Những mẫu tin thời sự tại Việt Nam

Share this post on:
  • Đỗ Duy Ngọc – Những người vô tổ quốc
  • Trần Hoàng – 70% nền kinh tế của VN ở trong tay của các công ty vốn nước ngoài
  • Mai Lan  – Việt Nam đối mặt làn sóng dịch Covid ở cộng đồng lần thứ 4

27/4/2021

Đỗ Duy Ngọc – Những người vô tổ quốc

Trẻ em đi trên hai chiếc vỏ lãi từ Kompong Chnang về đến biên giới

Đọc trên báo Tuổi Trẻ có một tin làm nhói lòng. Bài báo viết tổ công tác của Trạm cửa khẩu Đồn biên phòng quốc tế Vĩnh Xương phối hợp với Trạm cửa khẩu quốc tế Thường Phước, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã phát hiện 1 hộ gia đình gồm 8 người (3 nam, 5 nữ), có 4 người lớn và 4 trẻ em đi trên hai chiếc vỏ lãi từ Kompong Chnang về đến biên giới. Họ là những người Việt sinh sống ở Campuchia, nay nước này đang bị dịch bệnh nên họ về nước trốn dịch. Dĩ nhiên là nhập cảnh trái phép vì ở bên kia họ cũng chẳng được ai công nhận, không giấy tờ thì làm sao có thể xin giấy phép nhập cảnh. Tổ công tác đã ngăn chặn, đẩy đuổi nhóm người trên quay về Campuchia không cho phép quay lại Việt Nam.

Xét về lý, lực lượng biên phòng đã làm đúng, không sai, nhưng nghĩ về tình bỗng thấy lòng quặn thắt. Họ vẫn là người Việt, họ vẫn là đồng bào, nhưng rồi họ bị chính quê hương mình, đồng bào mình khước từ, ruồng bỏ. Vẫn nghĩ là việc ngăn chận nhập cảnh trái phép là việc rất cần thiết trong lúc này, không thể để dịch bệnh lan tràn, bùng phát. Thế nhưng, trong trường hợp này, cũng có cách để giải quyết kia mà, đâu có nguyên tắc cứng nhắc thế, đau lòng lắm. Có thể chấp nhận họ như những đứa con xa xứ trở về và cách ly họ theo thời gian quy định. Sau đó sẽ tiến hành những thủ tục cần thiết. Hãy hình dung cả gia đình sau một thời gian trên sông nước hi vọng trở về đất nước, đến biên giới lại bị đuổi đi, thất vọng và đau đớn biết bao nhiêu? Họ gạt nước mắt quay ngược mũi thuyền để rồi lênh đênh. Họ trở thành những người vô tổ quốc. Những kẻ lưu vong không có chốn để trở về.

Tôi đã từng đến Tà Dơ, một vùng đất nghèo ở tỉnh Tây Ninh. Tôi cũng đã đến xóm nhà lá ở gần chợ Bình Điền. Những người sống ở đây là từ Campuchia trôi giạt về. Họ sống tạm bợ trong những căn lều chắp vá bằng đủ thứ lượm được, đó là tấm vải bạt, là tấm gỗ, là chiếc thùng, là mái lá. Họ gọi đó là nhà nhưng không thể gọi là nhà. Những ngôi nhà trên ven hồ lúc nào cũng lai láng nước. Mùa hè nóng như đổ lửa và mùa mưa nước dội trên đầu. Họ sinh sống gần chục năm nay, sinh con đẻ cái, những thế hệ tiếp nối ra đời. Nhưng họ chẳng được ai chấp nhận. Họ không có một mảnh giấy tuỳ thân. Chính quyền Campuchia không chấp nhận họ. Về đến Việt Nam cũng chẳng ai nhận họ. Họ nói tiếng Việt, sinh hoạt như người Việt, cúng kiến, giỗ quải như như người Việt bởi họ là gốc Việt nhưng không ai chấp nhận họ là công dân Việt. Họ trở thành những người vô tổ quốc. Trẻ con không được đến trường, người lớn không kiếm được việc làm cũng vì không có giấy tờ. Không biết cuộc đời họ rồi sẽ về đâu?

Nhưng nghĩ cho cùng, những người ở Tà Dơ hay ở ven sông chợ Bình Điền vẫn còn may mắn hơn gia đình 8 người vừa bị đuổi trở lại Campuchia. Bởi họ đã được về với quê hương dù chưa trọn vẹn. Còn gia đình kia, giờ họ trôi giạt về đâu?

