Số ca tử vong hàng ngày tăng kỷ lục ở Ấn Độ, COVID-19 lây lan sang Nepal
05/05/2021 – Reuters
Ấn độ: Người dân thương tiếc người thân chết vì Covid-19 tại một lễ hỏa táng ở Allahabad, ngày 4/5/2021. (Photo by SANJAY KANOJIA / AFP)
Ấn Độ chiếm tới phân nửa tất cả các ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu trong tuần qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hôm 5/5, giữa lúc các ca tử vong ở Ấn Độ tăng lên tới 3.780 ca trong 24 giờ qua, một con số kỷ lục.
Trong báo cáo dịch tễ hàng tuần, WHO cho biết Ấn Độ chiếm tới 46% tổng số ca bệnh toàn cầu và 25% số ca tử vong toàn cầu được báo cáo trong tuần qua.
Dựa trên các số liệu của Bộ Y tế, số ca nhiễm hàng ngày tăng lên tới 382.315 hôm thứ Tư 4/5, đây là ngày thứ 14 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận hơn 300.000 ca.
Đợt 2 bùng phát COVID-19 gây chết chóc ở Ấn Độ đã khiến các bệnh viện không còn giường trống và thiếu ôxy nghiêm trọng, các nhà xác và lò hỏa táng hoạt động quá tải. Nhiều người chết trong xe cấp cứu và bãi đậu xe trong khi chờ giường trống hoặc bình dưỡng khí.
Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi bị chỉ trích khắp nơi vì đã không hành động sớm hơn để chặn làn sóng thứ hai của virus COVID-19. Các lễ hội tôn giáo và các cuộc tuần hành chính trị thu hút hàng chục nghìn người tham gia tạo điều kiện cho COVID-19 lây lan rộng.
“Chúng tôi cần một chính phủ. Cấp thiết. Nhưng chúng tôi không có chính phủ. Chúng tôi đang cạn kiệt dưỡng khí. Chúng tôi đang chết dần …”, tác giả Ấn Độ Arundhati Roy viết trong một bài báo đăng hôm 3/5, kêu gọi ông Modi từ chức.
Các ca nhiễm tăng vọt ở Ấn Độ diễn ra đồng thời với sự sụt giảm đáng kể số lượng các ca tiêm chủng do các thiếu nguồn cung và các vấn đề phân phối.
Ít nhất ba bang, kể cả Maharashtra, nơi tọa lạc thủ phủ thương mại Mumbai, báo cáo tình trạng khan hiếm vắc-xin, khiến một số trung tâm tiêm phòng phải đóng cửa.
Phe đối lập Ấn Độ kêu gọi nên đóng cửa cả nước, nhưng chính phủ tỏ ra miễn cưỡng, không muốn áp đặt biện pháp này vì sợ hậu quả kinh tế, tuy vậy một số bang đã áp đặt các biện pháp hạn chế xã hội.
Các chuyên gia y tế cho rằng số người chết và các ca nhiễm COVID-19 trên thực tế ở Ấn Độ có thể cao từ gấp 5 đến 10 lần con số chính thức. Nước này ghi nhận thêm 10 triệu ca nhiễm chỉ trong hơn 4 tháng, và đạt con số 10 triệu ca đầu tiên chỉ sau hơn 10 tháng.
Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) do nhà nước điều hành cho biết số xét nghiệm hàng ngày ở Ấn Độ đã giảm mạnh, xuống còn 1,5 triệu. Mức cao nhất là 1,95 triệu vào hôm 1/5.
Thảm họa con người càng nghiêm trọng giữa lúc đợt bùng phát COVID-19 lây lan từ Ấn Độ sang nước láng giềng Nepal.
Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế hôm 5/5 nói Nepal đang bị quá tải vì sự tăng vọt các ca nhiễm COVID-19 giữa lúc đợt bùng phát ở Ấn Độ lan rộng khắp khu vực Nam Á..
