Tin tức thế giới ngày 04 tháng 7 năm 2021 – Võ Thái Hà tổng hợp

Share this post on:

Hoa Kỳ: Thêm một vụ tấn công tin tặc ồ ạt, hơn 1.000 doanh nghiệp bị đe dọa

Tấn công Cyber. Ảnh minh họa. © REUTERS/Kacper Pempel/Illustration

AFP ngày 04/07/2021 cho biết, Kaseya – công ty chuyên cung cấp các phần mềm quản lý đã bị các tin tặc ồ ạt tấn công, ngay trước khi kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài bắt đầu. Hơn 1.000 doanh nghiệp có nguy cơ là nạn nhân của đợt tin tặc tống tiền lần này. 

Theo AFP, nhà cung cấp phần mềm Kaseya, trụ sở chính đóng tại Miami, ngay trưa ngày thứ Sáu 02/07 đã phát hiện có sự cố về phần mềm VSA. Hiện tại quy mô của đợt tấn công chưa thể thẩm định. Nhưng hệ quả đầu tiên là một chuỗi siêu thị Coop của Thụy Điển đã phải đóng cửa hơn 800 cửa hàng do quầy thu ngân đã bị tê liệt vì cuộc tấn công.

Trên trang mạng, Kaseya ước tính có khoảng 40 doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Những doanh nghiệp này sau đó lại cung cấp các dịch vụ cho nhiều hãng khác. Theo Huntress Labs – hãng chuyên cung cấp các giải pháp an ninh mạng, « khi dựa vào con số các nhà cung cấp dịch vụ tin học đề nghị hỗ trợ và theo dõi các bình luận trên diễn đàn Reddit », thì có nhiều khả năng hơn 1.000 doanh nghiệp nhỏ đã bị tác động.  

Vẫn theo phân tích của Huntress Labs, vụ tấn công dường như đến từ một chi nhánh của nhóm tin tặc Nga, Revel hay Sodinokibi, những tin tặc đã làm tê liệt các hoạt động của JBS – hãng chuyên cung cấp thịt lớn nhất tại Bắc Mỹ và Úc. Tập đoàn Brazil này đã phải trả 11 triệu đô la bằng bitcoin để các tin tặc giải tỏa các hệ thống tin học.  

Thời gian gần đây, Hoa Kỳ trở thành mục tiêu tấn công tin học mà Nga bị cáo buộc có liên quan. Washington tố cáo Kremlin ngầm ủng hộ các vụ tấn công tin học nhắm vào đường ống dẫn nhiên liệu Colonial Pipeline, cũng như là nhiều cơ quan hành chính và các bệnh viện tại Mỹ.  

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu mở một cuộc điều tra, đồng thời cam kết sẽ có những hành động đáp trả nếu như Nga đứng sau vụ việc này. AFP nhắc lại, các vụ tấn công tin tặc nhắm vào Mỹ là một trong những chủ đề thảo luận chính trong cuộc gặp thượng đỉnh Biden – Putin, diễn ra tại Geneve, Thụy Sĩ hồi trung tuần tháng 6/2021. 

Vatican truy tố một hồng y và 9 người khác phạm tội về tài chính

Reuters

Giáo hoàng Phanxicô làm lễ tại Nhà thờ St. Peter, Vatican (ảnh tư liệu).

Hôm thứ Bảy 3/7, Tòa thánh Vatican thông báo rằng một vị hồng y nổi tiếng người Ý nằm trong số 10 người sẽ bị đưa ra xét xử vì bị cáo buộc có những vi phạm về tài chính bao gồm biển thủ, rửa tiền, lừa đảo, tống tiền và lạm dụng chức vụ.

Hồng Y Angelo Becciu, trước đây là một chức sắc cấp cao trong chính quyền Vatican, cùng với hai quan chức hàng đầu của Đơn vị Tình báo Tài chính của Vatican sẽ ra tòa vào ngày 27/7 vì dính vào vụ bê bối trị giá hàng triệu euro liên quan đến việc Vatican mua một tòa nhà ở một trong khu đẳng cấp nhất của thành phố London.

