LHQ: Báo cáo vi phạm nhân quyền từ Việt Nam giảm đi do nhiều người sợ bị trả thù
RFA
13/9/2024
Các đại biểu dự SEAFORB 2019 ở Bangkok, Thái Lan
leimena.org
LHQ: Báo cáo vi phạm nhân quyền từ Việt Nam giảm đi do nhiều người sợ bị trả thù
Những người Việt Nam vốn từng cộng tác với các cơ quan của Liên Hiệp quốc (LHQ) để báo cáo tình trạng vi phạm nhân quyền của quốc gia độc đảng này, đã và đang hạn chế các hoạt động của mình do lo ngại bị trả thù.
Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền (OHCHR) ngày 10/9 công bố báo cáo mang tựa đề “Cooperation with the United Nations, its representatives and mechanisms in the field of human rights – Report of the Secretary-General” (tạm dịch: Hợp tác với LHQ, các đại diện và cơ chế trong lĩnh vực nhân quyền- Báo cáo của Tổng Thư ký).
Trong báo cáo được trình bày trước Đại Hội đồng LHQ tại kỳ họp thứ 57 từ ngày 09/9 đến ngày 09/10, Việt Nam cùng với Indonesia và Philipines là ba quốc gia ở khu vực Đông Nam Á bị nêu danh là có hành vi trả thù các cá nhân và tổ chức cộng tác với LHQ trong thời gian từ tháng 5/2023 đến tháng 4/2024.
“Theo thông tin mà OHCHR nhận được, trong thời gian báo cáo, các tổ chức xã hội dân sự đã kiềm chế không tham gia công khai với các cơ quan và cơ chế nhân quyền của LHQ và yêu cầu ẩn danh và bảo mật trong các đóng góp và cam kết của họ với tổ chức do sợ bị trả thù,” báo cáo nói về Việt Nam.
Hệ quả là số lượng các báo cáo về hồ sơ nhân quyền ở Việt Nam bị giảm sút trong đợt Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) của Việt Nam trước Hội đồng Nhân quyền hồi tháng 5.
Ông Quyết Hồ, một nhà hoạt động nhân quyền ở Đà Nẵng, đồng ý với đánh giá của LHQ. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 13/9 trong tư cách một người có đóng góp vào báo cáo nhân quyền gửi LHQ:
“Chính quyền Việt Nam trả thù các tổ chức và cá nhân báo cáo vi phạm nhân quyền lên các cơ quan nhân quyền quốc tế.
Không những thế, Cơ quan an ninh của Bộ Công an còn trả thù cả những người nào dám tham gia trả lời báo chí nước ngoài hoặc báo chí của người Việt ở hải ngoại. Gần đây, nhiều người đã bị bỏ tù vì những clip trả lời báo chí nước ngoài trước đó.”
Ông cho biết chính quyền độc đảng ở Việt Nam đang vũ khí hoá luật pháp nhằm trấn áp các ý kiến bất đồng, và do vậy, nhiều người đã chọn cách im lặng để được yên thân, thậm chí từ bỏ những quyền bày tỏ ôn hoà nhất trên không gian mạng.
Một nhà hoạt động nhân quyền khác muốn ẩn danh vì lý do an ninh, nói việc Chính phủ Việt Nam trả thù những tổ chức, cá nhân dám lên tiếng về vi phạm nhân quyền cho thấy một môi trường hạn chế nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận.
Theo bà, các hành động đó không chỉ làm giảm ý chí của những cá nhân và tổ chức muốn bảo vệ quyền con người mà còn tạo ra một bầu không khí sợ hãi trong xã hội. Hơn nữa, nó có thể dẫn đến việc thế giới thiếu thông tin chính xác và đầy đủ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Ngoài ra, báo cáo của Tổng Thư ký LHQ dẫn báo cáo của Ủy ban Xóa bỏ Phân biệt chủng tộc (CERD) về Việt Nam, trong đó nói rằng những người làm việc vì quyền của các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo, người bản địa đã bị nhắm mục tiêu một cách có hệ thống bằng bạo lực, đe dọa, giám sát, và trả thù do công việc của họ.
Ủy ban này nêu điển hình trường hợp của hai người Thượng là ông Y Khiu Niê và Y Sĩ Êban bị các cơ quan chức năng Việt Nam trấn áp trước và sau khi diễn ra Hội nghị Tự do Tôn giáo hoặc Niềm tin Đông Nam Á (SEAFORB) được tổ chức ở tại Bali (Indonesia) năm 2022, một sự kiện mà người tham dự có cơ hội tương tác với đại diện của LHQ và nâng cao nhận thức về cách tham gia vào các cơ chế nhân quyền của tổ chức này.
Hai ông bị chặn xuất cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất khi đang trên đường đi dự hội nghị ở Bali. Sau đó, họ bị an ninh đưa trở về Đắk Lắk thẩm vấn và đe doạ nhiều lần về các mối liên hệ của họ với các tổ chức bên ngoài Việt Nam trong việc ghi chép và báo cáo về tình hình của người Thượng.
Chính phủ Việt Nam phản bác cáo buộc bắt giữ tùy tiện, giám sát và hạn chế đi lại đối với hai nhà hoạt động người Thượng nói trên.
