Quê Hương tổng hợp
Nguyễn Ngọc Chu – Các “kỷ lục” này có giúp cho Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu ?
Thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới, tiềm lực quân sự mạnh nhất thế giới, nhiều phát minh sáng chế nhất thế giới, nhiều giải Nobel nhất thế giới – là những cái nhất thế giới mà bất cứ quốc gia dân tộc nào cũng mong muốn.
Nhưng “bánh chưng lớn nhất thế giớ”, “bánh tét nặng nhất thế giới”, “tô phở bò ăn liền lớn nhất thế giới”, “ram cuốn dài nhất thế giới” – là những cái “nhất thế giới” không mang lại danh giá và lợi ích cho bất cứ quốc gia dân tộc nào.
Những điều “nhất thế giới” kiểu này chẳng những không mang lại vinh hạnh mà còn gây ra sự nhạo cười.
Thống kê những điều “nhất thế giới” của Việt Nam, thì nhận thấy Việt Nam không đua tranh “nhất thế giới” về kinh tế, quân sự, khoa học, công nghệ, mà chú trọng ganh đua “nhất thế giới” ở lĩnh vực ăn uống và mua vui. Thật tai hại và xấu hổ nếu để cho các thế hệ trẻ Việt Nam hiểu nhầm rằng chính quyền đang cổ súy cho những cái “nhất thế giới” như vậy để sánh vai với các cường quốc năm châu.
Lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, lãnh đạo các tỉnh thành và bộ ngành nên có biện pháp chấm dứt các “kỷ lục” nhảm nhí, tốn kém đang xuất hiện mỗi ngày một nhiều hơn ở Việt Nam.
Ban Tuyên giáo Trung ương cũng không thể không để ý đến khuynh hướng tư tưởng thi đua sai lệch có hại này.
NGUYỄN NGỌC CHU 25.06.2023
Hai cha con đạo Phật giáo Hòa Hảo cùng mãn án sáu năm tù – 27/06/2023
Đạo Tràng Út Trung
26-6-2023
Hai cha con đạo Phật giáo Hòa Hảo cùng mãn án sáu năm tù — Cha về từ bệnh viện, con về từ trại giam.
[Đạo Tràng Út Trung, An Giang, ngày 26/6/2023] – Ngày 26/6/2023 ông Bùi Văn Trung (62 tuổi) được trại giam An Phước, tỉnh Bình Dương trả tự do tại bệnh viện Chợ Rẫy Sài Gòn, sau khi được mổ cấp cứu khối ung thư đại tràng trước đây 2 tuần. Cùng ngày, ông Bùi Văn Thâm (36 tuổi) được trả tự do tại trại giam Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu.
Hai cha con ông thuộc nhóm sáu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) độc lập, bị kết án tù vào năm 2018 với cáo buộc tội “Gây rối trật tự công cộng” và “Chống người thi hành công vụ”. Họ là hai trong 40 nạn nhân của vụ đàn áp Đạo tràng Út Trung vào năm 2017.
Bùi Văn Trung: Sức khoẻ bị suy giảm trầm trọng trong trại giam
Ông Bùi Văn Trung bị bắt vào ngày 26/6/2017 và sau đó bị kết án 6 năm tù. Sức khoẻ của ông bị suy giảm trầm trọng trong thời giam bị giam giữ: ông bị ung thư đại tràng giai đoạn IIa, răng bị rụng, mỗi hàm chỉ còn 4 cái, một mắt bị mù và mắt còn lại chỉ thấy mờ mờ.
Khối u đại tràng của ông đã được phát hiện khá trễ. Ban đầu trại giam An Phước chẩn đoán ông bị “rối loạn tiêu hóa nhẹ và đau bao tử”. Khi ông bắt đầu đi cầu ra máu vào ngày 6/5/2023, thì trại giam mới đưa ông đi bệnh viện nhưng chỉ chữa cho ông hết xuất huyết. Trại giam chỉ cho ông biết ông bị “xuất huyết bao tử” và giấu kín chẩn đoán là ông có “khối u đại tràng” và cần được phẫu thuật.
