Chuyện Việt Nam Thứ hai 11/3/2024: *Chỉ thị mật của Bộ Chính trị VN *Campuchia bắt 109 người Việt cờ bạc trái phép *VN ký đối tác chiến lược toàn diện với Úc để ‘ứng phó’ với TQ? *Cháy hơn 200 xe mô tô tang vật tại Công an Tánh Linh Bình Thuận *Nhật bắt bốn người Việt ăn cắp tại nhiều cửa hàng

Share this post on:

Quê Hương tổng hợp


Chỉ thị mật của Bộ Chính trị: Việt Nam không thực tâm thực thi công ước quốc tế về công đoàn

Tác giả, T.K.Trần

Gửi tới BBC từ Stuttgart, Đức

11/3/2024

Công đoàn là tổ chức chịu sự quản lý của Đảng Cộng sản Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Công đoàn là tổ chức chịu sự quản lý của Đảng Cộng sản Việt Nam

Dù tuyên bố sẽ thực thi công ước quốc tế về công đoàn và quyền lập hội của người lao động, chỉ thị mật của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy họ đang làm ngược lại.

Chỉ thị 24-CT/TW đóng dấu “mật” bị rò rỉ gần đây do Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành ngày 13/7/2023 về “Bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng” có 9 nội dung chính liên quan tới nhiều lãnh vực của đất nước.

Riêng về lãnh vực lao động, chỉ thị này hé lộ cho ta thấy chủ trương của ĐCSVN như thế nào.

Chỉ thị 24/CT/TW ra lệnh xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh?

Theo sát chỉ thị này, Nghị quyết đại hội Công đoàn Việt Nam kỳ thứ 13 được tổ chức đầu tháng 12/2023 vừa qua đã vạch ra kế hoạch để xây dựng, đổi mới Công đoàn, gói ghém trong “ba khâu đột phá” như là nhiệm vụ trọng tâm.

Ba “khâu đột phá” này là gì?

Khâu thứ nhất: Đẩy mạnh thương lượng tập thể với trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động.

Nếu chỉ nhìn nội dung khâu thứ nhất này thì không có gì sai. Chuyện bảo vệ người lao động của một tổ chức tự gọi là đại diện người lao động hiển nhiên phải là như vậy. Nhưng tại sao bây giờ lại gọi đó là “đột phá”?

“Đột phá” theo định nghĩa là “tạo nên những bước chuyển biến mới và mạnh mẽ”. Điều đó có nghĩa là Công đoàn thú nhận là từ xưa tới nay chưa làm được việc này, mà công việc chính yếu của Công đoàn Việt Nam như chúng ta thấy là làm tuyên truyền cho ĐCSVN và làm từ thiện, ban phát quà cáp những dịp hiếu hỉ cho giới lao động. Chỉ bây giờ mới có “đột phá” đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động? Dù nhận thức này muộn màng, nhưng có còn hơn không.

Công đoàn tại Việt Nam chưa có tính độc lập nên có nhiều hạn chế về hoạt động

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Công đoàn tại Việt Nam chưa có tính độc lập nên có nhiều hạn chế về hoạt động

Tuy nhiên, một câu hỏi vô cùng quan trọng còn bỏ ngỏ là khâu đột phá này có tính tới chuyện sẵn sàng sử dụng đình công như là biện pháp gây áp lực với giới chủ doanh nghiệp khi thương lượng tập thể hay không?

Cần phải nhắc lại là trong quá khứ, dưới thời chính quyền do ĐCSVN lãnh đạo, Công đoàn chưa bao giờ tổ chức hay hướng dẫn bất cứ một cuộc đình công nào. Tất cả những thành quả về tăng lương hay tăng thưởng tới nay đều do đình công tự phát đem lại, kể cả ở những xí nghiệp có tổ chức công đoàn.

Nếu không có “đột phá” trong vấn đề này thì sức mạnh của Công đoàn chẳng khác gì sức mạnh của một con hổ không có răng. Né tránh đình công, Công đoàn không thể nào đấu tranh hiệu quả cho người lao động.

Khâu thứ hai: Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập mới các công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Bất cứ đoàn thể nào cũng cần đông đảo đoàn viên để lớn mạnh, hoàn thành mục tiêu đề ra. Đối với công đoàn, khâu này cực kỳ quan trọng, mà theo các quan chức cao cấp của Công đoàn Việt Nam, là mang tính sống còn. Bởi số lượng đoàn viên của một tổ chức lao động sẽ có tính quyết định là tổ chức đó có quyền đại diện cho người lao động tham dự thương lượng tập thể hay không, trong bối cảnh sẽ có thêm cạnh tranh từ những tổ chức khác bên cạnh Công đoàn Việt Nam.

Vì tính chất quan trọng của nó, Trung ương ĐCSVN đã ban hành Nghị quyết 02NQ/TW vào năm 2021 chỉ đạo số lượng đoàn viên mà Công đoàn phải đạt được theo những mốc thời gian cụ thể.

