Theo dõi Nhân quyền hối thúc Thái Lan cho phép Y Quynh Bdap tái định cư ở nước thứ ba
RFA
23/10/2024
Ông Y Quynh Bdap khi chưa bị Cảnh sát Thái Lan bắt giữ
Fb Y Quynh Buondap
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đề nghị Chính phủ Thái Lan không hỗ trợ Việt Nam trong việc đàn áp các nhà hoạt động như ông Y Quynh BDap và cho phép họ tái định cư ở một quốc gia thứ ba.
Tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ ngày 22/10 thúc giục Chính phủ Thái Lan bác bỏ yêu cầu của Việt Nam dẫn độ nhà hoạt động nhân quyền người Thượng.
Toà án Hình sự Bangkok hồi cuối tháng 9 đưa ra phán quyết rằng Chính phủ Thái Lan có thể trục xuất ông Y Quynh Bdap về Việt Nam, mặc dù ông được Cao uỷ về người tị nạn của Liên Hiệp quốc (UNHCR) cấp quy chế tị nạn sau khi cùng gia đình sang Bangkok lánh nạn từ năm 2018.
Ông Y Quynh Bdap, thành viên sáng lập của tổ chức Người Thượng vì Công lý (MSFJ) chuyên báo cáo vi phạm nhân quyền của Việt Nam ra quốc tế, bị một toà án ở Việt Nam kết tội vắng mặt vì cho rằng ông liên quan đến vụ xả súng ở tỉnh Đắk Lắk vào tháng 6/2023, một cáo buộc mà ông luôn phủ nhận.
Trong thông cáo, HRW nói nếu bị dẫn độ về Việt Nam, ông Y Quynh Bdap có nguy cơ bị tra tấn và các hành vi ngược đãi nghiêm trọng khác. Theo đó, Thái Lan sẽ vi phạm Đạo luật Phòng và Chống tra tấn và Mất tích cưỡng bức cũng như Công ước quốc tế về chống tra tấn, trong đó cấm gửi trả bất kỳ ai đến một nơi mà họ có thể phải đối mặt với nguy cơ thực sự bị đàn áp, tra tấn hoặc ngược đãi nghiêm trọng khác, hoặc bị đe dọa đến tính mạng.
Ông Y Phic Hdok, thành viên sáng lập của MSFJ và hiện đang định cư tại Hoa Kỳ, cho rằng sự lên tiếng của HRW rất quan trọng. Ông nói với RFA trong ngày 23/10:
“Đây là phép thử quan trọng đối với cam kết của Thái Lan trong việc bảo vệ những người tị nạn và tuân thủ luật pháp quốc tế. Việc phớt lờ các giá trị và nguyên tắc nhân quyền sẽ không chỉ làm suy giảm uy tín của một quốc gia mà còn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về mặt pháp lý và ngoại giao trong tương lai.”
Lương Cường “phông bạt” ngay trong phát biểu đầu tiên
Dân Trần/VNTB
23.10.2024 3:41
(VNTB) – Chủ tịch nước mới, nhưng vẫn là một giọng điệu dối trá quen thuộc như những người cũ
Trong bài phát biểu sau khi nhận chức chủ tịch nước ngày 21/10, ông Lương Cường tuyên bố rằng “với ý thức và tâm niệm đi chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và chỉ mong đến ngày chiến thắng còn sống trở về là sung sướng, hạnh phúc, tuyệt nhiên không nghĩ, không mơ làm đến cấp này, chức kia”. Đây là một lời nói dối không biết ngượng miệng khi đứng trước quốc hội, truyền thông báo chí…
Theo tiểu sử công khai thì Lương Cường nhập ngũ tháng 2/1975 (18 tuổi), tức là ở giai đoạn kết thúc cuộc nội chiến tại Việt Nam. Sau đó Lương Cường chủ yếu hoạt động công tác chính trị trong quân đội, rồi tới khi Trung Quốc sang xâm lược thì Lương Cường cũng là trợ lý cán bộ chính trị trong bộ Chỉ huy Quân sự Quân khu 2. Tức là thời gian trực tiếp cầm súng chiến đấu rất ít, không thể nói tới chuyện sống còn.
Ngoài ra, một người có tới gần 40 năm làm công tác chính trị trong quân đội thì không thể không có tham vọng, không thể “không nghĩ, không mơ làm đến cấp này, chức kia”. Làm công tác chính trị trong quân đội, có nghĩa là Lương Cường tiến thân với vỏ bọc quân đội, nhưng thực tế lại là một chính trị gia, mang danh là tướng, nhưng không cầm quân.