Ngày 31/5/2023 ông bị xuất huyết trở lại và được trại giam đưa vào điều trị 10 ngày ở bệnh viện tỉnh Bình Phước, là một bệnh viện không có đủ chuyên khoa và phương tiện để điều trị “khối u đại tràng”. Nhờ gia đình tranh đấu mạnh mẽ, ông Trung được chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy và được mổ cấp cứu khối ung thư đã to bằng quả cam sành vào ngày 12/6/2023.
Ngày 26/6/2023 ông được cho xuất viện về nhà để ổn định sức khoẻ trước khi được hóa trị.
Bùi Văn Thâm bị hành hạ dã man vì bất khuất không nhận tội
Ông Bùi Văn Thâm và cha bị bắt vào ngày 26/6/2017 và sau đó bị kết án 6 năm tù. Vì tòa dùng chứng cứ giả để kết án nên ông không nhận tội, không mặc đồ tù, không nhận cơm của trại giam, phản đối lao động cưỡng bức.
Những ngày bị giam ở Trại giam Thạnh Hòa, tỉnh Long An và Trại giam Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, là chuỗi dài những lần bị trả thù bằng hình thức tra tấn; biệt giam cùm chân; dùng tù đánh tù; cắt giảm thăm nuôi, lương thực, gọi điện thoại, không cho tiêm thuốc chống COVID có xuất xứ rõ ràng.
Nhờ có gia đình kiên trì khiếu nại và tố cáo, và nhờ có sự can thiệp của người bảo trợ là dân biểu Đức Martin Patzelt, cũng như của cộng đồng quốc tế nên trại giam đã giảm bớt các sách nhiễu và hành hạ ông.
Vụ đàn áp Đạo Tràng Út Trung vào năm 2017
Ông Trung và ông Thâm 2 lần chịu án tù oan sai. Lần trước, vào năm 2012, ông Trung bị kết án 4 năm tù, ông Thâm bị 2 năm rưỡi tù cũng vì đã đứng ra bảo vệ quyền tự do tôn giáo cho Đạo Tràng Út Trung.
Ông Bùi Văn Trung là chủ Đạo Tràng Út Trung ở ấp Phước Hòa, xã Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Vào ngày 19/4/2017, Đạo Tràng Út Trung mời đồng đạo đến tham dự lễ giỗ. Chiều hôm trước và hôm đó cảnh sát giao thông, công an và các đoàn thể thân chính quyền đã chặn xe để ngăn cản khoảng 40 tín đồ PGHH đến dự lễ. Những người mặc thường phục đã hành hung thô bạo các tín đồ khiến họ phải biểu tình phản đối. Tổng cộng có 8 tín đồ bị thương, 2 xe máy bị tịch thu, 2 tín đồ bị tịch thu giấy tờ xe.
Từ tháng 5/2017 chính quyền đã trả thù bằng cách hành hung gây thương tích, liên tục sách nhiễu và triệu tập thẩm vấn một số tín đồ PGHH tham dự lễ giỗ để khủng bố tinh thần của họ. Kể từ tháng 6/2017 chính quyền đã bắt giữ bốn tín đồ và ra quyết định khởi tố sáu tín đồ PGHH về tội “Gây rối trật tự công cộng” và “Chống người thi hành công vụ”.
Vào ngày 9/2/2018 TAND huyện An Phú đã tuyên án ông Bùi Văn Trung (6 năm tù), ông Bùi Văn Thâm (con trai ông Trung, 6 năm tù), ông Nguyễn Hoàng Nam (4 năm tù), bà Lê Thị Hồng Hạnh (3 năm tù), bà Bùi Thị Bích Tuyền (con gái ông Trung, 3 năm tù) và bà Lê Thị Hên (vợ ông Trung, 2 năm tù). Trong phiên xử vào ngày 24/5/2018 TAND tỉnh An Giang đã xử y án sơ thẩm.