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về báo cáo của Tổng Thư ký LHQ nhưng chưa nhận được ngay câu trả lời.
Bộ Ngoại giao luôn bác bỏ các cáo buộc đàn áp nhân quyền từ LHQ và các tổ chức nhân quyền quốc tế, nói rằng các cáo buộc dựa trên những thông tin không đúng và chưa kiểm chứng.
Việt Nam bị chỉ trích về vấn đề nhân quyền tại diễn đàn của Liên Hiệp Quốc
12/9/2024
Đại sứ Việt Nam tại LHQ Mai Phan Dũng phát biểu tại phiên thảo luận chung ngày 11/9.
RFA edited
Chính quyền Việt Nam bị chỉ trích tại một diễn đàn của Liên Hiệp Quốc về những đàn áp nhân quyền thời gian gần đây, tuy nhiên đại diện Việt Nam đã bác bỏ những cáo buộc này.
Tại phiên họp lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc diễn ra từ ngày 9 đến ngày 13/9, đại diện của Liên Hiệp Quốc và Liên hiệp Châu Âu (EU) đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền của Việt Nam.
Cao uỷ nhân quyền Liên Hiệp Quốc – ông Volker Turk hôm 9/9 phát biểu tại phiên khai mạc, bày tỏ lo ngại về việc đàn áp các quyền của người dân trên thế giới bao gồm các quyền tự do ngôn luận, lập hội, hội họp, tự do báo chí. Ông nhắc đến tên của Việt Nam trong số các nước có các hoạt động đàn áp.
Vào ngày 10/9, Đại diện thường trú của Liên hiệp Châu Âu (EU) tại Geneva – Đại sứ Lotte Knudsen – phát biểu tại diễn đàn của Liên Hiệp Quốc, bày tỏ “quan ngại sâu sắc về không gian ngày càng thu hẹp của xã hội dân sự ở Việt Nam và việc tiếp tục bắt giữ những người bảo vệ nhân quyền, các chuyên gia về quyền lao động và môi trường”.
Đại diện EU kêu gọi Việt Nam đảm bảo các quyền tự do ngôn luận và lập hội cơ bản được bảo vệ để xã hội dân sự có thể tự do tham gia vào mọi khía cạnh phát triển.
Vào ngày 11/9, tại phiên thảo luận chung, Đại sứ Việt Nam tại LHQ Mai Phan Dũng bác bỏ những cáo buộc của Cao ủy Nhân quyền LHQ và một số quốc gia khác về tình hình “vi phạm nhân quyền” ở Việt Nam.
Ông Dũng nói: “Chúng tôi muốn nhắc lại rằng những nhận xét của Cao ủy và của một số quốc gia và nhóm quốc gia liên quan đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam đều dựa trên những thông tin chưa được xác minh, độc hại và sai sự thật”.
The New York Times của Mỹ sẽ mở lại văn phòng ở Sài Gòn sau gần 50 năm
13/09/2024
VOA Tiếng Việt
Phóng viên Damien Cave sẽ giữ chức Trưởng Văn phòng Thường trú tại Việt Nam của báo The New York Times.
Báo The New York Times sẽ mở văn phòng thường trú tại Việt Nam vào tháng 10 tới, với trụ sở đặt tại thành phố Hồ Chí Minh, trong nỗ lực mở rộng phạm vi đưa tin toàn cầu và thúc đẩy nền báo chí độc lập trên thế giới.
Trong một bản tin hôm 12/9, Công ty The New York Times cho biết rằng Việt Nam từ lâu luôn đóng vai trò quan trọng trong những vấn đề toàn cầu. Tờ báo này từng đưa tin về Việt Nam trong những thời khắc quan trọng của lịch sử, từ khi bắt đầu chế độ thực dân Pháp cho đến những biến động của cuộc chiến tranh tại Việt Nam.
Văn phòng của The New York Times tại Việt Nam đóng cửa vào năm 1975 khi cuộc chiến tranh tại Việt Nam kết thúc. Kể từ đó, tờ báo này không có phóng viên toàn thời gian tại nước Việt Nam thống nhất.
“Tuy nhiên, một chương mới sẽ mở ra vào tháng 10 năm nay: Chúng tôi rất vui mừng thông báo The New York Times sẽ mở lại Văn phòng Thường trú tại Việt Nam”, công ty truyền thông đa phương tiện của Mỹ với hơn 170 tuổi đời loan tin hôm 12/9.
“Việc The New York Times trở lại Việt Nam là chỉ dấu về sự trỗi dậy của châu Á như trung tâm quyền lực quan trọng về kinh tế và chính trị”, công ty cho biết. “Điều này cũng thể hiện cam kết của Ban Tin tức Quốc tế The Times trong việc mở rộng phạm vi đưa tin toàn cầu và thúc đẩy nền báo chí độc lập trên thế giới”.
Hôm 5/9, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã trao giấy phép thành lập văn phòng thường trú tại Việt Nam cho ông Damien Cave, đại diện của báo The New York Times. Bà Hằng cho rằng việc mở văn phòng thường trú tại Việt Nam sẽ giúp The New York Times có thêm điều kiện thuận lợi để tiến hành các hoạt động báo chí, đưa nhiều tin bài sinh động hơn về Việt Nam và khu vực.
