Thời sự Thứ Hai 08 tháng 4 năm 2024: *Trung Quốc đe dọa việc làm tại Hoa Kỳ *Nhật Bản Hoa Ky hợp tác quân sự *Nga Trung Quốc hợp tác về Ukraina *Israel ”chuẩn bị” tấn công Rafah *Myanmar ‘đang suy yếu’ *Quốc hội Mỹ tái họp *Mêxicô và Ecuador

Share this post on:

Võ Thái Hà tổng hợp


Washington không để Trung Quốc đe dọa việc làm và ngành công nghiệp Hoa Kỳ

Thanh Hà /RFI – 08/4/2024

Trong ngày cuối cùng chuyến công tác 5 ngày tại Trung Quốc, bộ trưởng Tài Chính Mỹ Janet Yellen hôm nay 08/04/2024 cho biết « không loại trừ khả năng áp thuế » hàng hóa Trung Quốc. Washington không để tái diễn nguy cơ chính sách trợ giá của Bắc Kinh tạo cạnh tranh bất bình đẳng, « hủy hoại 2 triệu việc làm của người Mỹ » như trong quá khứ. 

U.S. Treasury Secretary Janet Yellen attends a press conference in Beijing, China April 8, 2024.

Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Janet Yellen trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 08/04/2024. REUTERS – Florence Lo 

Bộ trưởng Tài Chính Mỹ cũng đã cảnh cáo các doanh nghiệp Trung Quốc không nên tiếp tay với Nga trong cuộc chiến Ukraina. Nhưng mối quan tâm hàng đầu của bà Yellen trong các cuộc tiếp xúc với giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn là cạnh tranh bất bình đẳng đe dọa công nghiệp và việc làm của dân Mỹ.

Họp báo sáng nay tại Bắc Kinh trước khi lên đường về nước, bà Yellen giải thích : « Hơn một thập niên trước đây, nhờ các biện pháp trợ giá ở quy mô lớn của chính quyền, hàng của Trung Quốc bán ra với giá thấp » qua đó hủy hoại nhiều mảng  công nghiệp của thế giới và Hoa Kỳ ». Trong các cuộc trao đổi với các giới chức Trung Quốc tại Bắc Kinh, thông điệp của chính quyền Mỹ rất rõ ràng đó là « tổng thống Joe Biden và tôi sẽ không chấp nhận để trường hợp này tái diễn ».

Hãng tin Anh Reuters lưu ý, bộ trưởng Tài Chính Mỹ để ngỏ khả năng « đánh thuế » nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc, tuy nhiên bà Yellen không nói rõ biện pháp đó sẽ có được áp dụng cho các mặt hàng như bình điện ô tô, ô tô điện hay pin mặt trời hay không…  Mỹ cũng như Liên Hiệp Châu Âu, Nhật Bản, Mêhicô và Philippines lo ngại khả năng sản xuất của Trung Quốc quá lớn so với nhu cầu tiêu thụ nội địa, do vậy, trong một số lĩnh vực, như là ô tô điện hay pin mặt trời, hàng của Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường thế giới.

Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc trợ giá ô tô điện

Ô tô điện Trung Quốc, trọng tâm đối thoại giữa bộ trưởng Thương Mại Trung Quốc Vương Văn Đào (Wang Wentao) và bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire hôm nay tại Paris. Đến Pháp trong hai ngày 7 và 08/2024 ông Vương Văn Đào sáng nay tuyên bố những cáo buộc Trung Quốc trợ giá ô tô điện, tạo cạnh tranh bất bình đẳng với xe của Mỹ và châu Âu là « không có cơ sở ». Quan chức Trung Quốc này thậm chí tố cáo Liên Âu « bảo hộ mậu dịch ». Các hiệu xe BYD hay Geely đang bị điều tra. Để « giải độc » hồ sơ này, bộ trưởng Thương Mại Vương Văn Đào công du nhiều nước châu Âu. Sau chặng dừng tại Paris, ông sẽ lên đường sang Roma, Ý trước khi đến Bruxelles, để thuyết phục Liên Hiệp Châu Âu tránh tăng thuế hải quan đánh vào các sản phẩm « sạch » của Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị công du nước Pháp vào tháng 5/2024.


