Cựu Tổng thống Donald Trump hôm thứ Ba (23/7) nói rằng ông sẵn sàng tranh biện với Phó Tổng thống Kamala Harris hơn một lần khi hai người đối đầu trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024.
“Chắc chắn. Tôi muốn. Tôi nghĩ điều đó là quan trọng”, ông Trump nói hôm 23/7 khi được phóng viên Bill Melugin của Fox News hỏi trong cuộc họp báo qua điện thoại rằng liệu ông sẽ cam kết tranh biện với bà Harris ít nhất một lần.“Thực sự, tôi sẵn sàng tham gia hơn một cuộc tranh biện”, ông Trump nói.
Ít phút sau đó, ông Trump lưu ý, “tôi chưa đồng ý bất cứ điều gì [về tranh biện với bà Harris]. Tôi đã đồng ý một cuộc tranh biện với ông Joe Biden”.
Tổng thống Biden hôm Chủ Nhật (21/7) đã chính thức loan báo đình chỉ chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2024 và tuyên bố tán thành Phó Tổng thống Harris.
Bà Harris vào tối thứ Hai (22/7) loan báo bà đã chốt xong vị trí đề cử viên khi nhận được cam kết ủng hộ của đa số trong gần 4.000 đại biểu dự Đại hội Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC) vào tháng Tám tới ở Chicago.
Chủ tịch DNC (Đảng Dân Chủ) Jaime Harrison hôm thứ Ba (23/7) nói rằng Đảng Dân chủ sẽ tiến hành bỏ phiếu trực tuyến để chọn đề cử viên tổng thống 2024 trước khi khai mạc đại hội toàn quốc.
“Chúng tôi sẽ chọn đề cử viên trước Hạn chót 7/8 của Ohio”, ông Harrison tuyên bố trên X.
Ông Trump, trong cuộc họp báo qua điện thoại nêu trên, cũng nói rằng tranh biện với bà Harris thay vì ông Biden “sẽ không có gì khác biệt bởi vì họ có chính sách giống nhau”.
Cựu tổng thống vốn đã bỏ qua các cuộc tranh biện tổng thống sơ bộ của Đảng Cộng hòa nói: “Tôi nghĩ tranh biện là quan trọng cho một cuộc đua tổng thống. Tôi thực sự nghĩ vậy”.
“Tôi nghĩ nếu quý vị là đề cử viên Đảng Dân chủ hoặc đề cử viên Đảng Cộng hòa, thì quý vị phải có bổn phận tranh biện. Tôi nghĩ việc đó là rất quan trọng”, ông Trump nói.
Trước khi Tổng thống Biden rút lui, các ứng cử viên tổng thống của hai đảng đã đồng ý tham gia vào hai cuộc tranh biện. Họ đã cùng nhau tẩy chay tham gia các cuộc tranh biện do Ủy ban Tranh biện Tổng thống tổ chức. Thay vào đó, họ đồng ý tham gia các cuộc tranh biện sớm được tường thuật trực tiếp trên truyền hình và do các hãng truyền thông tổ chức.
Cuộc tranh biện tiếp theo giữa ông Biden và ông Trump đã được lên lịch diễn ra vào ngày 10/9 và do ABC News chủ trì.
Cựu Tổng thống Trump nói trong cuộc họp báo qua điện thoại rằng ông “không hào hứng với ABC News” là nhà tổ chức.
Ông Trump kêu gọi cuộc tranh biện đó sẽ chuyển sang Fox News bởi vì ông cho rằng ABC News là “rất thiên kiến”.
“Tôi không hào hứng về ABC [News] bởi vì họ thực sự là [truyền thông] tin giả”, ông Trump nói.
Hiện không rõ liệu bà Harris có thay ông Biden tham gia tranh biện với ông Trump vào ngày 10/9 như lịch cũ hay ông Trump và bà Harris sẽ thảo luận để sắp xếp một cuộc tranh biện khác.