27.4.2021

DODUYNGOC

https://www.facebook.com/doduyngoc/posts/10158267550908635

70% nền kinh tế của VN ở trong tay của các công ty vốn nước ngoài (FDI) –

Tình hình xuất nhập khẩu của VN trong năm 2018, 2019 và 2020

Trần Hoàng 26-4-2021

70% những phát triển kinh tế ở Việt Nam là của các công ty tập đoàn có vốn nước ngoài (FDI : Foreign Development Investment) đầu tư mở hãng xưởng ở VN để tận dụng giá thuê công nhân VN là thấp nhất thế giới. Đặc biệt nhất là tập đoàn Sam Sung Electronics Vietnam ở Bắc Ninh và Thái Nguyên. Tập đoàn này thuê 130.000 công nhân VN để lắp ráp điện thoại thông minh cho họ. Tổng XNK của Sam Sung VN chiếm 27% Tổng XNK của cả nước VN trong hơn 3 năm qua.

Tình hình XNK của Việt Nam trong Năm 2020. (1)

Tổng xuất nhập khẩu của VN trong năm 2020 là 545 tỷ đô la. Trong đó:
—Các công ty vốn nước ngoài (FDI) chiếm 372/545 = 68%

—Các tập đoàn quốc doanh, công ty của nhà nước, và doanh nghiệp tư nhân chỉ tổng xuất nhập khẩu chỉ có = 32%. (Nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu.)


Tình hình XNK của Việt Nam trong Năm 2019. (2)
Tổng XNK của cả nước VN là 517 tỷ đô la.
—Tổng XNK của FDI các công ty vốn nước ngoài 324 tỷ đô la. Các công ty nước ngoài (FDI) Chiếm 63% (324/517 = 63%)

—Các tập đoàn quốc doanh, công ty của nhà nước, và doanh nghiệp tư nhân chỉ đóng vai trò rất khiêm tốn = 38% tổng XNK trong năm 2019.

Tình hình XNK của Việt Nam trong Năm 2018. (3)

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước năm 2018 đạt 480,17 tỷ USD. Trong đó: —tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2018 đạt 313,21 tỷ USD, tăng 11,7%, đưa  mức thặng dư thương mại của khối này trong năm lên mức 29,85 tỷ USD—Tổng trị giá XNK của các tập đoàn quốc doanh, và của các công ty tư nhân là 167 tỷ đô la.

Tóm lại, 70% nền kinh tế của VN ở trong tay của các công ty vốn nước ngoài FDI

Tham khảo:

1.Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 12 và 12 tháng/2020 Thống kê Hải quan  18/01/2021

2.Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 12 và năm 2019. Thống kê Hải quan  31/01/2020

3.Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 12 và năm 2018. Thống kê Hải quan  15/01/2019 

Mai Lan  – Việt Nam đối mặt làn sóng dịch Covid ở cộng đồng lần thứ 4

28/4/2021

Cộng đồng mạng xã hội vỗ tay tán thưởng lệnh dừng bắn pháo bông của ông chủ tịch TP.HCM, ngoài chuyện sợ dịch Covid, còn là chuyện ‘vui sướng gì ngày 30 tháng 4 mà pháo bông ăn mừng’.

“Dứt khoát dừng bắn pháo hoa, lỡ có chuyện gì ân hận không kịp” – chủ tịch Nguyễn Thành Phong của TP.HCM đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp khẩn về phòng chống dịch Covid-19, trưa 26-4.

Trước đó, nhiều ý kiến từ các nhà báo, các chính khách, rằng cái lý do vui chào mừng ngày thống nhất đất nước, nhưng thực tế lòng người vẫn phân ly – nói như thủ tướng Võ Văn Kiệt: triệu người vui, triệu người buồn.., thì có thoả tâm, thoả đáng khi tưng bừng pháo hoa mừng chiến thắng 30 tháng tư?

Tại buổi làm việc chiều 26-4 với lãnh đạo thành phố Cần Thơ, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết diễn biến dịch Covid-19 hết sức phức tạp, đặc biệt các tỉnh biên giới Tây Nam. Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn công tác đi chỉ đạo đôn đốc công tác phòng chống dịch tại các địa phương vùng Tây Nam.

Bộ Y tế cảnh báo có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4. Đối với Cần Thơ, Bộ Y tế xem là vùng trọng điểm tập trung người dân các nơi về khá lớn, vì vậy cần hết sức tập trung công tác phòng dịch, tuân thủ nghiêm giải pháp 5K. Đặc biệt chú ý từ Campuchia sau khi quốc gia này có giải pháp giãn cách xã hội chống dịch, thì người dân kiều bào Việt Nam sẽ trở về nước nhiều hơn. Bộ Y tế cũng nhận định hiện nay nhiều người dân và cả cán bộ công chức có lơ là trong việc phòng dịch như không đeo khẩu trang, tụ tập đông người.

