Thời sự Thứ Ba 07/11/2023: *Mỹ-Trung đối thoại vũ khí hạt nhân *Bắc Kinh, Nga gặp lãnh đạo Hamas *ĐCSTQ ám chỉ ông Tần Cương bị xúi giục làm loạn? *Bão tuyết lớn tại TQ *Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ chuyển quyền lực vào 2025

Share this post on:

Võ Thái Hà tổng hợp


Mỹ Trung nối lại đối thoại về vũ khí hạt nhân: Một bước tiến nhỏ nhưng “quan trọng”

Trọng Thành /RFI – 07/11/2023

Lần đầu tiên kể từ thời tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Mỹ và Trung Quốc nối lại đối thoại về vũ khí hạt nhân vào hôm qua, 06/11/2023 tại Washington. Bước tiến tuy nhỏ này được nhiều nhà quan sát đánh giá là quan trọng. Hoa Kỳ tạm thời tránh rơi vào thế “lưỡng đầu thọ địch”, cùng lúc phải chạy đua vũ trang với hai cường quốc hạt nhân Nga – Trung. Washington và Bắc Kinh muốn giảm thiểu nguy cơ “tính toán sai lầm” do hiểu lầm đối phương.  

Du khách tham quan các phương tiện quân sự chở tên lửa đạn đạo Đông Phong ( Dong Feng ) 41 và DF-17 tại một cuộc triển lãm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 12/10/2022.

Du khách tham quan các phương tiện quân sự chở tên lửa đạn đạo Đông Phong ( Dong Feng ) 41 và DF-17 tại một cuộc triển lãm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 12/10/2022. © AP – Andy Wong 

Đứng đầu đoàn Trung Quốc là vụ trưởng vụ Kiểm soát Vũ khí Tôn Hiểu Ba (Sun Xiaobo), bộ Ngoại Giao Trung Quốc. Đại diện phía Mỹ là ông Mallory Stewart, một quan chức cấp cao của bộ Ngoại Giao. Việc Mỹ, Trung Quốc tổ chức đối thoại về vũ khí hạt nhân là một kết quả cụ thể của chuyến công du Hoa Kỳ của ngoại trưởng Vương Nghị (Wang Yi) hồi tháng trước, nhằm chuẩn bị điều kiện cho cuộc hội kiến giữa tổng thống Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC, từ ngày 15 đến 17/11 tại San Francisco, Hoa Kỳ.

Tuy đã có một số nỗ lực ngoại giao song phương trong những tháng gần đây, quan hệ Mỹ – Trung tiếp tục căng thẳng. Cuộc gặp dự kiến giữa lãnh đạo hai nước cho đến nay chưa được Bắc Kinh xác nhận. Theo hãng tin Pháp AFP, không có bất cứ một kết quả cụ thể nào được trông đợi từ cuộc đối thoại đầu tiên về vũ khí hạt nhân này. Hãng tin Mỹ Bloomberg cũng lưu ý đây chỉ là một cuộc họp ở ‘‘cấp thấp’’ giữa hai nước mà mục tiêu không nhằm giảm thiểu kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Trả lời báo giới, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Vedant Patel nhấn mạnh: ‘‘Vấn đề chủ yếu là tiếp tục các nỗ lực nhằm quản lý quan hệ (song phương) một cách có trách nhiệm, bảo đảm là các cạnh tranh không làm bùng phát xung đột’’.

Trung Quốc tăng tốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân

Theo giới quan sát, phiên họp hôm qua tạo cơ hội để Mỹ thăm dò ‘‘học thuyết hạt nhân của Bắc Kinh’’, quan niệm của Trung Quốc về ‘‘ổn định chiến lược’’, và chiến lược xây dựng kho vũ khí hạt nhân đầy tham vọng của đại cường này. Trong nhiều thập niên, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc nhỏ hơn nhiều so với của Mỹ và Nga. Điều khiến Mỹ lo ngại là Bắc Kinh đang tăng tốc phát triển kho vũ khí này. Theo một báo cáo của Lầu Năm Góc hồi tháng trước, tính đến tháng 5/2023, Trung Quốc đã có hơn 500 đầu đạn hạt nhân sẵn sàng được sử dụng, có khả năng trang bị hơn 1.000 đầu đạn vào năm 2030, và có kế hoạch tiếp tục phát triển lực lượng này cho đến năm 2035.

