách gọi đã nói lên đúng bản chất sự việc, đúng sự thật lịch sử. Ngay cụ Hồ cũng diễn đạt như thế, báo Nhân Dân cũng nói thế, viết thế. Tôi đố ông bà nào tìm được tư liệu gốc thể hiện rằng cụ Hồ nói/viết là “ngày giải phóng thủ đô/Hà Nội”, hoặc báo Nhân Dân thời điểm lịch sử đó viết “ngày giải phóng thủ đô”. Con người ta không ai sai hoặc đúng hoàn toàn. Cụ Hồ và báo Nhân Dân có thể sai điều gì đó, nhưng trường hợp này thì hoàn toàn đúng. Cãi lại cụ, cố ý làm sai lời cụ là vô phép, vô lễ, coi thường người trên. Nếu học cụ, trước hết hãy học ngay sự chính xác này, chỉnh sửa ngay thói tự ý xuyên tạc lịch sử.

Ngày 10.10.1954, bộ đội theo các ngả 5 cửa ô hành quân vào tiếp quản thủ đô. Tiếp quản là gì, là tiếp nhận và quản lý. Hồi trước, tôi thường nghe người nhớn còn gọi là tiếp thu, ngày tiếp thu. Cũng chưa chính xác, chưa đầy đủ nội hàm sự việc.Nghĩa của từ “tiếp quản” rộng hơn từ “tiếp thu” bởi tiếp thu chỉ có nhận, còn tiếp quản có thêm sự quản lý sau khi đã tiếp nhận. Nhận rồi quản lý. Tức là được bàn giao rồi làm chủ. Bàn giao chứ không phải đánh nhau.

Bộ đội vào Hà Nội, người Pháp bàn giao xong xuôi, hai bên chào nhau, bắt tay nhau, thậm chí cười (trên phim tư liệu thấy rất rõ), rồi những lính Pháp cuối cùng xếp hàng hành quân qua cầu Long Biên để ra ngoại thành (ga Gia Lâm) lên tàu hỏa xuôi về Hải Phòng cách đó hơn trăm cây số, tập kết chờ ngày về Pháp theo điều khoản 300 ngày của hiệp định Geneva. Ai từng đi bãi biển Đồ Sơn ở Hải Phòng đều biết nơi đó có di tích bến Nghiêng, nơi quân Pháp xuống tàu thủy về nước. Họ từng có đơn vị đóng quân dịp 300 ngày ở đình làng tôi, trước khi đi họ còn cho nhà tôi chục cốc thủy tinh, dân quen gọi là cốc tập kết, giờ vẫn còn, như một thứ kỷ niệm.

Ngày 10 của tháng 10.1954 ấy, xin lưu ý thời gian cụ thể là “ngày”, là thời điểm chính thức kết thúc cuộc chiến tranh. Một bên bàn giao, một bên tiếp nhận, quản lý. Ngày đó, trên thực tế, không đổ một giọt máu, không ai chết, ngược lại rất thân thiện, chỉ có niềm vui, tiếng cười, cờ hoa, hòa bình. Một ngày như thế không thể là ngày giải phóng, bởi không hề xảy ra xung độ, đánh nhau, chém giết để giành phần thắng. Nếu dùng từ giải phóng, nó rất hợp với Điện Biên Phủ ngày 7.5.1954, với Sài Gòn ngày 30.4.1975. Còn Hà Nội ngày 10.10.1954, Hải Phòng ngày 13.5.1955 mà gọi thành “ngày giải phóng” thì chỉ có những anh tự sướng và rẻ rúng lịch sử, rẻ rúng tiếng Việt mới làm vậy.

Muốn biết ngày 10.10.1954 là ngày giải phóng hay tiếp quản, cứ thắp nén hương khấn cụ Hồ, ông thiếu tướng Vương Thừa Vũ, ông chủ tịch Trần Duy Hưng, ông Nguyễn Bá Khoản (chụp ảnh), họ sẽ chỉ cho.

Nếu biết sai, nhận ra sai thì nên sửa, làm đúng như lời cụ Hồ. Còn cứ bảo thủ, cố chấp, tự sướng, xuyên tạc lịch sử thì cũng chẳng ai làm gì được các vị, chỉ có điều thiên hạ sẽ cười thầm vào sự lì lợm, bất chấp đúng sai, ngạo nghễ vớ vẩn ấy.