Lương Cường từng là trợ lý phòng nhân sự rồi lên trưởng phòng Nhân sự Cục Cán bộ (tổng cục Chính trị), sau đó thăng lên là Phó Cục trưởng cục Cán bộ. Đây là cơ quan quản lý nhân sự, nói thẳng ra nắm quyền mua quan bán chức trong hệ thống quân đội Việt Nam. Ngồi ở vị trí này mà nói “không mơ làm cấp này chức kia” là nói láo. Nếu không mơ chức quyền thì hết chiến tranh, một binh sĩ bình thường sẽ giải giáp về quê, chứ chẳng ai ở lại để mua quan bán chức hết. Nếu thật sự trong sạch thì Lương Cường có dám công khai tài sản của bản thân và gia đình không?
Tiếp nữa, cũng trong bài phát biểu đầu tiên này, Lương Cường cam kết “sẽ thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước”.
Thật ra đây là câu phát biểu chung chung mà ông chủ tịch nước nào khi nhậm chức cũng nói. Từ thời Trần Đại Quang, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Tô Lâm. Không nói thì không được, nhưng nói ra thì ai cũng biết nói xạo. Việt Nam vẫn tự hào với đường lối ngoại giao cây tre, nói nhẹ nhàng thì là “gió chiều nào theo chiều đó”, nói thẳng ra la đu dây, hai mặt. Đã cuốn theo chiều gió rồi thì gió thổi đâu mình nghiêng đó, chứ mình không phải là gió để mà tự chủ. Đã đu dây thì cũng không thể độc lập tự chủ được, vì hai đầu dây không nằm trong tay mình.
Còn về giữ vững độc lập thì càng dối trá. Khi mà chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, quốc phòng hầu như đều phụ thuộc vào Trung Quốc. Ngay cả khi làm ngoại giao cũng phải hỏi ý người bạn vàng, coi bạn có cho mình chơi với nước này, nước kia không. Thậm chí, không khó để dự đoán rằng sau khi nhận chức chủ tịch nước, Lương Cường sẽ buộc phải sang Trung Quốc yết kiến thiên triều, như cách mà các đời chủ tịch nước trước đây từng làm. Như vậy thì là thuộc địa chứ độc lập là độc lập như thế nào?
Còn về chủ quyền, mới hộ đầu tháng 10, tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tấn công ngay tại quần đảo Hoàng Sa, bộ chính trị CSVN đã làm gì ngoài việc bắt tay ca ngợi thủ tướng Trung Quốc Lý Cường? Nói là giữ vững chủ quyền thì tại sao vẫn im lặng không lên tiếng đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa?
Mới nhận chức mà đã đứng phát biểu phông bạt, dối trá như vậy, thì ai dám tin vào vị tân chủ tịch này? Mà có lẽ Lương Cường chỉ ngồi ghế chủ tịch thêm được 14-15 tháng nữa thôi, vì cũng sắp tới kỳ bầu cử nhiệm kỳ 2026-2031. Với khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy thì cũng chẳng hy vọng gì mới ở ông đại tướng này. Rồi sang năm 2026, lại sẽ có thêm một vị chủ tịch nước mới, và vẫn là những lời lẽ cũ rít này… Miễn là còn đảng cộng sản độc tài, người dân đừng mơ mộng gì tới những đổi mới tích cực!
______________________
Tham khảo:
(1) https://vnexpress.net/chu-tich-nuoc-luong-cuong-khong-mo-lam-den-cap-nay-chuc-kia-4806802.html
Nói ‘thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn’, TBT Tô Lâm nhắm đến cải cách điều gì?
VOA Tiếng Việt
23/10/2024
Tổng Bí thư Tô Lâm (thứ hai, bên phải) chụp ảnh cùng các nhà lãnh đạo khác của Việt Nam hôm 21/10/2024 ở Hà Nội (AP Photo/Minh Hoang).
Nhà lãnh đạo cao nhất Việt Nam Tô Lâm tạo ra nhiều tranh luận khi phát biểu trước Quốc hội hôm 21/10 rằng “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Theo hai chuyên gia kinh tế, cơ chế tập trung quyền lực không minh bạch của Việt Nam kìm hãm sự phát triển và hội nhập của đất nước, cần nhanh chóng thay đổi.
Báo chí Việt Nam đưa tin rằng ở thời điểm ông Tô Lâm còn nắm cả hai chức vụ tổng bí thư và chủ tịch nước, ông nhấn mạnh trong bài diễn văn khai mạc kỳ họp Quốc hội cuối cùng của năm 2024 rằng “cần thẳng thắn nhìn nhận, trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục”
Tiếp đến, nhà lãnh đạo quyền lực nhất Việt Nam chỉ ra rằng “Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là ‘điểm nghẽn’ của ‘điểm nghẽn’”, báo chí trong nước trích dẫn, thậm chí nêu bật trong tít bài trên một số trang tin.
