Thanh niên học sinh Mỹ tập sự làm công việc nhà nước – Trần Cương (Trung Quốc)

Share this post on:

03/6/2021

Tác giả: Trần Cương (Trung Quốc)

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Nguyễn Hải Hoành lược dịch bài gốc tiếng Hoa của Trần Cường, phóng viên thường trú tại Mỹ của báo Thanh niên Trung Quốc,

美国的青年组织如何培养青少年参政议政能力, 陈强 (2007-11-21).

Nước Mỹ có rất ít các tổ chức thanh niên mang tính chính trị, nhưng lại có vô số những đoàn thể thanh niên phục vụ xã hội mang tính tôn giáo. Ví dụ Hội Thanh niên Kitô giáo (Young Men’s Christian Association, YMCA) là một đoàn thể có ảnh hưởng lớn ở Mỹ.[1]

YMCA là một tổ chức thanh niên phi chính phủ, không kiếm lời, đề xướng tinh thần tình nguyện phục vụ xã hội, dùng tinh thần Kitô giáo thức tỉnh thanh niên. Năm 2007 tại hơn 40 bang trên đất Mỹ đã có nhóm Chính quyền thanh niên (Youth In Government, YIG) do Hội Thanh niên Kitô giáo YMCA tài trợ, giúp học sinh mô phỏng sự vận hành của bộ máy chính quyền, học tập cách hành xử quyền dân chủ, rèn luyện năng lực lãnh đạo, kích thích tinh thần trách nhiệm công dân của học sinh.

Chính quyền các bang và chính quyền liên bang Mỹ chia làm 3 nhánh là hành pháp, lập pháp và tư pháp (tam quyền phân lập). Chính quyền thanh niên cũng chia ra 3 bộ phận như vậy.

Một nữ sinh lớp 12 người Mỹ gốc Hoa tên là Từ Hạ Diệp (徐夏叶) từng “nhậm chức” trong Chính quyền thanh niên bang Missouri đã giới thiệu cho tôi biết về “Chính quyền” này.

Tất cả học sinh lớp 9-12 đều có thể báo tên tham gia hoạt động của Chính quyền thanh niên. Các học sinh cũng chia làm hai đảng –– đảng Liên hợp Nhân dân và Tân đảng –- tương tự như đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Trước tiên các học sinh tiến hành tranh cử ứng viên “Thống đốc bang” và “Nghị sĩ” trong nội bộ đảng mình –– cũng tổ chức ê-kíp tranh cử, soạn cương lĩnh chính trị, tiến hành tranh luận tranh cử, bỏ phiếu. Ai thắng cử sẽ đại diện đảng mình tham gia tranh cử với đảng đối lập chức “Thống đốc bang” và chức “Nghị sĩ”.

Từ Hạ Diệp là người của Đảng Liên hợp Nhân dân, đảng này có 360 đảng viên. Hồi học lớp 10, Từ Hạ Diệp tham gia tranh cử chức “Chủ tịch đảng”; trong cuộc tranh cử này đã xuất hiện 7 ứng cử viên tài năng. Tôi hỏi Diệp đâu là bí quyết thành công của cô. Diệp nói: “Trước đấy tôi đã thay mặt trường tôi tham dự 70 cuộc thi tranh luận giữa các trường thuộc bang này, qua đó quen biết nhiều người, lại thêm tôi có chút tài ăn nói nên dễ thuyết phục người nghe.”

Vì sao một cô gái người Mỹ gốc Hoa hiền lành ít lời như Từ Hạ Diệp lại quan tâm tới những cuộc khẩu chiến ? –– tôi hiếu kỳ hỏi tiếp. Cô trả lời: “Tôi vốn có nguyện vọng trở thành luật sư mà, cho nên tranh cãi là một dịp rèn luyện rất bổ ích cho tôi.”