Thông cào (viết điều này sau khi một ông to ra rả trên tivi “ngày giải phóng thủ đô” như một cái máy)

Người dân phản biện chủ tịch Hà Nội: Có người ăn xin, vô gia cư; môi trường rất ô nhiễm 

VOA Tiếng Việt 

16/10/2024

Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại một hội nghị hôm 14/10/2024.

Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại một hội nghị hôm 14/10/2024. 

Chủ tịch Hà Nội nói trong những ngày gần đây rằng thủ đô của Việt Nam không có người ăn xin và người vô gia cư, dẫn đến phản ứng từ người dân cho rằng sự thật khác hẳn với lời vị lãnh đạo, ngoài ra, Hà Nội còn có vấn đề nhức nhối về giao thông và môi trường.

Theo VnExpress và Dân Trí, khi gặp cử tri và đối thoại với thanh niên thủ đô lần lượt vào ngày 11 và 14/10, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ rằng ông đã “khẳng định” một cách “tự tin” và “tự hào” với quan khách nước ngoài rằng “Hà Nội hiện không có người ăn xin ăn mày, không có người vô gia cư” khi ông tham gia hội nghị các thị trưởng ASEAN ở Lào cách đây gần 1 tháng.

Dân Trí trích lời Chủ tịch Thanh nói hôm 14/10 trong cuộc gặp với giới thanh niên rằng những người ngủ đêm ở gầm cầu, ở chợ không phải bởi “người dân không có nhà mà là do đặc thù công việc”.

Vẫn Dân Trí tường thuật ông Thanh nhận xét rằng đời sống người dân thủ đô đang ngày càng được nâng lên và chính quyền thành phố đang cố gắng làm những gì tốt nhất để phục vụ người dân, để cuộc sống người dân tốt hơn.

Theo quan sát của VOA, những phát biểu của vị lãnh đạo thành phố Hà Nội dẫn đến việc hơn 1.000 người dân đưa ra ý kiến trên mạng xã hội phản bác lời của ông ấy hoặc thể hiện sự bất bình, mỉa mai…

Trong các nhóm, diễn đàn trên mạng gồm Hà Nội News, SaigonTV, Việt Nam Trong Tôi, Chân Trời Mới Media, Otofun…, và trang cá nhân của một số Facebooker có đông người theo dõi như Đào Tuấn…, nhiều người thẳng thắn cho rằng Chủ tịch Trần Sỹ Thanh “nói sai” hoặc “không gần dân”, “không nắm thực tế”…, và nêu bằng chứng là ngày nào họ ra đường cũng gặp người ăn xin hoặc người vô gia cư.

Theo tìm hiểu của VOA, đó không chỉ là ý kiến cá nhân mà là một thực tế được chính Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội (HTV), cơ quan ngôn luận của chính quyền thành phố, phản ánh trong một phóng sự bằng video được đăng lên YouTube hôm 14/10, cùng ngày Chủ tịch Thanh tuyên bố Hà Nội không có người ăn xin và người vô gia cư.

Phóng sự dài gần 15 phút của HTV có đoạn nói rằng “người ăn xin ngồi vật vờ trên các ngả đường không chỉ gây đau lòng mà còn là một vấn nạn xã hội nhức nhối”.

Một nhà hoạt động xã hội xác nhận với VOA vào tối 15/10 rằng vẫn có người ăn xin, vô gia cư ở Hà Nội, đặc biệt tại các ngôi chùa và họ bị xem là những người “hành nghề ăn xin”, hàm ý rằng đó là việc để kiếm tiền chứ không nhất thiết vì hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ…

Nhà hoạt động này muốn giấu tên vì từng bị công an Việt Nam triệu tập, chất vấn.

Nhà hoạt động cho rằng Chủ tịch Trần Sỹ Thanh phủ nhận nạn ăn xin, vô gia cư vì ông ấy muốn thể hiện rằng Hà Nội có hình ảnh đẹp và kinh tế phát triển, không còn người nghèo, ngoài ra, cũng có thể là ông Thanh muốn nêu bật nỗ lực của thành phố trong việc đưa người ăn xin vào trung tâm bảo trợ xã hội.

