Điểm tin thế giới ngày Thứ sáu 23 tháng 4 năm 2021 – Võ Thái Hà tóm lược

Share this post on:

Lãnh đạo 7 nước ASEAN cùng tướng Hlaing dự thượng đỉnh về khủng hoảng Miến Điện

Cờ ASEAN và các thành viên bên ngoài trụ sở Ban thư ký Hiệp hội, ở Jakarta, Indonesia. Ảnh chụp ngày 23/04/2021. REUTERS – WILLY KURNIAWAN

Thượng đỉnh ASEAN tìm lối thoát cho khủng hoảng Miến Điện sẽ diễn ra ngày mai, 24/04/2021, tại Jakarta. Lãnh đạo 7 quốc gia ASEAN sẽ dự thượng đỉnh, cùng với tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo tập đoàn quân sự. Nhân dịp này, hôm nay 23/04, 45 tổ chức phi chính phủ thuộc các nước ASEAN gửi thư ngỏ, phản đối thượng đỉnh ASEAN mời lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện.

Reuters, hôm nay, 23/04, dẫn các nguồn tin ngoại giao ở Jakarta, cho hay, tổng cộng có bảy lãnh đạo ASEAN tham dự thượng đỉnh về khủng hoảng Miến Điện. Ngoài lãnh đạo nước chủ nhà Indonesia, còn có lãnh đạo các nước Brunei, Cam Bốt, Lào, Malaysia, Singapore và Việt Nam. Riêng hai nước Philippines và Thái Lan cử ngoại trưởng tham dự.

Thượng đỉnh ASEAN được coi là « nỗ lực phối hợp quốc tế đầu tiên » để thúc đẩy tháo gỡ khủng hoảng Miến Điện, bùng lên kể từ khi quân đội đảo chính lật đổ Quốc Hội và chính phủ dân cử. Các đàn áp của quân đội nhắm vào người biểu tình chống đảo chính khiến ít nhất 739 người chết cho đến nay. Cộng đồng quốc tế lo ngại nội chiến bùng nổ tại Miến Điện.

Theo tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, dự kiến đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện Christine Schraner Burgener sẽ có mặt ngày mai, tại Jakarta, bên lề hội nghị ASEAN, để phối hợp với các lãnh đạo ASEAN tìm lối thoát chính trị cho cuộc khủng hoảng. Đây sẽ là một trắc nghiệm quan trọng đối với khối ASEAN, vốn có truyền thống không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên, và hoạt động thông qua cơ chế đồng thuận. 

Dự án cứu trợ nhân đạo

Vẫn Reuters cho hay, Malaysia và Philippines cho biết ủng hộ một kế hoạch để chủ tịch ASEAN (Brunei) và tổng thư ký của khối, hoặc các đại diện của họ, đến Miến Điện. Một số nhà ngoại giao cho biết, ASEAN cũng đang xem xét đề xuất cử một phái đoàn cứu trợ nhân đạo đến Miến Điện, để cung cấp các phương tiện y tế giúp cho cuộc chiến chống Covid-19 và một số bệnh khác, cũng như thực phẩm cần thiết. Đây có thể là bước đi đầu tiên cho một kế hoạch lâu dài, « tạo môi giới cho đối thoại giữa tập đoàn quân sự và phong trào phản kháng ».

Hôm qua, tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc (PAM) cảnh báo, trong khoảng từ 3 đến 6 tháng tới, sẽ có thêm gần 3,4 triệu người lâm vào cảnh đói ăn tại Miến Điện, đặc biệt tại nhiều khu vực đô thị, do tác động cùng lúc của ba yếu tố, nạn nghèo đói sẵn có, đại dịch Covid-19 và khủng hoảng chính trị hiện nay.

45 tổ chức dân sự phản đối mời tướng Hlaing

Về thượng đỉnh ASEAN liên quan đến Miến Điện, 45 tổ chức dân sự thuộc các nước ASEAN gửi thư ngỏ, cực lực phản đối việc mời lãnh đạo tập đoàn quân sự Min Aung Hlaing tham dự hội nghị, bởi việc này sẽ khẳng định « tính hợp pháp của các cuộc tàn sát, diệt chủng do tập đoàn quân sự thực hiện chống lại chính công dân và nhân dân mình ».