Theo quan sát của VOA, lời phát biểu kể trên của ông Tô Lâm cũng được nhiều người chia sẻ và bàn luận trên mạng xã hội, trong đó không ít người tỏ ý hy vọng về sự thay đổi theo hướng cởi mở, thông thoáng hơn ở Việt Nam dưới thời ông Tô Lâm giữ chức tổng bí thư, đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam nắm độc quyền lãnh đạo đất nước.
Tuy đồng ý rằng nhà lãnh đạo Tô Lâm đã có những phát biểu mang tính cấp tiến trong thời gian gần đây, song Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh nói với VOA rằng công chúng cần xác định là vấn đề thể chế mà ông Tô Lâm vừa đề cập khác với điều mà họ trông đợi:
“Điều ông ấy nói tôi nghĩ thiên về cách ban hành luật pháp hay cấu tạo của nhà nước. Còn thể chế mà chúng ta nghĩ là thể chế chính trị, tôi nghĩ ông ấy sẽ không bàn tới. Nhưng chỉ cần ông ấy đồng ý rằng ở Việt Nam, cách tổ chức, đặc biệt là cách đạt được quyền lực, nó đúng là điểm nghẽn của điểm nghẽn”.
Bà Ánh, chuyên gia về kinh tế và kinh doanh quốc tế đã nghỉ hưu, phân tích thêm:
“Cách để con người đạt được quyền lực, kể cả trong chính trị, kinh doanh, v.v… thì khá nhiều điều không được minh bạch, làm ảnh hưởng nhiều đến sự sáng tạo của con người, do đó cũng cản trở sự phát triển của xã hội”.
Chuyên gia kinh tế-tài chính Bùi Kiến Thành nói với VOA rằng Tổng Bí thư Tô Lâm đã không làm rõ nghĩa của từ “thể chế” mà ông ấy nêu trong diễn văn. Từ góc nhìn của mình, ông Thành nhận xét:
“Thể chể có thể nói là quan trọng hạng nhất trong vấn đề Việt Nam phát triển. Việt Nam vẫn do đảng cộng sản quản lý từ trên xuống dưới, có đặc thù là tập trung quyền lực. Thể chế của Việt Nam ngày hôm nay vẫn là thể chế của một chế độ quyền lực tập trung, nếu không nói là một chế độ độc đoán, độc tài”.
Điều này làm cho Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi vừa đi theo chủ nghĩa xã hội vừa cố áp dụng các nguyên tắc của kinh tế thị trường, ông Thành chỉ ra và nói tiếp:
“Có những vấn đề chưa giải quyết được nên nền kinh tế Việt Nam vẫn còn bị tắc nghẽn. Chủ nghĩa xã hội theo Marx-Lenin và chế độ dân chủ, văn minh có khoảng cách rất xa mà Việt Nam cần nhanh chóng xóa bỏ những cái gì cần xóa bỏ để Việt Nam thực sự hội nhập với các nước thật sự dân chủ và có nền kinh tế thị trường”.
Theo ông Thành, chưa cần bàn về chính trị, chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế, nhà nước cần giải phóng cho doanh nghiệp và người dân theo nguyên tắc tất cả những gì pháp luật không cấm, họ có quyền làm. Ông nói:
“Phải hiện thực hóa nguyên tắc đó. Người ta đưa ra những quy định, chỉ thị, nghị định không phù hợp, làm kinh tế khó phát triển. Rồi thì vấn đề xin cho, sinh ra chi phí không chính thức, khó cho nền kinh tế. Đảng cộng sản và nhà cầm quyền phải nhanh chóng gỡ bỏ tất cả những gì làm cho nền kinh tế trì trệ”.
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ suy nghĩ của bà:
“Ở Việt Nam, chỉ làm những điều được phép. Nhà nước liệt kê ra các loại hình kinh doanh. Nhưng chúng ta biết luật pháp không đi kịp với thực tế, nếu nhà nước còn sót, chưa liệt kê cái gì, có nghĩa là không được làm. Điều đấy đã làm cho nhiều doanh nghiệp sáng tạo, nhất là doanh nghiệp về IT, phải bỏ sang Singapore để lập nghiệp. Cái tư duy này nếu có thể thay đổi được, nó sẽ là một điều tốt”.
Phát biểu khai mạc kỳ họp Quốc hội hôm 21/10, ông Tô Lâm, nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, thúc giục “đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp” với đề nghị rằng “tư duy quản lý không cứng nhắc” và “dứt khoát từ bỏ tư duy ‘không quản được thì cấm’”.
