Quê Hương tổng hợp
Nga khen Việt Nam ‘công bằng, khách quan’ về cuộc xâm lược Ukraine – 20/02/2023
Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang Nga Andrey Yatskin bắt tay Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ trong một cuộc hội kiến tại Hà Nội, ngày 17 tháng năm 2023.
Một nhà lãnh đạo của Thượng viện Nga trong chuyến thăm Việt Nam mới đây nói rằng ông đánh giá cao lập trường “cân bằng, khách quan” của Việt Nam về điều mà phía Nga gọi là cuộc khủng hoảng Ukraine và chiến dịch quân sự đặc biệt đang được tiến hành ở nước này.
Nhà chức trách Nga dùng những thuật ngữ này để mô tả cuộc chiến tranh xâm lược mà Tổng thống Vladimir Putin phát động vào ngày 24 tháng 2 năm ngoái, viện dẫn lý do “giải trừ phát xít” nước láng giềng. Cuộc chiến kéo dài gần một năm đã giết chết hàng chục ngàn người và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Andrey Yatskin, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang của Nga, hôm 17 tháng 2 hội kiến Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ tại Hà Nội trong một chuyến thăm và làm việc cũng bao gồm các chặng dừng chân ở thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đại sứ quán Nga tại Việt Nam cho biết trong một bản tin đăng trên Facebook.
“Việc Việt Nam từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt Nga bất hợp pháp một lần nữa khẳng định bản chất hữu nghị và tin cậy truyền thống của quan hệ hai nước chúng ta luôn không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi của tình hình,” ông được đại sứ quán dẫn lời nói.
“Chúng tôi đánh giá đặc biệt cao việc Việt Nam đồng bảo trợ và tiếp tục ủng hộ nghị quyết hàng năm do Nga đề xuất ‘Chống lại sự tôn vinh chủ nghĩa quốc xã, chủ nghĩa tân quốc xã và các hành vi khác đang làm gia tăng các hình thức phân biệt chủng tộc hiện đại, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan.’”
Ông Yatskin cũng tham dự cuộc họp Nhóm hợp tác giữa Hội đồng Liên bang với Quốc hội Việt Nam và Nhóm hữu nghị Nga – Việt do Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Khắc Định làm Trưởng đoàn. Hai bên được nói là trao đổi kỹ lưỡng quan điểm về “một loạt các vấn đề thời sự cấp thiết” trong chương trình nghị sự song phương và quốc tế, đại sứ quán nói.
Ông Yatskin nhấn mạnh trong điều kiện bất ổn địa chính trị đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ, các nghị sĩ Nga quyết tâm tăng cường hơn nữa hợp tác nhiều mặt với Việt Nam trong nhiều vấn đề và định hướng, bao gồm thương mại và đầu tư, quốc phòng và an ninh, khoa học và công nghệ, giáo dục và văn hóa, theo đại sứ quán.
Truyền thông nhà nước Việt Nam không đề cập đến Ukraine như một vấn đề được bàn luận giữa ông Huệ và ông Yatskin. Một bản tin của Thông tấn xã Việt Nam nói ông Huệ khẳng định Nga là một trong những đối tác ưu tiên, quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
“Quốc hội Việt Nam mong muốn tiếp tục hợp tác thực chất và hiệu quả với Liên bang Nga trên các lĩnh vực, vì lợi ích chung của hai dân tộc, vì hòa bình ổn, định, phát triển tại khu vực và trên thế giới,” bản tin nói.
Ông Huệ cảm ơn sự giúp đỡ mà nhà nước và nhân dân Nga đã dành cho Việt Nam trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và trong công cuộc phát triển đất nước ngày nay, theo thông tấn xã.
Ông cũng được nói “vui vẻ nhận lời” mời thăm chính thức Nga của Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko được ông Yatskin mang tới trong một bức thư, đồng thời gửi lời mời bà thăm chính thức Việt Nam vào thời điểm thích hợp.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nhiều lấn nói Việt Nam không chọn bên trong cuộc chiến ở Ukraine mà chọn công lý, lẽ phải. Tuy nhiên trên thực thế, Việt Nam đã cố gắng hết sức để tránh làm phật lòng Nga, nước mà Hà Nội quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, tại các cuộc biểu quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong năm qua bằng phiếu trắng hoặc phiếu chống đối với các nghị quyết chỉ trích Nga.
