Quê Hương tổng hợp
Việt Nam lên kế hoạch cải cách công đoàn, công ty nước ngoài lo lắng
Nguồn hình ảnh, Reuters
Chụp lại hình ảnh,
Việt Nam vẫn chưa có tổ chức công đoàn độc lập
Việt Nam dự kiến sẽ phê chuẩn trong năm nay công ước của Liên Hợp Quốc về tự do thành lập công đoàn, trong một động thái nhằm giảm thiểu rủi ro tranh chấp thương mại.
Tuy nhiên, động thái trên có thể khiến một số công ty nước ngoài cảm thấy bất an, Reuters dẫn giới chức và nhà ngoại giao của Liên Hợp Quốc cho biết.
Việc phê chuẩn đã bị trì hoãn từ lâu này sẽ là một bước đi chính thức quan trọng tại quốc gia độc đảng – nơi công đoàn cấp quốc gia duy nhất nằm trong cơ cấu hoạt động của Đảng Cộng sản.
Hiện vẫn chưa rõ công ước sẽ được áp dụng thực tế như thế nào và khi nào sau khi được phê chuẩn.
Việt Nam, được coi là trung tâm sản xuất của Đông Nam Á, nơi đặt nhà máy của các tập đoàn quốc tế như Samsung Electronics, Intel, Foxconn và Canon, phụ thuộc rất nhiều vào thương mại. Kim ngạch thương mại của Việt Nam năm ngoái vượt hơn 160% giá trị của nền kinh tế trị giá 415 tỷ USD này.
Cần phải áp dụng các tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc về quyền của người lao động để tránh tranh chấp về “bán phá giá”, tức là hành vi cạnh tranh không công bằng của quốc gia này với các quốc gia khác về chi phí lao động, theo các thỏa thuận thương mại trị giá hàng tỷ đô la với Liên minh châu Âu và các đối tác Thái Bình Dương.
Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam, cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm về quyền lao động, nói với Reuters: “Chúng tôi tin tưởng Việt Nam cam kết phê chuẩn Công ước 87 càng sớm càng tốt.”
Công ước 87 về “quyền tự do hiệp hội và bảo vệ quyền tổ chức” được thông qua năm 1948 và là một trong những văn bản cơ bản bảo vệ quyền của người lao động trên toàn thế giới.
Theo một nhà ngoại giao ở Hà Nội, trong cuộc gặp với các chuyên gia nước ngoài vào tháng 12, các quan chức Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam cho biết việc phê chuẩn công ước dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10/2024. Các nhà ngoại giao khác đã xác nhận kế hoạch phê chuẩn trong năm nay.
Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, công đoàn cấp quốc gia duy nhất của nước này, không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Sau một thập kỷ đàm phán, Quốc hội Việt Nam dự kiến phê chuẩn công ước này vào năm ngoái, ngay trước khi hết thời hạn đã thỏa thuận vào tháng 1/2024 với Canada. Về mặt lý thuyết, Canada sẽ có thêm cơ sở, dựa vào việc lỡ hẹn này, để tìm kiếm các biện pháp trừng phạt Việt Nam theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Một người phát ngôn của Chính phủ Canada cho biết nước này đang xem xét một đơn khiếu nại về việc liệu luật về lao động của Việt Nam có tuân thủ các nghĩa vụ của CPTPP về quyền của người lao động hay không. Canada có kim ngạch thương mại trị giá hơn 10 tỷ USD với Việt Nam,
Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier cho biết EU, vốn có kim ngạch thương mại song phương với Hà Nội lên tới gần 65 tỷ USD vào năm 2022, coi việc phê chuẩn Công ước 87 và việc sửa đổi các luật liên quan là “rất quan trọng” để tuân thủ các hiệp định hiện có.
Một số công ty ‘không vui’?
Nguồn hình ảnh, Reuters
Chụp lại hình ảnh,
Việc Việt Nam ký công ước Liên Hợp Quốc có thể khiến các công ty lo lắng
Tuy nhiên, “nếu việc phê chuẩn mang lại nhiều quyền lực thực sự hơn cho công đoàn, một số công ty có thể không hài lòng”, ông Nguyễn Hùng, chuyên gia về chuỗi cung ứng tại Đại học RMIT Việt Nam, nói với Reuters.
Ông Hùng cảnh báo rằng điều đó có thể ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài, bao gồm cả từ Samsung, nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.
Theo bài phát biểu năm 2016 của cựu Phó Giám đốc Samsung tại Việt Nam, Bang Hyun-woo, quyền tự do thành lập công đoàn sẽ “dẫn đến sự gia tăng các công đoàn một cách vô trật tự và làm xấu đi các mối quan hệ lao động”. Trong bài phát biểu, ông Bang nói quan điểm ông không phản ánh quan điểm của Samsung.
Samsung từ chối bình luận về khả năng Việt Nam phê chuẩn công ước và liệu điều đó có thể thay đổi kế hoạch đầu tư của họ hay không.