Việc chiêu dụ người lao động gia nhập công đoàn cơ sở trong thời gian đầu không quá khó. Bởi, như thú nhận của một số quan chức, cán bộ Công đoàn đính kèm giấy xin gia nhập Công đoàn vào hồ sơ hợp đồng làm việc. Người lao động ký các giấy tờ, đinh ninh rằng tất cả là cần thiết để có thể được đi làm. Sau này một số lớn sẽ ra khỏi Công đoàn vì thấy Công đoàn là vô bổ mà lại phải mất đi 1% tiền lương cho đoàn phí.

Năm 2023, tuy các cấp công đoàn đã kết nạp 853.389 đoàn viên nhưng số đoàn viên tăng thực sự chỉ có 192.733 đoàn viên. Đây là con số rất thấp so với chỉ tiêu đề ra (tăng thêm 887.666 đoàn viên), theo tạp chí Lao động và Công đoàn trong bài viết Cán bộ công đoàn”hiến kế” đẩy mạnh phát triển đoàn viên ngày 4/3/2024.

Với tổng số đoàn viên hơn 11 triệu tính tới cuối năm 2022, cộng với số đoàn viên tăng thực sự kể trên của năm 2023, thì tổng số đoàn viên năm 2023 chỉ là khoảng 11,3 triệu. Có nghĩa là con số 12 triệu đoàn viên tới năm 2023 là chỉ tiêu của Nghị quyết 02 NQ/TW đã không đạt được.

Tương tự như vậy, ta có thể dự đoán là mục tiêu 15 triệu đoàn viên vào năm 2028 là không thể thực hiện.

Khâu thứ ba: Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ

Công đoàn Việt Nam được tổ chức theo 4 cấp: Cao nhất là trung ương (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam), thấp hơn là “liên đoàn lao động tỉnh, thành phố”, “công đoàn ngành trung ương”. Sau đó là “liên đoàn lao động quận, huyện”. Thấp nhất là “công đoàn cơ sở” ở các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội.

Nhiệm vụ của công đoàn cơ sở rất nặng nề: Công đoàn là một tổ chức của ĐCSVN, có nhiệm vụ chính trị là tuyên truyền, vận động đoàn viên và người lao động thực hiện chủ trương, đường lối của ĐCSVN. Song song với nhiệm vụ này, công đoàn cơ sở trên nguyên tắc là đại diện bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động tại cơ sở, phát hiện và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết các tranh chấp lao động… (theo Luật Công đoàn 2012).

Bộ luật Lao động 2019 còn quy định thêm là công đoàn cơ sở cũng như các tổ chức đại diện người lao động khác có quyền thương lượng tập thể, tổ chức đối thoại với chủ doanh nghiệp và cả quyền tổ chức đình công…

Để đáp ứng các nhiệm vụ nói trên, chủ tịch công đoàn cơ sở phải “có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, giản dị, trung thực, có kiến thức, kỹ năng, thái độ tích cực trong công việc. Họ phải có năng lực đoàn kết, tập hợp quần chúng vào tổ chức, có tác phong liên hệ mật thiết với đoàn viên, người lao động. Đồng thời, có kỹ năng tổ chức đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động để giải quyết thấu đáo những vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động, có bản lĩnh dám đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động” theo lời một cán bộ công đoàn cấp cao được trích trong cùng bài báo nói trên của tạp chí Lao động và Công đoàn.

Bộ Chính trị Việt Nam luôn cảnh giác cao với các hội đoàn nằm ngoài sự quản lý của Đảng Cộng sản

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Bộ Chính trị Việt Nam luôn cảnh giác cao với các hội đoàn nằm ngoài sự quản lý của Đảng Cộng sản

Tính tới cuối năm 2022, cả nước có gần 125.000 công đoàn cơ sở. Chủ tịch của những công đoàn cơ sở này là ai? Họ cũng chỉ là những công nhân lãnh lương của chủ doanh nghiệp. Họ phải làm chu toàn công việc ở hãng xưởng, cũng phải làm thêm giờ phụ trội để có đủ tiền sinh sống. Kiêm nhiệm thêm công việc công đoàn, họ là cái gai dưới con mắt nghi kỵ của chủ doanh nghiệp, rất dễ bị chủ doanh nghiệp trù dập.

Làm thế nào để tìm được quãng 125.000 con người “tài đức vẹn toàn” như vậy để làm chủ tịch công đoàn cơ sở? Chỉ nhìn khối lượng công việc được giao phó và số lượng cùng chất lượng con người cần thiết cũng nhận ra rằng “khâu đột phá” này khó lòng thành công.

Chỉ thị 24 CH/TW tuyên bố sẽ phê chuẩn Công ước 87 (về tự do hiệp hội của Tổ chức Lao động Quốc tế, ILO), sẽ cho thành lập thí điểm tổ chức độc lập đại diện người lao động, nhưng không nêu thời điểm cụ thể

Với chỉ thị 24/CT/TW, ĐCSVN tiếp tục tuyên bố sẽ chủ động tham gia Công ước 87 của ILO về tự do hiệp hội, bảo vệ quyền được tổ chức, nhưng lại không ấn định thời điểm sẽ phê chuẩn công ước này.

