Nguyệt Quỳnh trò chuyện cùng Trịnh Bá Phương
Tháng 5/2021
Trang facebook “Chuyện của Thịnh” (1) có một bộ ảnh về dân làng Dương Nội và những ngôi biệt thự bỏ hoang mà tác giả dẫn dắt bằng câu: “Ừ, họ vẫn ở đây”.
Trước kia, nơi đây là những mảnh vườn xanh tốt, là mái nhà, là của cải của những hộ dân. Tất cả đã đổi thay, đã là dấu chấm hết với họ vào một buổi sớm mai cùng với lệnh cưỡng chế đất, tiếng máy xúc, lựu đạn cay, và tiếng gào khóc trong tuyệt vọng của nông dân Dương Nội.
“Chúng Tôi Vẫn Ở Đây” là bộ ảnh chụp một nhóm người trong số 200 hộ dân đã từ chối nhận tiền thu hồi đất để tiếp tục bám trụ trên mảnh đất của mình. Nhìn hình ảnh một gia đình người nông dân Dương Nội nằm ngủ say sưa giữa bức tường của hai ngôi biệt thự bỏ hoang, trên lá cỏ, giữa đất trời mà như đang nằm chính trong ngôi nhà của mình; tôi hiểu vì sao suốt một thập kỷ đăng đẵng giữa bạo lực và trấn áp, Dương Nội vẫn mãi mãi là mái nhà của họ. Những nhóm lợi ích như đám ruồi xanh kia rồi sẽ biến mất khi đất không còn cho mật; nhưng đất quê hương, máu thịt bao đời của cha ông mình sẽ mãi mãi vẫn là đất quê hương!
Xin cùng bạn chia sẻ một thập kỷ gian nan của nông dân Dương Nội qua cuộc trò chuyện với anh Trịnh Bá Phương – một trong những người có mặt từ đầu – đã góp phần không nhỏ trong nỗ lực xây dựng sự đoàn kết đấu tranh dai dẳng của bà con. Mong rằng chúng ta sẽ học được nhiều điều từ họ, những người mà nhà thơ Hồng Nguyên gọi là “Áo vải chân không đi lùng giặc đánh”.
***
Bà Con Dương Nội luôn luôn tuân thủ luật pháp,
nhưng hiểu rất rõ về quyền hạn của mình.
Nguyệt Quỳnh: Xin anh cho biết ý nguyện của bà con là gì? Tại sao không làm riêng từng gia đình mà đấu tranh chung cả làng với nhau?
Trịnh Bá Phương: Mục đích ý nguyện của nhóm dân oan chúng tôi là đấu tranh đòi lại tư liệu sản xuất là đất đai của chúng tôi. Nguyên nhân chính là khi không còn đất đai thì chúng tôi rơi vào cảnh thất nghiệp và nghèo đói. Từ đó con cái chúng tôi không được cắp sách đến trường, lâm bệnh ốm đau không có tiền đi viện…
Theo quy định cụ thể của nhà nước trong “Nghị định số 75/2012/NĐ-CP” (2) ngày 03 tháng 10 năm 2012, chúng tôi khiếu kiện tập thể thông qua hình thức cử 20 người đại diện là hoàn toàn đúng luật khiếu nại tố cáo. Việc khiếu nại chung đã giúp chúng tôi có sức mạnh tập thể, các phe nhóm lợi ích khó khăn hơn trong việc trấn áp số đông chúng tôi. Tuy nhiên thời gian qua chính quyền đã dùng rất nhiều thủ đoạn hòng tách chúng tôi làm đơn riêng từng hộ để dễ bề đàn áp, dập tắt phong trào. Không ít lần chính quyền Hà Nội đã thuyết phục gia đình tôi làm đơn riêng để dễ giải quyết, nhưng quan điểm của gia đình tôi không phản bội lại bà con và kiên quyết sát cánh với bà con đấu tranh đến cùng.
Mỗi người dân Dương Nội chia sẻ trách nhiệm của mình.
Nguyệt Quỳnh: Thưa anh, bà con có sợ bị dán nhãn “lập tổ chức phản động” chống nhà nước không?
Trịnh Bá Phương: Chúng tôi thực hiện theo luật pháp nên chính quyền không dễ quy chụp cả nhóm chúng tôi là tổ chức. Tuy nhiên truyền thông nhà nước và đám gọi là ‘Dư luận viên’ vẫn thường quy chụp là nhóm chúng tôi bị các thế lực phản động xúi dục, kích động và chúng quy chụp cho tôi và mẹ tôi Cấn Thị Thêu là tham gia tổ chức phản động, hòng chia rẽ gây hoang mang trong nhóm. Trong khi các thành viên trong gia đình tôi đến thời điểm hiện tại không thuộc một tổ chức, hay đảng phái chính trị nào.
