Võ Thái Hà tổng hợp
Mỹ cảnh cáo Triều Tiên phải ‘trả giá’ nếu cấp vũ khí cho Nga
06/9/2023 – Reuters
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, ngày 5/9/2023, kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các cam kết công khai không cung cấp vũ khí cho Nga.
Các cuộc đàm phán vũ khí giữa Nga và Triều Tiên đang tiến triển tích cực, một quan chức Mỹ cho biết ngày 5/9 và cảnh cáo nhà lãnh đạo Kim Jong Un rằng đất nước của ông sẽ phải trả giá nếu cung cấp vũ khí cho Nga để sử dụng ở Ukraine.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc rằng việc cung cấp vũ khí cho Nga “sẽ không tốt cho Triều Tiên và họ sẽ phải trả giá với cộng đồng quốc tế cho điều này”.
Trước đó, Điện Kremlin tuyên bố “không có gì để nói” về phát biểu của các quan chức Mỹ rằng ông Kim dự định tới Nga trong tháng này để gặp Tổng thống Vladimir Putin và thảo luận về việc cung cấp vũ khí cho Moscow.
Ông Kim kỳ vọng các cuộc thảo luận về vũ khí sẽ tiếp tục, kể cả ở cấp lãnh đạo và “thậm chí có thể là trực tiếp”, ông Sullivan nói.
“Chúng tôi tiếp tục siết chặt cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga”, ông Sullivan nói, và Moscow hiện đang “tìm kiếm bất kỳ nguồn nào họ có thể tìm thấy” đối với các loại hàng hóa như đạn dược.
Ông Sullivan nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các cam kết công khai không cung cấp vũ khí cho Nga vốn sẽ dẫn tới việc giết hại người dân Ukraine”.
Hôm 4/9, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Adrienne Watson nói ông Kim và ông Putin có thể đang lên kế hoạch gặp nhau, và tờ New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ và đồng minh giấu tên cho biết ông Kim có kế hoạch tới Nga ngay trong tuần tới để gặp ông Putin.
Khi được hỏi liệu ông có thể xác nhận các cuộc đàm phán này hay không, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Không, tôi không thể. Không có gì để nói cả”.
Theo các nhà phân tích chính trị, khi sự cô lập của Nga vì cuộc chiến ở Ukraine ngày càng gia tăng, nước này ngày càng nhận thấy giá trị ở Triều Tiên. Về phần Triều Tiên, quan hệ với Nga không phải lúc nào cũng nồng ấm như thời kỳ đỉnh cao của Liên Xô, nhưng giờ đây nước này đang thu được những lợi ích rõ ràng từ nhu cầu kết bạn của Moscow.
Hợp tác quốc phòng Moscow-Bình Nhưỡng
Một quan chức Bộ Quốc phòng Triều Tiên hồi tháng 11 năm ngoái nói Bình Nhưỡng “chưa bao giờ có ‘thỏa thuận vũ khí’ với Nga” và “không có kế hoạch làm như vậy trong tương lai”.
Moscow và Bình Nhưỡng đã hứa tăng cường hợp tác quốc phòng.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, người đã đến thăm Bình Nhưỡng vào tháng 7 năm nay để tham dự các buổi trình diễn vũ khí bao gồm phi đạn đạn đạo bị cấm của Triều Tiên, hôm 4/9 cho biết hai nước đang thảo luận về khả năng tập trận chung.
Ông Keir Giles, thành viên tư vấn cấp cao của Chương trình Nga và Á-Âu của Chatham House, nói: “Giống như bạn có thể nhận biết một người qua bạn bè của họ, bạn có thể nhận biết một quốc gia thông qua nước bạn mà quốc gia đó có”. “Trong trường hợp của Nga, nước bạn đó hiện bao gồm phần lớn các quốc gia bất hảo.”
Chuyến đi này sẽ là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Kim sau hơn 4 năm và là chuyến đầu tiên kể từ đại dịch virus corona.
Mặc dù thực hiện nhiều chuyến công du nước ngoài hơn cha mình với tư cách là lãnh đạo, nhưng chuyến đi của ông Kim thường được giữ bí mật và an ninh nghiêm ngặt. Không giống như cha mình, người được cho là không thích đi máy bay, ông Kim đã đi máy bay cá nhân do Nga sản xuất trong một số chuyến đi nhưng các quan chức Mỹ nói với New York Times rằng ông có thể đi tàu bọc thép qua biên giới đất liền mà Triều Tiên chia sẻ với Nga.
Ông Andrei Lankov, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Kookmin ở Seoul, cho biết ông Kim có thể muốn nhấn mạnh cảm giác được Nga hậu thuẫn và có thể tìm kiếm các thỏa thuận bán vũ khí, viện trợ và đưa lao động sang Nga.
Hoa Kỳ hồi tháng 8 đã áp đặt các chế tài đối với ba thực thể mà nước này cáo buộc có liên quan đến các thỏa thuận vũ khí giữa Triều Tiên và Nga.
Triều Tiên đã tiến hành sáu vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006 và đã thử nhiều loại phi đạn khác nhau trong những năm gần đây.
Nga đã cùng với Trung Quốc chống lại các chế tài mới đối với Triều Tiên, ngăn chặn nỗ lực do Mỹ dẫn đầu và lần đầu tiên công khai chia rẽ Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc kể từ khi Hội đồng bắt đầu trừng phạt Bình Nhưỡng vào năm 2006.
Nga: Đông Nam Ukraine hiện là tâm điểm giao tranh
06/9/2023 – AP
Xe tăng Ukraine tiến đến gần làng Robotyne, vùng Zaporizhzhia, Ukraine, ngày 25/8/2023.