“Trong vai trò Trưởng Văn phòng Thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh (tên gọi khác là Sài Gòn), ông Damien Cave sẽ khám phá những câu chuyện về kinh tế, văn hóa và thách thức của một Việt Nam sôi động và đang phát triển thần tốc”, công ty này cho biết. Ông sẽ tiếp tục theo đuổi các tuyến bài về sự dịch chuyển cán cân quyền lực thế giới.
Được thành lập từ năm 1851, tờ The New York Times đã có mặt tại chỗ để tường thuật những câu chuyện từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có sự kiện chính quyền Sài gòn sụp đổ vào ngày 30/4/1975.
Cơ quan quản lý an toàn ô tô Mỹ mở cuộc điều tra một số xe VinFast
12/09/2024
Reuters
Một chiến ô tô điện VF 8 của VinFast tại một phòng trưng bày ở Santa Monica ở tiểu bang California của Mỹ. Một chiếc xe loại này có liên quan đến một vụ tai nạn ở California hồi đầu năm khiến 4 người thiệt mạng.
Cục Quản lý An toàn Giao thông Xa lộ Quốc gia Hoa Kỳ (NHTSA) đã mở cuộc điều tra sơ bộ đối với một số xe điện do hãng xe VinFast của Việt Nam sản xuất, theo thông báo đưa ra hôm 12/9, sau khi có báo cáo rằng Hệ thống hỗ trợ giữ làn đường không hoạt động đúng.
Cuộc điều tra đối với khoảng 3.118 xe VinFast diễn ra sau khi có cáo buộc được ghi trong 14 bản trình báo của những người lái các mẫu xe VinFast đời 2023 và 2024 rằng hệ thống “gặp khó khăn trong tìm làn đường trên đường, đưa vào thông tin không đúng để điều khiển vô lăng và người lái xe khó có thể giành quyền điều khiển”, NHTSA cho biết trong một tuyên bố.
Theo Văn phòng Điều tra Khiếm khuyết của NHTSA, cuộc đánh giá sơ bộ sẽ ước lượng phạm vi, tần suất và mức độ nghiêm trọng của vấn đề khả dĩ và tìm cách xác định xem có khiếm khuyết an toàn nào trong các xe được báo cáo hay không.
VinFast, vốn bắt đầu bán xe tại Hoa Kỳ vào năm 2023, cho biết họ đã biết về cuộc điều tra.
“VinFast sẽ hợp tác toàn diện với NHTSA trong suốt quá trình này… Chúng tôi rất nghiêm túc đối với mọi mối lo ngại về an toàn và sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình”, một tuyên bố của VinFast nói, thể hiện sự tin tưởng của công ty vào các chuẩn mực an toàn của mình.
Trước đó, NHTSA đã mở cuộc điều tra về vụ tai nạn vào ngày 24/4 liên quan đến mẫu xe điện VF 8 của VinFast ở Pleasanton, California, khiến bốn người tử vong.
Một khiếu nại được nộp lên cơ quan này vào ngày 29/4 cho biết hệ thống lái có thể là một nguyên nhân trong vụ tai nạn khiến một cặp vợ chồng cùng với hai đứa con 13 và 9 tuổi của họ thiệt mạng.
Thép chống ăn mòn của Việt Nam đối mặt với điều tra chống bán phá giá tại Mỹ
12/9/2024
Theo số liệu của Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC), năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 242 triệu USD sản phẩm bị cáo buộc sang Hoa Kỳ, chiếm khoảng 7% tổng thị phần xuất khẩu thép chống ăn mòn.
Bộ Công thương
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức nhận đơn khiếu nại về bán phá giá và trợ cấp đối với các sản phẩm thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam. Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công thương Việt Nam thông báo tin này hôm 11/9.
Việt Nam nằm trong số sáu quốc gia bị đề nghị điều tra lần này. Các nước khác bao gồm Canada, Mexico, Brazil, Australia, Nam Phi.
Theo Bộ Công thương, đây đều là các quốc gia thuộc top 10 nước xuất khẩu sản phẩm bị điều tra vào Hoa Kỳ, chiếm tới 75% kim ngạch nhập khẩu vào Hoa Kỳ năm 2023.
Việt Nam, Canada và Mexico bị đề nghị điều tra kép là chống bán phá giá và chống trợ cấp. Các quốc gia còn lại bị đề nghị điều tra chống bán phá giá.
Thời kỳ điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp đề xuất là năm 2023. Thời kỳ điều tra thiệt hại là ba năm (2021-2023).
Việt Nam là nước chịu biên độ chống bán phá giá cao nhất, lên tới 158,83%.
Theo số liệu của Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC), năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 242 triệu USD sản phẩm bị cáo buộc sang Hoa Kỳ, chiếm khoảng 7% tổng thị phần xuất khẩu thép chống ăn mòn.