Tư duy xây dựng pháp luật cần chuyển đổi theo hướng “vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển”, vẫn lời ông Lâm, được báo chí Việt Nam trích dẫn.
Các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc; không cần quá dài, ông Lâm định hướng.
Vị tổng bí thư đảng đặt ra việc đổi mới này sau khi ông nêu ra một loạt những “tồn tại, hạn chế” trong công tác soạn, sửa và hoàn thiện pháp luật bị ông xem là “chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn”, “chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo” và nhiều quy định bị đánh giá là “còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân”.
Ông Lâm cũng phê phán thủ tục hành chính “rườm rà”, dịch vụ công trực tuyến “chưa thuận tiện”, thực thi pháp luật, chính sách vẫn “yếu”, phân cấp, phân quyền “chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm”, bộ máy hành chính nhà nước “chưa tinh gọn”…, bên cạnh tình trạng “chồng lấn giữa lập pháp và hành pháp”.
Trên cương vị quyền lực nhất đất nước, ông Lâm yêu cầu rằng những tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm đó “cần khẩn trương khắc phục, không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới” và ông khẳng định đây là “trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ”.
Về những lời kêu gọi đổi mới nêu trên của TBT Tô Lâm, hiện đang được bàn luận nhiều trong công chúng và dường như tạo ra niềm phấn chấn ở một số người, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ánh thận trọng nêu ý kiến:
“Theo tôi hiểu, tổng bí thư mới có lẽ trùng nhiều quan điểm với bác [cựu Thủ tướng] Nguyễn Tấn Dũng hồi trước, tức là nói những lời tương đối cởi mở, ủng hộ kinh doanh, cho các doanh nhân có nhiều cơ hội hơn, thúc đẩy kinh tế. Nhưng chưa có luật nào thay đổi, chưa có hành động nào. Tôi thật sự không biết có dám trông đợi gì nhiều không. Cá nhân tôi sẽ chờ đợi hành động. Chúng ta sẽ chờ xem hành động như thế nào”.
Lý giải về sự hoài nghi của mình, bà Ánh đề cập đến tình trạng trong vài năm gần đây đã có những người lên tiếng phản biện xã hội bị bắt giữ mà bà nhận xét là “chưa bao giờ nhiều vụ bắt bớ như vậy, chưa bao giờ có những quy định kiềm chế tự do ngôn luận như vậy”.
Xét thực tế Việt Nam là nước do đảng cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo, đứng trên cả Quốc hội, chính phủ và nhánh tư pháp, chuyên gia kinh tế-tài chính Bùi Kiến Thành bình luận rằng Việt Nam mới chỉ đạt được độc lập mà chưa có tự do, hạnh phúc như được nêu ra trong tiêu ngữ gắn với quốc hiệu. Ông đề nghị:
“Việt Nam cần tiến tới trở thành một chế độ phải đa nguyên, phải thật sự dân chủ, công bằng, không phải là chế độ mà một đảng đứng ra giải quyết mọi vấn đề và độc quyền tất cả mọi quyết định của đất nước. Làm nhanh hay làm chậm là trách nhiệm của những người hiện nay đang quản lý nhà nước”.
Ông Thành kêu gọi các nhà lãnh đạo Việt Nam “nên khẩn trương mà nhận thức được trách nhiệm của mình đối với nhân dân, tổ tiên, đất nước để vấn đề độc lập – tự do – hạnh phúc được thực hiện sớm nhất có thể” và chậm nhất là trước dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiền thân của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày nay.
VOA liên lạc với TBT Tô Lâm để tìm hiểu phản ứng của ông đối với những bình luận của hai chuyên gia nhưng không kết nối được.
17 phụ nữ Việt bị bắt ở Nhật vì mở 5 ‘quán bar thanh nữ’ trái luật về giải trí người lớn
VOA Tiếng Việt
22/10/2024
The Japan Times đưa tin: 17 phụ nữ Việt bị bắt vì điều hành các quán bar trái phép ở Tokyo, 21/10/2024.
Cảnh sát ở Tokyo, thủ đô Nhật Bản, vừa bắt giữ 17 người phụ nữ Việt Nam bị khởi tố về hành vi điều hành 5 “quán bar thanh nữ” không có giấy phép và vi phạm luật về kinh doanh trong lĩnh vực giải trí người lớn, hai trang tin Jiji Press và The Japan Times của Nhật đưa tin hôm 21/10.
Những quán bar này, nằm ở một số quận của Tokyo như Ueno và Roppongi, đã đạt doanh thu lên đến tổng cộng khoảng 440 triệu yen (2,9 triệu đô la) trong thời gian từ tháng 3/2019 đến tháng 9 năm nay, theo Sở Cảnh sát Đô thành Tokyo, được Jiji Press và The Japan Times dẫn lại.