Báo cáo của một ủy ban Quốc Hội Mỹ hồi tháng trước cảnh báo: “Mỹ đang trên đà hướng đến đối mặt không chỉ với một mà với cùng lúc hai đối thủ hạt nhân ngang hàng’’, đặc biệt trong bối cảnh hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược Nga-Mỹ New Start sắp hết hiệu lực vào năm 2026, và Nga nhiều lần để ngỏ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường Ukraina. Theo Hiệp ước New START, Mỹ và Nga hiện bị giới hạn ở mức tối đa 1.550 đầu đạn được triển khai trên các tên lửa tầm xa và oanh tạc cơ.  Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, tổng cộng Mỹ có khoảng 3.700 đầu đạn hạt nhân các loại trong kho dự trữ, trong khi Nga có khoảng 4.490 đầu đạn.

​Về phần mình, Trung Quốc ít đưa ra các phát biểu về mục tiêu của các đàm phán kiểm soát vũ khí nhân. Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân (Wang Wenbin) nhấn mạnh là các khác biệt về Đài Loan là ‘‘trở ngại lớn nhất’’ cho việc ‘‘ổn định quan hệ” song phương, nhưng Mỹ – Trung sẽ có các cuộc tham vấn ‘‘về kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân.”

Chính quyền Trung Quốc đã ký Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (Comprehensive nuclear Test Ban Treaty CTBT) dưới thời chính quyền Clinton, có hiệu lực từ 1996, tuy nhiên Bắc Kinh đã bác bỏ đề xuất của chính quyền Donald Trump về tham gia đàm phán với Mỹ và Nga để giới hạn chính thức về lực lượng hạt nhân tầm trung tại châu Á, với lý do kho vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh nhỏ hơn nhiều so với kho vũ khí hạt nhân của Washington và Matxcơva. Tình hình đã có phần thay đổi với việc Mỹ và Trung Quốc có cuộc đối thoại hạt nhân đầu tiên, cùng với việc hai bên nối lại nhiều kênh đối thoại về các bất đồng trên biển, các vấn đề thương mại, công nghệ, và nhiều vấn đề khác trong những tháng gần đây.

Tuy nhiên, đà xích lại gần nhau Mỹ – Trung còn rất mong manh. Chuyên gia Tong Zhao của tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace) nhận định : “Giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn đang chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh lâu dài với Hoa Kỳ”. Ông không đặt nhiều kỳ vọng vào các cuộc thảo luận về kiểm soát vũ khí, nhưng “hy vọng là nếu việc trao đổi có thể được duy trì và diễn ra thường xuyên trong tương lai, thì điều đó có thể mở ra cơ hội cho những cuộc đối thoại thực chất hơn”.


Quan chức cấp cao Hamas: Bắc Kinh đã cử đặc phái viên tới Doha, Trung – Nga đã gặp những người lãnh đạo của Hamas

Theo NTD tiếng Trung – Minh Lý biên dịch – 07/11/2023

Quan chức cấp cao Hamas: Bắc Kinh đã cử đặc phái viên tới Doha, Trung - Nga đã gặp những người lãnh đạo của Hamas

Trong một video phỏng vấn được công khai hôm 2/11/2023, ông Ali Baraka (trái), một quan chức cấp cao của Hamas, nói rằng chính quyền Trung Quốc đã cử đặc phái viên đến Doha, Trung Quốc và Nga đã gặp những người lãnh đạo của Hamas. (Ảnh chụp màn hình từ Twitter) 

Hamas đã phát động một cuộc tấn công khủng bố vào Israel, dư luận nghi ngờ rằng Trung Quốc và Nga đóng vai trò nhất định trong vụ việc này. Gần đây, một quan chức cấp cao của Hamas đã đích thân xác nhận rằng họ có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và Nga, chính quyền Trung Quốc đã cử đặc phái viên đến Doha (thủ đô của Qatar) và Trung – Nga đã gặp những người lãnh đạo của Hamas, Hamas đã và sẽ có chuyến thăm đáp lễ.