Họ tuyên bố sẽ cho phép thành lập thí điểm vài tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp như đòi hỏi của các hiệp ước thương mại EVFTA (giữa Việt Nam và EU), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhưng cũng không nêu cụ thể bao giờ cho phép, đồng thời kèm thêm đe dọa sẽ “giám sát và xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức lao động hoạt động vi phạm pháp luật” và “ngăn chặn việc thành lập các tổ chức lao động trên cơ sở sắc tộc hoặc tôn giáo”.

Chỉ thị 24/CT/TW ra lệnh tăng cường sức mạnh cho Công đoàn Việt Nam, cũng là để củng cố quyền lực của ĐCSVN. Điều này không mới, đã được Nghị quyết 02-NQ/TW lên kế hoạch từ năm 2021, nhưng những biện pháp đề ra không hiệu quả.

Việc trì hoãn sự thành lập các tổ chức độc lập của người lao động đi kèm với những đe dọa cũng nằm trong chính sách yểm trợ công đoàn nhà nước.

Trong lãnh vực lao động, chủ trương của ĐCSVN không có những thay đổi đáng kể, cho ta thấy họ không thực tâm thi hành những cam kết quốc tế đã ký.


Campuchia bắt 109 người Việt tham gia cờ bạc trái phép tại tỉnh Sihanoukville

RFA – 11/3/2024

Campuchia bắt 109 người Việt tham gia cờ bạc trái phép tại tỉnh Sihanoukville

78 công dân Việt Nam được phía Campuchia bàn giao cho Việt Nam ở cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh, hôm 11/10 

BĐBP 

Cảnh sát Campuchia đã thực hiện hai cuộc đột kích truy quét hoạt động cờ bạc trái phép tại tỉnh Sihanoukville và bắt được 195 người nước ngoài, trong đó có 109 người mang quốc tịch Việt Nam.

Tờ Khmer Times ngày 11/3 cho biết, Cảnh sát Campuchia đã đưa những người tham gia cờ bạc trái phép tới Tổng cục Xuất nhập cảnh Campuchia để tiến hành trục xuất.

Hai cuộc đột kích diễn ra vào các ngày 9/3 và 10/3. Trong ngày 9/3, lực lượng cảnh sát đã bắt giữ 109 người Việt Nam, 54 người Thái Lan, 8 người Đài Loan và một người Trung Quốc.

Vào ngày 10/3, cảnh sát Campuchia tiếp tục đột kích vào khu Sangkat 3 ở Sihanoukville và phát hiện 279 người Campuchia, 27 người Trung Quốc và một người Myanmar có hoạt động đánh bạc trái phép.

Ngoài các quản lý đã bị đưa đến tòa án tỉnh, những người nước ngoài còn lại bị đưa đến Tổng cục Xuất nhập cảnh Campuchia để trục xuất khỏi quốc gia này.

Hoạt động trấn áp nêu trên được nói nhằm loại bỏ tất cả các loại địa điểm lừa đảo trực tuyến ở tỉnh Sihanoukville.

Những năm gần đây, số người Việt sang Campuchia tham gia đánh bạc và số lao động bị ép sang Campuchia làm việc tại các sòng bạc gia tăng.

Hôm 3/1/2024, Trung tướng Tô Ân Xô – Người phát ngôn Bộ Công an cho truyền thông hay Công an các địa phương phía Nam đã tiếp nhận từ phía Campuchia hơn 600 người làm việc trong các sòng bạc được phía Campuchia giải cứu, trao trả về nước.

Theo ông Xô, nhiều đường dây tội phạm tổ chức đưa người Việt Nam ra nước ngoài trái phép đã hình thành với sự câu kết giữa các đối tượng ở trong và ngoài nước, cả người Việt Nam và người nước ngoài. Một trong những phương thức, thủ đoạn chủ yếu để đưa công dân Việt Nam di cư, xuất cảnh trái phép ra nước ngoài là tìm kiếm, dụ dỗ nạn nhân sang các quốc gia gần biên giới với Việt Nam (Xuất cảnh sang Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar…) để làm việc nhẹ lương cao, tổ chức cho nạn nhân xuất cảnh mà không cần chứng minh tài chính, bằng cấp, thủ tục nhanh gọn.


Ông Chính ơi, người Việt sa sơ ở New Zealand đang cần ông

Lam Sơn /VNTB – 11/3/2024

VNTB – Ông Chính ơi, người Việt sa sơ ở New Zealand đang cần ông

(VNTB) – Có lẽ ông Phạm Minh Chính đang ở New Zealand nên gặp gỡ và lắng nghe những người lao động yếm thế thay vì gặp một nhóm kiều bào yêu nước đầy thành công.