Chúng tôi tổ chức nhiều cuộc họp hàng tuần để bà con cảnh giác các âm mưu chia rẽ; từ đó, đã khiến nhà cầm quyền Hà Nội đi từ thất bại này đến thất bại khác. Nhóm chúng tôi bầu ra mẹ tôi là người đại diện soạn thảo đơn thư, tổng hợp ý kiến nhân dân. Tôi cùng 18 người nữa là đại diện cho nhóm, ngoài ra mỗi tổ dân phố có 1 tổ trưởng chịu trách nhiệm nắm bắt tình hình, nếu có an ninh xâm nhập, đánh phá, gây chia rẽ thì đến nay chúng tôi đã lật tẩy toàn bộ âm mưu của họ. Hiện chúng tôi đang là một khối đoàn kết, không một ai có thể đánh phá, triệt hạ tinh thần đấu tranh của chúng tôi.
Sông Côn khi cạn khi đầy,
khí thiêng đất nước nơi này vẫn thiêng!
Nguyệt Quỳnh: Thưa anh nhờ yếu tố nào hay sinh hoạt nào mà bà con sống chết với nhau như vậy?
Trịnh Bá Phương: Từ khi đấu tranh chúng tôi đã lên đình làng thắp hương, làm lễ ăn thề. “… Có phúc cùng hưởng có họa cùng chịu. Cùng bắt chặt tay nhau tranh đấu giữ lại tư liệu sản xuất. Nếu ai phản bội lại nhân dân sẽ phải chịu những thảm họa, dù có chết thì muôn đời con cháu không rửa được tội…” Lời thề được viết thành sớ. Photo mỗi người giữ một bản. Thực tế đã có vài cá nhân phản bội lại nhóm chúng tôi và đã gặp những bi kịch, người bị tai nạn, người bò húc tấn công dẫn đến bị liệt, người đang buôn bán bỗng dưng bị cấm khẩu…
Về sự chia sẻ đến từ cộng đồng, với sự ủng hộ trên 150 tấn gạo chúng tôi minh bạch sổ sách và phân phát đều cho bà con. Cá nhân tôi khi bố mẹ tôi trong tù mọi người đã chia sẻ cho gia đình tôi khoảng 15,000 Úc kim tương đương 300 triệu đồng, toàn bộ số tiền này tôi đã mua gạo phát cho bà con. Tuy nhiên vì việc này mà loa phường Dương Nội liên lục phát thanh là tôi phát gạo để lấy uy tín với bà con, để kích động bà con…
Chúng tôi cùng là nạn nhân nên đồng cảm yêu thương nhau như người một nhà. Chúng tôi nhận thức rõ chỉ có sự đoàn kết mới có thể đương đầu với tổ chức Mafia đội lốt chính quyền, chính quyền càng đàn áp, bắt giam chỉ càng khiến bộ mặt thối nát của họ phơi bày, bạo lực và nhà tù không thể dập tắt tinh thần đấu tranh của chúng tôi mà điều đó chỉ khiến chúng tôi thêm gắn kết.
Đối diện với trấn áp, bạo lực, tổn thất, …
bà con Dương Nội biết rõ mình không đơn độc.
Nguyệt Quỳnh: Khi bị trấn áp, cụ thể như nhiều người đại diện bị bắt giam, bà con đã làm gì để vượt qua lo sợ?
Trịnh Bá Phương: Việc bố mẹ tôi bị kết án 50 tháng tù, 5 người trong nhóm bị bắt và kết án 66 tháng tù tổng cộng nhóm chúng tôi bị kết án 116 tháng tù giam đã gây tổn thất khá nặng nề đối với chúng tôi. Tuy nhiên chúng tôi đã biến đau thương thành hành động, không chùn bước trước bạo quyền, chúng tôi đã tổ chức hàng trăm cuộc biểu tình nhằm lên án, tố cáo tội ác của nhà cầm quyền Hà Nội. Trong những lúc khó khăn ấy, chúng tôi không đơn độc, hàng nghìn người từ khắp nơi trên thế giới đã đồng hành cùng chúng tôi, chia sẻ tinh thần và cả vật chất. Hơn 150 tấn gạo đã chuyển về Dương Nội, có người lượm ve chai tích cóp lại để gửi những kg gạo về, chúng tôi coi đó là động lực tinh thần giúp chúng tôi vượt qua tháng ngày gian khó. Cơ quan ngoại giao các nước, tổ chức nhân quyền và các cơ quan báo chí quốc tế đã không ngừng nỗ lực giúp chúng tôi, điều đó khiến dân làng tôi vững tâm hơn.
Có thể nói nhà cầm quyền đã sử dụng trăm mưu ngàn kế với chúng tôi, từ sử dụng côn đồ đến nhà tôi đe doạ giết, cho đến sử dụng bạo lực và nhà tù, các thành viên gia đình tôi và dân làng nhiều lần bị đánh đập rất tàn bạo và khủng bố tinh thần. Cùng với đó là các cơ quan báo chí viết sai lệch vu cáo, quy chụp chúng tôi là bị kích động chống phá chính quyền. Nhưng thực tế, chính đảng cộng sản mới là kẻ kích động chúng tôi phải vùng lên đấu tranh chống áp bức, bóc lột.
