(What are the impacts of dams on the Mekong river?)
Tyler Roney The Third Pole
Sông Mekong nuôi dưỡng rừng rậm, tưới hoa màu cho hàng chục triệu người, và hỗ trợ hồ Tonle Sap – có thủy sản nội địa phong phú nhất trên hành tinh.
Trung Hoa hoàn tất đập thủy điện đầu tiên trên dòng chánh sông Mekong, đập Manwan (Mạn Loan) trong tỉnh Yunnan (Vân Nam), trong năm 1995, và từ đó đã hoạch định và xây thêm 10 đập nữa. Mười một đập thủy điện khác trong các giai đoạn hoạch định và xây cất ở Lào và Cambodia trên dòng chánh Mekong, cùng với hàng trăm đập trên các phụ lưu.
Sông Mekong bắt nguồn từ Himalayas ở Trung Hoa, nơi nó được gọi là Lancang. Nó chảy qua các quốc gia trong Hạ Lưu vực Mekong Myanmar, Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam, nơi nó đổ ra Biển Đông. Như một động cơ với đa dạng sinh học bao la, Mekong nuôi dưỡng rừng rậm, tưới hoa màu cho hàng chục triệu người, và hỗ trợ nền thủy sản nội địa phong phú nhất trên hành tinh: hồ Tonle Sap.
Lợi ích của đập?
Nhu cầu năng lượng được dự trù gia tăng 6-7% mỗi năm trong Hạ Lưu vực Mekong đến năm 2025, và thủy điện đã cho thấy là một giải pháp thay thế quan trọng cho nhiên liệu hóa thạch. Từ năm 2005 đến 2015, mức sản xuất thủy điện trong Hạ lưu vực Mekong đã gia tăng từ 9,3 GWh đến 32,4 GWh.
Thủy điện cũng có giá trị đối với các quốc gia Hạ Lưu vực Mekong vì nó là nguồn lợi tức và đầu tư ngoại quốc. Đập Xayaburi ở Lào, thí dụ, là một trong 2 đập đã hoàn tất trên dòng chánh Mekong ở hạ lưu và bán trên 95% điện sản xuất được sang nước láng giềng Thái Lan. Kinh tế thu được từ việc phát triển thủy điện dự trù sẽ tăng lên đến 160 tỉ USD vào năm 2040, theo Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)).
Khi Đông Nam Á (ĐNA) thích ứng với thay đổi khí hậu, các hồ chứa của các đập thủy điện và ngừa lụt có thể hữu ích cho các dự án thủy nông, và có tiềm năng để giúp cung cấp nước vì những thay đổi lớn lao giữa mùa khô và mùa mưa.
Ảnh hưởng môi trường của thủy điện trên Mekong?
Các đập thủy điện có ảnh hưởng lớn lao đến sông Mekong trong 2 thập niên qua, gây ra hạn hán và lũ lụt trái mùa, mực nước thấp trong mùa khô [Lời người dịch: Đập thủy điện trữ nước trong mùa mưa và xả nước trong mùa khô; do đó, chúng làm cho mực nước trong mùa khô cao hơn.], và sụt giảm phù sa, với hậu quả lớn lao cho đa dạng sinh học và thủy sản.
Tồi tệ thêm bởi thay đổi khí hậu và thiếu liên lạc xuyên biên giới, ảnh hưởng cộng dồn của các đập trên dòng chánh gây nguy hiểm cho rừng rậm, rừng đước và thủy sản dựa vào nước sông Mekong.
Phù sa do sông mang từ xa như ở cao nguyên Tây Tạng rất cần thiết cho sinh thái độc đáo của lưu vực Mekong. Tuy nhiên, các đập thủy điện lớn ngăn chận một số lượng phù sa đáng kể chảy xuống hạ lưu. Phù sa sông ảnh hưởng đến độ phì nhiêu của đất trong đồng lụt, lượng phù sa giảm có thể có hậu quả cho trên 60 triệu người ở ĐNA dựa vào Mekong để có lợi tức, từ nông nghiệp cho đến đánh cá và nuôi cá.
Phù sa chảy từ tỉnh Yunnan ở Trung Hoa đến Việt Nam từ hàng ngàn năm đã bị cạn kiệt nghiêm trọng vì số lượng đập thủy điện được xây tương đối gần đây trên khúc sông ở Trung Hoa, cũng như việc khai thác cát đại qui mô từ lòng sông. Điều nầy đã gây ra sạt lở bờ sông ở hạ lưu trong các vùng đông dân cư của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khiến nhà cửa và đường sá bị cuốn trôi.
