Tin tức thế giới ngày Thứ ba 22 tháng 6 năm 2021 – Võ Thái hà tóm lược

Share this post on:

Covid-19: Mỹ công bố chi tiết kế hoạch cấp vac-xin cho châu Á, châu Mỹ Latinh

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jen Psaki họp báo tại Washington, Hoa Kỳ, ngày 21/06/2021. REUTERS – SARAH SILBIGER

Ngày 21/06/2021, Tòa Bạch Ốc công bố danh sách các nước và vùng lãnh thổ, chủ yếu là châu Á và châu Mỹ Latinh sẽ được nhận vac-xin ngừa Covid-19. Đây là đợt cung cấp thứ hai trong khuôn khổ lô hàng 80 triệu liều mà tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết chia sẻ với thế giới từ đây đến cuối tháng 6/2021.  

Theo trang mạng Kyodo News, phát ngôn viên Nhà Trắng, Jen Psaki trong buổi họp báo nêu rõ, đợt cung cấp lần này liên quan đến số 55 triệu liều vac-xin còn lại. Khoảng 41 triệu liều sẽ được chia sẻ cho thế giới thông qua chương trình COVAX của Liên Hiệp Quốc.

Cụ thể, 14 triệu liều được dành cho Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê, 16 triệu liều cho châu Á bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Đài Loan, và 10 triệu còn lại là cho châu Phi.

Nhà Trắng nêu rõ, 14 triệu liều vac-xin sẽ được trao thẳng cho các nước châu Á, châu Phi và nhiều nơi khác, kể cả cho dải Gaza, khu vực người Palestine gần đây phải hứng chịu những trận oanh kích dữ dội từ Israel.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo, bà Jen Psaki cũng nêu lên những khó khăn trong việc cung cấp vac-xin, đặc biệt là khâu hậu cần như kim tiêm, bông tẩm cồn và nhiều vật tư cần thiết khác cũng như là các phương tiện bảo quản vac-xin để bảo đảm nhiệt độ thích hợp.

Kyodo News nhắc, Ấn Độ và Đài Loan, hai khu vực đang phải đối mặt với tình trạng bùng nổ ca nhiễm mới, đã nằm trong số những điểm được cấp vac-xin trong đợt thứ nhất, khoảng 25 triệu liều. 

Ngoài việc chia sẻ nguồn cung vac-xin, tổng thống Mỹ Joe Biden trước khi đến dự thượng đỉnh G7 tại Anh Quốc còn thông báo Washington sẽ mua thêm 500 triệu liều vac-xin Pfizer và trao tặng cho 92 quốc gia có thu nhập thấp, dưới mức trung bình và là thành viên của Liên Hiệp Châu Phi.

The White House

FACT SHEET: Biden-Harris Administration Unveils Strategy for Global Vaccine Sharing, Announcing Allocation Plan for the First 25 Million Doses to be Shared Globally

https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2021/06/03/fact-sheet-biden-harris-administration-unveils-strategy-for-global-vaccine-sharing-announcing-allocation-plan-for-the-first-25-million-doses-to-be-shared-globally/?fbclid=IwAR15iirCIRWTss8EsgWvWcMTtZOdRP_TyIjH5lQkIHipZ9el7Jd9K7Srmkg

Cuba nói vaccine Abdala ‘hiệu quả 92,28% trước mọi biến thể Covid’

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Người cao tuổi tại Havana chờ tiêm vaccine Abdala hôm 12/5/2021

Cuba hôm 21/6 tuyên bố vaccine Abdala tiêm ba liều của nước này đã được chứng minh đạt hiệu quả 92,28% trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cùng, và chống được tất cả các loại biến thể virus corona đang lây lan tại nước này.

Truyền hình nhà nước Cuba gọi đây là một “tin khoa học, nhân văn vĩ đại”, đến vào lúc “tình trạng bị bao vây đã khiến chúng ta bị những tổn thất nặng nề”.

Tuyên bố được đưa ra chỉ vài ngày sau khi chính phủ nói một loại vaccine tự phát triển khác của Cuba là Soberana 2 chứng tỏ đạt hiệu quả 62% khi mới chỉ tiêm hai trong số ba mũi cần thiết.