Vùng Zaporizhzhia ở phía đông nam Ukraine đã trở thành điểm nóng giao tranh gần đây nhất trong cuộc chiến kéo dài 18 tháng, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 5/9 tuyên bố trong khi lực lượng của Kyiv đẩy mạnh cuộc phản công.
Ông Shoigu nói với các sĩ quan quân đội Nga rằng Ukraine đã điều động các lữ đoàn trừ bị do các đồng minh phương Tây của Kyiv huấn luyện đến đó. Ông không đưa ra bằng chứng nào cho tuyên bố của ông, vốn không thể được kiểm chứng độc lập.
Giao tranh ở phía đông nam có thể là một trong những chìa khóa của cuộc chiến. Nếu hệ thống phòng thủ của Nga ở đó sụp đổ, lực lượng Ukraine có thể tiến về phía nam tới bờ biển và có khả năng chia cắt lực lượng Nga thành hai.
Khẳng định của ông Shoigu đã được chứng thực một phần bởi các báo cáo và đánh giá khác về nỗ lực kéo dài ba tháng của Ukraine nhằm đánh đuổi quân đội của Điện Kremlin.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một tổ chức nghiên cứu, trích dẫn các đoạn phim được định vị địa lý, ngày 5/9 nói rằng bộ binh hạng nhẹ của Ukraine đã tiến vượt ra ngoài một số hào chống tăng và bãi mìn dày đặc tạo nên hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Nga ở Zaporizhzhia.
Tuy nhiên, họ nói không thể khẳng định rằng hệ thống phòng thủ đã bị chọc thủng hoàn toàn vì không có thiết giáp hạng nặng nào của Ukraine được nhìn thấy trong khu vực.
Chính ở phía nam, các lữ đoàn Ukraine đã giành được nhiều thắng lợi gần đây nhất trên chiến trường khi cuộc phản công tiến về phía trước dưới hỏa lực dày đặc.
Các quan chức Ukraine tuyên bố kể từ khi cuộc phản công khốc liệt bắt đầu khoảng ba tháng trước, Ukraine đã tiến được 7 km trong khu vực Zaporizhzhia. Quân đội đã vượt qua các công sự dày đặc của Nga vào tuần trước để chiếm lại làng Robotyne. Đó là chiến thắng có ý nghĩa chiến thuật đầu tiên của Ukraine ở khu vực đó.
Theo ông Pavlo Kovalchuk, phát ngôn viên của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine, các lực lượng Ukraine đã đạt được nhiều tiến bộ hơn trong khu vực đó và đang củng cố các vị trí chiếm được vào sáng ngày 5/9.
Tuyên bố trên chiến trường của cả hai bên đều không thể kiểm chứng.
Các nhà quan sát quân sự cho biết, nếu quân Ukraine tiến chỉ cách Robotyne 15 km, họ có thể trong vòng tầm bắn vào các tuyến đường vận tải đông-tây của Nga và có khả năng làm suy yếu khả năng chiến đấu của Moscow.
Lực lượng Ukraine đang tiến quân mà không có sự yểm trợ từ trên không, khiến tiến độ của họ khó khăn hơn và chậm hơn, trong khi Nga đã phát động lực lượng riêng của mình ở phía đông bắc để kìm hãm lực lượng Ukraine và ngăn họ tái triển khai về phía nam.
Theo Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, một cơ quan nghiên cứu, Ukraine đã điều chỉnh chiến thuật phản công của mình trong những tuần gần đây, chuyển từ nỗ lực tấn công phòng tuyến của Nga bằng cách sử dụng thiết giáp do phương Tây cung cấp sang các cuộc tấn công chiến thuật được lên kế hoạch tốt hơn nhằm đạt được lợi ích gia tăng.
“Tuy nhiên, cách tiếp cận này chậm, với tiến độ khoảng 700–1.200 mét cứ sau mỗi 5 ngày, cho phép các lực lượng Nga thiết lập lại,” Viện cho biết trong một đánh giá hôm 4/9.
Ukraine mất xe tăng Challenger 2 đầu tiên, ông Zelensky thăm tiền tuyến Donetsk
Viên Minh
Các binh sĩ Ukraine chụp hình với lá cờ Ukraine trên một xe tăng tại Trại Bovington vào ngày 22 tháng 2 năm 2023 ở Bovington, Dorset. (Ảnh: Ben Birchall – Pool/Getty Images)
Các đoạn phim ghi lại cảnh chiến trường cho thấy một chiếc xe tăng Challenger 2 của Ukraine bốc cháy ở tỉnh Zaporizhzhia. Đây là xe tăng chiến đấu chủ lực mà Anh viện trợ cho Ukraine sử dụng trong cuộc phản công chống lại Nga.
OSINTtechnical, tài khoản chuyên theo dõi tình hình chiến sự tại Ukraine, đăng tải đoạn phim này trên Twitter hôm 5/9. Video cho thấy một xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 cháy rụi trên tuyến đường gần Robottyne, ngôi làng chiến lược ở tỉnh Zaporizhzhia được quân đội Ukraine giành lại hồi tuần trước.
Tình trạng chiếc Challenger 2 trong video của OSINTtechnicalcho thấy dường như nó đã bị huỷ hoại hoàn toàn, đang bốc cháy và hầu như không có cơ hội phục hồi.
Chưa rõ chiếc Challenger 2 bị phá hủy bởi loại vũ khí nào. Các chuyên gia phương Tây nhận định nó có thể đã bị trúng mìn hoặc đạn pháo của Nga, mất khả năng di chuyển và bị kết liễu bởi máy bay không người lái (UAV) tự sát.