Tin cho hay trong số 17 nghi phạm, lãnh đạo công ty là Duong Thi Minh Hong, 28 tuổi, sống tại khu vực Taito thuộc Tokyo, và 9 người nữa đã thừa nhận về các nội dung mà họ bị khởi tố, trong khi 7 người kia phủ nhận về một số cáo buộc.
Vẫn theo Jiji Press và The Japan Times, có cáo buộc là Duong Thi Minh Hong đã buộc một nhân viên nữ phục vụ khách hàng tại quầy ở một trong số 5 quán bar, tại quận Yushima trong khu vực Bunkyo của Tokyo, vào tháng 9 năm nay dù chưa được nhà chức trách cấp giấy phép theo pháp luật.
“Quán bar thanh nữ” là những quán mà tại đó nhân viên đứng quầy toàn là nữ, phục vụ rượu bia cho khách hàng và nói chuyện với họ.
Kể từ năm 2020, Sở Cảnh sát Đô thành Tokyo đã nhận được 23 lời than phiền, khiếu nại về 5 quán bar kể trên, bao gồm cả những nội dung nói về phí dịch vụ. Sau khi nhận được các thông tin như vậy, cảnh sát đã có một số hành động, trong đó, đã vài lần hướng dẫn về hành chính cho các quán đó, nhưng họ không khắc phục các sai sót, Jiji Press và The Japan Times tường thuật.
Hiện tại, 5 quán bar cũng đang bị điều tra về việc tuyển dụng người lao động trái phép vì một số người trong đội ngũ nhân viên quán đã đến Nhật Bản bằng visa du học.
HRF, KKK kêu gọi LHQ can thiệp vụ hai nhà hoạt động Khmer bị VN giam cầm
VOA Tiếng Việt
23/10/2024
Ông Tô Hoàng Chương và Thạch Cương tại phiên tòa ở Trà Vinh ngày 20/3/2024.
Hai tổ chức nhân quyền vừa nộp đơn đề nghị Liên Hiệp Quốc xem xét trường hợp hai nhà hoạt động vì quyền của người Khmer Krom Tô Hoàng Chương và Thạch Cương bị chính quyền Việt Nam bỏ tù chỉ vì “các hoạt động ôn hòa” của họ.
Qũy Nhân quyền (HRF) và Liên đoàn Khmer Kampuchea-Krom (KKF) vừa nộp đơn chung tới Nhóm công tác của Liên Hiệp Quốc về giam giữ tùy tiện (UNWGAD) thay mặt cho các nhà hoạt động vì quyền của người Khmer Krom bản địa Tô Hoàng Chương và Thạch Cương, HRF cho biết trong một thông báo hôm 22/10.
“Ông Tô Hoàng Chương và ông Thạch Cương bị kết án theo điều luật mơ hồ của Việt Nam, hình sự hóa việc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’”, bà Kaitie Holland, chuyên viên pháp lý quốc tế của HRF cho biết trong thông cáo.
“Việc hoàn toàn thiếu thủ tục tố tụng, đặc biệt là việc từ chối quyền có luật sư và coi thường các quyền cơ bản, khiến việc giam giữ ông Tô Hoàng Chương và ông Thạch Cương là vô căn cứ và tùy tiện”, vẫn lời bà Holland.
Trong đơn kiến nghị, HRF và KKF đề nghị UNWGAD điều tra vụ việc của hai ông và xác định rằng hai vụ bắt giữ này là tùy tiện, xét theo luật pháp quốc tế. Ngoài ra, bản kiến nghị còn kêu gọi UNWGAD tác động để Việt Nam trả tự do cho cả hai ông này ngay lập tức và đảm bảo rằng các quyền của họ được tôn trọng.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ bình luận về thông báo trên, nhưng chưa được phản hồi.
Ông Tô Hoàng Chương và Thạch Cương là thành viên của nhóm bản địa Khmer Krom ở vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Hai ông ủng hộ việc công nhận người Khmer Krom là một nhóm bản địa, cũng như các quyền tự do tôn giáo và quyền tự do thực hiện văn hóa Khmer Krom.
Vào ngày 31/7/2023, công an tỉnh Trà Vinh đã bắt giam ông Tô Hoàng Chương và Thạch Cương tại nhà riêng ở trong tỉnh và buộc tội họ theo Điều 331 Bộ luật Hình sự Việt Nam với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.
HRF, tổ chức nhân quyền có trụ sở tại New York, Mỹ, nhắc lại rằng hai ông bị tạm giam trước khi xét xử và không được tiếp cận với người thân hoặc luật sư trong gần 8 tháng.