Việc di chuyển về phía thượng lưu của cá bị ngăn chận bởi đập khi cá không thể vượt qua cửa xả hay qua máy turbines. Cá đi qua được có thể bị chết vì sức mạnh của dòng nước, hay chấn thương áp suất (barotrauma), do sự thay đổi áp suất đột ngột. Thủy điện cũng ngăn chận sự di chuyển của cá về hạ lưu, với cá con và cá lớn không thể đi qua đập hay đi trong vùng nước đứng do đập tạo nên.
Đa dạng sinh học rộng lớn hơn của Mekong dựa vào sự lên xuống tự nhiên và có thể đoán được, hay nhịp, của nước sông. Chim làm tổ trên bãi cát và cá chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lũ lụt trái mùa của Mekong do đập và việc xả nước.
Riêng sự sụt giảm của thủy sản Mekong được dự đoán tốn gần 23 tỉ USD vào năm 2040 và tạo rủi ro cho các cộng đồng ven sông và người dân bản xứ dựa vào cá để sinh sống.
Đập trên phụ lưu nào ảnh hưởng đến sông Mekong nhiều nhất?
Có hàng trăm đập trên các phụ lưu của Mekong. Thí dụ, đập Hạ Sesan 2 – cách không đầy 25 km từ dòng chánh Mekong – đã trở thành dự án thủy điện lớn nhất của Cambodia khi nó hoạt động vào năm 2018, ngăn chận sông Sekong [Lời người dịch: Sesan chứ không phải Sekong] và Srepok đổ vào Mekong và dời cư hành ngàn người.
Đập cuối cùng của chuỗi 7 đập thủy điện trên Nam Ou ở Lào, được tài trợ và xây cất bởi Công ty Xây dựng Điện (Power Construction Corporation) quốc doanh của Trung Hoa, bắt đầu hoạt động từ năm 2020. Các đập được xây mà không có những biện pháp để giảm nhẹ ảnh hưởng môi trường và lấy mất phù sa rất cần thiết của Mekong, mà Nam Ou mang xuống một cách tự nhiên từ vùng cao. Ngoài ra, chuỗi đập thủy điện đã làm mất kai, một loại rong nước ngọt là thực phẩm chánh của các cộng đồng ven sông, với ảnh hưởng đặc biệt đến phụ nữ trong các cộng đồng nầy.
Hồ Tonle Sap trong khủng hoảng
Mỗi năm, Mekong bị lũ và buộc sông Tonle Sap ở Cambodia chảy ngược, tạo thành hồ lớn nhất ở ĐNA. Với trên 1 triệu người sống trên đồng lụt và các làng nổi, gồm có nhiều người Việt vô tổ quốc, Tonle Sap là một trong những nền thủy sản nội địa phong phú nhất trên Trái đất.
Hồ nới rộng 60% kích thước lúc nước thấp đến khoảng 16.000 km2, cung cấp cho di ngư một nơi sinh sản cần thiết. Sinh thái của hồ dựa vào lũ lụt tự nhiên của Mekong, đã bị xáo trộn vì phát triển và thủy điện trên dòng chánh của sông.
Vào năm 2019, một sự kết hợp của thay đổi khí hậu, El Niño và đập trên Mekong khiến cho sông Tonle Sap chảy ngược trong nhiều tuần thay vì nhiều tháng, làm cho nước trong hồ ấm, cạn và đói oxygen hơn. Năm đó, thủy sản ở Tonle Sap được ước tính sụt giảm 80-90%.
Mực nước thấp trong hồ Tonle Sap cũng gây khó khăn cho nông dân trồng lúa dựa vào lũ lụt hàng năm. Khi mức nước lụt trở nên bấp bênh, các cộng đồng địa phương đã bị buộc phải cạnh tranh với các nguồn thủy nông, hay đi kiếm việc ở các thành phố.
Kết hợp với lề lối trồng lúa hủy hoại gây thiệt hại cho đồng cỏ và bui rậm ở chung quanh, sự đổ vỡ sinh thái của hồ Tonle Sap gây nguy hiểm cho một số chim chóc ở trong vùng, chẳng hạn như chàng bè và ô tác Bengal (Bengal florican).