Công ty TNHH Pou Yuen cắt giảm 3.000 lao động
20/02/2023
Công nhân nhà máy Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam ở TPHCM
Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam đóng tại TPHCM vừa quyết định không gia hạn hợp đồng với 3.000 công nhân có hợp đồng lao động từ 1 – 3 năm, đồng thời sẽ cắt giảm 3.000 lao động trong tháng hai. Những công nhân bị cắt giảm trong tháng hai không đi làm nhưng vẫn được trả lương cho đến khi nhận chế độ. Lý do mà công ty đưa ra là khó khăn đơn hàng.
Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam thuộc Tập đoàn quốc tế Pou Chen của Đài Loan, hoạt động ở lĩnh vực sản xuất giày, là công ty đông lao động nhất ở TP HCM với khoảng hơn 50.000 người.
Hồi cuối năm ngoái, công ty này đã phải cho gần 20.000 lao động nghỉ luân phiên một ngày trong tuần do không có đủ đơn hàng.
Trước đó, vào tháng 6/2022, công ty cũng chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 2.800 công nhân.
TPHCM vào cuối năm ngoái gặp phải tình trạng hàng loạt doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ việc vì thiếu đơn hàng. Thống kê của chính quyền địa phương cho thấy, có ít nhất 110.000 lao động của thành phố đông dân nhất Việt Nam bị mất và thiếu việc, trong số này có 6.300 công nhân bị cắt giảm. Công đoàn thành phố dự báo năm 2023, đơn hàng ở một số ngành, doanh nghiệp giảm đến 40%, đơn giá giảm 20%, việc làm của người lao động tiếp tục bị ảnh hưởng.
Trung Quốc và Việt Nam liệu có quên được cuộc chiến 17/2/1979?
Phân tích của Mai Luân
19/02/2023
Những người lính ở một đơn vị pháo của Việt Nam đang chống trả các cuộc tấn công của Trung Quốc trên biên giới thuộc tỉnh Lạng Sơn hôm 23/2/1979
AFP
Một nghịch lý lớn nhất của bang giao Trung – Việt là, cũng có lúc nền chính trị đại bá Trung Hoa lại trùng phùng với nền chính trị “tay co tay duỗi” xứ Đông Lào. Ở chỗ, kể cả kẻ bị cho là đã thất bại lẫn người được coi là bên thắng cuộc – cả hai – đôi lúc đều muốn lãng quên cuộc chiến đẫm máu 17/2/1979.
__________
Nhưng Trung Quốc không nhất quán
Cho đến nay, nhìn chung, lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa nuốt trôi thảm bại trong cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam năm 1979. Trung Quốc giải thích mục tiêu của cuộc chiến tàn khốc ấy là để “thực hiện cuộc phản công tự vệ đối với Việt Nam”. Trong cuộc chiến tranh ngắn ngủi và đẫm máu ấy, Trung Quốc đã huy động đến 60 vạn quân cùng với chín quân đoàn chủ lực, hơn 2.500 khẩu pháo, 500 xe tăng và thiết giáp đồng loạt vượt biên giới tiến vào 6 tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu.
Số quân nói trên vượt xa cả số quân của Pháp và Mỹ huy động suốt trong thời gian dài của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và thứ hai. Ấy vậy mà, sau 25 – 27 ngày giao tranh của thời kỳ đầu, theo ước tính, có từ 20 nghìn đến 62.500 lính Trung Quốc thương vong, trong khi phía Việt Nam, khoảng từ 35 nghìn đến 50.000. Cuộc xung đột ban đầu xảy ra trong thời gian ngắn, mà đã gây ra con số thương vong cao như vậy cho mỗi bên đủ nói lên sự ác liệt và man rợ của cuộc chiến biên giới (1).