45 tổ chức NGO ASEAN cũng kêu gọi khối mời đại diện của chính phủ lâm thời chống tập đoàn quân sự tham gia hội nghị. Theo nhóm NGO này, « các lãnh đạo ASEAN sẽ không thể đạt được bất cứ điều gì tại hội nghị thượng đỉnh này để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại, nếu không tham vấn và đàm phán với các đại diện hợp pháp của các dân tộc Miến Điện ».

Riêng tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, hôm nay, kêu gọi điều tra lãnh đạo tập đoàn quân sự, vì « tội ác chống nhân loại ».

Quân đội truy nã các thành viên « chính phủ đoàn kết dân tộc »

Về phần mình, chính quyền quân sự Miến Điện, hôm nay, đã ra quyết định truy nã 26 nhà hoạt động, bao gồm những người tham gia vào nội các của « chính quyền đoàn kết dân tộc » (GUN), vừa ra mắt hôm 16/04. Theo báo Nhật NHK, quân đội Miến Điện tìm cách khẳng định tính chính đáng của mình trước thềm thượng đỉnh ASEAN, bằng việc có thêm biện pháp tấn công giới lãnh đạo phong trào phản kháng.

Bà Harris đề nghị tiếp cận mới cho khủng hoảng biên giới

Khủng hoảng biên giới Mỹ-Mexico (ảnh: Youtube/DKN.TV).

Fox News hôm thứ Năm (22/4) đưa tin, phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, người được ông Biden bổ nhiệm xử lý cuộc khủng hoảng người di cư, trong một hội nghị bàn tròn về Tam giác phương Bắc (đề cập đến các quốc gia Trung Mỹ như Guatemala, El Salvador và Honduras) cho biết, vấn đề cơ bản là phải “giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, khiến người di cư rời khỏi khu vực đó”. 

Bà Harris mô tả biến đổi khí hậu, nghèo đói, an lương lương thực là một trong những nguyên nhân, đồng thời nhấn mạnh trọng tâm của bà là giải quyết các vấn đề ngoại giao liên quan đến khu vực hơn là cuộc khủng hoảng ở biên giới. 

Theo Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP), vào tháng 3, có khoảng 172.000 người di cư không giấy tờ bị bắt giữ ở biên giới Mỹ – Mexico, tăng 71% chỉ trong một tháng và là con số cao nhất trong 15 năm. Số trẻ em vượt biên không có người lớn đi kèm đã tăng gấp đôi, lên 18.890 trẻ từ tháng 2 tới tháng 3.

Đảng Cộng hoà cho rằng chính việc ông Biden đảo ngược chính sách nhập cư dưới thời chính quyền Trump là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng này.

Trước đó, vào ngày 23/3, Thống đốc tiểu bang Arizona – Doug Ducey trong bài phát biểu tại Đại học Arizona nói rằng phó Tổng thống Mỹ là “lựa chọn tồi tệ nhất có thể” cho việc xử lý vấn đề di cư ngày càng gia tăng ở biên giới Hoa Kỳ-Mexico.

Trong bài phát biểu ông nhấn mạnh rằng: “Bà ta không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy bà ta coi biên giới là một vấn đề hoặc một mối đe dọa nghiêm trọng”.

Hiện Arizona được xem là tiểu bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của khủng hoảng di dân.

Đổi cây lấy visa: Mexico đề nghị cấp quốc tịch Mỹ cho những người trồng rừng

Reuters

Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador.

Tổng thống Mexico, Andres Manuel Lopez Obrador, ngày 22/4 đề nghị chính phủ Mỹ cấp visa làm việc tạm thời và sau đó là quốc tịch Mỹ cho những ai tham gia chương trình trồng rừng mà ông hy vọng sẽ mở rộng đến Trung Mỹ.