Xe tăng Challenger 2 là vũ khí được kỳ vọng sẽ giúp Ukraine xuyên thủng phòng tuyến thứ hai của quân đội Nga, sau khi Kyiv được cho là đã vượt qua một phần phòng tuyến đầu tiên của Moscow. Nếu được xác thực thì đây sẽ là chiếc xe tăng đầu tiên thiệt hại trong lô 14 chiếc mà Anh viện trợ cho Ukraine.
Các binh sĩ Lữ đoàn 82 của Ukraine nói rằng những chiếc Challenger 2 đang đóng vai trò ổ hỏa lực di động, tận dụng hệ thống kính ngắm và điều khiển hỏa lực hiện đại để bắn phá cứ điểm Nga từ khoảng cách hơn 3 km. Điều này cho phép kíp xe Challenger 2 của Ukraine nấp trong công sự và tấn công từ tuyến sau, tránh đụng độ trực tiếp với tên lửa dẫn đường và UAV tự sát đối phương.
“Tuy nhiên, khi lực lượng Ukraine tiến quân, các xe tăng Challenger 2 không còn lựa chọn nào ngoài rời vị trí ẩn nấp để cơ động đến trận địa mới. Dường như lực lượng Nga đã phát hiện được nó trên đường di chuyển, nơi hoàn toàn không có biện pháp che chắn nào”, theo nhận định của Forbes.
Giới chuyên gia phương Tây cho rằng Challenger 2 có nhiều ưu thế trước phần lớn xe tăng chủ lực đang được Nga triển khai trên chiến trường và có thể giúp Ukraine tung những “cú đấm thép” uy lực nhằm vào lực lượng thiết giáp đối phương.
Giữa lúc đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo tới thăm khu vực tiền tuyến tại tỉnh Donetsk, nơi diễn ra giao tranh dữ dội giữa lực lượng Ukraine và quân đội Nga.
“Tỉnh Donetsk. Chúng tôi đến thăm các lữ đoàn thuộc nhóm chiến thuật và tác chiến Donetsk đang bảo vệ Ukraine”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 4/9 cho biết, song không tiết lộ thời điểm diễn ra chuyến thăm và vị trí cụ thể.
Ông Zelensky nói giới chức Ukraine đang giải quyết “những báo cáo quan trọng và vấn đề tồn đọng, cũng như tăng cường nguồn cung, xây dựng hệ thống quản lý để đảm bảo hậu cần cho các lữ đoàn và tăng động lực cho binh sĩ”.
Lúc này, trên chiến trường vẫn xảy ra những cuộc giao tranh ác liệt. Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar ngày 4/9 cho biết lực lượng Nga đang cố gắng giành lại các vị trí đã mất ở phía nam và phía bắc thành phố Bakhmut song không thành công.
Illia Yevlash, phát ngôn viên quân đội Ukraine cho biết Nga điều thêm hàng nghìn quân tới chiến tuyến trên hướng Kupyansk-Lyman để đẩy lùi các đợt tiến công của đối phương. Đây là khu vực nằm giữa hai thành phố thuộc tỉnh Kharkov và Donetsk, nơi lực lượng Nga trong những tuần qua đẩy mạnh tấn công.
Viên Minh (Tổng hợp)
Myanmar không được làm chủ tịch luân phiên ASEAN 2026
06/9/2023
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa) khai mạc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Jakarta, ngày 5/9/2023.
Các lãnh đạo Đông Nam Á quyết định rằng Myanmar sẽ không đảm nhận vai trò lãnh đạo luân phiên trong ASEAN như dự kiến vào năm 2026, các nhà ngoại giao châu Á và một nhà lãnh đạo cho biết ngày 5/9.
Các chính phủ phương Tây dẫn đầu là Hoa Kỳ lên án việc quân đội Myanmar lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi vào năm 2021 và yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho bà cùng với các quan chức khác.
Tại thượng đỉnh ASEAN do Indonesia chủ trì ngày 5/9, Philippines đã đồng ý đảm nhận chức chủ tịch ASEAN vào năm 2026, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cho biết trong một tuyên bố, trích dẫn những gì ông đã nói với các nhà lãnh đạo đồng nghiệp trong các cuộc họp kín.
Tuyên bố nói: “Tôi rất vui mừng thông báo rằng Philippines sẵn sàng đảm nhận vai trò lãnh đạo và chủ trì ASEAN vào năm 2026”.
Ông Marcos không giải thích tại sao Myanmar mất chức chủ tịch ASEAN kéo dài một năm, nhưng hai nhà ngoại giao ASEAN nói với hãng tin AP rằng điều này có liên quan đến xung đột dân sự ở nước này và lo ngại rằng mối quan hệ của ASEAN với Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu, cùng các nước khác, có thể bị suy yếu vì các nước đó không công nhận chính phủ do quân đội lãnh đạo ở Myanmar.
Các nhà ngoại giao phát biểu với điều kiện giấu tên vì họ không được phép thảo luận công khai vấn đề tế nhị.
Xung đột dân sự chết người tiếp tục diễn ra ở Myanmar và những bùng phát mới trong các tranh chấp lãnh thổ âm ỉ kéo dài ở Biển Đông là những nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của khối ASEAN gồm 10 quốc gia hôm 5/9.
Các vấn đề gai góc bao gồm sự cạnh tranh Mỹ-Trung trong khu vực đã gây chia rẽ trong ASEAN và Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã nhắc lại lời kêu gọi đoàn kết.