Vaccine Abdala do Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học phát triển, còn Soberana 2 do hãng Finlay thuộc tổng công ty sinh phẩm quốc doanh BioCubaFarma sản xuất.

Chụp lại video,

Cuba ‘phát triển thành công vaccine Covid-19 đạt hiệu quả cao’?

Sử dụng vaccine tự phát triển

Cả hai loại vaccine này được trông đợi sẽ sớm được giới chức địa phương cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Cuba, quốc gia chuyên xuất khẩu vaccine từ hàng thập niên qua, hiện đang có năm ứng viên vaccine phòng chống Covid-19.

Hòn đảo lớn nhất vùng Caribbe đang đối diện với đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất kể từ đầu đại dịch tới nay, khi mà ngày càng có nhiều các biến thể virus corona, khiến con số lây nhiễm hàng ngày liên tiếp đạt các mức kỷ lục mới.

Quốc gia Cộng sản đã chọn không nhập khẩu vaccine nước ngoài mà dựa vào sản phẩm trong nước.

Một số chuyên gia nói đây là một lựa chọn rủi ro, nhưng có vẻ như phương án này nay đã đem lại kết quả.

Một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Argentina, Jamaica, Mexico, Việt Nam và Venezuela đã tỏ ý muốn mua vaccine từ Cuba, hãng tin Reuters tường thuật.

Giới chức Cuba đã bắt đầu theo dõi thử nghiệm tiêm chủng diện rộng như một phần trong “các nghiên cứu về biện pháp can thiệp” mà họ hy vọng là sẽ giúp làm chậm mức độ lây lan của virus.

Hiện đã có khoảng một triệu trong tổng số 11,2 triệu dân Cuba được tiêm vaccine đầy đủ, tính đến nay.

Các ca lây nhiễm hàng ngày hiện giảm một nửa tại thủ đô Havana kể từ khi chiến dịch chủng ngừa được bắt đầu hồi một tháng trước, theo các số liệu chính thức.

Tính đến nay, Cuba ghi nhận có tổng số 169.365 ca nhiễm Covid-19, với 1.170 trường hợp tử vong.

AP: Em gái lãnh tụ Triều Tiên chế nhạo quan chức Hoa Kỳ, bác bỏ cơ hội đàm phán

AP

Bà Kim Yo Jong.

Người em gái đầy quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hôm 22/6 bác bỏ triển vọng sớm nối lại giải pháp ngoại giao với Hoa Kỳ, nói rằng kỳ vọng của Hoa Kỳ về các cuộc đàm phán sẽ “khiến họ rơi vào một nỗi thất vọng lớn hơn”.

Tuyên bố thẳng thừng của bà Kim Yo Jong cho thấy rằng sự bế tắc ngoại giao về chương trình hạt nhân của Triều Tiên nhiều khả năng sẽ tiếp diễn, trừ khi Triều Tiên đối mặt thêm với các khó khăn kinh tế vì đại dịch và cần sự hỗ trợ khẩn cấp từ bên ngoài, một số chuyên gia nhận định.

Hy vọng về việc tái khởi động các cuộc đàm phán hạt nhân lóe lên tuần trước sau khi ông Kim Jong Un nói rằng Triều Tiên phải sẵn sàng cho cả đối thoại và đối đầu, mà nhất là đối đầu. Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nói rằng bình luận của ông Kim là một “tín hiệu thú vị”.

Bà Kim Yo Jong hôm 22/6 đã chế nhạo phản ứng của ông Sullivan, theo AP.

“Có vẻ như Hoa Kỳ diễn giải tình hình theo cách để tự an ủi bản thân”, hãng tin nhà nước CNA của Triều Tiên dẫn lời bà nói. “Sự kỳ vọng mà họ nuôi dưỡng sai cách sẽ khiến họ rơi vào một nỗi thất vọng lớn hơn”.

Hôm 21/6, trong chuyến thăm Seoul, ông Sung Kim, đặc phái viên hàng đầu của Hoa Kỳ về các vấn đề Triều Tiên, nói rằng Washington sẵn sàng gặp Triều Tiên “mọi lúc, mọi nơi mà không có điều kiện tiên quyết”. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng chính quyền Biden sẽ tiếp tục gây sức ép với Triều Tiên bằng các lệnh trừng phạt vì tham vọng hạt nhân và tên lửa của nước này.