Việt Nam cũng sẽ tăng 6% mức lương tối thiểu trong lĩnh vực kinh doanh vào tháng Bảy, sau các đợt tăng khác trước đây. Thuế đánh vào các công ty đa quốc gia cũng sẽ tăng kể từ năm nay theo một thỏa thuận thuế toàn cầu mới.
Vivie Wei, người đứng đầu công ty tư vấn đầu tư Dezan Shira & Associates tại Việt Nam, cho biết bà nhận thấy không có tác động đáng kể nào đến lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài từ việc tăng cường quyền công đoàn hay tăng lương.
Bà nói, Việt Nam “không tự coi mình là lựa chọn rẻ nhất” nhưng vẫn có thể thu hút đầu tư ngay cả sau khi mức lương gần đây tăng.
Điện gió Hải Anh ký hợp đồng với Electric Wind Power của Trung Quốc
RFA
26/02/2024
Lễ động thổ xây dựng dự án Nhà máy điện gió Hải Anh.
Báo Năng lượng Việt Nam
Dự án Điện gió Hải Anh ở tỉnh Quảng Trị, Việt Nam vừa ký thỏa thuận với nhà sản xuất Electric Wind Power, một chi nhánh của Shanghai Electric, Trung Quốc. Mạng báo greentechlead loan tin ngày 25/2.
Thỏa thuận vừa ký kết được cho biết đó là củng cố hỗ trợ của Electric Wind Power cho Sáng kiến Vành Đai- Con Đường của chính phủ Trung Quốc.
Theo thỏa thuận dự kiến đến cuối tháng 3/2024, số hàng đầu tiên của Electric Wind Power sẽ được giao cho Hải Anh, và đến tháng 6/2024 những turbine điện gió của Electric Wind Power sẽ đến Quảng Trị giao cho Hải Anh. Hoạt động lắp đặt các turbine và đấu nối vảo lưới điện của Dự án Điện gió Hải Anh sẽ được hoàn tất dự kiến vào tháng 11/2024.
Dự án Điện gió Hải Anh được khởi công ngày 20/12/2023 và có quy mô công suất 40MW do Công ty Cổ phần Phong điện Hải Anh- Quảng Trị làm chủ đầu tư.
Dự án được xây dựng tại xã Hướng Phùng, xã Tân Thành và thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa trên diện tích hơn 855 ha.
Tại huyện miền núi này của tỉnh Quảng Trị hiện đang có 31 dự án điện gió được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt với tổng công suất hơn 1.177MW. Trong số này có 19 dự án với công suất phát điện thương mại trên 671MW đã hoàn thành, đưa vào vận hành.
Nguyễn Thông – Các nhà ngôn ngữ học ơi ời, bận ngủ hở
(Kỳ 1)
27/02/2024
Đành rằng ngôn ngữ (trong đó có tiếng Việt) luôn vận động, phát triển, đổi thay, mỗi thời mỗi khác (như ông hàng xóm nhà tôi bẩu, chế độ còn thay đổi được, huống chi ngôn ngữ) nhưng không phải cứ đổi lung tung xòe, loạn cào cào như xứ ta thời nay rồi biện bạch là phát triển.
Ngày xưa, cụ thể là thời phong kiến, rồi kế tiếp là thời thuộc Pháp, ngôn ngữ được dùng rất chuẩn mực, mọi cách tân, thay đổi đều phải hết sức hợp lý, có cơ sở thì mới được chấp nhận. Ngôn ngữ đã đạt được sự trong sáng, chính xác, chuẩn, cả cộng đồng thừa nhận.
Thời ấy, những người trong bộ máy cầm quyền hầu hết đều học hành bài bản, trình độ cao, nắm chắc ngôn ngữ. Họ viết một chữ, dùng một từ, đặt một câu, diễn đạt một ý… đều rất cân nhắc. Rồi những người sống bằng việc sử dụng ngôn ngữ, như nhà báo, nhà văn đều là tấm gương về sự chuẩn mực dùng tiếng Việt mặc dù họ thông thạo chữ Hán hoặc tiếng Pháp, tiếng Anh. Không cần phải ai đó kêu gào “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, gần như mọi người, kể cả người học nhiều lẫn học ít, đều tự ý thức về việc bảo vệ ngôn ngữ cho trong sáng, chuẩn xác.
Còn bây giờ thì khác. Tiếng Việt đang bị người ta làm cho nó méo mó, biến dạng, hỏng. Thủ phạm rất đa dạng, đông đảo, kể từ bộ máy cai trị trung ương trở xuống, rồi báo đài, trường học, cả mạng xã hội nữa. Thôi thì tùm lum tà la, mạnh ai nấy dùng, mạnh ai nấy đặt, sư nói sư phải vãi nói vãi hay, chả mèo nào chịu mỉu nào. Và rất lạ, xứ này có cả viện ngôn ngữ, hội ngôn ngữ học, rất nhiều giáo sư tiến sĩ về ngôn ngữ, nhưng không biết họ bận gì, chỉ biết họ kệ cho ngôn ngữ như cái chợ giời. Tôi xin đưa ra vài ví dụ, mà ông hàng xóm nhà tôi bảo là dạng “hiếp dâm tiếng Việt”. Đó là mấy từ “ga, cảng, bến, sân bay” bị “hiếp”.