“Tất cả chúng ta đều nhận thức được tầm quan trọng của những thách thức trên thế giới ngày nay, trong đó chìa khóa chính để đối mặt với chúng là sự thống nhất và tính trung tâm của ASEAN”, ông Widodo nói với các nhà lãnh đạo đồng nghiệp.
Ông ví ASEAN như con tàu lớn chở người dân Đông Nam Á: “Các nhà lãnh đạo ASEAN phải đảm bảo rằng con tàu này có thể tiếp tục hoạt động, có thể tiếp tục ra khơi”. “Chúng ta phải là thuyền trưởng của những con tàu của mình để mang lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung”.
Trong một bước trừng phạt vì không tuân thủ kế hoạch hòa bình 5 điểm do các nhà lãnh đạo ASEAN soạn thảo vào năm 2021, các tướng lĩnh hàng đầu của Myanmar và các quan chức được bổ nhiệm của họ một lần nữa bị cấm tham dự hội nghị thượng đỉnh năm nay tại Jakarta bất chấp đề nghị của một số quốc gia thành viên rằng họ nên được phép quay trở lại vì việc loại bỏ họ đã không giải quyết được cuộc khủng hoảng của nước này.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết các nhà lãnh đạo ASEAN quyết định kiên trì với kế hoạch hòa bình bất chấp đánh giá rằng nó không dẫn đến bất kỳ tiến triển nào trong việc giảm bớt khủng hoảng. Bà nói với các phóng viên rằng họ đã chỉ định ba quốc gia – các chủ tịch trước đây, hiện tại và kế tiếp của khối – để giải quyết trực tiếp tình trạng bất ổn dân sự ở Myanmar.
Bà Marsudi nói các tướng lĩnh của Myanmar sẽ tiếp tục bị cấm tham dự các cuộc họp cấp cao của ASEAN.
Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, một tổ chức giám sát nhân quyền, lực lượng an ninh Myanmar đã giết hại khoảng 4.000 thường dân và bắt giữ 24.410 người khác kể từ khi quân đội tiếp quản.
Sau hội nghị thượng đỉnh vào ngày 5/9, các nhà lãnh đạo của ASEAN sẽ gặp gỡ các đối tác châu Á và phương Tây từ ngày 6/9 đến 7/9, bao gồm cả Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, người sẽ tham dự thay cho Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết trước khi bay tới Jakarta rằng ông có kế hoạch đưa ra đảm bảo về sự an toàn của việc xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hư hỏng ra biển. Việc xả thải bắt đầu vào ngày 24 tháng 8 và Trung Quốc ngay lập tức áp đặt lệnh cấm đối với tất cả hải sản Nhật Bản.
Khi được hỏi về khả năng gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý tại Jakarta, ông Kishida cho biết chưa có quyết định nào được đưa ra về vấn đề đó.
Ông Kishida và ba bộ trưởng Nội các gần đây đã ăn sashimi cá bơn, bạch tuộc và cá đánh bắt ngoài khơi bờ biển Fukushima sau khi bắt đầu xả nước thải nhằm chứng tỏ chúng an toàn.
Về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, các nhà lãnh đạo ASEAN “tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, kiềm chế tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình,” theo một thông cáo sau hội nghị thượng đỉnh được ông Widodo đưa ra thay mặt cho các nhà lãnh đạo khác.
Các thành viên ASEAN như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei có liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ.
“Chúng tôi đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông, trong đó một số quốc gia thành viên ASEAN bày tỏ quan ngại về việc lấy đất lấn biển, các hoạt động và sự kiện nghiêm trọng trong khu vực, bao gồm cả các hành động gây nguy hiểm cho sự an toàn của mọi người, gây thiệt hại cho môi trường biển”’ làm xói mòn lòng tin và sự tự tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”, các nhà lãnh đạo dự định dùng lời lẽ tương tự như trong các thông cáo trước đây.
Các nhà lập pháp châu Phi ủng hộ chuyến đi của Tổng thống Đài Loan tới Eswatini
Liên Thành
Vua Mswati III của Swaziland và Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan (ảnh: CNA).
Hơn 80 nghị sĩ từ 11 quốc gia châu Phi, bao gồm Nam Phi, Malawi, Botswana, Zimbabwe, Zambia, Lesotho, Nigeria, Uganda, Tanzania, Namibia và Somaliland, đã ra tuyên bố chung chào mừng Tổng thống Thái Anh Văn tới Eswatini.
Theo Bộ Ngoại giao Đài Loan, các nhà lập pháp, tất cả thành viên của Câu lạc bộ Formosa ở Châu Phi, đều công nhận kết quả rõ ràng của “Dự án Châu Phi” do bà Thái Anh Văn phát động vào năm 2018, nhằm mục đích tăng cường hơn nữa mối quan hệ của Đài Loan với lục địa Châu Phi. Các nhà lập pháp cho biết, sự hợp tác của Đài Loan với các nước châu Phi đã được tăng cường trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục, công nghệ thông tin và truyền thông, năng lượng, thương mại và du lịch. Điều này nêu bật giá trị và tầm quan trọng của Đài Loan đối với sự phát triển trong tương lai của lục địa này.
Các nhà lập pháp cũng nhấn mạnh rằng, Đài Loan là biểu tượng của dân chủ và mong muốn được hợp tác, trao đổi hơn nữa với Đài Loan.
Chuyến thăm Eswatini của bà Thái bắt đầu từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 9, nhằm mục đích nêu bật mối quan hệ song phương và thúc đẩy hợp tác bền vững giữa hai nước, với chủ đề “Tôn vinh tình hữu nghị lâu dài, thúc đẩy hợp tác bền vững”.