Hôm 2/11, kênh truyền thông “Shot Shot Video” của Lebanon đã công bố một video phỏng vấn ông Ali Baraka, một quan chức cấp cao của Hamas, trên kênh Youtube của họ. Ông Baraka là người phụ trách quan hệ đối ngoại của Hamas ở Beirut, thủ đô của Lebanon.

Trong cuộc phỏng vấn này, ông Baraka đã trực tiếp nêu tên một số quốc gia ủng hộ Hamas, bao gồm Triều Tiên, Iran, Trung Quốc và Nga.

Ông này thẳng thừng tuyên bố “Triều Tiên là một thành viên trong liên minh (của chúng tôi) và nói rằng Triều Tiên có năng lực để tấn công nước Mỹ, trong khi đó Iran không có vũ khí để có thể đánh tới Hoa Kỳ mà chỉ có thể tấn công Israel cùng các căn cứ và tàu chiến của Mỹ ở Trung Đông.

Ông Baraka còn cho biết: “Bây giờ, tất cả kẻ thù của Hoa Kỳ – hay tất cả những ai tỏ ra thù địch với Hoa Kỳ – đang ngày càng thân thiết hơn. Hiện tại, Nga đang liên lạc với chúng tôi mỗi ngày. Trung Quốc cũng đã cử đặc phái viên tới Doha, Trung Quốc và Nga đã gặp gỡ những người lãnh đạo của Hamas. Một phái đoàn Hamas đã đến thăm Moscow và sắp tới một phái đoàn sẽ tới Bắc Kinh”.

Ông này còn tuyên bố: “Tất cả kẻ thù của Mỹ đang đàm phán và xích lại gần nhau hơn. Một ngày nào đó họ sẽ liên hợp, tham chiến và biến Hoa Kỳ trở thành quá khứ”.

Doha là thủ đô của Qatar. Người lãnh đạo tối cao của Hamas là ông Ismail Haniyeh đang cư trú ở Doha.

Sau khi Hamas đột kích Israel và gây chiến, truyền thông Trung Quốc từng đưa tin rằng Ngoại trưởng Iran đã gặp ông Haniyeh ở Doha.

Theo một bài đăng trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, vào ngày 19/10, đặc phái viên của Trung Quốc về vấn đề Trung Đông – ông Trác Tuyển (Zhai Jun) đã đến thăm Doha và gặp quan chức ngoại giao hàng đầu của Qatar là ông Mohammed bin Abdulaziz Al-Khulaifi để “trao đổi ý kiến” về tình hình giữa Palestine và Israel. Nhưng bài đăng này không đề cập đến cuộc gặp của ông Trác Tuyển với người lãnh đạo Hamas.

Tuần trước, kênh truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đưa tin về việc phái đoàn Hamas đến thăm Nga.

Vào ngày video phỏng vấn ông Baraka được công bố, “Memri TV” đã đăng tải bản dịch tiếng Anh của video này. “Memri TV” là một dự án của Viện Nghiên cứu Truyền thông Trung Đông (MEMRI) – một tổ chức chuyên phụ trách giám sát, phiên dịch và phân tích các chương trình truyền hình của các nước Ả Rập và Iran. MEMRI tuyên bố rằng mục tiêu của họ là “thu hẹp khoảng cách ngôn ngữ giữa Trung Đông và phương Tây”.

Có cư dân mạng đã dịch video này sang tiếng Trung và lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội như X (Twitter), v.v. 