Nhiệm kỳ “Chủ tịch đảng” là một năm. “Bọn chúng tôi học ở các trường khác nhau, bình thường ít gặp mặt, chủ yếu liên lạc với nhau qua mạng Internet” –– Diệp giới thiệu. Chủ tịch có nhiệm vụ thu xếp kế hoạch công tác của đảng và tổ chức quyên tiền cho đảng. “Trừ học sinh nhà nghèo ra, các thành viên đều phải đóng góp, chủ yếu bằng tiền làm thêm ngoài giờ học.”

Năm thứ hai Từ Hạ Diệp lại tranh cử chức Chủ tịch đảng, nhưng lần này không thành công. May sao một nam học sinh da đen trong đảng Liên hợp Nhân dân trúng cử chức “Thống đốc bang” và giành được quyền tổ chức “Nội các”, do đó Diệp được bổ nhiệm làm “Cố vấn pháp lý”. Trong “Nội các chính quyền bang” còn có các “quan chức” phụ trách những ngành như giáo dục, tài nguyên, nông nghiệp, tư pháp… Tôi hỏi, có phải toàn bộ thành viên “Nội các” đều là người trong đảng mình hay không; cô trả lời: Chúng tôi dành 3 thành viên cho đảng đối lập, “Như thế khi quyết định các vấn đề sẽ có dịp nghe những tiếng nói khác.”

“Thượng viện” có 30 “nghị sĩ”, “Hạ viện” có 400 “nghị sĩ”; “Chủ tịch nghị viện”  đều do các “nghị sĩ” bầu ra. “Chánh Tòa tối cao” thì do thầy giáo hướng dẫn chỉ định, kết quả con trai thầy đó tự nhiên trở thành Chánh Tòa. Từ Hạ Diệp cho rằng quy chế như vậy là không hợp lý. Cô đã dự thảo một dự luật đề xuất “Chánh Tòa tối cao phải do Thống đốc bang và Chánh Luật sư cùng nhau quyết định.”

Sau khi Chính quyền thanh niên đã thành lập, Hội Thanh niên Kitô giáo YMCA sẽ mời các lãnh tụ học sinh và đương kim Chủ tịch Nghị viện bang (thực sự) dự một bữa ăn trưa và chụp ảnh kỷ niệm, nhằm để các học sinh có dịp thuyết phục giới quan chức chính quyền bang góp tiền cho YMCA.

Vào tháng Ba hàng năm, 40 học sinh ưu tú sẽ có dịp đến các cơ quan liên quan trong chính quyền bang để thực tập một ngày. “Tôi rất quan tâm vấn đề năng lượng, vì thế tôi chọn nơi thực tập là Bộ Tài nguyên của bang” –– Từ Hạ Diệp nói. “Các cán bộ chuyên ngành trong Bộ ấy hướng dẫn tôi thực hiện nhiệm vụ thực tập, viết luận án, sau đó tôi gửi luận án đi dự thi; nếu đạt yêu cầu thì sẽ còn được tặng học bổng nữa kia.”

Trong mỗi kỳ nghỉ hè hàng năm Hội Thanh niên Kitô giáo  YMCA còn tổ chức Hội thảo thanh niên toàn quốc về công việc nhà nước (The YMCA Youth Conference on National Affairs), các thành viên của Chính quyền thanh niên các bang chỉ cần nộp một bản kiến nghị về các vấn đề trong nước hoặc quốc tế là được quyền tham dự. Hội thảo thanh niên về công việc nhà nước lần thứ 40 được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Blue Ridge của YMCA ở Black Mountain, bang North Carolina từ ngày 1 đến ngày 5 tháng 7/2007.

Cùng với 634 học sinh trung học khác, Từ Hạ Diệp đã tới dự cuộc Hội thảo toàn quốc này; cô đem theo bản kiến nghị về vấn đề “Sử dụng các dạng năng lượng mới” viết trên cơ sở điều tra nghiên cứu khi thực tập tại chính quyền bang.

Hội thảo chia làm nhiều diễn đàn thảo luận các vấn đề giáo dục, giao thông, dân nhập cư, quan hệ quốc tế, an ninh quốc gia, quản lý súng, chống khủng bố, vấn đề Trung Đông, an toàn thực phẩm… Người dự lên diễn đàn phát biểu, trả lời chất vấn của cử tọa rồi hai bên ủng hộ và phản đối tranh luận với nhau, sau đó diễn giả trình bày ý kiến của mình, cuối cùng bỏ phiếu đánh giá diễn giả, ai đạt phiếu cao được dự tiếp vòng sau cho tới khi chọn ra diễn giả giỏi nhất.

