ĐIỂM TIN THẾ GIỚI : 14/7/2025

Share this post on:


TT Trump tin bản thân được Chúa cứu mạng để khôi phục quốc gia vĩ đại

image.png
Lần thoát chết trong gang tấc ở Pennsylvania tháng 7/2024 khiến Tổng thống Trump cảm thấy biết ơn và kiên định với mục tiêu phụng sự đất nước. Roger Stone, người bạn lâu năm kiêm cố vấn của ông Trump, nói rằng Tổng thống Mỹ đã “điềm tĩnh và kiên định hơn” sau vụ ám sát hụt. “Ông ấy tin rằng bản thân được Chúa cứu mạng với mục đích khôi phục quốc gia vĩ đại, đồng thời tin chắc mình đang được Chúa bảo vệ”, Stone cho hay.

Các bạn biết đấy, tôi có nghĩa vụ phải làm tốt công việc. Tôi cảm thấy cần như vậy bởi tôi thực sự đã được cứu mạng. Tôi đang mang món nợ lớn. Tôi nghĩ lý do mình thoát chết là để cứu đất nước của chúng ta”, Tổng thống Donald Trump nói với Fox News ngày 11/7, hai ngày trước thời điểm tròn một năm bị ám sát hụt.

Ngày 13/7/2024, ông Trump, khi đó là ứng viên đảng Cộng hòa, bị một viên đạn bắn sượt qua tai phải khi đang phát biểu trên sân khấu trong sự kiện tranh cử tại thành phố Butler, bang Pennsylvania. Một người tham gia sự kiện thiệt mạng và hai người bị thương trước khi nghi phạm Thomas Crooks bị đội bắn tỉa hạ gục.

Bạn bè và trợ lý cũng nhận thấy ông Trump có nhiều thay đổi sau vụ ám sát hụt. Ông trở nên cẩn trọng và biết ơn cuộc sống hơn, thường xuyên công khai bày tỏ niềm tin rằng bản thân được Chúa cứu mạng để tiếp tục phục vụ đất nước và hoàn thành nhiệm kỳ thứ hai.

Minh chứng cho điều này là khoảnh khắc tại sự kiện ở bang Iowa ngày 3/7. “Liệu tôi có nghe thấy điều tôi nghĩ mình đã từng nghe hay không? Đừng lo, chỉ là pháo hoa thôi. Tôi hy vọng vậy. Bạn phải luôn suy nghĩ tích cực, dù tôi cũng không thích âm thanh đó”, Tổng thống Trump phát biểu khi đứng sau tấm kính chống đạn dày, trong lúc âm thanh như tiếng pháo hoa vang lên từ xa.

Tôi nghĩ vụ ám sát hụt luôn ở trong tâm trí ông ấy. Tổng thống Trump vẫn là người mạnh mẽ, nhưng trở nên biết ơn hơn và quan tâm chu đáo hơn tới bạn bè của mình”, thượng nghị sĩ Lindsey Graham, người bạn và đồng minh lâu năm của ông chủ Nhà Trắng, cho hay.Graham kể rằng đã nhận được tin nhắn chúc mừng sinh nhật từ Tổng thống Mỹ vào đầu tuần này. “Thoát chết đúng là phép màu. Ông ấy chắc chắn tin rằng bản thân đã được trao cơ hội thứ hai trong đời”, thượng nghị sĩ cho biết.

Roger Stone, người bạn lâu năm kiêm cố vấn của ông Trump, cũng bày tỏ đồng tình, nói rằng Tổng thống Mỹ đã “điềm tĩnh và kiên định hơn” sau vụ ám sát hụt. “Ông ấy tin rằng bản thân được Chúa cứu mạng với mục đích khôi phục quốc gia vĩ đại, đồng thời tin chắc mình đang được Chúa bảo vệ”, Stone nói.

Tổng thống Mỹ từng nhiều lần đối mặt với lằn ranh sinh tử. Năm 1989, ông thoát chết trong vụ tai nạn hàng không khi quyết định không lên trực thăng tới Atlantic City vào phút chót. Hai tháng sau vụ ám sát hụt ở Pennsylvania, ông cũng trở thành mục tiêu của một vụ ám sát bất thành khi đang chơi golf ở bang Florida.

Thỉnh thoảng tôi lại có cảm giác nhói, nhưng điều đó không sao cả. Đây là một công việc nguy hiểm. Những gì tôi đang làm là công việc nguy hiểm“, Tổng thống Trump nói trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng tháng trước, đề cập bên tai trúng đạn cách đây một năm.