Nepal ghi nhận số ca nhiễm cao gấp 57 lần so với một tháng trước, với 44% các cuộc xét nghiệm cho kết quả dương tính, thông báo của Liên đoàn Chữ thập và Trăng lưỡi liềm đỏ cho biết. Các thị trấn của Nepal gần biên giới Ấn Độ không thể ứng phó với tình trạng ngày càng có nhiều người cần điều trị, trong khi chỉ 1% dân số nước này được tiêm phòng đầy đủ.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Nepal, Netra Prasad Timsina, khuyến cáo:
“Những gì đang xảy ra ở Ấn Độ trong lúc này là một viễn ảnh kinh hoàng về tương lai của Nepal nếu chúng ta không ngăn chặn đuợc đợt bùng phát COVID mới nhất đang cướp đi sinh mạng của nhiều người hơn từng giờ từng phút”.
Các nước láng giềng khác của Ấn Độ cũng đang trong tầm ngắm khi dịch bệnh lây lan. Các đơn vị chăm sóc đặc biệt của các bệnh viện ở Pakistan và Bangladesh đã đầy hoặc đang hoạt động gần hết công suất.
G7 tập trung thành lập liên minh chống Bắc Kinh
G7 summit or meeting concept. Row from flags of members of G7 group of seven and list of countries, 3d illustration
Sau khi bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19, các bộ trưởng ngoại giao của Nhóm G7 đã tổ chức cuộc họp trực tiếp đầu tiên tại Luân Đôn, Vương quốc Anh. Cuộc họp sẽ tập trung thảo luận cách đối phó với lập trường ngày càng cứng rắn của ĐCSTQ và thành lập một mặt trận chung.
Hãng tin AP đưa tin vào ngày 4/5, ngoại trưởng các nước Anh, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản đã tập trung tại London, Vương quốc Anh để có một cuộc gặp mặt trực tiếp kéo dài hai ngày. Cuộc họp sẽ thảo luận về những thách thức ngoại giao của Trung Quốc, Iran và Nga, cũng như cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria, và tình hình hỗn loạn ở Ethiopia và Afghanistan.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho rằng cuộc gặp này cho thấy chính sách ngoại giao G7 đã trở lại. G7 tin tưởng vào việc giữ cho thương mại tự do, mở cửa xã hội, bảo vệ nhân quyền và dân chủ, cũng như bảo vệ và thúc đẩy lợi ích công cộng.
Vào ngày 3/5, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng mục tiêu của Mỹ không phải là cố gắng kiềm chế chính quyền Bắc Kinh, mà là duy trì trật tự quốc tế. Ông hứa sẽ hợp tác với Vương quốc Anh để gây áp lực lên chính quyền Bắc Kinh về việc ĐCSTQ đàn áp phong trào dân chủ Hồng Kông và “cuộc diệt chủng” người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Ngoại trưởng Anh cho rằng cánh cửa cải thiện quan hệ với Trung Quốc đang rộng mở, nhưng còn tùy thuộc vào cách hành xử của chính quyền Bắc Kinh.
Nhật Bản và Trung Quốc có quan hệ căng thẳng trong lịch sử, nhưng họ không đứng vào hàng ngũ các lệnh trừng phạt của châu Âu và Mỹ đối với chính quyền Bắc Kinh vì lo ngại ảnh hưởng quan hệ đối tác thương mại với Trung Quốc.
Ý luôn được coi là một trong những quốc gia thân thiện với Trung Quốc nhất ở châu Âu và nước này cũng đã ký sáng kiến “Vành đai và Con đường” với chính quyền Bắc Kinh vào năm 2019. Nhưng vào tháng 3 năm nay, Ý và Liên minh châu Âu cũng đã triệu tập đại sứ ĐCSTQ và bày tỏ lo ngại về tình hình của người Duy Ngô Nhĩ.
Úc lên án chính sách ‘ngoại giao bẫy nợ’ của Bắc Kinh
Truyền thông Úc hôm 4/5 đưa tin, Ngoại trưởng Úc Marise Payne đã lên tiếng chỉ trích chính sách ngoại giao bẫy nợ của Bắc Kinh ngay trước cuộc gặp với các nhà lãnh đạo thế giới tại cuộc họp G7 Plus sắp tới ở châu Âu và với các nhà lãnh đạo ở Hoa Kỳ.