Việc một vài cá nhân phản bội lại nhóm thì chúng tôi đã lật tẩy âm mưu và khai trừ khỏi nhóm.
Dân chủ để hạn chế mâu thuẫn,
chia sẻ khó khăn để ngăn ngừa rạn nứt.
Nguyệt Quỳnh: Thưa anh các đụng chạm trong nội bộ – nếu có thường là gì và những người trụ cột của Dương Nội đã làm gì để giải tỏa?
Trịnh Bá Phương: Nhóm chúng tôi có rất ít mâu thuẫn; nếu có, thường là nhỏ giữa các thành viên. Nếu có mâu thuẫn chúng tôi tổ chức họp dân và khuyên giải, góp ý.
Về phương pháp đấu tranh cũng như soạn thảo nội dung đơn thư khiếu nại chúng tôi đều biểu quyết lấy ý kiến của tập thể nên hầu như không có mẫu thuẫn trong lĩnh vực này.
Bất kỳ thành viên nào trong nhóm ốm đau hay nhà có việc nhóm chúng tôi đều đến chia sẻ với gia đình, ngoài ra chúng tôi thường xuyên tổ chức gặp gỡ chia sẻ nhằm thắt chặt tình đoàn kết từ đó ngăn ngừa những sự việc có thể gây rạn nứt tình cảm.
Chúng tôi luôn nhắc cho nhau về kẻ thù của chúng tôi là kẻ đã mang danh chính quyền đến đàn áp và cướp đất của chúng tôi chứ không phải là những thành viên trong nhóm. Tất cả các thành viên phải gạt đi hết những bất đồng, những mẫu thuẫn nhỏ nhặt mới có thể tạo được sức mạnh tập thể để đi đến thắng lợi cuối cùng.
Bà con Dương Nội luôn đồng hành với Tổ Quốc
Yêu thương, chung thủy, vững tin vào công lý.
Nguyệt Quỳnh: Anh còn điều gì khác muốn chia sẻ thêm?
Trịnh Bá Phương: Trong cuộc đấu tranh giữ đất, nhóm chúng tôi đã tham gia các phong trào khác như bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường, tham gia biểu tình đòi tự do cho các nhà yêu nước, tham gia các phiên toà xét xử người yêu nước bị nhà nước cộng sản bắt giam tuỳ tiện. Và hướng về biển đông, chống sự bành trướng của Bắc Kinh khi đã cướp Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam! Và mới đây là phản đối bè lũ bán nước đã đưa ra dự luật đặc khu và dự luật an ninh mạng.
Ngày 22-9-2016, khi bị bắt vào đồn CA Nghĩa Đô, mấy an ninh quận Hà Đông thuyết phục gia đình tôi làm đơn riêng để họ dễ giải quyết. Tôi từ chối, vì cuộc đấu tranh giữ đất của 356 hộ dân phường Dương Nội đã trải qua gần một thập kỷ (bắt đầu từ năm 2008). Trong quãng thời gian dài ấy, chúng tôi đã dựa vào nhau vượt qua những hình thức đàn áp đê hèn của cộng sản Hà Nội, bà con dân oan Dương Nội đã dành cho gia đình tôi những ân tình, và gia đình tôi sẽ không bao giờ phản bội lại bà con đi đêm với cộng sản để mưu lợi cho riêng mình.
Hình ảnh ngày 25-7-2015 bà con dân oan, bạn bè đón mẹ tôi kết thúc 15 tháng tù oan. Nhà tù đã từng không khuất phục được chúng tôi. Nay cộng sản Hà Nội lại tiếp tục dùng bản án 20 tháng tù với mẹ tôi để khủng bố gia đình tôi và bà con dân oan, nhưng chúng tôi không chùn bước, bởi chúng tôi tin rằng công lý sẽ được thực thi nếu kiên quyết đấu tranh.
Xin được gửi lời cảm ơn đến các tổ chức Nhân Quyền, các tổ chức xã hội dân sự, các cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ, Úc,… Và những cá nhân yêu công lý đã ủng hộ và giúp đỡ chúng tôi trên hành trình đòi Công Lý.
***
Câu chuyện của dân làng Dương Nội cho tôi liên tưởng đến hình ảnh những nông dân ở Yên Thế, Thái Nguyên vào thế kỷ thứ 19; đó là những con dân VN đã gìn giữ đất mẹ suốt hàng nghìn năm. Hiểu về họ, chúng ta chợt thấy yêu Dương Nội như yêu một trang sử vừa sống lại giữa đời này.
Nguyệt Quỳnh
Phụ Chú:
(1) Trang facebook “Chuyện của Thịnh”: https://hanoigrapevine.com/vi/2018/03/photo-series-we-are-still-here-duong-noi-village/
(2) Nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được quy định cụ thể tại Điều 5 và Điều 6 Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 .
Luật Tiếp công dân số 42/2013/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2013, quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; trong đó đối với trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (Điểm đ Khoản 2 Điều 7)