Luật gia Nguyễn Bắc Truyển, một tín đồ PGHH, đã làm báo cáo vụ đàn áp ngày 19/4/2017 cho Liên Hiệp Quốc. Ông Truyển cũng bị bắt ngày 30/7/2017 và kết án 11 năm tù với cáo buộc “Hoạt động
Ông chủ người Nga điều hành đường dây cho vay nặng lãi tại Việt Nam
Hồng Dân
(VNTB) – Tối 26-6, ông Maksim Zubkov đã bị bắt giữ hình sự.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Maksim Zubkov (41 tuổi, quốc tịch Nga) về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Hồ sơ vụ án bước đầu cho biết, Maksim Zubkov là người quản lý, điều hành 6 công ty gồm: Công ty TNHH Phúc Lộc Thọ, Công ty TNHH Gofingo, Công ty Infobot, Công ty Infinity, Công ty Solution Lab, Công ty Bảo Tín Kim Long, để hoạt động cho vay tiền qua trang web senmo.vn, thantaioi.vn và caydenthan.vn.
Công ty TNHH Phúc Lộc Thọ, Công ty Bảo Tín Kim Long có ngành nghề kinh doanh chính là dịch vụ cầm đồ; Công ty Gofigo, Công ty Infobot, Công ty Solution Lab, Công ty Infinity có ngành nghề kinh doanh được cấp phép hoạt động gồm dịch vụ tư vấn quản lý, trừ tư vấn tài chính, kế toán, pháp luật, kiểm toán, dịch vụ pháp lý. Tất cả những công ty này cùng có văn phòng làm việc tại tòa nhà Thủy Lợi 4, số 102 Nguyễn Xí, phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Cả 6 công ty kể trên đều cho vay nặng lãi với lãi suất 2.555%/năm.
Theo điều tra, liên tiếp trong nhiều ngày trung tuần tháng 12/2022, nhóm điều tra viên đã đặt lệnh vay qua ứng dụng “Senmo” trên điện thoại và được chấp nhận khoản vay 500.000 đồng. Sau 5 ngày, số tiền phải trả là 570.000 đồng, tương đương lãi khoảng 1.000%/năm.
“Senmo” thuộc quản lý của Công ty TNHH Gofingo được thành lập vào tháng 2/2019 tại số 102 Nguyễn Xí, phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM do ông Maksim Zubkov làm giám đốc. Mã số thuế là 0315529414. Vốn điều lệ là 2 tỷ đồng. Ngành nghề chính là tư vấn quản lý. Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, doanh nghiệp thuộc quốc gia Lithuania.
Địa chỉ trên là một tòa cao ốc. Bảo vệ trực bên ngoài xác nhận không biết công ty này, nếu cần thì gọi điện thoại cho người cần gặp. Quan sát bảng đăng ký thông tin doanh nghiệp hoạt động tại tòa nhà, người ta không thấy bảng hiệu nào có chữ “Gofingo”. Tuy nhiên, phía bên dưới ngoài cùng của góc bên phải có bảng hiệu vỏn vẹn 4 chữ: “Cầm đồ Nguyễn Xí”.
Đối tác giải ngân của Công ty TNHH Gofingo là Công ty TNHH Dịch vụ Phúc Lộc Thọ được thành lập vào tháng 12-2018, tại số 128 Chu Văn An, phường 26, quận Bình Thạnh, do bà Nguyễn Thị Minh Đức là Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Trần Minh Khôi làm Giám đốc. Mã số thuế là 0315439665. Vốn điều lệ 200 triệu đồng. Hoạt động kinh doanh cầm đồ. Tuy nhiên, địa chỉ này “Đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại”.
