Lạm phát khu vực đồng Euro đã xuống mức thấp nhất trong 8 tháng qua

Share this post on:
Lạm phát khu vực đồng Euro đã xuống mức thấp nhất trong 8 tháng qua
Trụ sở của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trước cuộc họp báo về chính sách tiền tệ của khu vực đồng EUR sau cuộc họp của hội đồng quản lý của ECB tại Frankfurt am Main, miền Tây nước Đức, vào ngày 21/07/2022. (Ảnh: DANIEL ROLAND / AFP qua Getty Images)

 Bình luậnQuang Nhật • 19:01, 01/02/23

Sau tin tích cực về tăng trưởng GDP ước tính tăng 0,1% vào quý 4/2022, Khu vực kinh tế đồng tiền chung châu Âu đón nhận tin lạm phát giảm nhiều hơn kỳ vọng của thị trường, mức lạm phát của khu vực đã xuống thấp nhất trong 8 tháng qua.

Theo Trading Economics, dẫn nguồn tin từ Eurostat, tỷ lệ lạm phát tổng thể hàng năm (so cùng kỳ) của Khu vực kinh tế đồng tiền chung Euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng qua vào tháng 1/2023; đạt 8,5%.

Như vậy, tốc độ tăng lạm phát đã giảm thêm 0,7% từ mức 9,2% trong tháng 11 và tháng 12/2022. Mức giảm này nhiều hơn dự báo trước đó của thị trường là 9%.

Lạm phát tuy còn rất cao, nhưng dường như đã qua đỉnh thiết lập vào tháng 10/2022 là 10,6%.Trong khi lạm phát tổng thể bắt đầu giảm thì lạm phát lõi (cơ bản) của khu vực kinh tế chung Châu Âu vẫn ở mức cao kỷ lục, không thay đổi so với tháng trước đó (Nguồn: Trading Economics)

Cơ quan thống kê Eurostat đã phải trì hoãn việc công bố số liệu do các vấn đề kỹ thuật trong quá trình xử lý dữ liệu. Lạm phát giảm nhờ chi phí năng lượng giảm 0,9%. Chi phí lương thực, rượu và thuốc lá tiếp tục tăng cao (14,1% và 13,8%).

Số liệu lạm phát của khu vực kinh tế này chưa thực sự sáng sủa bởi lạm phát cơ bản (đã loại bỏ lương thực và năng lượng) vẫn đang ở mức cao kỷ lục trong tháng 1/2023, không hề giảm so với lạm phát tháng 12/2022 là 5,2% (so cùng kỳ); cao hơn nhiều so với mức lãi suất chính sách của Ngân hàng Trung ương Châu âu (ECB) hiện là 2,5%. Tức là mức lãi suất điều hành của ECB đang là lãi suất thực âm; chưa đạt được mức thực dương để kiềm chế lạm phát về lạm phát mục tiêu (2%) như ECB công bố.

Lạm phát cơ bản vẫn duy trì xu hướng tăng cao cho thấy giá cả hàng hoá phi lương thực và năng lượng đã thiết lập mặt bằng giá mới.

Diễn biến của lạm phát cho thấy ECB có thể còn tiếp tục tăng lãi suất chính sách nếu muốn đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%. Về cơ bản, ECB sẽ tiếp tục đi theo con đường mà Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) đã và đang đi.

Với việc lạm phát chưa được kiềm chế thành công, chính sách tiền tệ cần tiếp tục thắt chặt trong bối cảnh khối nợ công và tư của châu Âu đang ở mức kỷ lục có thể tạo ra sự suy giảm giá tài sản. Thực tế, tiêu dùng của châu Âu đang giảm mạnh trong 6 tháng qua (tháng 1/2023 giảm 2,8% so cùng kỳ) do gánh nặng lạm phát. Điều này khiến triển vọng kinh tế Khu vực kinh tế đồng tiền chung châu Âu năm 2023 tiếp tục ảm đạm.

Quang Nhật

Theo NTDVN.NET