Ngay trước khi tuyên bố của bà Kim Yo Jong được đăng tải hôm 22/6, ông Sung Kim đã gặp Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young và nói rằng Washington và Seoul vẫn cam kết tìm kiếm giải pháp ngoại giao nhằm phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.

Ông Lee cho biết ông hy vọng Triều Tiên sẽ quay trở lại bàn đàm phán vào một ngày sớm nhất và coi tình hình hiện tại là “một cơ hội rất tốt” để nối lại các cuộc đàm phán.

Xung đột nổ ra khắp Myanmar, sắp thành nội chiến

Hôm 18 tháng 6 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Myanmar. Song trong bối cảnh xung đột nhấn chìm đất nước, nghị quyết này sẽ không thể tạo ra nhiều khác biệt.

Nhằm dập tắt phản kháng đối với đảo chính, quân đội đã bắt giữ hơn 6.000 người Miến và giết chết hơn 850 người (chính phủ quân sự phủ nhận các con số này). Dù ban đầu chỉ ôn hòa, nhưng người biểu tình đang nắm lấy vũ khí. Ở thành phố, các chiến dịch ngầm đang ám sát bất kỳ ai có liên hệ với chính phủ quân sự. Còn ở nông thôn, các lực lượng dân quân mới thành lập cũng tấn công các đơn vị quân đội.

Ngoài ra, Myanmar còn chịu các vụ nổi loạn sắc tộc bấy lâu nay. Kể từ cuộc đảo chính, một số nhóm dân quân dân tộc thiểu số đã tấn công quân đội, khiến cho lực lượng này phải dàn trải quá mức. Dù vậy chính quyền quân sự còn lâu mới bị đánh bại. Kể cả khi các lực lượng đối địch đoàn kết lại – một khả năng xa vời – quân đội cũng hoàn toàn áp đảo về súng đạn và nhân lực.

Tây Ban Nha ân xá cho các chính trị gia ly khai của Catalonia

Nội các cánh tả của Pedro Sánchez hôm nay sẽ phê chuẩn việc ân xá cho 9 chính trị gia ly khai Catalonia, những người đang thụ án vì tổ chức trưng cầu dân ý bất hợp pháp và sau đó đơn phương tuyên bố độc lập vào năm 2017. Ông Sánchez nói các lệnh ân xá sẽ khôi phục sự hòa thuận ở Catalonia, một khu vực 7,5 triệu dân. Nhiều người Tây Ban Nha lo ngại ông đang gây nguy hiểm cho nhà nước pháp quyền. Song nhiều người Catalonia, bao gồm giới doanh nhân, ủng hộ lệnh ân xá.

Hiện những người đang điều hành chính quyền vùng Catalonia, tức phe ly khai, nói ông Sánchez vẫn chưa làm đủ. Họ muốn có ân xá toàn bộ, kể cả đối với Carles Puigdemont, một cựu thống đốc Catalonia đang bỏ trốn. Họ cũng yêu cầu được tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về “quyền tự quyết” cho khu vực, điều bị hiến pháp cấm. Dù vậy, các cuộc thăm dò vẫn cho thấy một thế đa số phản đối độc lập mỏng manh. Trong tình hình đó, chính phủ kỳ vọng các lệnh ân xá sẽ giảm bớt chia rẽ nội bộ gay gắt của Catalonia và cho phép tiến hành các cuộc đàm phán về các vấn đề thực tế liên quan đến địa vị của vùng này tại Tây Ban Nha.

Ngân hàng Islandsbanki của Iceland chào bán cổ phiếu

Gần mười ba năm sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hạ gục các ngân hàng Iceland, hôm nay ngân hàng lớn thứ hai Islandsbanki sẽ lên sàn giao dịch chứng khoán của quốc gia này. Suốt những năm 2000, đảo quốc đã cố gắng quảng bá hình ảnh một thiên đường ngân hàng nước ngoài, từ đó tích tụ hàng đống nợ xấu và cuối cùng đổ vỡ trong cuộc khủng hoảng. Tại thời điểm tháng 10 năm 2008, cả ba ngân hàng lớn nhất Iceland đều sụp đổ, khiến đất nước phải nhận hàng tỷ đô la tiền cứu trợ từ IMF.