Theo hợp đồng vay, Senmo thể hiện địa chỉ kinh doanh tại số 211 Quốc lộ 13, phường 26, quận Bình Thạnh. Đây là một căn nhà, bên dưới có chức năng trung chuyển hàng hóa đi trong nước, không biển hiệu nào gắn ở đây. Một người trực bên dưới tòa nhà cho biết, các tầng bên trên không có doanh nghiệp hoạt động mà chỉ dùng làm cho thuê phòng trọ.
Đối với hoạt động cho vay, khách hàng chỉ cần điền thông tin cá nhân theo mẫu trên trang web gồm: Họ tên, số điện thoại, số căn cước, số tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước, hình ảnh chính diện của bản thân gửi lên hệ thống. Mỗi khách hàng bắt buộc tạo tài khoản trên hệ thống senmo, thantaioi, caydenthan.
Khi người vay cung cấp đủ các thông tin trên, hệ thống sẽ cung cấp mật khẩu, tên đăng nhập cho khách hàng đăng nhập để kiểm tra khoản vay, thời hạn trả tiền, lịch sử thanh toán nợ, các hợp đồng do hệ thống tự xác lập khi vay tiền.
Bộ phận thẩm định sẽ kiểm tra thông tin người vay cung cấp bằng cách liên lạc lại khách hàng để kiểm tra, đối chiếu chính xác thì bấm lệnh chuyển lên hệ thống duyệt cho vay.
Hệ thống sau đó sẽ tự động thực hiện các thao tác khác để khách hàng nhận được tiền vay qua hình thức chuyển vào tài khoản ngân hàng đã đăng ký ban đầu. Đồng thời, hệ thống cũng tự động thành lập 3 hợp đồng điện tử, gồm: Hợp đồng cầm đồ, hợp đồng cung cấp dịch vụ, hợp đồng gửi giữ tài sản. Tất cả hợp đồng này lưu giữ trên hệ thống…
Ghi nhận về lời khai ban đầu của Maksim Zubkov thì Công ty TNHH Gofingo Việt Nam được thành lập bởi 2 tập đoàn có trụ sở tại nước ngoài. Từ tháng 7-2019, Maksim Zubkov được thuê làm đại diện pháp luật của Công ty Gofingo Việt Nam với mức lương 140 triệu đồng/tháng.
Maksim Zubkov chịu trách nhiệm quản lý, điều hành hoạt động cho vay tại 6 công ty nêu trên, trong đó có 3 công ty chịu trách nhiệm vận hành chính việc cho vay là Công ty Gofingo xây dựng và quản lý các trang web senmo.vn và thantaioi.vn; Công ty Infobot quản lý hệ thống hotline tư vấn và chăm sóc khách hàng vay tiền trên các nền tảng trang web trên; Công ty Phúc Lộc Thọ sẽ tiến hành giải ngân tiền vay cho khách hàng và thu hồi tiền vay của khách.
…Bên lề vụ án này, theo tìm hiểu của người viết thì còn nhiều công ty cho vay khác cũng đăng ký tên người quản lý là quốc tịch nước ngoài; như Công ty TNHH Sofi Solutions, có địa chỉ đăng ký tại số 397 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TP.HCM. Công ty này được Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM cấp phép hoạt động vào tháng 2-2019, do ông Janis Ozols làm đại diện. Mã số thuế là 0315524092. Ngành nghề kinh doanh chính là tư vấn quản lý. Vốn điều lệ gần 1,2 tỷ đồng.
DoctorDong được vận hành bởi Công ty TNHH MTV Tư vấn Tài Chính LGC, có địa chỉ tại toà nhà 27B Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM. Công ty này được Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM cấp phép hoạt động vào tháng 8-2015, do ông Andreev Artem làm Chủ tịch. Mã số thuế là 1201503076. Ngành nghề kinh doanh chính là tư vấn quản lý. Vốn điều lệ là 35,8 tỷ đồng.
