Giám đốc đặc trách người tiêu dùng của Huawei, ông Dư Thừa Đông (Richard Yu), nói trong buổi giới thiệu bộ vi mạch Kirin 990 5G tại hội chợ đổi mới và điện tử quốc tế IFA ở Berlin hôm 06/09/2019. (Ảnh: Tobias Schwartz/AFP qua Getty Images)
Tác giả Kathleen Li và Ellen Wan
- Thứ hai, 17/10/2022
- bigger smaller Báo lỗi
- Những công nghệ ‘bị mắc kẹt’
- Trường hợp điển hình: Triển vọng vi mạch ảm đạm của Huawei
- 6 lý do dẫn đến làn sóng đóng cửa
- Hạn chế mới khiến các vấn đề sâu xa thêm nghiêm trọng
Người trong ngành cho biết 6 lý do khiến ngành công nghiệp này gặp khó khăn
Những hạn chế mới của Hoa Kỳ đối với xuất cảng công nghệ là tin xấu đối với ngành vi mạch bán dẫn của Trung Quốc. Ngành công nghiệp này đã gặp khó khăn trong một thời gian, với năng suất vi mạch của Trung Quốc được báo cáo giảm trong tám tháng liên tiếp vào năm 2022. Trong khi đó, một lượng kỷ lục các công ty vi mạch Trung Quốc đang đóng cửa, báo trước một ngành công nghiệp không đạt được kỳ vọng.
Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 01/09 cho thấy sản lượng vi mạch tích hợp của Trung Quốc đã giảm 24.7% so với cùng thời kỳ năm ngoái trong tháng Tám và tổng sản lượng vi mạch đã giảm 10.0% xuống còn 218.1 tỷ đơn vị. Sự sụt giảm đó đi ngược lại với xu hướng tiếp tục tăng trưởng sản lượng vi mạch hàng năm của nước này kể từ năm 2009.
Hơn nữa, năm nay chứng kiến nhiều công ty vi mạch Trung Quốc không thể duy trì hoạt động, với 3,470 công ty vi mạch đóng cửa trong tám tháng đầu năm 2022. Con số đó so với 3,420 của năm 2021 và 1,397 của năm 2020, theo một bài báo hôm 15/09 trên Nam Hoa Tảo Báo (South China Morning Post).
Những công nghệ ‘bị mắc kẹt’
Công nghệ vi mạch từ lâu đã được coi là một trong những ngành công nghệ cao then chốt mà Trung Quốc khó chinh phục. Hồi tháng 09/2020, tờ Science and Technology Daily của nhà nước đã liệt kê 35 công nghệ “bị mắc kẹt” hạn chế sự phát triển công nghiệp của Trung Quốc. Kỹ thuật quang khắc để chế tạo vi mạch đứng đầu trong danh sách, kế tiếp là công nghệ vi mạch.
Ngay từ năm 1999, Trung Quốc đã khởi động “Dự án vi mạch Tinh Quang Trung Quốc” (“Starlight China Chip Project”) để hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn. Trong những thập niên tiếp theo, nước này đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào ngành công nghiệp bán dẫn.
Trong những năm gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền đã tăng cường “thể chế toàn quốc” (“whole nation system”), một chiến lược huy động các nguồn lực trên toàn quốc để tăng tốc phát triển trong các lĩnh vực ưu tiên. “Thể chế toàn quốc kiểu mới” tập trung vào việc thúc đẩy tiến bộ công nghệ, như được nêu trong một tài liệu được Ủy ban Cải cách Toàn diện và Sâu rộng Trung ương của ĐCSTQ phê duyệt hôm 06/09.
Thể chế toàn quốc đã bị đặt câu hỏi rộng rãi bởi các học giả trong nước và người trong cuộc, ví dụ điển hình là những lời phê bình của nhà kinh tế Trung Quốc Ngô Kính Liễn (Wu Jinglian) tại một bài giảng công khai của Đại học Thanh Hoa vào năm 2018, trong đó ông nghiêm khắc cảnh báo không nên phát triển ngành công nghiệp vi mạch “bằng mọi giá”, một chiến lược mà ông gọi là “nguy hiểm”.
Trường hợp điển hình: Triển vọng vi mạch ảm đạm của Huawei
Những rắc rối tại đại tập đoàn viễn thông Huawei, công ty sở hữu công ty bán dẫn HiSilicon, là dấu hiệu cho thấy tai ương của ngành công nghiệp vi mạch Trung Quốc.