Có không ít cư dân mạng người Hoa chế giễu rằng, Hamas cuối cùng cũng không thể gánh nổi nữa và muốn kéo ‘đại hậu đài’ (ý chỉ người đứng sau, kẻ giật dây) xuống nước cùng.

Về câu nói “Mỹ cuối cùng sẽ sụp đổ” trong video, một số cư dân mạng cho rằng đây có thể là lời nói dối do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) biên tạo ra để lừa Hamas đánh lén Israel: “ĐCSTQ đã cho Hamas một cái bánh vẽ lớn!”.

Người lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã nhiều lần đề cập đến cái gọi là “Đông thăng Tây giáng”. Đây là khái niệm chính trị do ông Tập đề ra, có nghĩa là nền văn minh phương Đông với đại diện là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ trỗi dậy và phục hưng, và sẽ thay thế nền văn minh phương Tây đang dần suy tàn với đại diện là Hoa Kỳ. “Đông thăng Tây giáng” được cho là đã tiết lộ tham vọng đánh bại Hoa Kỳ và thống trị thế giới của ĐCSTQ.

Mới đây khi lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Hoa Kỳ Mitch McConnell được giới truyền thông hỏi về quan điểm của Mỹ trong cuộc chiến Israel – Hamas, ông McConnell đã thẳng thừng tuyên bố rằng Trung Quốc, Nga và Iran là “trục ma quỷ” mới.

Gần một tháng trước, vào ngày 7/10, Hamas đã bất ngờ phát động một cuộc tấn công quy mô lớn vào lãnh thổ của Israel. Phía Israel cho biết, tổ chức vũ trang này đã tàn sát hơn 1.400 người và bắt cóc ít nhất 239 con tin. Theo các video và hình ảnh được lan truyền trên Internet, Hamas đã bắn giết, chặt đầu, thiêu chết và hãm hiếp thường dân Israel, trong đó có không ít người già, yếu, phụ nữ và trẻ em.

Israel đã ngay lập tức tuyên chiến với Hamas và tiến hành các cuộc không kích cũng như tấn công vào Gaza. Phía Hamas tuyên bố rằng có hơn 9.000 dân thường ở Gaza đã thiệt mạng vì những cuộc tấn công của Israel. Tuy nhiên, con số tử vong này đang bị nghi ngờ về tính xác thực.

Hiện tại, Hamas đang dốc toàn lực để cố gắng ngăn chặn các đợt tấn công của Israel. Ở quốc tế, Liên Hợp Quốc, cũng như một số kênh truyền thông và chính trị gia cánh tả, đang phối hợp với hoạt động tuyên truyền của Hamas nhằm phóng đại cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza và thúc giục ngừng bắn. Nhưng Israel từ chối chấp nhận hòa giải và thề sẽ tiêu diệt Hamas.


G7 tranh luận về Gaza

Đối với Mỹ, nhóm G7 gồm các nước công nghiệp phát triển hiện là “ban chỉ đạo của các nền dân chủ lớn,” nơi các đồng minh nằm cách xa nhau cùng phối hợp ứng phó với các mối đe dọa toàn cầu. Các mối đe doạ đó bao gồm việc Nga xâm lược Ukraine và cuộc cạnh tranh ngày càng sâu rộng với Trung Quốc. Nhưng tại cuộc họp kéo dài hai ngày ở Tokyo, bắt đầu vào thứ Ba này, các bộ trưởng ngoại giao G7 sẽ phải giải quyết một cuộc khủng hoảng mới: cuộc chiến giữa Israel và Hamas.

Các thành viên G7 sẽ có nhiều câu hỏi dành cho Antony Blinken, Ngoại trưởng Mỹ, sau chuyến công du Trung Đông của ông: liệu đau khổ ở Gaza có thể được xoa dịu; chiến tranh sẽ kết thúc như thế nào và vào lúc nào; ai sẽ điều hành Gaza; liệu một nhà nước Palestine có thể trở thành sự thật?