Trump đe dọa áp thuế 30% với hàng từ Liên Âu, Bruxelles chỉ trích nhưng để ngỏ khả năng thỏa hiệp

image.png
Hôm qua, 12/07/2025, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ áp thuế 30% với hàng nhập khẩu từ Liên Âu kể từ ngày 01/08, nếu không đạt được một « thỏa thuận thương mại » với Bruxelles. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngay lập tức đã bày tỏ « sự phán đối mạnh mẽ » và kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu « kiên quyết bảo vệ các lợi ích của mình ».

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết sẵn sàng tiếp tục đến cùng các đàm phán với Mỹ để đạt được một thỏa hiệp, và nhấn mạnh là một cuộc chiến tranh thương mại song phương sẽ gây tổn hại cho các doanh nghiệp và người tiêu thụ hai bên bờ Đại Tây Dương. Lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu đồng thời bảo đảm là khối 27 nước sẵn sàng « trả đũa » các trừng phạt đơn phương về thuế quan mà Washington dự tính áp đặt.

Thông báo đe dọa áp thuế 30% với hàng châu Âu được nhiều nhà quan sát nhìn nhận như một chiến thuật gây áp lực trong đàm phán nhằm buộc đối phương phải nhân nhượng. Thông tín viên Jean-Jacques Héry từ Bruxelles :

« Thông báo này tạo cảm giác như trở lại với điểm xuất phát, nhưng tệ hơn. Sau khi đe dọa Liên Hiệp Châu Âu với mức thuế nhập khẩu 20% vào tháng 4/2025 vừa qua, trước khi rút lại và bắt đầu đàm phán, tổng thống Donald Trump giờ đây lại nói đến mức thuế 30%, tức mức thuế cao hơn 10% so với mức đầu tháng Tư. Và điều này xảy ra sau nhiều tuần đàm phán khó khăn với Liên Hiệp Châu Âu.

Vậy Liên Hiệp Châu Âu sẽ làm gì? Bà Ursula Von der Leyen – chủ tịch Ủy Ban châu Âu – đã chỉ trích việc áp đặt các mức thuế quan mới này, nhưng vẫn để ngỏ khả năng đạt được một thỏa hiệp: “Chúng tôi vẫn sẵn sàng tiếp tục làm việc để đạt được một thỏa thuận trước ngày 01/08”. Lãnh đạo Ủy Ban châu Âu cũng đề cập đến khả năng thực hiện các biện pháp trả đũa “nếu cần thiết”, và gọi đó là các biện pháp bảo hộ “tương xứng”.

 Ngôn từ của bà cẩn trọng hơn nhiều so với tổng thống Mỹ, người hiện đang đe dọa sẽ tiếp tục tăng thuế nếu Liên Hiệp Châu Âu có ý định đáp trả bằng các biện pháp thuế quan. Khó mà không nhìn thấy trong những lời đe dọa leo thang dẫn đến một cuộc chiến thương mại với đối tác kinh tế lớn nhất của Mỹ một chiến thuật đàm phán, và vẫn với một mục tiêu duy nhất : đạt được một thỏa thuận, hoàn tất một hiệp định có lợi cho nước Mỹ trong vòng 15 ngày tới ».

Đại sứ 27 nước họp khẩn tại Bruxelles

Theo AFP, đại sứ 27 nước Liên Âu có cuộc họp bất thường chiều hôm nay để thảo luận về thông báo nói trên của tổng thống Mỹ. Liên Âu đã chuẩn bị sẵn sàng hai loạt biện pháp trả đũa với tổng cộng 93 tỉ 

euro hàng nhập khẩu Mỹ, nhưng chưa áp dụng.Theo lãnh đạo ngoại giao Liên Âu, Liên Âu có các công cụ để tự vệ trước Mỹ, đặc biệt là lĩnh vực « các dịch vụ », chủ yếu liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, các phần mềm mà Hoa Kỳ xuất khẩu sang châu Âu, mà hiện Liên Âu đang nhập siêu 150 tỉ euro từ Mỹ.Trả lời báo Pháp La Tribune Dimanche, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Kaja Kallas đề xuất khối 27 nước nên có một « Điều 5 về kinh tế », ngụ ý nói đến điều khoản trong Hiệp ước NATO yêu cầu tất cả các thành viên của liên minh bảo vệ một quốc gia thành viên khi bị tấn công, nhưng đồng thời nhắc nhở « sẽ không có bên nào chiến thắng trong cuộc chiến thương mại ».Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen hôm nay cho biết Bruxelles sẽ gia hạn việc đình chỉ các biện pháp tăng thuế với 21 tỉ 

euro hàng nhập từ Mỹ, biện pháp trả đũa việc Mỹ đánh thuế hàng thép và nhôm châu Âu, vốn được tạm hoãn đến tối ngày mai 14/07, do Liên Âu đang tìm kiếm một thỏa thuận với Mỹ.