Công ty Vạn An Phát có địa chỉ đăng ký tại số 234B Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Mã số thuế là 0313350073, do ông Vladimir Borisov làm Chủ tịch. Ngành nghề kinh doanh chính là dịch vụ cầm đồ. Vốn điều lệ là 101 tỷ đồng.
Website Vayvnd.vn thuộc quản lý của Công ty TNHH Capital Solution được thành lập tháng 6/2019, đăng ký tại địa chỉ số 81 Cách Mạng Tháng Tám, phường Bến Thành, quận 1. TP.HCM. Mã số thuế là 0315725722, do ông Eroshenko Nikita làm Giám đốc. Vốn điều lệ là 24,6 tỷ đồng.
Công ty TNHH Business Master tư vấn từ ứng dụng “Tiền Ơi” tại địa chỉ 21 Nguyễn Trung Ngạn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Công ty này Sở Kế hoạch đầu tư TP.HCM cấp phép thành lập vào tháng 4-2020 do ông Bilous Artem làm Giám đốc. Mã số thuế là 0316241530. Vốn điều lệ là 2 tỷ đồng…
“Phó thường dân” lừa từ thiện 5,6 tỷ bị tóm, nghệ sĩ ưu tú lừa từ thiện 14 tỷ được yên!
26/6/2023
Dùng danh nghĩa làm từ thiện để lừa tiền những nhà hảo tâm là tội lừa đảo, ai phạm vào tội này đều phải bị đưa ra trước pháp luật. Tuy nhiên, người nổi tiếng và có nhiều tiền, thường biết cách nhét tiền đúng chỗ, nên có khi bị tố lừa từ thiện, có bằng chứng rõ ràng, nhưng vẫn không sao. Bởi chế độ này là như vậy, nó là bộ máy công cụ, nên việc dùng tiền và quan hệ để mua lấy sự an toàn là hoàn toàn có thể.
Lòng tham dẫn con người đến với trò trục lợi từ thiện
Ngày 20/6, Hoàng Công Trường, 37 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP HCM, bị Công an thành phố Gia Nghĩa tạm giam để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Được biết, đầu năm 2021, Trường đăng Facebook những hình ảnh, bài viết về các hoàn cảnh khó khăn để kêu gọi từ thiện. Trong đó, có nội dung cần tiền giúp đỡ điều trị bệnh hiểm nghèo cho cháu bé ở huyện Đăk R’lấp. Nhiều người chuyển tiền ủng hộ cho Trường qua các tài khoản ngân hàng. Theo cảnh sát, với thủ đoạn trên, từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2023, gần 6.000 người trên cả nước đã chuyển cho Trường hơn 5,6 tỷ đồng. Số tiền này, Trường đã chiếm đoạt.
Lừa đảo thì phải bị tóm, đó là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, có người đặt câu hỏi, nghệ sĩ Hoài Linh nhận tiền từ nhà hảo tâm với con số 14 tỷ đồng, nhưng không phát từ thiện. Sự việc này đã có bằng chứng rõ ràng, nhưng cho đến nay, ông này vẫn không bị luật pháp sờ gáy. Phải chăng, vì danh xưng “nghệ sĩ ưu tú” mà ông nghệ sĩ hài này được miễn truy tố?
Thực ra, câu chuyện nghệ sĩ làm từ thiện rồi chiếm đoạt đầy ra đó, dân biết hết nhưng không dám lên tiếng, bởi bâu quanh các nghệ sĩ là hàng triệu người hâm mộ cuồng, chỉ cần nghệ sĩ đó hô một tiếng là fan cuồng sẽ ném đá tới tấp những ai dám bới móc thần tượng của họ. Đó là một loại quyền lực mềm của nghệ sĩ, nhiều người trong số đó ỷ lại những gì họ đang có và làm bậy.