Ông Phạm Minh Chính đã có một cuộc gặp gỡ với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand trong chuyến công du chính thức tới quốc gia này. Báo chí thuật lại có rất nhiều thành tựu, lời hứa hẹn và lời khen ngợi đôi bên dành cho nhau. 

Được biết cộng đồng người Việt tại New Zealand với 10.000 người. Nhiều người đã thành công trên các lĩnh vực kinh doanh, nghiên cứu khoa học, hay làm việc trong nhiều cơ quan, doanh nghiệp của New Zealand, có người trở thành nghị sỹ của New Zealand.

Báo đảng viết rằng  kiều bào tại buổi họp mặt rất xúc động “trước sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có nhiều chính sách chăm lo cho cộng đồng… có chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường lao động New Zealand.”

Ông Thủ tướng khẳng định như mỗi lần xuất ngoại và nói chuyện với kiều bào: ” Đảng và Nhà nước luôn xác định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand, là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Ông Phạm Minh Chính lặp lại lời nói của ông Nguyễn Phú Trọng  “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay” nhờ nỗ lực, nhất là thực hiện công cuộc “đổi mới” để khoe với kiều bào về một Việt Nam đang ngày càng phát triển.

Cộng đồng  người Việt này ở  New Zealand cho biết đã “thành lập các hội đoàn theo nghề nghiệp, lĩnh vực và địa bàn hoạt động…”  Các tổ chức này chỉ dành cho người Việt Nam, nói một cách khác đó là các tổ chức được thành lập dưới hình thức dân tộc [Việt Nam] tại New Zealand. Báo cáo điểm này với ông Chính có vẻ như đã va chạm chan chát vô chỉ thị 24 CT/TW trong đó có quy định “Không để thành lập tổ chức của người lao động dưới hình thức dân tộc, tôn giáo”.  Nhưng mà rồi cũng có thể tặc lưỡi, à cái chỉ thị 24 đó chỉ áp dụng cho lãnh thổ Việt Nam thôi. Còn ra ngoài rồi, thì các nước họ phải tôn trọng nhân quyền của người Việt Nam ở nước sở tại như với người chính quốc chứ. 

Ông Chính đang ở New Zealand, vậy ông có biết mới đây đã có một nhóm người Việt Nam đi New Zealand theo diện lao động chính thức đã bị mang con bỏ chợ hay không?

16 ngư dân Khánh Hoà đã trả 203.000 USD xin thị thực làm việc ở New Zealand với lời hứa hẹn sẽ có việc làm với mức lương 50USD một giờ. Khi qua tới nơi họ không có được việc làm. Hậu quả tiếp theo sẽ là không có thu nhập, không thuê được nhà, không có bảo hiểm, không được đi làm việc khác ngoài việc đã được phê chuẩn khi xin visa. 

Họ đã bán sạch nhà cửa, xe cộ, thuyền đánh cá rồi còn vay mượn thêm để gom mấy tỷ bạc xin visa, trả tiền dịch vụ với mong muốn thoát nghèo, đổi đời. Giờ việc làm không có, nếu không phải nhờ có lòng hảo tâm của một người gốc Việt cho ở nhờ thì 16 người cùng với cả trẻ nhỏ đã bơ vơ nơi xứ người. Họ có muốn về cũng không được vì nhà cửa đã bán hết lại cõng thêm một gánh nợ trên lưng.

Quyền Giám đốc Cơ quan Điều tra Nhập cư Quốc gia, Jason Perry, cho biết cơ quan giám sát Cơ quan Nhập cư New Zealand (INZ), đã biết đến vụ việc và đang tiến hành điều tra liệu đây có phải là vụ lừa gạt người nhập cư để trục lợi hay không.

Giám đốc công ty cho biết ông thực sự có tuyển dụng người nhưng chỉ có mức lương 29,99 đô la một giờ. Những người này không có kinh nghiệm làm việc, cũng không biết tiếng anh và được một công ty môi giới tuyển dụng qua Facebook.

Những ngư dân này họ cũng mong muốn được thoát nghèo. So với mức thu nhập 12-15 đô la một ngày ở Việt Nam, thì mức lương hứa hẹn 50 đô la một giờ (hay 400 đô la một ngày) là một sự khác biệt rất lớn. Chưa kể tới chuyện con cái của họ sẽ có được cơ hội tiếp cận một nền giáo dục tốt hơn, tương lai sẽ rộng mở hơn khi chỉ quanh quẩn ở làng chài ở Đầm Môn.

Chuyện 16 ngư dân này chỉ là một lát cắt rất nhỏ về hiện thực Việt Nam ngày nay. Nếu như đúng là cơ đồ Việt Nam rực rỡ như vậy sao lại có những người phải bỏ hết sau lưng, ra đi để có tương lai hơn ở cố quốc?