Irland và Đức, hai quốc gia trên tuyến đầu
Tác động của cuộc chiến thuế quan mà tổng thống Mỹ đe dọa đến các nước châu Âu là rất khác nhau. Ngoài Ý, các nước Ireland và Đức là hai quốc gia khác trên tuyến đầu. Theo bài tổng thuật của AFP về chủ đề này, Ireland đứng đầu Liên Âu về xuất siêu sang Mỹ, với 86,7 tỉ đô la.Hàng dược phẩm chiếm một tỉ lệ lớn trong số hàng hóa xuất từ Ireland sang Mỹ. Các tập đoàn dược phẩm Mỹ như Pfizer, Eli Lilly ou Johnson & Johnson, đặt cơ sở tại Ireland để được hưởng mức thuế 15% thấp hơn thuế 21% tại Mỹ. Ireland cũng là nơi đặt cơ sở của nhiều đại gia công nghệ Mỹ, như Apple, Google, hay Meta.

Nước Đức, nền kinh tế số một châu Âu, với 84,8 tỉ đô la xuất siêu sang Mỹ, có nguy cơ tổn thất nặng nề nhất. Thủ tướng Đức Friedrich Merz đã yêu cầu Ủy Ban Châu Âu ưu tiên trong các đàm phán với Mỹ về các lĩnh vực chủ chốt của kinh tế Đức, như ô tô, hóa học, dược phẩm, sản phẩm cơ khí, thép … Trên báo Đức Sueddeutsche Zeitung hôm nay, bộ trưởng Tài Chính Đức khẳng định các biện pháp trả đũa « quyết liệt » để chống lại chính sách tăng thuế quan của Mỹ sẽ là cần thiết nếu các đàm phán với Washington không đi đến được một thỏa thuận « công bằng ».

Nỗi lo ngại gia tăng tại Ý

Sau Đức, Ý là nước có thể chịu tác động nhiều thứ 2 Liên Âu từ mức thuế quan mới của tổng thống Mỹ Donald Trump. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Ý sang Hoa Kỳ đạt 64,7 tỷ euro, chiếm 10,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Ý. Vì thế, nỗi lo ngại đang gia tăng tại Ý. Tuy nhiên, trong khi Berlin khăng định sẵn sàng đáp trả « quyết liệt » với Wahsington, thì chính quyền của thủ tướng Ý Giorgia Meloni chỉ kêu gọi chung chung là Bruxelles nên tránh một cuộc xung đột thương mại. Thủ tướng bị phe đối lập chỉ trích.

Từ Roma, thông tín viên Anne Le Nir cho biết thêm :

« Các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ mức thuế quan bổ sung của chính quyền Mỹ chủ yếu là máy công cụ và phương tiện vận tải. Tiếp theo là hóa chất, thời trang và đồ nội thất. Sau đó là ngành nông sản thực phẩm, chiếm 11% xuất khẩu của Ý sang Hoa Kỳ, so với mức trung bình 5% của Liên Âu.

Liên đoàn Công nghiệp Thực phẩm của Ý, Federalimentare, là cơ quan đầu tiên có phản ứng. Chủ tịch Liên đoàn, Paolo Mascarino, cho biết « mức thuế 30% có thể sẽ giáng một đòn chí mạng vào sản phẩm Made in Italy ».

Về mặt chính trị, một ghi chú của phủ thủ tướng Ý chỉ viết đơn giản rằng Roma « hoàn toàn ủng hộ những nỗ lực của Ủy Ban Châu Âu và cần phải tránh một cuộc xung đột thương mại ». Về phần mình, đảng Dân Chủ Ý, lực lượng đối lập chính, đang yêu cầu thủ tướng Giorgia Meloni phải có nhiều phản ứng nghiêm túc hơn nữa « để bảo vệ nước Ý và Liên Hiệp Châu Âu trước chủ trương điên rồ về tự cung tự cấp của tổng thống Mỹ Donald Trump ».