Thủ tướng Nhật Bản đến Washington siết chặt hợp tác quân sự với Mỹ

Minh Anh /RFI – 08/4/2024

Thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida, hôm nay, 08/04/2024, lên đường đến Washington, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tại Mỹ, kéo dài đến ngày 13/4. Sau Washington, lãnh đạo chính phủ Nhật Bản sẽ đến thăm Bắc Carolina. 

08/4/2024

Japanese Prime Minister Fumio Kishida shakes hands with U.S. President Joe Biden during a joint press conference with South Korean President Yoon Suk Yeol (not pictured) during the trilateral summit

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (P) bắt tay tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp báo sau thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật-Hàn, tại Camp David, gần Thurmont, Maryland, Hoa Kỳ, ngày 18/08/2023. REUTERS – Evelyn Hockstein 

Theo lịch trình, một ngày trước khi Mỹ, Nhật, Philippines họp thượng đỉnh, thủ tướng Fumio Kishida và tổng thống Joe Biden hội đàm với nhau vào thứ Tư 10/4. Nhân cuộc gặp song phương này, lãnh đạo Nhật và Mỹ sẽ thông báo công cuộc cải tổ quan trọng nhất đối với liên minh an ninh của hai nước, kể từ khi ký hiệp ước phòng thủ chung năm 1960.

Từ Tokyo, thông tín viên đài RFI, Frédéric Charles giải thích :

« Nhật Bản và Hoa Kỳ muốn nâng cấp liên minh an ninh tại một quần đảo tập trung nhiều căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ. Đối với hai nước đồng minh này, cần phải tăng cường hợp tác trên phương diện chỉ huy và quyền lực.

Một ban thường trực hỗn hợp bao gồm nhiều sĩ quan cấp cao Mỹ – Nhật có thể được lập ra ở Nhật Bản. Hiện tại, Tokyo phải xử lý công việc với Bộ Chỉ Huy Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ, đóng tại căn cứ ở Hawai. Điều này làm trì hoãn các quyết định.

Từ cuộc chiến xâm lược Ukraina do Nga tiến hành, Nhật Bản đã quyết định tăng gấp đôi chi tiêu quân sự từ đây trong vòng năm năm trước nguy cơ Trung Quốc xâm lược Đài Loan.

Bất chấp các hạn chế của Hiến Pháp chủ hòa, Nhật Bản cũng quan tâm đến việc hợp tác với liên minh phòng thủ AUKUS, tập hợp các nước Mỹ, Anh và Úc. Cột trụ đầu tiên của liên minh này bao gồm việc trang bị cho Úc các chiếc tầu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Nhật Bản có thể tham gia vào cột trụ thứ hai, liên quan đến chiến tranh tin học, trí tuệ nhân tạo và phát triển tên lửa siêu thanh tầm xa. »


Ngoại trưởng Nga công du Trung Quốc để bàn về Ukraina

Thanh Hà /RFI – 08/4/2024

Chiến tranh Ukraina, tăng cường quan hệ song phương và tình hình trong khu vự Châu Á – Thái Bình Dương là những hồ sơ chính trong hai ngày làm việc 08 và 09/04/2024 của ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov tại Bắc Kinh. Mặt khác, hai bên cũng chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc của tổng thống Vladimir Putin dự trù vào tháng 5/2024. Đây sẽ là chuyến xuất ngoại đầu tiên từ khi ông Putin tái đắc cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ. 

In this photo released by Russian Foreign Ministry Press Service on Monday, April 8, 2024, Russian Foreign Minister Sergey Lavrov, center, walks from the plane upon his arrival in Beijing, China. Russ

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (G) xuống máy bay, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 8/4/2024. AP 

Thông cáo của bộ Ngoại Giao Nga được AFP trích dẫn cho biết ngoại trưởng Lavrov sẽ có nhiều cuộc trao đổi với đồng cấp Vương Nghị. Hai bên « trao đổi quan điểm trên một số hồ sơ nóng bỏng » như « khủng hoảng Ukraina và tình hình tại Châu Á-Thái Bình Dương ».