Mặc dù bà Payne không đề cập trực tiếp đến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhưng bình luận của bà được đưa ra, sau khi giới chức Úc hủy bỏ hai thỏa thuận về Sáng kiến Vành đai và Con đường được ký kết với Bắc Kinh, Sky News cho hay.
Ngoại trưởng Úc nói: “Trọng tâm và khả năng giải quyết các vấn đề thực tế của chúng tôi xuất phát từ sự hiểu biết của chúng tôi rằng những nỗ lực này tạo ra sự ổn định khu vực và toàn cầu, chứ không phải vì mong muốn đạt được ảnh hưởng có mục tiêu ở các quốc gia riêng lẻ”.
Bà Payne tiếp tục: “Chúng tôi không cố gắng mua ảnh hưởng để tạo lợi thế với các quốc gia riêng lẻ của chúng tôi; thay vào đó, chúng tôi biết rằng một khu vực ổn định, an toàn của các quốc gia có chủ quyền, trong đó chúng tôi có mạng lưới quen thuộc và tin cậy, là những nơi tốt, an toàn để người dân của chúng tôi sinh sống và phát triển”.
Ngoại trưởng Úc nhấn mạnh: “Nếu có sự lan rộng ảnh hưởng ở đây, thì sự lan tỏa của cởi mở, tự do và thương mại sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, vì chúng ta cạnh tranh công bằng dựa trên các quy tắc. Đó không phải là một cách tiếp cận theo chủ nghĩa trọng thương, mà là một cách tiếp cận tìm cách hỗ trợ một cộng đồng quốc tế hòa bình và hữu ích”.
Tháng trước, Úc đã hủy bỏ hai thỏa thuận giữa bang Victoria và Trung Quốc trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường do không phù hợp với chính sách đối ngoại.
Sáng kiến Vành đai và Con đường là ý tưởng xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu trị giá hàng nghìn tỷ đô la của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và được ví là “viên ngọc quý” trong tham vọng địa chính trị của ĐCSTQ.
Tuy nhiên, Vành đai và Con đường từ lâu đã bị cáo buộc là “con ngựa thành troy”, khiến các nước đang phát triển lâm vào cảnh nợ nần chồng chất do các hoạt động cho vay nặng lãi từ Bắc Kinh.
Vấn đề bằng sáng chế của vắc-xin covid-19
Khi làn sóng covid-19 tàn phá Ấn Độ, ngành công nghiệp sản xuất thuốc phổ thông khổng lồ của nước này đang muốn sản xuất vắc-xin hàng loạt để tiêm cho 1,38 tỷ dân. Song, cho đến nay hệ thống bằng sáng chế toàn cầu đã ngăn cản họ. Hôm nay, đại hội đồng của WTO sẽ xem xét tạm bỏ một thỏa thuận bảo vệ bí mật thương mại của các công ty dược phẩm.
Những người ủng hộ các bằng sáng chế vắc-xin nói dù có bỏ cũng sẽ chẳng giúp tăng nguồn cung. Vắc-xin rất khó sản xuất và việc tước đi lợi nhuận có được từ bằng sáng chế sẽ khiến các công ty ngại đầu tư trong tương lai. Còn những người ủng hộ ý tưởng thì cho rằng các công ty phải làm nhiều hơn để tiêm chủng cho thế giới sau khi đã nhận số tiền khổng lồ của chính phủ, trong khi vẫn có thể được nhận bồi thường hợp lý. Chính quyền Tổng thống Joe Biden – vốn cùng với Anh và EU chặn đề xuất này tại WTO – được cho là vẫn còn phân vân giữa hai lập luận.
Hãng ô tô Stellantis lần đầu công bố kết quả quý
Hôm nay Stellantis sẽ công bố kết quả kinh doanh quý đầu tiên. Hãng sản xuất ô tô này được thành lập từ vụ hợp nhất khổng lồ hồi tháng 1 giữa Fiat Chrysler Automobiles và PSA, một công ty Pháp sản xuất Peugeots và Citroëns. Các nhà đầu tư sẽ muốn nghe về tác động của tình trạng thiếu chip đang ảnh hưởng đến sản xuất trong toàn ngành cũng như lời xác nhận rằng thị trường xe hơi đang phục hồi lành mạnh.
