Hoa Kỳ: Tối cao Pháp viện bác bỏ chương trình xóa nợ vay sinh viên của TT Biden 

Share this post on:

Matthew Vadum 

01/7/2023

Chánh án Tối cao Pháp viện John Roberts nói trong phiên đàn hặc tại phòng Thượng viện tại Tòa nhà Capitol Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 30/01/2020. (Ảnh: Truyền hình Thượng viện qua Getty Images) 

Hôm thứ Sáu (30/06), Tối cao Pháp viện đã bỏ phiếu với tỷ lệ 6 phiếu thuận–3 phiếu chống để bác bỏ kế hoạch gây tranh cãi của Tổng thống (TT) Joe Biden nhằm xóa nợ một phần các khoản vay sinh viên. 

Sáu thẩm phán thuộc phái bảo tồn truyền thống đã bỏ phiếu để bác bỏ chương trình trong vụ kiện được theo dõi sát sao này, trong khi ba thẩm phán thiên tả bỏ phiếu ủng hộ. 

TT Biden đã công bố kế hoạch này hồi tháng 08/2022 trong một hành động mà những người chỉ trích mô tả là một nỗ lực đáng ngờ về mặt Hiến Pháp nhằm giúp Đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11/2022. Văn phòng Ngân sách Quốc hội cho biết kế hoạch này có thể tiêu tốn khoảng 400 tỷ USD, nhưng Trường Wharton đã ước tính giá có thể vượt quá 1 ngàn tỷ USD. 

Chương trình hiện đã hết hiệu lực này sẽ hủy bỏ khoản vay gốc lên tới 20,000 USD cho mỗi người trong số 40 triệu người vay. 

Vài giờ sau khi phán quyết được đưa ra, ông Biden đã lên án phán quyết này trong buổi họp báo vào cuối buổi chiều tại Tòa Bạch Ốc. 

Có “hàng triệu người Mỹ ở đất nước này cảm thấy thất vọng và chán nản hoặc thậm chí hơi tức giận về phán quyết của tòa án hôm nay về khoản nợ sinh viên.” 

Mười sáu triệu người đã được chấp thuận để xóa nợ và “tiền thực sự sắp sửa được chi ra. Thế rồi các quan chức được bầu của Đảng Cộng Hòa và các lợi ích đặc biệt xen vào.” 

Tổng thống nói: “Họ nói không, không, theo đúng nghĩa đen là giật lấy hàng ngàn dollar tiền xóa nợ sinh viên từ tay hàng triệu người Mỹ sắp thay đổi cuộc đời mình.” 

“Phán quyết hôm nay đã đóng lại một con đường và giờ chúng tôi sẽ theo đuổi một con đường khác,” ông nói, đồng thời hứa hẹn sẽ xóa thêm nợ vay sinh viên. 

Hôm 28/02, Tối cao Pháp viện đã xét xử hai vụ kiện liên quan trực tiếp đến việc giải quyết chương trình này, án lệ TT Biden kiện Nebraska (hồ sơ tòa án 22-506) và Bộ Giáo dục kiện Brown (hồ sơ tòa án 22-535). 

Án lệ TT Biden kiện Nebraska bắt nguồn từ một vụ kiện của Arkansas, Iowa, Kansas, Missouri, Nebraska, và South Carolina chống lại chính phủ liên bang. 

Án lệ còn lại phát sinh từ một vụ kiện do hai người đi vay khởi kiện nói rằng Bộ Giáo dục đã từ chối một cách không chính đáng để cho họ có cơ hội tham gia vào quá trình thám vấn công chúng và rằng chắc hẳn họ sẽ thúc giục cơ quan này giảm nợ nhiều hơn. 

Trong án lệ TT Biden kiện Nebraska, Chánh án John Roberts đã viết bản ý kiến đa số của Pháp viện (pdf). Bản ý kiến này có sự đồng ý của các Thẩm phán Clarence Thomas, Samuel Alito, Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh, và Amy Coney Barrett. 

“Năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã thành lập chương trình xóa toàn diện nợ sinh viên đầu tiên, viện dẫn Đạo luật Cơ hội Trợ giúp Giáo dục Đại học cho Sinh viên năm 2003 (Đạo luật HEROES) để có thẩm quyền thực hiện.” 

“Kế hoạch này của Bộ trưởng đã hủy bỏ khoảng 430 tỷ USD số nợ trong khoản vay sinh viên liên bang, xóa hoàn toàn các khoản nợ của 20 triệu người vay và giảm số tiền trung bình mà 23 triệu người còn lại nợ từ 29,400 USD xuống còn 13,600 USD. … Sáu Tiểu bang đã khởi kiện, lập luận rằng Đạo luật HEROES không cho phép kế hoạch hủy bỏ khoản vay này. Chúng tôi cũng đồng ý với điều đó.” 

“Kế hoạch của Bộ trưởng đã ‘sửa đổi’ các điều khoản được trích dẫn [trong đạo luật] chỉ theo nghĩa giống như Cách mạng Pháp đã ‘sửa đổi’ địa vị của giới quý tộc Pháp — đã hủy bỏ địa vị đó và thay thế hoàn toàn bằng một chế độ mới,” ông Roberts nói, diễn giải một nhận xét mà ông đã đưa ra trong các cuộc tranh luận trực tiếp hôm 28/02. 