Việc Việt Nam chưa được Hoa Kỳ công nhận là nước có nền kinh tế thị trường cũng khiến các mặt hàng Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Thế lực thù địch – hay chút kinh nghiệm cho những nhà bị ngập lụt
Nguyễn Thông
13-9-2024
Không phải chỉ những nhà ven sông khi lũ lớn, nước lên cao tràn vào mới bị ngập, mà ngay cả rất nhiều nhà trong thành phố, nhà vùng nông thôn do mưa lớn, nước không thoát kịp (hoặc không có chỗ thoát) cũng gây ngập lụt.
Nhiều khi, do mưa quá lớn, nước đầy nhanh, tràn vào nhanh nên chủ nhà ứng phó không xuể, không kịp chuyển đồ đạc lên chỗ cao hơn. Thường những thứ đồ điện, đồ quý giá, đồ nhỏ được ưu tiên di dời, chứ đồ lớn như giường, tủ, bàn ghế, salon, nhìn chung là đồ gỗ, phải chịu nạn, ngâm trong nước. Bọn mọt chỉ chờ có thế. Chúng rất khoái món gỗ ngâm nước.
Cách nay dăm năm, khu nhà tôi hứng chịu cơn mưa khủng khiếp, mưa lớn, kéo dài. Lại trúng lúc triều cường. Cốt nền thấp (cha bố bọn chủ dự án), vốn vùng trũng, nguyên trước kia là ruộng, nên nước tràn vào nhà. Mải cứu đồ đạc, quên mất cái tủ sách rõ to chứa cả nghìn cuốn sách. Nguyên hàng dưới cùng, trong đó có mấy chục cuốn sách quý, có cuốn đã 5 – 7 chục tuổi, ngậm nước, hỏng sạch. Mưa ròng rã cả tuần, chẳng thể phơi, kêu bà ve chai bả còn lắc đầu không thèm, đành rục bỏ. Tiếc đứt ruột. Căm tên Trời, không biết nó họ gì để tìm báo thù.
Nhưng chưa dừng ở đó. Khi khô ráo rồi, làm vệ sinh tủ sách, xếp đặt lại, gia chủ cứ nghĩ thế là xong, xoa tay, giờ thằng giặc nước mà còn kéo vào, ông cứ ưu tiên tủ sách trước, còn đám tivi kệ bà nó, hay ho gì mấy cái chương trình vớ vẩn đài mậu dịch.
Điều không ngờ lại chính là thù trong chứ không phải giặc ngoài. Bọn mọt. Mấy tháng sau, tự dưng thấy nền dưới hông tủ một đống cứt mọt. Thiên hạ cứ gọi thành cứt mọt, chả hiểu có đúng không, hay nó chỉ là những vụn gỗ nhỏ li ti bằng đầu cái kim do đám mọt ăn gỗ đùn ra.
Hồi tôi còn bé, bọn mọt ăn cả cột kèo, rui mè, xà ngang xà dọc trên mái nhà. Chúng ăn suốt đêm suốt ngày, bao giờ rỗng thì thôi. Giặc mọt nhiều đến nỗi tiếng nghiến răng gặm gỗ của nó cọt kẹt cọt kẹt suốt ngày đêm, đêm nghe càng rõ, nghe như từ cõi xa vọng về, rất kinh.
Mà không làm gì được nó. Chả nhẽ đốt nhà. Thời đó không có thứ thuốc gì phun trị mọt. Anh tôi lấy thuốc trừ sâu DDT, 666, Vofatoc bôi vào, nó rút cố thủ bên trong, nhạt thuốc lại mò ra, cứ như bên trong có địa đạo, mộc đạo vậy. Thày tôi bảo lấy dầu hỏa xức cho nó, cũng không ăn thua, mà cả nhà thì suýt say dầu hỏa, say Vofatoc. Về sau làm nhà mới thì thoát nợ. Nỗi ám ảnh mọt hằn mãi tới giờ. Câu thành ngữ “mọt dân hại nước” có nhẽ bắt đầu từ con này chăng.
Lại nói cái tủ sách. Mua năm 2014, khi đó còn đi làm, có tí tiền, chứ không nghèo bền vững như bây giờ, những 7 triệu đồng, bằng mấy chỉ vàng. Gỗ công nghiệp được xử lý chống mối mọt (lão bán hàng cam đoan thế), dùng suốt mấy năm không nghe nghiến răng âm thanh cọt kẹt gì. Chỉ sau trận ngập, nó thành tổ mọt. Hỏi ông thợ mộc, ổng bảo gỗ bị ngập nước là món khoái khẩu của chúng; đừng hỏi chúng nó ở đâu ra; nó có mặt khắp trong nhà, cứ có gỗ, tre, sách thì tự dưng có. Trời sinh ra vậy.
Con mọt là con sâu, chỉ bé bằng đầu cái tăm, dài khoảng nửa centimet, thân mềm, to bằng con mọt gạo. Có hôm tôi rình nó ra đùn cứt, bắt được 1 thằng. Trông mày thế kia, chẳng thấy răng đâu, mà cắn được gỗ cứng. Tôi tức mình lôi xềnh xệch đương sự ra phơi nắng trên gạch nóng, một lúc thì y tắc tử. Chưa hả giận, người bị hại còn bật quẹt ga đốt nó thành than.
