1
Ban Biên tập Báo Quốc Dân giới thiệu:
Người lính già cô độc
Nguyễn Ngọc Hoa/SGN
Những Tích Tắc của Số Phận kể lại những câu chuyện mà tác giả đã trải qua, chứng kiến, hay nghe thuật lại trong khoảng thời gian quanh biến cố 30 Tháng Tư 1975, ngày đau thương nhất của đất nước trong lịch sử cận đại. Tập truyện không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử.
Tác giả dùng nhân vật xưng “tôi” như nhân chứng thuật lại chuyện xưa; nhân vật này không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự của bạn bè cùng thời. Mọi nhân vật khác đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào.
Tác giả Nguyễn Ngọc Hoa là bút hiệu của một kỹ sư hồi hưu. Tác giả sinh năm 1947 ở Quảng Bình, di cư vào Nam năm 1954, và hầu như lớn lên ở Huế. Học trung học ở Huế và Ban Mê Thuột; kỹ thuật điện ở Trung tâm Quốc Gia Kỹ thuật Phú Thọ, Sài Gòn; và điện tử và viễn thông ở Đại học Khoa học Sài Gòn. Ông là giảng viên vật lý và kỹ thuật điện tại một số đại học y khoa và kỹ thuật ở Sài Gòn trước 1975; sang Hoa Kỳ tỵ nạn năm 1975; định cư tại Bismarck, North Dakota; Lần lượt học quản trị xí nghiệp, quản trị công quyền, và kinh tế ở University of North Dakota; Làm chuyên viên kế hoạch cho một công ty tiện ích đến năm 2012 thì về hưu.
____________________________________________________________________________________
Hai giờ sáng ngày Thứ Hai, 10 tháng Ba năm 1975, Ban Mê Thuột bị tấn công và trưa hôm sau thất thủ. Tôi không biết điều này cho đến sáng Thứ Tư, khi tôi sắp kết thúc bài giảng Điện thuật ở giảng đường trên lầu hai trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Minh Đức. Thằng Thống hiện ra trước cửa lớp, không màng giữ kẽ trước mặt sinh viên như thường lệ, và la lớn,
-“Mẹ kiếp, mất cha nó Ban Mê Thuột rồi!”
-“Thật vậy sao?” tôi quay lại, tựa lưng vào bảng đen, và thẫn thờ buông viên phấn trên tay xuống bục gỗ.
-“Tối qua đài BBC loan tin, và sáng nay đài Phát thanh Sài gòn xác nhận nhưng bảo rằng quân ta đang nỗ lực phản công tái chiếm thị xã,” giọng bạn tôi đẫm nước mắt.
BBC là Công ty Phát thanh Anh quốc, phát thanh chương trình Việt ngữ vào lúc bảy giờ tối hàng đêm, và loan truyền tin tức đáng tin cậy hơn nguồn tin của chính phủ. Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho việc Việt Nam Cộng Hòa (“VNCH”) mất thêm một phần lãnh thổ vào tay Cộng sản hay bị thất bại nặng nề hơn, nhưng làm sao không sửng sốt ngẩn ngơ khi mà xứ BMT Buồn Muôn Thuở, Bụi Mù Trời, và Bé Mà Thương của tôi không còn nữa. Đó là thành phố tôi sống hai năm cuối cùng của thời trung học, in dấu bao nhiêu kỷ niệm của thuở học trò mới lớn. Đó cũng là nơi cư ngụ của chị Ngọc Liên chị dâu tôi và các cháu con anh Quang, anh lớn của tôi.
Anh Quang cưới chị Ngọc Liên sau khi tốt nghiệp trường Võ bị Quốc gia và đổi về Sư đoàn XX Bộ tư lệnh đặt tại Ban Mê Thuột. Anh tình nguyện chỉ huy toán thám báo chuyên hoạt động trong lòng địch, cuối hè 1970 bị địch sát hại sau hai năm tung hoành núi rừng cao nguyên, và để lại cho chị ba đứa con sinh năm một còn bé dại: thằng Dưỡng, thằng Hoàng, và con bé Mỹ Huyền.