Hãng tin Anh Reuters nhắc lại Nga và Trung Quốc cùng muốn lại phác họa ra một trật tự mới trên thế giới thay thế mô hình dân chủ của phương Tây mà đứng đầu là Mỹ.

Về phía Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bà Mao Ninh nhấn mạnh chuyến đi của lãnh đạo ngoại giao Nga diễn ra trong khuôn khổ một « chuyến viếng thăm chính thức » theo lời mời của ngoại trưởng Vương Nghị.

Liên quan đến cuộc chiến tại Ukraina, Trung Quốc luôn khẳng định thế trung lập và đã đề xuất một kế hoạch gồm 12 điểm để giải quyết xung đột. Nga tuyên bố đánh giá cao sáng kiến này.

Quảng cáo

Theo Reuters, cho đến nay, dường như Nga chấp nhận đàm phán vãn hồi hòa bình tại Ukraina với điều kiện Kiev chấp nhận « một thực tế », đó là mất quyền kiểm soát 20 % lãnh thổ quốc gia.

Chiến tranh Ukraina là cơ hội để Trung Quốc và Nga mở rộng quan hệ kinh tế : tổng trao đổi mậu dịch hai chiều giữa hai nước trong năm 2023 đạt ngưỡng 240 tỷ đô la, tăng thêm 26 % so với hồi 2022. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng gần 47 % trong năm vừa qua và trong chiều ngược lại Nga cũng đã xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc đến 13 %.

Từ 2022 Nga và Trung Quốc đã khẳng định « mối quan hệ đối tác » và « tình bạn vô bờ bến ».

Tổng thống Nga và chủ tịch Trung Quốc đã hai lần gặp nhau tại Matxcơva và Bắc Kinh. Ông Tập từng khẳng định « mức độ tin tưởng lẫn nhau về mặt chính trị ngày càng lớn ». Sau khi tái đắc cử hồi tháng 03/2024 ông Vladimir Putin đánh giá tình hữu nghị của trục Matxcơva – Bắc Kinh là « yếu tố đem lại ổn định » cho thế giới và đánh giá rất cao mối quan hệ cá nhân với chủ tịch Tập Cận Bình.


Gaza : Israel tái bố trí lực lượng để ”chuẩn bị” tấn công Hamas ở Rafah

Thu Hằng /RFI – 08/4/2024

Israel rút quân khỏi thành phố Khan Younes, chấm dứt một chặng quan trọng trong chiến dịch tấn công lực lượng Hamas. Ngày 07/04/2024, bộ Quốc Phòng Israel ra thông cáo giải thích cho việc rút quân khỏi miền nam dải Gaza là để tái bố trí lực lượng « chuẩn bị cho những chiến dịch mới, trong đó có thành phố Rafah », nằm sát biên giới Ai Cập. 

Israeli soldiers embrace after returning from the Gaza strip, amid the ongoing conflict between Israel and Palestinian Islamist group Hamas, in southern Israel, February 29, 2024. REUTERS/Amir Cohen/

Ảnh minh họa : Binh sĩ Israel trở về từ miền nam Gaza. Ảnh chụp ngày 29/02/2024. REUTERS – Amir Cohen 

Thông tín viên RFI Michel Paul tại Jerusalem giải thích :

« Tổng tham mưu trưởng Israel nhấn mạnh ”Chiến tranh còn lâu mới kết thúc. Chiến tranh mang hình thái và cường độ khác”. Dù có thế nào thì sư đoàn lớn nhất của Israel, với các lực lượng tinh nhuệ, đã rời khỏi miền nam dải Gaza ngày hôm qua (07/04) để tái triển khai quanh vùng đất của người Palestine. 

