Bắt nhóm Báo Sạch: mọi tiếng nói đối lập đang bị bóp nghẹt – Cao Nguyên

Share this post on:

2021-04-21

Hình minh hoạ. Một sạp báo trên đường phố Hà Nội và trang Facebook của Báo Sạch bị gạch chéo trên một trang blog thân Chính phủ

Reuters/ RFA edit

Vụ bắt giữ và khởi tố đối với ba nhà báo độc lập thuộc nhóm Báo Sạch vào ngày 20 tháng tư tiếp tục chuỗi bắt bớ, đàn áp những người lên tiếng chỉ trích chính sách của Nhà nước Việt Nam, tình trạng tham nhũng, bất công và tự nguyện tiến hành công tác xã hội tại Việt Nam.

Một số người hoạt động hiện đang ở Việt Nam bình luận với RFA rằng vụ bắt giữ này càng làm cho tình hình nhân quyền ở Việt Nam hiện nay “căng thẳng đến nghẹt thở”.

Ngày 20/4, ba nhà báo độc lập là Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Thanh Nhã và Nguyễn Phước Trung Bảo bị Công an Cần Thơ khởi tố và bắt tạm giam với lý do để mở rộng điều tra vì có liên can trong vụ án của nhà báo Trương Châu Hữu Danh.

Những người này đều bị khởi tố về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo điều 331 BLHS năm 2015 của Việt Nam.

Cả ba nhà báo vừa bị bắt cùng với ông Trương Châu Hữu Danh đều là thành viên Báo Sạch, một mạng báo độc lập không chịu sự kiểm duyệt của Nhà nước. Tuy nhiên, trang báo này đã biến mất khỏi Facebook trong khoảng thời gian nhà báo Trương Châu Hữu Danh bị khởi tố và bắt giam vào tháng 12 năm ngoái. Trước khi trang báo biến mất, Báo Sạch có khoảng 100.000 lượt thích trên Facebook.

Ba nhà báo của Báo Sạch vừa bị bắt giữ hôm 20/4/2021: (từ trái sang) Nguyễn Thanh Nhã, Nguyễn Phước Trung Bảo, Đoàn Kiên Giang.

Tình hình nhân quyền căng thẳng

Nhà hoạt động Nhân quyền Vy Yên chia sẻ quan điểm về vụ bắt bớ này trên trang Facebook cá nhân như sau:

“Lên tiếng trước các sai phạm của cơ quan công quyền, gây quỹ ủng hộ bác sĩ đợt dịch bệnh vừa lan tới Việt Nam, hỗ trợ nước ngọt cho bà con miền Tây những ngày hạn mặn, giúp đỡ một bà mẹ đi tìm công lý cho con – lẽ nào những việc làm như thế này, ở Việt Nam, được gọi là “lợi dụng các quyền tự do dân chủ?”

Ông Minh (đã đổi tên vì lý do an toàn), một người hoạt động ở Hà Nội nói rằng Điều 331 là một điều luật rất mơ hồ. Chính quyền dùng điều luật này để bắt các nhà báo cho thấy Việt Nam đang vi phạm nghiêm trọng về quyền con người:

“Ở thời điểm hiện tại thì tình hình đàn áp tự do ngôn luận trong nước rất căng thẳng. Căng gấp nhiều lần so với những năm trước. Bằng chứng là hàng loạt anh em đấu tranh trong nước bị bắt, đặc biệt là những nhà báo tự do có tư duy độc lập.

Hiện tại hầu hết anh em trong nước không có hoạt động gì cụ thể vì chỉ cần lên tiếng hoặc có một hành động nhạy cảm nào đó là lập tức bị bắt luôn.

Bản thân tôi và bạn bè thời gian vừa rồi cũng liên tục bị an ninh theo dõi. Mỗi khi có sự kiện gì nhạy cảm như xét xử vụ án Đồng Tâm đều bị canh.”