Thủ tướng Israel đến thăm Mỹ và sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ
Hôm thứ Hai (ngày 22/7), Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, đã lên đường tới Mỹ và dự kiến sẽ gặp Tổng thống Joe Biden vào thứ Ba (ngày 23/7) để thảo luận về cách thúc đẩy các mục tiêu chiến tranh trong những tháng tới, bao gồm việc thả tất cả các con tin, đánh bại Hamas và chống lại trục khủng bố của Iran cùng những lực lượng dưới trướng của nước này. Ngoài ra, ông Netanyahu cũng sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào thứ Tư (ngày 24/7).
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Netanyahu tới Mỹ, đồng minh quốc tế quan trọng nhất của Israel, kể từ khi ông tái đắc cử chức thủ tướng Israel vào cuối năm 2022. Hôm 21/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ tuyên bố rút khỏi cuộc tranh cử tổng thống năm 2024, khiến chuyến thăm này thu hút nhiều sự chú ý từ thế giới bên ngoài.
Dự kiến, bài phát biểu của ông Netanyahu trước Quốc hội Mỹ sẽ tập trung vào vấn đề Israel và Mỹ phối hợp như thế nào để ứng phó với tình hình chiến tranh ở Trung Đông.
Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, nói: “Tôi sẽ kêu gọi những người bạn trong lưỡng đảng của Mỹ, cho dù người dân Mỹ chọn ai làm tổng thống tiếp theo, Israel sẽ vẫn là một đồng minh lớn mạnh và không thể thiếu của Mỹ ở Trung Đông”.
Ông Netanyahu đang phải đối mặt với áp lực khi Mỹ yêu cầu Israel phải chấm dứt cuộc chiến ở Dải Gaza, đồng thời, người Israel cũng hy vọng tất cả các con tin sẽ được trở về nhà (bất kể là còn sống hay đã chết).
Hiện chưa rõ liệu ông Netanyahu có gặp ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump trong chuyến đi này hay không. Ông và ông Trump là đồng minh thân thiết dưới thời chính quyền Trump; sau khi chiến tranh giữa Israel và Hamas nổ ra, ông Trump nói rằng cuộc chiến ở Dải Gaza phải nhanh chóng kết thúc.
Lời mời phát biểu trước Quốc hội Mỹ thường là đặc quyền dành riêng cho các đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Đây cũng là lần thứ hai ông Netanyahu được mời phát biểu trước Quốc hội Mỹ. Trong bài phát biểu vào năm 2015, ông Netanyahu đã phê phán tổng thống khi đó là ông Barack Obama vì đã thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Giám đốc Mật vụ Mỹ từ chức sau khi ông Trump bị ám sát
Giám đốc Mật vụ Mỹ Kimberly Cheatle đã từ chức sau khi cơ quan này thất bại trong việc ngăn chặn vụ ám sát nhằm vào cựu Tổng thống Donald Trump hôm 14/7 giờ địa phương, theo 3 nguồn tin nói với hãng NBC News.
Bà Cheatle đối mặt sức ép phải từ chức kể từ vụ ám sát hụt ông Trump tại cuộc vận động tranh cử ở bang Pennsylvania hôm 14/7 giờ địa phương.
Một người tham dự đã thiệt mạng và hai người khác bị trọng thương. Bản thân ông Trump bị trúng đạn xuyên tai phải.
Trong cuộc phỏng vấn với Đài ABC News sau vụ tấn công, bà Cheatle gọi vụ việc là không thể chấp nhận được, và nhấn mạnh trách nhiệm của bà là không để chuyện tương tự xảy ra trong tương lai.
Khi tham gia điều trần tại Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ hôm 22/7 giờ địa phương, Giám đốc Mật vụ Mỹ cho rằng mình không nên từ chức, dù xác nhận sứ mệnh của mật vụ đã thất bại vào ngày 14/7.