Chị dạy học ở trường nữ tiểu học Nguyễn Công Trứ và đồng thời hăng hái hoạt động xã hội trong chức vụ Chủ tịch hội Quả phụ Tử sĩ tỉnh Darlac. Để giảm bớt gánh nặng cho chị, cha mẹ đưa thằng Dưỡng về ở với nội và mệ. Thằng bé năm nay tám tuổi, học lớp ba trường tiểu học Bắc Hải cạnh cổng trước của cư xá, là người duy nhất trong nhà được cha bày tỏ quan tâm hay săn sóc, và bữa ăn được ngồi ăn chung mâm với nội. (Cha ăn cơm riêng một mình ở nhà trên, mẹ và anh em tôi ăn ở nhà dưới – bao nhiêu năm nay vẫn thế.)
Như một cái máy, tôi xếp sách vở vào cặp và cùng thằng Thống bước xuống cầu thang về văn phòng tôi. Nó cay đắng tiếp tục,
-“Người ta đồn ông Thiện bỏ ngỏ Ban Mê Thuột để làm nư với thằng Mỹ cho nó xiêu lòng chi thêm quân viện trước khi miền Nam hết sạch súng ống đạn dược.”
-“Ông ta không ngu đến nỗi liều đánh nước bài tháu cáy đó,” tôi lắc đầu.
-“Cả một quân lực một triệu hai trăm ngàn quân thiện chiến đứng hàng thứ tư trên thế giới mà từ ông chóp bu, đến Tướng Khâm cầm đầu chính phủ và Bộ Quốc phòng, Tướng Văn cầm đầu quân lực, và Tướng Phán cầm đầu quân đoàn đều bị thằng Việt Cộng qua mặt cái ào, lừa một cú ngon ơ. Nó dùng kế nghi binh, hô lên đánh lấy Pleiku là nơi đặt bộ tư lệnh quân đoàn, làm cha con ùn ùn kéo hết quân về giữ, để trống Ban Mê Thuột cho nó xơi tái. Mày nghĩ có tức không?”
-“Mày đừng tin lời bàn Mao Tôn Cương của BBC mà kết luận vội vàng, tội nghiệp ông Thiện. Bọn BBC lắm lúc cũng thiên vị ‘phe bên kia,’ lời bình luận bình loạn của nó chắc gì đã đúng?”
Mao Tôn Cương sống dưới thời nhà Thanh ở Trung Hoa là người đã hiệu đính, chú thích, và phê bình bộ truyện Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa tục truyền do La Quán Trung đời nhà Minh thu thập và biên soạn. “Lời bàn Mao Tôn Cương” là phần phê bình của ông in ở mỗi cuối chương sách và khi dùng trong cách nói mỉa chỉ lời bình luận ngoài lề có thêm các chi tiết không có thực cho câu chuyện hào hứng và hấp dẫn hơn.
Trên đường từ trường Khoa học Kỹ thuật Minh Đức về nhà, tôi gượng bình tĩnh, nhưng đầu óc rối beng và chưa nghĩ ra làm sao báo tin dữ cho mẹ và chị Ngọc Liên biết. Ba tuần trước, chị về Sài gòn chữa bệnh; chị xuống một mình, để hai đứa con nhỏ lại nhờ ông bà ngoại trông nom, và nằm trong bệnh viện Sùng Chính trên đại lộ Trần Hưng Đạo. Đó là bệnh viện tư, do bang Hẹ (Hakka) người Hoa đóng góp đất đai và tiền bạc và thành lập được vài năm nay. Nhưng tôi không phải lo lâu vì vừa dắt xe vào nhà, tôi thấy chị cùng với mẹ và Quỳnh Châu ngồi quanh bàn ăn trong nhà bếp ngóng đợi. Chị lẩy bẩy đứng dậy ôm tôi khóc,
-“Ba Hoa ơi, đêm qua trong nhà thương chị mơ thấy thằng Hoàng và con Huyền máu me đầy mặt. Sáng nay thằng Thoại em chị vào thăm và báo cho chị biết khu phố đối diện với chợ Ban Mê Thuột trên đường Y Jút đã trở thành bãi gạch vụn; nhà chị ở đó. Chị xin về nhà xem cha hay em có cách nào hỏi xem ba má chị và hai đứa nhỏ sống chết ra sao không.”
