Võ Thái Hà tổng hợp
Liên Âu : Thêm 5 tỷ euro viện trợ quân sự cho Ukraina
Thanh Hà /RFI – 15/3/2024
Sau nhiều tháng đàm phán, cuối cùng 27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu hôm qua, 13/03/2024, đạt thỏa thuận viện trợ quân sự thêm 5 tỷ euro cho Ukraina trong năm 2024. Khoản tiền này nhằm giúp Kiev trang bị vũ khí và đạn dược để chiến đấu chống quân Nga. Cụ thể, 5 tỷ được dùng để trực tiếp thanh toán cho các thành viên Liên Âu đã cung cấp vũ khí đạn dược cho Ukraina.
Hình minh họa: Binh sĩ Ukraina đang luyện tập chiến đấu tại một địa điểm phía bắc Ukraina, ngày 13/11/2023. AP – Efrem Lukatsky
Gói viện trợ mới 5 tỷ euro cho tài khóa 2024 nâng viện trợ quân sự của Liên Hiệp Châu Âu cho Ukraina lên thành 11 tỷ.
Trên mạng xã hội X, Văn phòng chủ tịch Hội Đồng Châu Âu hôm qua thông báo các bên đã « đồng ý » cải tổ quỹ FEP được sử dụng nhằm « tạo điều kiện thuận lợi để gìn giữ hòa bình ». Quỹ này không nằm trong ngân sách chung của Liên Âu. Đàm phán về viện trợ cho Ukraina thông qua quỹ FEP đã bị bế tắc trong nhiều tháng, do bất đồng giữa hai nhà tài trợ chính là Pháp và Đức về việc sử dụng quỹ này.
Paris chủ trương là viện trợ của châu Âu trong khuôn khổ quỹ FEP phải được ưu tiên dùng để mua vũ khí của châu Âu, qua đó thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của châu lục này. Quan điểm của Paris được Hy Lạp và Chypre ủng hộ. Trái lại Đức quan niệm quỹ FEP cho phép Ukraina trang bị vũ khí, đạn dược với bất kỳ một nhà cung cấp nào. Berlin đóng góp 25 % vào quỹ FEP và là nguồn viện trợ hào phóng nhất cho Ukraina, sau Hoa Kỳ.
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại từ khi Nga xâm lược Ukraina, Liên Hiệp Châu Âu đã dành đến 28 tỷ euro để hỗ trợ chính quyền Kiev.
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đang hối thúc các đối tác phương Tây cung cấp thêm đạn dược, trang thiết bị quân sự để đối phó với Nga. Khoảng viện trợ 60 tỷ đô la mà chính quyền Biden hứa cấp cho Kiev vẫn bị kẹt tại Washington do những tranh cãi chính trị nội bộ Hoa Kỳ.
Cũng liên quan đến Ukraina, hôm 13/03/2024 đến lượt Thượng Viện Pháp đã thông qua Hiệp Định An Ninh Pháp- Ukraina với 293 phiếu tuận và 22 phiếu chống.
Ngày mai 15/03/2024 tại Berlin, thủ tướng Đức Olaf Scholz tiếp tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Ba Lan Donald Tusk trong khuôn khổ một cuộc « họp khẩn về Ukraina ». Mục tiêu cuộc họp 3 bên này nhằm « tạo đà và huy động toàn khối Liên Hiệp Châu Âu trong nỗ lực yểm trợ chính quyền Kiev ». Các bên tái khẳng định Liên Âu là điểm tựa « chắc chắn và lâu bền » của Kiev.
Châu Âu thông qua dự luật mang tính lịch sử về AI
Theo RFI
Cờ EU trước Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ (Ảnh: symbiot / Shutterstock)
Ngày 13/3 Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua Dự luật trí tuệ nhân tạo (EU AI Act) để quản lý công nghệ mới này, bảo vệ cộng đồng và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đây được cho là cột mốc quan trọng đầu tiên trên thế giới hướng đến chuẩn mực hóa trong hoạt động công nghệ AI.
Các thành viên Nghị viện châu Âu tại Strasbourg hôm qua (13/3) đã bỏ phiếu về Dự luật AI, kết quả là 523 phiếu thuận và 46 phiếu phản đối, giúp dự luật được thông qua và mở đường cho dự luật chính thức có hiệu lực. Sau đó, 27 nước EU dự kiến sẽ phê duyệt chính thức vào tháng 4, các quy định cuối cùng sẽ được công bố trên Công báo EU (OJEU) vào tháng 5 hoặc tháng 6, sẽ có hiệu lực sau 12 tháng kể từ khi trở thành luật chính thức.