Phải nhìn nhận thảm bại của Trung Quốc không chỉ là số thương vong cao nói trên, mà còn ở chỗ suốt thời kỳ đầu, Việt Nam chỉ mới dùng đến địa phương quân để đối phó với chiến thuật “biển người” của Trung Quốc, quân chính quy chỉ nhập cuộc muộn hơn. Ấy vậy mà Trung Quốc không tiến sâu được vào đất Việt Nam. (Chỗ vào sâu nhất là Bảo Thắng, Lào Cai cách biên giới hơn 50km. Thị xã Lạng Sơn cách biên giới khoảng 10km). Đấy vừa nỗi đau, vừa nỗi nhục của “quân giải phóng nhân dân” PLA mà Trung Quốc không muốn sử sách nhắc đến. Tại hội nghị Quân chính tháng 3/1979, Đặng Tiểu Bình chỉ trích tướng lĩnh Trung Quốc: “Đánh lần này vũ khí, quân số đều gấp nhiều lần Việt Nam. Ở Cao Bằng gấp 5 – 6 lần. Ở Lạng Sơn, Lào Cai gấp 6 – 7 lần nhưng thương vong của chúng ta gấp bốn lần so với Việt Nam. Uy tín của chúng ta đã bị hủy diệt”.
Tuy nhiên, thái độ của nhà cầm quyền Trung Quốc không nhất quán. Không phải lúc nào họ cũng hoàn toàn quên dư vị cay đắng do thảm bại về các mặt gây ra. Năm 2021, trong dịp Hội nghị Thượng đỉnh với “500 đảng anh em” (ngày 6/7) và ăn mừng sinh nhật ĐCSTQ (ngày 1/7), Bắc Kinh vẫn liệt kê các cuộc xâm lược trong lịch sử cận đại chống lại Việt Nam trong các năm 1974, 1979, 1988 như là những thành tựu nổi bật. Những sự kiện đau lòng này được Tổng bí thư Tập Cận Bình đúc kết như là chuỗi thành tích trong 100 năm tồn tại của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ấy vậy mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự buổi lễ mà không dám có bất cứ một phản ứng nào đối với ĐCSTQ cả (2). Vậy là mỗi lúc có nhu cầu tuyên truyền để kích động dư luận trong nước, Trung Quốc vẫn không ngần ngại nhắc lại cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tháng 2/1979.
Người dân tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc nhân ngày kỷ niệm chiến tranh biên giới lần thứ 37 ở Hà Nội hôm 17/2/2016. AFP
Còn Việt Nam thì “tay co tay duỗi”
Mặc dầu Việt Nam tuyên bố chiến thắng trong cuộc đánh trả quân Trung Quốc xâm lược, nhưng cuộc chiến đã để lại hậu quả lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam và căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước. Khác với Trung Quốc là bên được cho là thua cuộc nhưng khi cần, ĐCSTQ vẫn ngợi ca chiến thắng “trong tưởng tượng” đối với cuộc chiến 17/2. Tuy là bên thắng cuộc nhưng ĐCSVN lại có nhiều lý do hơn để thật sự muốn lãng quên cuộc chiến 17/2. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân vẫn là do tâm lý “thuộc quốc” trong một bộ phận lãnh đạo. Tâm lý ấy đẻ ra chính sách “tay co tay duỗi” – thò ra thụt vào, không đường đường chính chính – đối với các di sản của cuộc chiến.
Nhưng “nỗi sang chấn tinh thần” lớn nhất đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam chính là sự hụt hẫng khi cảm thấy mất chỗ dựa về ý thức hệ trong thời kỳ “hậu chiến tranh lạnh”; nên vẫn không dám chọc vào sỹ diện của Trung Quốc, vẫn muốn vớt vát từ mối quan hệ “vừa yêu vừa ghét” ấy. TBT Nguyễn Văn Linh sinh thời đã từng chạy đôn chạy đáo trong gió tuyết Berlin (tháng 10/1989) để vận động một số nước xã hội chủ nghĩa nên có hội nghị tăng cường đoàn kết giữa các đảng để cứu CNXH, nhưng đa số các đảng cộng sản hồi ấy đều làm ngơ. Hội nghị Thành Đô một năm sau đó (tháng 9/1990) đã tạo cơ sở để lập lại hòa bình trên biên giới Việt – Trung. “Một biên giới chiến trường bắt đầu có cơ hội chuyển sang biên giới thị trường” (Huy Đức). Những thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao giữa ĐCSTQ với ĐCSVN về việc không nhắc lại những “góc khuất” của quá khứ, trong đó có cuộc chiến tranh 17/2, có thể đã ra đời trong bối cảnh ấy.