Chuyến đi của bà Thái trùng với dịp kỷ niệm 55 năm độc lập của Eswatini, cũng như việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Ngoài việc tham dự các lễ kỷ niệm, bà Thái cũng sẽ là khách mời trong bữa tối hoàng gia và gặp gỡ các nhóm Đài Loan làm việc tại quốc gia châu Phi trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp và quyền phụ nữ.
Không còn phản biện, Tập Cận Bình sẽ đi đến đâu ?
Thụy My /RFI – 06/9/2023
Theo Le Figaro ngày 05/09/2023, dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc trong vòng mười năm đã từ một chế độ độc tài tập thể chuyển sang độc tài cá nhân. Không còn bất kỳ ai dám chỉ trích đường lối của đảng. Lịch sử cho thấy các bạo chúa luôn tự giam hãm trong những ám ảnh của mình và rốt cuộc trượt dài. Với Vladimir Putin là việc xâm lăng Ukraina, còn Tập Cận Bình sẽ trượt dốc như thế nào ?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg (Nam Phi) trong khi tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu qua màn hình vì vướng lệnh truy nã quốc tế, ngày 23/08/2023. via REUTERS – POOL
Việc tập trung quyền lực vào trung ương, chú trọng quốc doanh, kiểm soát xã hội gây ức chế cho các doanh nhân và cán bộ trẻ. Xử lý đại dịch Covid một cách điên rồ làm mất đi lòng tin của người dân. Không ít tài năng trẻ đã ra đi, còn những người thành công ở Hoa lục đang mơ một tấm hộ chiếu Úc.Giới tinh hoa Trung Quốc có học thức luôn ái quốc, hãnh diện về nền văn hóa lâu đời, ủng hộ mục tiêu chiếm Đài Loan của đảng ; nhưng nay họ bị Tập Cận Bình bóp nghẹt trong cuộc sống hàng ngày.
Lịch sử cho thấy các nhà độc tài luôn tự giam hãm trong những ám ảnh của mình và rốt cuộc trượt dài. Đối với Mussolini,là lời tuyên chiến vào tháng 6/1940, với Vladimir Putin là việc kéo quân sang Kiev tháng 2/2022. Khi những khẩu đại bác im tiếng hai bên bờ sông Dniepr, Nga sẽ yếu hẳn về kinh tế và ảnh hưởng trong thế giới Slave giảm sút. Khi nhớ lại cách mà Putin công khai làm mất mặt giám đốc tình báo Narychkine hôm 21/02/2022, người ta hiểu rằng ông chủ điện Kremlin không còn muốn nghe bất kỳ lời nói nào trái ý.
Còn Tập Cận Bình sẽ trượt dốc như thế nào ? Bất ngờ đánh chiếm Đài Loan, cho ngư lôi tấn công một chiến hạm Nhật Bản trên biển, hay lại xung đột ở biên giới với Ấn Độ ? Chẳng phải là không có rủi ro Tập Cận Bình gây sự với bên ngoài, nhằm tìm kiếm lại sự ủng hộ trong nước. Không còn định chế nào bên cạnh ông ta để can ngăn.
Đặng Sơn Duân – Một tuần lễ ngoại giao sôi động
Tuần này sôi động với hội nghị ASEAN, hội nghị G20 và kế đó là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden.
Có tin hơi hồi hộp là Đệ nhất phu nhân Jill Biden vừa dương tính với Covid, nhưng ông Biden hiện tại thì vẫn âm tính. Không biết nếu ông Biden dương tính luôn thì tình hình sao đây!
Cả Tập Cận Bình và Putin đều không tham dự hội nghị ASEAN và G20. Trong khi đó, phía Mỹ cho hay Kim Jong Un chuẩn bị đến Vladivostok gặp Putin. Còn Putin cũng chuẩn bị đến Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình.
Tình báo Hàn Quốc cho hay Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đề xuất Nga, Trung Quốc và Triều Tiên tập trận chung. Như vậy tình hình Đông Bắc Á hiện hình thành hai câu lạc bộ, một bên là Nga-Trung Quốc và Triều Tiên, còn bên kia là Mỹ, Nhật và Hàn, ló dạng phe Trục với phe Đồng minh mới.
Trung tuần tháng này nhóm tàu đổ bộ tấn công của Mỹ USS America sẽ vào Hoàng Hải tập trận quy mô lớn nhân kỷ niệm 73 năm cuộc đổ bộ Incheon. Đây là lần đầu tiên tàu lớn trang bị chiến đấu cơ của Mỹ vào Hoàng Hải sát Trung Quốc và Triều Tiên tập trận sau 11 năm. Bắc Kinh và Bình Nhưỡng có thể sẽ phản ứng tức tối với sự kiện này.
Tình hình thế giới hiện nay các quốc gia có xu hướng xoay quanh các tập hợp nhỏ gắn kết hơn, nên các hội nghị đa phương giờ ngày càng mất tầm quan trọng, chủ yếu tới uống cà phê tán láo, móc mỉa đâm chọt nhau vài câu.
Đặc biệt vai trò trung tâm của ASEAN, ngoài miệng thì người ta vẫn đề cao nhưng mà trong thâm tâm ai cũng biết là tầm ảnh hưởng và quan trọng ngày càng sụt giảm. Cái gì cũng tụ thủ bàng quan thì chịu thôi!
ĐẶNG SƠN DUÂN 05.09.2023 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Triển vọng bi quan của đảng Bảo thủ Anh trước năm bầu cử
Vào thứ Tư, Rishi Sunak sẽ đối mặt với Keir Starmer, thủ lĩnh phe đối lập, tại buổi chất vấn thủ tướng đầu tiên kể từ khi quốc hội Anh nghỉ hè từ ngày 19 tháng 7. Đây hứa hẹn là một buổi chất vấn khó khăn.