Để đáp lại sự phản đối của quần chúng, trong năm 2020, chánh phủ Cambodia đã tạm ngưng việc xây cất các đập trên dòng chánh Mekong ít nhất cho đến năm 2030, bao gồm đập Sambor chỉ cách hồ Tonle Sap khoảng 150 km.
Cá sông Mekong đang biến mất?
Chỉ đứng sau Amazon về số chủng loại, trên 1.000 loại cá nước ngọt được ghi nhận trong sông Mekong và các phụ lưu. 160 loại cũng di cư dọc theo sông để đến nơi sinh sản. Nghiên cứu được công bố trong phúc trình năm 2018 của MRC cảnh báo rằng phát triển thủy điện trên sông sẽ làm giảm lớn lao số cá, thu hẹp sinh khối tổng cộng từ 35-40% vào năm 2020 và 40-80% vào năm 2040.
Một số nỗ lực đã được thực hiện để giảm nhẹ ảnh hưởng của đập đối với số cá, với đập Xayaburi ở Lào dùng các kỹ thuật như thang cá (fish ladders) để giúp cho cá đi qua đập dễ dàng. Các chuyên viên, tuy nhiên, chỉ trích các biện pháp nầy vì chúng chưa được thử nghiệm và không thể đáp ứng với đa dạng sinh học lớn lao của sông Mekong, có thể di chuyển đến 30 tấn cá mỗi giờ.
Theo MRC, 68 loại cá ghi nhận được ở Hạ Lưu vực Mekong bị đe dọa toàn cầu. Các loại lớn chẳng hạn như cá tra dầu đã giảm trên 90% trong 2 thập niên.
Ai kiểm soát các đập thủy điện trên Mekong?
MRC, một bộ phận hoàn toàn tham vấn, được thành lập năm 1995 giữa Cambodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, và cung cấp nghiên cứu, khảo sát và phối hợp việc phát triển về quản lý nguồn nước ở Hạ Lưu vực Mekong. Trung Hoa chỉ là Đối tác Đối thoại, không phải là thành viên của MRC.
Gần đây, MRC đã công bố Kế hoạch Phát triển Lưu vực (Basin Development Plan) 2021-2030 và Kế hoạch Chiến lược 5 Năm (Five-Year Strategic Plan) chi tiết hóa các kế hoạch để hiểu biết nhiều hơn những thách thức phát triển và thay đổi khí hậu đang đối mặt với sông.
Được tài trợ bởi 4 quốc gia thành viên và các mạnh thường quân gồm có các chánh phủ ngoại quốc, MRC không có quyền hạn để ngưng việc xây cất đập trên dòng chánh Mekong. Tuy nhiên, MRC có thể đóng một vai trò tham vấn quan trọng qua một tiến trình gọi là Thủ tục Thông báo, Tham vấn Trước và Thỏa thuận (Procedures for Notification, Prior Consultation and Agreement (PNPCA)). Tiến trình kéo dài nhiều tháng nầy liên quan đến các quốc gia thành viên MRC trong việc cứu xét các lợi ích và rủi ro tiềm tàng của các dự án trên dòng chánh Mekong đối với môi trường, an ninh, phát triển và các lo ngại khác.
Không có quốc gia nào chắc chắn tuân theo các quyết định của MRC. Hai đập thủy điện, Xayaburi và Don Sahong, đã hoàn tất PNPCA và đã hoạt động. Bốn đập khác đang trong tiến trình PNPCA nhưng chưa chánh thức khởi công (Pak Beng, Pak Lay, Luang Prabang và Sanakham).
Lào đã bị cáo buộc trên ít nhất 2 dự án tiến hành với việc xây cất ban đầu mặc dù thiếu sự chấp thuận của PNPCA. PNPCA của dự án đập Sanakham, chỉ cách biên giới Thái có 2 km, không được chấp thuận vì nó sao chép nhiều phần từ dự án đập trước; tình trạng của nó vẫn chưa được giải quyết.
Cơ chế Hợp tác Lancang-Mekong?