Tuy nhiên, hầu hết sẽ hướng tới tháng 7, khi Carlos Tavares, ông chủ của Stellantis, tiết lộ thêm về chiến lược “xe điện hóa” của hãng, bên cạnh thông báo gần đây về bốn “nền tảng” mới nhằm củng cố xe điện của hãng và kế hoạch lập hai nhà máy sản xuất pin ở Châu Âu. Những chi tiết này sẽ đến cùng lúc với lần công bố kết quả kinh doanh tiếp theo, vốn mang lại nhiều thông tin cụ thể hơn về lợi ích tài chính của cuộc sáp nhập. Cuối năm nay hoặc đầu năm sau, công ty cũng sẽ vạch ra chiến lược và mục tiêu dài hạn, có thể sẽ rất tham vọng, đặc biệt khi nhìn từ kinh nghiệm của ông Tavares.
Tình hình sức khỏe tinh thần thế giới trong bối cảnh đại dịch
Với một số rất ít trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như các hãng sản xuất khẩu trang, đại dịch covid-19 đã gây rối loạn và khốn khổ cho tất cả mọi người. Nhưng khốn khổ đến đâu? Hôm nay Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh sẽ công bố thang đo trầm cảm ở Anh và cho thấy tình trạng này đã thay đổi ra sao.
Các dữ liệu khác, chẳng hạn như một cuộc khảo sát của các nhà nghiên cứu tại Đại học London, cho thấy trầm cảm và lo lắng lên mức cao vào tháng 3 năm 2020, giảm trong mùa hè, sau đó tăng trở lại – có thể nói gần đúng với tình hình lây nhiễm covid. Năm ngoái, người trẻ có mức độ hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống thấp hơn người già, song chưa rõ nó đã thay đổi ra sao khi có triển khai vắc xin. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu ở Hà Lan ghi nhận một điều đáng ngạc nhiên: mặc dù nhiều người Hà Lan báo cáo các triệu chứng trầm cảm và lo lắng hơn trong năm ngoái, nhưng những người trầm cảm từ trước đại dịch đã không trở nên trầm cảm hơn. Có lẽ bể khổ đã rộng ra, nhưng không sâu hơn.
Pháp kỷ niệm hai trăm năm ngày mất Napoléon
Để kỷ niệm hai trăm năm ngày mất của Napoléon vào năm 1821, tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm nay sẽ đặt vòng hoa tại lăng mộ Napoléon ở Paris và có một bài phát biểu. Vị hoàng đế vẫn là một nhân vật gây chia rẽ, ngay cả ở Pháp. Một số người coi ông là một bậc thầy chiến lược và thiên tài hiện đại hóa. Trong khi những người khác xem ông như một bạo chúa và đồ tể, kẻ đã phung phí quyền lực tối cao của Pháp ở châu Âu trong trận Waterloo.
Ông Macron sẽ tuyên bố chế độ nô lệ, mà bản thân Napoléon đã đưa đến Tây Ấn thuộc Pháp vào năm 1802, là một điều ghê tởm, kể cả nhìn từ các giá trị thời đó. Bài phát biểu được cho là một phần trong nỗ lực của ông để buộc nước Pháp đối diện với tất cả các khía cạnh lịch sử của họ, bao gồm cả ở Rwanda và Algeria. Nhưng một số người sẽ coi lễ kỷ niệm là sự thách thức “văn hóa hủy bỏ” [tức phong trào xóa bỏ các biểu tượng lịch sử liên quan đến chế độ nô lệ], trong khi số khác cho rằng đó là một sự sao nhãng không cần thiết vào thời điểm đất nước vẫn còn chìm trong làn sóng dịch thứ ba.
Biển Đông: Manila khuyên ngư dân Philippines phớt lờ lệnh cấm đánh cá của Bắc Kinh
Một tàu cá Trung Quốc (T) neo đậu gần các tàu cá Philippines tại bãi đá Scarborough, nơi đang có tranh chấp giữa hai nước, Biển Đông. Ảnh chụp ngày 06/04/2017. REUTERS – Erik de Castro
Chính quyền Manila ngày hôm qua, 04/05/2021 đã bác bỏ lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè hàng năm do Trung Quốc áp đặt ở Biển Đông và khuyến khích ngư dân Philippines tiếp tục đánh bắt trong vùng lãnh hải của nước này.