Vẫn biết hàng năm, ĐCSVN không chỉ cấm tiệt báo chí và các phương tiện truyền thông khác viết bài nhắc lại cuộc chiến tranh vệ quốc 17/2, cấm hẳn việc tổ chức các cuộc hội thảo, các buổi lễ tưởng niệm. Đảng còn đi xa hơn bằng cách trong nhiều năm đã bắt bớ, đàn áp, thậm chí là bỏ tù một số người tham gia các hoạt động nói trên. ĐCSVN biết rằng hành động chống lại nhân dân như thế tức vô hình chung Đảng đang đánh mất tính chính danh của mình trong lòng dân tộc. Năm 2023 này, mọi chuyện lại càng phải im ắng hơn, vì TBT Nguyễn Phú Trọng vừa mới đi thăm chính thức Trung Quốc về.
So sánh tuyên bố chung giữa Trung Quốc với Việt Nam và giữa Trung Quốc với Campuchia, thấy có sự khác nhau khá cơ bản. Đó là, tuy cam kết “chia sẻ tương lai chung” với Trung Quốc, nhưng Thủ tướng Hun Sen không hưởng ứng đối với “Sáng kiến Phát triển toàn cầu” (GDI) và “Sáng kiến An ninh toàn cầu” (GSI) như TBT Nguyễn Phú Trọng đã cam kết. Điều này quan trọng ở chỗ: GDI, GSI cùng với BRI sẽ là những trụ cột của “Trật tự Trung Hoa” mà Trung Quốc đang thiết kế để thay thế Trật tự hiện nay của Hoa Kỳ và các nền dân chủ khác.
Khi “chiếc xe ngựa” Đông Lào bị “bịt mắt” để nối chuyến với “đầu tàu” Bắc Kinh, như Tuyên bố chung Tập – Trọng, dĩ nhiên từ nay, ĐCSVN càng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” (3). Nghĩa là những người dân thật sự muốn quan tâm đến vận mệnh và tương lai đất nước, sẽ không còn nhiều cơ hội để được nhắc lại những ký ức bi tráng về cuộc chiến tranh vệ quốc ngày 17/2/1979. Và năm này qua năm khác, chúng ta lại sẽ được nghe lời giải thích giả dối của Đảng và Nhà nước: Không nên nhắc lại cuộc chiến năm xưa, vì làm như thế, “các thế lực thù địch” sẽ lợi dụng để xuyên tạc và phá hoại tình hữu nghị Việt – Trung.
Thiếu tướng Công an Đỗ Hữu Ca bị tạm giữ vì liên quan vụ án trốn thuế
20/02/2023
Nguyên Giám đốc Công an TP Hải phòng, thiếu tướng Đỗ Hữu Ca
Báo Chính Phủ
Nguyên Giám đốc Công an Hải Phòng, thiếu tướng Đỗ Hữu Ca hôm 18/2 đã bị bắt giữ để điều tra vì liên quan đến một vụ án trốn thuế.
Cổng thông tin điện tử Bộ Công an hôm 19/2 cho biết ông Ca bị Cơ quan An ninh điều tra tạm giữ để xác minh, làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ án hình sự “Trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”. Thông báo không cho biết cụ thể liên quan của ông Ca trong vụ án này là gì.
Báo Nhà nước trích lời trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết, vù bắt giữ được tiến hành khi Công an mở rộng điều tra vụ án “Trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước” xảy ra tại tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng. Liên quan đến vụ án này, ngày 18/2, Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Quảng Ninh phối hợp với một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và công an một số tỉnh thành tiến hành tố tụng đối với một người liên quan.
Ông Đỗ Hữu Ca, sinh năm 1958, đã từng nắm giữ chức Giám đốc Công an TP Hải Phòng từ tháng 7/2010 đến tháng 6/2013. Ông nghỉ hưu vào tháng 7/2013 khi giữ các chức vụ bao gồm Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên UBND TP Hải Phòng, Bí thư Đảng ủy, GĐ Công an thành phố; đại biểu HĐND TP Hải Phòng khóa XIV.
Ông Ca nổi tiếng trên báo chí và mạng xã hội khi ông là người đứng đầu trong vụ cưỡng chế đất của nông dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng hồi năm 2012 dẫn đến việc nổ súng bảo vệ đất của gia đình ông Vươn khiến bốn công an và hai dân thường bị thương. Sáu người dân đã bị bắt và khởi tố sau vụ cưỡng chế
Phiên toà xét xử hồi tháng 4/2013 đã tuyên ông Đoàn Văn Vươn năm năm tù vì tội giết người, ba người khác trong gia đình ông Vươn bị tuyên án từ hai năm đến năm năm tù cùng tội danh. Hai người khác bị án treo từ 18 tháng đến 36 tháng với cáo buộc chống người thi hành công vụ.
