Tâm thư: Bầu cử đã xong, xin đừng chia rẽ.

Share this post on:

Kính thưa quý vị đồng hương thân mến khắp nơi.

Trong một thể chế dân chủ, tự do ứng cử và bầu cử là món quà của mọi người dân. Chúng ta may mắn được sống trong một chế độ dân chủ như tại Hoa Kỳ.

Khi tranh cử chắc chắn phải có tranh luận, cãi vã, có ‘thủ thuật’, đó là bình thường. Các ứng cử viên tìm mọi cách để thuyết phục người dân bỏ phiếu cho mình, rằng đường lối mình là đúng, và ngược lại, đối thủ lại cho là sai, mình phải chứng minh mình không sai!!. Đó là bình thường trong một chế độ dân chủ.


Đến ngày  bầu cử, lá phiếu quyết định kết quả, nói lên ý nguyện của cử tri. 

Thắng thua chỉ là tương đối, không có gì là tuyệt đối. ĐÓ LÀ DÂN CHỦ.

Dĩ nhiên đã tranh cử tất có kẻ thắng người thua. Nhưng trong sinh  hoạt dân chủ văn minh, mọi bên cần chứng tỏ mình là người hiểu biết, có suy nghĩ. 

Người thắng không kiêu, mà phải tìm cách hoàn thành tốt đẹp những gì đã hứa và sẽ được tiếp tục tín nhiệm. Phải phục vụ tối đa cho mọi người dân cho dù họ không bỏ phiếu cho mình. Nếu không, kỳ bầu cử tới tất sẽ bị loại, đó là lẽ tất nhiên.

Về phần kẻ thua, không có nghĩa là đã chấm hết, là ‘tận thế’ để phải buồn tủi, mà phải chấp nhận và tỏ ra hiểu biết về dân chủ. Mình cần rút ưu khuyết điểm, tìm hiểu tại sao phe mình thua, tại sao bên kia thắng, rồi tái tập họp lực lượng, bổ sung và chuẩn bị cho kỳ tới cố gắng nắm phần thắng.

Câu ngạn ngữ ‘thua keo này bày keo khác’ luôn luôn là đúng.

Trong cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội Hoa Kỳ vừa qua (cũng như những kỳ bầu cử khác trước đây), người Việt chúng ta đã tham gia thật đông đảo và hào hứng. Chúng ta thật có phước được quyền tham dự, được ứng cử bầu cử, và đã đi vào dòng chính của nước Mỹ, một quốc gia được xem là tiêu biểu cho nền dân chủ nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, mọi người chúng ta đồng thời cần tỏ ra mình đã trưởng thành, hiểu biết, nắm vững những nguyên tắc dân chủ. 

Chúng ta có quyền ủng hộ hay chống đối, có quyền tranh cãi nhưng với thái độ ôn hòa, hiểu biết, thay vì dùng những lời lẽ quá khích, thô tục, có thể bị cho là thiếu văn hóa (xin lỗi).

Chúng ta không thể dùng những lời khích bác khiếm nhã khiến cho kẻ khác, hoặc đối thủ không vui, và chính chúng ta cũng bị ‘hồi mã thương’ (backfire). Nếu chúng ta không giữ được như vậy, chúng ta sẽ bị xem thường và bị kết án là ấu trĩ, thiếu hiểu biết về dân chủ.

Tôi được biết trong nhiều gia đình người gốc Việt, đã có sự không đồng ý giữa chồng vợ, cha mẹ và con cái trong nền chính trị Hoa Kỳ. Đó là lẽ tự nhiên khi mọi người đều có quyền hành sử theo ý mình nghĩ, không ai có quyền ép buộc ai. Miễn là giữ được hòa khí.

Như trên đã nói: ‘thua keo này bày keo khác’. Không có gì cuối cùng, không có gì chấm hết hay ‘hết thuốc chữa’, tất cả đều có thể thay đổi theo thời gian. Mà thật vậy, trên đời này không có gì là không thể thay đổi. Thời tiết có tuần hoàn, biến hóa, thời thế cũng vậy thôi, không có gì là vĩnh viễn.

Đất nước Hoa Kỳ đã trải gần 250 năm lịch sử kể từ khi được độc lập năm 1776. Đã có 47 lần bầu cử tổng thống, 119 lần bầu cử hạ viện và thượng viện, mỗi lần đều có tranh cử, ứng cử, cũng có sóng gió, nhưng tất cả đều trôi qua, mọi việc rồi đâu vào đó. Nước Mỹ chỉ có một lần  gặp khủng hoảng lớn là ‘nội chiến’ từ 1861-1865 do tranh chấp về việc bãi bỏ chế độ nô lệ mà TT Lincoln đề xướng. Nhưng nước Mỹ không vì thế mà lụn bại, trái lại, mỗi ngày mỗi mạnh và phát triển hơn, người dân Mỹ không bao giờ chịu ngồi đó chịu trận, họ cố vươn lên dù trong bão táp.

Vì vậy, kẻ viết bài này mạo muội có vài ý kiến, mong mỏi mọi người Việt Nam chúng ta không có gì phải tiếp tục kình chống nhau, chúng ta có thể tranh luận, nhưng không cần phải có những lời lẽ quá đáng tạo chia rẽ, trong khi mục tiêu chính của chúng ta là ở Việt Nam, đất nước và dân tộc phải được tự do, dân chủ thật sự, được hòa bình, độc lập và thịnh vượng, nhất là không còn chế độ cộng sản ngăn cản sự tiến bộ. Chúng ta cần nương theo thời cuộc để đạt được mục tiêu của chúng ta.

Thân mến kính chào
Hoàng Độ

Nhân Lễ Tạ Ơn 2024