Tôi đọc lại các tài liệu hội thảo do Từ Hạ Diệp mang về thấy có hơn 600 đề án của các đại biểu, đề cập những vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực, rất đa dạng –– ví dụ có học sinh chủ trương chia Iraq làm 3 quốc gia; có người yêu cầu Mỹ ngừng ủng hộ Israel; người đề nghị tăng ưu đãi cho quân nhân phục viên, người thì kiến nghị giảm tuổi cấm rượu từ 21 xuống 18; có người kiến nghị bỏ án tử hình, kiến nghị hạn chế mức tiền của quỹ tranh cử Tổng thống…

Hiện thực dân chủ sờ sờ trước mắt nói trên rõ ràng có ảnh hưởng sâu xa đối với sự trưởng thành của thanh niên, thậm chí của đất nước Mỹ.

Cựu Tổng thống Bill Clinton kể lại, cuộc đời chính trị của ông chính là đã bắt đầu từ việc mô phỏng bầu cử. Năm 1963, Clinton 16 tuổi được nhà trường cử đi tham dự trại hè do bang Arkansas tổ chức. Trại hè có tiến hành một cuộc mô phỏng tranh cử “Tổng thống”; cậu học sinh Clinton đề xuất cương lĩnh tranh cử lấy nội dung trọng điểm là sáng tạo một nền văn hóa Mỹ kiểu mới bắt đầu từ việc nâng cao phẩm chất dân chúng, đề xuất sử dụng khoa học kỹ thuật hiện đại ra sức phát triển nền kinh tế quốc tế hiện đại, bảo đảm mãi mãi giữ được vai trò chiến lược siêu cường của Mỹ. Bài diễn thuyết tranh cử của cậu học sinh Clinton được các bạn đánh giá cao và cậu đã trúng cử “Tổng thống”.

Tiếp đó Clinton dẫn đầu đoàn các lãnh tụ học sinh đến thủ đô Washington tham quan và được Tổng thống Kennedy tiếp tại Nhà Trắng. Tổng thống nói với cậu học sinh Clinton: “Tôi đã đọc bài diễn thuyết tranh cử của em đăng trên báo. Rất độc đáo.” Clinton khiêm tốn nói: “Em chưa nghiên cứu sâu về văn hóa và xã hội Mỹ cho nên có một số chỗ có thể chưa hợp lý.” Tổng thống Kennedy cười: “Dám nêu lên những vấn đề ấy là đáng được biểu dương rồi. Các em là niềm hy vọng của tương lai nước Mỹ, ngày mai tươi đẹp của thế giới thuộc về các em.”

————-

[1] YMCA là một tổ chức thanh niên Kitô giáo toàn thế giới, do doanh nhân-nhà từ thiện Sir George Williams sáng lập năm 1844 tại London. YMCA thế giới hiện có mặt ở 122 quốc gia, trụ sở đặt ở Geneva. Tổng số hội viên 919.671 người. Hoạt động của YMCA nhằm cải thiện đời sống tinh thần và văn hoá của thanh niên thế giới. Một thủ lĩnh YMCA là John Raleigh Mott (1865-1955) từng được trao giải Nobel Hòa bình 1946 (chung với Emily Greene Balch). Chủ tịch YMCA hiện là Patricia Pelton, Tổng Thư lý là Carlos Sanvee. YMCA Mỹ (“The Y”) có 9 nghìn nhân viên, 600 nghìn tình nguyện viên, làm việc với 21 triệu người, thu nhập 6 tỷ USD/năm. Hoạt động Chính quyền Thanh niên YIG khởi sự từ năm 1936 tại New York. YMCA có trang mạng tại địa chỉ http://www.mfldymca.org/about_us/history_national.php.

Thanh niên học sinh Mỹ tập sự làm công việc nhà nước