Trong kỳ nghỉ hè trước năm bầu cử, các đảng cầm quyền thường thử nghiệm đường lối tranh cử của họ. Nhưng mọi chuyện đang diễn ra rất tệ đối với đảng Bảo thủ của ông Sunak. Một tuần tập trung vào những chiếc thuyền di cư bất hợp pháp đã kết thúc bằng việc sơ tán chiếc xà lan được dùng làm nơi ở mới cho những người xin tị nạn, xoay quanh các lo ngại về bệnh Legionella. Trong “tuần lễ sức khỏe,” số lượt bệnh nhân đang chờ của NHS đã đạt mức kỷ lục mới. Và khi các trường học khai giảng vào thứ Hai, các bộ trưởng đang cố gắng xác định hàng trăm tòa nhà được cho là không an toàn do lỗi kỹ thuật.
Kết quả thăm dò cũng hầu như không thay đổi trong những tháng gần đây: khảo sát của Redfield và Wilton, được công bố vào thứ Hai, cho thấy Công đảng dẫn trước tới 16 điểm. Riêng ông Starmer có lợi thế hơn đối thủ tới 17 điểm – kết quả tốt nhất của ông kể từ khi ông Sunak trở thành thủ tướng vào tháng 10 năm ngoái.
Mexico một năm trước bầu cử tổng thống
Morena, đảng cầm quyền của Mexico, vào thứ Tư sẽ công bố ứng viên cho cuộc bầu cử tổng thống tháng 6 năm 2024. Gần như chắc chắn đó sẽ là Claudia Sheinbaum, cựu thị trưởng Thành phố Mexico. Bà đã dẫn trước đối thủ gần nhất của mình tới 17 điểm phần trăm trong cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 8, ngay trước khi Morena bắt đầu tiến trình khảo sát 12.500 người trên khắp Mexico để giúp đưa ra lựa chọn. Bà Sheinbaum là một chính trị gia có sức nặng, nhưng cũng hưởng lợi từ sự ủng hộ ngầm của tổng thống Andrés Manuel López Obrador.
Hôm 3 tháng 9, thượng nghị sĩ Xóchitl Gálvez đã được chọn làm ứng viên cho liên minh đối lập của Đảng Cách mạng Thể chế, Đảng Hành động Quốc gia và Đảng Cách mạng Dân chủ. Do đó, Mexico gần như chắc chắn sẽ có nữ tổng thống đầu tiên vào năm tới, đặc biệt nhờ khả năng lôi cuốn lớn của bà Sheinbaum. Đảng Morena được dự đoán giành được vị trí tổng thống, nhưng bà Sheinbaum có thể sẽ phải sống chung với một quốc hội chia rẽ.
Úc bị ảnh hưởng khi kinh tế Trung Quốc chậm lại
Hôm thứ Ba, Ngân hàng Dự trữ Úc đã quyết định giữ lãi suất ổn định ở mức 4,1% trong tháng thứ ba liên tiếp, sau khi lạm phát giảm nhiều hơn dự kiến. Lãi suất hàng năm giảm xuống 4,9% trong tháng 7, từ mức 5,4% của tháng 6.
Nhưng không phải tất cả đều là tin tốt. Kinh tế Úc đang chậm lại và dữ liệu công bố vào thứ Tư sẽ cho thấy điều đó. Ngân hàng Dự trữ kỳ vọng tăng trưởng chỉ 1% trong năm tính đến tháng 12. Tốc độ này chậm hơn tốc độ tăng dân số, nghĩa là GDP bình quân đầu người giảm.
Một mối lo ngại lớn là tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Úc khá phụ thuộc vào nhu cầu lớn về quặng sắt và than đá của Trung Quốc. Ngay cả sau khi phát động chiến dịch kinh tế chống lại Australia vào năm 2020, Trung Quốc vẫn chiếm gần 1/3 thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu của Australia. Nếu nhu cầu của Trung Quốc đối với tài nguyên giảm, Úc sẽ cảm nhận rõ tác động.
Các nhà bán lẻ Trung Quốc liên tục đóng cửa
Liên Thành
Gome gã khổng lồ bán lẻ thiết bị gia dụng của Trung Quốc. (Ảnh: Reuters).
Các nhà bán lẻ Trung Quốc đang đóng cửa ngày càng nhiều khi hoạt động mua sắm truyền thống giảm sút.
Theo Nikkei Asia, trong năm qua Gome gã khổng lồ bán lẻ thiết bị gia dụng của Trung Quốc, đã phải đóng cửa một số cửa hàng ở Thượng Hải Nam Kinh, Tây An và những nơi khác.
Tính đến cuối tháng 6/2022, Tập đoàn Gome có 3.825 cửa hàng, nhưng đến cuối năm ngoái, số lượng cửa hàng đã giảm xuống còn 2.843. Vào tháng 2 năm nay, đại diện của Gome Electrical Appliances cho biết công ty có kế hoạch chỉ giữ lại khoảng 300 cửa hàng chính được điều hành trực tiếp.
Gome không tiết lộ con số chính xác hiện tại, nhưng kênh Caixin đã cung cấp một báo cáo hồi tháng 7 rằng, số lượng cửa hàng của Gome đã giảm xuống dưới 1/10 so với mức dự kiến vào giữa năm 2022.
Ngoài ra, một nhà bán lẻ lớn khác là (Suning.Com) được biết cũng đang phải đối mặt với khó khăn. Tính đến cuối năm 2022, số lượng cửa hàng đồ gia dụng do tập đoàn này trực tiếp điều hành là 1.435, giảm 38% so với cuối năm 2019.