Nghệ sĩ Hoài Linh với lùm xùm 14 tỷ nhưng vẫn bình yên
Việc bà Nguyễn Phương Hằng bóc phốt là cần thiết, dù bà phải trả giá bằng sự tự do của mình, nhưng nhờ tiếng nói bàn Hằng mà ông Võ Hoàng Yên không dám hành nghề lừa đảo nữa, nhờ tiếng nói bà Hằng mà các nghệ sĩ bẩn không dám trục lợi từ thiện nữa. Tuy nhiên, để triệt đi những lòng tham không đáy, thì chính quyền cần phải ra tay xử lý những trường hợp chiếm đoạt từ thiện.
Có người cho rằng, nghệ sĩ Hoài Linh làm giàu rất nhiều từ thị trường trong nước. Với lượng người Việt hải ngoại ít ỏi, họ không đủ để cho Hoài Linh làm giàu, nên ông đã về Việt Nam kiếm sống. Trước khi vụ từ thiện bị bà Phương Hằng phanh phui, Hoài Linh là cái tên hái ra tiền. Tuy hái ra rất nhiều tiền từ khán giả, nhưng có vẻ như ông vẫn chưa thỏa chăng?
Nghệ sĩ ưu tú là danh hiệu mà chính quyền Cộng sản đã trao cho nghệ sĩ Hoài Linh. Những người một lòng một dạ trung thành với chính quyền, thì họ gọi đó là “danh hiệu cao quý”, tuy nhiên, với đồng bào hải ngoại, đặc biệt là đồng bào người Việt vượt biên tị nạn Cộng sản, họ xem danh hiệu đó là chứng chỉ trao cho một nghệ sĩ làm “nô bộc” của chế độ. Và có lẽ vì thành quả phục vụ chế độ, mà nghệ sĩ ưu tú ém 14 tỷ đồng tiền từ thiện vẫn bình chân như vại.
Bản chất của của nền tư pháp này là bất công. Những ai có công với chế độ đều được ưu tiên. Thậm chí, bản thân người phạm tội chẳng có công trạng gì với chế độ, chỉ là cha người ấy có công (tức là loại con gia đình có công với Cách mạng), thì cũng được xét ưu ái. Một chế độ xét ưu ái như thế, thì về bản chất, nó không phải là nhà nước pháp quyền, nó sẽ không có công bằng.
Ngoài nghệ sĩ Hoài Linh thì còn nhiều nghệ sĩ khác cũng từng bị nghi ngờ biển thủ tiền từ thiện, nhưng chính quyền không hề nhúng tay vào. Sự trong sạch của xã hội chỉ có những người như bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện, còn chính quyền thì không bao giờ làm trong sạch xã hội. Họ chỉ bảo vệ chế độ mà thôi.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Công an Việt Nam: Hình ảnh 3 luật sư vụ Tịnh thất Bồng Lai đến Mỹ là ‘cắt ghép’
26/6/2023 – VOA Tiếng Việt
Luật sư Nguyễn Văn Miếng và Luật sư Đặng Đình Mạnh tại thủ đô Washington, D.C Hoa Kỳ hôm 16/6/2023. Ảnh: RFA.
Cập nhật thông tin cho báo chí về việc truy tìm ba luật sư bào chữa trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai, Công an tỉnh Long An hôm 26/6 cho biết họ chưa có thông tin chính thức về việc các luật sư đã sang Mỹ nên vẫn đang “khẩn trương truy tìm” 3 luật sư này, đồng thời khẳng định phần lớn hình ảnh các luật sư đang ở Mỹ là “cắt ghép từ các hình ảnh cũ”.
Trước đó, hôm 12/6, Công an tỉnh Long An ra quyết định truy tìm 3 luật sư đã tham gia bào chữa trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai với lý do các luật sư “không đến đến để làm việc” liên quan đến tin tố giác tội phạm từ Cục An ninh mạng sau khi đã được mời “nhiều lần”.
“Hiện Công an tỉnh đang khẩn trương truy tìm 3 người này”, VTC dẫn lời một đại diện Công an tỉnh Long An nói tại buổi họp báo ngày 26/6, đồng thời cho biết thêm sau thời gian phát thông báo, đến nay 3 luật sư trên chưa đến Cơ quan Cảnh sát điều tra để làm việc.
