Bản tin của nt-v: Mỹ và EU đồng lòng trong cuộc chiến thương mại?

Share this post on:

Vì Trump – EU nổi bão chống lại Putin và Tập

18/11/2024 tác giả Lea Verstl

Võ Thu Phương

LTH dịch từ: https://www.n-tv.de/…/Gegen-Putin-und-Xi-braut-sich-ein…

20/11/2024

“..Cùng nhau chống lại liên minh tồi tệ Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên – là lời đề nghị địa chính trị của EU dành cho đối tác xuyên Đại Tây Dương của mình. Vì Trump – một cơn bão đang nổi lên ở Brussels nhằm chống lại Putin và Tập”.

Brussels và Berlin đang dần dần mất kiên nhẫn với Bắc Kinh. Lần đầu tiên, Đức cáo buộc Trung Quốc sản xuất vật tư quân sự cho cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Ngoại trưởng Annalena Baerbock phát biểu bên lề cuộc họp với những bộ trưởng ngoại giao của EU tại Brussels: “Điều này phải và sẽ gây ra hậu quả”.

Baerbock cho rằng cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga cũng là một cuộc tấn công vào nền tự do của châu Âu. Mối nghi ngờ đối với Trung Quốc đã có từ lâu, nhưng chưa từng được chính phủ liên bang Đức xác nhận chính thức. Tuy nhiên, bây giờ Liên minh châu Âu có thể trừng phạt Trung Quốc bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt. Tổng thống Mỹ tương lai bên kia Đại Tây Dương có lẽ sẽ thích điều này. Donald Trump có cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

Các lời đe dọa thuế quan của Trump đối với Bắc Kinh giống như một tuyên bố về cuộc chiến thương mại. Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế khổng lồ 60% và Trump đang lên kế hoạch áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ EU.

Có tin đồn ở Brussels rằng, Trump có thể nhận được một đề nghị thỏa hiệp: EU sẽ ủng hộ ông trong đường lối cứng rắn chống lại Trung Quốc; Đổi lại, Trump cần rút lại lời đe dọa ngừng viện trợ của Mỹ cho Ukraine. Một phần khác trong ván bài thương lượng là: Các rào cản hải quan của Mỹ đối với EU.

Trước cuộc bầu cử ở Mỹ, trả lời trên ntv.de, Ủy ban EU đã tuyên bố rằng, EU và Mỹ phải sát cánh cùng nhau để đối phó với chính quyền của Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, vốn đang hành xử “hung hăng” và kết bạn với Nga. Đó là lý do tại sao Brussels muốn tăng cường hơn nữa “hợp tác chiến lược” với Washington – cũng như với Trump. Hiện nay Cơ quan Đối ngoại Châu Âu (EEAS), đang kiểm tra bằng chứng về việc sản xuất thiết bị bay drone ở Trung Quốc phục vụ cuộc chiến tranh xâm lược của Nga. Một quan chức EU nói: “Chúng tôi đã nhận được báo cáo từ các nguồn tình báo về sự tồn tại của một nhà máy ở Trung Quốc sản xuất drone cung cấp cho Nga để sử dụng trong cuộc chiến chống Ukraine”.

Bắc Kinh đang giúp Moscow lách lệnh trừng phạt của EU

Công việc đang được tiến hành để tìm hiểu xem liệu có sự hợp tác trực tiếp giữa Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực thiết bị quân sự hay không. Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc. Iran cũng bị cáo buộc là đồng hội đồng thuyền với Nga. EU đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran vì cung cấp cho Moscow thiết bị bay drone và tên lửa đạn đạo. Việc EU đang xem xét thực hiện hành động cứng rắn hơn chống lại Bắc Kinh đã được chỉ ra trong buổi hội ý với Kaja Kallas, đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh, trước các thành viên Nghị viện châu Âu.

Trong bài phát biểu tuần trước, Kallas phàn nàn rằng “sự mất cân bằng về cơ cấu giữa Trung Quốc và EU” đang gây tổn hại cho thị trường nội địa. Kallas cũng yêu cầu Trung Quốc “phải cảm nhận được cái giá phải trả” khi hỗ trợ Moscow trong cuộc chiến xâm lược Ukraine. Và bà đã làm dấy lên những đồn đoán về khả năng đạt được thỏa thuận với Trump khi nói rằng: Nếu Mỹ lo ngại một cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan thì Mỹ nên đứng về phía EU tiếp tục hỗ trợ Ukraine chống lại Nga.

Cho đến nay, Trung Quốc chưa phải lo sợ bất kỳ lệnh trừng phạt trực tiếp nào từ EU. Bằng chứng là Bắc Kinh đang cung cấp cho Moscow hàng hóa có công dụng kép – nghĩa là các sản phẩm có thể được sử dụng trong dân sự cũng như mục đích quân sự. Hãng tin Reuters đưa tin vào tháng 9 rằng, Nga đã thiết lập một chương trình vũ khí ở Trung Quốc để phát triển và sản xuất drone tấn công tầm xa nhằm sử dụng trong cuộc chiến chống Ukraine.

Mối nguy hại từ Trung Quốc không có dấu hiệu thuyên giảm

Nhưng EU và các quốc gia thành viên phải xem xét kỹ lưỡng các cáo buộc nghiêm trọng trước khi ra tay hành động. Chính vì EU còn phụ thuộc rất nhiều vào thương mại với Trung Quốc, đặc biệt là các nước xuất khẩu hàng hóa như Đức. Mức độ thận trọng của chính phủ liên bang Đức đối với Bắc Kinh đã trở nên rõ ràng khi họ bỏ phiếu chống lại việc áp dụng thuế trừng phạt đối với xe hơi điện Trung Quốc tại EU. Tuy nhiên mức thuế cũng được thông qua vì phần lớn các quốc gia thành viên đều ủng hộ.

Nhiều năm nay, chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen đã kêu gọi giảm mối nguy hại từ Trung Quốc, nhưng cho đến nay vẫn chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy điều đó. Với tiêu đề này, von der Leyen muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào các đối tác thương mại hùng mạnh và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Sau cuộc tấn công của Nga, người ta càng thấy rõ hậu quả của sự phụ thuộc của một số quốc gia thành viên EU vào nguồn cung cấp năng lượng của Moscow. Nếu Trung Quốc chiếm Đài Loan, von der Leyen muốn ngăn chặn cú sốc kinh tế bằng vào việc yêu cầu Mỹ giữ lời hứa hỗ trợ đảo quốc này. Vì việc này, Bắc Kinh có thể đe dọa các nước phương Tây ngừng cung cấp nguyên liệu thô hoặc hàng hóa.

Cùng nhau chống lại liên minh tồi tệ Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên – là lời đề nghị địa chính trị của EU dành cho đối tác xuyên Đại Tây Dương của mình. Vì Trump – một cơn bão đang nổi lên ở Brussels nhằm chống lại Putin và Tập.

https://www.facebook.com/thuphuong.vo.75436