Ông Becciu, 73 tuổi, đã bị Giáo hoàng Phanxicô cách chức vụ cấp cao hồi năm ngoái vì bị cáo buộc dung túng cho bè cánh, thân hữu. Ông luôn khẳng định mình vô tội trong suốt quá trình điều tra kéo dài hai năm. Giờ đây, ông trở thành quan chức Vatican cao cấp nhất bị cáo buộc phạm tội về tài chính.

Hồi tuần trước, đích thân Giáo hoàng Phanxicô đã phê duyệt việc truy tố ông Becciu.

Ông Becciu đối mặt với các tội danh gồm tham ô và lạm dụng chức vụ. Một phụ nữ Ý làm việc cho ông bị cáo buộc tham ô. Một linh mục là thư ký cũ của vị hồng y bị cáo buộc tống tiền.

Ông Becciu nói trong một tuyên bố rằng ông là nạn nhân của một “âm mưu” và tái khẳng định rằng ông “tuyệt đối vô tội”.

Hai nhà môi giới người Ý, Gianluigi Torzi và Raffaele Mincione, bị buộc tội tham ô, gian lận và rửa tiền. Torzi, bị các thẩm phán Ý ra lệnh bắt hồi tháng 4, cũng bị buộc tội tống tiền. Cả hai người đàn ông này đều phủ nhận chuyện họ có hành vi sai trái.

Bốn công ty liên quan đến từng bị cáo, hai ở Thụy Sĩ, một ở Hoa Kỳ và một ở Slovenia, cũng bị truy tố.

Công chúng bắt đầu biết đến cuộc điều tra về việc mua tòa nhà vào ngày 1/10/2019, khi cảnh sát Vatican khám xét văn phòng của Phủ Quốc vụ khanh, là trung tâm hành chính của Giáo hội Công giáo, và văn phòng của Cơ quan Thông tin Tài chính (AIF) của Vatican.

Chủ tịch lúc bấy giờ của AIF, Rene Bruelhart, 48 tuổi, người Thụy Sĩ; và cựu giám đốc người Ý của AIF, Tommaso Di Ruzza, 46 tuổi, bị buộc tội lạm dụng chức vụ. Họ bị cáo buộc không bảo vệ đầy đủ cho lợi ích của Vatican và đã trao cho Torzi “lợi thế quá mức”, theo hồ sơ truy tố.

Di Ruzza cũng bị cáo buộc tham ô do có sai phạm trong sử dụng thẻ tín dụng do văn phòng cấp, ngoài ra còn bị cáo buộc làm lộ thông tin bí mật.

Năm 2014, Phủ Quốc vụ khanh đã đầu tư hơn 200 triệu euro, phần lớn đó là tiền đóng góp của các tín hữu, vào một quỹ do Mincione điều hành, được nắm quyền sở hữu 45% một tòa nhà thương mại và nhà ở tại số 60 đại lộ Sloane ở khu South Kensington của London.

Hồ sơ truy tố cho biết rằng Mincione đã rắp tâm lừa Vatican; vào năm 2018, tòa thánh đã tìm cách chấm dứt mối quan hệ với nhân vật này.

1 triệu liều vaccine của Mỹ sẽ đến Malaysia hôm 5/7

Reuters

Mỹ tuyên bố viện trợ 580 triệu liều vaccine cho nhiều nước trên thế giới, kể cả Việt Nam.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer và BioNTech phát triển sẽ được giao tại Malaysia vào thứ Hai 5/7 tới. Bên cạnh đó, theo kế hoạch, sẽ sớm có thêm các đợt vận chuyển vaccine do Mỹ viện trợ tới Đông Nam Á.

Số vaccine này thuộc lô đầu tiên gồm 80 triệu liều vaccine do Mỹ sản xuất mà chính quyền của ông Biden đã cam kết hồi tháng trước là sẽ chia sẻ với toàn cầu, trong bối cảnh có những lo ngại rằng giữa các nước tiên tiến và các nước đang phát triển có sự chênh lệch về tỷ lệ tiêm chủng.