Trong một thông báo, Lực Lượng Đặc Nhiệm Biển Đông của Philippines xác định rằng lệnh cấm đánh cá từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 16 tháng 8 mà Trung Quốc mới ban hành trên nhiều vùng biển, trong đó có một phần của Biển Đông “không áp dụng đối với ngư dân của chúng ta”.
Cơ quan này phản đối việc Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đối với các khu vực thuộc lãnh thổ và quyền tài phán của Philippines và khẳng định rằng ngư dân Philippines “được khuyến khích ra khơi và đánh cá trong vùng biển của Philippines ở vùng Biển Tây Philippines”, tên Manila đặt cho Biển Đông.
Không chỉ có Philippines là phản đối lệnh cấm đánh cá mà Trung Quốc đơn phương áp đặt. Chính quyền Việt Nam, ngay từ hôm 29/04 vừa qua đã chính thức lên tiếng bác bỏ lệnh cấm mà Bắc Kinh ban hành trên các vùng biển bao quanh Trung Quốc trong đó có Biển Đông.
Căng thẳng Philippines Trung Quốc đã gia tăng trong thời gian gần đây sau Manila liên tiếp tố cáo Trung Quốc tung cả trăm chiếc tàu vào neo đậu trong khu vực Đá Ba Đầu ở quần đảo Trường Sa, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Manila cáo buộc đó là tàu của dân quân biển Trung Quốc, trong lúc Bắc Kinh luôn khẳng định đó là tàu đánh cá của ngư dân đã tìm chỗ trú bão.
Đội tàu Trung Quốc sau đó đã tỏa ra nhiều nơi khác trong khu vực, và Lực Lượng Đặc Nhiệm Biển Đông của Philippines hôm qua cho biết họ đã phát hiện 7 tàu “dân quân biển Trung Quốc” tại bãi cạn Sa Bin (Sabina Shoal) thuộc quần đảo Trường Sa vào ngày 27 tháng 4. Nhóm tàu này đã giải tán sau khi lực lượng tuần duyên Philippines đến nơi, hai ngày sau đó lại quay trở lại trước khi bỏ đi dưới sức ép của tuần duyên Philippines.
Đã đến lúc Úc chấm dứt hợp đồng cho thuê cảng Darwin 99 năm với Trung Quốc
Ảnh tư liệu chụp ngày 21/04/2017: Cảng Darwin miền bắc nước Úc. REUTERS – STAFF
Bộ Quốc Phòng Úc đang xem xét lại hợp đồng cho tập đoàn Trung Quốc Landbridge thuê cảng Darwin (miền bắc) trong vòng 99 năm. Thủ tướng Scott Morrison khẳng định “chính phủ sẽ hành động” nếu “cơ quan tình báo cho rằng có những rủi ro đối với ninh quốc gia” liên quan đến hợp đồng trị giá 506 triệu đô la Úc (390 triệu đô la Mỹ).
Cuối năm 2020, Úc thông qua một đạo luật cho phép chính phủ liên bang hủy bỏ các thỏa thuận được ký kết giữa các bang và nước ngoài. Nhờ biện pháp này, một biên bản ghi nhớ giữa chính quyền bang Victoria và Trung Quốc liên quan đến dự án Một Vành Đai, Một Con Đường đã được hủy bỏ.
Cảng Darwin, được tập đoàn Trung Quốc Landbridge ca ngợi trong một đoạn video quảng cáo năm 2019 là một trong những mắt xích của dự án hạ tầng đầy tham vọng của chủ tịch Tập Cận Bình, hiện trở thành một điểm chiến lược quan trọng đối với an ninh quốc gia Úc. Vì vậy, theo ông Peter Jennings, giám đốc điều hành của ASPI, “đã đến lúc chấm dứt hợp đồng cho thuê cảng Darwin” với bốn điểm thay đổi được nêu trong bài phân tích ngày 04/05/2021.