Cả hai công ty Gome và Suning đều báo lỗ ròng cao trong nửa đầu năm nay. Ngoài các nhà bán lẻ đồ gia dụng, các chuỗi siêu thị lớn tại Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn.
Các chuyên gia lý giải một phần nguyên nhân khiến ngành bán lẻ suy thoái là do người tiêu dùng đã quen với việc mua sắm trực tuyến.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, nguyên nhân chính là trong ba năm qua, chính quyền Trung Quốc đã đàn áp các ngành công nghiệp đang theo đà phát triển nhanh trước đây như giáo dục đào tạo, thương mại điện tử và bất động sản.
Chính những điều này đã làm thay đổi kỳ vọng của người dân về việc làm giàu trong tương lai, cũng như phủ bóng đen lên mức độ sẵn sàng chi tiêu của họ.
Quốc vương Thái Lan chuẩn nhận tân thủ tướng và nội các
05/9/2023
Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn chuẩn nhận Tân Thủ tướng Srettha Thavisin và các bộ trưởng nội các, Bangkok, Thái Lan, 05/09/2023.
Hôm 5/9, Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn chuẩn nhận Tân Thủ tướng Srettha Thavisin và các bộ trưởng nội các trong chính phủ liên minh 11 đảng.
Thủ tướng Srettha, người thuộc đảng Pheu Thai dẫn đầu liên minh, và 33 bộ trưởng nội các cam kết trung thành với chế độ quân chủ trong buổi lễ tại Cung điện Dusit ở thủ đô Bangkok. Chính phủ mới sẽ trình bày chính sách của mình tại phiên họp quốc hội vào ngày 11/9.
Tân Thủ tướng Srettha, tỷ phú 61 tuổi học ở Mỹ và là cựu chủ tịch của công ty phát triển bất động sản cao cấp Sansiri, cho biết chính quyền của ông sẽ tập trung vào việc giải quyết nhu cầu của người dân.
“Chính phủ này là chính phủ của nhân dân… tất cả chúng tôi ở đây với tư cách là đại diện của nhân dân,” ông nói trong bài phát biểu trên truyền hình sau khi tuyên thệ nhậm chức.
“Có rất nhiều vấn đề nên chúng tôi sẽ làm việc không ngưng nghỉ mỗi ngày… chúng tôi sẽ giải quyết những yêu cầu của người dân”.
Ông Srettha, đồng thời là bộ trưởng tài chính của đất nước, cho biết ông sẽ tổ chức một cuộc họp nội các vào ngày 6/9. Ông sẽ đi thăm các tỉnh phía đông bắc Khon Kaen, Udon Thani và Nongkhai vào ngày 8/9 để gặp gỡ cộng đồng và tìm hiểu thêm về các vấn đề của họ.
Bà Suu Kyi ốm (đau) nhưng không được chăm sóc y tế, con trai bà nói
BBC News tiếng Miến Điện & Kelly Ng
từ Yangon và Singapore
2 giờ trước
Nguồn hình ảnh, EPA
Chụp lại hình ảnh,
Aung San Suu Kyi, 78 tuổi, đã không ăn được gì do đau răng nghiêm trọng, theo các nguồn tin từ nhà tù
Cựu lãnh đạo hiện đang bị giam giữ của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi đang không được chăm sóc y tế dù sức khỏe không tốt, con trai bà nói.
Kim Aris cho biết chính quyền quân sự đang cầm quyền đã chặn yêu cầu của giới chức nhà tù về việc “chăm sóc khẩn cấp” mẹ ông.
Các nguồn thạo tin nói với Ban BBC tiếng Miến Điện rằng bà Aung San Suu Kyi, năm nay 78 tuổi, đang bị đau răng nghiêm trọng khiến bà không thể ăn uống được.
Tuy nhiên, một phát ngôn viên của chính quyền quân nhân cho biết bà Suu Kyi đang trong tình trạng sức khỏe tốt, và đang được các bác sĩ quân y và bác sĩ dân sự kiểm tra.
Bà Suu Kyi bị giam giữ từ tháng 2/2021, sau khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự. Vào tháng 7, bà được chuyển từ nhà tù sang quản thúc tại gia ở thủ đô Nay Pyi Taw của Miến Điện, nhưng không rõ ở địa điểm nào trong thành phố.
“Việc không cho một tù nhân ốm bệnh được chăm sóc y tế theo khuyến nghị là nhẫn tâm và tàn ác,” ông Aris nói trong một tin nhắn gửi tới ban BBC tiếng Miến Điện.
Người đàn ông 46 tuổi sống ở Anh cho biết mẹ ông đã bị nôn ói và bị “chóng mặt nghiêm trọng” do sức khỏe kém.
“Bất kỳ ai bị bệnh viêm nướu đau đớn đến mức không thể ăn uống sẽ đều gặp nguy hiểm cho sức khỏe tổng thể, nếu không được điều trị thích hợp.”
Những người quen lâu năm với gương mặt đoạt giải Nobel nói với BBC Miến Điện rằng bà Suu Kyi mắc bệnh nướu răng mãn tính và bị huyết áp thấp, trong khi một nguồn thạo tin nói thêm rằng tình trạng viêm lợi của bà đã “trở nên tồi tệ hơn”.
Nguồn tin này ghi nhận rằng bà đã được phục vụ đồ ăn mềm và thuốc dạng thạch dẻo nhằm giảm nhẹ mức đau răng.
Chính phủ Thống nhất Quốc gia lưu vong của Myanmar – liên minh của tất cả các đảng phái chính trị trong nước – đã kêu gọi cộng đồng quốc tế “gây áp lực lên chính quyền quân sự” để đưa ra cách đối xử thích hợp cho những người bị giam giữ chính trị như bà Suu Kyi.
Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã kêu gọi trả tự do vô điều kiện cho bà Suu Kyi và hàng nghìn người khác bị giam giữ trong cuộc đàn áp của chính quyền quân sự đối với người biểu tình phản đối đảo chính.
Sau cuộc đảo chính, Myanmar rơi vào cuộc nội chiến gần như toàn diện, khiến hàng nghìn người thiệt mạng.
Quân đội đã đàn áp một cách tàn nhẫn phe đối lập, sử dụng các chiến thuật như không kích gây thương vong cao cho dân thường. Các nhà lãnh đạo quân sự của nước này cũng bị các nhóm nhân quyền cáo buộc phạm tội ác chiến tranh.
Các nhà lãnh đạo thế giới đã lên án cuộc đảo chính và áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với các tướng lĩnh và công ty thuộc sở hữu của quân đội Myanmar.
Từng được coi là biểu tượng của nền dân chủ, bà Suu Kyi đã bị giam giữ nhiều lần trong suốt sự nghiệp chính trị của mình.
Tuy nhiên, hình ảnh của bà đã bị ảnh hưởng trên trường quốc tế trong thời gian bà lãnh đạo đất nước trên thực tế, giữa những cáo buộc theo đó nói bà phớt lờ tình trạng bạo lực chống lại người thiểu số Hồi giáo Rohingya.
Cuộc khủng hoảng đảo chính ở Myanmar cũng đã chi phối các cuộc thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN đang diễn ra ở Indonesia. Các nhà lãnh đạo khối Đông Nam Á đã lên án chính quyền quân sự vì tình trạng bạo lực tiếp diễn ở nước này.
Đây là năm thứ hai liên tiếp Myanmar không được mời tham dự cuộc họp khu vực kể từ cuộc đảo chính.
XEM THÊM:
- Cập nhật chiến tranh Ukraine-Nga ngày thứ 560 (6/9/2023): *Nga pháo kích vào chợ ở miền đông Ukraine, 16 người thiệt mạng, Zelensky lên án là ‘tội ác ghê tởm’ *Ukraine tiêu diệt gần 50 binh sĩ tinh nhuệ Nga tại Donetsk *Nga bọc vỏ lốp máy bay ném bom hạt nhân *Blinken công bố gói hỗ trợ mới 1 tỷ đô la *Nga rút lui “chiến thuật” khỏi Robotyne *Quốc hội Ukraine phê chuẩn Umerov làm tân bộ trưởng quốc phòng September 6, 2023
- Suella Braverman tuyên bố Wagner bị liệt vào danh sách tổ chức khủng bố ở Anh September 5, 2023
- Nga không có đồng minh trong chiến tranh Ukraine – ông chủ truyền hình nhà nước thừa nhận September 5, 2023
- Lực lượng Ukraine cố gắng chọc thủng lỗ thứ 2 trên phòng tuyến của Nga September 5, 2023
- Thành phố Thượng Hải của Trung Quốc đã biến thành ‘thị trấn ma’? Những Hình Ảnh cho thấy September 5, 2023
- Báo cáo cho thấy cuộc chiến ở Ukraine đang sử dụng bom chùm September 5, 2023
- ISW đánh giá chiến dịch tấn công của Nga ngày 5 tháng 9 năm 2023 (ngày thứ 559) September 5, 2023
- Tóm lược ISW đánh giá chiến dịch tấn công của Nga ngày 8 tháng 8 năm 2023 September 5, 2023
- Trung Quốc Vũ khí hóa chất hiếm gali và germani: Những cạm bẫy của việc lợi dụng các điểm bế tắc September 5, 2023
- Trung Quốc-Philippines: Tranh chấp Trung Quốc-Philippines có thể leo thang thành xung đột siêu cường – Helen Davidson September 5, 2023
- Bộ trưởng Quốc phòng sắp nhậm chức của Ukraine Rustem Umerov — Tiểu sử September 5, 2023
- Tình hình ở Ukraine ngày #559 (05.09.2023) *Ukraine tấn công 11 đơn vị pháo, 4 sở chỉ huy, 11 nơi quân và thiết bị, 2 hệ thống hỏa tiễn phòng không, phá hủy 20 thiết bị quân sự, 3 kho đạn và một sở chỉ huy của Nga *Tổng thiệt hại của Nga từ đầu cuộc chiến: 265680 quân; 4489 xe tăng; 8670 xe bọc thép *503 trẻ em Ukraine thiệt mạng và 1.120 bị thương *Đức chuyển giao cho Ukraine lô đạn mới cho pháo phòng không tự hành Gepard *Quốc Hội Ukraine chấp nhận đơn từ chức của BT QP September 5, 2023
- BRICS mở rộng không phải là thắng lợi cho Trung Quốc September 5, 2023
- Tưởng Năng Tiến – Vũng Lầy Giáo Dục
- Chuyến công du của Biden chẳng mang lại chút hy vọng nào cho các nhà hoạt động ở Việt Nam
- Chuyện Việt Nam Thứ tư 06 tháng 9 năm 2023: *TBT CSVN tiếp đón quan chức CSTQ trước chuyến thăm của tổng thống Mỹ *Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ: Việt Nam thụt lùi về tự do tôn giáo *Mỹ muốn nâng cấp quan hệ với VN, Trung Quốc khó chịu * Bình Thuận được phép phá hủy hơn 600ha rừng làm hồ thủy lợi là một quả bom tấn nổ *Hà Nội: ‘Tên trường còn viết sai..