Washington đã và đang cạnh tranh với Trung Quốc nhằm tăng cường ảnh hưởng địa chính trị thông qua hoạt động được gọi là “ngoại giao vaccine”, mặc dù Washington vẫn nói rằng việc họ chia sẻ vaccine không nhằm đạt được sự ủng hộ hoặc nhượng bộ từ nước khác, mà chỉ để cứu các sinh mạng và chấm dứt đại dịch.

Edgard Kagan, Giám đốc cấp cao chuyên trách Đông Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, nói với Reuters rằng Hoa Kỳ đang chia sẻ “vaccine an toàn và hiệu quả” với Malaysia đúng lúc họ cần, và “sẽ thực hiện thêm các chuyến vận chuyển tới khu vực này trong tương lai gần”.

Một quan chức khác cho biết Hoa Kỳ đang “làm việc nhanh nhất có thể để cung cấp thêm vaccine trên toàn vùng Đông Nam Á”.

Hoa Kỳ gần đây công bố kế hoạch cung cấp vaccine cho Việt Nam, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Lào, Campuchia và Papua New Guinea.

Hôm 2/7, Mỹ cho biết sẽ vận chuyển 4 triệu liều vaccine COVID-19 của Moderna đến Indonesia trong thời gian sớm nhất có thể thông qua chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX giữa lúc Indonesia đang đối mặt với số ca nhiễm gia tăng.

Cùng với cam kết về 80 triệu liều nêu trên, Washington cho biết họ sẽ mua 500 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech để phân phối cho Liên hiệp châu Phi và 92 quốc gia có thu nhập trung bình và thấp.

Iran phủ nhận liên quan đến các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ ở Iraq, Syria

Reuters

Đại sứ Iran tại LHQ Majid Takht Ravanchi.

Iran hôm 3/7 bác bỏ cáo buộc của Mỹ về việc Tehran hỗ trợ các cuộc tấn công vào các lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria, đồng thời lên án các cuộc không kích của Mỹ nhắm vào các chiến binh được Iran hậu thuẫn ở đó, truyền thông nhà nước đưa tin.

Hôm 29/6, Hoa Kỳ thông báo với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng nước này đã không kích lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn ở Syria và Iraq nhằm ngăn chặn các chiến binh và Tehran tiến hành hoặc hỗ trợ thêm các cuộc tấn công nhắm nhân viên hoặc cơ sở của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, Đại sứ Iran tại LHQ Majid Takht Ravanchi nói: “Bất kỳ tuyên bố nào quy kết Iran… [có liên quan tới] bất kỳ cuộc tấn công nào được thực hiện nhắm vào nhân viên hoặc cơ sở của Mỹ ở Iraq thực sự sai và không đạt được các yêu cầu tối thiểu về tính xác thực và độ tin cậy”, theo hãng thông tấn chính thức IRNA.

Theo Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên phải được thông báo ngay lập tức về bất kỳ hành động nào mà các quốc gia thực hiện để tự vệ trước các cuộc tấn công vũ trang.

Washington thông báo với Liên Hợp Quốc rằng các cuộc không kích đánh trúng các cơ sở được sử dụng bởi lực lượng dân quân chịu trách nhiệm gây ra một loạt các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và rocket nhắm vào các lực lượng Mỹ ở Iraq.

Nhưng ông Ravanchi nói: “Lập luận của Mỹ rằng các cuộc tấn công như vậy được tiến hành để ngăn chặn… Iran và cái gọi là các nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn tiến hành hoặc hỗ trợ các cuộc tấn công tiếp theo…, không có cơ sở thực tế hoặc pháp lý, vì nó chỉ dựa trên sự bịa đặt cũng như sự diễn giải tùy tiện Điều 51”.

“Các cuộc tấn công mà Hoa Kỳ tiến hành vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế”, ông Ravanchi nói trong một bức thư được IRNA trích dẫn.