– Ga: Theo “Từ điển tiếng Việt” (của Viện Ngôn ngữ, do GS Hoàng Phê chủ biên, 1996) thì ga chỉ các công trình kiến trúc, nơi để hành khách đi/đến bằng xe lửa, xe điện, tàu điện, máy bay cho các tuyến đường bộ, đường bay.
Ví dụ ga xe lửa, ga tàu điện ngầm, ga hành khách sân bay Tân Sơn Nhất… Những ga nhỏ xe lửa ít dừng thì gọi là ga xép. Truyện “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam viết rất cảm động về mấy chị em con nhà nghèo ở một ga xép tuyến đường xe lửa từ Hà Nội về Hải Phòng, cụ thể là ga Cẩm Giàng, nơi hiện còn di tích của Tự Lực văn đoàn. Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh có tập thơ rất hay tên gọi “Sân ga chiều em đi”. Phim Liên Xô “Sân ga chỉ có hai người”. Nguyễn Bính nổi tiếng với “Những bóng người trên sân ga”… Ga Hàng Cỏ tới nay vẫn còn hằn trong ký ức nhiều người ở miền Bắc (nói thêm, cái tên hay thế, dễ thương, gần gũi thế, mà chúng nó bỏ, thay bằng cái tên sách vở, chuồi chuội. Tên Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội cũng vậy, đứa náo quyết định bỏ cần lôi ra phết nát đít cho chừa). Nói chung, ga không để chỉ những chỗ có nước, trừ nước mắt.
Nguyễn Thông – Các nhà ngôn ngữ học ơi ời, bận ngủ hở
(Kỳ 2)
Tiếp theo kỳ 1
– Cảng: Cũng theo từ điển Hoàng Phê, là nơi công trình cho tàu thuyền, ghe, ca nô ra vào neo đậu xếp dỡ hàng hóa hoặc hành khách lên xuống.
Cảng là từ chỉ chỗ dùng của các loại phương tiện giao thông thủy. Nơi có nước mới là cảng, chẳng hạn bờ sông, bờ biển. Ven sông thì cảng sông, ven biển thì cảng biển. Ví dụ cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn, cảng Đình Vũ, cảng Vũng Tàu. Nhạc sĩ Hồ Bắc có bài hát “Bến cảng quê hương tôi”, “khi xuân sang trên bến cảng, đàn hải âu tung cánh bay rợp trời”. Không có cảng nào nằm trên đất không sông không biển bao giờ. Gọi những chỗ trung chuyển hàng từ cảng biển cảng sông về là “cảng trung chuyển” là hết sức bậy.
– Bến: Theo GS Hoàng Phê và cộng sự, bến là chỗ bờ sông thường có bậc lên xuống để người ta lấy nước, tắm rửa, giặt giũ. Nhưng định nghĩa như vậy chưa đủ, bởi trên thực tế có cả bến cạn và bến nước.
Bến là nơi quy định để tàu thuyền, xe cộ dừng lại cho hành khách lên xuống, xếp dỡ hàng hóa, cho tàu thủy hoặc xe đậu lại. Bến để chỉ cả chỗ giáp nước (ven sông, biển) hoặc trên cạn chứ không phải chỉ là ven bờ nước. Đồ Sơn có bến Nghiêng, một di tích lịch sử, nơi người lính Pháp cuối cùng rút khỏi miền Bắc sau 300 ngày tạm cư. Bến cho ô tô, xe khách đậu gọi là bến xe, cho tàu đậu là bến tàu. Hải Phòng có bến Sáu Kho, ven sông Bến Hải ở phía bắc vĩ tuyến 17 có bến Hiền Lương, thành ngữ có câu “trên bến dưới thuyền”, những bến xe ở Hà Nội để đi các tỉnh có bến Nứa, bến Kim Liên, bến Kim Mã, ven hồ Gươm có bến tàu điện… Xe điện từ bến Bờ Hồ đi Hà Đông qua nhiều ga, như ga Cửa Nam, ga Ngã tư Sở, ga Cầu Mới, ga Thanh Xuân… rồi mới tới bến Hà Đông.
– Sân bay: Mọi người đều hiểu đây là chỗ cho máy bay/tàu bay/phi cơ đậu, đi hoặc đến. Đã nói tới sân bay thì phải hiểu rằng nó chỉ dành cho máy bay. Miền Nam hồi trước thường dùng từ Hán Việt gọi là phi trường (phi là máy bay, trường là khu đất rộng, phi trường là nơi dành cho máy bay lên xuống). Khu vực để sân bay chuyên đưa đón khách bay gọi là nhà ga hành khách, ví dụ ga hành khách sân bay Nội Bài, đưa đón khách trong nước là ga nội địa, khách từ nước ngoài về hoặc bay đi nước ngoài là ga quốc tế.