Đừng mong đợi tin tốt. Blinken thậm chí còn thất bại trong việc đảm bảo “ngừng bắn nhân đạo” để đưa thêm viện trợ vào Gaza và thậm chí là giải thoát các con tin. Các nước Ả Rập yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức, trong khi Israel nhất quyết loại bỏ Hamas. Và có rất ít dấu hiệu cho thấy Israel, hoặc Mỹ, có một kế hoạch cho giai đoạn hậu chiến.

Những bước đi đầu tiên của “siêu ngân hàng” Thuỵ Sĩ UBS

Các chủ ngân hàng, cơ quan quản lý và nhà đầu tư đang theo dõi sát sao siêu tập đoàn tài chính mới của Thụy Sĩ. Vào thứ Ba, UBS sẽ báo cáo thu nhập quý 3, 5 tháng sau khi hoàn tất việc mua lại Credit Suisse. Báo cáo này cũng đánh dấu sự trở lại với các báo cáo tài chính thông thường của UBS, sau khi những điều chỉnh kế toán do thương vụ Credit Suisse làm sai lệch nghiêm trọng kết quả quý 2 của ngân hàng.

Thương vụ này là lần hợp tác đầu tiên giữa hai “ngân hàng quan trọng trong hệ thống toàn cầu” (global systemically important banks), một tên gọi xuất hiện sau khủng hoảng tài chính 2007-2009. Nó đã tạo ra một gã khổng lồ với tài sản đầu tư hơn 5 nghìn tỷ USD và bảng cân đối kế toán lớn gấp đôi quy mô nền kinh tế Thụy Sĩ. Giờ đây, UBS cần tích hợp các hoạt động nội địa của Credit Suisse và loại bỏ 55 tỷ USD tài sản rủi ro không phù hợp với chiến lược cốt lõi của ngân hàng. Các ông chủ của UBS cũng đang hy vọng giữ chân được khách hàng trong bộ phận quản lý tài sản khổng lồ và đang lên kế hoạch cắt giảm hơn 10 tỷ USD chi phí vào cuối năm 2026.

Các điều chỉnh trong Quốc hội Anh

Sự hào nhoáng của Vương quốc Anh sẽ được tiết lộ vào thứ Ba này, tại lễ khai mạc Quốc hội mới. Đây sẽ là lễ khai mạc đầu tiên của Vua Charles kể từ khi ông lên kế vị mẹ mình vào năm ngoái — và của Rishi Sunak kể từ khi ông kế nhiệm Liz Truss trên cương vị thủ tướng.

Nhà vua sẽ công bố chương trình nghị sự lập pháp của chính phủ trong bài phát biểu cuối cùng trước cuộc tổng tuyển cử, dự kiến diễn ra vào tháng 1/2025. Nhiều khả năng, bài phát biểu sẽ nhắc đến các dự luật phức tạp đã được thảo luận trong phiên họp gần nhất của Quốc hội – bao gồm các luật chính về cạnh tranh trên thị trường kỹ thuật số và bảo vệ dữ liệu.

Tuy nhiên, Đảng Bảo thủ được kỳ vọng sẽ trình bày một loạt các biện pháp để vạch ra ranh giới phân chia rõ ràng giữa họ và Đảng Lao động trước thềm bầu cử. Chúng bao gồm các biện pháp khuyến khích thăm dò dầu khí ở Biển Bắc, buộc các tù nhân bị kết án phải ra hầu tòa để tuyên án, và hạn chế việc người vô gia cư sử dụng lều.


Bầu cử địa phương tại Mỹ

Một năm trước cuộc bầu cử tổng thống, người Mỹ sẽ bỏ phiếu ở các cuộc đua cấp tiểu bang và địa phương vào thứ Ba này. Cư dân Kentucky và Mississippi sẽ chọn thống đốc mới, trong khi người dân New Jersey và Virginia sẽ bầu các nhà lập pháp địa phương, và người Ohio sẽ quyết định có đưa quyền phá thai vào hiến pháp bang của họ hay không.