Cơ sở này có tên đầy đủ là Trung tâm Công tác Xã hội và Quỹ Bảo trợ Trẻ em, thuộc chính quyền Hà Nội.

Hồi tháng 7, một bản tin của báo Lao Động Thủ Đô, thuộc Liên đoàn Lao Động Hà Nội, viết rằng trong 6 tháng đầu năm 2024, trung tâm kể trên đã tập trung, tiếp nhận 225 người lang thang mà trong đó xấp xỉ 90% có hành vi xin ăn, xin tiền.

Việc thu gom người lang thang, xin tiền là một trong những biện pháp “giữ gìn hình ảnh thủ đô văn minh hiện đại trong mắt người dân và bạn bè quốc tế”, tờ báo nêu rõ.

Tờ báo ghi nhận rằng công tác này mang lại kết quả rõ nét nhất là tại các điểm du lịch lớn của Hà Nội “không còn tình trạng người lớn dẫn theo trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi để bán hàng rong, đeo bám, chèo kéo người đi đường và khách du lịch”.

“Tại các tuyến phố lớn, trục đường chính đã giảm hẳn tình trạng người lang thang tràn ra lòng đường xin ăn, xin tiền”, vẫn tờ Lao Động Thủ Đô viết.

Còn theo phóng sự hôm 14/10 của đài HTV, bình quân hàng năm, trung tâm bảo trợ xã hội thuộc chính quyền Hà Nội tập trung, tiếp nhận, quản lý, chăm sóc và trợ giúp từ 450-550 lượt người lang thang, xin tiền.

“Tôi sống ở Hà Nội 50 năm nay trong lòng khu phố cũ. Cách đây vài hôm vẫn thấy có người ăn xin ở trên đường. Tất nhiên so với cách đây vài năm có bớt đi, do chính quyền thu gom”, một người đàn ông ở Hà Nội nói với VOA vào tối 15/10, đề nghị không nêu danh tính vì e ngại có thể gặp rắc rối với chính quyền.

Ông nói thêm rằng thỉnh thoảng có xe của chính quyền đi gom những người ăn xin, vô gia cư về trung tâm bảo trợ xã hội, theo từng đợt, chẳng hạn vào các dịp lễ lớn, hội nghị quan trọng hay có đoàn nguyên thủ nước ngoài đến Hà Nội.

Người dân này cho rằng việc Chủ tịch Thanh nói Hà Nội không có người ăn xin, người vô gia cư vì ông ấy muốn “tô đẹp” về thành phố trong nhiệm kỳ của mình hoặc vì “cách làm việc” và lý giải thêm:

“Nếu các ông ấy đi thăm các đơn vị cơ sở, thì dưới cơ sở được báo trước hôm nay có đồng chí lãnh đạo đến thăm, thì dọn dẹp hết tất cả các thứ rồi, có bao giờ đi đột xuất hoặc đi bất chợt đâu, thì làm sao ông ấy thấy được. Bao nhiêu năm nay nó như thế rồi”.

Về lời nhận xét của Chủ tịch Thanh rằng đời sống người dân thủ đô đang ngày càng được nâng lên, nam cư dân Hà Nội thẳng thắn chỉ ra: “Theo ý kiến cá nhân của mình, một người sống ở Hà Nội ít nhất 50 năm, và cũng đi nhiều nước châu Âu, châu Mỹ, Đông Nam Á, châu Á…, vấn đề mấu chốt nhất của Hà Nội hiện nay có lẽ là giao thông đô thị và ô nhiễm môi trường”.

Ông nêu dẫn chứng, điều được ông gọi là “không thể giấu được”, rằng trong khung giờ 19h30-20h30 mỗi tối, các ngã tư ngay trung tâm thành phố là điểm tập kết rác bốc mùi khủng khiếp.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, người nắm quyền lãnh đạo cao nhất ở thành phố, theo cơ cấu chính trị Việt Nam, thừa nhận ô nhiễm môi trường “là vấn đề hết sức bức xúc” vào ngày 14/10, khi bà gặp gỡ cử tri, báo chí trong nước đưa tin.