Ông nên gặp những người yếm thế như vậy để biết được họ đang phải sống chật vật ra sao ở xứ người. Ông đã yêu cầu người Việt Nam tại New Zealand đoàn kết, trên tinh thần “lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn,” “người đi trước giúp đỡ người đi sau” để cùng nhau phát triển, xây dựng một cộng đồng đoàn kết phát triển, vững mạnh. Vậy nhờ ông nói với những kiều bào yêu nước hãy sẵn lòng đùm bọc những ngư dân khốn khổ này.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no.” Giúp đỡ những ngư dân này  lúc này mới thể hiện đúng sự quan tâm sâu sát của đảng, chính phủ đến con dân Việt Nam đang sa cơ ở nước ngoài.


Việt Nam chọn ‘ứng chiến’ với TQ khi ký đối tác chiến lược toàn diện với Úc?

Vương Quân, Vision Times – 11/3/2024

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/03/fgg56.jpg

Kế tiếp Mỹ là Úc cũng đã nâng cấp ngoại giao với Việt Nam lên “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”. Một số chuyên gia phân tích, Việt Nam đã chọn con đường rời xa Trung Quốc bằng cách thân Mỹ, tương lai có thể trở thành đối thủ nặng ký của Bắc Kinh.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Úc Anthony Albanese (Ảnh: Chụp màn hình video Thông tin Chính phủ)

Theo Thông tấn xã Việt Nam hôm 7/3, mức độ tin cậy lẫn nhau về chính trị giữa Việt Nam và Úc đã tăng lên và đạt mức cao nhất trong lịch sử.

Thủ tướng Úc Albanese và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vào ngày 7/3 đã tổ chức cuộc gặp tại Canberra – Úc, tuyên bố hai nước nâng cấp mối quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện” và có hiệu lực ngay lập tức. Hai nước đã cùng nhau ký kết 12 văn kiện hợp tác, bao gồm các lĩnh vực hợp tác như năng lượng, nông nghiệp, khai thác mỏ, ngân hàng và tài chính.

Úc là nước có nguồn lực các loại khoáng sản quan trọng cần thiết cho điện thoại thông minh, ô tô và các sản phẩm khác, trong khi Việt Nam có trữ lượng khoáng sản ôxit đất hiếm (REO) lên tới 22 triệu tấn được xem là lớn thứ hai thế giới – vấn đề đặc biệt hấp dẫn đối với ngành khai thác khoáng sản của Úc. Hợp tác giữa hai bên có thể làm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Sau khi Úc đi sau Mỹ đạt được “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” với Việt Nam, vấn đề đã thu hút cộng đồng quốc tế chú ý.

Kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu vào năm 2018, đã dẫn đến việc tái tổ chức chuỗi cung ứng toàn cầu, bối cảnh này đưa Việt Nam trở thành “con rồng mới” trong hoạt động sản xuất quốc tế – do vị trí địa lý của Việt Nam gần Trung Quốc và giá thành lao động rẻ khiến số lượng lớn đơn hàng sản xuất được chuyển từ Trung Quốc qua Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Joe Biden lạc quan về ngành sản xuất của Việt Nam, xem là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau khi Tổng thống Biden đến thăm Việt Nam vào tháng 9 năm ngoái, hai nước đã nâng cấp lên “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”, đồng thời Tổng thống Biden cũng cam kết Việt Nam sẽ trở thành cơ sở sản xuất chip mới cho “gia công bên ngoài” dành cho nước thân thiện của Mỹ.

Chính phủ Mỹ sẽ sắp xếp để các công ty công nghệ và bán dẫn hàng đầu của Mỹ đầu tư vào Việt Nam và tiến hành nghiên cứu và phát triển công nghệ chung. Hiện người sáng lập hãng chip trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới NVIDIA, ông Jensen Huang đã đầu tư 250 triệu USD vào Việt Nam và họ cũng đang chuẩn bị thành lập cơ sở sản xuất chip tại Việt Nam.

Theo dự báo của JPMorgan Chase, đến năm 2025 có 20% iPad và Apple Watch của Apple sẽ được sản xuất tại Việt Nam, tỷ lệ tai nghe không dây AirPods sản xuất tại Việt Nam sẽ lên tới 65%.

Sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Biden, Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình cũng đã đến thăm Việt Nam vào tháng 12 năm ngoái, cho thấy khá rõ ràng rằng Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh để giành chiến thắng lôi kéo Việt Nam về phe mình.

Nhưng những dấu hiệu cho thấy Việt Nam không mấy thiện chí với ông Tập Cận Bình. Sau cuộc gặp với lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, ông Tập đã công khai tuyên bố làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Việt Nam và xây dựng “Trung Quốc-Việt Nam chung vận mệnh”. Tuy nhiên tuyên bố từ Việt Nam chỉ đề cập “chia sẻ tương lai” mà không thừa nhận “chung vận mệnh”.