Vụ cưỡng chế đất sau đó bị Chính phủ kết luận là sai. Cựu Chủ tịch huyện Tiên Lãng là Lê Văn Hiền cùng bốn cựu quan chức khác của huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang, nơi xảy ra vụ cưỡng chế, bị truy tố. Tuy nhiên, theo Bộ Công an, lãnh đạo Công an Hải Phòng và lãnh đạo Công an huyện Tiên Lãng đã kiểm điểm trách nhiệm trong công tác tham mưu, chỉ đạo, nắm tình hình và xử lý tình huống không tốt để gây ra hậu quả nghiêm trọng trong vụ việc cưỡng chế, thu hồi đất ở xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng).
Nỗi buồn Thu Cúc? – Nguyễn Hoàng Văn
Nét mặt thất thần của cựu chủ tịch trên bản tin của CNN làm tôi liên tưởng đến một Thu Cúc đang hoang mang bối rối trong cảnh cuối của Thu Cúc đi kiện, tác phẩm điện ảnh góp phần làm nên tên tuổi Trương Nghệ Mưu. [1] Liệu, giữa hai nhân vật quá cách xa nhau này, một hư và một thực, có chăng một chút xíu tương đồng?
Là nông dân ru rú trong làng quê hẻo lánh, không viết nổi một lá đơn, Thu Cúc có thể khiến cả cái cộng đồng nhỏ bé quanh mình và, thậm chí, cả chồng mình phát sợ với chồng đơn kiện cáo. Là nhà lãnh đạo quốc gia trưởng thành từ vùng đất nổi tiếng hay cãi, ông chủ tịch lại ăn nói như thể một nông dân và, thậm chí, không đọc nổi tên tắt của nước trong bài diễn văn chính trị rập khuôn. Một bên là cô nông dân có máu kiện và một bên là nhà chính trị của đất cãi. Mà “cãi”, ở đỉnh cao, cũng chính là “kiện”. “Cãi” là “kiện” nên tiếng Việt chúng ta mới song trùng “thầy cãi” – “thầy kiện”. “Cãi” là “kiện” nên, bên những yếu tố khách quan khác, ngày xưa Chúa Nguyễn mới lập lệ cho người nối ngôi vào Quảng Nam tập sự, bởi có trị được đám dân ưa lý sự và kiện cáo này thì mới đủ bản lĩnh để thống lĩnh bờ cõi.
Hành trình thưa kiện đầy chất hài của Thu Cúc đã kết thúc như một bi kịch, có thể thấy rõ qua nét mặt hoang mang nói trên bởi đòi hỏi đơn giản của cô vẫn chưa được đáp ứng trong khi sự việc bị đẩy sang một ngả rẻ khác, bất cận nhân tình. Thu Cúc “cãi” với bộ máy quan liêu địa phương sau khi chồng mình bị ông thôn trưởng đá sưng dái và, như Trương Nghệ Mưu đã nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn, cái mà Thu Cúc đòi hỏi là shuafa, là một lời phải trái, phân minh. [2] Nhưng, cả cái bộ máy quan liêu ấy, không ai chịu làm sáng tỏ nên vấn đề mới nghiêm trọng dần để rồi kết thúc một cách đau đớn với án tù cho viên thôn trưởng, một cái hậu hoàn toàn nằm ngoài sự mong đợi của cô, lại diễn ra ngay trong ngày ăn mừng đứa con trai nối dõi, vừa mới ra đời với sự giúp sức của ông thôn trưởng đã nhẵn tên trên chồng đơn kiện.
Hành trình quyền lực của ông chủ tịch thì kết thúc sớm sau khi bộ máy công quyền do ông trực tiếp điều hành đẩy đất nước vào một ngã rẻ cực kỳ bất nhân, ngay trong tình thế cực kỳ khẩn cấp của quốc gia. Cái kết ấy có thể hài với người ngoài và, kể ra, ở một góc cạnh nào đó, cũng khá… bi với người trong.