Chính phủ đã giải cứu một phần ngân hàng Glitnir trước đây, và cơ cấu lại thành Islandsbanki. Kể từ đó Islandsbanki đã xây dựng một ngân hàng ổn định hơn, phục vụ chủ yếu cho 370.000 cư dân trong nước hơn là khách nước ngoài như giai đoạn trước 2008. Mặc dù các hoạt động của nó ít hào nhoáng hơn — hoặc cũng có thể chính vì vậy — nhưng các nhà đầu tư vẫn quan tâm. 35% cổ phần mà chính phủ đang rao bán sẽ giúp huy động được 457 triệu đô la, trở thành đợt chào bán cổ phần công khai lớn nhất từ trước đến nay của Iceland.

Vivendi sắp thống nhất kế hoạch tách Universal

Hôm nay các cổ đông sẽ quyết định về kế hoạch của Vivendi nhằm tách mảng doanh thu lớn nhất, Universal Music Group. Tập đoàn của Pháp đề xuất rao bán hãng thu âm lớn nhất thế giới, nhằm trao 60% cổ phần cho các cổ đông của Vivendi. Một số nhà đầu tư cho rằng thỏa thuận này sẽ dẫn đến một hóa đơn thuế rất lớn. Nhưng Vincent Bolloré, người kiểm soát Vivendi, có lẽ đã có đủ phiếu để khiến họ yên lặng.

Gần đây ngành công nghiệp thu âm đã cải thiện đáng kể. Sau khi xuống đáy vào năm 2014, doanh thu toàn cầu đã tăng trở lại 54%. Streaming khiến các danh mục cũ trở nên có giá, vì các bài hát yêu thích cũ tiếp tục hái ra tiền mỗi khi được chơi (thay vì chỉ khi được mua). Tuy nhiên tăng trưởng đang đi ngang ở các nước giàu. Các loại hình dịch vụ âm thanh mới, như podcast và sách nói, đang giành giật thời lượng nghe với âm nhạc. Trong khi đó dù chỉ chiếm thị phần nhỏ, nhưng các bài hát do các tác giả tự sản xuất không có sự trợ giúp của các hãng như Universal đang ngày càng tăng. Triển vọng xem ra không quá sáng sủa.

Tách rời kinh tế Mỹ-Trung giúp giải quyết khủng hoảng biên giới Hoa Kỳ như thế nào?

Chuyên gia về Trung Quốc, ông Gordon Chang phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) năm 2018 tại National Harbor, Maryland, Hoa Kỳ (ảnh: Gage Skidmore / Wikimedia Commons).

Tháng Năm vừa qua, Lực lượng Tuần tra Biên giới đã bắt giữ 180.000 người nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ, đây là con số cao nhất về số lượng người di cư lậu bị bắt giữ trong 21 năm qua.  

Ông Chương Gia Đôn (Gordon Chang) là tác giả của cuốn “Trung Quốc sắp sụp đổ”. Gần đây, ông đã viết một bài bình luận trên tờ The Hill và gợi ý rằng có một cách để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng biên giới, đồng thời ổn định tình hình ở Trung Mỹ đó chính là tách rời kinh tế Mỹ – Trung. 

Ông Chương cho rằng, nguyên nhân chính của việc các quốc gia thuộc Tam giác phía Bắc của Trung Mỹ (gồm Guatemala, Honduras và El Salvador) chịu khủng hoảng kinh tế là một số lượng lớn công việc sản xuất tại khu vực này đã chuyển dịch sang Trung Quốc. Bởi vậy, nếu thị trường Hoa Kỳ ưu đãi hơn với các nhà sản xuất ở các nước tam giác phương Bắc thì sẽ giúp bảo đảm sự thịnh vượng lâu dài của khu vực này, đồng thời cũng làm ổn định biên giới phía Nam cho người dân Hoa Kỳ. 

Khoảng 40% người nhập cư bất hợp pháp vượt biên vào Hoa Kỳ là đến từ các nước tam giác phương Bắc. Chính quyền Biden đã cung cấp khoản viện trợ bổ sung 310 triệu đô-la Mỹ cho Guatemala vào tháng Tư. Trong tuần này, Phó tổng thống Kamala Harris đã hứa cung cấp 500.000 liều vắc-xin COVID-19 cho Guatemala. 