Cuối năm ngoái, kênh tự truyền thông “Ngã tư thế giới” của Đường Hạo (Tang Hao – người Mỹ gốc Trung Quốc chuyên theo dõi các vấn đề Trung Quốc) đã chỉ ra thay đổi này là rất quan trọng, cái gọi là “chung vận mệnh” là khẩu hiệu của mặt trận thống nhất quốc tế do phía Trung Quốc nghĩ ra từ Đại hội 18 ĐCSTQ, nếu Việt Nam chấp nhận khẩu hiệu đó là đồng nghĩa đã chọn phe – gia nhập phe Bắc Kinh. Vì vậy Việt Nam chuyển sang thuật ngữ “tương lai chung” để tránh bị ĐCSTQ ép vào phe.

Ông Đường Hạo phân tích một số lý do để Việt Nam giữ khoảng cách với Trung Quốc:

Thứ nhất, Việt Nam và Trung Quốc luôn có những xung đột lãnh thổ gay gắt ở Biển Đông, đây cũng là “lằn ranh Đỏ” mà không bên nào có thể nhân nhượng;

Thứ hai, ngày nay nhiều công ty toàn cầu đã rời khỏi Trung Quốc và chuyển đến Việt Nam, mang lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam;

Thứ ba, Chiến tranh Trung-Việt năm 1979 đã dạy cho Việt Nam một bài học lịch sử đau thương. Bởi khi đó Việt Nam tấn công Campuchia nhưng sau đó lại bị Bắc Kinh tấn công khiến ít nhất 30.000 binh sĩ và dân thường Việt Nam thiệt mạng. Khi đó ĐCSTQ đưa quân sang trả đũa Việt Nam xóa bỏ chế độ Khmer Đỏ do ĐCSTQ hậu thuẫn, mặt khác cũng muốn dùng việc tấn công Việt Nam như một biểu hiện lập công để thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ [bối cảnh khi đó quan hệ Mỹ và Việt Nam không tốt].

Ông Đường Hạo cho rằng với bài học lịch sử đau thương này và bây giờ với cuộc xung đột về chủ quyền Biển Đông, dĩ nhiên Việt Nam không thể dễ dàng tin tưởng Bắc Kinh, không thể hoàn toàn rơi vào quỹ đạo của ĐCSTQ.

Ông cũng cho rằng Bắc Kinh cố tình “ve vãn” Việt Nam chủ yếu vì Mỹ đang tích cực thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ngoài ra cả Việt Nam và Hàn Quốc đều trở thành đối tác chiến lược của Mỹ để giúp Mỹ kiềm chế bành trướng của Trung Quốc. Đồng thời Bắc Kinh cũng lo ngại quân đội Mỹ sẽ quay trở lại Việt Nam để thiết lập căn cứ quân sự, như vậy sẽ gây bất lợi cho quyền bá chủ của ĐCSTQ ở Biển Đông.

Ông Đường Hạo cho rằng trong tình hình quốc tế đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam đã lựa chọn “thân Mỹ, xa Trung Quốc”, có thể trở thành địch thủ mạnh của Bắc Kinh trong tương lai.


Khẩu chiến Việt Nam – Trung Quốc về chủ quyền trên biển

Tháng 12 năm ngoái, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình thăm cấp nhà nước Việt Nam, nhưng chỉ sau đó hơn một tháng thì Trung Quốc và Việt Nam lại một lần nữa khẩu chiến về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Liên quan đến tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam nhân kỷ niệm 40 năm trận hải chiến quần đảo Hoàng Sa năm 1974, Bắc Kinh ngày 24/1/2024 nhắc lại rằng quần đảo Tây Sa (Paracel Islands, Việt Nam gọi là quần đảo Hoàng Sa) và quần đảo Nam Sa (Spratly Islands, Việt Nam gọi là Trường Sa) đều là lãnh thổ của Trung Quốc, có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý.

Ngày 20/1, trả lời câu hỏi của truyền thông Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để có chủ quyền đối với “Quần đảo Hoàng Sa” và “Quần đảo Trường Sa”.

Nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố trong cuộc họp báo thường kỳ rằng Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên, và phát triển hoạt động tại những hòn đảo này, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực thi quyền tài phán chủ quyền đối với vùng đảo này để bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc.

Có dấu hiệu cho thấy tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam về chủ quyền các đảo, bãi đá ở Biển Đông bắt đầu căng thẳng hơn. Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã trồng cỏ hải long trên đảo Tri Tôn – hòn đảo cực nam của quần đảo Hoàng Sa dưới sự kiểm soát thực tế của họ, đồng thời đã treo những lá cờ Trung Quốc và cờ ĐCSTQ khổng lồ cùng khẩu hiệu “Tổ quốc vạn tuế” bằng tiếng Trung Quốc…

Hình ảnh vệ tinh từ tháng 9/2022 – 10/2023 cũng cho thấy Bắc Kinh đã mở một đường băng đơn giản dài khoảng 600 mét và rộng 15 mét trên đảo Tri Tôn của Việt Nam, đã xây dựng những công trình giống như bãi đậu máy bay trực thăng và sân bóng rổ.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ cho biết, ĐCSTQ trong 10 năm qua đã hoàn thành 16 dự án cải tạo và xây dựng đảo ở Biển Đông; trong khi để cạnh tranh với Trung Quốc, Việt Nam cũng xây dựng bồi đắp trên 20 hòn đảo ở Biển Đông, số diện tích bồi đắp được khoảng 3,5 km2.