Hiện tại cả Sài Gòn và Cần Thơ đều đã kích hoạt lại tất cả các đội phản ứng nhanh phòng chống dịch Covid-19.

Theo Khmer Times, lực lượng chống dịch ở Phnom Penh bắt phạt cả người giao thức ăn và nhu yếu phẩm đặt qua mạng. Một công ty hoạt động trong lĩnh vực này cho biết nhiều nhân viên của họ đã bị bắt và phải đóng phạt tới 600 USD.

Hàng chục làng xã khác có ổ dịch Covid-19 tiếp tục bị phong tỏa trong ngày 26-4, theo Khmer Times. Trong số này có xã Bavet thuộc thành phố Bavet, tỉnh Svay Rieng giáp tỉnh Tây Ninh và Long An của Việt Nam.

Trong ngày đầu tuần của tuần lễ cuối cùng của tháng tư, tin tức cho biết chỉ trong vòng 4 giờ của buổi sáng ngày 26-4, lực lượng chức năng phát hiện 4 vụ với 31 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Đây là thông tin đáng lo trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở các nước láng giềng với Việt Nam.

Ở một diễn biến khác, một số nhà báo phụ trách mảng quốc tế nói rằng nếu như cả Cần Thơ, Sài Gòn cũng như nhiều địa phương khác đã kích hoạt lại các đội phản ứng nhanh về phòng chống dịch Covid-19 đe dọa lây lan cộng đồng, thì rất cần sớm có thông báo về chuyện bầu cử ở 3 tuần lễ sắp tới đây.

Nhà báo Danh Đức cảnh báo từ câu chuyện của Cộng hòa Pháp.

Pháp ngay từ giữa tháng 3 năm ngoái đã ra lệnh phong tỏa sau khi thấy láng giềng Ý nháo nhào vì Covid-19, và phát hiện lây nhiễm khá cao trong cộng đồng: ngày 1-2-2020 có 6 ca nhiễm, nhưng tới cuối tháng đã là 100 ca nhiễm và 2 ca tử vong, ổ dịch lớn nhất ở tỉnh Oise.

Nhà chức trách Pháp bây giờ nhận ra rằng cách ly những người về từ các “vùng dịch” như Ý và Trung Quốc không còn là đủ nữa, mà phải chặn sự lây lan “nội xứ”, cần có những biện pháp mới cả ở cấp địa phương và quốc gia.

Tại Oise mọi tụ tập đều bị cấm, còn trên toàn quốc ngay từ 9-3-2020 đã cấm mọi sự kiện đông trên 1.000 người, bớt di chuyển… Y tế Pháp cũng đã thần tốc khoanh vùng, cách ly người bị nhiễm hay tình nghi bị nhiễm. Khoanh vùng, cách ly thì phải xét nghiệm. Từ 1-3 tới 27-12-2020, ước tính đã thực hiện 33,7 triệu xét nghiệm RT-PCR và 2,8 triệu xét nghiệm kháng nguyên, theo Bộ Y tế Pháp.

Giữa lúc dân chúng đã bắt đầu chấp hành tự hạn chế tụ tập, di chuyển, cuộc bầu cử các hội đồng địa phương hôm chủ nhật 15-3-2020 đã lờ đi những cảnh báo về tốc độ lây nhiễm. Ngày 15-3, chỉ có 5.423 ca. Sau khi ‘lùa dân đi bỏ phiếu’, hậu quả là tới 31-3-2020, tức vừa hết thời gian ủ bệnh, số ca nhiễm lên đến 52.128 trường hợp, và tử vong lên đến 3.523 người.

Ai chịu trách nhiệm sự tăng vọt các ca nhiễm từ 5.423 ca hôm bầu cử lên đến 52.128 ca và từ chỉ 127 ca tử vong hôm 15-3 bầu cử lên 3.523 ca đúng nửa tháng sau, nếu không phải người đã quyết liệt tổ chức bầu cử hôm chủ nhật 15-3?

Từ đó nước Pháp chìm trong dịch và tang tóc, ban hành hết đợt phong tỏa này tới đợt phong tỏa khác…

https://vietnamthoibao.org/vntb-viet-nam-doi-mat-lan-song-dich-covid-o-cong-dong-lan-thu-4/