Toét mắt là tại hướng đình / Cả làng toét mắt chứ mình em đâu, nếu cả guồng máy cũng đều thế cả và, nếu thực tế là trường học lớn trong khi mỗi vấp ngã là bài học kinh nghiệm quý báu thì tại sao cựu chủ tịch không thể theo bao đồng chí tiền bối để tiếp tục cái phương châm của Lenin? Tại sao ông không thể “Rút kinh nghiệm, rút kinh nghiệm nữa, rút kinh nghiệm mãi”? Mà, tại sao những “tin đồn” về ông lại chính xác đến như thế? Và, sau cùng, sao lại là ông với cái gọi là “trách nhiệm đứng đầu” chưa từng thấy? Ông có bối rối, có ngơ ngác, có thất thần như thể Thu Cúc trong cảnh cuối cũng là điều dễ hiểu.
Càng dễ hiểu hơn cho cái kết cuộc này nếu lồng nó vào một tình tiết bi hài trong Thu Cúc đi kiện. Cô nông dân lên tỉnh ăn thua đủ với bộ máy quan liêu và, bên cái bàn nhỏ kê bên vỉa hè trước cửa cơ quan pháp lý, lão già viết đơn mướn ngước mắt lên minh xác yêu cầu đặt hàng, đại loại: Kiện cáo thế nào đây? Muốn kiện tử hình hay kiện chung thân? Muốn kiện 10 năm hay kiện 5 năm? Nghĩa là muốn kiện cỡ nào lão ta sẽ… chơi đơn theo cỡ đó. Muốn tử hình đối thủ, lão sẽ hành văn rát rạt giọng điệu sát nhân. Muốn chung thân, lão sẽ lơ lửng với những lời văn như chấn song nhà tù. Năm năm, mười năm, mười lăm năm tù, lão ta đều có cách văn vẻ và chấm phẩy phù hợp cho dù sau trước cũng chỉ là một câu chuyện. Người và việc vẫn thế nhưng ngôn ngữ diễn đạt không hề như thế và, ở đây, kết thúc của chủ tịch cũng vậy. Cựu chủ tịch và cái chính sách kiểm dịch cực kỳ bất nhân không đổi, chỉ có “lời văn” thay đổi. Và cựu chủ tịch, với chút sĩ diện cuối cùng, có thể “xin thôi”, với một quy trách chung chung là “trách nhiệm đứng đầu”.
Nhưng, cũng như Thu Cúc, bất cứ người dân nào, những nạn nhân trực tiếp và gián tiếp của cái lối rẽ cực kỳ bất nhân kia, đều có quyền được biết, được giải đáp tường tận về những giềng mối cụ thể của sự bất nhân. Họ muốn sự việc phải phân minh rõ ràng nhưng chỉ thấy rặt giọng phân bua, qua quýt, nửa vời. [3] Họ cần một sự phải trái rõ ràng nhưng chỉ có những hồi đáp mang tính “phải không”, cái kiểu thù tạc sáo rỗng, qua quýt và chiếu lệ, cho có.
Hơn thế nữa, như đã thấy qua bao nhiêu thí dụ như thế, đó còn là trò mèo vờn chuột. Người dân thắc mắc với “trách nhiệm cao nhất” thì chỉ thấy những tiểu tiết lặt vặt, thứ sai số có thể bỏ qua. Họ muốn sự việc phải phân minh với những giềng mối cụ thể thì chỉ thấy “trách nhiệm đứng đầu”, chung chung và nửa vời. Trò “chính trị của trách nhiệm” này, nhất định, là sản phẩm của mối quan hệ cộng sinh: Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa.
Kết tội người khác là một việc rất dễ dàng nhưng, nói theo một nhân vật trong bộ phim hành động Bullet Train, thì khi chúng ta xỉa một ngón tay vào mặt ai đó để điểm tội, ba ngón còn lại sẽ xỉa ngay vào mặt của chính chúng ta.[4] Khi guồng máy chính trị xỉa ngón tay vào mặt chủ tịch với bản cáo trạng cặn kẽ về “trách nhiệm đứng đầu” thì, hiển nhiên, ba ngón còn lại cũng sẽ xỉa ngay vào mặt nó với cùng một thứ “trách nhiệm”, không chỉ là trách nhiệm của một cơ chế mà cái đã kiến tạo nên chính cái cơ chế đó, cái hệ thống giáo huấn và đào tạo, cái hệ thống kiểm soát tất cả nhưng bất lực, không thể tự kiểm soát mình, v.v. Như thế thì, để cùng tồn tại, ắt phải có một lối ứng xử “vừa phải” nào đó, tương tự một thứ decent interval của tên cáo già ngoại giao Henry Kissinger hay, bình dân hơn, là “phải phải phân phân”: Ở cho phải phải, phân phân.