“Dựa trên một số tình huống hạn chế do Quốc hội chỉ định, Bộ trưởng đã mở rộng việc xóa nợ cho gần như mọi người vay trong nước,” vị chánh án nói thêm. 

“Ý nghĩa kinh tế và chính trị” của hành động của Bộ trưởng, người đã “tuyên bố có quyền kiểm soát ‘một phần đáng kể nền kinh tế Mỹ,’” là “đáng kinh ngạc về mọi mặt. …Hầu như tất cả người vay khoản vay sinh viên đều được hưởng lợi, bất kể hoàn cảnh nào.” 

Kế hoạch xóa nợ này sẽ có “‘tác động kinh tế’ gấp mười lần” mà chúng tôi nhận thấy là khá nhiều khi kết luận rằng một lệnh cấm đối với việc trục xuất ra khỏi nhà do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh thực hiện đã khởi phát sự phân tích theo học thuyết những câu hỏi trọng yếu,” ông Roberts viết. 

Theo học thuyết về các vấn đề trọng đại, khi diễn giải các đạo luật, các tòa án sẽ cho rằng Quốc hội không giao các vấn đề có tầm quan trọng lớn về kinh tế hoặc chính trị cho các cơ quan hành pháp như Bộ Giáo dục trừ phi tòa án này cho phép. Những người theo phái bảo tồn truyền thống ủng hộ học thuyết này như một cách để kiềm chế nhà nước hành chính (administrative state) và một nhánh hành pháp mà họ tin rằng có quá nhiều quyền lực. 

Tối cao Pháp viện đã đảo ngược phán quyết của Tòa án Địa Hạt liên bang cho Địa hạt phía Đông Missouri và tạm hoãn vụ án này “để tiến hành thêm các thủ tục phù hợp với ý kiến này.” 

Thẩm phán Barrett đã đệ trình một bản ý kiến ​​đồng tình dài 16 trang. 

“Học thuyết về các vấn đề trọng yếu có một vai trò quan trọng khi các tòa án xem xét hành động của cơ quan chính phủ có ‘tầm quan trọng về kinh tế và chính trị,’” bà viết, trích dẫn một tiền lệ. 

“Nhưng học thuyết này không nên được giải thích khác hơn — nguyên tắc quen thuộc là chúng ta không diễn giải một đạo luật bằng mọi cách khi một người có lý trí sẽ không đọc theo cách đó.” 

Thẩm phán Elena Kagan đã viết một bản ý kiến dài 30 trang bất đồng với bản ý kiến đa số trong án lệ TT Biden kiện Nebraska. Bản ý kiến này ​​​​được các thẩm phán Sonia Sotomayor và Ketanji Brown Jackson đồng ý. 

Bản ý kiến đa số viện dẫn “học thuyết về những vấn đề trọng đại được tạo ra để loại bỏ kế hoạch xóa các khoản vay của Bộ trưởng.” 

Bà Kagan viết: “Không có gì ngạc nhiên khi bản ý kiến đa số viện dẫn học thuyết này.” 

“Cách diễn giải luật ‘bình thường’ của bản ý kiến đa số không thể xác nhận cho phán quyết của họ. Luật này, được giải thích như trên bề mặt chữ, trao cho Bộ trưởng quyền hạn rộng rãi để giảm thiểu tác động của tình trạng khẩn cấp quốc gia đối với khả năng trả nợ các khoản vay sinh viên của người đi vay. 

“Bộ trưởng không làm gì hơn ngoài việc sử dụng quyền hạn được trao quyền hợp pháp đó. Vì vậy, bản ý kiến đa số áp dụng một quy tắc được thiết kế đặc biệt để loại bỏ hành động pháp lý quan trọng, bằng cách yêu cầu Quốc hội trao quyền không chỉ một cách rõ ràng mà còn cụ thể ở mức vi mô.” 

Trong án lệ thứ hai, Bộ Giáo dục kiện Brown, Thẩm phán Samuel Alito đã viết bản phán quyết đồng thuận của Pháp viện (pdf) bác bỏ yêu cầu của hai bên vay vì thiếu cơ sở pháp lý. 

Những người đi vay, những người không đủ điều kiện để được cứu trợ tối đa, đã lập luận rằng Bộ đã không tuân theo “các thủ tục bắt buộc được gọi là (1) xây dựng quy tắc được đàm phán và (2) thông báo và nhận xét.” 

Những người đi vay “không muốn xóa nợ theo Đạo luật HEROES mà họ cho là bất hợp pháp. Họ muốn xóa nợ theo [Đạo luật Giáo dục Đại học 1965, HEA].” 