Phát biểu trực tuyến tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Tòa Bạch Ốc, ông Lopez Obrador tuyên bố Mexico nhắm nới rộng chương trình “Gieo mầm sự sống” đến Trung Mỹ. Chương trình dấu ấn của chính quyền Lopez Obrador đang trồng 700.000 cây xanh, theo lời Tổng thống Lopez Obrador của Mexico.

Gọi đó “có thể là nỗ lực trồng rừng lớn nhất thế giới,” ông Lopez Obrador nói chương trình nhắm mục tiêu tạo ra 1,2 triệu công ăn việc làm và trồng thêm 3 tỉ cây xanh bằng cách mở rộng ra phía đông nam Mexico và Trung Mỹ.

Tại hội nghị thượng đỉnh hai ngày do Mỹ chủ trì với sự tham dự online của lãnh đạo 40 nước, ông Lopez Obrador nói Tổng thống Joe Biden “có thể tài trợ” cho việc mở rộng chương trình đến Guatemala, Honduras và El Salvador.

“Tôi xin đề nghị bổ túc, chính phủ Mỹ có thể ban cho những ai tham gia chương trình một điều là sau khi gieo trồng trên đất của họ ba năm liên tiếp, họ có thể có được visa làm việc tạm thời tại Mỹ,” ông Lopez Obrador nói.

“Và thêm ba hay bốn năm nữa, họ có thể được cư trú tại Mỹ hay có song tịch,” Tổng thống Mexico đề nghị.

Tại hội nghị trực tuyến này, ông Lopez Obrador cũng cho rằng cơ hội của công nhân qua việc trồng cây là con đường tiềm năng để giải quyết cảnh đói nghèo đã khiến hàng triệu người rời bỏ Mexixo và Trung Mỹ trong những năm gần đây.

TIÊU ĐIỂM

Hệ thống bệnh viện Ấn Độ thiếu oxy y tế trầm trọng

Ấn Độ bắt đầu ghi nhận hơn 300.000 ca covid-19 mới hàng ngày từ thứ Tư – một kỷ lục thế giới – trong khi đồ thị dốc đứng cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn phía trước. Làn sóng đầu tiên với mức đỉnh hàng ngày gần 100.000 ca hồi tháng 9 giờ đây nghe như một kỷ niệm đẹp. Thống kê có khoảng 2.100 bệnh nhân Ấn Độ đã chết trong hôm qua, nhưng với việc thi thể nằm chất đống ở các nhà hỏa táng thì rõ ràng con số thực còn lớn hơn nhiều.

Thực ra bản thân virus đã trở nên dễ lây lan hơn — và có lẽ cũng gây chết người nhiều hơn. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa sự sống và cái chết là một hệ thống y tế đã sụp đổ. Một ví dụ tiêu biểu là tình trạng đột ngột thiếu oxy y tế. Các bang hiện đang tranh giành oxy với nhau và đổ lỗi cho chính phủ đã cho phép trục lợi xuất khẩu vật tư. Delhi đang cho vận chuyển hàng không các bình oxy hóa lỏng, đồng thời, theo chính quyền bang Haryana, cũng giành giật thêm từ các bang láng giềng. Và điều tồi tệ nhất là thiếu oxy tính bằng tuần chứ không phải chỉ vài phút.

ASEAN tổ chức thượng đỉnh bàn về Myanmar

Ngày mai ASEAN sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp tại Jakarta, thủ đô Indonesia, để thảo luận về cuộc khủng hoảng Myanmar. Quân đội nước này đã cướp chính quyền trong cuộc đảo chính hồi tháng 2 và kể từ đó đã giết chết hơn 730 người nhằm dập tắt biểu tình.