Mọi thứ, nghĩa của các từ ga, bến, cảng, sân bay đều rất rõ ràng, rành mạch, chuẩn mực như thế, chả hiểu đứa chết mẹ nào (từ của ông hàng xóm nhà tôi) thay đổi, gọi thành “Cảng hàng không quốc tế Long Thành”, “Cảng hàng không Tân Sơn Nhất/Nội Bài”, “Ga tàu thủy Bạch Đằng”, “Cảng xe khách miền Đông”. Từ ông chủ tịch nước, ông thủ tướng, ông bộ trưởng giao thông tới đám quan chức lau nhau dưới (tôi không quan tâm tới ai đứng đầu đảng bởi đảng chả là gì với tôi), cả báo chí nữa, đều hết sức bát nháo khi dùng những từ “ga, bến, cảng” mặc dù đó là tiếng mẹ đẻ của họ. Chính họ phá tiếng Việt chứ không phải ai khác.
Nếu vị nào đem những từ nói trên so với tiếng nước ngoài, rồi lấy lý do này nọ để bào chữa cho cái sai, chẳng hạn nói thời hội nhập thì phải thế, thì tôi xin nói ngay: người Việt cứ phải dùng tiếng Việt cho đúng cái đã.
Có những thanh niên như tôi đã biết
LS Đặng Đình Mạnh
27/02/2024
(VNTB) – Tuy 2 nhân chứng đều phản cung, phủ nhận các lời khai bất lợi cho ông Lê Đình Lượng, nhưng phán quyết “bỏ túi” với bản án 20 năm tù vẫn được giữ nguyên với Cựu chiến binh chống TQ.
Thượng tuần tháng 08/2018, tại TP.Vinh, tòa án tỉnh Nghệ An đưa ông Lê Đình Lượng, một nghi can chính trị ra xét xử theo thủ tục hình sự sơ thẩm.
Bị đánh giá là người đứng đầu Tổng Bộ Việt Tân tại miền Trung, cho nên, chính quyền đã xếp đặt việc xét xử ông Lê Đình Lượng theo cách hết sức nghiêm ngặt.
Đầu tiên, họ ngăn cản luật sư sao chụp hồ sơ vụ án bất chấp pháp luật quy định về việc đó là quyền hạn của luật sư. Chưa hết, cho đến gần ngày xét xử, tòa án gởi văn bản cho Đoàn Luật sư TP.HCM yêu cầu đôn đốc, nhắc nhở luật sư phải bảo đảm thu xếp đến dự phiên tòa. Có thể nói, đây là một động thái “Vô tiền khoáng hậu” của tòa án đối với một luật sư tính cho đến nay và dĩ nhiên, nó không nằm trong bất kỳ quy định pháp luật nào cả.
Trong phiên xử, họ đã cho dẫn giải đến tòa án 2 nhân chứng.
Mọi sự đã sẵn sàng ở mức chu đáo nhất để họ có một màn trình diễn mãn nhãn, từ đó, đưa ra phán quyết khiến cho bị cáo và công chúng cả nước phải tâm phục, khẩu phục.
Hôm xét xử, công an cho phong tỏa mọi ngả đường đi đến trụ sở tòa án từ khoảng cách xa hàng cây số. Luật sư phải lội bộ và trình giấy tờ mấy lượt mới di chuyển đến cổng tòa án. Sau đó, cởi bỏ giày, thắt lưng, điện thoại đi động, laptop, rồi đi qua cổng từ… nghiêm ngặt hơn cả an ninh sân bay.
Lực lượng công an đứng vòng trong, vòng ngoài đen đặc cho đến bên trong khán phòng xét xử.
Chuẩn bị kỹ càng như thế. Tuy nhiên, màn trình diễn lại như một quả pháo xịt vì nhiều lẽ. Chủ yếu, vì chính sự bình thản của ông Lê Đình Lượng (xem tại đây: https://www.facebook.com/manhdang001/posts/pfbid02PYfahfMmDSutECzH5vUnGQu8V48dUFjfDjzb7e6LdrPJAhHu4AWDEvLFQhwSTrDwl…) và sự phản cung kiên cường của 2 nhân chứng.
Hai nhân chứng được dẫn giải đến phiên xử gồm em Nguyễn Viết Dũng (tức Dũng Phi Hổ) và em Nguyễn Văn Hóa. Đây được xem là 2 nhân chứng của bên công tố, giúp cho họ chứng minh một cách mạnh mẽ về các tội trạng cáo buộc ông Lê Đình Lượng.