Vào tháng 11 năm ngoái, một báo cáo do Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của CSIS công bố cho thấy, vòng dự án mở rộng mới nhất của Việt Nam tại Quần đảo Trường Sa bắt đầu vào năm 2021, trong đó dự án Rạn san hô Barque Canada (Barque Canada Reef) thu hút chú ý nhất. Mặc dù tổng diện tích bồi đắp của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/4 diện tích bồi đắp của Trung Quốc, nhưng diện tích bồi đắp của Việt Nam ở Biển Đông chỉ đứng sau Trung Quốc.


Tập đoàn Hoa Kỳ mua 49% kho cảng LNG Cái Mép

Dũng Phạm – 13:34, 08/03/2024

Atlantic, Gulf and Pacific sở hữu 49% kho cảng LNG Cái Mép

Kho cảng Thị Vải tại Bà Rịa Vũng Tàu. Ảnh: Petrovietnam

TheLEADERKho cảng LNG được kết nối bằng đường ống đến khu công nghiệp Phú Mỹ và cuối cùng sẽ cung cấp cho nhà máy điện Hiệp Phước đang được xây dựng của Công ty Hải Linh.

Theo nguồn tin từ Reuters, Atlantic, Gulf and Pacific LNG (AG&P), thành viên của tổ chức đầu tư và phát triển Nebula Energy của Hoa Kỳ, thông báo đã mua lại 49% cổ phần của kho cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Cái Mép tại Việt Nam.

Ông Karthik Sathyamoorthy, Giám đốc điều hành AG&P LNG, cho biết tổ chức này đang đặt mục tiêu cung cấp LNG bằng xe tải cho các công ty công nghiệp ở miền Nam vào khoảng tháng 9/2024, bao gồm các nhà sản xuất thép và dệt may.

Đây sẽ là kho cảng LNG thứ hai của Việt Nam đi vào hoạt động, sau kho cảng LNG Thị Vải của PV Gas cũng đang nằm tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, ông Sathyamoorthy cho biết cảng Cái Mép hiện đang trong quá trình chạy thử trước và sẽ tiến hành nhập khẩu hàng hóa chạy thử từ hai đến ba tháng trước khi có đợt khí nhập về đầu tiên vào tháng 9 tới đây.

Ngoài việc cung cấp khí LNG bằng xe tải, trạm này còn có khả năng vận chuyển hàng rời cho phép LNG được nạp lại vào các tàu nhỏ hơn để vận chuyển.

Theo AG&P, kho cảng này cũng được kết nối bằng đường ống đến khu công nghiệp Phú Mỹ và cuối cùng sẽ cung cấp cho nhà máy điện Hiệp Phước đang được xây dựng của công ty Hải Linh. Ông Sathyamoorthy cho biết, nhà máy điện dự kiến ​​sẽ bắt đầu phát điện vào khoảng tháng 9 – tháng 10/2025.

Ngoài ra, AG&P LNG còn thành lập liên doanh với Công ty Hải Linh là Vietfirst LNG Trading để kinh doanh và nhập khẩu sản phẩm khí LNG. Pháp nhân này dự kiến ​​sẽ nhận được giấy phép nhập khẩu trong vòng sáu tuần tới.

Được biết, Việt Nam đã nhập khẩu lô khí LNG đầu tiên vào tháng 7 để đưa vào vận hành kho cảng LNG Thị Vải với công suất một triệu tấn/năm, nơi sẽ chủ yếu cung cấp cho hai nhà máy điện khí với công suất tổng cộng 1,5 GW đang được xây dựng tại tỉnh Đồng Nai.

Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), thành viên thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cho biết trong một tuyên bố tuần trước rằng họ sẽ triển khai hoạt động kinh doanh xe bồn LNG từ ngày 15/3 để cung cấp nhiên liệu cho các công ty công nghiệp và đặt mục tiêu nâng công suất của kho cảng lên 3 triệu tấn/năm vào năm 2026.

Được phát triển bởi Công ty TNHH Hải Linh – “ông trùm” xăng dầu đang nắm giữ nhiều dự án quan trọng trong quy hoạch ngành công nghiệp khí, cảng Cái Mép có trị giá 500 triệu USD nằm ở phía nam tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, có công suất 3 triệu tấn/năm.

Trước đó, ngày 29/10/2023, tại Khu công nghiệp Cái Mép, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Petrovietnam và đơn vị thành viên PV GAS đã tổ chức khánh thành kho cảng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Thị Vải, kho LNG lớn nhất Việt Nam với công suất 1 triệu tấn/năm .

Kho cảng LNG Thị Vải được khởi công xây dựng vào ngày 28/10/2019 với tổng vốn đầu tư gần 300 triệu USD, do PV GAS làm chủ đầu tư, cùng liên danh tổng thầu Samsung C&T và Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC).