Dự luật AI nhằm mục đích quy phạm hóa toàn diện hoạt động AI, bảo vệ quyền lợi các bên liên quan và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Việc dự luận này được thông qua trở thành luật là cột mốc quan trọng đầu tiên trên thế giới hướng đến chuẩn mực hóa trong hoạt động công nghệ AI.
Luật này quy phạm hóa việc các công ty và tổ chức sử dụng AI, chủ yếu quy định hai khía cạnh chính: một là cấm một số công nghệ sinh ra bởi AI mà được coi là “không chấp nhận được”, chẳng hạn như cấm hệ thống đánh giá xã hội được điều khiển bởi AI; khía cạnh khác là bảo vệ nghiêm ngặt đối với các ứng dụng được xem là “rủi ro cao”, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và tiếp nhận dịch vụ từ chính phủ, cần phải đánh dấu rõ văn bản, hình ảnh và video được tạo ra bởi AI.
Ủy ban châu Âu đã đệ trình Dự luật AI vào tháng 4/2021.
Như đã biết, cuối năm 2022 OpenAI được gã khổng lồ viễn thông Mỹ Microsoft hỗ trợ đã ra mắt ChatGPT – công nghệ AI có khả năng viết đoạn văn hoặc dịch văn bản trong vài giây. Tiềm năng to lớn về công nghệ AI này đã thúc đẩy cạnh tranh gay gắt trong nghiên cứu và phát triển giữa các công ty lớn trên thế giới. Nhưng công nghệ AI cũng tiềm ẩn một số rủi ro như tạo ra hình ảnh và video giả mạo hoặc không phải sự thật.
Một trong những người soạn thảo dự luật quản lý AI được EU đưa ra lần này là Nghị sĩ Tudorache cho biết, công tác quy phạm hóa đối với hoạt động AI này chỉ là bước khởi đầu, vì AI vẫn đang phát triển nhanh chóng.
Mỹ trình dự thảo đầu tiên về AI ra LHQ
Phan Anh
Bản dự thảo do Mỹ trình lên Đại hội đồng LHQ hướng đến thu hẹp khoảng cách số giữa các nước, bảo đảm tất cả các bên đều có vị thế bình đẳng trong thảo luận về AI cũng như có được công nghệ và tiềm lực để tận dụng lợi ích mà AI đem lại, trong đó có khám chữa bệnh, dự báo lũ lụt và huấn luyện nhân công lao động thế hệ mới.
Trao đổi với hãng tin AP ngày 12/3, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Mỹ hướng đến Đại hội đồng LHQ là vì muốn có một bước thảo luận thực chất tầm toàn cầu về cách thức quản lý tác động của công nghệ AI vốn đang biến đổi rất nhanh.
Dự thảo nghị quyết sẽ cho thấy toàn cầu ủng hộ bộ nguyên tắc cơ bản về phát triển và sử dụng AI, đưa ra con đường để phát huy tác dụng tích cực của các hệ thống AI đồng thời quản trị nguy cơ từ AI.
Theo ông Jake Sullivan, nếu được thông qua, nghị quyết sẽ là bước tiến lịch sử nhằm phát triển AI an toàn, an ninh và tin cậy trên toàn thế giới.
Mỹ bắt đầu khởi động đàm phán với 193 quốc gia thành viên LHQ từ ba tháng trước đây, với hàng trăm giờ đàm phán riêng và trực tiếp với các nước, nhận được phản hồi, đóng góp từ 120 nước. Dự thảo đã được chỉnh sửa nhiều lần và nhận ủng hộ đồng thuận của tất cả các nước thành viên trong tuần này. Dự thảo sẽ sớm được xem xét thông qua vào cuối tháng 3.
Khác với Nghị quyết của Hội đồng bảo an, Nghị quyết Đại hội đồng LHQ không có tính ràng buộc pháp lý, nhưng là một thông số quan trọng thể hiện quan điểm của thế giới.