Thế nhưng, tại tòa, khi trả lời sự xét hỏi của tòa án và công tố, không hẹn mà cả 2 nhân chứng đều phản cung, phủ nhận tất cả những lời khai bất lợi cho ông Lê Đình Lượng!? Như có ai ngầm ra lệnh, sau lời phản cung, công an dẫn giải tiến sát ngay sau lưng nhân chứng như tạo áp lực. Đứng giữa một rừng an ninh, 2 nhân chứng vẫn thản nhiên bác bỏ từng lời dẫn dụ lẫn hàm ý đe dọa công khai của tòa án và công tố.
Vở kịch phá sản với nhân chứng, cả 2 mau chóng bị công an đưa ngay ra ngoài.
Đến phần làm việc của luật sư, chúng tôi yêu cầu đưa 2 nhân chứng trở lại để xét hỏi, thì một công an trong đội dẫn giải cho biết: Nguyễn Viết Dũng bị đau họng đột xuất?! và Nguyễn Văn Hóa cũng bị đau bụng đột xuất, nên cả 2 không thể tiếp tục trở lại làm việc?!
Lo lắng 2 em Nguyễn Viết Dũng và Nguyễn Văn Hóa có thể đã bị hành hung trả đũa ngay sau khi lột trần màn “trình diễn” quá tệ của chế độ, tôi kiên quyết yêu cầu chủ tọa cho họ trở lại trước phiên tòa để tự khai báo về tình trạng sức khỏe của mình. Thì vài phút sau, một người mặc áo choàng màu trắng tự giới thiệu là nhân viên y tế khẳng định 2 nhân chứng không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc… Tòa án chấp nhận lời nhân viên y tế, không ra lệnh cho 2 nhân chứng trở lại phiên tòa nữa.
Tuy luật sư không thể khai thác được gì thêm, nhưng rõ ràng, việc phải dùng lời dối trá trắng trợn ngay trước mặt nhau để từ chối dẫn giải 2 nhân chứng trở lại phiên tòa làm việc đã nhanh chóng làm vở diễn sớm hạ màn. Mặc dù sau đó, lời phán quyết bỏ túi với bản án 20 năm tù giam vẫn được tuyên đối với ông Lê Đình Lượng, nhưng đã không còn hương vị ngọt ngào, hoành tráng như kịch bản mà họ đã dày công tạo dựng được nữa.
Kết thúc phiên tòa cho đến nhiều năm sau này, tôi vẫn còn giữ mãi mối băn khoăn rằng 2 em Nguyễn Viết Dũng và Nguyễn Văn Hóa đã có từng bị lực lượng an ninh hành hung để trả đũa cho việc phản cung phá bĩnh họ hay không?
Cũng trong năm 2018, nhân chứng can trường Nguyễn Viết Dũng bị tuyên bản án 7 năm tù giam về tội danh theo điều 117 Bộ luật Hình sự “Tuyên truyền chống nhà nước…” trong một vụ án khác tại tỉnh Nghệ An. Năm 2023, em mãn hạn tù, thế nhưng, em ấy vẫn tiếp tục bị lực lượng an ninh địa phương sách nhiễu, đàn áp, đe đọa khiến em ấy phải lánh đi tìm tự do cho mình từ những tháng cuối năm 2023 cho đến nay. Trong hoàn cảnh phải lánh đi, em vẫn tiếp tục lên tiếng về những vấn đề của đất nước, của tù nhân chính trị…
Với nhân chứng can trường Nguyễn Văn Hóa, trước đó, năm 2017 em bị tòa án tỉnh Hà Tĩnh tuyên bản án 7 năm tù giam, cũng tội danh theo điều 117 Bộ luật Hình sự về “Tuyên truyền chống nhà nước…”. Cuối năm 2023, em mãn hạn tù trở về địa phương và đang cố thích nghi dần với cuộc sống hiện tại sau những năm tháng tù đày.
Tất cả những vụ án chính trị đều bị chế độ buông bức màn sắt để che giấu những sự phi lý, phi pháp, bất công, bất nhân. Bên cạnh đó, hệ thống truyền thông khổng lồ của chế độ với hơn 1.000 báo, đài lại nhận lệnh của an ninh đã nỗ lực bôi nhọ hình ảnh những người đấu tranh, tô vẽ họ như những tội phạm cần phải loại trừ ra khỏi xã hội. Trong hoàn cảnh đó, luật sư không thể chỉ đảm nhận trách vụ bào chữa một cách thuần túy vốn đã bị chế độ vô hiệu hóa bằng những phán quyết bỏ túi. Mà cần phải bạch hóa về chúng, về cả những sự kiên cường, bất khuất của người đấu tranh trước bạo quyền… để công chúng có thể biết điều gì đã từng xảy ra sau bức màn sắt. Vì lẽ, luật sư đã là người chứng kiến tận mắt sự thật của từng vụ án chính trị. Không chỉ thế, bạch hóa về sự thật, cũng chính là cách luật sư bảo vệ thân chủ mình, ít nhất về hình ảnh thật sự của họ trước lịch sử.