Với khả năng lưu trữ năng lượng lớn và giảm lượng khí thải độc hại, LNG đã trở thành một giải pháp thân thiện với môi trường và tiết kiệm chi phí đáng kể. Hiện nay trên thế giới, LNG được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp như điện, sản xuất thép, kim loại… LNG cũng có thể được sử dụng trong các phương tiện giao thông, cũng như cung cấp năng lượng cho các khách sạn, nhà hàng và các khu du lịch…

https://theleader.vn/tap-doan-hoa-ky-mua-49-kho-cang-lng-cai-mep-1709870168905.htm

Bình Thuận: cháy hơn 200 xe mô tô tang vật tại Công an Tánh Linh

RFA
10/3/2024

Bình Thuận: cháy hơn 200 xe mô tô tang vật tại Công an Tánh Linh

Cháy tại bãi chứa mô tô tang vật ở CA Tánh Linh 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngCông an Bình Thuận 

Khoảng 200 mô tô vi phạm hành chính đang cất giữ trong kho xe tang vật của Công an Tánh Linh tỉnh Bình Thuận đã bị thiêu rụi.

Đại tá Lê Thành Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận cho truyền thông hay, trong ngày 10/3 đã trực tiếp đến hiện trường vụ cháy để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy.

Ông Hùng cho hay vụ cháy xảy ra vào khoảng 18g ngày 9/3, tại kho xe máy tang vật nằm trong khuôn viên trụ sở Công an huyện Tánh Linh. Mặc dù lực lượng chữa cháy tại chỗ đã triển khai nhanh phương án chữa cháy nhưng bãi xe chứa rất nhiều xe máy, môtô đã bốc cháy dữ dội, khói bốc cao cả chục mét.

Đến 18 giờ 45 ngọn lửa đã được khống chế tuy nhiên có khoảng hơn 200 mô tô là tang vật vi phạm hành chính cất giữ trong kho xe tang vật đã bị thiêu rụi.


Cảnh sát Nhật bắt bốn người Việt ăn cắp tại nhiều cửa hàng Uniqlo

RFA – 10/3/2024

Cảnh sát Nhật bắt bốn người Việt ăn cắp tại nhiều cửa hàng Uniqlo

Người mua sắm đứng xếp hàng trước một cửa hàng thời trang ở Tokyo hôm 14/12/2018. 

AFP 

Một nhóm bốn người Việt bao gồm cả nam và nữ bị cảnh sát Nhật Bản bắt với cáo buộc ăn cắp quần áo tại nhiều cửa hàng Uniqlo ở Nhật Bản.

Nhóm bốn người bị bắt gồm hai người đàn ông và hai phụ nữ ở độ tuổi 30 và 40, bị nghi ngờ liên quan đến 67 vụ trộm cắp ở Tokyo và 7 khu vực khác, bao gồm Osaka và Fukuoka. Tổng thiệt hại do nhóm người này gây ra ước tính khoảng 20 triệu yen (tương đương 135.000 USD).

Khai với cảnh sát, những người này cho biết họ đến Nhật Bản để thoát nghèo vì nợ nần ở quê nhà. Hãng tin Kyodo News loan tin trên trong ngày 7/2 và được truyền thông Việt Nam dịch đăng hai ngày sau đó.

Một người trong nhóm nói trong phiên điều trần đầu tiên tại Toà án quận Fukuoka rằng họ bị một kẻ cầm đầu đường dây dụ dỗ và đưa ra cho họ một mức thù lao lớn nếu họ đồng ý đến Nhật Bản để ăn cắp ở các cửa hàng.

Kẻ cầm đầu đường dây (không nêu rõ danh tính) đã dạy cho họ các kỹ thuật ăn cắp khi còn ở Việt Nam. Người này cũng sắp xếp để họ đi du lịch theo nhóm đến Nhật.

Người này cho biết thêm cuộc sống ở quê nhà rất khó khăn, cô chỉ kiếm được 50.000 yen (hơn 8,3 triệu đồng/tháng) nhờ nghề bán trái cây. Với số tiền trên, cô thậm chí không thể đóng nổi học phí cho con mình.

Vào năm 2019, theo thống kê, người Việt Nam xếp thứ ba tỷ lệ người nước ngoài sống tại Nhật bản, sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, cộng đồng người Việt tại Nhật nổi tiếng vì có tỷ lệ tội phạm cao nhất so các quốc tịch khác.

Thống kê của cảnh sát Nhật ghi nhận hơn 5000 vụ người Việt trộm cắp trong năm 2017, và hơn 3000 vụ trong năm 2016, hiện chiếm hơn 30% tổng số tội phạm của người nước ngoài tại Nhật.

Theo Japan Times, trong năm 2018, số người Việt sống ở Nhật đã tăng 26,1% so với một năm trước, lên gần 331.000, chiếm 8% người nước ngoài đang sống tại đây.