Giới chủ doanh nghiệp Pháp tố cáo “quyết định phi lý” của TT Mỹ Donald Trump

Trước lời đe dọa áp thuế 30% của tổng thống Trump lên các sản phẩm đến từ Liên Hiệp Châu Âu, ông Patrick Martin, chủ tịch tổ chức Medef, đại diện cho giới chủ doanh nghiệp Pháp, đã kêu gọi châu Âu đoàn kết. Ông Martin nhận định châu Âu vẫn còn ba tuần để đàm phán và “tránh việc nền kinh tế hai bên bờ Đại Tây Dương phải gánh chịu hậu quả từ một quyết định phi lý”. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, châu Âu cần có những “biện pháp trả đũa chính đáng”.

Mêhicô (Mexico) chỉ trích “thỏa thuận không công bằng”

Chính phủ Mêhicô hôm 12/07 tuyên bố việc tổng thống Trump dọa áp thuế 30% với hàng hóa Mêhicô từ 01/08 là “không công bằng” và khẳng định “không đồng ý” với biện pháp này. Mêhicô cũng cho biết đang đàm phán nhằm tìm ra giải pháp thay thuế cho việc áp thuế, với mục tiêu bảo vệ doanh nghiệp và việc làm ở cả hai nước. Trong khi đó, tổng thống Claudia Sheinbaum bày tỏ tin tưởng rằng hai nước sẽ đạt được thỏa thuận về thuế quan.

Iran tuyên bố sẵn sàng hợp tác với AIEA nhưng “theo một hình thức mới”

image.png
Ngoại trưởng Iran, hôm qua, 12/07/2025, tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) theo “một hình thức mới”, đồng thời tái khẳng định cam kết về một giải pháp ngoại giao nhằm giải quyết các bất đồng liên quan đến chương trình hạt nhân của Teheran.

Phát biểu trước các nhà ngoại giao nước ngoài tại Teheran, ngoại trưởng Abbas Araghchi thông báo rằng toàn bộ việc hợp tác với AIEA giờ sẽ do Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao của Iran quản lý và sẽ “được thực hiện theo một hình thức mới”, nhưng không nêu chi tiết. Việc hợp tác với AIEA đã bị đình chỉ vì Teheran cho rằng cơ quan này có phần trách nhiệm trong vụ tấn công của Mỹ vào 3 cơ sở hạt nhân của Iran hồi tháng 6.

Ngoại trưởng Araghchi đồng thời nhấn mạnh Iran “vẫn sẵn sàng xây dựng lòng tin thông qua con đường ngoại giao, nhưng trước tiên các đối tác phải thuyết phục được chúng tôi rằng họ thực sự mong muốn giải pháp ngoại giao, chứ không phải sử dụng ngoại giao như một vỏ bọc cho các mục tiêu khác”. Hãng tin Pháp AFP cho biết thêm rằng Iran thông báo sẽ xem xét các chi tiết liên quan đến khả năng nối lại đàm phán hạt nhân.

Iran cảnh báo “trang sử đen tối” trong quan hệ với Anh, Pháp, Đức  

Ngoại trưởng Iran cũng gửi lời cảnh báo tới « bộ ba » châu Âu Anh, Pháp, Đức sau khi 3 quốc gia này đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt đối với Teheran.

Từ thủ đô Iran, thông tín viên Siavosh Ghazi cho biết cụ thể :

“Abbas Araghchi đã lên án chính sách của Hoa Kỳ, cho rằng họ đã phản bội con đường ngoại giao khi ủng hộ Israel ngay từ ngày đầu tiên của cuộc chiến, trước cả khi tự mình tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.

Ông cũng đã đưa ra lời cảnh báo đối với bộ ba châu Âu khi họ đe dọa kích hoạt cơ chế “Snapback” – cơ chế cho phép tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Iran, vốn đã bị đình chỉ cách đây 10 năm trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc.
Ngoại trưởng Araghchi cho biết : “Snapback sẽ đánh dấu sự chấm dứt vai trò của bộ ba châu Âu trong hồ sơ hạt nhân Iran và không nghi ngờ gì sẽ là trang đen tối nhất trong quan hệ giữa ba quốc gia châu Âu này với Iran.”

Ông cũng nhấn mạnh rằng Iran sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào yêu cầu Teheran từ bỏ quyền làm giàu uranium. Ông nói : “Trong bất kỳ thỏa thuận nào được đàm phán, các quyền hạt nhân của quốc gia Iran – đặc biệt là quyền làm giàu uranium – phải được tôn trọng. Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào không bao gồm quyền làm giàu uranium.”