DC, ngày 25/02/2024
(Đặng Đình Mạnh)
Giá lúa đang giảm mạnh sau Tết Giáp Thìn
Thới Bình/VNTB – 27/02/2024
(VNTB) – Giá lúa giảm mạnh khiến tình trạng thương lái bỏ cọc đang diễn ra ở nhiều nơi.
Giá lúa đồng loạt giảm mạnh cả miền Tây Nam bộ
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (FTA) hiện các loại lúa được bán từ 7.400 – 8.000 đồng/kg, nhiều thương lái bỏ cọc, dừng thu mua dù lúa đang đến thời gian thu hoạch. Cụ thể ở tỉnh An Giang, giá lúa IR 504 ở mức 8.200 – 8.400 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức 8.400 – 8.600 đồng/kg, giảm 200 – 400 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 8.400 – 8.600 đồng/kg, giảm 400 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 8.300 – 8.500 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg; Nàng Hoa 9 duy trì ổn định ở mức 8.600 – 8.700 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg. Riêng lúa Nhật giá không đổi, ở mức 7.800-8.000 đồng/kg.
Ghi nhận chung tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giao dịch lúa mới chậm. Giá lúa các loại giảm tiếp khiến thương lái đồng loạt bỏ cọc, còn nông dân chủ động chào bán lúa rất nhiều. Đặc biệt, với lúa đã thu hoạch hoặc lúa chín vàng chưa có người mua. Một số thương lái đi xem lúa giá thấp để mua giao hợp đồng đã ký, còn đối với lúa đã cọc giá cao trước đó thì họ bỏ cọc. Giao dịch lúa ngưng trệ.
Bà Lê Kim Mai (xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) cho biết đã chấp nhận bán với giá 7.400 đồng/kg, thấp hơn lúc mới nhận cọc là 1.300 đồng/kg, vì nếu không bán thì thương lái bỏ cọc, phải tìm thương lái mới. Bà Mai nói thêm: “0,5 ha lúa ở đồng Mỹ Thạnh Trung này thương lái chấp nhận mua, còn 0,7 ha lúa Đài thơm ở xã Mỹ Lộc, tôi phải thuê người phơi lúa chờ ngày giá lúa tăng hoặc tìm được người mua, vì thương lái đã thông báo bỏ cọc”.
Theo báo cáo nhanh của ông Nguyễn Văn Thành – Chủ tịch hội đồng quản trị Tổng Giám đốc Công ty Phước Thành 4 (tỉnh Vĩnh Long) cho biết, hiện một số công ty chỉ mua đủ trả nợ những hợp đồng năm 2023 nên số lượng không đáng kể. Bên cạnh đó, người dân xuống giống vụ lúa Đông – Xuân đồng loạt và sức mua yếu nên giá lúa giảm thấp. “Thị trường diễn biến khó lường nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện nay chỉ mua nhỏ giọt, thậm chí án binh bất động, không dám mua gạo lưu kho. Giá lúa tại ruộng hiện từ 7.200 – 8.000 đồng/kg tùy theo giống lúa”, ông Thành cho biết thêm.
Giá lúa giảm vì thời gian qua tăng quá cao?
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1-2024 cả nước xuất khẩu 512.265 tấn gạo, tương đương 362,26 triệu USD, giá trung bình 707,2 USD/tấn, tăng 4% về lượng, tăng 7% về kim ngạch và tăng 2,8% về giá so với tháng 12-2023; còn so với tháng 1-2023 thì tăng mạnh 42,6% về khối lượng, tăng 94,1% về kim ngạch và tăng 36,2% về giá. Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 53,6% trong tổng lượng và chiếm 39% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt gần 280.944 tấn, tương đương gần 194,28 triệu USD.
Trên thị trường gạo châu Á, gạo 5% tấm của Thái Lan được báo giá ở mức 615 USD/tấn, tăng nhẹ so với mức 610 USD/tấn của tuần trước. Các nhà giao dịch cho rằng giá tăng là do sự biến động của đồng baht, trong khi nhu cầu vẫn yếu và không có giao dịch lớn nào diễn ra. Họ cũng lưu ý rằng nguồn cung mới dự kiến sẽ dần được bổ sung vào thị trường trong tháng tới.
Trong khi đó, Bangladesh có thể nhập khẩu 500.000 tấn gạo trong năm tính đến tháng 6-2024 để hạ nhiệt giá gạo trong nước. Đầu tháng này, chính phủ Bangladesh đã cắt giảm thuế nhập khẩu gạo từ mức 63% xuống 15%.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện giá gạo 25% tấm ở mức 584 USD/tấn; gạo 5% tấm ở mức 609 USD/tấn; gạo 100% tấm ổn định ở mức 508 USD/tấn.