ASEAN thường không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các thành viên. Song họ đang tạo ra một ngoại lệ cho Myanmar. Với hàng nghìn người tị nạn chạy sang các nước láng giềng Ấn Độ và Thái Lan, cuộc khủng hoảng đang nhanh chóng trở thành một vấn đề mang tầm khu vực. Các cuộc đàm phán hiện tại chỉ mới bước đầu, với mục đích cuối cùng là thiết lập hòa bình. ASEAN hiện gặp rắc rối vì mời tổng tư lệnh Min Aung Hlaing mà không mời phe đối lập, một chính phủ đoàn kết dân tộc được thành lập bởi các chính trị gia vừa bị đảo chính. Nhưng nếu ASEAN mời họ, Tướng Min Aung Hlaing có thể đã từ chối tham dự. Đưa cả hai bên cùng vào bàn đàm phán là thách thức lớn nhất của ASEAN.

Tốc độ phục hồi của Nhật Bản bị kìm hãm bởi các đợt bùng dịch

Khi tỷ lệ lạm phát năm ngoái của Nhật Bản được công bố hôm nay, chính phủ cũng sẽ công bố tình trạng khẩn cấp lần thứ ba cho Tokyo và ba tỉnh khác để ngăn một đợt bùng dịch covid-19 mới. Sự kiện này nhắc nhớ chúng ta về ảnh hưởng của các đợt bùng dịch liên tục và việc triển khai vắc-xin chậm chạp lên tốc độ phục hồi kinh tế. Hiện niềm tin kinh doanh đã được cải thiện trong quý đầu năm, nhưng là nhờ sự phục hồi ấn tượng của các đối tác thương mại lớn nhất của Nhật. Triển vọng trong nước ảm đạm hơn, đặc biệt với những hạn chế mới đặt ra. Và dù Nhật Bản ghi nhận ít ca nhiễm và ca tử vong trên đầu người hơn Mỹ, đợt bùng phát mới nhất lại là do các chủng mới dễ lây lan hơn.

Đại dịch cũng đã làm tiêu tan tham vọng sớm nâng lạm phát lên mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Tại buổi họp bàn chính sách trong tuần tới, ngân hàng được cho là sẽ dự báo lạm phát duy trì quanh mức 1% trong năm 2023.

Biden sẽ xác nhận cuộc diệt chủng Armenia

Các sự kiện của hơn một thế kỷ trước vẫn còn đang làm căng thẳng mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ. Vào ngày mai tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ gọi các cuộc thảm sát và trục xuất người Armenia bởi quân đội Ottoman trong Thế chiến I làm hàng trăm nghìn người thiệt mạng là tội ác diệt chủng (24/4 là ngày kỉ niệm cuộc diệt chủng). Điều này sẽ khiến ông Biden trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên kể từ Ronald Reagan dùng thuật ngữ này để nói về vụ thảm sát người Armenia. Các tổng thống khác đã né tránh nhằm không chọc tức Thổ Nhĩ Kỳ, bên  luôn khăng khăng là không có cuộc diệt chủng nào cả.

Một thập niên trước, nếu thừa nhận cuộc diệt chủng sẽ gây hại cho mối quan hệ tương đối thân tình với một đồng minh chủ chốt. Nhưng giờ đây, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang có mâu thuẫn về một số cuộc xung đột khu vực cũng như về hợp tác quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga. Thay vì châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng mới, lời nói của ông Biden sẽ chỉ làm sâu sắc thêm một cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Có thể dự đoán các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phản đối dữ dội.

Chuyển hướng chiến lược, Anh tuyên bố cắt giảm 95% viện trợ cho Trung Quốc

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab (ảnh: Youtube/Good Morning Britain).

Ngoại trưởng Anh, Dominic Raab mới đây đã thông báo rằng Quỹ Viện trợ Trung Quốc của Anh năm nay sẽ cắt giảm 95%, xuống còn 90 triệu bảng Anh, điều này đánh dấu một sự thay đổi chiến lược của Vương Quốc Anh, theo Epochtimes.

Theo quy định của Anh, chính phủ nên sử dụng 0,7% thu nhập quốc dân để viện trợ nước ngoài. Tuy nhiên, trong đợt bùng phát vi rút viêm phổi Vũ Hán, nền kinh tế Anh đã bị ảnh hưởng nặng nề, vì vậy chính phủ đã quyết định hạ tỷ lệ này xuống 0,5%.