Bầu cử tổng thống Nga bắt đầu
Vào thứ Sáu, cuộc bầu cử tổng thống Nga sẽ bắt đầu. Kết quả không còn nghi ngờ gì nữa: Vladimir Putin sẽ giành được thêm một nhiệm kỳ sáu năm nữa. Ông nắm trong tay các phương tiện truyền thông và đã đóng cửa các nhóm xã hội dân sự. (Golos, tổ chức giám sát bầu cử độc lập duy nhất của Nga, đã bị dán nhãn là “đặc vụ nước ngoài”.) Các nhân vật đối lập đã bị bịt miệng, bỏ tù, hoặc sát hại. Boris Nadezhdin, một chính trị gia phản chiến, đã thu thập đủ chữ ký để giành được một vị trí trong lá phiếu, nhưng bị cấm ứng cử. Vào ngày 16 tháng 2, Alexei Navalny, thủ lĩnh phe đối lập nổi tiếng nhất của Nga, đã chết tại trại giam ở Siberia, nơi ông bị giam giữ vì những cáo buộc ngụy tạo.
Trong bối cảnh đó, việc tổ chức bỏ phiếu có vẻ vô nghĩa. Nhưng nó rất quan trọng đối với bản thân ông Putin. Quyền lực của ông mang một vỏ bọc là sự ủng hộ của quần chúng. Cuộc bầu cử là một nghi thức để nhấn mạnh điều đó. Nó sẽ khuyến khích tổng thống tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine và chiến dịch đàn áp ở quê nhà.
Người Mỹ không hài lòng dù nền kinh tế tăng trưởng tốt
Dù giai đoạn khó khăn đã qua, người Mỹ vẫn chưa thấy hài lòng với nền kinh tế. Dữ liệu mới nhất về chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan — một chỉ số được theo dõi chặt chẽ — sẽ được công bố vào thứ Sáu.
Tháng trước, thang đo này đã giảm xuống mức 76,9 – tương đương với tăng trưởng yếu. Con số này giảm nhẹ so với đầu năm, mặc dù đã tăng mạnh từ đầu năm 2023. Đối với chính quyền Biden, tâm trạng của công chúng là một nỗi lo đáng kể. Tăng trưởng kinh tế gần đây của Mỹ rất ấn tượng, nhưng nhiều người dường như vẫn tập trung vào lạm phát cao hơn là vào thị trường lao động mạnh mẽ. Các nhà phân tích lập luận rằng quan điểm đảng phái chính trị có thể đang cản trở các phản hồi khảo sát và mọi người sẽ mất nhiều thời gian hơn để “tiêu hóa” đợt tăng giá lớn xảy ra vào năm 2022. Trong bối cảnh đó, một sự cải thiện dù chỉ khiêm tốn trong chỉ số tâm lý tiêu dùng có thể là điều tốt nhất mà Joe Biden mong đợi.
Thượng đỉnh Pháp-Đức-Ba Lan
Khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến thăm Berlin vào thứ Sáu, ông sẽ cố gắng hàn gắn mối quan hệ với thủ tướng Đức Olaf Scholz. Cặp đôi này khác nhau về tính khí và bản năng chính trị – và trong những tuần gần đây họ cũng bất đồng quan điểm về cuộc chiến ở Ukraine.
Ông Macron làm người Đức ngạc nhiên khi vào cuối tháng 2 ông công khai đề cập rằng các nước phương Tây có thể gửi bộ binh tới Ukraine. Ông Scholz ngay lập tức bác bỏ ý kiến này. Các quan chức Đức đặc biệt khó chịu trước những lời lẽ diều hâu như vậy vì Pháp chỉ cung cấp 635 triệu euro (693 triệu USD) viện trợ quân sự cho Ukraine, trong khi Đức đã chuyển hoặc hứa 17,7 tỷ euro, theo tính toán của Viện Kinh tế Thế giới Kiel (số liệu mà chính phủ Pháp phản đối). Hai ông Macron và Scholz sau đó sẽ cùng với thủ tướng Ba Lan, Donald Tusk, tham dự cuộc họp của Tam giác Weimar, một diễn đàn địa chính trị ra đời năm 1991 sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Ba Lan và Đức đặc biệt mong muốn hồi sinh nó.
Công ty fintech tiêu biểu của Ấn Độ gặp khó khăn
Trong nhiều năm qua, Paytm luôn là công ty tiên phong trong cuộc bùng nổ fintech ở Ấn Độ. Công ty khởi nghiệp này đã đi đầu trong lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số trong nước, thu hút được 100 triệu người dùng và hàng tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm. Vào năm 2021, nó ra mắt công chúng với mức định giá 20 tỷ USD, trở thành thương vụ IPO lớn nhất từ trước đến nay của Ấn Độ. Nhưng giờ đây Paytm đang gặp nhiều khó khăn.