“Chưa thể hài lòng với những cái của Hà Nội xứng đáng là thủ đô của một nước gần 100 triệu dân”, nam cư dân giấu tên nói với VOA.

Về phần mình, nhà hoạt động xã hội không muốn nêu danh tính nói rằng ở một chừng mực nhất định, lãnh đạo của Hà Nội có lý khi nhận xét đời sống trở nên tốt đẹp hơn, nếu xét về một số khía cạnh kinh tế, vật chất, trang trí, bày biện nơi công cộng…

Nhưng nhà hoạt động này cho rằng chất lượng cuộc sống không chỉ là những điều đó mà còn phải xét đến việc người dân có phải lo lắng về an toàn giao thông, chăm sóc y tế, ô nhiễm môi trường… hay không. Đó là những vấn đề mà Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung “còn lâu mới giải quyết được”.

VOA liên lạc với Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh để tìm hiểu quan điểm của ông về những lời phản biện nhưng không có hồi đáp.

https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-dan-phan-bien-chu-tich-ha-noi-co-nguoi-an-xin-vo-gia-cu-moi-truong-rat-o-nhiem/7823962.html

Tập đoàn Hyosung của Hàn Quốc sẽ tăng gấp đôi đầu tư vào Việt Nam, lên 8 tỷ USD 

VOA Tiếng Việt 

15/10/2024

Chủ tịch Tập đoàn Hyosung Cho Hyun-joon (trái) bắt tay Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hà Nội, vào ngày 14/10/2024. (Photo: Hyosung Group/Yonhap)

Chủ tịch Tập đoàn Hyosung Cho Hyun-joon (trái) bắt tay Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hà Nội, vào ngày 14/10/2024. (Photo: Hyosung Group/Yonhap) 

Chính phủ Việt Nam cho biết hôm 15/10 rằng Tập đoàn Hàn Quốc Hyosung Group dự tính tăng gấp đôi khoản đầu tư vào quốc gia Đông Nam Á lên 8 tỷ USD, tạo ra 10.000 việc làm, theo AFP.

Cho Hyun-joon, Chủ tịch tập đoàn Hyosung, vốn hoạt động trong nhiều lĩnh vực bao gồm hóa chất, công nghiệp nặng và công nghệ thông tin, đã đến Việt Nam khi quốc gia Đông Nam Á tìm cách tăng sức hấp dẫn của mình như một điểm đến đầu tư cho các công ty quốc tế.

Tại cuộc họp với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, ông Cho cho biết tập đoàn sẽ tăng đầu tư vào quốc gia này thêm 4 tỷ đô la, tạo ra khoảng 10.000 việc làm mới, theo thông tin công bố hôm 15/10 trên trang web của chính phủ Việt Nam được AFP trích dẫn.

Hyosung là đối tác FDI lớn thứ 3 của Hàn Quốc tại Việt Nam, sau Samsung và LG. Từ năm 2007, tập đoàn này đã đầu tư hơn 4 tỷ USD vào các lĩnh vực như công nghiệp nguyên vật liệu, dệt, hóa học, hệ thống điện…, và gần như các nhà máy ở Hàn Quốc của tập đoàn đều đã chuyển tới Việt Nam, theo VnExpress.

Khoản đầu tư mới công bố sẽ nâng tổng vốn đầu tư của tập đoàn tại Việt Nam lên gấp đôi, tới 8 tỷ USD.

Trong một tuyên bố do Hyosung gửi cho AFP, Chủ tịch Cho cho biết ông và ông Chính đã nhất trí “hợp tác trong nhiều lĩnh vực như đảm bảo chuỗi cung ứng giữa Hàn Quốc và Việt Nam, ứng phó với biến đổi khí hậu và… nền kinh tế số” trong 30 năm tới.

Việt Nam trong nhiều năm qua được biết đến là quốc gia có chi phí thấp về sản xuất quần áo, giày dép và đồ nội thất và nay đang muốn nhanh chóng tăng vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong những tuần gần đây, một số công ty lớn đã công bố đầu tư vào quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Meta, công ty mẹ của Facebook, và Space X của tỷ phú Mỹ Elon Musk.