Về phân phối cụ thể, ông Raab xác nhận rằng viện trợ của Anh cho Trung Quốc đã bị cắt giảm 95%, chỉ còn lại 900.000 bảng, và số tiền này sẽ được sử dụng để hỗ trợ “xã hội cởi mở và nhân quyền” của Trung Quốc, và một phần ngân sách viện trợ là để thực hiện các giao ước trước đó.

Trong tổng ngân sách viện trợ 8,11 tỷ bảng Anh, Văn phòng Ngoại giao Anh đã trình bày chi tiết các khoản chi khác nhau, bao gồm 906 triệu bảng cho viện trợ nhân đạo. Được biết, số tiền này sẽ được tập trung vào các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nạn đói, bao gồm Yemen, Syria, Somalia và Nam Sudan.

Người quản lý tuyên truyền của tổ chức này, Danielle Boxall, cho biết: “Việc cắt giảm viện trợ cho Trung Quốc đã được Liên minh những người nộp thuế ở Anh hoan nghênh. Các dự án trước đây như Giúp Trung Quốc sản xuất gạo, v.v. là một sự lãng phí vô ích tiền đóng thuế của người dân”.

Iain Duncan Smith, cựu lãnh đạo của Đảng Bảo thủ, người bị ĐCSTQ trừng phạt, cho biết: “Đây là một khởi đầu đáng hoan nghênh. Tôi đặt câu hỏi tại sao chúng ta lại đang giúp đỡ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới”.

Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi “Liên minh người nộp thuế” và một phương tiện truyền thông lớn của Anh vào năm ngoái, viện trợ của chính phủ Anh cho Trung Quốc từ năm 2019 đến năm 2020 lên tới 81 triệu bảng Anh. Viện trợ chủ yếu là trồng lúa và kinh doanh. Tin tức này được công bố, đã làm dấy lên sự bất mãn của người dân Anh.

Úc giải thích lý do hủy thỏa thuận ‘Vành đai và Con đường’ của Bắc Kinh

Úc đã hủy thỏa thuận Vành đai và Con đường của Bắc Kinh vì lo ngại các thỏa thuận trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc được dùng nhằm mục đích “tuyên truyền”,

Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton nói với đài phát thanh địa phương hôm 22/4 rằng: “Chúng tôi không thể phê duyệt những loại thỏa thuận như thế này, vì chúng được sử dụng cho những lý do tuyên truyền, và chúng tôi sẽ không để điều đó xảy ra”.

Tuyên bố của ông Dutton được đưa ra một ngày, sau khi Ngoại trưởng Úc Marise Payne tuyên bố rằng, chính phủ sẽ phủ quyết quyết định của chính quyền bang Victoria về việc tham gia Vành đai và Con đường, mạng lưới cơ sở hạ tầng lớn mà giới chuyên gia cho là được Bắc Kinh sử dụng để tạo ra đòn bẩy tài chính và địa chính trị.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc hôm thứ Năm (22/4) ra tuyên bố, chỉ trích quyết định của Canberra là “phi lý và khiêu khích”, đồng thời cảnh báo nó sẽ chỉ gây thêm thiệt hại cho quan hệ song phương cũng như gây hại cho chính Úc.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc cho biết ông sẽ “rất thất vọng” nếu Trung Quốc trả đũa quyết định hủy thỏa thuận tham gia Vành đai và Con đường của nước này, song cũng cảnh báo Canberra “sẽ không dễ bị bắt nạt”.

Úc năm ngoái ban hành luật mới, cho phép chính phủ hủy bỏ bất kỳ thỏa thuận nào giữa chính quyền bang với nước ngoài được cho là đe dọa lợi ích quốc gia. Nhiều chuyên gia nhận định bộ luật mới này được dùng để nhắm tới Trung Quốc, và Canberra dường như cũng đang nhắm tới các Viện Khổng Tử của Trung Quốc trong các trường đại học.