Ông Phạm Thái Bình – Giám đốc điều hành Công ty Trung An, cho rằng giá lúa Việt Nam những tháng cuối năm 2023 tăng cao là do doanh nghiệp Việt Nam ký kết hợp đồng, bán gạo trước thời điểm giao hàng cuối năm, cuối vụ… phải mua lúa bằng mọi giá, kể cả khi nông dân neo giá cao quá mức. Như vậy, thời điểm đó sức mua “nóng” mà nguồn cung hạn chế thì giá sẽ tăng. Nay “cầu” giảm, sức mua ít thì giá lúa giảm là hết sức bình thường.
Hơn nữa, hiện nay Việt Nam không chấp nhận giá gạo cao đột biến như cuối năm 2023 nên giá lúa giảm so với cuối năm 2023 là điều hết sức bình thường, không phải là hiện tượng đột biến (!?).
Dữ liệu quốc tế: Việt Nam thắng Ấn Độ về xuất khẩu điện thoại thông minh
27/02/2024 – VOA Tiếng Việt
Các nhân viên đi làm tại nhà máy của Samsung ở tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam (ảnh tư liệu năm 2016, Reuters)
Trước năm 2010, cả Việt Nam lẫn Ấn Độ mỗi nước chỉ chiếm khoảng 1% thị phần về xuất khẩu điện thoại thông minh, nhưng đến năm 2022, thị phần của Việt Nam tăng lên xấp xỉ 12% trong khi Ấn Độ chỉ chiếm hơn 2,5% một chút, các trang tin tiếng Anh của The Hindu và Prayagraj Express ở Ấn Độ cho hay hôm 26/2.
Tin tức nêu trên của The Hindu và Prayagraj Express dựa trên số liệu của UN Comtrade (Cơ sở dữ liệu thống kê thương mại hàng hóa của Liên Hiệp Quốc), ITC Trade Map (Cơ sở dữ liệu trực tuyến về thương mại quốc tế của Trung tâm Thương mại Quốc tế) và Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ.
Các số liệu cho thấy Trung Quốc vẫn chiếm thị phần áp đảo, 49,4%, nhưng có xu hướng giảm sau khi đạt đỉnh gần 53% vào năm 2015. Trước năm đó, thị phần của Trung Quốc liên tục tăng từ mức hơn 35% hồi năm 2009.
Hai trang tin Ấn Độ The Hindu và Prayagraj Express nhận xét rằng trong khi Trung Quốc vẫn ở thế thống lĩnh, Việt Nam đã gặm nhấm dần thị trường một cách đều đặn trong những năm qua, vượt qua cả Hàn Quốc để trở thành nước xuất khẩu điện thoại thông minh nhiều thứ hai trên thế giới.
Hai yếu tố chính giúp Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trở thành cường quốc sản xuất và xuất khẩu điện thoại là đất nước này thu hút được nhiều hãng muốn giảm lệ thuộc vào Trung Quốc; và Mỹ, nước nhập khẩu điện thoại thông minh nhiều nhất, đã tăng mạnh lượng nhập từ Việt Nam, theo The Hindu và Prayagraj Express.
Trong giai đoạn 2018-2022, thị phần của Việt Nam về điện thoại thông minh nhập khẩu ở Mỹ đã tăng hơn gấp đôi từ 8,9% lên 19,2%. Ấn Độ chỉ chiếm chưa đến 2% thị phần ở Mỹ vào năm 2022.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cải thiện thị phần một chút lên mức 1,2% ở Hong Kong, nơi nhập khẩu loại sản phẩm này nhiều thứ nhì thế giới.
Tại Nhật Bản, nước nhập điện thoại thông minh nhiều thứ tư thế giới, Việt Nam nắm 6,2% thị phần, gần gấp 3 mức của Ấn Độ. Tuy nhiên, ở Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Đức, lần lượt đứng thứ ba và thứ năm thế giới về nhập điện thoại thông minh, thị phần của Việt Nam bị sụt giảm mạnh trong khi Ấn Độ đã tăng được đáng kể kim ngạch xuất khẩu.
Từ gần 32% vào 2018, Việt Nam rơi xuống mức 13,5% về thị phần ở UAE, ngược lại, Ấn Độ tăng từ 5% lên 13%, gần bằng Việt Nam. Ở Đức, thị phần của Việt Nam giảm một nửa, từ khoảng 20% còn 10%, nhưng vẫn cao gấp đôi Ấn Độ dù thị phần của nước này đã tăng từ mức hầu như không đáng kể lên khoảng 5%.
Theo tìm hiểu của VOA, hồi cuối tháng 4/2023, Bộ Công Thương Việt Nam công bố rằng đất nước đã xuất khẩu 210 triệu điện thoại được gọi là “made in Vietnam” (làm ở Việt Nam) trong năm 2022 và 50% số đó được xuất sang Trung Quốc và Mỹ.