Dựa trên thông tin của chính phủ, ông Chương cho rằng các dự án viện trợ của Hoa Kỳ này rất khó theo dõi. Đồng thời khoản tiền viện trợ có thể rơi vào túi của “giới tinh hoa” địa phương. 

Ông tin rằng giải pháp lâu dài hơn là cho phép các nhà sản xuất đặt nhà máy lâu dài ở khu vực tam giác phía bắc. Ông nói “Nếu Mỹ tập trung [mua bán] hàng hóa được sản xuất ở ba quốc gia vùng tam giác phía bắc thì lợi ích sẽ chuyển về khu vực này. Các nhà sản xuất theo đuổi chi phí thấp sẽ chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang khu vực đó, đặc biệt nếu ‘chiến tranh thương mại’ 3 năm qua giữa Mỹ-Trung tiếp tục, tình hình Tam giác phía Bắc sẽ còn được cải thiện hơn nữa.”

Việc chuyển các công ty từ Mỹ sang các nước gần hơn đã xảy ra, tuy nhiên tốc độ chậm hơn so với hy vọng. Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, các nhà sản xuất Mỹ Latinh có thể thay thế 80 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc mỗi năm. Tuy nhiên, nhiều nước trong khu vực đang bỏ lỡ cơ hội này. 

Mặt khác, mua sản phẩm từ các nhà máy ở Trung Mỹ cũng sẽ cải thiện an ninh cho chuỗi cung ứng của Mỹ. Ông Chương tuyên bố rằng ĐCSTQ liên tục đe dọa sử dụng vị trí của Bắc Kinh trong chuỗi cung ứng [toàn cầu] để đạt được các mục tiêu địa chính trị. Ví dụ, trong những ngày đầu của đại dịch Covid-19, Bắc Kinh đã đe dọa ném Hoa Kỳ vào “biển vi rút” bằng cách cắt nguồn cung cấp thiết bị bảo vệ [y tế] cá nhân.

Cựu quan chức thương mại Tòa Bạch Ốc của Tổng thống Trump, Peter Navarro, nói rằng ĐCSTQ “thực sự” đã quốc hữu hóa một nhà máy của công ty 3M sản xuất khẩu trang N95.  

Ông Chương viết, ĐCSTQ luôn nhấn mạnh việc không thể “chia rẽ” Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nếu ngành sản xuất ở Tam giác phương Bắc phát triển mạnh mẽ, việc “tách rời” sẽ trở thành điều tất yếu, đặc biệt khi các công ty tìm cách đặt nhà máy gần hơn với người tiêu dùng Mỹ.

Ông cho rằng nhập khẩu hàng hóa từ Trung Mỹ còn có một lợi thế khác. Tổng thống Biden rất coi trọng vấn đề giảm thiểu biến đổi khí hậu. Sản xuất ở các nước Tam giác phía Bắc chắc chắn sẽ làm giảm lượng khí thải carbon từ giao thông vận tải biển. Các tàu container đi trên biển Thái Bình Dương là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất. Người ta nói rằng lượng khí thải carbon của 15 tàu container lớn nhất vượt quá tổng lượng khí thải carbon của tất cả các xe ô tô trên thế giới.

Thịnh vượng thường đi kèm với thương mại, vì vậy tại sao người Mỹ phải giúp đỡ ĐCSTQ thù địch thông qua việc mua sắm hàng ngày trong khi họ có thể giúp ổn định điều kiện kinh tế và xã hội của các nước Tam giác phương Bắc.

Kết thúc bài luận của mình, ông Chương mượn lời của Alan Tonelson, một chuyên gia thương mại tại Washington, DC: “Nếu chúng ta muốn ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp, thì chúng ta phải nhìn nhận thương mại toàn cầu một cách chiến lược.”

Tách rời kinh tế Mỹ-Trung giúp giải quyết khủng hoảng biên giới Hoa Kỳ như thế nào?

https://vietluan.com.au/49257/tach-roi-kinh-te-my-trung-giup-giai-quyet-khung-hoang-bien-gioi-hoa-ky-nhu-the-nao/embed#?secret=BqvOARQBX5

Nhà máy hạt nhân duy nhất của Iran đóng cửa khẩn cấp

AP

Nhà máy hạt nhân Bushehr của Iran.