-“Chị ráng bình tâm. Gia đình mình ở hiền gặp lành, hai cháu và hai bác và gia đình sẽ không sao đâu,” nhưng tôi không tin điều mình nói.
“Có tin đồn chính phủ mình sẽ cắt vùng nớ giao cho phe bên tê thành một nước thứ ba, giống như kỳ chia cắt đất nước năm 54. Trời ơi, như rứa thì nhà mình làm răng gặp lại hai đứa nhỏ?” mẹ thút thít, mắt mẹ đỏ hoe.
Bỗng nhiên, trong bộ quân phục chỉnh tề, cha từ trên lầu bước xuống. So với sáng nay trước khi tôi ra khỏi nhà, trông cha già hẳn đi, và đôi mắt cha hõm vào sâu hơn. Cha đã từng cầm quân bảo vệ vùng cao nguyên, biết rõ vị trí và địa thế của từng ngọn núi, từng khu rừng, từng con suối, và từng buôn Thượng, và đánh Việt Cộng nhiều trận tan tác.
Cha góp phần xây dựng và phát triển Sư đoàn XX thành đoàn ó cao nguyên oai hùng, một thời làm cỏ hết Sư đoàn 320 Sao Vàng của Cộng sản. Cha được tôn vinh là “Anh hùng Vũng Rô” sau khi chỉ huy trận đánh và – lần đầu tiên trong cuộc chiến – bắt giữ hai chiếc tàu lớn chở đầy võ khí mang từ ngoài Bắc vào tại Vũng Rô. Đó là cái vịnh nhỏ cảnh trí xinh đẹp nằm dưới chân đỉnh đèo Cả giáp giới hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Cha cũng có lần tham gia chính trị và ứng cử dân biểu đơn vị Darlac nhưng không thành công. Cha chỉ tay vào mặt tôi sai khiến,
“Tao cần vào bộ Tổng Tham mưu ngay bây giờ.”
Từ ngày cha hồi hưu về Sài Gòn sau thời gian phục vụ ở Bộ Tư lệnh Quân khu II, tôi là tài xế của cha. Cha ngồi chễm chệ ở băng sau, phía bên phải, giống như thời giữ chức vụ hành chánh đứng đầu một tỉnh. Trong gia đình, mỗi lời nói của cha là luật là lệnh; từ nhỏ đến lớn, tôi nhận lệnh và thi hành mà rất ít khi (đúng hơn là chưa bao giờ) hỏi lại cha điều gì. Trước khi tôi ra ga-ra lấy xe, Quỳnh Châu đưa cho tôi cái túi nhỏ đựng chiếc bánh ú và lon Coca-Cola lạnh – bữa cơm trưa của tôi.
Tôi lái xe đưa cha vào Bộ Tổng Tham mưu gần phi trường Tân Sơn Nhứt, qua hai trạm kiểm soát an ninh, và cuối cùng đậu xe trước một tòa nhà lớn. Một sĩ quan cấp úy kính cẩn chào đón cha và hướng dẫn đi đâu đó. Tôi nhìn chiếc bánh ú nhưng không muốn ăn, uống hết lon Coca-Cola, mệt mỏi ngả đầu nhắm mắt dưỡng thần, và đọc nhẩm lời Phật dạy hiện lên trong trí,
Bàn tay không thương tích,
Có thể cầm thuốc độc.
Không thương tích, tránh độc,
Không làm, không có ác.
(Kinh Pháp cú 124 – Từ bản dịch của Thầy Thích Minh Châu)
Với bàn tay không thương tích, có thể nắm thuốc độc mà không bị nhiễm độc; với người không làm ác thì không bao giờ bị ác. Đó không phải là điều “ở hiền gặp lành” tôi buột miệng khuyên nhủ chị Ngọc Liên hay sao? Tin tưởng người thân ở Ban Mê Thuột sẽ “không có ác,” tôi thấy âu lo dần dần lắng dịu, thiếp đi dưới nắng chiều nóng bức, và choàng tỉnh dậy khi nghe tiếng mở cửa và đóng cửa xe đánh rầm của cha, “Thôi mình đi về.”