Các luật sư Nguyễn Văn Miếng (57 tuổi), Đào Kim Lân (56 tuổi) và Đặng Đình Mạnh (55 tuổi) là 3 trong số 5 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo trong vụ án “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 331 Bộ luật Hình sự, ở Tịnh thất Bồng Lai hay còn gọi là “Thiền am bên bờ vũ trụ” (tỉnh Long An), do ông Lê Tùng Vân đứng đầu.
Vụ án gây tranh cãi với nhiều cáo buộc được thay đổi trong quá trình điều tra và xử án đã gây ra nhiều nghi vấn và bất bình trong công luận.
Tòa án Việt Nam đã xử phạt ông Lê Tùng Vân 5 năm tù giam về tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân”. Năm thành viên khác trong vụ án này bị tuyên phạt từ 3-4 năm tù giam.
Sau khi bào chữa cho các bị cáo trong vụ án, các luật sư tham gia lần lượt bị cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An triệu tập vào tháng 3/2023 và tháng 4/2023 với cáo buộc đưa ra từ Cục an ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao (A05) rằng các luật sư đã có hành vi phát tán lên không gian mạng các video, hình ảnh, lời nói, bài viết có dấu hiệu tội phạm về “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331, Bộ luật Hình sự.
Quyết định “truy tìm” 3 luật sư được cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An đưa ra sau khi cơ quan này xác định các luật sư không có mặt tại địa phương, “đi đâu, làm gì không rõ và không liên lạc được”. Hai luật sư còn lại là LS. Ngô Thị Hoàng Anh và LS. Trịnh Vĩnh Phúc được cho biết đã đến làm việc theo giấy triệu tập của cơ quan cảnh sát điều tra.
Vào ngày 16/6, VOA được biết các luật sư và gia đình đã đến Mỹ “an toàn”, kết thúc những tháng ngày lẩn trốn do bị Công an tỉnh Long an truy tìm.
“Chuyến đi khá bất ngờ trong một thời gian quá ngắn”, luật sư Đào Kim Lân cho VOA biết qua tin nhắn. “Tôi đã ở một nơi rất an toàn nhưng còn sắp xếp một vài công việc trước khi chính thức bước vào cuộc sống mới”.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khi được VOA hỏi về việc ba luật sư nhân quyền Việt Nam đến Mỹ giữa lúc đang bị công an Việt Nam truy tìm, Bộ này nói với VOA rằng chính quyền Việt Nam chớ nên trả thù các luật sư.
“Hoa Kỳ khuyến khích chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền được xét xử công bằng như đã được đảm bảo theo luật pháp Việt Nam, bao gồm cả việc đảm bảo các luật sư bào chữa các vụ án hình sự có thể hành nghề tư vấn pháp lý một cách hiệu quả mà không sợ bị trả thù”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra ý kiến với VOA biết qua email vào tối 19/6.
Bộ Ngoại giao Mỹ không xác nhận cũng không bác bỏ việc ba luật sư đến Mỹ, nói thêm rằng “do những cân nhắc về quyền riêng tư, chúng tôi không chia sẻ thông tin về chuyến đi cá nhân đến Hoa Kỳ”.
Báo Thanh Niên hôm 26/6 dẫn một nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Long An nói rằng: “Chúng tôi cũng có nhận được thông tin 3 luật sư đang bị truy tìm là Nguyễn Văn Miếng, Đào Kim Lân và Đặng Đình Mạnh đã sang Mỹ, tuy nhiên phát hiện phần lớn hình ảnh từ các thông tin nói trên là cắt ghép từ các hình ảnh cũ”.
Tờ báo cũng dẫn lời một đại diện Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Long An khẳng định cơ quan này chưa có thông tin chính thức về việc các luật sư đã sang Mỹ.