Vào ngày 20/3/2024, một phiên tòa của Tòa án Nhân dân huyện Cầu Ngang phạt ông Chương 3 năm rưỡi tù, ông Cương 4 năm tù. Sau đó, hai ông kháng cáo và một phiên tòa phúc thẩm ở tỉnh Trà Vinh vào tháng 5/2024 xử y án hai ông.
“Ông Tô Hoàng Chương hiện bị giam tại Trại tạm giam Châu Bình, tỉnh Bến Tre, còn ông Thạch Cương bị giam tại Trại tạm giam An Phước, tỉnh Bình Dương, nơi họ bị hạn chế và giám sát chặt chẽ việc tiếp xúc gia đình”, theo tổ chức HRF.
Theo thông cáo báo chí của Liên đoàn Khmer Campuchia Krom (KKF), tổ chức bảo vệ quyền của người Khmer Krom có trụ sở tại Mỹ, nói rằng việc hai ông này phổ biến Tuyên bố của Liên Hiệp Quốc về Quyền của Người bản địa (UNDRIP) không phải là một hành vi phạm tội.
Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay không công nhận sự hiện diện của người bản địa tại Việt Nam và xem KKF là một “tổ chức phản động chống phá Nhà nước Việt Nam dưới nhiều hình thức”.
Truyền thông Việt Nam dẫn cáo trạng cho biết cả ông Cương và ông Chương đã sử dụng mạng xã hội Facebook để phát trực tiếp các video clip, hình ảnh, cũng như chia sẻ các nội dung bị cho là “gây ảnh hưởng đến đoàn kết dân tộc, tôn giáo; xuyên tạc chính quyền, xuyên tạc lịch sử Việt Nam, xúc phạm uy tín của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam; xuyên tạc, xúc phạm uy tín của chính quyền địa phương”.
Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) đã đưa hai ông Cương và Chương vào danh sách tù nhân lương tâm tôn giáo và liên tục vận động để hai ông được tự do. USCIRF cho rằng hai ông bị bắt vì các hoạt động cho nhân quyền và tự do tôn giáo, cụ thể là đã phổ biến Tuyên bố của Liên Hiệp Quốc về Quyền của Người bản địa (UNDRIP).
Ngoài ra, USCIRF cũng cho rằng hai ông ủng hộ quyền của các Phật tử Khmer Krom được thực hành tôn giáo của họ phù hợp với nền tảng dân tộc và văn hóa của họ và không đáng bị nhà nước can thiệp.
Yếu tố Trung Quốc trong lựa chọn nhân sự cấp cao Việt Nam
Diễm Thi, RFA
22/10/2024
Từ trái qua: Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Chủ tịch Việt Nam Lương Cường, Tổng bí thư Tô Lâm.
AFP
Hôm 21 tháng 10 năm 2024, Đại tướng quân đội Lương Cường được bầu vào chức Chủ tịch nước Việt Nam với số đại biểu tán thành tuyệt đối 440/440, thay cho ông Tô Lâm, khiến nhiệm kỳ Chủ tịch Nước của ông Tô Lâm tồn tại vỏn vẹn đúng năm tháng.
Mười ngày trước khi được bầu vào chức Chủ tịch nước, ông Lương Cường với vai trò Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã đến Bắc Kinh gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và hội đàm với Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Thái Kỳ.
Tại cuộc gặp, ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẵn sàng cùng với Việt Nam tiếp tục duy trì trao đổi, tiếp xúc cấp cao; đề nghị hai bên phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác, giao lưu trên kênh Đảng; triển khai tốt các cơ chế đối thoại trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh…
Báo chí hầu như không đề cập chi tiết gì khác ngoài dòng tin rất vắn tắt. Thế nhưng, với giới thạo tin, chuyến đi của ông Lương Cường sang Trung Quốc là để nhận sự đề cử và chỉ thị từ phía Trung Quốc. Trong trường hợp lãnh đạo có xuất thân từ mối quan hệ sâu sắc như thế với Trung Quốc, chúng ta khó mà mong chờ gì về một đường lối đối ngoại tự chủ của Việt Nam cũng như sự cải cách về chính trị nếu nó đi ngược lại với chủ trương khống chế Việt Nam của Trung Quốc. – LS Đặng Đình Mạnh
Việc ông Lương Cường qua Trung Quốc ngay trước khi được bầu vào chức Chủ tịch nước, được một số nhà quan sát tình hình chính trị cho rằng, có yếu tố Trung Quốc trong việc sắp xếp nhân sự thượng tầng Việt Nam.