Chính vì bề trên “phải phải phân vân” với nhau nên bề dưới không bao giờ có được một sự phân minh phải trái trọn vẹn. Thu Cúc của Trương Nghệ Mưu – cô nông dân học trong cái làng chuyên canh ớt heo hút ở đâu đó tại vùng Thiểm Tây, sâu thẳm trong lục địa mênh mông của nước Trung Hoa, chẳng có quan hệ gì với cựu chủ tịch – không có đã đành. Hàng triệu “Thu Cúc” của chúng ta, cùng toàn thể gia quyến, cực kỳ gần gũi với cựu chủ tịch như là những nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp, cũng không có. Cô Cúc của Trương Nghệ Mưu nổi giận, quyết kiện tới cùng, tới cấp tòa cao hơn sau khi bị viên trưởng thôn, theo xử phạt ban đầu của địa phương, ném mớ tiền lẻ bồi thường xuống chân với cốt ý sỉ nhục. Những cô Thu hay nàng Cúc của chúng ta thì bị quát vào mặt, đòi phải nộp đến những đồng tiền lẻ cuối cùng. Thu Cúc của Trương Nghệ Mưu bối rối và hoang mang khi không đuổi kịp, bất lực nhìn chiếc xe công an áp giải viên trưởng thôn mà cô mang ơn đi đến nhà tù. Còn những nàng Thu cô Cúc của chúng ta thì thế nào khi mà, sự bối rối hay sự hoang mang, chỉ là một phần rất nhỏ trong rất nhiều sắc thái tình cảm biểu lộ trên khuôn mặt; từ mệt mỏi, chán chường đến khinh bỉ, cuồng nộ, uất hận, v.v.?
Câu trả lời, hẳn nhiên, đang sờ sờ ra đó, không cần phải viết thẳng ra…
Chú thích:
– Phim “Qiu Ju da guansi” (Thu Cúc đả quan ty) hay “Thu Cúc đi kiện”, các hãng phát hành Tây phương thì đặt tên “The Story of Qiu Ju” (Chuyện Thu Cúc). Phim dựa trên tiểu thuyết của Trần Nguyên Bân (Chen Yuanbin)
[2] Michel Ciment, “Asking the Questions: Interview with Zhang Yimou”, in trong tập Zhang Yimou Interviews, Frances Gateward biên tập, University Press of Mississippi, 2001, trang 17.
Từ lâu, vì xem phim này (“The Story of Qiu Ju”) với phụ đề Anh ngữ, tôi vẫn nghĩ rằng điều mà nữ nhân vật trên đòi hỏi một lời “xin lỗi” nhưng theo bài phỏng vấn trên thì không hẳn vậy.
Bài phỏng vấn Trương Nghệ Mưu xuất bản bằng Anh ngữ, nguyên văn: “… Before coming to Venice, I was asked this question in my country. I answered that what Qiu Ju wanted is a word she uses in the film shuafa, a Chinese word which does not refer to an excuse, but to answer, and explanation or clarification.”
Theo nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng (BBT Văn Việt) và nhiều người am hiểu tiếng Hoa thì shuafa có thể là 说法 thuyết pháp, với nghĩa là làm rõ, giải thích; và câu trên có thể tạm dịch là “Trước khi đến Venice tôi đã được hỏi câu này. Tôi trả lời rằng điều Thu Cúc muốn là từ mà chị dùng trong phim shuafa, một từ ngữ tiếng Hoa không có nghĩa xin lỗi, mà là một câu trả lời, một sự giải thích hay làm sáng tỏ sự việc”.
Trong bài viết tôi tạm sử dụng từ “trái phải, phân minh” để diễn đạt ý này của Trương Nghệ Mưu.
[4] Thực ra là ba ngón, nhưng nhân vật trong phim (Bratt Pitt thủ vai), lại gom đủ bốn: “When you point a finger at someone in blame there are four fingers pointing back at you,”
Nỗi buồn Thu Cúc?