Được đề nghị lúc ban đầu bởi Thủ tướng Li Keqiang (Lý Khắc Cường) của Trung Hoa, khuôn khổ Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)) được phát động trong tháng 3 năm 2016. LMC là một cánh tay phát triển của Trung Hoa dọc theo sông Mekong, tạo dễ dàng cho các dự án gồm có Đường sắt Lào-Trung Hoa đầy tham vọng.
Mặc dù LMC chưa nâng việc sản xuất thủy điện thành trọng tâm, thủy điện đóng một vai trò quan trọng trong mục tiêu phát triển tổng quát của Trung Hoa trong khu vực.
Cuối năm 2020, chính phủ Hoa Kỳ thành lập một khuôn khổ mới cho các kế hoạch của họ trong khu vực, Hợp tác Mekong-Hoa Kỳ (Mekong-US Partnership), hứa 153 triệu USD cho Phân vùng Mekong và Vùng Phụ cận.
Dữ kiện gì được chia sẻ giữa các quốc gia Mekong?
Thiếu dữ kiện từ thượng lưu ở Trung Hoa là một nguồn tranh chấp với các quốc gia ở hạ lưu, nhất là sau đợt hạn hán cực đoan năm 2019, tồi tệ thêm vì Trung Hoa tiếp tục đầu tư vào các dự án thủy điện ở thượng và hạ lưu Mekong.
Các phiên họp giữa LMC và MRC đưa đến việc thành lập Diễn đàn Chia sẻ Tin tức Hợp tác Nguồn Nước Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Water Resources Cooperation Information Sharing Platform) trong năm 2020, cung cấp cập nhật thường xuyên dữ kiện thủy học ở Trung Hoa, vì thế bảo đảm minh bạch hơn liên quan đến khúc sông trong lãnh thổ Trung Hoa.
Mặc dù Trung Hoa đồng ý chia sẻ dữ kiện quanh năm của sông Mekong, từ đó, các diễn đàn khác dùng dữ kiện vệ tinh gần nhất cũng như các trạm thủy học ở dưới đất đã cho một hình ảnh rỏ hơn của tính minh bạch. Dữ kiện mới cho thấy rằng Trung Hoa thường không thông báo đúng lúc việc xả nước hay hạn chế nước, và cũng không giải thích ảnh hưởng của cao điểm thủy điện (hydropeaking), giờ sản xuất điện cao điểm có thể làm mực nước ở hạ lưu lên xuống nhanh chóng.
Mekong sẽ như thế nào trong tương lai?
Mekong phải có màu đục ngầu tự nhiên vì có độ phù sa cao. Khi phù sa càng ngày càng bị ngăn chận hay lấy ra khỏi Mekong, sông sẽ trở màu xanh thường xuyên hơn trong mùa khô, như trong đợt hạn hán 2019 và gần đây hơn trong tháng 2 năm 2021. Mực nước sông thấp trong những năm gần đây có nghĩa là có nhiều rong tảo nẫy nở, những ảnh hưởng chưa được biết.
Viễn cảnh của thủy sản Mekong vẫn u ám. Theo các tình huống phát triển của MRC được phác họa trong năm 2018, tổng số trọng lượng của cá trong Hạ Lưu vực Mekong sẽ giảm 40-80% vào năm 2040, trong khi phù sa trong Mekong có thể giảm 67-97%. Thành phần thủy sản, phúc trình cho biết, hầu như giảm đáng kể trong tất cả 4 quốc gia hạ lưu Mekong.
Việc sử dụng than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác cần được chấm dứt nhanh chóng để giữ cho quỹ đạo phóng thích nằm trong 2 oC ấm hơn mức tiền kỹ nghệ. Các đập thủy điện sẽ tiếp tục là trong điểm của đầu tư hạ tầng cơ sở năng lượng ở Trung Hoa và Hạ Lưu vực Mekong. Trong khi có một ít hoạt động xã hội dân sự ở Lào hay Cambodia để chống lại các tham vọng phát triển của Trung Hoa, các nhóm môi trường ở Thái Lan và Việt Nam trực tiếp hơn trong việc chống đối.
Một số đập, gồm có Pak Beng và Pak Lay ở thượng Lào, vẫn tạm ngưng mặc dù được MRC chấp thuận, và tương lai của đập Sanakham tùy thuộc vào việc tìm kiếm một thỏa thuận mua điện với láng giềng Thái Lan.
https://mekong-cuulong.blogspot.com/2021/07/anh-huong-cua-ap-tren-song-mekong.html