Nhưng sự chú ý sẽ đổ dồn vào Virginia, nơi được coi là tâm điểm cho các cuộc đua năm sau. Dù không có tên trong lá phiếu, Thống đốc Glenn Youngkin đang tích cực vận động cho các đảng viên Cộng hòa từ Virginia Beach đến vùng ngoại ô Washington, D.C. Chương trình nghị sự chính sách của ông đã bị cản trở bởi đa số của Đảng Dân chủ tại thượng viện. Nhưng nếu Đảng Cộng hòa giành thêm hai ghế và nắm được Hạ viện, họ sẽ có kế hoạch cắt giảm thuế và ban hành lệnh cấm phá thai trong 15 tuần. Youngkin, thống đốc duy nhất ở Mỹ không thể đảm nhiệm hai nhiệm kỳ liên tiếp, đang mong muốn bảo đảm di sản của mình. Người ta cho rằng ông đang để mắt đến một vị trí cao 


ĐCSTQ ám chỉ ông Tần Cương bị xúi giục làm loạn?

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/11/ongtancuong.jpg

Ông Tần Cương và người tình tin đồn Phó Hiểu Điền. (Ảnh: MXH) 

Nguyên nhân sa thải cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương vẫn chưa được chính thức công bố, tuy nhiên mới đây Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã đăng một bài viết cho rằng quan chức ngoại giao có nguy cơ cao bị xúi giục làm loạn. Một số nhà phân tích chỉ ra rằng bài viết được cho là ám chỉ nguyên nhân khiến ông Tần Cương bị cách chức.

Trang tin The Paper tại Trung Quốc hôm 4/11 đưa tin, số mới nhất của tạp chí “Thanh tra, giám sát kỷ luật Trung Quốc” đã đăng một bài viết của ông Trương Tế Văn (Zhang Jiwen), Tổ trưởng Tổ Kiểm tra, Giám sát Kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Nhà nước trú tại Văn phòng Đối ngoại Trung ương. Điểm chính của bài viết nói rằng công tác ngoại giao có nguy cơ bị xâm nhập xúi giục làm phản tương đối cao.

Tạp chí “Thanh tra, giám sát kỷ luật Trung Quốc” là ấn phẩm quan trọng chủ chốt của Trung ương ĐCSTQ và là ấn phẩm chính thức của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Quốc gia.

Bài viết này không nêu tên ai cụ thể, mà nhắm vào toàn bộ giới ngoại giao. Giới quan sát cho rằng một mặt đây là nhằm vào ông Tần Cương, mặt khác còn bộc lộ tâm lý khép kín của các nhà lãnh đạo ĐCSTQ, những người không tin tưởng vào những quan chức ngoại giao tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài.

Bài viết nhận định, lĩnh vực ngoại giao phải đối mặt với những rủi ro chính trị, rủi ro liêm chính và rủi ro quản lý. Về rủi ro chính trị, cần phải đề phòng “nguy cơ thực hiện không đến nơi đến chốn những chỉ thị quan trọng của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, nguy cơ rò rỉ bí mật, nguy cơ bị xâm nhập, xúi giục làm phản”.

“Vẫn còn tồn tại những trường hợp cán bộ vi phạm quy định quản lý đối ngoại khi đi thăm, công tác ở nước ngoài, nguy cơ buông lỏng kỷ luật, thiếu kỷ luật, pháp luật, đạo đức ngoài thời gian ‘8 giờ làm việc’ là tương đối cao.”

Bài viết chủ yếu nhắm vào các quan chức ngoại giao, cho rằng họ là lực lượng chính trong công tác đối ngoại, là những người ở tuyến đầu trong giao lưu đối ngoại, đặc biệt là đấu tranh với các thế lực thù địch phương Tây. Do đó, rủi ro bị xâm nhập và bị lôi kéo sa ngã là tương đối cao.