Thứ nhất, Trung Quốc, dưới thời Tập Cận Bình, ngày càng hung hăng tìm cách thống trị vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, hất Mỹ để trở thành lực lượng quân sự chính trong vùng, làm suy yếu các đồng minh của Hoa Kỳ và trừng trị mọi ý kiến đi ngược lại mong muốn của Bắc Kinh.
Hiện giờ Canberra “vỡ mộng” về “khả năng lớn mạnh của Trung Quốc chia sẻ trách nhiệm hỗ trợ an ninh trong khu vực và thế giới” được ca ngợi trong Sách Trắng Ngoại Giao của Úc năm 2017. Trung Quốc tung hoành ở Biển Đông và biển Hoa Đông, uy hiếp Đài Loan, đe dọa Úc… Theo nhà nghiên cứu Úc, Bắc Kinh tỏ rõ mục đích phá vỡ trật tự thế giới, thay vào đó là sự kiểm soát chuyên quyền.
Thứ hai, hợp tác kinh tế “đôi bên cùng có lợi” hiện trở thành công cụ bắt chẹt và trừng phạt của Trung Quốc. Canberra bất lực nhìn Bắc Kinh lần lượt tăng thuế nhiều mặt hàng xuất khẩu chính như rượu vang, thịt bò, nông phẩm… Bắc Kinh không ngần ngại trừng phạt mọi bất đồng nào bị cho là mang tính “phá hoại”. Và theo những phát biểu của đại sứ Trung Quốc tại Úc, chính Canberra phải chịu trách nhiệm về mối quan hệ tiêu cực song phương hiện nay.
Thứ ba, chủ tịch Tập Cận Bình gia tăng quyền kiểm soát của đảng Cộng Sản đối với các doanh nghiệp Trung Quốc và Hồng Kông, thông qua Luật Tình báo Quốc gia 2017 và Luật An ninh Quốc gia được áp dụng ở đặc khu hành chính từ năm 2020. Bằng chứng mới nhất về sức mạnh của Đảng là trường hợp nhà tỉ phú Mã Vân của tập đoàn Alibaba bị “thất sủng”.
Tập đoàn Landbrigde, quản lý cảng Darwin, không nằm ngoài quy luật này, thậm chí khẳng định là “đang thực hiện giấc mộng Trung Hoa”. Liệu “nhiệt thành” của các doanh nghiệp Trung Quốc đối với mục tiêu đề ra của đảng Cộng Sản có tác động đến những công trình hạ tầng trọng yếu ở Úc do phía Trung Quốc kiểm soát vào lúc mà Bắc Kinh muốn “trừng phạt” Canberra không ?
Thứ tư, chiến lược về Trung Quốc của Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Donald Trump và Joe Biden đã thay đổi. Trước nguy cơ xung đột gia tăng ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, Washington áp dụng chiến lược “phân tán” lực lượng để giảm bớt khả năng đối thủ tấn công vào những khu vực quan trọng Guam và Nhật Bản.
Theo kịch bản này, miền bắc Úc có vị trí chiến lược quan trọng hơn đối với an ninh trong vùng, không chỉ đối với Úc mà còn cho cả các đồng minh đối tác của Canberra. Vì vậy, việc kiểm soát cảng cũng trở nên quan trọng hơn so với tình hình năm 2015, khi bộ trưởng Quốc Phòng Úc lúc đó, Dennis Richardson, khẳng định hợp đồng cho thuê cảng Darwin trong vòng 99 năm không hề đe dọa đến an ninh quốc phòng, dù cảng Darwin chỉ cách cảng HMAS Coonawarra của Hải Quân Úc khoảng 8 km.
Nhà nghiên cứu Úc cho rằng trước một Trung Quốc không che giấu tham vọng thống trị khu vực, các nước trong vùng phải đánh giá lại những rủi ro của các công trình hạ tầng có liên quan đến doanh nghiệp Trung Quốc. Phá vỡ hy vọng kinh doanh cùng có lợi là việc hi hữu, gây khó chịu nhưng có lẽ là điều cần thiết để định hình thực tế chiến lược dựa trên những gì đang xảy ra.