Ba nhà báo của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam tại phiên toà ở TPHCM hôm 5/1/2021: (từ trái qua) Nguyễn Tường Thuỵ, Lê Hữu Minh Tuấn, Phạm Chí Dũng. Những nhà báo này bị tuyên án tổng cộng 37 năm tù về tội tuyên truyền chống Nhà nước. AFP

Ông Quang (đã đổi tên vì lý do an toàn), một nhà báo độc lập đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) cho biết Chính quyền đang siết chặt các hoạt động nhân quyền trong nước, bóp nghẹt mọi tiếng nói đối lập. Theo ông, đây là thời điểm căng thẳng nhất trong gần 10 năm trở lại đây:

“Dường như là mọi không gian đều bị bóp nghẹt. Tôi tham gia (hoạt động nhân quyền – PV) chắc cũng 7-8 năm rồi nhưng chưa bao giờ tôi thấy có một thời điểm nào nó nghẹt thở đến như vậy. Tôi cảm thấy là dường như mình không thể lên tiếng được điều gì.

Sau khi họ bắt Phạm Đoan Trang, Nguyễn Thúy Hạnh và nhóm Báo Sạch này. Cho nên cảm giác dường như không gian của tiếng nói độc lập dường như cô lập 100%.”

Nhà báo Phạm Đoan Trang là một người có nhiều bài viết và sách về các vấn đề chính trị và xã hội ở Việt Nam không được Chính phủ hoan nghênh. Cô bị bắt giữ vào tháng 10 năm ngoái. Bà Nguyễn Thuý Hạnh là một người hoạt động nhân quyền, sáng lập Quỹ 50k chuyên quyên góp tiền giúp đỡ các tù nhân lương tâm và gia đình họ. Bà Hạnh bị bắt giữ hôm 7/4 vừa qua.

Trước nhóm Báo Sạch, vào năm ngoái, chính quyền Việt Nam cũng bắt hàng loạt các nhà báo thuộc Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, một tổ chức không thuộc sự kiểm soát của chính quyền. Hồi đầu năm nay, 3 nhà báo thuộc hội này bao gồm Phạm Chí Dũng – Chủ tịch hội, Nguyễn Tường Thuỵ – Phó chủ tịch và Lê Hữu Minh Tuấn – Biên tập viên đã bị tuyên án tù tổng cộng 37 năm với cáo buộc tuyên truyền chống Nhà nước.

Quan điểm của các tổ chức Quốc tế

Ông Nguyễn Trường Sơn, người phụ trách vận động khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của tổ chức Ân xá Quốc tế lên tiếng với RFA chiều ngày 21/4 rằng Những cuộc bắt bớ này là sự sỉ nhục trắng trợn vào các nghĩa vụ nhân quyền của Việt Nam.

“Chúng tôi vô cùng quan ngại trước các báo cáo cho biết đã có thêm ba nhà báo độc lập bị bắt chỉ vì thực hiện công việc của họ. Trong năm qua, Việt Nam nổi lên bởi các cuộc tấn công  liên tục của chính quyền nhắm vào các nhà báo và các hiệp hội nhà báo độc lập.

Trong thời gian gần đây, các nhà báo và tác giả độc lập chính là mục tiêu của sự đàn áp, với hàng loạt vụ bắt giữ và truy tố, bao gồm Nhà xuất bản Tự do và Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Bây giờ, các nhà báo của nhóm Báo Sạch là những nạn nhân mới nhất trong chuỗi bắt bớ này của chính phủ.

Chúng tôi kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho các nhà báo Nguyễn Phước Trung Bảo, Nguyễn Thanh Nhã, và Đoàn Kiên Giang, cùng với tất cả các nhà báo, người bảo vệ nhân quyền và những người chỉ trích chính quyền khác, hiện đang bị giam giữ một cách bất công. Việt Nam phải chấm dứt chiến dịch đàn áp bất đồng chính kiến ngày càng sâu rộng trước cuộc ngay bầu cử Quốc hội.”

Trang Facebook của Báo Sạch bị gạch chéo được đăng trên một blog. Blog Người Đưa Tin

Ngày 10/4, Đại diện cấp cao của Uỷ ban bảo vệ Ký giả (CPJ) tại khu vực Đông Nam Á, ông Shawn Crispin trả lời RFA qua ứng dụng tin nhắn rằng CPJ quan ngại về các vụ bắt giữ nhà báo gần đây tại cơ quan truyền thông nhà nước và kêu gọi trả tự do cho họ:

“Trong quá khứ, hành vi sách nhiễu như vậy đối với các phóng viên nhà nước là phản ánh sự đấu đá trong nội bộ Đảng Cộng sản, với việc một phe phái tiết lộ cho các phương tiện truyền thông cùng phe với mình về chuyện tham nhũng hoặc tội ác của phe khác, nhằm đạt được lợi thế chính trị. Đặc biệt là trong cuộc chạy đua trước Đại hội Đảng.

