Quân đội Myanmar tung video cáo buộc bà Aung San Suu Kyi nhận hối lộ

Share this post on:

Vũ Dương | DKN

Bà Aung San Suu Kyi (ảnh: Youtube/BBC News).

Mục lục bài viết

Ngày 23/3, hãng tin Reuters cho biết chính quyền quân sự ở Myanmar đã chiếu video lời khai của cựu lãnh đạo thành phố Yangon – Phyo Min Thein, quan chức này thừa nhận đã nhiều lần đến thăm bà Aung San Suu Kyi cũng như đưa tiền cho bà “bất cứ khi nào cần”.

Ông Phyo Min Thein cho biết rằng ông đã từng đến thăm Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi nhiều lần và đưa tiền mặt cho bà cùng lời nhắn “bất cứ khi nào bà cần”. Ngoài tiền mặt, ông Thein còn khai từng đưa cho bà Suu Kyi vàng miếng và lụa. 

Chính quyền quân đội cũng công bố lời khai của thị trưởng thành phố Naypyitaw cáo buộc đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi có hành vi gian lận bầu cử bằng cách tạo thêm phiếu bầu, trong đó một thị trấn có số phiếu bầu tăng gấp ba lần.

Quân đội Myanmar cáo buộc bà Suu Kyi nhận hối lộ tiền, vàng

Trước đó, kênh truyền hình nhà nước Myanmar MRTV ngày 17/3 phát sóng thông tin về việc doanh nhân, nhà phát triển bất động sản Maung Weik thừa nhận từng đưa cho bà Suu Kyi 550.000 USD một cách bất hợp pháp vào năm 2019 và 2020. Khi đó, bà Suu Kyi đang giữ chức Cố vấn nhà nước Myanmar, theo Bloomberg.

Ngày 11/3, người phát ngôn quân đội Myanmar Zaw Min Tun cáo buộc bà Suu Kyi nhận hối lộ 600.000 USD và 11kg vàng trị giá khoảng 627.905 USD, theo hãng tin BBC News. Đây được xem là cáo buộc nghiêm trọng nhất nhằm vào bà Suu Kyi kể từ khi đảo chính nổ ra, vì trước đó, chính quyền quân sự chỉ cáo buộc bà các tội tương đối nhẹ như vi phạm lệnh hạn chế dịch Covid-19, sở hữu trái phép thiết bị vô tuyến, phát tán thông tin “có thể gây hoảng sợ”, vi phạm Luật Quản lý Thảm họa Quốc gia.

Quân đội Myanmar đang mở cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào bà Suu Kyi, Tổng thống U Win Myint và nhiều bộ trưởng thuộc đảng NLD. Nếu bị kết tội tham nhũng, bà Suu Kyi hay ông U Win Myint có thể đối diện với án tù tối đa 15 năm, Bloomberg cho hay.

Quân đội Myanmar công bố 164 người biểu tình thiệt mạng

Cũng trong cuộc họp báo hôm nay 23/3, quân đội Myanmar xác nhận đã có 164 người biểu tình chết trong những xung đột bạo lực vừa qua.

Mặc dù thừa nhận con số thương vong này là một điều rất đáng tiếc, song quân đội Myanmar cũng cáo buộc những người biểu tình đã phá hoại nhiều tài sản công và kích động bất ổn trên diện rộng.

Đài Channel News Asiadẫn lời người phát ngôn chính quyền quân sự Myanamar, ông Zaw Min Tun, cho rằng phong trào biểu tình hiện nay là “tình trạng vô chính phủ”. “Người biểu tình đã phá hoại 5 tòa nhà chính quyền, 30 sở cảnh sát, 12 chốt cảnh sát, 5 tòa nhà công tại 30 thị trấn”, ông này nói.

“3 trường học, 1 cây cầu, 2 ngân hàng và máy ATM, một tháp viễn thông và một sở cứu hỏa bị phóng hỏa”, ông Min Tun tiếp.

Nguồn tin từ Reuters cho hay, người phát ngôn chính quyền quân sự Myanamar cũng nói tại cuộc họp báo rằng ông cảm thấy “rất tiếc vì cái chết của họ, vì họ cũng là những công dân của chúng ta”, và cho biết thêm đã có 9 thành viên trong lực lượng an ninh Myanmar cũng đã tử nạn.

Ông Zaw Min Tun cáo buộc các cuộc đình công và việc nhiều bệnh viện không hoạt động bình thường là nguyên nhân khiến nhiều người chết, trong đó có cả những trường hợp chết vì COVID-19, một điều ông này lên án là “không đẹp đẽ và phi đạo đức”.

Quân đội Myanmar tuyên bố tiếp tục hạn chế internet

Ngoài ra, người phát ngôn chính quyền quân sự cũng khẳng định, giới lãnh đạo quân sự nước này không có kế hoạch dỡ bỏ ngay lập tức các hạn chế trên mạng internet vì vẫn còn tình trạng kích động bạo lực thông qua các công cụ trực tuyến.

Ông Min Tun nêu rõ, điều quan trọng nhất đối với Myanmar hiện nay là pháp quyền và sự ổn định, vì vậy internet sẽ bị hạn chế trong “một khoảng thời gian nhất định”.

Ông cũng lưu ý thêm, quân đội tôn trọng các phương tiện truyền thông, đồng thời nhấn mạnh mặc dù việc đưa tin về các cuộc biểu tình được cho phép, nhưng việc lèo lái thông tin lại là một tội ác.

Theo DKN.TV