Nhưng vợ chồng con cái nó chắc vẫn còn. Chả biết trong mộc đạo ấy nó “sinh hoạt” thế nào mà đẻ nhanh vậy. Lại không hề có nước uống, chỉ xơi món gỗ nhưng vẫn sống nhăn, béo mập. Thiên hạ nói rằng nước là nguồn gốc của sự sống, xưa tôi tin sái cổ, giờ thì không tin, bằng chứng là đồng chí mọt. Con tôi thì bảo, nó “uống” nước trong không khí, bố ạ.
Tôi mua bình xịt mối mọt Raid có hương hoa oải hương/ lavender về xịt, cũng chỉ bớt phần nào. Bắt chước thày dùng dầu hỏa, tôi mua kim chích (mà bọn xì ke hay dùng) hút dầu, bơm sâu vào, chúng cũng chợn chút chút, sau thỉnh thoảng vẫn mò ra… ỉa. Định mua xăng RON95 phun vào rồi bật lửa đốt, có mà chạy đằng giời, nhưng lại sợ cháy âm ỉ trong đó thì bỏ bà. Chả hiểu giời xui đất khiến thế nào, hay thần nhân mách bảo, tôi lấy ớt tươi dí vào lỗ mọt, cứ dí dí cho nước ớt đậm đặc ngấm vào địa đạo. Thế lực thù địch tịt hẳn. Tạ ơn giời đất, cảm ơn ngài Nguyễn Văn Ớt.
Cái tủ ấy, chất đầy sách, chắc nặng vài tạ sách, để áp sát tường. Cứ tưởng có thiên địch ớt thì mọt toi, ai ngờ vẫn còn vài tên trong phần gỗ lưng tủ chưa bị xử, vẫn đùn cứt ra. Dỡ sách để lôi tủ khỏi vách thì hơi ngại bởi mất nhiều công sức, hiện bỉ nhân chưa biết làm thế nào. Nhưng sớm muộn cũng phải trị, đãi chúng bữa ớt tươi, không thì có ngày rỗng tủ lẫn sách (bởi sách cũng từ gỗ mà ra).
Vậy nhà nào bị ngập đồ gỗ trong bão Yoga, quên, Yagi, thế nào mọt cũng đến hỏi thăm sức khỏe, thì nhớ lưu ý món ớt nha. Hiệu nghiệm.
Người dân bức xúc về công tác cứu trợ lũ lụt
13/9/2024
Dân Trần
(VNTB) – Năm nào cũng có bão lũ thiên tai khắp cả nước, nhưng Việt Nam vẫn bó tay vì không thể rút kinh nghiệm
Có thể nói những khi thiên tai dịch bệnh là lúc người dân cần các hoạt động cứu trợ của nhà chức trách nhất và cũng là lúc thấy rõ cách làm việc của hệ thống chính trị Việt Nam nhất. Nhưng đó cũng là lúc mà người dân thất vọng nhất về đảng cộng sản cầm quyền.
Trên Facebook Diệu Hoa, một người dân ở Yên Bái có bài viết mang tên “Thực sự thất vọng về công tác cứu trợ”. Chị này viết: “Bước sáng ngày thứ 3 của mưa lũ, chưa thấy 1 chiếc Cano nào đến cứu trợ, không 1 tiếng loa động viên hay phát lương thực cho bà con”.
Vợ chồng chị Hoa có 3 con, bố chị Hoa 70 tuổi, vừa xuất viện được 5 ngày. Gia đình bị lũ cuốn hết toàn bộ gạo miến đường mắm muối, cũng chẳng còn nước sạch để uống…
“Thấy hàng xóm bảo đầu cầu Cổ Phúc có tiếp trợ, chồng và em chú lội bùn rồi bơi quãng đường gần 2km để lên cầu. Đến nơi rất nhiều lều tập kết thực phẩm, xuồng sẵn sàng trên thùng xe nhưng khi đến thì không phát. Vì lý do chờ tổ trưởng tổ dân phố lên đưa danh sách mới phát. Do có nhiều người dân đã lên lấy 4-5 lần, thậm chí 9 lần – chưa hiểu thông báo trên kênh nào mà mình và hàng xóm chỗ mình không biết”.
Chị mô tả rằng mặc dù có nhiều xuồng tại điểm tập kết, nhưng nhà chức trách không cho hạ xuống để đưa xuồng đi vào sâu trong lòng thị trấn hỗ trợ người dân.
Chị viết tiếp: “Chồng mình bức xúc quá trình bày hoàn cảnh em 3 đứa con với ông già yếu vừa ra viện cần thì mới phải đi bộ và bơi 2km để lên đây mà không phát. Thì vẫn không được. Chồng mình găng lên hỏi ai là chỉ huy cao nhất ở khu vực này thì là chú Hải – Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện. Thấy là người quen chú bảo vào đi. Vào trong lều tiếp trợ thì người ta bảo chồng mình bình tĩnh, sao căng thế, anh bị đói quá à?”
Cuối cùng, thì nhà chị được 1 can nước 15 lít, 1 lốc nước Dasani, 1 bịch bỉm, 1 thùng mỳ tôm. Chị kết luận rằng “Thực sự biết ơn tấm lòng của các đoàn cứu trợ. Nhưng chờ đến khi phân bổ được đến những người dân ở trong ngõ như mình thì chắc là người dân đã kiệt sức vì cạn kiệt lương thực”.