Những lời cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh Hoa Kỳ đã tuyên bố rõ ràng rằng Iran phải từ bỏ hoạt động làm giàu uranium trên lãnh thổ của mình, điều này có thể khiến mối quan hệ giữa Iran và các nước phương Tây càng trở nên phức tạp hơn.”

Tổng thống Nga hối thúc Iran ngưng làm giàu uranium

Trang tin Axios của Mỹ dẫn lời 3 quan chức châu Âu và 1 quan chức Israel xin ẩn danh, cho biết phía Nga đã thông báo với chính phủ Israel, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron về lập trường của chủ nhân điện Kremlin. Ông Putin không ủng hộ việc Iran tiếp tục làm giàu uranium và đã hối thúc Teheran ngưng quá trình này “để việc đàm phán với Mỹ trở nên thuận lợi hơn”. Tuy nhiên, quan chức này cũng khẳng định Iran đã tuyên bố không chấp nhận.

Nga là đồng minh ngoại giao chính của Iran trong vấn đề hạt nhân suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, Teheran đã tỏ ra thất vọng vì đồng minh Matxcơva đã không dành sự hỗ trợ đáng kể nào cho Iran trong cuộc chiến 12 ngày với Israel trong khi Iran cung cấp rất nhiều drone và tên lửa cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraina.

Nguy cơ xung đột Đài Loan : Úc loại trừ cam kết đưa quân tham chiến cùng Mỹ

image.png
Quyền bộ trưởng Quốc Phòng Úc, Pat Conroy, hôm nay 13/07/2025 khẳng định nước Úc sẽ không đưa ra bất cứ cam kết đưa quân tham gia một cuộc xung đột vũ trang nào. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh quan chức cao cấp phụ trách chính sách của bộ Quốc Phòng Mỹ, Elbridge Colby, đang gây áp lực để làm rõ vai trò của Úc, Nhật, nếu Mỹ và Trung Quốc xảy ra chiến tranh vì Đài Loan, theo báo Anh Financial Times.

Trả lời đài Úc ABC, quyền bộ trưởng Quốc Phòng, kiêm bộ trưởng Công nghiệp Quốc phòng Úc, giải thích « Quyết định điều động quân đội Úc tham gia một cuộc xung đột sẽ phải do chính phủ đương nhiệm (vào thời điểm xảy ra xung đột) đưa ra, chứ không phải được đưa ra trước đó ». Vẫn theo ABC, thủ tướng Úc Anthony Albanese « đã buộc phải bác bỏ những yêu cầu quốc phòng mới từ chính quyền Trump trong ngày đầu tiên của chuyến thăm Trung Quốc (12/07), khẳng định Úc ủng hộ ‘‘nguyên trạng’’ liên quan đến Đài Loan ».

Theo báo Úc Sydney Morning Herald, thủ tướng Anthony Albanese « tái khẳng định lập trường của Úc không ủng hộ việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm Đài Loan, một hòn đảo dân chủ, tự trị mà Trung Quốc coi là một tỉnh ly khai. Tuy nhiên, ông từ chối đưa ra cam kết công khai rõ ràng rằng tàu ngầm hạt nhân của Úc sẽ giúp ích cho Mỹ trong một cuộc xung đột trong tương lai ».

Thủ tướng Úc nhấn mạnh : « Chúng tôi không ủng hộ bất kỳ hành động đơn phương nào ở đó… Chúng tôi muốn hòa bình và an ninh trong khu vực của mình ». Khi được một nhà báo hỏi liệu việc Mỹ yêu cầu một đảm bảo của Úc về xung đột Đài Loan có hợp lý hay không, khi chính nước Mỹ vẫn duy trì chính sách « mơ hồ chiến lược », thủ tướng Albanese trả lời: « Ông vừa tự trả lời câu hỏi rồi đấy ».

Báo Nhật Japan Times hôm nay ghi nhận là tổng thống « Trump đã từ chối nói rõ ông sẽ làm gì trong trường hợp xảy ra tình trạng khẩn cấp với Đài Loan, khác với người tiền nhiệm Joe Biden, người đã nhiều lần đi chệch khỏi chính sách chính thức (mơ hồ chiến lược) của Mỹ, với khẳng định Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan ».

Từ MY LOAN <tmyloan@gmail.com>