Hiện giờ, Israel chỉ để lại duy nhất một sư đoàn, dọc theo tuyến đường cắt ngang Gaza nhằm ngăn người dân đi từ miền nam lên miền bắc. Đây là một chiến lược mới. Theo giải thích của giới chuyên gia quân sự ở Israel, trong trường hợp cần thiết, Israel sẽ chỉ tiến hành những cuộc thâm nhập đúng lúc dựa trên thông tin tình báo chính xác, như mới xảy ra ở bệnh viện Al Shifa ở thành phố Gaza. 

Tại Israel sáng nay (08/04), truyền thông thắc mắc về động cơ thực sự của đợt tái triển khai này trong khi các mục tiêu chiến tranh chưa đạt được, nhưng dường như thúc đẩy đàm phán hưu chiến và trả tự do cho các con tin ».

Quảng cáo

Ngày 07/04, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho rằng quyết định rút quân của Israel là để quân nhân được « nghỉ ngơi sau 4 tháng trên thực địa ». Washington kỳ vọng vào vòng đàm phán mới ở Cairo để kế hoạch tấn công Rafah không thành hiện thực. Hiện giờ, thủ tướng Netanyahu vẫn duy trì kế hoạch, vốn bị tổng thống Mỹ Joe Biden coi là « lằn ranh đỏ ».


Thủ tướng Thái Lan nói chế độ quân sự Myanmar ‘đang suy yếu’ 

08/4/2024 – Reuters 

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin trong cuộc phỏng vấn với Reuters trên đảo Koh Samui

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin trong cuộc phỏng vấn với Reuters trên đảo Koh Samui 

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin nói với Reuters rằng lúc này là thời điểm tốt để mở các cuộc đàm phán với Myanmar khi chế độ quân sự lên nắm quyền sau cuộc đảo chính hồi năm 2021 đang suy yếu.

Myanmar đang khốn đốn với cuộc nổi dậy trên nhiều mặt trận, với các nhóm chống chính quyền quân sự liên minh với nhau và được một chính phủ ủng hộ dân chủ hỗ trợ. Họ đang nắm quyền kiểm soát một số đồn quân sự và thị trấn, bao gồm một phần của một thị trấn then chốt nằm ở biên giới với Thái Lan vào cuối tuần qua.

Cuộc nổi dậy là thách thức lớn nhất mà chính quyền quân sự Myanmar phải đối mặt kể từ khi họ tiến hành đảo chính lật đổ chính phủ dân cử vào năm 2021.

“Chế độ hiện tại đang bắt đầu mất đi phần nào sức mạnh,” ông Srettha nói trong một cuộc phỏng vấn trên đảo nghỉ mát Samui hôm 7/4, và nói thêm rằng ‘nhưng ngay cả khi họ thua, họ vẫn có sức mạnh, họ có vũ khí’.

“Có lẽ đã đến lúc tiếp cận họ để thảo luận một thỏa thuận,” ông nói.

Thái Lan đã tìm cách can dự với Myanmar qua nhiều kênh kể từ khi ông Srettha lên nắm quyền hồi tháng Tám năm ngoái, bao gồm cả cung cấp viện trợ cho Myanmar theo một sáng kiến nhân đạo nhằm mở đường cho đàm phán giữa các phe tham chiến.

Quốc hội Thái Lan cũng đã tổ chức một cuộc hội thảo vào tháng trước về tình hình chính trị ở Myanmar với sự tham gia của các phe phái đối lập với quân đội Myanmar, bất chấp sự phản đối của tập đoàn quân sự.

Ông Srettha cho biết Myanmar rất quan trọng đối với Thái Lan và ông và các quan chức Thái Lan khác đã nói chuyện với các phe phái khác nhau ở Myanmar và các đối tác quốc tế bao gồm Trung Quốc và Hoa Kỳ.

“Quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất nếu Myanmar trở nên thống nhất, hòa bình và thịnh vượng là Thái Lan,” ông Srettha nói.