Nhà quan sát tình hình chính trị Việt Nam, Luật sư Đặng Đình Mạnh hiện đang ở Hoa Kỳ phân tích:
“Điều này không còn là bí mật gì nữa khi tất cả các cán bộ nguồn (tức cán bộ có khả năng được cất nhắc vào các chức vụ lãnh đạo các cấp) đều bị buộc phải trải qua các khóa học kéo dài hai năm tại Trung Quốc.
Báo chí hầu như không đề cập chi tiết gì khác ngoài dòng tin rất vắn tắt. Thế nhưng, với giới thạo tin, chuyến đi của ông Lương Cường sang Trung Quốc là để nhận sự đề cử và chỉ thị từ phía Trung Quốc. Trong trường hợp lãnh đạo có xuất thân từ mối quan hệ sâu sắc như thế với Trung Quốc, chúng ta khó mà mong chờ gì về một đường lối đối ngoại tự chủ của Việt Nam cũng như sự cải cách về chính trị nếu nó đi ngược lại với chủ trương khống chế Việt Nam của Trung Quốc”.
Theo truyền thông Nhà nước Việt Nam, ông Lương Cường đã theo học khóa bồi dưỡng cán bộ cao cấp tại Trung Quốc trong hai năm, từ tháng 12 năm 2011 đến tháng 11 năm 2013, khi còn đang là trung tướng quân đội, kiêm chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Bí thư Đảng ủy cơ quan Tổng cục Chính trị. Một năm sau, tháng 12 năm 2014 ông Lương Cường được thăng chức Thượng tướng.
Chỉ trong bốn năm, Việt Nam có đến năm vị chủ tịch nước. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đột ngột từ trần vào năm 2018, sau hai năm, 172 ngày giữ chức vụ này. Sau đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kiêm nhiệm chức vụ này trong khoảng thời gian hai năm, 164 ngày trước khi trao lại chức Chủ tịch nước cho ông Nguyễn Xuân Phúc.
Tuy nhiên Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ở vị trí này một năm, 288 ngày trước khi phải từ chức và ông Võ Văn Thưởng được chọn vào vị trí này. Ông Thưởng cũng chỉ tại vị được một năm, 18 ngày.
Đại tướng công an Tô Lâm thay ông Võ Văn Thưởng giữ chức Chủ tịch nước, và sau đó là chức Tổng bí thư, tạo ra đồn đoán về tham vọng nhất thể hóa như thể chế chính trị Trung Quốc hiện tại. Nhưng điều đó đã không trở thành hiện thực khi vào chiều ngày 26 tháng 8 năm 2024, sau phiên họp bất thường thứ tám của Quốc hội khóa 15, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đưa ra Thông tin Quốc hội Việt Nam sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước vào tháng 10 năm 2024.
Một nhà quan sát tình hình chính trị trong và ngoài nước, Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada nhận định:
“Sự xuất hiện của ông Tô Lâm trên trường quốc tế với tư cách là Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư, một vị trí như một nguyên thủ quốc gia có tầm ảnh hưởng trong các diễn đàn đa phương, đã gây lo ngại cho Trung Quốc. Với việc công khai ủng hộ quan hệ sâu sắc hơn với phương Tây, ông Tô Lâm dường như đang đi ngược lại lợi ích chiến lược của Bắc Kinh. Trung Quốc luôn tìm cách giữ Việt Nam trong quỹ đạo ảnh hưởng của mình, tránh để Việt Nam rơi vào tay các liên minh quốc tế do Mỹ lãnh đạo.
Việc ông Lương Cường lên thay Tô Lâm vào đúng thời điểm này có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã thành công trong việc cô lập phe cải cách ở Việt Nam. Trung Quốc không muốn Việt Nam tiến gần hơn với phương Tây và sẽ tìm mọi cách để duy trì ảnh hưởng của mình tại Hà Nội. Sự thay đổi nhanh chóng ở vị trí Chủ tịch nước, từ một nhân vật cải cách sang một người thân cận với quân đội và có mối liên hệ gần gũi với Trung Quốc, có thể là một phần trong chiến lược dài hơi của Bắc Kinh nhằm bảo vệ lợi ích của mình tại khu vực Đông Nam Á”.
Trung Quốc đã sử dụng ông Lương Cường, người được cho là thân cận với ông Nguyễn Phú Trọng và có mối quan hệ gần gũi với Bắc Kinh, để giữ Việt Nam nằm trong quỹ đạo của Trung Quốc, theo Luật sư Vũ Đức Khanh.