Philippines: Rơi máy bay chở binh sĩ, ít nhất 29 người chết

Reuters

Hiện trường vụ tai nạn máy bay Lockheed C-130.

Ít nhất 29 người đã thiệt mạng hôm 4/7 khi một chiếc máy bay của Không quân Philippines chở các binh sĩ gặp nạn lúc hạ cánh, vỡ làm nhiều mảnh và bốc cháy.

Đây được coi là thảm họa tồi tệ nhất của không quân nước này trong gần 30 năm qua.

Máy bay vận tải Lockheed C-130 chở các binh sĩ tham gia các chiến dịch chống quân nổi dậy đã bị rơi cùng với 96 người trên khoang tại Patikul thuộc tỉnh Sulu nằm ở cực nam của nước này.

Quân đội Philippines lâu nay đã chiến đấu chống các chiến binh Hồi giáo thuộc Abu Sayyaf và các nhóm khác.

29 thi thể đã được tìm thấy và 50 người đã được đưa đến bệnh viện, trong khi 17 người vẫn còn mất tích, quân đội cho biết trong một tuyên bố, nói thêm rằng vẫn còn hy vọng có người sống sót.

Một phát ngôn viên quân đội, Đại tá Edgard Arevalo, cho biết không có dấu hiệu của bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào máy bay, nhưng cuộc điều tra vụ tai nạn vẫn chưa bắt đầu và các nỗ lực hiện tập trung vào công tác cứu hộ và điều trị.

Các lực lượng vũ trang Philippines mới đây đã chứng kiến một vụ tai nạn khác.

Tháng trước, một chiếc trực thăng Black Hawk đã bị rơi trong khi tham gia huấn luyện, khiến sáu người thiệt mạng.

Covid-19: Úc siết chặt các biện pháp đóng cửa biên giới

Sydney vắng bóng người : Úc tiếp tục tự cô lập với thế giới bên ngoài để chống dịch Covid-19. Saeed KHAN AFP

Ngày 04/07/2021, bang New South Wales, đông nam nước Úc ghi nhận thêm 13 bệnh nhân Covid-19. Con số này thấp hơn nhiều so với 24 giờ trước đó. Trong tuần qua số ca nhiễm biến thể Delta tăng nhanh khiến Canberra thông báo mạnh tay hạn chế số người nước ngoài quá cảnh vào Úc.

Các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt tiếp tục được áp dụng tại thành phố Sydney như giải thích của thông tín viên Grégory Plesse :

« Để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, Úc vốn đã đóng cửa biên giới từ hơn 16 tháng qua và nay lại càng tự cô lập thêm một chút nữa với thế giới bên ngoài. Kể từ ngày 14 tháng 7 và cho đến cuối năm nay, hàng tuần chỉ có 3.000 người được phép nhập cảnh vào lãnh thổ Úc.

Chiến lược đắp đê chống dịch này là giải đoạn thứ nhất để nước Úc thoát khỏi đại dịch. Cách nay hai ngày thủ tướng Scott Morisson trình bày kế hoạch nói trên bao gồm ba giai đoạn. Mục tiêu đề ra nhằm từng bước dỡ bỏ các giới hạn trước khi cho phép người giân trở lại với cuộc sống bình thường, và nước Úc sẽ lại có thể mở cửa biên giới.

Để có thể chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, bắt buộc tỷ lệ tiêm chủng phải đạt một ngưỡng nào đó. Vấn đề đặt ra là cái ngưỡng đó đến nay vẫn chưa được xác định và chính quyền cũng chưa đưa ra một thời hạn cụ thể nào. Sự mật mờ nói trên có thể do cố ý và cũng có thể là do chiến dịch tiêm chủng tại Úc đang diễn ra một cách rất chậm chạp. Đến thời điểm này mới chỉ có khoảng 7 % dân Úc được chích ngừa Covid-19 ». 

Mỹ rút khỏi Afghanistan, ‘chiếc hộp Pandora’ mở ra, Trung Quốc sẽ gánh chịu thảm họa?