Nhưng “không có điều gì mà Bộ trưởng làm đã tước đi của họ một ‘cơ hội’ để đạt được kết quả đó. Bởi vì những bị đơn này không thể kết nối một cách có ý nghĩa việc không được cứu trợ khoản vay theo đạo luật HEA với việc áp dụng Kế hoạch [xóa nợ theo Đạo luật HEROES], nên họ đã không chứng minh được rằng thiệt hại của họ hoàn toàn có thể truy nguyên được từ Kế hoạch đó.” 

Do bị đơn thiếu cơ sở pháp lý nên Tối cao Pháp viện đã hủy bỏ phán quyết của Tòa án Địa hạt liên bang cho Địa hạt phía Bắc của Texas và trả lại vụ kiện “với chỉ thị là bác bỏ.” 

Chương trình xóa nợ khoản vay được chứng minh bằng cách tham chiếu đến hai trường hợp khẩn cấp mà chính cựu TT Trump đã đã tuyên bố hồi tháng 03/2020 để chống lại đại dịch COVID-19. Tình trạng khẩn cấp quốc gia và tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đã cho phép các cơ quan liên bang thực thi quyền hạn rộng rãi trong việc quản lý hoạt động ứng phó với đại dịch của chính phủ. Tuy nhiên, TT Biden đã cho chấm dứt những tình trạng khẩn cấp đó từ hôm 11/05/2023. 

Chính phủ TT Biden đã tạm dừng các khoản thanh toán và lãi suất cho khoản vay sinh viên trong đại dịch vừa qua với chi phí ước tính khoảng 100 tỷ USD. Tuy nhiên, sau đó, hồi năm ngoái, chính phủ đã tuyên bố rằng đại dịch đã trao cho họ thẩm quyền khẩn cấp theo luật để tiến hành xóa nợ một phần khoản vay. 

Việc tạm dừng các khoản thanh toán này sẽ hết hạn vào mùa thu. Theo chính phủ, lãi suất bắt đầu lại vào tháng Chín và việc thanh toán các khoản vay tiếp tục vào tháng Mười. Khoảng 26 triệu người được cho là đã nộp đơn theo chương trình này trước khi các tòa án chặn chương trình đó vào năm ngoái. Trong tổng số đó, 16 triệu người được cho là đã được chấp thuận trước khi chính phủ ngừng nhận đơn. 

Bộ Giáo dục Hoa Kỳ đã tuyên bố có thẩm quyền theo Đạo luật HEROES để tiếp tục xóa nợ khẩn cấp. 

Nhưng các nhà lập pháp liên quan đến việc thông qua Đạo luật HEROES cho biết đạo luật này đã được ban hành sau vụ tấn công khủng bố 11/09 để xóa nợ vay sinh viên cho các quân nhân và gia đình của họ, chứ không phải để xóa nợ hàng loạt. 

Phiên bản ban đầu của luật năm 2001 cho phép bộ này xóa nợ do “tình trạng khẩn cấp quốc gia” liên quan đến một “cuộc tấn công khủng bố,” nhưng phiên bản năm 2003 đã loại bỏ điều kiện “tấn công khủng bố.” 

Đầu tháng này, ông Biden đã phủ quyết một dự luật của Quốc hội nhằm ngăn chặn chương trình này dựa trên hai trường hợp khẩn cấp mà chính phủ cựu TT Trump đã ban bố hồi tháng 03/2020 để chống lại đại dịch COVID-19. 

Tổng chưởng lý Nebraska Mike Hilgers, một thành viên Đảng Cộng Hòa, đã hoan nghênh phán quyết của Tối cao Pháp viện trong án lệ TT Biden kiện Nebraska. 

Phán quyết này đã “ngăn chặn nỗ lực ngoạn mục của Chính phủ TT Biden nhằm tóm lấy quyền lực … [và là] một lời nhắc nhở kịp thời rằng Tổng thống không phải là vua,” ông nói trong một tuyên bố. 

“Ông ấy cần phải phối hợp, và không được không kể gì đến Quốc hội. Tối cao Pháp viện tái khẳng định nguyên tắc tam quyền phân lập đã có từ khi lập quốc, và đã giúp bảo tồn nền tự do trong gần 250 năm qua. Và nhờ có phán quyết hôm nay, những người đóng thuế đã tiết kiệm được gần 500 tỷ USD.” 

Bà Abby Shafroth của Trung tâm Luật Người tiêu dùng Quốc gia cho biết phán quyết này là “vô cùng thất vọng.” 

“Điều đó là sai trái về mặt luật pháp và đe dọa an ninh tài chính của hàng triệu người Mỹ có thu nhập thấp đang phải đương đầu với khoản nợ vay sinh viên quá khả năng chi trả.”

Đa số theo phái bảo tồn truyền thống của Pháp viện “đã bỏ qua các tiền lệ hiện có và các giới hạn đã được thiết lập rõ ràng đối với thẩm quyền của Tối cao Pháp viện để cho phép các án lệ này được tiến hành” và sau đó “đã đảo ngược ngôn ngữ đơn giản của luật cho phép chương trình xóa nợ để tạo ra từ các giới hạn mới mơ hồ về thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Giáo dục để bảo vệ người đi vay trong trường hợp khẩn cấp quốc gia.”

Nguyễn Lê biên dịch

https://www.epochtimesviet.com