Chính phủ Thái Lan sẽ không đứng về bên nào trong cuộc xung đột ở nước ngoài và chính sách của họ sẽ là giải quyết xung đột một cách hòa bình, phát ngôn nhân chính phủ Chai Watcharong cho biết hôm 8/4 khi được truyền thông hỏi về tình hình ở Myanmar.


Quốc hội Mỹ họp trở lại với mục tiêu lập pháp tham vọng

Vào thứ Hai, các thành viên Quốc hội Mỹ sẽ trở lại Washington sau hai tuần tạm nghỉ. Họ có những mục tiêu lập pháp đầy tham vọng, có lẽ là quá tham vọng. Thượng viện sẽ xem xét dự luật cho phép các ngân hàng làm việc với các công ty cần sa và dự luật có thể cấm TikTok. Họ cũng sẽ giải quyết vấn đề cải cách thuế. Nhà Trắng đã yêu cầu cả hai viện phê duyệt nguồn tài trợ liên bang để xây dựng lại cầu Francis Scott Key của Baltimore và tái cấp quyền cho một phần của Đạo luật Giám sát Tình báo Nước ngoài, vốn sẽ hết hạn vào cuối tháng 4.

Vấn đề gây tranh cãi nhất là gói viện trợ cho Ukraine và các đồng minh khác của Mỹ. Mike Johnson, chủ tịch Hạ viện và là người từng hoài nghi về việc giúp đỡ Ukraine, đã đặt luật này làm ưu tiên hàng đầu. Thượng viện do phe Dân chủ kiểm soát đã thông qua, nhưng ông Johnson sẽ hướng tới sửa đổi các phần trong dự luật để xoa dịu nhóm MAGA cực hữu. Nhưng bấy nhiêu có thể là không đủ. Marjorie Taylor Greene, một nhà lập pháp cực hữu, đã đe dọa phế truất Johnson vì ông thay đổi quan điểm.


Quan hệ Anh-Pháp nồng ấm lên nhờ Ukraine

Những người lính Pháp và Anh có nhiệm vụ bảo vệ nguyên thủ quốc gia của họ, một người là tổng thống cộng hòa, còn người kia là nhà vua, sẽ tham gia các nghi lễ hàng ngày của nhau vào thứ Hai. Màn trình diễn mang tính biểu tượng đánh dấu kỷ niệm 120 năm Entente Cordiale, một thỏa thuận song phương vào năm 1904 đã chấm dứt căng thẳng giữa hai nước. Tại London, các thành viên của lực lượng vệ binh cộng hòa Pháp sẽ giúp thay người gác tại Cung điện Buckingham. Trong khi đó, những người đồng cấp Anh của họ sẽ là đội quân nước ngoài đầu tiên tham gia buổi lễ tương đương tại cung điện Elysée ở Paris.

Quan hệ Pháp-Anh đang khôi phục sau nhiều năm tranh cãi về Brexit và hiệp ước AUKUS. Pháp và Anh hiện đang phối hợp đào tạo phi công lái máy bay chiến đấu cho Ukraine, và cả hai đều đã viện trợ tên lửa hành trình cho nước này. Nhưng còn đó những khác biệt, đặc biệt là sau tuyên bố có thể gửi lực lượng mặt đất tới Ukraine hồi tháng 2 của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ngoại trưởng Anh David Cameron thẳng thừng nói Không.


Scandal chính trị ở Gibraltar

Một cuộc điều tra làm rung chuyển Gibraltar, một lãnh thổ thuộc Anh, sẽ bước vào giai đoạn quan trọng cuối cùng vào thứ Hai. Nó xoay quanh vụ từ chức của cựu ủy viên cảnh sát Ian McGrail, người tuyên bố ông bị buộc thôi việc. Vụ việc đã đặt ra các vấn đề pháp quyền ở một vùng đất nhạy cảm về mặt tài chính và chiến lược: một thiên đường thuế, nơi có căn cứ của Anh nằm chặn ngay yết hầu của Địa Trung Hải. Gibraltar cũng nhạy cảm về mặt ngoại giao, vì Tây Ban Nha tuyên bố đây là đất của họ.