Công ty cho biết hôm 01/01 rằng họ sẽ tiếp tục bắt đầu hành trình “cốt lõi”, nhưng trong nửa đầu năm nay, các lô hàng vi mạch HiSilicon của Huawei đã giảm mạnh 81.5% so với cùng thời kỳ năm ngoái, theo một báo cáo của CINNO Research, một công ty nghiên cứu và tư vấn.
Trong số các bộ xử lý ứng dụng điện thoại thông minh toàn cầu, HiSilicon đã giảm xuống 0.4% thị phần theo lô hàng. Công ty này đã giảm từ 3% doanh thu trong quý 2 năm ngoái xuống còn 1% trong quý 2 năm nay, theo Counterpoint Research, một công ty phân tích ngành có trụ sở tại Hồng Kông .
Chủ tịch của một công ty công nghệ Nhật Bản, người đã nói chuyện với The Epoch Times với biệt danh “Desen”, cho biết công ty thiết kế vi mạch HiSilicon của Huawei tự thân không có khả năng sản xuất vi mạch. Vị lãnh đạo ngành này cho biết, “Trong ngắn hạn, [Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan] TSMC sẽ không sản xuất vi mạch cho HiSilicon vì các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, do đó các vi mạch mà HiSilicon thiết kế không thể được chế tác thành sản phẩm kịp thời và doanh thu của ngành này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.”
Hôm 16/05/2019, Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa Huawei và 68 công ty liên kết không ở tại Hoa Kỳ vào Danh sách Tổ chức (Entity List) “để giải quyết thêm mối đe dọa tiếp tục đối với an ninh quốc gia và lợi ích chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ.” Các công ty Hoa Kỳ không được cung cấp sản phẩm cho Huawei và các công ty có liên kết này nếu không được Bộ Thương mại cho phép.
Hơn nữa, hôm 15/05/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã yêu cầu bất kỳ vi mạch nào được sản xuất bằng công nghệ và thiết bị của Hoa Kỳ sẽ phải được Hoa Kỳ phê chuẩn trước khi chúng có thể được bán cho Huawei, một phản ứng đối với cái mà họ gọi là “những nỗ lực của Huawei nhằm phá hoại chính sách kiểm soát xuất cảng của Hoa Kỳ.”
Do đó, các nhà sản xuất chất bán dẫn phụ thuộc vào thiết bị của các công ty Hoa Kỳ, ngay cả những công ty ở Trung Quốc — chẳng hạn như Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC) — đã ngừng sản xuất các linh kiện và thiết bị cho Huawei. SMIC cũng bị thêm vào Danh sách Tổ chức hồi tháng 12/2020.
Ông Desen nói, về lâu dài, nếu HiSilicon không thể duy trì và nâng cấp phần mềm thiết kế vi mạch của mình, “doanh thu ngành trong tương lai của công ty có thể sẽ tiếp tục đi xuống.”
6 lý do dẫn đến làn sóng đóng cửa
Như một phần của “thể chế toàn quốc” của ĐCSTQ, một lượng lớn các công ty vi mạch được thành lập ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều công ty khởi nghiệp trong số đó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và ngay cả những công ty đã thành lập cũng đang gặp khó khăn.
Ông Desen đưa ra sáu lý do chính cho sự suy yếu của ngành công nghệ cao này ở Trung Quốc:
Lý do 1: Một số công ty vi mạch được thành lập chỉ đơn giản là để theo đuổi trợ cấp của chính phủ. Trung Quốc đã thành lập “Đại Quỹ” trị giá 22 tỷ USD cho các khoản đầu tư vào vi mạch vào năm 2014, tiếp theo là quỹ thứ hai khoảng 30 tỷ USD vào năm 2019. Ngay sau đó, hàng chục ngàn công ty Trung Quốc đã ghi danh để trở thành doanh nghiệp bán dẫn, thậm chí một số trong các lĩnh vực hoàn toàn không liên quan như sản xuất xi măng. Đó là lý do mà các công ty như vậy “sẽ không tạo ra bất kỳ kết quả nào,” vị lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ Nhật Bản này cho hay.
Lý do 2: Một lượng lớn các công ty vi mạch được thành lập trong thời gian ngắn với số lượng nhân viên không đủ, dẫn đến chi phí thuê nhân công tăng và nhân sự thường xuyên thay đổi. Điều này gây bất lợi cho việc phát triển sản phẩm và gây ra những rắc rối trong hoạt động, ngay cả khi đội ngũ sáng lập của công ty có nền tảng về các nguồn lực công nghệ vi mạch liên quan.
Lý do 3: Để thu hút các khoản đầu tư khổng lồ, các công ty vi mạch mới thành lập thường cố tình phóng đại triển vọng ngành, bỏ qua các vấn đề kỹ thuật hoặc rút ngắn thời gian ước tính cho các dự án.