Việt Nam hiện đang đặc biệt quan tâm đến việc phát triển năng lực về ngành sản xuất bán dẫn, trong bối cảnh các cú sốc về chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian qua và lo ngại về sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào Trung Quốc đã thúc đẩy khuynh hướng đầu tư vào quốc gia này.

Tập đoàn Hyosung cho biết sẽ đầu tư vào một nhà máy sản xuất công nghệ sinh học và một cơ sở sản xuất sợi carbon với tổng vốn đầu tư là 1,3 tỷ đô la tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trang tin chính phủ Việt Nam được AFP trích dẫn cho biết thêm.

Chủ tịch Cho cũng tiết lộ rằng Hyosung đang làm việc với Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) để thu hút các nhà đầu tư cho các dự án tại Việt Nam của mình bằng cách mời các đối tác của ADNOC tham gia.

Thủ tướng Chính đã hoan nghênh sự hợp tác giữa Hyosung và ADNOC, bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn của chính phủ đối với những nỗ lực chung của họ tại Việt Nam.

Truyền thông Hàn Quốc cho biết đây không phải là cuộc gặp đầu tiên giữa Chủ tịch Cho và Thủ tướng Chính. Trước đó, vào tháng 7, hai bên đã gặp nhau tại Hàn Quốc để thảo luận về các lĩnh vực tiềm năng cho hợp tác kinh doanh trong tương lai.

https://www.voatiengviet.com/a/7823125.html

CTN Tô Lâm: Việt Nam sẵn sàng đóng góp duy trì hòa bình ở Bán đảo Triều Tiên!

RFA
16/10/2024

CTN Tô Lâm: Việt Nam sẵn sàng đóng góp duy trì hòa bình ở Bán đảo Triều Tiên!

Ảnh minh họa: Thủ tướng Phạm Minh Chính chéo tay khi chụp ảnh cùng Tổng thống Hàn Quốc tại Hội nghị ASEAN hôm 10/10/2024 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Tô Lâm tiếp ông Chang Ho-jin, Cố vấn đặc biệt về Ngoại giao, An ninh của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hôm 15/10 trong khi căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên gia tăng. 

Trước đó, Triều Tiên đã cho nổ tung một phần các tuyến đường ở phía bắc Đường phân định quân sự, các tuyến đường xuyên biên giới này từng được coi là biểu tượng của sự hợp tác liên Triều. 

Tại buổi đón tiếp ở trụ sở trung ương Đảng, ông Tô Lâm bày tỏ cảm ơn Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã gửi điện thăm hỏi và hỗ trợ Việt Nam khắc phục những hậu quả của bão Yagi. 

Báo Chính phủ dẫn thông tin về cuộc gặp, cho biết Chủ tịch nước kiêm TBT Tô Lâm khẳng định Việt Nam coi Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình; đồng thời nhấn mạnh một số phương hướng lớn nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới phù hợp với khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hàn Quốc.

Nhấn mạnh đường lối nhất quán của Việt Nam trong những vấn đề lớn, quan trọng, ông Lâm khẳng định, Việt Nam luôn quan tâm và sẵn sàng đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên. 

Ông Chang Ho-jin cũng nêu các quan điểm, lập trường của Chính phủ Hàn Quốc, nhấn mạnh mong muốn thúc đẩy hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí về sự cần thiết của việc giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Trong khi đó ông Chang chuyển lời của Tổng thống Yoon Suk Yeol mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước sớm thăm Hàn Quốc. Ông Tô Lâm đề nghị các cơ quan liên quan của hai nước phối hợp trao đổi và thu xếp chuyến thăm vào thời gian phù hợp cho cả hai bên.

Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc khẳng định nước này coi Việt Nam là đối tác trọng tâm trong quá trình triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, hòa bình, thịnh vượng và Sáng kiến đoàn kết ASEAN – Hàn Quốc…

Bên cạnh hợp tác trên lĩnh vực chính trị – ngoại giao, Hàn Quốc coi trọng và mong muốn tăng cường và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, trong đó có các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng; đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh và phối hợp trên các vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-ready-to-contribute-into-peace-on-korean-peninsula-10162024053121.html

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam có còn xứng đáng để lãnh đạo đất nước hay không?