Bà nhấn mạnh trước ủy ban Hạ viện: “Trên vai trò giám đốc cơ quan Mật vụ Mỹ, tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về bất kỳ sai sót an ninh nào. Chúng tôi sẽ hợp tác đầy đủ với phía cơ quan điều tra”.
Mật vụ Mỹ chưa phản hồi thông tin về quyết định từ chức của bà Cheatle.
Bà Cheatle đã trở thành giám đốc Mật vụ Mỹ từ năm 2022. Bà tiếp nhận vị trí lãnh đạo Mật vụ Mỹ vào thời điểm cơ quan này trải qua một loạt các bê bối.
Tổng cộng 10 nhân viên mật vụ đã bị sa thải sau khi bị phát hiện đưa phụ nữ, trong đó có gái mại dâm, vào khách sạn trước chuyến công du Colombia của Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Barack Obama vào năm 2012.
Theo MY LOAN <tmyloan@gmail.com>
(RFI) – Nga : Nhiều vùng tăng tiền thưởng để khuyến khích nhập ngũ. Trước đây những thanh niên tình nguyện tham gia chiến đấu tại mặt trận Ukraina chỉ nhận được 605.000 rúp, tương đương khoảng 6.300 euro. Nay tiền thưởng đã tăng lên hơn 20.000 euro, theo sắc lệnh do thị trưởng Matxcơva Serguei Sobyanin đưa ra gần đây. Trang web chính thức của tòa thị chính thành phố cho biết : “Theo chỉ thị của tổng thống Vladimir Putin, chính quyền thành phố Matxcơva cần cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho bộ Quốc Phòng Nga trong việc tuyển dụng lực lượng vũ trang”. Đây là một khoản tiền đáng kể ở một quốc gia có lương tháng trung bình vào khoảng 700 euro.
(DPA) – Zelensky: Ukraina chế tạo tên lửa tầm xa. Trong một phát biểu hàng ngày vào hôm qua, 23/07/2024, tổng thống Ukraina cho biết chương trình chế tạo tên lửa riêng của Ukraina đang tiến triển tốt. Theo lời Kiev, các tên lửa có tầm bắn gần 300 km đang được sản xuất ở Ukraina có thể được sử dụng để tấn công các chiến hạm Nga ngoài khơi xa.
(AFP) – Đức cấm ‘‘Trung tâm Hồi giáo Hamburg’’ do có liên hệ với tổ chức Hezbollah Liban. Bộ Nội Vụ Đức hôm nay, 24/07/2024, ra lệnh cấm trung tâm nói trên và các cơ sở trực thuộc, bị cáo buộc liên hệ với chế độ Hồi giáo Iran, và phong trào Hồi giáo Hezbollah, được coi là đồng minh của Teheran. Trả lời báo giới, bộ trưởng Nội Vụ Nancy Faeser tố cáo trung tâm này đã có các bài tuyên truyền chống quyền phụ nữ, chống độc lập tư pháp và chống lại nhà nước dân chủ’’.
(AFP) – Bóng bay chứa rác do Bắc Triều Tiên thả rơi xuống phủ tổng thống Hàn Quốc. Theo cơ quan an ninhHàn Quốc, bóng bay rớt xuống phủ tổng thống hôm nay, 24/07/2024. Đây là lần đầu tiên một trong hàng nghìn quả bóng bay rác do Bình Nhưỡng thả rơi xống trụ sở tổng thống Hàn Quốc, nằm ở trung tâm Seoul và được bảo vệ bởi vùng cấm bay. Bắc Triều Tiên thả bóng bay chứa rác để trả đũa việc các nhà hoạt động Hàn Quốc thả bóng bay mang theo truyền đơn lên án chế độ Bình Nhưỡng.