Ngành công nghiệp vi mạch đòi hỏi nghiên cứu và phát triển liên tục trong một thời gian dài, và nguồn vốn khổng lồ. Ông Desen nói, “Các nhà đầu tư có thể đã quen với mô hình lợi nhuận nhanh chóng mà bất động sản là đại diện, vì vậy khi một công ty hoạt động không tốt như mong đợi, bất đồng… có thể nảy sinh giữa các nhà đầu tư và công ty, dẫn đến việc rút lui của các nhà đầu tư.”
Lý do 4: Để đáp ứng mong muốn thu lợi nhuận nhanh chóng của các nhà đầu tư, các công ty vi mạch có xu hướng xây dựng sự thịnh vượng bề mặt. Nếu chỉ tập trung vào hình thức bề ngoài, thiếu tài năng và niềm tin vững sẽ “chắc chắn dẫn đến việc đốt tiền và mở rộng một cách mù quáng… Chỉ tập trung vào hiệu quả bề mặt, không ai có thể lặng lẽ tập trung phát triển sản phẩm.”
“Trong một số trường hợp, công ty chỉ đưa cho các nhà đầu tư [tài liệu quảng cáo] để đọc và nhân viên chỉ cho cấp trên xem PPT [bản trình bày PowerPoint] mà không thực hiện bất kỳ công việc thực chất nào.” Rõ ràng điều này không có lợi cho việc sản xuất vi mạch thật. Ông Desen nói thêm, “Điều này dẫn đến sự lãng phí vốn lớn, cuối cùng [dẫn đến] phá vỡ chuỗi vốn.”
Lý do 5: Các công ty Trung Quốc tìm kiếm tài năng bên ngoài, nhưng lại thể hiện sự thiếu tin tưởng. Đây là rào cản dẫn đến thành công.
Kinh nghiệm của ông Giang Thượng Nghi (Chiang Shang-Yi), cựu giám đốc hoạt động tại TSMC, đã minh họa cho điều này. Ông Giang gia nhập SMIC với tư cách phó chủ tịch vào cuối năm 2020.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng Ba (pdf) với Bảo tàng Lịch sử Máy điện toán của Thung lũng Silicon, lần đầu tiên ông Giang nói gia nhập SMIC là “một sai lầm” và “một trong những điều ngu ngốc mà tôi đã làm.”
Ông Giang đã làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn nhiều năm và có uy tín cao. Tuy nhiên, ông nói rằng ông không được người Trung Quốc tin tưởng vì ông là người Đài Loan và cũng có quốc tịch Hoa Kỳ. Khi ông được SMIC thuê, đồng giám đốc điều hành của công ty đã từ chức để phản đối. Ông Giang rời công ty chưa đầy một năm sau đó.
Lý do 6: Ngay cả khi nhiều công ty sản xuất vi mạch, họ không thể tạo ra lợi nhuận trong ngắn hạn vì đánh giá ban đầu quá cao về sản phẩm và không kiểm soát được sản lượng và chi phí. Đồng thời, họ không thể hấp thụ vốn trên thị trường chứng khoán. Việc không có khả năng tạo ra lợi nhuận cũng làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư, cuối cùng là làm họ suy sụp.
Các ví dụ nổi trội nhất là Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Vũ Hán Hoằng Tâm (Wuhan Hongxin) và Công ty sản xuất vi mạch tích hợp Tế Nam. Các quan chức Trung Quốc đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào hai công ty khởi nghiệp bán dẫn này, nhưng các công ty chưa bao giờ sản xuất thương mại một chiếc vi mạch nào.
Hạn chế mới khiến các vấn đề sâu xa thêm nghiêm trọng
Nói chung, trong khi các hạn chế của Hoa Kỳ tiếp tục cản trở ngành bán dẫn Trung Quốc, các vấn đề sâu xa đã cản trở ngành này trong nhiều năm. Ông Desen kết luận rằng các vấn đề có thể được tìm thấy ở hầu hết mọi khía cạnh của ngành, do sự mở rộng mù quáng do chính phủ lãnh đạo và thiếu sự giám sát. Kết quả là: một làn sóng đóng cửa công nghệ và hàng trăm tỷ USD đổ sông đổ bể.
BTV EPOCH TIMES TIẾNG ANH
Cô Kathleen Li đã đóng góp bài viết cho The Epoch Times từ năm 2009 và chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô là một kỹ sư chuyên về lĩnh vực xây dựng dân dụng và kết cấu tại Úc.
BTV EPOCH TIMES TIẾNG ANH
Bà Ellen Wan đã làm việc cho ấn bản Nhật ngữ của The Epoch Times từ năm 2007.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times