Quan hệ giữa Bắc Kinh và Canberra đang xấu đi, khi hai chính phủ đang căng thẳng về thương mại, và cạnh tranh ảnh hưởng ở Thái Bình Dương. Canberra đã thực hiện một loạt động thái, để hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại quốc gia này, bao gồm cấm Huawei xây dựng mạng 5G, và thắt chặt luật đầu tư nước ngoài đối với các tập đoàn.

Úc cũng bất đồng với Trung Quốc về vấn đề Tân Cương, Hong Kong, và từng liên tục kêu gọi mở điều tra về nguồn gốc COVID-19. Trong khi đó, Trung Quốc đã áp thuế với loạt sản phẩm Úc, gồm rượu vang, lúa mạch và than đá. Nhiều người coi đây là động thái trừng phạt của Bắc Kinh, trước một lập trường ngày càng quyết đoán của Canberra.

Căn cứ hải quân Trung Quốc có thể tiếp nhận tàu sân bay

Đại tướng Stephen Townsend (ảnh: Youtube/U.S. Africa Command).

Căn cứ hải quân Trung Quốc tại Cộng hòa Djibouti ở Đông châu Phi đã được mở rộng và xây thêm cầu cảng, có khả năng tiếp nhận tàu sân bay của nước này, trang Business Insider cho hay.

Đại tướng Stephen Townsend, chỉ huy Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ (AFRICOM), nói trong phiên họp với Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ ngày 20/4 rằng: “Trung Quốc vừa mở rộng căn cứ quân sự ở Djibouti với việc xây thêm một cầu cảng lớn có thể hỗ trợ tàu sân bay nước này trong tương lai”.

Ông Townsend cho hay đây là căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên và duy nhất của Trung Quốc tại Châu Phi.

Trung Quốc thành lập căn cứ tại Djibouti, quốc gia ở vùng Sừng châu Phi, và khai triển lực lượng tại đây vào năm 2017. Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố họ thiết lập căn cứ này nhằm bảo vệ tốt hơn lợi ích hợp pháp của mình, chứ không tìm cách tăng cường hiện diện quân sự ở châu Phi.

Tuy nhiên, tướng Townsend nhận định căn cứ tại Djibouti đang trở thành “nền tảng để Trung Quốc phát huy sức mạnh trên khắp lục địa và vùng biển” của châu Phi, đồng thời nước này đang tìm kiếm các địa điểm có thể mở căn cứ khác.

Tờ Forbes hồi tháng 5/2020 công bố ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động mở rộng căn cứ của Trung Quốc tại Djibouti. Chuyên gia quân sự H.I. Sutton cho biết căn cứ có một cầu tàu dài khoảng 300 m, đủ khả năng “tiếp nhận tàu sân bay, tàu sân bay trực thăng và các chiến hạm cỡ lớn khác của Trung Quốc”.

Cộng hòa Djibouti giáp các tuyến đường thủy chiến lược và là nơi nhiều quốc gia đặt căn cứ quân sự, trong đó có Mỹ và Trung Quốc. Căn cứ của Mỹ mang tên Lemonnier chỉ cách cơ sở Trung Quốc vài km. Cựu đại tướng Thomas Waldhauser, từng giữ chức chỉ huy AFRICOM, năm 2017 cho biết việc căn cứ Mỹ gần cơ sở của Trung Quốc “gây ra một số lo ngại đáng kể về an ninh trong hoạt động tác chiến”.

Hồi năm 2018, tờ Wall Street Journal đưa tin binh sĩ Trung Quốc bị cáo buộc chiếu tia laser công suất cao nhằm vào phi công Mỹ bay qua Djibouti.

Tướng Townsend nói rằng: “Châu Phi là một trong những khu vực cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ. “Trung Quốc là mối quan tâm lớn, họ thật sự có mặt ở khắp nơi trên lục địa này. Họ đặt cược rất nhiều và chi rất nhiều tiền cho khu vực này. Họ đã xây dựng rất nhiều hạ tầng quan trọng”.