Ông Tô Lâm sang thăm Trung Quốc tháng 8 năm 2024. AFP
Không chỉ ông Lương Cường sang Trung Quốc trước khi nhậm chức Chủ tịch nước, chuyện lãnh đạo cao cấp sang thăm Trung Quốc trước khi thăm chính thức Hoa Kỳ, cũng là điều được dư luận bàn tán.
Cụ thể, chỉ hai tuần sau khi nhận thêm chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 18 tháng 8 năm 2024, ông Tô Lâm đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Ông Tô Lâm miêu tả mối quan hệ song phương này là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và gọi chuyến thăm lần này là sự tái khẳng định việc đánh giá cao quan hệ với Trung Quốc của Đảng và Chính phủ Việt Nam.
Chuyến thăm Trung Quốc diễn ra chỉ một tháng trước khi ông Tô Lâm tới New York tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Khóa 79 và sau đó gặp gỡ Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Báo nhà nước Việt Nam cho biết mục đích của chuyến thăm Trung Quốc này là để “củng cố và duy trì ổn định trong các quan hệ song phương, lót đường cho việc giải quyết những bất đồng giữa hai bên, và đóng góp xây dựng một môi trường hoà bình và ổn định”.
Trước ông Tô Lâm, tháng 4 năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng sang Trung Quốc gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi sang thăm chính thức Hoa Kỳ vào tháng 7 cùng năm. Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Minh Cần, một trong những người đầu tiên bỏ Đảng Cộng sản Việt nam, nói với RFA:
“Trước khi ông Nguyễn Phú Trọng đi sang Hoa Kỳ thì cũng phải nhớ ông đã đi qua Bắc Kinh, đã gặp tổng bí thư và chủ tịch nước Trung Quốc, thì ta thấy đường lối của Việt Nam thể hiện qua ông Nguyễn Phú Trọng và cả đoàn đại biểu là một đường lối khuất phục rõ ràng trước những bước tiến công của Trung Quốc.”
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị BRICS, khẳng định tình bạn thủy chung với Nga
22/10/2024
Hình ảnh cho thấy nhà thời Hồi giáo Kul-Sharif – một biểu tượng ở Kazan, Nga – hôm 22/10/2024 vào khi Thượng đỉnh BRICS diễn ra tại thành phố này
Alexander NEMENOV / AFP
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ lên đường tới TP. Kazan của Nga dự Hội nghị BRICS từ ngày 23 đến 24 tháng 10 để khẳng định vị thế, vai trò và tầm vóc của Việt Nam trên thế giới, đồng thời bày tỏ tình bạn thủy chung với Nga, nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.
Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS được khai mạc hôm 22/10 với sự tham gia của lãnh đạo từ khoảng 30 quốc gia và chủ đề là “BRICS với nam bán cầu: Cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”. Trong số các lãnh đạo quốc gia dự Hội nghị có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Đây là nhóm 10 nước bao gồm năm nước khởi điểm là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, sau đó mở rộng thêm Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Nhóm này cũng đã tiếp nhận đơn xin gia nhập nhóm của Thái Lan và Malaysia, trong khi các nước như Lào, Việt Nam, Campuchia được cho rằng cũng có khả năng tham gia nhóm trong tương lai.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua cho báo chí biết Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ quá trình mở rộng thành viên của nhóm BRICS. Người phát ngôn Phạm Thu Hằng nói điều này khi trả lời các câu hỏi của phóng viên về khả năng Việt Nam gia nhập nhóm trong tương lai.
Báo Nhà nước Việt Nam hôm 22/10 phỏng vấn Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị BRICS mở rộng là bước triển khai quan trọng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam, cho thấy Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Bà Hằng cho biết, chuyến thăm đầu tiên tới Nga trên cương vị Thủ tướng của ông Phạm Minh Chính lần này cũng nhằm tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác với Nga và các nước.
“Chuyến công tác của Thủ tướng tiếp tục khẳng định tình bạn thủy chung Việt Nam – Nga, tương xứng với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nga. Góp phần tạo xung lực cho hợp tác song phương, thúc đẩy, mở ra các cơ hội hợp tác thực chất, hiệu quả giữa hai nước.” – báo Nhà nước dẫn lời Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho biết.
Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm Nga và Việt nam đang hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025.
Nga là một trong các quốc gia thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (mức quan hệ ngoại giao cao nhất) với Việt Nam vào năm 2001.
Nga cũng là nước cung cấp phần lớn các vũ khí cho Việt Nam trong các năm qua. Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Thụy Điển), Việt Nam nhập khẩu khoảng 80% vũ khí từ Nga.
Việt Nam từ trước đến nay vẫn tránh lên án Nga trong cuộc chiến xâm lược Ukraine do Nga phát động từ năm 2022 với việc bỏ phiếu trắng và chống đối với các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án hành động của Nga ở Ukraine.