Nhà máy hạt nhân duy nhất của Iran đóng cửa khẩn cấp tạm thời nhưng không được giải thích, truyền hình nhà nước loan tin.

Một giới chức thuộc công ty điện quốc doanh Tavanir, Gholamali Rakhshanimehr, nói trong một chương trình truyền hình ngày 20/6 là nhà máy Bushehr bắt đầu đóng cửa ngày 19/6 và sẽ kéo dài “trong ba hay bốn ngày.” Không nêu chi tiết, ông nói thêm kết quả có thể là do mất điện.

Đây là lần đầu tiên Iran loan báo đóng cửa khẩn cấp nhà máy tại thành phố cảng Bushehr. Nhà máy này hoạt động vào năm 2011 với sự giúp đỡ của Nga. Iran được yêu cầu gởi các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng trở về Nga như là một biện pháp không phổ biến hạt nhân.

Tin này được đưa ra giữa lúc các nhà ngoại giao nói những tiến bộ hơn nữa đã đạt được tại các cuộc thảo luận ngày 20/6 giữa Iran và các cường quốc toàn cầu nhằm phục hồi thỏa thuận cột mốc 2015 để kìm chế việc phát triển hạt nhân của Iran mà chính quyền ông Trump đã rút khỏi.

Các nhà ngoại giao nói hiện tùy thuộc vào các chính phủ liên hệ đến những cuộc thương thuyết để có các quyết định chính trị.

Trước đây trong ngày, ông Tavanir đưa ra một tuyên bố nói rằng nhà máy hạt nhân Bushehr đã được sửa chữa, nhưng không cho biết thêm chi tiết. Tuyên bố nói việc sửa chữa sẽ kéo dài cho đến ngày 25/6.

Vào tháng Ba, viên chức hạt nhân Mahmoud Jafari nói nhà máy có thể ngưng hoạt động vì Iran không thể mua phụ tùng và trang bị từ Nga vì những chế tài ngân hàng Mỹ áp đặt vào năm 2018.

Bushehr được vận hành bằng uranium sản xuất tại Nga chớ không phải Iran, và được Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế của Liên hiệp quốc theo dõi. IAEA công nhận biết được phúc trình về nhà máy, nhưng từ chối bình luận. Việc xây dựng nhà máy, trên bờ biển phía bắc giáp Vịnh Ba Tư, bắt đầu dưới thời Shah Mohammad Reza Pahlavi của Iran vào giữa những năm 1970. Sau cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979, nhà máy bị liên tục tấn công trong cuộc chiến Iran-Iraq. Nga sau đó hoàn tất việc xây dựng nhà máy.

Nhà máy tọa lạc gần đường phay hoạt động và được xây để chịu được những trận động đất mạnh, thỉnh hoảng bị lay chuyển vì các rung động nhỏ. Trong những ngày gần đây, không có động đất đáng kể được báo cáo tại khu vực này.

Trong khi đó Liên hiệp châu Âu ngày 20/6 chủ tọa phiên họp cuối cùng tại Vienna của vòng đàm phán thứ sáu giữa Nga, Trung Quốc, Đức, Pháp, Anh và Iran.

Các nước liên hệ đến thương thuyết đã nỗ lực giải quyết những vấn đề quan trọng chính là làm thế nào đưa Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân cột mốc mà cựu Tổng thống Donald Trump đã đơn phương rút khỏi vào năm 2018. Ông Trump cũng khôi phục và tăng cường các chế tài để cố buộc Iran tái thương thuyết thỏa thuận với nhiều nhượng bộ.

Cuộc họp là lần đầu tiên kể từ khi chánh án tối cao, nay là tổng thống tân cử, có đường lối cứng rắn, thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 18/6. Một số nhà ngoại giao bày tỏ quan ngại là việc đắc cử của ông Ebrahim Raisi có thể làm phức tạp thêm khả năng trở lại thỏa thuận hạt nhân.

Campuchia buộc tội các nhà hoạt động môi trường xúc phạm vua

Nguồn hình ảnh, twitter.com/usambcambodia

Chụp lại hình ảnh,

Ba nhà hoạt động Campuchia bị buộc tội xúc phạm nhà vua

Một tòa án Campuchia cáo buộc ba nhà hoạt động môi trường tôi âm mưu lật đổ chính phủ và xúc phạm nhà vua.