As US withdrawal opens Pandora’s Box in Afghanistan, Pakistan and China are in the firing line

Mỹ rút khỏi Afghanistan (ảnh: Youtube/DKN.TV).

Theo trang SCMP, Afghanistan đang đứng trước bờ vực của một cuộc nội chiến mà còn có nguy cơ tràn sang nước láng giềng Pakistan, gây nguy hiểm cho an ninh của tuyến đường liên kết trên bộ của Trung Quốc giữa Kashgar và cảng Gwadar nằm bên bờ biển Ả Rập thuộc tỉnh Balochistan của Pakistan. 

Kashgar là thành phố nằm ở phía viễn tây Trung Quốc, nằm chung biên giới với Afghanistan, Kazakhstan, Mông Cổ và Nga. Với việc phần còn lại của lực lượng chiến đấu NATO do Mỹ dẫn đầu sẽ rời khỏi Afghanistan trong tháng 7, đã được một số nhà quan sát ví như hành động “mở chiếc hộp Pandora”.

Sự tích về chiếc hộp Pandora kì bí đã để lại cho nhân gian những điều thú vị và hấp dẫn. Đó là một chiếc hộp mà nàng Pandora – người phụ nữ đầu tiên đến thế giới loài người – sở hữu. Nàng đã được thần Zeus dặn kỹ rằng không được mở chiếc hộp đó ra. Nhưng với sự tò mò của mình, Pandora đã mở chiếc hộp và tất cả những gì trong chiếc hộp đó đã khiến cho tất cả những điều bất hạnh tràn ngập khắp thế gian: thiên tai, bệnh tật, chiến tranh… Theo như nhiều phiên bản của truyền thuyết, chiếc hộp chỉ còn sót lại một điều là “hy vọng” để cho loài người để có thể tiếp tục sống.

Lực lượng nổi dậy Taliban đã chiếm được khoảng 1/4 lãnh thổ Afghanistan trong một chiến dịch quân sự được phát động ngay sau quyết định của Mỹ hồi tháng Tư rút quân khỏi Afghanistan, dự kiến trước ngày 11/9. 

Taliban đã chiếm giữ một phần lớn đường vành đai kết nối các trung tâm đô thị của Afghanistan và bao quanh nhiều địa phận trọng yếu, chia cắt hiệu quả chính quyền thành phố Kabul ra khỏi phần lớn đất nước.

Kabul cũng đã mất đi sự yểm trợ của các máy bay chiến đấu của NATO mà trước đây đã ngăn cản Taliban khỏi việc chiếm giữ bất kỳ trung tâm vùng đô thị nào của Afghanistan. Trong nhiều trường hợp, các lực lượng chính phủ mất tinh thần đã đầu hàng Taliban, đã giao nộp kho vũ khí và thiết bị mà Mỹ cung cấp, bao gồm cả những thiết giáp Humvee.

Chiến trường thất bại trong bối cảnh NATO rút quân đã thúc đẩy dự đoán của các nhà phân tích an ninh quân sự rằng quân đội Afghanistan có thể sụp đổ vào cuối năm nay.

Trong các cuộc giao tranh gần đây ở các khu vực phía đông và phía nam của Afghanistan, lực lượng Taliban đã được lực lượng nổi dậy Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP) hậu thuẫn. Từ các căn cứ của mình ở Afghanistan, TTP kể từ năm 2019 đã tăng cường các vụ đánh bom nhằm vào các lực lượng an ninh và thậm chí cả thường dân cũng như tống tiền các doanh nhân và nhà thầu. 

TTP đã nhận trách nhiệm về một vụ đánh bom xe liều chết vào tháng 5 ở một khách sạn ở Quetta, đầu não hành chính của tỉnh, nơi đại sứ Trung Quốc tại Pakistan Nong Rong đang ở vào thời điểm đó. Vị đại sứ đã thoát chết do ông không ở trong khách sạn vào lúc quả bom phát nổ trong bãi đậu xe.

As US withdrawal opens Pandora’s Box in Afghanistan, Pakistan and China are in the firing line | South China Morning Post (scmp.com)