Bài viết cũng chỉ ra rằng các quan chức đối ngoại nên cẩn thận với việc “tìm kiếm lợi ích cá nhân từ ngoại giao”, chủ yếu là sử dụng các nguồn lực đối ngoại tích lũy và các mối quan hệ cá nhân để trục lợi cá nhân.

Nhật báo Sing Tao của Hồng Kông hôm Chủ nhật bình luận rằng bài báo nói trên chỉ trích các quan chức đối ngoại, bao gồm cả Bộ Ngoại giao: “Đặc biệt khi vụ việc của ông Tần Cương xảy ra, có tin đồn rộng rãi rằng ông đã ‘trêu hoa ghẹo nguyệt’ khi đang trú ở nước ngoài, bài viết này làm liên tưởng đến việc nhắm vào ông Tần Cương cũng là rất bình thường.”

Giới ngoại giao của ĐCSTQ vẫn do ông Vương Nghị nắm giữ trong nhiều năm, cái gọi là ngoại giao chiến lang cũng được phát triển dưới thời ông ta. Vương Nghị được ông Tập Cận Bình đánh giá sâu sắc về điều này và được thăng chức vào Bộ Chính trị tại Đại hội 20 của ĐCSTQ. Ông Tần Cương được thăng chức làm quan chức cao nhất phụ trách đối ngoại của ĐCSTQ, đảm nhiệm chức Bộ trưởng Ngoại giao. Tuy nhiên, ông chỉ giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao được vài tháng, rồi biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng vào cuối tháng 6 năm nay, sau đó bị cách chức bộ trưởng ngoại giao. Cách đây hai tuần, ông đã bị rút khỏi chức vụ ủy viên Quốc vụ viện. Đồng thời ông Vương Nghị quay lại giữ chức ngoại trưởng.

Tờ Wall Street Journal dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này cho biết hôm 19/9, các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đã được thông báo về việc cựu Ngoại trưởng Tần Cương ngoại tình khi đang giữ chức vụ đặc phái viên hàng đầu của ĐCSTQ tại Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền ĐCSTQ chưa bao giờ chính thức giải thích nguyên nhân ông Tần Cương bị cách chức bộ trưởng.

Một số nhà quan sát cho rằng việc cách chức ông Tần Cương có liên quan đến sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa ĐCSTQ với Mỹ và các đồng minh phương Tây của Mỹ. Ông Tập Cận Bình đã cố gắng loại bỏ mọi rủi ro an ninh. Chuyện ngoại tình và đứa con ngoài giá thú của ông Tần Cương được cho là đã giúp Mỹ có cơ hội kiểm soát ông ta.

Trí Đạt (t/h)


Đông Bắc Trung Quốc chứng kiến trận bão tuyết lớn đầu tiên trong mùa; dự báo tuyết rơi kỷ lục 

07/11/2023 – AP 

Tuyết rơi dày đặc tại Đại học thành phố Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang ngày 18/11/2013.

Tuyết rơi dày đặc tại Đại học thành phố Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang ngày 18/11/2013. 

Tuyết dày bao phủ nhiều vùng phía đông bắc Trung Quốc ngày 6/11, khiến trường học phải đóng cửa và giao thông tạm dừng trong trận bão tuyết lớn đầu tiên trong mùa ở nước này.

Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV cho biết, các đường cao tốc chính ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, đã bị đóng và các chuyến bay bị hủy. Các lớp học cấp 2 đã bị hủy bỏ ngày 6/11 tại các vùng của Hắc Long Giang cũng như các tỉnh lân cận như Liêu Ninh và Nội Mông.

CCTV đưa tin vào cuối ngày 6/11, một phòng tập thể dục ở Hắc Long Giang bị sập một phần, khiến ba người mắc kẹt bên trong, mặc dù nguyên nhân chưa rõ ràng.

Trung tâm Khí tượng Quốc gia nói, lượng tuyết rơi có khả năng “phá kỷ lục lịch sử” trong cùng thời kỳ. Bão tuyết lớn dự kiến sẽ tiếp tục xảy ra ở các khu vực thuộc các tỉnh Nội Mông, Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh, với độ dày lên tới 20 cm ở một số nơi.