Thành viên của nhóm Mẹ Thiên nhiên (Mother Nature) bị bắt giữ sau khi ghi lại việc chất thải đổ xuống con sông Tonle Sap của Phnom Penh.

Luật chống xúc phạm nhà vua của Campuchia tương đối mới mẻ và không rõ các nhà hoạt động đã phạm phải như thế nào.

Cả ba đối mặt với mức án từ 5 đến 10 năm tù.

Bên công tố nói với hãng tin Reuters rằng “bằng chứng mà cảnh sát thu thập được cho thấy sự xúc phạm nhà vua” dù họ không nói rõ chính xác luật đã bị vi phạm như thế nào.

Giới phê bình từng cảnh báo rằng luật – được ban hành năm 2018 – đang được dùng như một công cụ để dẹp im tiếng nói của những người bất đồng chính kiến.

Các nhà hoạt động Sun Ratha (26 tuổi), Ly Chandaravuth (22 tuổi) và Yim Leanghy (32 tuổi), tất cả đều là thành viên của nhóm hoạt động Mẹ Thiên nhiên.

Họ bị bắt vào ngày 16/6 khi đang ghi nhận việc xả thải ra sông Tonle Sap gần cung điện hoàng gia, htheo Trung tâm Nhân quyền Campuchia.

“Chính phủ Campuchia đã không ngừng nhắm vào nhóm Mẹ Thiên nhiên Campuchia”, giám đốc nhóm nhân quyền Licadho Naly Pilorge nói với Reuters.

“Điều này đánh dấu sự leo thang những cáo buộc thái quá về tội ‘âm mưu’”.

Sáng lập viên nhóm Mẹ Thien nhiên Mother Nature, Alejandro Gonzalez-Davidson, người bị trục xuất năm 2015 sau khi ông chỉ trích kế hoạch xây dựng một con đập gây tranh cãi, đã bị buộc tội vắng mặt.

Tháng trước, ba nhà vận động khác có mối liên hệ với nhóm này đã bị kết án từ 18 đến 20 tháng tù vì tổ chức tuần hành phản đối một hồ nước ngập đầy cát ở thủ đô.

Đại sứ Hoa Kỳ Patrick Murpy nói: “Rất quan ngại khi nghe tin về việc các nhà hoạt động môi trường trẻ bị bắt giữ nhiều hơn. Việc ghi nhận sự ô nhiễm là một dịch vụ công cộng, không phải tội khủng bố. Chúng tôi kêu gọi các cơ quan chức năng tiếp nhận ý kiến công dân của mình, không nên bịt miệng họ.”

Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói: “Chính phủ Campuchia đã đẩy mạnh chiến dịch bịt miệng các nhà hoạt động bảo vệ môi trường một cách ôn hòa.”

“Các chính phủ nước ngoài, đội ngũ các quốc gia thuộc Liên Hiệp Quốc và các nhà tài trợ quốc tế nên kêu gọi chính quyền Campuchia bỏ những cáo buộc vô lý với các nhà hoạt động môi trường và công khai lên án bất kỳ cuộc đàn áp các cuộc vận động ôn hòa nào.”

“Các tòa án mang tính chính trị hóa cao của Campuchia đồng nghĩa với việc giới hoạt động môi trường bị buộc tội sẽ không có cơ hội được xét xử công bằng.” Ông nói thêm.

Nguồn hình ảnh, Getty Images – Chụp lại hình ảnh,

Không rõ các nhà hoạt động “xúc phạm” Norodom Sihamoni của Campuchia như thế nào

Người phát ngôn chính phủ Phay Siphan bác bỏ chỉ trích các cáo buộc, nói rằng chính phủ chỉ đơn thuần là áp dụng luật.

Các bị cáo nên “tìm luật sư giỏi để thách thức vấn đề này trong phòng xử thay vì thêu dệt tin tức,” ông nói.

Campuchia là quốc gia quân chủ lập hiến, hầu như mọi quyền lực đều nằm trong tay của Thủ tướng Hun Sen, người đã điều hành đất nước trong nhiều thập niên.

Chính phủ độc tài nước này được biết đến với việc đàn áp khắc nghiệt lên giới chỉ trích và bất đồng chính kiến.