Sau bữa cơm tối, cha sai thằng Trọng (em út tôi) đi mua một xị đế rồi bắc ghế ngồi trước bao lơn uống một mình. Khi ngà ngà say, cha nói lớn tiếng, dường như muốn cho tôi nghe mà không làm trái với nguyên tắc không trò chuyện với con cái của cha,
-“Tao dành ra tám năm của đời binh nghiệp để bảo vệ Ban Mê Thuột; nó là cái rún của cao nguyên và có địa hình đặc biệt tạo ưu thế cho chiến tranh du kích. Tỉnh Darlac dựa trên Quốc lộ 14, chạy dài từ phía Nam là tỉnh Quảng Đức tiếp giáp với Vùng III Chiến thuật đến phía Bắc là hai tỉnh Phú Bổn và Pleiku. Phía Tây là dãy rừng già tiếp giáp với Cam-Bốt. Ngoài ra, quận Phước An của Darlac phía Đông Bắc Ban Mê Thuột nối cao nguyên và miền duyên hải tại thị trấn Khánh Dương trên Quốc lộ 21.”
Cha nốc thêm một ly rượu, giọng nói lè nhè,
-“Ngày còn là Đại úy đi học khóa chiến lược và chiến thuật ở trường Đại học Quân sự (bây giờ là trường Chỉ huy và Tham mưu), tao nghiên cứu tài liệu từ thời Pháp thuộc nói ‘muốn giữ cao nguyên phải giữ Ban Mê Thuột, và muốn giữ miền Nam phải giữ cao nguyên.’ Vậy mà tụi nó cả gan giao trọng trách cho mấy thằng hữu danh vô thực, có khác chi đem dâng miền Nam cho kẻ thù.”
Tôi giữ im lặng (có bao giờ tôi dám ngắt lời cha), nhưng cha biết tôi đang lắng nghe. Giọng cha nức nở,
-“Tao đã làm hết sức mình. Tao gặp mấy thằng cấp bậc cao nhất, lạy lục nó, năn nỉ nó, xin xỏ nó – biểu nó cho tao tái ngũ về Ban Mê Thuột cứu vãn tình thế, thân già này có chết cũng cam tâm. Vậy mà mấy thằng chó đẻ không chịu và cười khỉnh vào mặt tao.”
Mắt tôi cay xè, niềm thương cảm dâng tràn. Cha tôi, người lính già cô độc, sẵn lòng hiến thân mình và kinh nghiệm mấy mươi năm trận mạc để trả nợ núi sông, nhưng không được chấp nhận. Trong một phút xuất trần quên hẳn thực tế, tôi tưởng tượng đang cùng cha đối ẩm, nâng ly rượu nồng, và đọc lên bài hát cổ của Vương Hàn, “Lương Châu từ” hay khúc hát Lương Châu,
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi.
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
(Bồ đào rượu ngát chén lưu ly
Toan nhắp tỳ bà đã giục đi.
Say khướt sa trường anh chớ mỉa,
Xưa nay chinh chiến mấy ai về?)
Ngay trong giờ phút đó, Trung đoàn YY thuộc Sư đoàn XX vẫn tiếp tục chiến đấu và trấn giữ phi trường Phụng Dực cách Ban Mê Thuột tám cây số về phía Đông (Chỉ với một tiểu đoàn bộ binh và một trung đội pháo binh nhẹ, toán quân đơn độc anh dũng chống lại một lực lượng địch đông gấp chục lần và trang bị chiến xa và đại bác đủ loại trong suốt bảy ngày đêm. Trong số những anh hùng hy sinh cho đất nước hay bị giặc bắt trong trận này, có một số bạn cũ trường Trung học BMT của tôi.)
Hai hôm sau, đêm thứ Sáu 14 Tháng Ba, BBC loan tin Sư đoàn XX của cha không còn hiện hữu trên chiến trường, và thị xã Ban Mê Thuột và tỉnh Darlac không còn trên bản đồ hành chánh VNCH.
Tôi lịm chết giữa điệu buồn chất ngất
Thả hồn xuôi theo kỷ niệm xa mờ
Phút vị vong thắp lại nén hương thừa
Mà tưởng nhớ một thời xưa đã sống.
(Nguyễn Ðịnh – “Thời Gian”)
CÒN TIẾP
________________