QUẢNG CÁO
(AFP) – Bão Gaemi đổ bộ vào miền bắc Philippines gây nhiều thiệt hại. Hôm nay, 24/07/2024, cơn bão đã ập vào thủ đô Manila và nhiều thành phố khác của Philippines khiến chính quyền phải triển khai lực lượng cứu hộ trên khắp thành phố để cứu trợ và sơ tán dân cư. Nhiều cơ quan và trường học đã đóng cửa, hơn 70 chuyến bay nội địa và quốc tế bị hủy do thời tiết. Trong khi đó tại phía nam thủ đô, lở đất đã cướp đi sinh mạng của một phụ nữ mang thai và 3 trẻ em, cũng như làm tắc nghẽn nhiều con đường lớn. Hiện nay, bão Gaemi đang hướng tới Đài Loan với sức gió 162km/h. Các trường học trên hòn đảo này cũng đã phải đóng cửa để tránh bão.
(AFP) – Ngày 21/07/2024 là ngày nóng nhất được ghi nhận, Copernicuscảnh báo sẽ còn có nhiều kỷ lục khác. Kỷ lục nóng nhất thế giới liên tục bị phá. Tiếp theo kỷ lục ngày 06/07/2024, ngày 21/07 được ghi nhận là nóng nhất, với 17,09 độ C trung bình toàn cầu, vượt kỉ lục trước đó 17,08 độ C, theo mạng lưới Copernicus Châu Âu hôm qua, 23/07/2024. Giám đốc Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S), Carlo Buontempo, cảnh báo sẽ có thêm những kỷ lục mới đáng lo ngại trong những tháng và năm tới. Khí thải do năng lượng hóa thạch là nguyên nhân chính của tình trạng khí quyển bị hâm nóng nhanh chóng hiện nay.
(AFP) – New Zealand : Khoảng 200.000 trẻ em và người lớn bị lạm dụng trong nhiều thập kỷ tại các cơ sở chăm sóc của nhà nước và các tổ chức tôn giáo. Trước những kết quả cuộc điều tra được công bố hôm nay, 24/07/2024, thủ tướng New Zealand Christopher Luxon đã phải đưa ra lời xin lỗi và hứa sẽ có những biện pháp cải cách. Trong cuộc điều tra kéo dài 6 năm, rất nhiều nạn nhân đã làm chứng về việc họ bị lạm dụng thể xác, tình dục và tinh thần trong các trại mồ côi, nhà nuôi dưỡng, bệnh viện tâm thần và các nhà thờ.
(AFP) – Ngày càng có nhiều “chất ô nhiễm vĩnh cửu” trong thuốc trừ sâu ở Mỹ. Theo kết quả được công bố ngày 24/07/2024 trên tạp chí Environmental Health Perspectives, các chất Per- và Polyfluoroalkyl, còn gọi là PFAS, gần như không thể phá hủy, tích tụ theo thời gian và cuối cùng vào được trong cơ thể con người, làm suy giảm hệ miễn dịch, khả năng sinh sản, gây rối loạn nội tiết. Những chất này đã bị hạn chế rất nhiều hoặc bị cấm trong đồ dùng, nhưng vẫn được sử dụng trong nông nghiệp. Theo kết quả nghiên cứu, khoảng 14% thành phần có trong thuốc trừ sâu ở Mỹ là hóa chất PFAS, trong đó có gần 1/3 các hoạt chất được cấp phép trong mười năm qua.
(AFP) – Mỹ : Thành phố Salt Lake City được đăng cai Thế Vận Hội Mùa Đông 2034. Thông tin được Ủy Ban Thế Vận Hội thông qua ngày 24/07/2024 tại Paris (Pháp) với 83 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 6 vắng mặt. Như vậy, chỉ trong 6 năm, Mỹ có hai thành phố tổ chức sự kiện thể thao toàn cầu, trước đó, Los Angeles tổ chức Olympic Mùa Hè 2028. Hiện tại, địa điểm tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông 2030 vẫn chưa được quyết định, trong đó có vùngnúi Alpes của Pháp ứng tuyển.
Theo RFI