Vẫn Bộ Công Thương cho hay kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện của năm 2022 đạt xấp xỉ 58 tỷ đô la, tăng hơn 0,8% so với năm trước và chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước. Tuy nhiên, trong con số đó, khối doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) chiếm hầu hết là 57,8 tỷ đô la tức 99,67%.
Riêng về điện thoại nguyên chiếc, giá trị xuất khẩu của cả Việt Nam đạt hơn 33,3 tỷ đô la, mà trong đó xuất khẩu của hãng Samsung, có nhà máy ở Thái Nguyên và Bắc Ninh, chiếm tới 95% tức hơn 31,4 tỷ đô la.
Hai phi cơ dân dụng do Trung Quốc chế tạo lần đầu phô diễn tại Việt Nam
27/02/2024 – VOA Tiếng Việt
Máy bay C919 của tập đoàn Hàng không Thương mại Trung Quốc (Comac Air).
Hôm 26/2, hai máy bay chở khách C919 và ARJ21-700 do Tập đoàn Hàng không Thương mại Trung Quốc (Comac Air) sản xuất đã hạ cánh tại sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh, và được phía Việt Nam đón tiếp “trọng thị” bằng vòi rồng.
Các hãng tin Reuters, Tân Hoa Xã, Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc (CCTV), và Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) đưa tin rằng máy bay chở khách C919 cùng với máy bay phản lực khu vực ARJ21-700 đến Việt Nam hôm 26/2, nhằm chuẩn bị cho những buổi trình diễn trong một cuộc triển lãm hàng không tại nước này.
Cổng thông tin tỉnh Quảng Ninh loan tin rằng Comac Air sẽ tổ chức triển lãm và trình diễn máy bay thương mại tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn từ ngày 26-29/2. Đây là lần đầu tiên Comac Airshow tổ chức tại Việt Nam và là điểm đến quốc tế thứ hai của hai chiếc máy bay này sau triển lãm hàng không Singapore vào tuần trước.
Để chào đón 2 mẫu máy bay của Comac Air đến Việt Nam, Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn đã tổ chức nghi thức phun vòi rồng chào đón “nhằm thể hiện sự trọng thị”, theo trang Thanh Niên Online.
Dự kiến trong chương trình sự kiện Comac Airshow này, đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Quảng Ninh và các hãng hàng không Việt Nam, Trung Quốc sẽ tham quan và trải nghiệm bay thử trên các máy bay này vào ngày 27/2, trang tin tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Sau đó, các máy bay sẽ trưng bày tĩnh tại sân bay Vân Đồn, đồng thời có lịch trình di chuyển tới Côn Đảo, Tân Sơn Nhất, Đồng Hới, theo đài VTC.
Cũng trong dịp triển lãm này, hai bên dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận, thống nhất, cụ thể hóa một số chương trình hợp tác hàng không.
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cho hay triển lãm Comac Airshow “sẽ giúp khai thác các chuyến bay thương mại từ các tỉnh, thành phố của Trung Quốc đến Vân Đồn, trước hết là từ thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc”, theo trang tin tỉnh Quảng Ninh.
Ông Dũng nói thêm rằng triển lãm này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác du lịch giữa tỉnh Quảng Ninh và các thị trường trọng điểm của Trung Quốc, đồng thời khuyến khích các hãng hàng không khai thác chuyến bay và các đơn vị lữ hành triển khai các gói du lịch tới sân bay Vân Đồn.
TTXVN cho biết rằng sau cuộc triển lãm tại Quảng Ninh, cả hai chiếc máy bay của Trung Quốc sẽ bay đến thành phố Đà Nẵng, Tp.HCM và thủ đô Viêng Chăn của Lào.
Chiếc ARJ21-700 là máy bay phản lực hai động cơ có sức chứa tối đa 90 chỗ ngồi trong khi chiếc C919 là máy bay chở khách thân hẹp có sức chứa tối đa 192 chỗ ngồi, theo Tân Hoa Xã.
Hãng tin Reuters hôm 26/2 đưa tin rằng Trung Quốc thiết kế C919 để trở thành đối thủ của dòng máy bay phản lực một lối đi Boeing 737 MAX và Airbus A320neo và cho đến nay, đã thu hút hơn 1.000 đơn đặt hàng, phần lớn từ các hãng hàng không và công ty cho thuê Trung Quốc.
Sự hiện diện của COMAC tại Triển lãm hàng không Singapore được những người tham dự xem như là một cơ hội để Trung Quốc ra mắt máy bay chở khách do chính nước này sản xuất, diễn ra vào thời điểm Boeing và Airbus, hai nhà sản xuất máy bay thống trị của phương Tây, đang giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng khiến khách hàng thất vọng, theo Reuters.
Hãng tin Anh nói rằng thiết kế của C919 chỉ được Trung Quốc chứng nhận và cơ quan hàng không Trung Quốc cho hay họ sẽ quảng bá máy bay này trên phạm vi quốc tế trong năm nay và nộp hồ sơ xin chứng nhận của Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh Châu Âu (EASA).