Tính chất bài viết quá chân thật, có ảnh hưởng mạnh tới hình ảnh bộ máy cầm quyền, nhận được hàng trăm lượt chia sẻ và hàng ngàn lượt like. Có lẽ vì vậy mà chị đã buộc phải xóa sau một ngày đăng bài. Dĩ nhiên, không loại trừ việc chị bị áp lực từ phía nhà cầm quyền. Chưa biết phía nhà nước có xử phạt chị như nhiều trường hợp nói lên sự thật khác hay không. Nhưng bài viết của chị đã nói lên một phần về sự chậm trễ, tắc trách trong việc cứu trợ người dân của nhà nước.
Nói về tiền cứu trợ, chưa kể tới các nguồn quỹ do dân đóng góp, mà Nhà nước vẫn có các quỹ khẩn cấp dành riêng cho thiên tai. Nhưng mỗi khi bão lũ diễn ra là dân lại phải chịu cảnh đói khổ, thiếu thốn lương thực. Ngoài ra thì cũng không thấy quân đội, công an điều động trực thăng, tàu thuyền cứu hộ khẩn cấp. Người dân chỉ thấy trực thăng trong các buổi diễn tập…
Một điều chắc chắn rằng Việt Nam sẽ không bao giờ hết bão lũ. Thứ chúng ta có thể chuẩn bị đó là những phương án xử lý nhanh chóng, những biện pháp phòng chống thiên tai khẩn cấp. Những nước như Nhật Bản, Đài Loan cũng thường xuyên chịu thiên tai, mưa bão, động đất, sóng thần mà nhưng họ vẫn giảm thiểu được thiệt hại và phản ứng nhanh chóng được. Còn Việt Nam, năm nào cũng có bão lũ, nhưng tại sao chẳng thể rút kinh nghiệm được? Chẳng lẽ sợi dây kinh nghiệm ở Việt Nam dài hơn các nước khác hay sao?
Tổn thất lịch sử của ngành bảo hiểm VN: Bồi thường hàng ngàn tỷ đồng do bão Yagi
Rất nhiều ô tô tại TP. Thái Nguyên đã bị ngập hoàn toàn qua nóc khi nước lũ lên cao, ngày 9/9/2024. (Ảnh: Otofun/Facebook)
Theo ước tính sơ bộ của một số công ty bảo hiểm lớn, số tiền bồi thường do thiệt hại về người và tài sản sau bão Yagi đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng và vẫn tiếp tục tăng lên. Hiện tại, các công ty bảo hiểm đang huy động nhân lực khẩn trương giám định thiệt hại để chi trả bồi thường cho khách hàng.
Ở mảng bảo hiểm phi nhân thọ, theo cập nhật của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, tính tới chiều ngày 11/9, các doanh nghiệp đã tiếp nhận được khoảng hơn 3.200 vụ tổn thất của khách hàng thiệt hại do bão Yagi gây ra.
Giữ thị phần lớn nhất mảng bảo hiểm phi nhân thọ, Bảo hiểm PVI cho biết, tính đến chiều 11/9, công ty ghi nhận hơn 500 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản.
Ước tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 2.000 tỷ đồng (không bao gồm tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người).
PVI cho biết đây có thể là tổn thất lịch sử không mong muốn của ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung và Bảo hiểm PVI nói riêng. Tuy nhiên, với tiềm lực tài chính lớn, dự phòng đầy đủ, kinh nghiệm xử lý tổn thất, Bảo hiểm PVI khẳng định, vẫn sẽ đảm bảo quyền lợi tối đa cho khách hàng với thời gian nhanh nhất.
Công ty cũng lưu ý với khách hàng, ngay sau khi xảy ra sự cố, thông báo cho công ty bảo hiểm qua điện thoại, email, hoặc các kênh liên lạc chính thức phù hợp các thông tin ban đầu như địa điểm xảy ra sự cố, mô tả ngắn gọn về thiệt hại; ảnh chụp hiện trường thiệt hại ban đầu (nếu có).
Bảo hiểm Bảo Việt là công ty bảo hiểm có mức bồi thường thiệt hại lớn thứ hai cho đến thời điểm hiện tại. Tính đến sáng 10/9, Bảo hiểm Bảo Việt đã ghi nhận tổng cộng 437 vụ yêu cầu bồi thường liên quan đến cơn bão số 3. Chủ yếu liên quan đến các loại hình tổn thất về người, tài sản (xe ô tô, nhà tư nhân, công trình xây dựng, nhà xưởng, kho bãi, máy móc thiết bị, cầu cảng và hàng hóa). Tổng giá trị bồi thường lên tới gần 385 tỷ đồng.
Thống kê sơ bộ đến ngày 11/9, Công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC) ghi nhận khoảng 900 vụ tổn thất bao gồm nghiệp vụ tài sản, xe cơ giới và hàng hải, ước tính tổng bồi thường 230 tỷ đồng. Hiện số liệu vẫn đang tiếp tục được cập nhật.