Giá cổ phiếu của Paytm đã sụt giảm trong bối cảnh lo ngại về khả năng sinh lời của nó. Và trong nỗ lực thu hút người dùng, công ty đã đi tắt đón đầu, khiến các cơ quan quản lý tức giận. Vào thứ Năm, công ty sẽ đóng cửa chi nhánh ngân hàng của mình theo lệnh của ngân hàng trung ương Ấn Độ vì “liên tục không tuân thủ,” chẳng hạn như mở tài khoản mà không có giấy tờ tùy thân thích hợp.
Những động thái này sẽ có tác động sâu rộng. Người dùng có tài khoản ngân hàng Paytm, bao gồm nhiều doanh nghiệp nhỏ, sẽ phải rút tiền ra. Nhiều người trong số 7.000 công ty khởi nghiệp fintech khác ở Ấn Độ cũng có thể phải giảm bớt chiến lược tiếp cận khách hàng tương tự. Câu chuyện thành công của Paytm đang trở thành một mô hình cảnh báo.
Nhiều công ty sẽ ‘mệt’ với quy định mới về sử dụng A.I.
Nguyên Lee/SGN – 14/3/2024
(minh họa: Sanket Nishra/Pexels)
Các quy định xung quanh việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (A.I.) để kinh doanh bắt đầu được chú trọng ở California.
Tuần qua, Hội Đồng Cơ Quan Bảo Vệ Quyền Riêng Tư California (California Privacy Protection Agency board) bỏ phiếu với tỷ số 3-2 để nâng cao các quy tắc về cách các doanh nghiệp sử dụng A.I., và thu thập thông tin cá nhân của người tiêu dùng, công nhân và sinh viên. Cuộc bỏ phiếu diễn ra ở Oakland, tiếp tục một quá trình bắt đầu từ Tháng Mười Một năm 2021.
Các quy tắc được đề xuất nhằm hướng dẫn nhiều lĩnh vực, trong đó A.I., và dữ liệu cá nhân có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân California, như lương bổng, thăng chức, giáng chức, nhà ở, bảo hiểm, chăm sóc sức khoẻ, và tình trạng học tập của học sinh.
Ví dụ theo quy định, nếu nhà tuyển dụng muốn sử dụng A.I. để đưa ra dự đoán về trạng thái cảm xúc hoặc tính cách của một người trong cuộc phỏng vấn xin việc, ứng viên có thể từ chối mà không sợ bị phân biệt đối xử.
Theo quy định mới, doanh nghiệp phải thông báo cho mọi người trước khi sử dụng A.I. Nếu ai từ chối tương tác với mô hình A.I., doanh nghiệp phải chấp thuận. Nếu mọi người đồng ý sử dụng dịch vụ hoặc công cụ A.I., doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về cách họ sử dụng thông tin cá nhân. Các quy định cũng sẽ yêu cầu người sử dụng lao động hoặc nhà thầu bên thứ ba thực hiện đánh giá rủi ro để đánh giá hiệu suất công nghệ.
Các quy định được đề xuất sẽ ảnh hưởng nhiều công ty có doanh thu hàng năm trên $25 triệu, hoặc xử lý dữ liệu cá nhân của hơn 100,000 người dân California. Một phân tích của Forbes cho thấy 35 trong 50 công ty A.I. hàng đầu thế giới có trụ sở chính tại California.
(minh họa: Growtika/Unsplash)
Một lỗ hổng trí tuệ nhân tạo?
Hơn 20 liên đoàn lao động và các tổ chức về quyền kỹ thuật số cho biết phiên bản mới nhất của các quy tắc, được giới thiệu vài ngày trước cuộc họp, bị giảm bớt và tạo ra những sơ hở khiến các doanh nghiệp trốn tránh trách nhiệm khi sử dụng công nghệ.
Những người ủng hộ quyền kỹ thuật số đó, gồm các tổ chức như Liên Đoàn Lao Động California và Trung Tâm Lao Động UC Berkeley, cho biết các quy tắc loại bỏ tùy chọn từ chối khỏi các phiên bản quy tắc trước đó, và thay đổi định nghĩa của một thuật ngữ chính theo cách có thể bị lợi dụng.