Trà My – Thoibao.de 

16/10/2024

https://i.ytimg.com/vi/Sj7-GOh37WM/hqdefault.jpg

Việc Thường trực Ban Bí thư Lương Cường bất ngờ sang Bắc Kinh, để yết kiến Chủ tịch Tập Cận Bình mới đây, đã cho thấy, lãnh đạo Cộng sản Việt Nam có thể bất chấp tất cả, chỉ để đạt được mục đích của họ. Họ sẵn sàng dựa vào ngoại bang để tranh giành quyền lực, thậm chí, sẵn sàng bán nước.

Bắt đầu bằng câu chuyện đầu năm 2024, hàng loạt nhân vật lãnh đạo cấp cao trong Đảng, thuộc hàng “Tứ trụ”, đua nhau ngã ngựa. Trước khi những kẻ này bị “bắt tận tay, day tận trán” về tội nhận hối lộ, thì họ đều là những lãnh đạo “trong sạch”.

Ngày 20/2/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vẫn hùng hồn phát biểu: “Ngoài lợi ích của nhân dân, thì Đảng ta không còn lợi ích nào khác”.

Nhưng chỉ sau đó hơn 1 năm, ngày 20/3/2024, ông Thưởng đã bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng và nhà nước, bao gồm cả chức Chủ tịch nước. Lý do, trong giai đoạn làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2011 đến năm 2014, ông Thưởng đã nhận hối lộ lên đến 64 tỷ đồng từ Tập đoàn Phúc Sơn, để xây dựng nhà thờ tổ ở quê nhà Vĩnh Long.

Hay như cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, một ứng viên cho chức vụ Tổng Bí thư ở Đại hội Đảng 14, cũng bị mất chức, do Thư ký riêng là ông Phạm Thái Hà, đã nhận hối lộ hàng ngàn tỷ đồng từ Tập đoàn Thuận An. Cũng như, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai – một người được đánh giá là “trong sạch nhất” trong Đảng – cuối cũng cũng bị “ngã ngựa”, vì đã nhận quà biếu là căn biệt thự sang trọng, có trị giá tới 2 triệu USD từ Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Lâm Đồng Trần Đức Quận.

Đó là lý do, mới chỉ hơn 3 năm đầu của nhiệm kỳ Đại hội 13, danh sách các uỷ viên Bộ Chính trị bị cho thôi chức, hoặc bị miễn nhiệm, đã gần một nửa. Danh sách những ủy viên Trung ương Đảng bị loại, đến đầu tháng 10/2024, lên đến 26 người, đây chỉ bao gồm những người liên quan đến việc bị kỷ luật do tham nhũng, không tính vì lý do sức khỏe.

Những nhân vật chóp bu, tai to mặt lớn bậc nhất trong Đảng, còn “ăn bẩn, ăn thỉu” như vậy, thì làm sao trách được các lãnh đạo cấp dưới?

Trở lại vấn đề đấu đá trong nội bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, thực tế cho thấy, mỗi người trong số họ đều sẵn sàng “cõng rắn, cắn gà nhà”. Chủ trương dựa hẳn vào Bắc Kinh để hạ bệ Tổng Bí thư Tô Lâm, là điều có thật.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao nội bộ Đảng lại xảy ra những hiện tượng bất thường và nghiêm trọng đến như vậy?

Cựu Thường trực Ban Bí thư Khóa 12 Trần Quốc Vượng đã để lại một phát biểu để đời, về sự tồn vong của Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo đó, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc, đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, ông Vượng nói:

“Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay, sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi.”

Cũng như, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói về đạo đức Cách mạng của đảng viên: “Đạo đức Cách mạng là sống trong sạch, không xa hoa, lãng phí, không hủ hoá, tham ô, không đặc quyền đặc lợi. Đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của nhân dân…”.

Theo Điều 4 Hiến pháp Việt Nam 2013, khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam, đối với nhà nước và xã hội. Có một câu hỏi mà công luận đặt ra cho Ban lãnh đạo Đảng nói chung, và Tổng Bí thư Tô Lâm nói riêng, đó là, lãnh đạo Đảng hiện nay là ai? Và họ có còn xứng đáng để nắm quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội, theo Điều 4 Hiến pháp quy định nữa hay không?

Trà My – Thoibao.de