Đoạn phim CCTV cho thấy các xe tải mắc kẹt nối tiếp nhau, kéo dài 1 km bên ngoài Cáp Nhĩ Tân.

Cơ quan thời tiết Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo màu cam cho đến hết ngày 7/11, mức cao thứ hai trong thang cảnh báo bốn bậc.

Khuya ngày 6/11, CCTV cho biết một phần của phòng tập thể dục hai tầng đã bị sập ở thành phố Giai Mộc Tư, Hắc Long Giang. Đài truyền hình nói có 3 người bị mắc kẹt và công tác cứu hộ đang được tiến hành.

Đoạn video lan truyền trên mạng cho thấy lính cứu hỏa và nhân viên cứu hộ tại một địa điểm bị bao phủ bởi tuyết và đống đổ nát. Không có tuyên bố chính thức về vụ việc.


Singapore : Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ chuyển giao quyền lực trước năm 2025

RFI – 07/11/2023

Ngày 05/11/2023, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chính thức thông báo sẽ chuyển giao quyền lực cho phó thủ tướng Lawrence Wong (Hoàng Tuần Tài) trước kỳ tổng tuyển cử năm 2025. Đây được xem là khởi đầu cho một chương sử mới của Singapore, nhưng trên thực tế nền dân chủ chuyên chế Singapore kể từ khi ra đời vẫn nằm dưới sự lãnh đạo của một đảng, Đảng Hành Động Nhân Dân. 

Ảnh tư liệu : Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ tại Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 12/11/2022.

Ảnh tư liệu : Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Ấn Độ tại Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 12/11/2022. AP – Anupam Nath 

Từ Kuala Lumpur, thông tín viên trong khu vực Juliette Pietraszewski cho biết thêm :  

Trong bài phát biểu đầy xúc động, thủ tướng Lý Hiển Long chính thức thông báo từ chức sau gần 20 năm nắm giữ vị trí quan trọng nhất tại Singapore. Ông phát biểu : « Tôi đã có một may mắn lớn và một vinh dự lớn được phục vụ đất nước trong suốt cuộc đời từ khi tôi trưởng thành, trước tiên là trong quân đội Singapore và sau đó là trong đảng và chính quyền ». 

Thủ tướng thứ ba, con trai của Lý Quang Diệu, người thành lập Singapore, thông báo như trên tại Đại hội Đảng Hành động Nhân dân, diễn ra hai năm một lần, trước gần 1000 đảng viên.  

Lịch sử đã sang trang, Lawrence Wong sẽ là người kế nhiệm thủ tướng Lý Hiển Long. Ban đầu là dân biểu, kể từ năm 2014 ông giữ chức bộ trưởng của nhiều bộ, gần đây nhất là bộ trưởng Tài Chính kiêm phó thủ tướng Singapore từ năm ngoái. 

Sơ yếu lý lịch của ông Lawrence Wong như vậy được xem là tiêu biểu trong giới chính trị gia Singapore. Tuy nhiên, ông lại không phải lựa chọn đầu tiên của Đảng Hành động Nhân dân. 

Eric Frécon, nhà nghiên cứu và chuyên gia về Singapore tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại IRASEC của Thái Lan, giải thích : 

“Với một đất nước vốn dĩ quen dự kiến mọi chuyện thì việc lựa chọn thủ tướng mới như vậy là không theo đúng kế hoạch. Singapore không còn ở một triều đại mà con trai của thủ tướng đương nhiệm sẽ là người kế vị. Trước đây đã từng có 3,4 sự lựa chọn, nhưng cuối cùng đều thất bại bởi các ứng viên đều cần được thử thách. Lawrence Wong đã phải trải qua một chặng đường dài để chứng tỏ được năng lực.”

Lawrence Wong hy vọng có thể bắt đầu nhiệm kỳ thủ tướng với chiến thắng gần như chắc chắn trong kỳ bầu cử tới.