“Các công ty có thể dễ dàng tuyên bố họ không sử dụng các hệ thống tự động ‘tạo điều kiện thuận lợi đáng kể’ cho các quyết định của con người,” một lá thư do những người ủng hộ đưa ra và chia sẻ với CalMatters. “Bản sửa đổi này làm mất đi thông tin cần thiết của cơ quan về cách sử dụng các công cụ thuật toán dễ gặp rủi ro.”
Thành viên hội đồng quản trị Vinhcent Le, người từng làm việc với các luật sư và nhân viên của cơ quan bảo vệ quyền riêng tư để phát triển dự thảo quy tắc đầu tiên hơn hai năm trước, cho biết sự thay đổi ngôn ngữ đó nghe có vẻ giống như một lỗ hổng trong luật.
California là nơi đầu tiên và duy nhất mà nhân viên nhận được thông tin quan trọng về dữ liệu của họ, Giám Đốc Trung Tâm Lao Động UC Berkeley Annette Bernhardt nói với hội đồng quản trị trong buổi bình luận công khai trước cuộc bỏ phiếu và những sửa đổi gần đây có nguy cơ tước đi quyền sử dụng các công cụ thuật toán của nhân viên.
(mih họa: Maximalfocus/Unsplash)
Trong bình luận công khai tại cuộc họp vào Tháng Mười Hai 2023, nhóm kinh doanh đã lập luận ủng hộ việc miễn yêu cầu hồ sơ công khai và loại bỏ phê duyệt đánh giá rủi ro của ban giám đốc công ty. Các lợi ích kinh doanh như Hội Đồng Vùng Vịnh, có thành viên là các công ty A.I. lớn như Amazon, Google và Meta, trước đây cho rằng các định nghĩa quy tắc dự thảo về A.I., và ra quyết định tự động là quá rộng.
Giám đốc điều hành cơ quan bảo vệ quyền riêng tư Ashkan Soltani cho biết ông mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp hơn từ công chúng, vì khoảng 90% phản hồi cho đến nay đều đến từ các nhà vận động hành lang kinh doanh.
Vào Tháng Bảy sẽ có một cuộc bỏ phiếu khác về các quy tắc này, nhưng nhân viên cơ quan bảo vệ quyền riêng tư không mong đợi quy tắc này được công bố sớm, ít nhất cũng phải hơn một năm nữa.
Nghị Viện Châu Âu thông qua dự luật Tự Do Báo Chí
Thanh Hà – 15/3/2024
Ngày 13/03/2024, Nghị Viện Châu Âu thông qua dự luật về tự do báo chí, nhằm bảo đảm tính độc lập cho ngành báo chí của 27 nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, bảo vệ các phóng viên và các phương tiện truyền thông của toàn khối trước những « can thiệp » với động cơ « chính trị hay kinh tế ».
Ảnh minh họa. © CC0 Pixabay/Contributeur
Dự luật đã được thông qua với 464 phiếu thuận, 92 phiếu chống và 65 nghị viên không tham gia bỏ phiếu. Văn bản này cấm các thành viên Liên Âu « gây áp lực » với các phóng viên và tổng biên tập, cấm ép buộc báo chí phải tiết lộ các tin, cấm nghe lén, cấm sử dụng phần mềm thâm nhập trái phép máy tính, điện thoại của các nhà báo…
AFP nhắc lại, dự luật Tự Do Báo Chí vừa được Nghị Viện Châu Âu thông qua nhằm « bảo vệ tính đa dạng và độc lập » của các phương tiện truyền thông, vào lúc mà quyền cơ bản này đang bị đe dọa tại một số quốc gia, như Hungary và Ba Lan, hay tại một số quốc gia khác sử dụng phần mềm do thám như Pegasus hay Predator để ngăn cản hoạt động của các phóng viên.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát vẫn băn khoăn với câu hỏi : Liệu một số nước thành viên có thể viện cớ « an ninh quốc gia » cản trở công tác thông tin của báo giới hay không.
Đối với tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, đây là một « tiến bộ quan trọng » về quyền được thông tin của các công dân. Song như nghị viên châu Âu Hà Lan Sophie In’t Veld ghi nhận, để luật mới về tự do báo chí được hiệu quả, Ủy Ban Châu Âu cần bảo đảm rằng các nước thành viên hoàn toàn tuân thủ luật.
Dự luật Tự Do Báo Chí của Liên Âu chính thức có hiệu lực một khi được các thành viên của khối này này phê chuẩn.