Trong khi đó, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC), đã ghi nhận gần 500 vụ tổn thất tính đến sáng ngày 10/9, trong đó có 16 vụ tổn thất về bảo hiểm hàng hải, hơn 250 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản kỹ thuật, hơn 180 vụ tổn thất bảo hiểm xe cơ giới. Tổng số tiền bồi thường ước tính gần 200 tỷ đồng. Số liệu thiệt hại đang được BIC tiếp tục cập nhật.
Bảo hiểm PJICO cho biết đã tiếp nhận trên 500 vụ tổn thất liên quan tới các nghiệp vụ xe cơ giới, tài sản, hàng hải… ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Đối với các địa bàn đang ngập sâu trong lũ như Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang… số liệu về thiệt hại vẫn chưa thể thống kê đầy đủ.
Bảo hiểm BSH cũng ghi khoảng 120 vụ tổn thất về tài sản – kỹ thuật – hàng hải, hơn 250 vụ tổn thất về xe cơ giới; nghiệp vụ bảo hiểm con người ghi nhận 1 trường hợp tử vong và 6 người bị mất tích sau cơn bão Yagi, tính đến 8/9.
Bảo hiểm VNI đã tư vấn, hỗ trợ cho hơn 200 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản kỹ thuật, hàng hóa, tàu thuyền (chưa bao gồm bảo hiểm xe cơ giới và con người).
Nhiều doanh nghiệp khác cũng đã ghi nhận hàng trăm vụ tổn thất, ước tính số tiền bồi thường lên đến hàng trăm tỷ đồng và vẫn đang tiếp tục tăng lên gồm: Bảo hiểm Vietinbank, PTI, Bảo hiểm ABIC…
Ở mảng bảo hiểm nhân thọ, theo số liệu tổng hợp tại 6 doanh nghiệp, có 15 vụ, 15 người thương vong và số tiền ước chi trả và hỗ trợ ban đầu khoảng 9,72 tỷ đồng.
Công ty bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam tính đến 13h30 ngày 9/9 đã ghi nhận có 5 khách hàng đã tử vong do bão số 3 gây ra. Trong đó có 4 khách hàng tại Hải Dương và 1 khách hàng tại Quảng Ninh. Tổng quyền lợi bảo hiểm của 5 khách hàng này tại AIA Việt Nam khoảng 6,5 tỷ đồng.
Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam cũng xác định có 6 nạn nhân tử vong trong vụ sạt lở ở Yên Bái là khách hàng của doanh nghiệp. Số tiền ước tính chi trả là 2,7 tỷ đồng. Dai-ichi cũng đang tiếp tục theo dõi tình hình và thu thập thông tin về các nạn nhân để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Công ty bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam ghi nhận 1 vụ tổn thất do bão số 3 gây ra, với số tiền ước tính chi trả khoảng 260 triệu đồng.
Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ ghi nhận 1 vụ do lũ lụt ở các tỉnh miền núi phía Bắc gây ra, với số tiền ước tính chi trả khoảng 210 triệu đồng.
Bảo hiểm Generali thống kê có một vụ do bão số 3 với số tiền ước tính chi trả khoảng 20 triệu đồng.
Công ty bảo hiểm nhân thọ Cathay cũng ghi nhận 1 vụ tổn thất với số tiền ước tính chi trả khoảng 30 triệu đồng.
Tuy nhiên, đây mới là số tiền công ty hỗ trợ ban đầu khi nghe tin khách hàng nằm viện, nên số tiền chi trả cụ thể tùy thuộc vào hồ sơ khách hàng nộp liên quan đến chi phí.
Đại diện các công ty bảo hiểm cho biết đã huy động tối đa nhân lực bám trụ hiện trường để hỗ trợ rà soát, thống kê thiệt hại của khách hàng. Bộ phận chuyên môn trực 24/24 để sẵn sàng tiếp nhận và xử lý hồ sơ tổn thất.
Phan Vũ
Việt Nam dẫn đầu thế giới về tiêu thụ mì ăn liền
13/9/2024
8,1 tỷ gói mì đã được tiêu thụ tại Việt Nam trong năm 2023, tăng 49% so với năm 2019. Tính bình quân đầu người, Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu thế giới về tiêu thụ mì ăn liền với 83 gói/người/năm, tăng từ mức 57 gói/người/năm vào hồi 2019.
40% thị trường mì ăn liền Việt Nam thuộc về “ông lớn” Nhật Bản
Trong số 8,1 tỷ gói mì được tiêu thụ tại Việt Nam trong năm 2023, Acecook – ông lớn sản xuất mì Nhật Bản, đã chiếm tới 3,3 tỷ gói, tương đương khoảng 40% thị phần. Acecook đang dẫn đầu thị trường mì gói Việt Nam nhờ bề dày kinh nghiệm cùng danh mục sản phẩm đa dạng, phù hợp với nhiều thành phần.
Hảo Hảo – một sản phẩm quá đỗi thân quen với người tiêu dùng Việt Nam cũng là thương hiệu nổi tiếng của Acecook. Đây là loại mì luôn nằm trong top bán chạy nhất nhờ mức giá thấp, chỉ khoảng 4.500 đồng/gói, vị chua chua ngọt ngọt dễ ăn.