Quan điểm của chúng tôi là không nên sử dụng và lạm dụng các nhà báo trong trò chơi chính trị  tồi tệ này. Họ nên được phép đưa tin mà không phải lo sợ bị trả thù.

Các nhà báo ở Việt Nam nên được phép thực hiện vai trò kiểm tra và cân bằng của mình mà không bị buộc tội chống nhà nước hay bị đe dọa bỏ tù.

Tình trạng tham nhũng tràn lan trong Đảng Cộng sản Việt Nam, như chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã thừa nhận. Các phóng viên nên được phép điều tra và đưa tin về những hành vi sai trái và tham nhũng trong Đảng, bất kể nguồn của thông tin hay nó có dính dáng đến quyền lực của các chính trị gia.”

Trong cùng ngày Chính quyền tiến hành bắt giam ba nhà báo độc lập, Tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) cũng công bố bảng xếp hạng Tự do báo chí năm 2021. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 175 trên tổng số 180 quốc gia được xếp hạng. Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam xếp ở vị trí này, đứng trên Trung Quốc nhưng ở dưới Lào.

Theo RSF, Chính phủ Việt Nam củng cố kiểm soát nội dung mạng xã hội trong khi tiến hành một làn sóng bắt bớ những nhà báo độc lập hàng đầu trước khi tiến tới Đại hội Đảng vào tháng giêng năm 2021. Trong số này có cô Phạm Đoan Trang, người được RSF trao giải Tác Động hồi năm 2019.

Các hoạt động của Báo Sạch

Cả bốn thành viên nhóm Báo Sạch đã lên tiếng, đấu tranh trong nhiều sự kiện xã hội khác nhau. Điển hình là ông Trương Châu Hữu Danh nổi tiếng trên mạng xã hội từ sau vụ chống BOT bẩn ở Cai Lậy, Tiền Giang hồi năm 2017.

Sau đó, ông Danh cùng những người bạn sáng lập Báo Sạch, cùng nhau lên tiếng cho nhiều sự kiện xã hội khác nhau như vụ án tranh chấp đất giữa chính quyền và người dân ở Thủ Thiêm (TPHCM), Đồng Tâm (Hà Nội)… Đây là các vụ án tranh chấp đất đai dẫn đến cưỡng chế, thậm chí đổ máu như ở Đồng Tâm vào tháng 1 năm 2020 và khiến nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế phải lên tiếng quan ngại, đặt câu hỏi về tính minh bạch.

Các phóng viên nên được phép điều tra và đưa tin về những hành vi sai trái và tham nhũng trong Đảng, bất kể nguồn của thông tin hay nó có dính dáng đến quyền lực của các chính trị gia. – Shawn Crispin, đại diện CPJ

Đặc biệt, Báo Sạch cập nhật thông tin liên tục, tìm và phân tích lại các bằng chứng để đấu tranh cho sự sống của tử tù Hồ Duy Hải. Ông Hồ Duy Hải và gia đình đã kêu oan suốt 12 năm qua trong một vụ án giết người và cướp của mà từ khâu điều tra đã có nhiều sai sót.

Mạng báo VnExpress dẫn nguồn tin riêng từ Bộ Công an cho biết Cơ quan an ninh điều tra Công an Thành phố Cần Thơ giám định 31 bài viết trên trang cá nhân của Facebooker Trương Châu Hữu Danh, kết quả xác định nội dung, hình ảnh lồng ghép trong các bài viết kèm nhiều bình luận tiêu cực, một chiều “thể hiện rõ mục đích chống phá, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước, ảnh hưởng uy tín lãnh đạo địa phương”.

Theo báo Nông Nghiệp, việc khởi tố và tạm giam thêm ba thành viên của nhóm Báo Sạch thực sự gây rúng động giới truyền thông. Bởi lẽ, trong ba đối tượng vừa bị bắt thì Nguyễn Phước Trung Bảo là con trai của một nhân vật khá nổi tiếng trong làng cầm bút và từng giữ chức vụ lãnh đạo một số cơ quan báo chí, xuất bản. Ông Trung Bảo cũng là một doanh nhân có nhiều cơ sở kinh doanh tại Đà Nẵng và Hội An.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/arrests-of-three-journalists-of-an-independent-journalism-group-dissents-are-gagged-04212021121112.html