Ông McGrail đổ lỗi cho người đứng đầu chính phủ, Fabian Picardo, cho rằng việc sa thải ông là đòn đáp trả vì đã điều tra một công ty mà ông Picardo có cổ phần. Ông Picardo phủ nhận. Cảnh sát đang điều tra những tuyên bố rằng các nhân chứng bị ép buộc ra làm chứng. Cuộc điều tra cũng gây tranh cãi chính trị về việc chính phủ ngăn chặn công chúng tiếp cận một số bằng chứng. Ông Picardo trích dẫn lý do an ninh và lợi ích công cộng. Nhưng dù kết quả cuộc điều tra có ra sao thì danh tiếng của Gibraltar cũng đã bị ảnh hưởng.


Mêhicô kiện Ecuador ra Tòa Án Công Lý Quốc Tế

Thanh Hà /RFI – 08/4/2024

Hai ngày sau vụ cảnh sát Ecuador đột nhập vào tòa đại sứ Mêhicô ở Quito, nơi cựu phó tổng thống Ecuador Jorge Glas đang tị nạn, chính quyền Mêhicô hôm nay 08/04/2024 thông báo đệ đơn kiện Quito ra trước Tòa Án Công Lý Quốc Tế. Cộng đồng quốc tế và nhiều nước ở châu Mỹ La Tinh lên án hành động thô bạo của Ecuador. Chính quyền cánh hữu của tổng thống Ecuador Daniel Noboa đứng trước một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng. 

A man holds a placard that reads "Noboa Fascist" as people protest outside the Ecuadorean embassy, after Ecuadorean authorities arrested former Ecuador's Vice President Jorge Glas seizing him from the

Khoảng 50 người biểu tình ngày 6/4/2024, trước sứ quán Ecuador ở thủ đô Mêhicô, lên án chính quyền Ecuador là “phát xít”, sau vụ cảnh sát tấn công sứ quán Mêhicô bắt cựu phó tổng thống tị nạn. REUTERS – Luis Cortes 

Ngoại trưởng Mêhicô Alicia Barcena ngay từ chiều qua cho biết chuẩn bị hồ sơ kiện Ecuador ra trước Tòa Án Công Lý Quốc Tế, cơ quan tư pháp tối cao của Liên Hiệp Quốc, vì Quito « vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và chủ quyền của Mêhicô », như tổng thống Mêhicô Andres, Manuel Lopez Obrador đã ghi nhận. 

Hôm qua, nhân viên ngoại giao Mêhicô tại thủ đô Quito và gia đình đã phải cấp tốc rút chạy về nước, với sự bảo vệ của đại sứ Đức, Cuba, Panama và Honduras trên một chuyến bay thương mại. Vụ việc xảy ra một ngày sau khi cảnh sát Ecuador đột nhập vào sứ quán của Mêhicô, bắt cựu phó tổng thống Glasxin đang tị nạn. Phó tổng thống Ecuador, bị tân chính quyền Quito truy tố về tội tham nhũng, đã bị cảnh sát áp tải thẳng vào tù.

Cộng đồng quốc tế đồng loạt lên án Ecuador vi phạm công ước Vienna, đột nhập vào cơ sở ngoại giao của một quốc gia có chủ quyền. Liên Hiệp Châu Âu, Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ và nhiều chính quyền cánh tả tại châu Mỹ Latinh, từ Brazil đến Venezuela hay Chile đồng loạt lên án Ecuador. Thậm chí Achentina trong tay tổng thống Javier Milei cánh cực hữu cũng tuyên bố không thể chấp nhận hành vi của chính quyền cánh hữu Noboa.

Quảng cáo

Mêhicô và Nicaragua cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ecuador. Tổng thống Honduras, quyền chủ tịch luân phiên Tổ Chức Các Quốc Gia Châu Mỹ, triệu tập một cuộc họp khẩn cấp vào hôm nay.