Có những thời điểm như đợt phong tỏa để chống dịch COVID-19 hay gần nhất là mấy ngày qua khi người dân Hà Nội lo tích trữ thực phẩm để chống lụt, Hảo Hảo thường xuyên “cháy” hàng.
Gần đây, để tăng sức cạnh tranh, Acecook đã tung ra nhiều sản phẩm cao cấp hơn, có giá từ 5.000 – 15.000 đồng/gói với hương vị khác biệt, nguyên liệu đắt tiền hơn, nhiều topping hơn và bán cũng khá chạy.
Acecook Việt Nam cho biết năm nay, sức tiêu thụ các sản phẩm cao cấp của công ty khá tốt với doanh số tăng từ 30 – 50% so với năm trước.
Theo Báo cáo “Dấu chân Thương hiệu Việt Nam 2024” do Kantar Worldpanel thực hiện công bố hồi tháng 7/2024, Acecook Việt Nam đạt TOP 5 Nhà sản xuất ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) được chọn mua nhiều nhất ở khu vực Nông thôn Việt Nam & Hảo Hảo đạt TOP 1 Thương hiệu ngành hàng Thực phẩm được chọn mua nhiều nhất khu vực thành thị Việt Nam.
Gia nhập thị trường Việt Nam từ những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, Acecook đã nhanh chóng phát triển và chiếm giữ thị phần. Công ty hiện có 13 nhà máy trong nước, bao gồm cả các cơ sở đối tác. Acecook dự kiến sẽ đưa thêm 2 nhà máy vào hoạt động trước năm 2027.
Masan và chiến lược cao cấp hóa sản phẩm
Tuy đang chiếm giữ thị phần lớn trên thị trường mì gói Việt Nam, Acecook không thể không dè chừng một đối thủ cạnh tranh đang vươn lên mạnh mẽ với chiến lược cao cấp hóa sản phẩm, đó là Masan Cosumer.
Các sản phẩm mì khoai tây Omachi hay Kokomi đang dần chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Theo đại diện Masan Consumer, Công ty đang tập trung phát triển dòng sản phẩm cao cấp hơn.
Mới đây, các sản phẩm lẩu Omachi tự sôi của Masan đã gây sự chú ý của người tiêu dùng, dù mức giá không hề rẻ, trên 100.000 đồng/hộp. Điểm đặc biệt của các sản phẩm lẩu này là chúng được đựng trong bao bì tự đun sôi, không cần nguồn nhiệt bên ngoài, tiện cho các buổi dã ngoại ngoài trời với bữa ăn vẫn đủ dinh dưỡng. Masan cho rằng, với sản phẩm lẩu tự sôi, họ đã nâng tầm trải nghiệm mì ăn liền, mang đến bữa ăn “vừa ngon vừa thú vị”.
Chiến lược của Masan là cố gắng thay đổi định kiến của người tiêu dùng về mì ăn liền vốn coi đây là sản phẩm không tốt cho sức khỏe, đặc biệt nhắm tới những khách hàng có thói quen ăn ngoài.
“Việt Nam sẽ trở thành trung tâm xuất khẩu của tập đoàn”
Đây là khẳng định của Tổng Giám đốc Acecook Việt Nam, ông Hiroki Kaneda.
Theo nhận định của Nikkei, kể từ sau đại dịch COVID-19, người Việt Nam ngày càng ưa chuộng mì ăn liền. Hiện nay, dù đã qua dịch COVID, nhưng kinh tế chưa qua thời khó khăn, người tiêu dùng vẫn phải thắt chặt chi tiêu. “Do lạm phát, mì ăn liền trở thành một lựa chọn vừa túi tiền mà vẫn đảm bảo bữa ăn ngon miệng”, ông Hiroki Kaneda, Tổng giám đốc Acecook Việt Nam, cho biết.
Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới cho biết tổng tiêu thụ mì ăn liền toàn cầu đạt 120,2 tỷ gói vào năm 2023, tăng 13% so với năm 2019. Trong số 10 quốc gia tiêu thụ mì hàng đầu thế giới, Đông Nam Á có tới 4 quốc gia và khu vực nảy trở thành động lực chính thúc đẩy thị trường mì toàn cầu.
Năm 2023, lượng tiêu thụ mì ăn liền tại Đông Nam Á đạt 34 tỷ gói, tăng 22% so với năm 2019 và chiếm khoảng 30% tổng lượng tiêu thụ toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, 8,1 tỷ gói mì được tiêu thụ trong năm ngoái, tăng 49% so với năm 2019.
Tính bình quân đầu người, Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu thế giới về tiêu thụ mì ăn liền với 83 gói/người/năm, tăng từ mức 57 gói/người/năm vào hồi 2019. Tổng giám đốc Acecook Việt Nam nhận định: “Mức tiêu thụ mì ăn liền của Việt Nam sẽ vượt 10 tỷ gói mỗi năm vào năm 2030”.
Để đáp ứng nhu cầu mì ăn liền ngày càng tăng trên toàn thế giới, Acecook hiện đẩy mạnh xuất khẩu mì ăn liền Hảo Hảo và phở sang khoảng 40 quốc gia. Tổng giám đốc Acecook Việt Nam khẳng định: “Việt Nam sẽ trở thành trung tâm xuất khẩu của tập đoàn”.
Phan Vũ